VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC TÌNH BÁO TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
( 16-04-2015 - 06:18 PM ) - Lượt xem: 2344
Ngày 3/4, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Nhà nước với chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình”. Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu đã có bài tham luận tại hội nghị. Được phép của ông BBT chuyền đến bạn đọc toàn văn bài tham luận.
Về tầm quan trọng của công tác tình báo, trong thư chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Hội nghị tình báo toàn quốc ngày 10/3/1948, có đoạn: “Tình báo là tai, mắt của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: Biết mình, biết địch trăm trận đều thắng. Muốn biết địch, thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi ...”
Trong thư gởi Tình báo tháng 8/1949, Bác tiếp tục khẳng định: Tình báo là tai, mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng, thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng, thì chân tay hành động mới kịp thời. Ta tai mắt sáng tỏ, kế hoạch sát đúng, hành động kịp thời thì ta nhất định thắng địch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình báo quốc phòng đã kịp thời chuẩn bị và đưa được số lượng lớn cán bộ ưu tú vào các cơ quan đầu não của Mỹ, Ngụy, lấy được nhiều tin tức chiến lược, phục vụ kịp thời cho trên chỉ đạo, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam. Nắm chắc ý đồ, âm mưu của Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, nắm sớm hành động của các tốp máy bay ném bom chiến lược từ lúc chúng xuất phát cho đến khi tới mục tiêu, phục vụ hiệu quả chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại chiến dịch tấn công bằng máy bay chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972. Phục vụ tốt cho trên nhận định chính xác tình hình, đánh giá đúng thế và lực của ta, đánh giá đúng khả năng hành động của địch, đặc biệt là giúp trên khẳng định: Mỹ sẽ không đưa quân trở lại nếu ta đánh lớn để giải phóng miền Nam, từ đó phục vụ trên đề ra quyết tâm mở chiến dịch mùa xuân năm 1975. Bên cạnh phục vụ tin tức, tình báo quốc phòng còn trực tiếp tổ chức đánh địch thực hiện các kế hoạch đặc biệt trên giao, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Thành công lớn nhất của tình báo quốc phòng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước là công tác điệp báo chiến lược, gài được nhiều cán bộ điệp báo giỏi, có tài, có đức, hầu hết là những đảng viên cộng sản ưu tú vào làm việc trong những vị trí quan trọng bộ máy chánh quyền và quân đội địch - xin kể ra đây vài đồng chí tiêu biểu với những chiến công tình báo xuất sắc:
- Đồng chí Phạm Xuân Án bí danh Hai Trung, X6, sau một thời gian được Đảng cho đi học ngành báo chí bên Mỹ trở về năm 1960 đã làm phóng viên thường trú của báo Times tại Sài Gòn. Báo Times là một tờ báo lớn và có uy tín bên Mỹ, nên đồng chí có nhiều thuận lợi trong hoạt động thu thập tin tức, tài liệu mật của địch gởi về cấp trên. Sau giải phóng, đồng chí được phong cấp thiếu tướng và được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đồng chí Đặng Trần Đức bí danh Ba Quốc, nhờ tạo vỏ bọc bình phong tốt trong công an và tình báo địch nên đồng chí được tuyển mộ vào làm việc tại Đặc ủy Trung ương tình báo của ngụy Sài Gòn, do đó có điều kiện thuận lợi tiếp xúc với hồ sơ các điệp viên mà địch tung vào vùng giải phóng miền Nam và ra miền Bắc. Báo cáo và tài liệu tuyệt mật của đồng chí gởi ra giúp ta triệt phá nhiều lưới gián điệp của địch. Sau ngày giải phóng, đồng chí được phong cấp thiếu tướng và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đồng chí Vũ Ngọc Nhạ được thủ vai cố vấn cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để liên lạc với Công Giáo. Đồng chí được tiếp xúc nhiều tài liệu mật trong Phủ tổng thống. Có nhiều uy tín trong chính giới Sài Gòn lúc bấy giờ, nên khai thác được nhiều tin tức quan trọng báo cáo về cấp trên. Sau giải phóng, đồng chí được phong cấp thiếu tướng.
