NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ BỐI CẢNH THỰC HIỆN CUỘC ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY VÀ 4 CÂU HỎI CẦN TRẢ LỜI

( 23-05-2016 - 08:47 PM ) - Lượt xem: 1425

cô giao cho con cuốn sổ để ghi tên các bạn vi phạm nội quy nhà trường; bạn nào vi phạm nội quy mà muốn không bị con ghi tên thì nộp cho con mười ngàn đồng. Nhờ đó mà con có được số tiền này!

Thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Có lẽ mối quan tâm hàng đầu của Bộ trưởng sau khi nhậm chức là triển khai Công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD-ĐT VN (dưới đây gọi tắt là Đổi mới GD) như thế nào để có hiệu quả thực sự như mong đợi của xã hội. Cách gọi công cuộc đổi mới GD lần này tự nó đã nói lên rằng chúng ta đã thừa nhận một thực tế phũ phàng, đó là không thể làm giáo dục  theo lối cũ mà phải thay đổi tận gốc rễ, thay đổi hết mọi mặt. Đổi mới căn bản và toàn diện chỉ là cách né tránh cách gọi đúng tên  một cuộc cách mạng giáo dục đang được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt là xã hội VN hiện nay khi nó đang lâm vào khủng hoảng về đạo đức và niềm tin. Phải đặt công cuộc đổi mới GD vào bối cảnh này thì mới có những quyết sách đúng đắn.

Người dân bình thường nào cũng thấy rằng cùng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội Việt Nam đang bị hủy hoại một cách chưa từng thấy.Trong vài tầng lớp dân cư, niềm tin vào một số lĩnh vực  trong đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa- xã hội đã xuất hiện những vết nứt nguy hiểm. Ai dám dũng cảm nhìn vào sự thật đều nhận thấy nghịch lý- làm người lương thiện trong xã hội này là không dễ! Do vậy cũng không lạ gì khi các gia đình có tiền đều cố dành dụm tìm cách cho con du học -một kiểu “tị nạn” mới - với hy vọng con sẽ được học rồi sống trong một môi trường an toàn và trong lành hơn,tương lai sáng sủa hơn.

Cần thừa nhận tuyệt đại đa số người trong độ tuổi lao động hiện nay ở Việt Nam là được nhà trường của chúng ta giáo dục nên. Do đâu mà một xã hội do những người sinh ra, lớn lên, được giáo dục trong lòng một chế độ mà chúng ta dày công xây dựng từ hơn 60 năm nay trên miền Bắc và hơn 40 năm nay trên phạm vi cả nước  lại lâm vào khủng hoảng? Câu trả lời phải chăng là GD đã mắc bệnh gì đó trầm kha, một “lỗi hệ thống” nào đó nên sản phẩm của nó mới tệ đến như vậy. Nếu quả là như thế thì  chỉ cần sửa “lỗi hệ thống” này bằng biện pháp Đổi mới GD một cách căn bản và toàn diện là đủ để  hai ba mươi năm sau, tình hình xã hội sẽ được cải thiện rõ rệt.

 Khó lòng đồng ý với cách nghĩ này. Xin kể một câu chuyện thực tế như sau về một cháu bé 8 tuổi con một gia đình nhà giáo. Một hôm cháu đi học về đến nhà và khóc. Mẹ hỏi tại sao khóc thì cháu trả lời là cháu tủi thân vì giờ ra chơi, bạn nào cũng có tiền mua quà ăn vặt hết còn cháu thì không được mẹ cha cho đem tiền đến trường. Bà mẹ liền có cách ứng phó theo cách rất khéo: thay vì cho tiền cháu thì  hàng ngày cứ sau khi cháu ăn sáng thì gói một món ăn bỏ vào cặp của cháu. Như vậy cháu có thể có quà ăn trong giờ ra chơi, hết phải nhìn miệng các bạn ăn quà, hết tủi thân. Bẵng đi một thời gian, mẹ làm vệ sinh cặp học của cháu thì phát hiện cháu cất hơn 300 ngàn đồng trong một cuốn vở. Hỏi tiền đâu ra thì cháu nói là tiền của cháu làm ra, cháu không ăn cắp hay mượn của ai hết. Gặng hỏi làm cách nào mà con kiếm nổi chừng này tiền thì cuối cùng cháu mới khai ra là con làm lớp trưởng, cô giao cho con cuốn sổ để ghi tên các bạn vi phạm nội quy nhà trường; bạn nào vi phạm nội quy mà muốn không bị con ghi tên thì nộp cho con mười ngàn đồng. Nhờ đó mà con có được số tiền này!

