TỪ MÙA XUÂN 1789 ĐẾN MÙA XUÂN 1979
( 20-02-2014 - 04:19 PM ) - Lượt xem: 1980
Tiếp giáp Trung Quốc ở phía Nam, Việt Nam luôn bị nước láng giềng khổng lồ phương Bắc tìm cách lấn chiếm và thôn tính. Nhưng nước ta vẫn giữ vững được chủ quyền dân tộc, nhờ luôn biết cách cho bọn xâm lăng phải “thấy quan tài”. Gần đây nhất, bọn bành trướng đã được quân dân Việt Nam cho thấy cái cần phải thấy để mà “đổ lệ” trong hai sự kiện cách nhau 190 năm: mùa xuân 1789 và mùa xuân 1979.
Trung Quốc là nơi xuất xứ của chủ nghĩa bành trướng “bình thiên hạ”, nên nước này luôn gây chiến với các lân bang để đạt tham vọng bá chủ thế giới. Và chính nước này cũng là quê hương của câu thành ngữ đặc sắc “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, để chỉ ra cách ứng xử thích đáng trong những vụ xung đột giữa những người hàng xóm hoặc các nước lân bang.
Tiếp giáp Trung Quốc ở phía Nam, Việt Nam luôn bị nước láng giềng khổng lồ phương Bắc tìm cách lấn chiếm và thôn tính. Nhưng nước ta vẫn giữ vững được chủ quyền dân tộc, nhờ luôn biết cách cho bọn xâm lăng phải “thấy quan tài”. Gần đây nhất, bọn bành trướng đã được quân dân Việt Nam cho thấy cái cần phải thấy để mà “đổ lệ” trong hai sự kiện cách nhau 190 năm: mùa xuân 1789 và mùa xuân 1979.
- 1. Mùa xuân Kỷ Dậu 1789: vua Càn Long được “thấy quan tài”
Cuối thế kỷ XVIII, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lãnh đạo đã quét sạch chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam, phá tan quyền lực của chúa Trịnh ở miền Bắc, khiến cho triều đình nhà Lê có nguy cơ sụp đổ. Vua Lê Chiêu Thống hèn hạ chạy sang Trung Hoa cầu viện nhà Thanh mang quân vào nước ta để giúp y chống Tây Sơn. Không bỏ lỡ dịp may hiếm có, Hoàng Đế Thanh triều Càn Long lập tức khởi 20 vạn đại quân do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy cùng Phó tướng Đề đốc Hứa Thế Hanh và Thái thú Sầm Nghi Đống ồ ạt tràn vào nước ta trong tháng 12-1788. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà do Ngô Văn Sở thống lĩnh với lực mỏng không cản nổi địch đã rút về dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng, đồng thời cấp báo về Phú Xuân cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ biết rõ tình hình. Ngày 21 tháng Một năm Mậu Thân (tức 22-12-1788 dương lịch), quân Thanh vượt sông Hồng chiếm kinh thành Thăng Long đã bỏ trống. Tôn Sĩ Nghị tin rằng nước Nam sắp trở thành quận huyện của nước Tàu, nên đã đòi người Nam phải dóc tóc tết bím và để răng trắng như người Tàu, đồng thời cho quân đóng đồn và nghỉ ngơi chuẩn bị ăn Tết Kỷ Dậu, chờ sau Tết sẽ đi đánh Tây Sơn.
Nhận được tin quân Thanh sang xâm lược nước ta, ngày 25 tháng Một (22-12-1788) tại kinh đô Phú Xuân (Huế) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế với niên hiệu Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân với một bài hịch khẳng định ý chí đánh tan quân thù:
Đánh cho để dài tóc!
Đánh cho để đen răng!
Đánh cho nó chích luân bất phản!
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn!