- Lưới H10 - A22, một lưới điệp báo có hiệu xuất phục vụ cao, được tuyên dương đơn vị anh hùng năm 1969 có 2 đồng chí cán bộ tình báo tiêu biểu:
1) Đồng chí Lê Hữu Thúy, ngoài nhiều tin tức, tài liệu có giá trị cao báo cáo cho cấp trên, đặc biệt trong thời gian bị giam tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã đột nhập vào cơ quan trọng yếu của địch, thu và chuyển kịp thời về cấp trên 5 bảng tài liệu nguyên bản danh sách 12.500 cán bộ tù chính trị của ta mà địch chuẩn bị đi thủ tiêu phái đoàn ta kịp thời đấu tranh buộc địch phải trao trả số anh chị em tù chính trị trên. Sau giải phóng, đồng chí được phong cấp đại tá và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2) Đồng chí Nguyễn Xuân Hòe nhập ngũ tháng 12/1949, sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đồng chí được chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu trao chức vụ công cán ủy viên phụ trách chính trị và báo chí cộng với thành tích thời kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế và những tin tức, tài liệu quan trọng về chiến lược trong thời kỳ chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng cục II Bộ Quốc phòng, đồng chí được phong cấp đại úy và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đồng chí Phạm Ngọc Thảo, nguyên là Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ năm 1947 rồi tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 quân chủ lực của Khu 9 (Nam Bộ), sau hiệp định Genève 1954 được ký kết giữa ta và Thực dân Pháp, tổ chức Đảng phân công đồng chí không đi tập kết ra miền Bắc mà ở lại miền Nam, dựa vào thế lực xuất thân là một gia đình trí thức theo đạo Công Giáo, đồng chí đã thâm nhập đi sâu leo cao trong quân đội chánh quyền Sài Gòn phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược. Năm 1958, đồng chí được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí luôn thể hiện một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo. Đồng chí đã bí mật, khôn khéo góp phần vào thắng lợi của phong trào Đồng Khởi Bến Tre. Năm 1965, sau một cuộc đảo chánh không thành, đồng chí bị giặc bắt tra tấn rất dã man. Cay cú trước khí phách hiên ngang của người cộng sản, địch đã giết hại đồng chí. Đồng chí đã được quân đội truy phong quân hàm đại tá và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đồng chí Nguyễn Văn Minh. Năm 1959, đồng chí được tình báo phái vào quân đội ngụy hoạt động bí mật, lâu dài. Có trình độ văn hóa cộng với nhiều thủđoạn, đồng chí đã lần lượt được địch giao nắm giữ nhiều vị trí cơ mật như làm văn thư cho trung tướng Nguyễn Hữu Có, rồi làm văn thư bảo mật cho đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy. Ở vị trí này, đồng chí có điều kiện tiếp xúc nhiều tài liệu tuyệt mật của địch, phần lớn là đồng chí thức đêm chép tay chuyển về phòng tình báo. Tài liệu, tin tức của đồng chí nhất là trong 2 năm 1973, 1974 và đầu năm 1975 có giá trị cao, giải đáp được các yêu cầu điều tra một loạt các vấn đề chiến lược quan trọng trong thời điểm then chốt. Mở đầu chiến dịch Xuân 1975, báo cáo của đồng chí đã giúp trên khẳng định: Khi quân ta đánh vào Sài Gòn thì quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến trở lại. Tài liệu do đồng chí Minh lấy được từ phòng làm việc của Tổng tham mưu Trưởng Cao Văn Viên có giá trị chiến lược hết sức quan trọng để Bộ chánh trị quyết định mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 trong thời gian ngắn nhất.
Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Minh đã được quân đội phong cấp đại tá và Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo là nữ Đảng viên thuộc cụm tình báo H63. Bằng tiền đồng chí đã mua chuộc được tên sĩ quan tuyển mộ nhân sự thuộc Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và được tuyển mộ vào làm thư ký cho tên thiếu tá tình báo Mỹ cố vấn trong văn phòng bộ tư lệnh Hải Quân. Đồng chí đã bình tĩnh, khôn khéo vượt qua được sự thẩm tra bằng “máy đo sự thật” của tình báo Mỹ, được chúng tin dùng nên ra vào cổng gác Bộ tư lệnh hải quân không bị xét hỏi. Nhờ đó, đồng chí đã cung cấp một xấp ảnh về sự bố trí phòng thủ bên trong khuôn viên Bộ tư lệnh để cấp trên trao cho đặc công sử dụng trong trận tổng công kích Mậu Thân 1968, quân ta đánh vào nhiều mục tiêu trong Sài Gòn, đồng chí lấy được nhiều tài liệu nguyên bản về sự thiệt hại của Mỹ - Ngụy trong trận Mậu Thân và nhiều bảng nhận định của giặc về việc ta sử dụng đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho các chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, đồng chí được đề bạt cấp thượng úy trước khi cho chuyển ngành sang Sở Văn hóa – Thông tin thành phố Hồ Chí Minh.
- Trên đây, tôi chỉ lược qua một số đồng chí cán bộ tình báo là đảng viên được cài vào làm việc trong các cơ quan trọng yếu của địch trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, còn một số sĩ quan, công chức trong quân đội và chánh quyền Sài Gòn mà các tổ trưởng điệp báo của ta đã giác ngộ, vận động để họ làm việc cho tình báo Cách Mạng. Như các ông:
- Huỳnh Văn Trọng: Cán bộ cao cấp trong Phủ Tổng thống
- Nguyễn Văn Lễ: Nghị sĩ quốc hội Sài Gòn
- Đinh Văn Đệ: Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Sài Gòn đi xin viện trợ bên Mỹ đâu năm 1975.
- Một đại tá trong Bộ quốc phòng chánh quyền Sài Gòn.
