VĨNH BIỆT PGS LÊ SƠN, THÀNH VIÊN LỚN CỦA CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG
( 12-01-2021 - 07:40 PM ) - Lượt xem: 661
Nhà văn Khoa Đăng giới thiệu ông là dịch giả Lê Sơn, là hội viên HNV Việt Nam mới từ Hà Nội vào ở với con gái 3 tháng nay đồng thời còn là bạn rất thân của ông.
BUỔI ĐẦU GẶP GỠ
Sáng nào cũng vậy ngay tại bàn đá sân trước nhà tôi luôn có một nhóm gồm các bậc lão thành là những nhà văn, nhà giáo...tụ tập trà lá, cà phê và đàm đạo mọi chuyện đông tây kim cổ. Họ là những thành viên gội cạo của CLB như: PGS.TS Đoàn Trọng Huy, TS. Lê Vinh Quốc, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà giáo Phạm Vũ Động, nhà báo Vũ Đức Vinh, đọc giả Lâm Phi Hùng và thi thoảng còn có TS. Phan Mạnh Hùng, nhà giáo Lưu Đình Tuân, vợ chồng nhà giáo Huỳnh Thị Thành…
Thư 6 ngày 3/7/2015, PGS Lê Sơn đến nhóm trà lá CLB
Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy là sáng thứ 6 ngày 3/7/2015, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi xe đạp tới dẫn theo một người cũng đi xe đạp. Người ấy to cao. Cao phải đến 1,75m trông như Tây với giọng nói sang sảng, mạnh mẽ.
Nhà văn Khoa Đăng giới thiệu ông là dịch giả Lê Sơn, là hội viên HNV Việt Nam mới từ Hà Nội vào ở với con gái 3 tháng nay đồng thời còn là bạn rất thân của ông.
Hôm đó nhóm trà lá chúng tôi có ông Lê Vinh Quốc, ông Lưu Đình Tuân, ông Phan Mạnh Hùng, anh Lâm Phi Hùng và tôi. Khi trò chuyện với ông tất cả chúng tôi đều nhận thấy ở ông là sự cởi mở, chân thành và rất thẳng thắn. Tôi càng vui hơn khi được biết ông là dịch giả của 2 bộ sách nổi tiếng mà tôi thích thú từ trước: “Không chốn nương thân” của Lônax Avigiux; “Kết cục” của B.Pô-lê-vôi và còn nhiều cuốn khác do ông dịch.
Rồi từ đó hầu như sáng nào ông cũng đến trà lá với chúng tôi và trở thành thành viên của CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng. Ông là một thành viên rất tích cực, hăng hái viết bài tập san, tham gia hầu hết các buổi sinh hoạt của CLB.
Cuộc đời ông thật đáng để cho tôi cũng như nhiều người khác nên học tập theo. Ông là một PGS nghiên cứu và dịch thuật văn học Nga - Xô Viết. Ông được đào tạo ở Nga từ nhỏ. Ông là một trong 100 du học sinh đầu tiên được chọn đào tạo ở Liên Xô từ năm 1954. Sang Liên Xô ông được đi học tiếp văn hóa và đậu vào trường Đại học Sư Phạm quốc gia Moscow. Năm 1961 ông về nước công tác tại viện Văn Học Việt Nam đến 1973. Từ 1973 đến khi nghỉ hưu (2003), ông là PGS công tác tại Viện Thông tin KH - XH với chức danh trưởng phòng. Ông đã dịch nhiều công trình nghiên cứu văn học nước ngoài như: “Những ước mơ của tôi (1975); Truyện dân gian Ấn Độ (1977); Cá tính sáng tạo của nhà văn và PT văn học; Không chốn nương thân (1979); Thành phố thiên thần (1984); Kết Cục (1985); Nền văn hóa biết xấu hổ; Tuổi thơ Ô Lếch; Chuyện con vẹt; Sự hèn mạt chống Stalin”...và dịch hàng trăm bài báo đăng trên báo Văn Nghệ HNV, Văn nghệ Tp.HCM, Hồn Việt... Gần đây nhất là tập “Chuyện vui danh nhân" đăng nhiều kỳ trên báo Hồn Việt. Bên cạnh đó còn có những công trình nghiên cứu như: "Hình tượng anh hùng trong văn học Xô Viết" (1967); "Còn với thời gian" (2002)… Đương thời ông còn là trưởng ban Ban Văn học thế giới. Ông đã đạt được nhiều thành tích như: 1 tặng thưởng của HNV, 4 tặng thưởng Báo Văn Nghệ, 3 tặng thưởng của tạp chí QĐND và 1 tặng thưởng của tạp chí Sân Khấu.
NHỮNG ĐÓNG GÓP VÔ GIÁ DÀNH CHO CLB.
