VICTOR HUGO VỚI CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM
( 02-09-2016 - 04:42 PM ) - Lượt xem: 1446
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 được đánh dấu bằng sự tăng tiến vượt bậc về việc tiếp thu di sản của nền văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Pháp. Đây cũng là thời kỳ nở rộ hết sức phong phú về cả khuynh hướng sáng tác và thể loại sáng tác trong văn học Việt Nam…
Các nhà văn hiện thực phê phán ít nhiều đã có sự tiếp xúc gần gũi với những tác phẩm của Hugo, chí ít là về phương diện đề tài, về quan điểm nhân đạo. Năm 1939, Vũ Trọng Phụng phỏng dịch vở kịch Luycrexơ Borgia của V. Hugo, lấy nhan đề là Giết mẹ. Vì cái quan niệm mơ hồ về phương pháp sáng tác, Vũ Trọng Phụng cho rằng chủ nghĩa hiện thực là bao gồm cả Zola, Hugo… Ở đây cũng phải thấy một điều rằng, rõ ràng nhà văn hiện thực Việt Nam này đã tìm thấy trong tác phẩm của nhà văn lãng mạn Hugo những nét gần gũi với phương pháp sáng tác mà mình theo đuổi.
Nguyên Hồng, nhà văn hiện thực nổi tiếng trong cái buổi đầu chập chững bước vào đời văn của mình, tâm sự rằng ông hết đỗi quý trọng Hugo. Trong hành trang văn học của đời mình, Nguyên Hồng nói, Hugo không thể thiếu được, cũng như không thể thiếu được Rousseau, Voltaire, Balzac. Nhà văn của “những kẻ khốn cùng” này có nhiều nét rất gần gũi với V. Hugo. Ông chú ý nhiều đến những con người bần cùng và đề cập tới loại nhân vật này rất nhiều lần trong các tác phẩm của mình. Sự chú ý ấy đặc biệt đến mức, có người còn gọi vui Nguyên Hồng là đồ đệ của “chủ nghĩa cùng khổ” (Misérabilisme). Là một người bị khổ cực từ bé, Nguyên Hồng không còn lạ gì cái xấu xa và độc ác của người đời. Những nhân vật chính trong các tác phẩm của ông bị xã hội đày đọa, vùi dập đến tận đáy vực thẳm của nghèo đói, nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, vẫn yêu thương, đùm bọc, chung thủy với con người. Rồi cũng có một cái gì đó na ná như Hugo, ngay cả ở các nhân vật ít tính cách lương thiện nhất, như một tên trùm lưu manh, hay một tên tư sản, Nguyên Hồng cũng để lại cho họ một chút gì đó đáng thương, thông cảm…
Về bút pháp người ta cũng nhận thấy ở Nguyên Hồng có những nét gần gũi với V. Hugo. Đó là ở những đoạn Nguyên Hồng đi sâu vào những chi tiết ngoại đề, ông dềnh dàng mô tả những đường phố, những ngôi nhà, cửa tiệm, phong tục, tập quán. Bút pháp ấy vừa là điểm mạnh nhưng lại vừa là điểm yếu của nhà văn, tùy ở sự phán xét của mỗi người, mỗi thời đại. Hugo cũng thường dành rất nhiều trang trong tiểu thuyết của mình để đi sâu vào mô tả những chi tiết lịch sử, vào việc trình bày khá dài dòng những ý kiến chủ quan của mình. Đặc điểm nghệ thuật ấy ở Hugo có nhiều người không đồng tình, song lại cũng có người rất thích, thí dụ như Dostoevsky, nhà văn hiện thực Nga thế kỷ XIX.
Nguyễn Công Hoan – nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng cùng thời với Nguyên Hồng, người luôn luôn kể lại rằng ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhà văn nước ngoài do “lười đọc” cũng đã phải thừa nhận rằng, trong thời kỳ tập tành viết truyện dài, ông đã đọc Những kẻ khốn nạn của V. Hugo để cố tìm xem trong đó có chút gì mình có thể “bắt chước” được. Ông kể: “Muốn khuyến khích tôi viết lành nghề hơn, Tương Huyền cho tôi mượn tập truyện ngắn của Maupassant. Tôi chỉ đọc có truyện đầu là truyện Lão ăn mày rồi không xem thêm nữa. Bởi vì tôi đương nghiên cứu cách viết truyện dài. Tôi mượn bản dịch bộ Những kẻ khốn nạn khi ấy đã xuất bản thành 11 quyển của V. Hugo…”(1) Mặc dầu Nguyễn Công Hoan có kể lại rằng, ông không đọc hết toàn bộ 11 quyển và thực ra ông cũng không tìm thấy được “mánh khóe” gì trong đó, nhưng có một điều chắc chắn là, tiếng tăm ảnh hưởng cuốn tiểu thuyết của V. Hugo hồi bấy giờ phải mạnh mẽ như thế nào, mới có thể thúc đẩy một nhà văn – mà chính bản thân ông thừa nhận là rất “lười đọc” – lại tìm đến với Hugo, khi chuyển qua một giai đoạn sáng tác trong đời mình: giai đoạn sáng tác truyện dài.
Một nhà văn khác sáng tác chủ yếu trong thời kỳ từ 1945 trở đi, nhưng giai đoạn trước 1945, ta thấy cũng có những nét gần gũi với Hugo, đó là Nguyễn Huy Tưởng. Trong các vở kịch và tiểu thuyết sáng tác thời kỳ đầu của mình như Vũ Như Tô (1941), Cột đồng Mã Viện (1944), An Tư (1944), chúng ta thấy có âm hưởng rõ rệt của khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa. Điều đó được thể hiện rõ ở chỗ, cũng giống như Hugo, Nguyễn Huy Tưởng quay về với những đề tài quá khứ nhưng không phải để mà “lý tưởng hóa” nó. Và cũng như Hugo, Nguyễn Huy Tưởng luôn luôn có ý thức đề cao phẩm chất đạo đức cao đẹp của những người dân thuộc tầng lớp khốn cùng. Ông bao giờ cũng bênh vực cho quyền lợi của họ. Nhận xét về giai đoạn sáng tác này của ông, Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ viết: “Khuynh hướng lãng mạn tiến bộ của Nguyễn Huy Tưởng trong thời kỳ này có một số nét giống khuynh hướng lãng mạn tiến bộ của Hugo trong những năm trước cách mạng 1848. Hugo tuy cũng quay về quá khứ nhưng ông không lý tưởng hóa thời trung cổ, không chìm đắm trong quá khứ… Hugo ca ngợi vai trò của nhân dân… đề cao đạo đức của những kẻ khốn cùng… Những đặc điểm đó của khuynh hướng lãng mạn tiến bộ của Hugo cũng là đặc điểm của tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng trước cách mạng tháng Tám”.(2)
(Rút từ cuốn Victo Huygô ở Việt Nam, Viện Văn học, 1985)
----------------
(1) Đời viết văn của tôi, NXB Tác phẩm mới, 1971.
(2) Nguyễn Huy Tưởng, NXB Văn học, 1966.
NGUYỄN HUY THẮNG