Có thể nói, trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ quôc phòng, sự chủ động chuẩn bị chu đáo của Tổng cục tình báo mà chúng ta có một lực lượng cán bộ tình báo hùng hậu đưa được vào các mục tiêu cao sâu của Mỹ - Ngụy. Nhờ đó mà tình báo lấy được nhiều tin tức có giá trị chiến lược, đáng giá, dự đoán đúng chuyển biến của các giai đoạn chiến lược, phục vụ kịp thời cho cấp trên chỉ đạo đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Cụ thể là đã kịp thời phát hiện âm mưu chống phá tổng tuyên cử vào năm 1956 như đã quy định trong hiệp định Genève, nắm chắc kế hoạch “tố cộng, diệt cộng”, lập ấp chiến lược, âm mưu hất cẳng Pháp xâm lược miền Nam của Mỹ, phục vụ cho sự chỉ đạo của Đảng ở miền Nam chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (ra nghị quyết số 15 của Trung ương năm 1959)
Thu thập nhiều tin tức có giá trị chiến lược như chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - Ngụy, các kế hoạch quân sự hằng năm như AB141, AB142, AB143, AB144... các kế hoạch mùa khô 1965, 1966, 1967, tin tức về cuộc hành quân quy mô lớn Junction city sử dụng 40.000 quân Mỹ đánh vào căn cứ Tây Ninh của Trung ương cục miền Nam năm 1967, tin tức vào tháng 4 năm 1969 địch dùng phi cơ chiến lược B52 hủy diệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Bộ tư lệnh miền. Được tin quan trọng này của ông Nguyễn Văn Lễ báo cáo về, Cụm trưởng H67 chuyển ngay về trên. Cơ quan lãnh đạo cấp trên di chuyển kịp thời đến 1 địa điểm khác, tránh được 1 cuộc tập kích quy mô bằng B52 rải thảm tại căn cứ Sóc Mong, phi cơ B52 đánh bom từ 8 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, đánh bồi, đánh nhồi, đánh đi rồi đánh lại trong phạm vi 20km vuông. Chúng chắc mẩm đã tiêu diệt được cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt cộng tại miền Nam nên tập trung bom từ phi cơ B52 đánh suốt đêm. Nhờ tin tình báo mà không quân Mỹ đánh vào chỗ không người, cơ quan lãnh đạo cách mạng miền Nam tránh bị thiệt hại. Tình báo cũng thu được kế hoạch phản kích mùa khô 1968, kế hoạch về cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 Nam Lào với mục tiêu cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tức là cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào bằng đường bộ. Tình báo cũng nắm được tin tức và báo cáo về cuộc đảo chính Xi ha núc tháng 3 năm 1970 đưa Lon - Non thân Mỹ lên nắm quyền để đánh ta trên đất Campuchia...
Nói chung, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vai trò của điệp báo chiến lược phát huy rất tốt, thu được rất nhiều tin tức, tài liệu có giá trị góp vào công tác nắm địch của cơ quan lãnh đạo chiến tranh để đề ra những quyết sách đúng dẫn đến thắng lợi hoàn toàn.
Đi sâu, đi sát chỉ đạo công tác điệp báo phát huy hiệu quả phải nói đến vai trò của các Cụm tình báo. Từ năm 1961 trở về trước, để nối liên lạc với các lưới tình báo trong Sài Gòn thì Tổng cục tình báo có thành lập các đội thuyền theo đường biển đi từ Bắc vào Nam và có những trạm đặt máy thu phát vô tuyến điện đặt trên núi cao (như núi Minh Đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu) để tránh sự ruồng bố của giặc. Từ sau khi có nghị quyết 15 của Trung ương và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập cuối năm 1960, phong trào phá ấp chiến lược rộ lên, địch co lại, các lõm giải phóng xuất hiện thì có điều kiện cho ta thành lập các cụm tình báo đứng chân tại các khu du kích có địa đạo, có rừng chồi tại các vùng quanh Sài Gòn như Củ Chi, Bến Cát... Bám trụ vùng ven đô nên không ở đông được, quân số một cụm thường không quá 20 người, có 1 máy thu phát vô tuyến điện, có đội liên lạc hỏa tốc để liên lạc về Phòng tình báo trên rừng ven biên giới. Đêm tổ võ trang đột nhập vào ấp chiến lược lấy tài liệu, báo cáo của các đồng chí cán bộ tình báo từ trong Sài Gòn chuyển ra theo đường dây liên lạc mật do các cô giao thông có giấy tờ hợp pháp của địch đảm trách: Do đó mà liên lạc chuyển tin tức, tài liệu được kịp thời, nhanh chóng so với trước. Cụm trưởng đều là những sĩ quan tập kết ra miền Bắc, đã được học tập chiến, kỹ thuật, được Tổng cục II rút về Hà Nội bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ công tác tình báo, nên chỉ huy anh em chiến đấu, trụ vững ở vùng ven là một địa bàn gian khổ ác liệt do phải thường xuyên sống trong địa đạo và liên lạc chống lại những cuộc hành quân càn quét của giặc. Thời chống Mỹ, phòng tình báo