Vậy đó, nếu chúng ta gọi hiện tượng bằng đúng tên của nó thì đứa trẻ mới 8 tuổi ấy, hẳn phải là đứa trẻ giỏi và ngoan nên được làm lớp trưởng, trong trường không hề được dạy làm điều xấu, ở nhà được giáo dục điều tốt, đứa trẻ ấy đã biết… lợi dụng chức quyền để tham nhũng còn các bạn học 8 tuổi của cháu cũng đã biết đút lót để chạy tội! Các cháu học điều này ở đâu?  Ở xã hội. Khi môi trường xã hội bị ô nhiễm nặng nề thì đứa trẻ hàng ngày “hít thở” nó làm sao tránh bị lây? Thông qua các lời than phiền của cha mẹ trong bữa ăn, thông qua cách cư xử của người lớn ở ngoài đường, đứa trẻtự nhiên học được lối suy nghĩ và ứng xử ở ngoài đời, học lóm theo một cách vô tư, hồn nhiên, học cả tốt lẫn xấu. Khổ thay, cái xấu thì phổ biến hơn, dễ bắt chước hơn nên xã hội mới ra nông nỗi này. Trẻ 8 tuổi trong trắng mà đã sớm bị lây nhiễm thói xấu như thếthì  thanh niên 18 tuổi tốt nghiệp THPT có thể sẽ bị nhiễm nặng cỡ nào?

Chừng nào còn hiện tượng trống đánh xuôi trong nhà trường và kèn thổi ngược ngoài đời thì GD còn bất lực. Dân gian có câu “dạy trẻ con vạn lời hay không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu”. Nên nhớ trẻ ở trường cùng lắm là 8 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại- hai phần ba ngày- thì trẻ học và làm theo các  “gương” rất sinh động, rất gần gũi và trực quan ngoài đời. Nguyên lý giáo dục của nhà trường chúng ta khẳng định “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”  (Điều 3, Luật Giáo dục) chẳng phải là đã thừa nhận ảnh hưởng lớn lao của giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đó sao? Rõ ràng “lỗi hệ thống” nằm không chỉ trong GD.

Do vậy cuộc Đổi mới GD muốn có hiệu quả thì phải được tiến hành đồng bộ với những đổi mới căn bản và toàn diện ở các lĩnh vực khác rộng lớn hơn trong xã hội Việt Nam. Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này rồi nhưng làm chưa được bao nhiêu.Trong bài viết này, xin không lạm bàn về công việc Đổi mới của những người lãnh đạo có trách nhiệm và có quyền lực cao hơn rất nhiều so với người lãnh đạo GD để tập trung bàn về những việc “bếp núc” của đối tượng này thôi.

Có 4 câu hỏi lớn cần được trả lời rõ trước khi đưa ra các quyết sách.

Câu thứ nhất: Học thành tài hay thành người?

Đây là câu hỏi về mục tiêu giáo dục mà  chúng ta đã tốn nhiều giấy mực để bàn thảo. Mục tiêu giáo dục cũng đã được ghi vào Luật GD,  được nêu trong NQ 29 về Đổi Mới GD. Điều 2 Luật Giáo dục xác định: Mục tiêu giáo dục  là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. NQ29 thì nêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”

Có thể thấy trong cả hai văn bản quan trọng hàng đầu này về GD thì lúc nào mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện cũng được đưa lên trước tiên, thành yêu cầu quan trọng nhất. Việc này khiến cho mục tiêu giáo dục quá cao xa, khó với tới trong điều kiện đầu tư cho giáo dục về nguồn lực con người và tài chính quá hạn hẹp. 41 năm nay trong phạm vi cả nước, nền giáo dục Việt nam đã bám theo mục tiêu này nhưng không đạt được kết quả mong muốn, càng “kiên trì” bao nhiêu thì kết quả lại càng lệch xa bấy nhiêu. Mục tiêu được xác định như trên còn khiến cho giáo viên các bộ môn trong hoạt động lên lớp hàng ngày hiểu đơn giản là học sinh phải học tốt tất cả các môn. Nhưng tệ hại nhất là nó khiến yêu cầu giáo dục nên con người có nhân cách tốt bị đẩy lùi xa ra sau yêu cầu truyền thụ kiến thức.