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Hành quân thần tốc đến Nghệ An ngày 29 tháng Một, Quang Trung cho đóng quân tại đây 10 ngày để luyện tập và bổ sung lực lượng lên tới 10 vạn quân với 200 voi chiến. Ngày 20 tháng Chạp, toàn quân tập trung tại vùng núi Tam Điệp, vua Quang Trung lệnh cho quân ăn Tết trước để tiến đánh địch ngay trong Tết; và hứa với ba quân rằng sẽ quét sạch địch để vào Thăng Long ăn tết Khai Hạ đúng ngày 7 tháng Giêng năm mới.
Đêm giao thừa 30 tháng Chạp (25-1-1789), quân Tây Sơn chia làm 5 đạo cùng tiến ra Bắc Hà triển khai thế trận đã hoạch định. Đạo quân chủ lực do đích thân vua Quang Trung chỉ huy tiến theo đường trục chính hướng tới Thăng Long, bí mật tiêu diệt gọn các đồn ngoại vi của quân Thanh, mà Tôn Sĩ Nghị không hề hay biết. Ngày 3 Tết vây kín đồn Hà Hồi, bắc loa gọi hàng và bắt sống toàn bộ quân địch. Ngày 4 tiến đến đại đồn Ngọc Hồi do Đề đốc Hứa Thế Hanh phòng giữ. Tôn Sĩ Nghị hay tin, lập tức tăng viện cho đồn này và trận Ngọc Hồi đã diễn ra rất ác liệt.
Cũng lúc này, đạo quân Tây Sơn tinh nhuệ của Đô đốc Long tiến nhanh theo con đường bí mật, và đêm mùng 4 đánh thẳng vào đại đồn Khương Thượng của quân Thanh do Sầm Nghi Đống chỉ huy ở ngay sát nách thành Thăng Long. Bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, hàng vạn quân Thanh bị giết, thây chất ngổn ngang thành 12 đống ( nơi đây trở thành mồ chôn xác giặc Tàu với tên gọi “Gò Đống Đa”). Rạng đông ngày 5 Tết, Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử trong khi quân Tây Sơn ồ ạt tràn vào Thăng Long như thác lũ. Tôn Sĩ Nghị kinh hoàng vứt bỏ cả ấn tín bằng sắc văn thư, vội vã nhảy lên ngựa phóng chạy qua cầu phao vượt sông Hồng. Thấy chủ tướng chạy trốn, quân Thanh ùn ùn hối hả kéo nhau chạy theo. Cầu phao đứt gãy, mấy vạn quân giặc lăn xuống sông chết chìm, khiến nước sông Hồng không chảy được.
Ngay khi ấy, quân chủ lực Tây Sơn đã đánh tan đại đồn Ngọc Hồi, dồn đuổi địch chạy vào khu Đầm Mực, là nơi có đạo quân của Đô đốc Bảo mai phục sẵn. Bị hai đạo quân Tây Sơn vây đánh không còn đường thoát, Đề đốc Hứa Thế Hanh với toàn thể tướng lĩnh cùng hai vạn quân Thanh đã chôn xác nơi đây. Các đám quân Thanh khác trên đường chạy về nước cũng không thoát khỏi cuộc vây quét của các đạo quân Tây Sơn thuộc quyền Đô đốc Tuyết và Đô đốc Lộc.
Giữa trưa ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789), Hoàng Đế Quang Trung khoác chiến bào đỏ sạm đen vì khói súng, cùng các quần thần và ba quân tướng sĩ trên lưng chiến mã tiến vào Thăng Long trong tiếng tung hô “Vạn tuế!” của dân chúng kinh thành. Vậy là, chỉ trong một trận chiến chớp nhoáng 5 ngày (sớm hơn 2 ngày so với dự kiến), thiên tài quân sự Quang Trung đã quét sạch hai mươi vạn quân Tàu xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta.
Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống cùng vài chục thuộc hạ may mắn thoát chết, chạy được qua Ải Nam Quan sang Tàu mà vẫn còn tim đập chân run tâm thần hoảng loạn. Sử sách chép rằng: sau cuộc chiến Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) “ nhà Thanh sợ Tây Sơn như sợ cọp”. Rõ ràng Hoàng Đế Quang Trung của nước ta đã cho Hoàng Đế Càn Long của nước Tàu được “thấy quan tài” để mà “đổ lệ”. Nhờ đó, nước ta được sống hòa bình với nước Tàu tuy to lớn nhưng không dám gây sự trong 190 năm.
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh
2. Mùa xuân Kỷ Mùi 1979: Đặng Tiểu Bình “dạy” và “học”
Trong hai thập niên 1950 và 1960 của thế kỷ XX, giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có mối quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí” (cùng là cộng sản) “vừa là anh em” (cùng trong phe Xã hội Chủ Nghĩa); trong khi đó giữa Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ có mối quan hệ đồng minh (cùng chống cộng sản để bảo vệ Thế giới Tự do). Do vậy, Hoa Kỳ cùng VNCH (ở miền Nam) đã đối đầu với VNDCCH (ở miền Bắc) có sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam ở thời gian đó. Nhưng sang đến thập kỷ 1970 thì các mối quan hệ trên đã nhanh chóng thay đổi khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng cố vấn an ninh Henry Kissinger sang thăm Trung Quốc (21-2-1972) hội đàm với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai để đưa ra bản “Thông cáo chung Thượng Hải” mở đầu cho thời kỳ hợp tác Trung - Mỹ. Theo đó, hai nước lớn công nhận các quyền lợi chính trị của nhau trên thế giới; riêng tại Việt Nam Mỹ sẽ rút khỏi chiến tranh mà bỏ rơi VNCH, còn Trung Quốc sẽ gây áp lực buộc VNDCCH chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam bằng một giải pháp thỏa hiệp với VNCH.
Với sự đồng lõa của Trung Quốc, Hoa Kỳ tiến hành cuộc Tập kích chiến lược bằng không quân trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng, với hy vọng buộc VNDCCH phải khuất phục. Nhưng cuộc tập kích mãnh liệt này đã bị quân dân Việt Nam đánh bại, khiến Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) để rút khỏi Việt Nam. Tận dụng sự ra đi của người Mỹ, Trung Quốc tiến hành ngay chính sách bành trướng ở Việt Nam bằng việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH. Thất bại trong trận hải chiến chống Trung Quốc ngày 19-1-1974 tại đây, 74 sĩ quan và binh sĩ Hải quân VNCH đã tử trận.
Trong khi đó, bất chấp mọi áp lực cản trở của Trung Quốc, VNDCCH mở cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975), đập tan mọi mưu đồ của bọn bành trướng Bắc Kinh. Vô cùng căm tức trước thắng lợi của Việt Nam, Trung Quốc ồ ạt viện trợ cho chính quyền cộng sản “Campuchia Dân chủ” tức Khmer Đỏ của Polpot để dùng bọn này chống Việt Nam. Là những kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa Mao và tuân phục tuyệt đối sự chỉ dạy của quan thầy chúng ở Bắc Kinh, quân Khmer Đỏ đã tiêu diệt chính nhân dân nước mình, đồng thời tràn qua biên giới tàn sát người Việt và xâm lược lãnh thổ phía Tây-Nam nước ta. Không thể thương lượng với những kẻ đã mất hết nhân tính, buộc lòng Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) phải mở chiến dịch phản công để tự cứu mình và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Chỉ sau 2 tuần chiến đấu (23-12-1878 đến 7-1-1979), quân ta đã đánh tan quân Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Penh, giúp nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền mới để khôi phục đất nước.
Việc chế độ Khmer Đỏ bị QĐNDVN lật đổ đã làm cho sự căm tức của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam dâng lên đến tột đỉnh. Sau khi đi thăm Mỹ và Nhật Bản để đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự đồng thuận của hai cường quốc này, tân lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố tiến hành chiến tranh để “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Một binh lực khổng lồ đã được huy động tham chiến, bao gồm 9 quân đoàn chủ lực và nhiều đơn vị khác với tổng quân số 600.000 người, 550 xe tăng, 1600 đại bác và súng cối, có sự phối hợp của không quân và hải quân.