tổ chức 19 Cụm trụ được vững vàng ở các chiến trường ác liệt như Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, dài theo biên giới đến Hồng Ngự, Tân Châu ... nói chung là ở đâu có đường xe đò đi vào Sài Gòn, có đường giao thông cho các cô nữ giao liên hợp pháp đi được là nơi đó có thể đặt một cụm tình báo. Giao thông thông suốt an toàn là một vế rất quan trọng của công tác tình báo. Điệp viên thu thập được tin tức, tài liệu mà không chuyển ra được cho trung tâm thì rất phí. Giao thông có sơ sót, bị địch theo dõi hay lấy được tài liệu thì cán bộ tình báo trong nội thành sẽ bị uy hiếp. Do đó mà trách nhiệm người Cụm trưởng rất nặng. Phải đặc biệt chăm sóc khâu giao thông, phải huấn luyện từng cô giao thông về công tác liên lạc tình báo trong đô thị. Phải huấn luyện chiến, kỹ thuật cho đội giao thông võ trang để đánh Mỹ, chống càn quét bảo vệ căn cứ, bảo vệ điện đài. Từng thời gian, Cụm trưởng phải cải trang đột nhập vào Sài Gòn để đi sát lãnh đạo cán bộ tình báo thi hành những nhiệm vụ đột xuất quan trọng.
Sự có mặt và chống càn có hiệu quả ở vùng ven đô của các cụm tình báo đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, đã cùng với bộ đội địa phương và du kích xã giữ vững các địa bàn chiến lược vùng ven Sài Gòn, tạo thành những bàn đạp vững chắc cho quân chủ lực tiến đánh Sài Gòn trong trận Mậu Thân 1968 hay trong cuộc tiến quân vào giải phóng Sài Gòn của các quân đoàn ngày 30/04/1975.
Xin ghi lại một số thành tích đánh giặc của các đội võ trang của Cụm tĩnh báo:
- Năm 1966, đội võ trang của Cụm tình báo H63 đã diệt 3 tên Mỹ trong địa đạo tại ấp Bên Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Giặc Mỹ đổ bộ binh và xe thiết giáp vây kín bên trên, cho 3 tên “chuột cống” (tên gọi của một số lính Mỹ được đào tạo chuyên đánh trong địa đạo) chui xuống. Anh em đã dùng lựu đạn ngồi trên nấp bổng buông xuống diệt gọn tổ “chuột cống”. Đó là trận đầu tiên tiêu diệt lính Mỹ trong địa đạo Củ Chi.
- Đội võ trang của Cụm tình báo H67 chống càn tại khu rừng Bồi Lời, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Với quân số 15 đồng chí, nhờ dựa vào cấu trúc hầm hào để bảo vệ căn cứ, anh em đã diệt được 102 tên Mỹ và bắn cháy nhiều xe tăng. Những năm sau, Cụm H67 di chuyển xuống đóng quân ở xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, anh em chống càn hiệu quả diệt hằng trăm tên thuộc Sư đoàn 7 ngụy quân và lính Bảo An tỉnh Bến Tre. Cụm tỉnh báo H67 được nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ và tỉnh đội trưởng Bến Tre khen thường.
Hai cụm tình báo H63 và H67 được tuyên dương đơn vị anh hùng lực lương vũ trang nhân dân. Đặc biệt cụm H63 được tuyên dương tháng 9 năm 1971, ngoài lá cờ đơn vị anh hùng do Nhà nước cấp, còn có lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có dòng chữ: “Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi”.
Các đồng chí cụm trưởng ngoài nhiệm vụ đi sát cán bộ điệp viên bên trong Sài Gòn, các giao thông viên mật sống hợp pháp trong các ấp chiến lược, cùng đội võ trang đánh giặc chống càn bảo vệ căn cứ địa đạo, còn phải thi hành các nhiệm vụ đột xuất trên giao. Ví dụ như năm 1969, đồng chí Lê Văn Nghi tức Bảy Vĩnh, cụm trưởng cụm tình báo H67, được chỉ thị trên phải đi vẽ bản đồ về sự phòng thủ của giặc ở Phước Long, đặc biệt là chi khu Phước Bình để phục vụ cho bộ đội lên đánh, đường xa hằng trăm cây số và toàn là rừng không có dân, trinh sát bộ binh khó tiếp cận nên phải dùng đến tình báo. Đồng chí Bảy Vĩnh vào Sài Gòn bàn bạc với ông Nguyên Văn Lê cán bộ tình báo của Cụm H67, đang là nghị sĩ quốc hội ngụy Sài Gòn. Nhờ uy tín của ông Ba Lễ, cả 2 người (Cụm trưởng Bảy Vĩnh và ông Ba Lễ) được cho đi trên 1 máy bay do phi công Mỹ lái từ Sài Gòn lên Phước Long. Đồng chí Bảy Vĩnh là cán bộ trinh sát được đào tạo có bài bản trong những năm tập kết quân ra miền Bắc nên chỉ qua 1 ngày 2 đêm tại dinh trung tá tỉnh trưởng Phước Long với vai trò thượng khách và 1 buổi sáng tại căn cứ chi khu Phước Bình là đã hoàn thành nhiệm vụ. Tài liệu bản vẽ và ghi chép của đồng chí Bảy Vĩnh được báo cáo về Bộ Tham Mưu để bộ đội ta tấn công chi khu Phước Bình, đánh vào dinh tỉnh trưởng chiếm thị xã Phước Long, giải phóng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974. Trận đánh này được xem như một đòn trinh sát chiến lược nắm tình hình về sự can thiệp của quân đội Mỹ có xảy ra hay không nếu quân ta đánh lớn vào Sài Gòn.