Trong khi đó giáo dục nên người là mới là giá trị quan trong nhất, mục tiêu hàng đầu của mọi nền giáo dục bởi trước tiên phải thành người rồi mới thành “người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”.

Kiến thức thì lúc nào đó người ta có thể quên, năng lực, kỹ năng có thể bị mai một nhưng nhân phẩm mà thấp kém thì “không lớn nổi thành người” trong bất cứ chế độ chính trị nào. Quốc gia nào mà người dân thấp kém về phẩm chất thì không tránh khỏi bị thiếu tôn trọng, đến ngay cả độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia ấy cũng trở thành mong manh.  Không đưa giáo dục phẩm chất làm người cho học sinh từ nhỏ lên hàng đầu trong thực tế hoạt động của nhà trườnglà  sai lầm căn bản của nền giáo dục  chúng ta.                              

Câu thứ hai: Mục tiêu  nên người gồm những nội dung gì?

Con người trong thời đại hiện nay phải có đủ ba yếu tố: phẩm chất, tri thức và năng lực. Tuy nhiên không thể vì thời đại hiện nay là thời đại của kinh tế tri thức mà đặt năng lực và tri thức lên trên phẩm chất. Tiếp tục coi nhẹ mục tiêu nên người trong Đổi mới GD lần này là tiếp tục phạm sai lầm của hơn 40 năm qua, là tiếp tục… không đổi mới căn bản. Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể[1]được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 5/8/2015, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp cho học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen. Chương trình mới nhằm hình thành và phát triển ở học sinh 3 phẩm chất và 6 năng lực. Đó là một cách tiếp cận mới, đáng hoan nghênh của nhóm chuyên gia của Bộ về mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện.

Ở đây ta chưa bàn về năng lực mà chỉ bàn về ba phẩm chất được nêu trong Dự thảo nói trên là: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm.

Mỗi phẩm chất đều có những thành tố được Dự thảo giải thích như sau:

  • Phẩm chất sống yêu thương gồm yêu tổ quốc, giữ gìn phát huy truyền thống, di sản quê hương đất nước, tôn trọng các nền văn hóa trên thế giới, nhân ái khoan dung, yêu thiên nhiên.
  • Phẩm chất sống tự chủ gồm sống trung thực; tự trọng; tự lực; chăm chỉ, vượt khó; tự hoàn thiện.
  • Phẩm chất sống trách nhiệm gồm tự nguyện; chấp hành kỷ luật; tuân thủ pháp luật; bảo vệ nội quy, pháp luật.

Các phẩm chất trên đúng là sẽ giúp định hình nên con người Việt Nam nhưng xin đề nghị bổ sungphẩm chất sống lương thiệnvà đưa phẩm chất này lên hàng đầu, khi đó không cần đưa từ trung thực vào phẩm chất sống tự chủ nữa. Khái niệm lương thiện ở đây có nghĩa rộng hơn khái niệm trung thực vì không chỉ bao hàm nghĩa trung thực trong quan hệ người với người. Lương thiện còn là trung thực với chính mình, là nói đi đôi với làm, là nói ít làm nhiều, là suy nghĩ, sống và hành động một cách tự giác, tốt đẹp, văn minh, phù hợp với luật pháp và các chuẩn mực đạo đức xã hội, là thái độ luôn bênh vực công lý, dám đứng về phía nhân dân và dân tộc, không thành Việt gian… Giáo dục cho học sinh phẩm chất lương thiện là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng không làm không được vì nay mai học sinh sẽ trở thành người lao động, người chủ gia đình, mà sự khủng hoảng về đạo đức xã hội và gia đình có nguồn gốc từ vắng mặt của tính lương thiện trong gia đình, ngoài đường phố, nơi công sở, chốn giao dịch… Thật đau lòng phải nói lên điều sau đây: tính lương thiện chính là nội dung yếu nhất trong tính cách, phẩm chất của người lao động chưa đạt chuẩn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong phẩm chất sống yêu thương, cần đưa thêm nội dung yêu gia đình và đưa lên nội dung này lên trướcnội dung yêu tổ quốc. Nội dung yêu gia đình gần gũi hơn, thiết thực hơn, dễ hiểu và làm hơn với học sinh nhỏ.