Rạng sáng ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc chia thành hai cánh tổng tấn công trên toàn tuyến biên giới kéo dài 1.200 km phía Bắc Việt Nam gồm 6 tỉnh, dự kiến sẽ giành thắng lợi trong vòng 2 tuần lễ. Cánh phía Tây do tướng Dương Đắc Chí làm tư lệnh tiến đánh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên; cánh phía Đông do tướng Hứa Thế Hữu chỉ huy đánh vào Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Khi ấy, các quân đoàn chủ lực QĐNDVN đang tập trung ở chiến trường biên giới Tây-Nam và Campuchia để truy quét tàn quân Polpot, nên chỉ có 7 sư đoàn bộ đội địa phương và các đơn vị biên phòng Việt Nam với tổng quân số khoảng 60.000 người cùng lực lượng dân quân du kích phòng thủ biên giới phía Bắc. Mặc dù binh lực chỉ bằng 1/10 của địch, quân dân ta dày dạn kinh nghiệm chiến tranh đã anh dũng chiến đấu đến giọt máu và viên đạn cuối cùng, chặn đứng từng bước tiến của địch. Quân địch tuy đông nhưng chiến lược chiến thuật lạc hậu và không thích hợp với địa hình chiến trường đồi núi, nên không thể bẻ gãy được sự kháng cự mãnh liệt của quân ta. Đã có cả những cựu chiến binh VNCH đang bị cải tạo tại các trại giam nơi đây cũng cầm vũ khí chiến đấu cùng các chiến sĩ QĐNDVN chống quân xâm lược.
Sau một tháng chiến đấu không giành được trận thắng nào đáng kể mà phải chịu rất nhiều tổn thất, quân Tàu đã san bằng các thị xã Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn; nhưng chúng không thể ra khỏi các tỉnh biên giới và không dám mơ tiến về Hà Nội. Quân ta không chỉ giữ từng tấc đất của mình, mà còn đột kích vào hậu cứ địch ở bên kia biên giới.
Ngày 5-3, Chủ tịch nước VNDCCH ra lệnh Tổng động viên toàn quốc, đồng thời Quân đoàn 2 chủ lực QĐNDVN được không vận từ mặt trận Tây-Nam ra Bắc cùng Quân đoàn 14 mới thành lập đã sẵn sàng phản công tiêu diệt địch. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh Trung Quốc vội vã tuyên bố rút quân vì “nhiệm vụ chiến tranh đã hoàn thành” (tức là “bài học” đã được dạy xong!). Mặc dù quân ta bày tỏ thiện chí không truy kích để cho địch rút nhanh, quân Tàu đã thẳng tay tàn sát dân thường và phá sạch những gì còn lại trên đường chúng rút chạy. Ngày 18-3 tên lính Trung Quốc cuối cùng đã rời khỏi Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược mùa xuân năm Kỷ Mùi 1979.
Bình luận về cuộc chiến tranh này, tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ (số ra ngày 6-5-1979) viết: “ Sau khi tính sổ lỗ lãi của đòn trừng phạt Việt Nam vừa qua của Trung Quốc, thế giới có thể nhất trí rằng: Trung Quốc đã phải rút khỏi chiến tranh với uy tín bị tổn thương và mặt mày đầy máu me thương tích”. Thống kê của Việt Nam cho thấy: 62.000 tên địch đã bị giết, bị thương và bị bắt sống; 250 xe tăng và xe bọc thép cùng 115 khẩu trọng pháo của chúng đã bị phá hủy. Rõ ràng một “bài học” đã được dạy ở đây, chỉ có điều người dạy và người học đã đổi chỗ cho nhau khi những tên xâm lược muốn dạy dỗ người khác được quân dân Việt Nam cho “thấy quan tài”. Nhờ đó, quan hệ Việt-Trung dần dần trở lại bình thường, dẫn tới mười sáu chữ vàng lấp lánh: “ Láng giềng hữu nghị-Hợp tác toàn diện- Ổn định lâu dài- Hướng đến tương lai”.