Cụm trưởng H67 cùng với ông Ba Lễ còn có thành tích đưa đồng chí Nguyên Thế Truyện chỉ huy trưởng cánh quân phía Bắc trong tổng tấn công Mậu Thân 1968, đi hợp pháp vào Sài Gòn và quan sát tận mắt sân bay Tân Sơn Nhất là chiến trường mà cánh Bắc phải đảm nhiệm. Chuyến đi quan sát được bảo đảm an toàn.
Ví dụ như đồng chí Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang cụm trưởng cụm tình báo H63. Ngày 20/4/1968, đang chỉnh huấn cho đội võ trang tại căn cứ sau đợt 1 Mậu Thân 1968 thì được chỉ thị của trên phòng do liên lạc hỏa tốc mang xuống, có nội dung ngắn gọn: có một cán bộ cao cấp của ta ra đầu hàng giặc, đồng chí hãy đi lấy cho được bảng khai báo của nó gởi gấp về phòng. Tức thì, cụm trưởng phải cải trang thành dân thường ra quốc lộ 13 đi xe ôm xuống Sài Gòn. Mua một tờ báo, đọc mới biết tên phản bội là trung tá Trần Văn Đắc tự Tám Hà, phó chánh ủy cánh Bắc. Cánh quân này đang bám trụ trên vùng Nam Củ Chi để chuẩn bị vào đợt 2 trận tổng tấn công vào Sài Gòn năm 1968. Chịu không nổi gian khổ và nguy hiểm dưới những trận mưa bom, bão đạn của Mỹ, nhất là sau khi chỉ huy trưởng cánh Bắc là đồng chí Nguyễn Thế Truyện hy sinh vì bị đạn đại bác của Mỹ bắn sập hầm nên ngày 19/4/1968, Tám Hà đi một mình ra đầu giặc tại bốt Phú Hòa Đông (Củ Chi). Ra đến Sài Gòn, Tư Cang cùng với Phạm Xuân Ẩn đi ô tô đến dinh đại tá tỉnh trưởng Gia Định (hiện nay là trụ sở UBND Quận Bình Thạnh TP.HCM) gặp tên thượng sĩ giữ hồ sơ mật. Qua trao đổi, hắn đồng ý cho nhà báo mượn 1 tiếng rồi trả cho nó trước giờ làm việc chiều. Tính là cho nhà báo mượn vì Phạm Xuân Ẩn thường cho nó tiền rất hậu mỗi khi nó cung cấp tài liệu để “viết báo”. Chiều hôm đó, Tư Cang cùng với Phạm Xuân Ẩn lẻn nhà hàng Continental gặp tay trùm tình báo Mỹ phụ trách châu Á để moi tin thêm sự kiện Tám Hà ra đầu hàng. Qua trao đổi câu chuyện mới biết được một tin quan trọng là Tổng thống Mỹ vừa có chỉ thị mật cho đại sứ Mỹ và thống tướng Westmoreland Tổng chỉ huy quân Mỹ tại Sài Gòn là bằng mọi cách làm cho Việt Cộng chùn bước đừng mở đợt 2, vì dư luận Mỹ đã rúng động sau đợt 1 Mậu Thân, nếu để Việt Cộng mở tiếp đợt 2 như lời khai của Tám Hà thì hết phương cứu vãn tình thế, chỉ còn đàm phán với Bắc Việt và rút quân Mỹ và quân các nước chư hầu về nước. Nắm được tin quan trọng này, kèm với bảng khai báo của tên Tám Hà, trong báo cáo của Tư Cang có lời đề nghị: nếu ta đã chuẩn bị đây đủ cho đợt 2 thì bất chấp việc khai báo của tên Tám Hà, ta rướn lên đánh một đợt nữa vào Sài Gòn để đập tan ý chí xâm lược của Mỹ.
