XIN ĐỪNG “THỬ VÀ SAI” NỮA!
( 10-04-2015 - 06:23 PM ) - Lượt xem: 1099
Các chuyên gia về tư duy sáng tạo (thinking) dùng thuật ngữ “thử và sai” để chỉ một đường lối giải quyết vấn đề mà không dựa trên các nguyên lý khoa học. Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, đã có những trường hợp đi theo đường lối này: cơ quan hữu trách tự đưa ra một giải pháp để áp dụng thử, nếu thấy kết quả sai thì lại nghĩ ra giải pháp khác để thử nữa, và cứ thế tiếp tục cho đến khi đạt một kết quả nào đó.
1. Bản dự thảo “Chương trình tổng thể Giáo dục Phổ thông” (áp dụng sau năm 2015) do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và đệ trình (tháng 4-2014) là một giải pháp sai đã bị Quốc Hội bác bỏ. Chưa rõ các sai lầm trong đó sẽ được sửa chữa như thế nào, Bộ đã đưa ra hai phương án cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi chọn một để áp dụng ngay cho kỳ thi năm 2014. Nhận thấy phương án đó có vẻ chưa đúng, Bộ lại đề xuất 3 phương án mới để lựa chọn cho kỳ thi năm 2015 với tham vọng tạo nên kỳ thi “hai trong một”( vừa dùng cho việc xét tốt nghiệp THPT, lại vừa dùng để tuyển sinh Đại học-Cao đẳng). Trong khi cuộc tranh luận để chọn phương án nào còn chưa ngã ngũ, Bộ đã ban hành dự thảo “ Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia” và chuẩn bị áp dụng cho kỳ thi năm 2015.
Nếu đối chiếu với những nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại, ta sẽ thấy đường lối “thử và sai” mà Bộ đang tiến hành sẽ không đưa đến kết quả tốt đẹp. Nguyên lý khoa học chỉ ra rằng: mỗi kỳ thi chính là một cuộc đánh giá mục tiêu cần đạt của một chương trình giáo dục. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự đánh giá thành quả đạt được của mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gắn liền với chương trình THPT mới. Khi chương trình THPT cũ vẫn đang được thực hiện mà đã đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đó là một quy trình ngược, sẽ làm rối loạn chương trình học hiện hành mà không thể đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, kỳ thi Tuyển sinh ĐH-CĐ có mục tiêu khác với kỳ thi Tốt nghiệp THPT, nên không thể ghép hai kỳ thi này vào một. Vì vậy, việc tổ chức “Kỳ thi THPT quốc gia” duy nhất (không phải thi “tốt nghiệp” mà cũng không phải thi “tuyển sinh”) là một sai lầm, khiến cho mục tiêu của cả hai kỳ thi này đều trở nên bất cập. Sai lầm đó được thể hiện ngay trong văn bản dự thảo Quy chế. Với quy định “Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi”, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm rối loạn chương trình THPT hiện hành, do hàng loạt các môn ít được hoặc không được học sinh chọn thi sẽ bị cắt xén hay triệt tiêu, nên không thể đáp ứng mục tiêu giáo dục đã quy định. Mặt khác, để được xét tuyển vào ĐH-CĐ, thí sinh “đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng”. Nhưng 8 môn thi quy định trong Kỳ thi THPT quốc gia lại không đủ để xét tuyển cho rất nhiều trường ĐH-CĐ đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng khác. Do đó, lại phải có quy chế riêng cho “các trường tổ chức tuyển sinh riêng”, bao gồm cả việc “tổ chức thi tuyển” riêng. Thế tức là việc tuyển sinh ĐH-CĐ vẫn phải vượt ra ngoài “Kỳ thi THPT quốc gia” thì mới đạt được các mục tiêu của nó.
Như vậy, “Kỳ thi THPT quốc gia” với 3 phương án dự kiến cho nó chỉ biến chương trình THPT hiện hành thành một đợt “luyện thi ĐH-CĐ” đầy thiếu sót và bất cập.
2. Để thoát khỏi đường lối “thử và sai”, chúng ta cần dựa vào các nguyên lý khoa học để giải quyết vấn đề theo lộ trình và giải pháp đúng đắn. Theo đó, mọi vấn đề về đổi mới chương trình học, đổi mới hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được giải quyết tốt.
Trước hết, phải thừa nhận việc Bộ quyết định xóa bỏ kỳ thi quốc gia Tuyển sinh ĐH-CĐ để trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường là một giải pháp đúng đắn và khả thi theo lộ trình thích hợp đã vạch rõ. Vấn đề còn lại là: kỳ thi quốc gia Tốt nghiệp THPT sẽ phải đổi mới như thế nào để đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của chương trình học, đồng thời sử dụng được kết quả cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ?
Theo khoa học giáo dục, “thi” (tức “đánh giá”) là một thành tố không thể tách rời của mỗi chương trình học; cho nên cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một bộ phận của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo mô thức quốc tế, trong đó sẽ có cách thi tốt nghiệp tương thích với kiểu chương trình học đã được lựa chọn. Thí dụ, nếu chương trình THPT mới (đã được lùi thời hạn thực hiện đến năm 2018) thuộc kiểu chương trình phân ban (như chương trình Tú tài Phân ban Pháp chẳng hạn), thì kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo nguyên tắc “học ban nào thì thi theo ban đó”; nếu chương trình mới này thuộc kiểu chương trình học tự chọn theo học chế tín chỉ (như của Hoa Kỳ), thì học sinh chỉ cần tích lũy đủ điểm các tín chỉ đã chọn là sẽ tốt nghiệp, không cần có kỳ thi quốc gia nào nữa.
Trong khi chờ đợi chương trình THPT mới (bao gồm cả cách thức thi tốt nghiệp của nó), chương trình hiện hành (với rất nhiều nhược điểm và bất hợp lý) vẫn tiếp tục được thực hiện, nên việc thi tốt nghiệp vẫn phải tiến hành theo cách thức sẵn có tương thích với nó (thi 6 môn với 3 môn cố định và 3 môn luân chuyển). Tuy nhiên, chúng ta có thể và cần phải áp dụng một số biện pháp để cải thiện và nâng cao giá trị của kỳ thi này: cải tiến cách ra đề thi để loại bỏ vấn nạn học thuộc lòng mà đánh giá được năng lực của học sinh, cải tiến cơ chế quản lý và sửa đổi tiêu chuẩn thi đua nhằm xóa bỏ “bệnh thành tích” để có kết quả thi tốt nghiệp đúng với trình độ thực chất của học sinh…
3. Từ cuộc Cải cách giáo dục trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, qua cuộc Đổi mới Giáo dục cuối thế kỷ, đến cuộc Đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông đầu thế kỷ XXI, nền giáo dục nước ta đã trải qua 3 đợt “thử và sai” lớn mà kết quả là hiện nay chúng ta lại phải tiến hành cuộc Đổi mới Giáo dục “căn bản và toàn diện” nữa. Để cuộc Đổi mới lần này không đi theo vết xe đổ của các cuộc trước, chúng ta cần dứt khoát từ bỏ đường lối “thử và sai” để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới và giải quyết mọi vấn đề của sự nghiệp giáo dục-đào tạo theo các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại. Muốn vậy, sứ mệnh thực hiện đổi mới phải được giao cho những người thực sự am hiểu các bộ môn của khoa học này, để họ tham chiếu các mô thức tiên tiến trên thế giới mà tìm ra giải pháp đúng để áp dụng cho Việt Nam. Vì tương lai của nền giáo dục nước nhà, xin Bộ đừng tiếp tục “thử và sai” nữa.
Nhà giáo LÊ VINH QUỐC