Quân của Đặng Tiểu Bình đang nhận bài học từ Việt Nam
3. “Đường Lưỡi Bò” sẽ dẫn đến đâu?
Thất bại trên đất liền, Trung Quốc đẩy mạnh bành trướng trên biển. Từ quần đảo Hoàng Sa đã chiếm được, hải quân Trung Quốc tiến tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận hải chiến ngày 14-3-1988, Trung Quốc chiếm được bãi đá Gạc Ma ở đây sau khi 64 sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam hy sinh anh dũng; nhưng hầu hết quần đảo Trường Sa đã được Hải quân NDVN bảo vệ vững chắc.
Bước sang thế kỷ XXI, nhất là khi Trung Quốc vươn lên thành một nền kinh tế mới nổi lớn thứ hai thế giới, tham vọng bá chủ thiên hạ lại trỗi dậy mãnh liệt trong giới cầm quyền Bắc Kinh. Tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ chưa yên, Trung Quốc lại gây sự với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và triển khai mưu đồ bành trướng làm bá chủ biển Đông. Vẽ ra một đường ranh giới chiếm trọn 80% diện tích biển Đông (được gọi theo hình dạng của nó là “đường Lưỡi Bò”), Trung Quốc xác định rằng đó là phạm vi chủ quyền của họ (!) Từ đó, họ tìm mọi cách gây hấn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác hòng nuốt trọn biển Đông bằng những âm mưu và hành động thâm hiểm và ngang ngược, gây tổn hại rất nhiều về tinh thần và vật chất cho dân ta, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
Tháng 4-2013, chính phủ Trung Quốc lại công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12”. Văn kiện này thực chất là một chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhắm tranh giành quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, đồng thời tranh đoạt lãnh hải và chủ quyền biển đảo với 7 nước ASEAN trên biển Đông. Thực hiện “Quy hoạch” này, họ chiếu theo “đường Lưỡi Bò” để dựng mốc chủ quyền và tăng cường quản lý giao thông trên biển, đồng thời tiến hành khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác ở các quần đảo trên biển Đông mà họ tranh cướp được, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 11-2013, Trung Quốc lại công bố “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” ở biển Hoa Đông, bao trùm cả các lãnh thổ mà họ đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Một ADIZ nữa cũng đang được Trung Quốc chuẩn bị dành cho biển Đông để tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã và đang diễn ra một cách trắng trợn bằng chính sách hai mặt đối với Việt Nam và các nươc Đông Nam Á khác: dụ dỗ lôi kéo bằng “thiện chí” giả tạo kết hợp với trấn áp thẳng tay bằng vũ lực. Nếu không được ngăn chặn thích đáng, sự bành trướng này sẽ biến “Đường Lưỡi Bò” thành biên giới mới của Trung Quốc và biển Đông sẽ trở thành cái “ao nhà” của nước Tàu. Để có thể chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc, người Việt Nam không được mắc mưu lôi kéo dụ dỗ của Bắc Kinh, không được khiếp sợ trước thế lực của nước Tàu, mà phải luôn sẵn sàng đối phó với mọi hành động xâm lược dưới bất cứ một hình thức và thủ đoạn nào.
Trong bối cảnh hiện hành ở biển Đông, cách ứng xử của ông cha ta đối với bọn xâm lược phương Bắc, từ ngàn xưa cho đến mùa xuân 1789 và mùa xuân 1979, phải trở thành bài học sinh động để quân dân Việt Nam áp dụng vào thực tiễn.
Lê Vinh Quốc