Báo cáo của đồng chí Tư Cang về đến Bộ chỉ huy và Trung ương cục ngày 24/4 trong lúc cấp trên đang thảo luận có nên đánh tiếp hay không một khi ý đồ chiến dịch đã bị lộ do tên đầu hàng khai báo. Trên chấp thuận ý kiến đề nghị của tình báo và đêm 4/5/1968 ta mở đợt 2 với lực lượng, phạm vi tấn công rộng hơn, thời gian kéo dài cả tháng.
Sau đợt 2, thống tướng Westmoreland bị cách chức rút về Mỹ, người đến thay thể là đại tướng Abrams, chính phủ Mỹ cử người qua Lào liên lạc với đại sứ Bắc Việt để đi vào đàm phán. Cuối tháng 11/1968, tổng thống Mỹ đọc lời tuyên bố ngưng ném bom toàn miền Bắc, mở đầu cho chủ trương phi Mỹ hóa, Việt Nam hóa chiến tranh.
- Còn việc phục vụ cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” giành thắng lợi thì phải nói đến thành tích của trung đoàn 75 là đơn vị trinh sát kỹ thuật của Tổng cục tình báo. Tất nhiên công đầu thuộc về binh chủng phòng không, không quân nhưng Trung đoàn 75 Trinh sát kỹ thuật của Tổng cục tình báo đóng vai trò rất quan trọng suốt 12 ngày đêm từ 18 đến 29/12/1972. Mặc dù địch thường xuyên thay đổi mật mã, có ngày địch thay đổi đến 10 lần, nhưng đơn vị vẫn theo dõi và bám sát được tín hiệu, qua đó biết trước nhiều tiếng đồng hồ nơi cất cánh của máy bay B52, mục tiêu đánh phá, quá trình địch liên lạc với nhau. Khi đánh phá Hà Nội, Hải phòng, kịp thời báo cáo lên trên và thông báo cho các đơn vị chiến đấu. Kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật là đã mở ra khả năng nắm Mỹ, kể cả hoạt động của máy bay B52 mà từ trước ta chưa làm được. Kết quả đó trở thành kinh nghiệm quý báu được phổ biến kịp thời cho toàn chiến trường trong việc nắm Mỹ - Ngụy bằng phương tiện kỹ thuật. Giải đáp được vấn đề lo không nắm được kỹ thuật Mỹ, đến chỗ khẳng định được “Không sợ Mỹ, đánh được và đánh thắng Mỹ trên mặt trận trinh sát kỹ thuật”.
Khi Mỹ - Ngụy mở chiến dịch Lam Sơn 719 ở đường 9 Nam Lào, Tiểu đoàn 35 thuộc Trung đoàn 75 trinh sát kỹ thuật đã báo tin trước 10 ngày về ý đồ, lực lượng tham gia và hướng đi cụ thể từng cánh quân của địch. Tin của trinh sát kỹ thuật cộng với tin điệp báo do đồng chí Phạm Xuân Ẩn cụm tình báo H63 gởi về đã góp phần cho quân ta đánh thắng giòn giã.
Trong đánh Mỹ, tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn 75 trinh sát kỹ thuật được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần: lần thứ nhất ngày 1/10/1971, lần thứ hai ngày 22/12/1973. Còn trung đoàn 75 được tuyên dương đơn vị anh hùng ngày 15/1/1976
- Về tình báo hành động.
Phần trên đã nói về điệp báo, về trinh sát kỹ thuật, tình báo trong chiến tranh chống Mỹ cũng có những đội hành động, những đơn vị trinh sát, những đơn vị biệt động đặc công đánh vào hậu phương địch gây khiếp đảm đối với quân thù, góp phần vào chiến thắng của quân đội.
- Đánh máy bay B52 và máy bay F5 của Mỹ tại căn cứ nằm sâu trong hậu phương địch. Năm 1968, hòa vào khí thế cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân trên khắp các thành phố, đô thị miền Nam, Tổng cục tình báo đã cử 2 đội gồm 8 chiến sĩ luồn sâu vào nơi quân đội Mỹ đặt căn cứ cho pháo đài bay B52 và phi cơ phản lực F5. Ngày 4/8/1968, một tổ 2 người gồm đồng chí Lê Văn Đình và đồng chí Phùng Hồng Lâm do đồng chí Phùng Hồng Lâm làm tổ trưởng đã đột nhập vào sân bay gài vào mỗi chiếc B52 một quả mìn 5 ký thuốc nổ C4. Hai chiếc B52 nổ tung. Bom trên máy bay nổ theo phá hư hỏng nhiều chiếc khác. Hai đồng chí đều được phong cấp đại tá và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Còn đánh vào sân bay phản lực F5 là 1 tổ 5 người gồm Trần Viết Tính tổ trưởng, Bùi Thế Sách, Lê Đức Mục, Võ Tá Kiều, Nguyễn Văn Triêm. Ngày 26/5/1968, các đồng chí vào sân bay trên đất địch đặt mìn phá hủy 4 chiếc F5. Hai đồng chí Bùi Thế Sách và Lê Đức Mục hy sinh. Cả 5 đồng chí trong tổ đều được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.