PGS Lê Sơn dự buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB là ngày 9/8/2015 với chủ đề về nhà văn Tô Hoài, với bài viết đầu tiên đăng trên tập san NGƯỜI YÊU SÁCH số 46 (tháng 10/2015). Đây là số kỷ niệm 4 năm thành lập CLB ông góp một bài dịch tiêu đề: “Hãy bảo vệ giá trị cơ bản”. Từ bài đầu tiên ấy đến khi qua đời, PGS Lê Sơn đã có 34 bài viết cho tập san NGƯỜI YÊU SÁCH. Bài viết cuối của ông được đăng trên tập san số 96 với tựa: “Đôi lời về người viết Kinh thành cổ tích” viết về nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Ông rất siêng viết, ông viết nhiều, nếu nói về số lượng thì Ông là người đứng thứ ba của CLB.
Trong các buổi sinh hoạt, tọa đàm ông luôn phát biểu, và tham luận một cách sôi nổi, trung thực, thẳng thắn. Ở trong ông, tôi còn thấy toát lên điều đáng quý, đó là rất ghét sự thiếu chính xác ở trong mỗi bài viết. Tôi nhớ buổi sinh hoạt đầu tiên của ông ở CLB, ông đã rất gay gắt với những lỗi chính tả trong tập san. Ông yêu cầu tôi phải morat thật kỹ, phải thật chính xác... có vậy mới nâng cao được chất lượng.
Buổi sinh hoạt CLB cuối cùng của PGS Lê Sơn, ngày 4/1/2020
Với mối giao lưu rộng rãi của mình, nếu đi đâu, đến nơi nào, gặp ai...mà có cơ hội ông đều tranh thủ quảng bá hình ảnh, hoạt động của CLB cho mọi người biết nhất là những người trong giới nghiên cứu văn học và các nhà văn. Không những thế, CLB còn là nơi đầu tiên ông tặng tác phẩm của mình sau mỗi khi ra mắt độc giả.
Đối với các thành viên CLB ông luôn thân thiện và gần gũi sẻ chia. Ông rất thẳng thắn tranh luận và góp ý nếu ai đó sai. Nhưng ông cũng sẵn sàng nhận sai trước mọi người nếu ông thấy mình không đúng.Vì vậy lúc đầu chưa hiểu ông nhiều người còn ngần ngại nhưng sau thì lại rất yêu quí ông.
Trong công việc, PGS Lê Sơn còn là người luôn chú ý đến việc sưu tầm, lưu giữ sắp xếp tài liệu. Mỗi khi CLB cần tài liệu gì là ông đều có thể lấy ngay. Không những thế ông còn tự sao chụp, gửi tặng người cần. Ví như ông đã gửi tặng ảnh nhà văn Kim Lân cho hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, ảnh lưu học sinh ở Liên Xô cho nhà giáo Vũ Thế Khôi…
Theo truyền thống của nhóm trà lá, sáng mùng 1 tết Canh Tý như các năm trước PGS Lê Sơn vẫn đến nhà tôi cùng các thành viên gội cạo nâng lý chúc tết nhau và lì xì cho cháu nội của tôi.
Sau Tết Canh Tý (2/2020) ông mượn CLB một tập tài liệu của tác giả Tạ Đình Thịnh dày tới 900 trang, mà chỉ sau 2 tuần ông đã đọc xong rồi còn viết một bài nhận xét về tập tài liệu ấy.
Ấn tượng còn lưu đọng mãi trong tôi là vào ngày 26/2/2020 ông mang trả một tập tài liệu mượn của CLB và đưa bài viết nhận xét rồi về ngay chứ không ngồi uống trà lá như mọi lần. Khi được hỏi ông chỉ nói là cảm thấy mệt, không được khỏe.
Vậy mà, tôi không ngờ đấy là lần cuối cùng ông đến với CLB và cũng là lần cuối cùng ông viết bài cho chúng tôi.
Chả là vì dịch Covid -19 CLB không sinh hoạt được. Nhưng tự nhiên tôi cảm thấy rất sốt ruột về ông. Tôi gọi điện nhiều lần không thấy ông bắt máy. Sau vẫn cố liên lạc và chỉ còn thấy "thuê bao". May có lần gọi hú họa thì được gặp con gái ông cầm máy. Qua đó mới biết ông bị ốm nặng phải vào viện Thống Nhất điều trị từ giữa tháng 3/2020. Từ đó tôi và các thành viên CLB vào thăm ông được vài lần. Cuối tháng 7/2020 tôi thấy ông khoẻ lại tưởng ông sẽ về nhà nay mai. Nhưng không ngờ sau ông yếu đi nhanh chóng và không thể phục hồi được nữa. Vào lúc 21g25' ngày 28/10/2020 ông đã ra đi mãi mãi.
Thành viên CLB viếng PGS Lê Sơn
PGS Lê Sơn mất đi thật sự là một tổn thất rất lớn của CLB. Chúng tôi đã mất một người bạn lớn hiểu biết nhiều, giàu nghị lực. Một người bạn chân thành, giản dị và là một nhân cách lớn.
Vĩnh biệt PGS Lê Sơn, tôi và các thành viên trong CLB luôn nhớ tới ông./,