Phẩm chất sống có trách nhiệm cần được giải thích làtrách nhiệm với: bản thân, gia đình, cộng đồng,thiên nhiên, đất nước, nhân loại.

Câu thứ ba: Ai là lực lượng chủ lực thực thi công cuộc Đổi mới, đưa cuộc đổi mới vào cuộc sống?

Dù Bộ GD có đủ các ban, các bộ phận thiết kế nên đề án Đổi mới GD và xây dựng nên các dự thảo thì đó vẫn chỉ là lực lượng thiết kế chứ không phải thi công. Lực lượng thi công là đội ngũ đông đảo giáo viên các bậc và cấp học. Bộ GD chỉ là người chỉ huy. Người chỉ huy không làm thay lính được. Người lính ở đây là giáo viên. Chính họ chứ không ai khác sẽ là lực lượng chủ lực quyết định  cuộc Đổi mới GD có đi vào cuộc sống đến mức nào. Bản thiết kế có tuyệt vời đến mấy mà người thi công không thực thi thì bản thiết kế vẫn chỉ là tờ giấy. Có thể thấy trước người thi công có thể sẽ gặp những trở ngại sau đây:

a-     Không thấu hiểu ý đồ thiết kế

b-    Hiểu nhưng không thể thực hiện ý đồ thiết kế vì:

b1- Không đủ trình độ cần thiết

b2- Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

b3- Ngại đổi mới vì phải thay đổi nếp dạy lâu nay

b4- Không thể toàn tâm với hoạt động của nhà trường do phải tìm nguồn thu nhập ngoài nhà trường để nuôi gia đình.

Cả 4 nội dung từ b1 đến b4 đều không thể khắc phục ngay được nhưng phải có kế hoạch khả thi cụ thể để khắc phục. Đặc biệt nội dung b4 sẽ là trở ngại lớn nhất đối với Bộ GD vì vượt quá tầm tay của Bộ trưởng từ suốt bao nhiệm kỳ trước đến nay. Cho dù câu “GD-ĐT cùng với KHCN là quốc sách hàng đầu” đã được khẳng định từ nhiều năm nay thì nó vẫn còn là câu khẩu hiệu suông. Số đông GV đến nay lãnh lương chưa cao hơn người giúp việc nhà và bảo vệ cơ quan. Đây là một thực tế khiến cho ngành GD bị coi rẻ, khiến cho người giỏi tìm cách tránh né làm nghề này, đầu vào của ngành Sư phạm yếu kém, ai “lỡ” chọn nghề dạy học thì phải có thêm cái chân ngoài trường để nuôi sống gia đình…Nút bấm của công cuộc Đổi mới GD nằm ở lòng an tâm và tận tụy của giáo viên với nghề, cái nút bấm ấy đang hỏng hóc. Không sửa nó thì làm sao  Đổi mới GD đi vào cuộc sống được?

Câu hỏi thứ tư: Đó là nguồn tiền để thực hiện cuộc Đổi mới vĩ đại lần này là bao nhiêu, đến từ đâu, giải ngân theo tiến độ nào?

Nếu chưa rõ câu trả lời không dễ này thì ai có đầu óc thực tế sẽ  đều nhận ra là mong muốn đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện trong bối cảnh xã hội hiện nay rồi vẫn sẽ là ước nguyện tốt đẹp mà thôi.

Kính chúc Bộ trưởng khỏe, có quyết sách đúng để chỉ đạo công cuộc Đổi mới GD thành công.

Hồ Thiệu Hùng



[1] https://hocthenao.vn/2015/08/06/du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-bo-gd-dt/

Các Bài viết khác