Người chuyên lo vận chuyển cung cấp mìn, thuốc nổ cho 2 đội đánh máy bay là đồng chí Lê Thoong được nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tháng 3/1970, Mỹ làm đảo chánh trên Campuchia, hạ Xihanuc đưa Lon - Non lên nắm quyền, mục đích là cắt đứt con đường chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam qua cảng Sihanouk ville. Mỹ, Ngụy mở cuộc hành quân quy mô từ phía Nam đánh lên, quân Lon-Non từ Campuchia đánh xuống. Các cơ quan Trung ương cục và Bộ tư lệnh bị vây ép 2 đầu, lâm vào tình thế khó khăn. Sau cuộc họp 3 bên giữa thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Xihanuc và hoàng Thân Xuvana Phuma, có bản thỏa hiệp 3 bên ra tuyên bố “Đông Dương là 1 chiến trường”, các đơn vị chủ lực của Việt Nam tiến vào đất Campuchia, vượt qua sông Cửu Long đánh bại 2 chiến dịch Chenla 1, Chenla 2 của quân Lon-Non, mở rộng vùng giải phóng. Phòng tình báo dưới sự chỉ đạo của Bộ tham mưu lập ra đội Ô 22b (Ô 22 là mật danh của Phòng tình báo) có nhiệm vụ tiến vào vùng ven thủ đô Phnom Penh gây cơ sở, khai thác tin tình báo, có những trận đánh vào bên trong Phnom Penh. Ban chỉ huy Ô22b gồm các cấp phó chỉ huy của phòng tình báo: đồng chí Nguyễn Thanh Tùng tức Mười Cơ phó phòng tình báo làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tàu tức Tư Cang Phó chánh ủy phòng làm chính trị viên, đồng chí Nguyễn Văn Bản tức Tư Thanh phó phòng tình báo làm Phó đoàn Ô 22b. Sau nửa năm, đánh nhiều trận vang dội trong lòng địch, Bộ tham mưu bổ sung nhân sự qua, mở rộng tổ chức thành Đoàn 367 do đồng chí Tống Viết Dương cũng là 1 cán bộ tình báo làm Đoàn trưởng - Các đồng chí Mười Cơ, Tư Cang, Tư Thanh được rút trở về phòng tình báo để làm nghiệp vụ chuyên môn với chức vụ cũ.
- Đoàn 367 đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu như trận đánh vào sân bay Pô chen tông bằng chiến thuật đặc công đã phá hủy cả trăm máy bay địch đậu trên sân, chỉ còn lại mấy chiếc tuần tra trên không, trận đánh sập cầu Chu-Chen- Wa, trận đánh tiêu diệt căn cứ thiết giáp Stade Olympic của địch.
- Đoàn 367 được tuyên dương đơn vị Anh hùng. Đại tá đoàn trưởng Tống Việt Dương cũng được tuyên dương Anh hùng (Đồng chí Tống Viết Dương là cán bộ tình báo được Tổng cục tình báo bồi dưõng nghiệp vụ 3 năm trước khi phái vào Nam làm cụm trưởng cụm tình báo A24)
- Tháng 3 năm 1974, sau khi hiệp định Paris được ký (ngày 27/1/1973) và quân đội Mỹ rút về nước (ngày 27/3/1973) quân đội Sài Gòn với sự yểm trợ tối đa về vũ khí, phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ đánh lấn ra và giành thế chủ động trên một vùng rộng lớn quanh Sài Gòn. Trước tình hình ấy, Quân ủy và Bộ tư lệnh miền quyết định thành lập lực lượng biệt động đặc công để tạo thế đứng chân trở lại trên vùng ven đô và đánh những đòn thối động trong nội thành để chuyển biến chiến trường, lập lại thế chủ động khắp vùng ven đô như tình hình trước năm 1968. Trong trận tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn bị tiêu hao trên 80% quân số, nên lần này bộ chỉ huy giao cho Phòng tình báo đứng ra thành lập. Sau mấy tháng làm công tác chuẩn bị, ngày 12/3/1974 bộ tư lệnh ra quyết định thành lập lữ đoàn biệt động đặc công với phiên hiệu lữ đoàn 316. Khung cán bộ chỉ huy từ trên xuống các tiểu đoàn hầu hết là cán bộ phòng tình báo. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng tức Mười Cơ phó phòng tình báo lãnh chức vụ lữ đoàn trưởng, đồng chí Nguyên Thúc Tịnh tức Mười Khánh một cán bộ mật của phòng tình báo vừa được rút ra chiến khu làm chánh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Tăng anh hùng quân đội từ thời đánh Pháp, một chỉ huy gan góc, dũng cảm của biệt động Sài Gòn còn lại sau Mậu Thân 1968 làm Lữ đoàn phó. Thực hiện ý đồ của Bộ chỉ huy, cuối năm 1974, đơn vị đã đứng chân trở lại vùng ven đô và đã có nhiều trận đánh thối động bên trong Sài Gòn, thành phố Biên Hòa, thành phố Vũng Tàu.
Bước vào tháng 4/1975, sau chiến dịch Buôn Mê Thuột, trong hàng ngũ địch có hiện tượng hoảng loạn, rút quân chạy xà đùa, đã hé lộ ra thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ tư lệnh Miền đã xin Tổng cục chánh trị cho số cán bộ chỉ huy cấp tá mà Bộ tư lệnh cho ra Hà Nội học tại học viện Quân sự và học viện chính trị từ cuối năm 1973 được trở về chiến trường nắm đơn vị tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số cán bộ được trở về chiến trường đầu tháng 4/1975 có 2 đồng chí cán bộ chỉ huy của Phòng tình báo là đồng chí Nguyễn Đức Trí trưởng phòng và đồng chí Nguyễn Văn Tàu Phó chánh ủy phòng về đến chiến trường, đồng chí Sáu Trí được phân công đi hợp pháp vào Sài Gòn trú tại nhà nghị sĩ quốc hội Nguyễn Văn Lễ, đồng chí có nhiệm vụ tác động vào chánh phủ Dương Văn Minh đầu hàng, tác động vào 1 số chỉ huy quân đội Sài Gòn nên cho buông súng, rã ngũ không chống trả quân Cách mạng trên đường tiến vào Sài Gòn. Vào giờ phút chiến sĩ Lữ đoàn 203 thuộc quân đoàn 2 xông lên bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh phải đưa tay đầu hàng thì đã có đồng chí Sáu Trí, ông ba Lễ đứng chung với nội các Dương Văn Minh. Sau khi tình hình Sài Gòn được ổn định, trước khi trở về với ngành tình báo, đồng chí Sáu Trí được phân công chánh văn phòng ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn trong những tháng đầu giải phóng.
Còn trung tá Nguyễn Văn Tàu tức Tư Cang vừa về đến chiến trường đã được Bộ tham mưu phân công xuống vùng ven đô với chức vụ Chánh ủy cánh Bắc của lữ đoàn 316. Đây là cánh chủ yếu của lữ đoàn, được phân công đánh chiếm bộ Tổng tham mưu, căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch ở Gò vấp, đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Hà Nội hiện nay) bảo đảm đường tiến quân của Lữ đoàn 203 xe tăng vào mục tiêu Dinh Tổng thống ngụy quyền. Cánh Bắc do đồng chí Nguyễn Thanh Tùng lữ đoàn trưởng kiêm chỉ huy trưởng. Thành tích của cánh Bắc là chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc, chiếm được căn cứ pháo binh và thiết giáp ở Gò vấp, đặc biệt là đội biệt động Z28 đã cải trang thành binh sĩ địch, chiếm xe thiết giáp địch tại cổng 4 Bộ tổng tham mưu chạy thẳng vào dinh Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên lúc 9 giờ 30 sáng ngày 30/04/1975. Không còn ai ở đó để chỉ huy ngụy quân, chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Minh cán bộ tình báo ta ra đón.
Người chỉ huy đơn vị Z23 đánh cầu Rạch Chiếc là đồng chí Bảy Ân, cán bộ tình báo, chỉ huy đơn vị Z32 đánh chiếm 2 căn cứ pháo binh và thiết giáp là tham mưu phó lữ đoàn Nguyễn Thành Nam cũng là cán bộ tình báo, còn chỉ huy Z20 chiếm dinh tổng tham mưu trưởng ngụy là đồng chí Bảy Vĩnh nguyên là cán bộ tình báo Cụm trưởng Cụm tình báo H67.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng tức Mười Cơ, lữ đoàn trưởng được phong cấp đại tá và tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và mới đây, vào ngày 16/12/2014, xét công lao thành tích của Lữ đoàn 316 trong chiến dịch Hồ Chí Minh, và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc, chủ tịch nước đã ký phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Lữ đoàn 316.
Tóm lại, qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, xét thành tích về các mặt công tác: điệp báo, trinh sát kỹ thuật, trinh sát mặt đất, tình báo hành động, tổng cục II Bộ quốc phòng đã được tuyên dương “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2008. về điệp báo các cụm tình báo H63, H67 tổ H10 cụm A22 được tuyên dương đơn vị anh hùng, về giao thông, đội thuyền 128 được tuyên dương đơn vị anh hùng năm 1970. Về tình báo hành động, đoàn 367 và lữ đoàn 316, cả 8 đồng chí luồn vào đất địch đánh phi cơ B52, F5 đều được tuyên dương Anh hùng và đơn vị Anh hùng.
Nói chung là tình báo đã tuân theo lời dạy của Bác Hồ trong thư gởi các hội nghị tình báo năm 1948,1950, 1951, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và quân đội, đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân trong cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm giải phóng dân tộc khỏi nạn ngoại xâm, ngành tình báo đã lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xứng đáng là tai, mắt của quân đội góp phần vào thành tích chung của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.
Đại tá NGUYỄN VĂN TÀU