NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỰ CỨU

( 17-04-2018 - 08:48 PM ) - Lượt xem: 871

Có thể nào tiếp tục coi hiếp đáp, bạo lực, bạo hành trẻ em, phụ nữ, người yếu thế là chuyện bình thường, xưa nay vẫn vậy? Có thể nào tiếp tục coi nó, tuy không bình thường, tuy rất đau lòng, nhưng là điều không tránh khỏi và chúng ta đành chịu vậy thôi?

Từ đầu tháng 3 đến nay, dồn dập tin dữ từ thực tế giáo dục phổ thông, tức sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu trẻ em dưới 18 tuổi, được tung ra trên các phương tiện truyền thông. Những sự bạo hành khó tưởng tượng cả về thể chất lẫn tinh thần, như cả lớp bị phạt quỳ suốt tiết nhiều lần, nhiều tháng học sinh không được nghe cô giảng bài trên lớp, trẻ 8 tuổi bị ép uống nước giặt giẻ, phụ huynh làm nhục và hành hung cô giáo, học sinh tấn công, gây thương tích cho thầy cô trong lớp học hay ở cổng trường… Nạn nhân là học sinh, là thầy cô giáo, là phụ huynh học sinh; và vì vậy, cũng là Hiệu trưởng, là quản lý ngành giáo dục và nói chung, quản lý các cấp. Nạn nhân là họ, và trừ các em học sinh nhỏ tuổi, thủ phạm cũng là họ, nghĩa là ai đó trong số rất đông người bình thường. Người trên 18 tuổi đương nhiên phải chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của mình, chịu trách nhiệm khi mình làm điều gì đó rất trái đạo lý, xâm phạm nghiêm trọng quyền và sự an toàn của người khác, hay không làm điều gì đó mà mình có trách nhiệm phải làm. Nhưng phải chăng sự việc chỉ liên quan đến một số cá nhân, và chỉ có họ là “người trong cuộc”? Không. Ai cũng từng là, đang hay sẽ là phụ huynh. Và dù không phải phụ huynh, thì không một con người bình thường nào vô cảm trước chuyện trẻ em bị bạo hành về thể chất, tinh thần ngay tại trường học, là nơi có sứ mệnh tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các em phát triển về trí tuệ, cảm xúc và nhân cách. Không ai vô cảm trước chuyện thầy cô giáo không được tôn trọng, không được bảo vệ an toàn khi họ đang hành nghề tại nơi làm việc.

Nhưng có đúng thực chất vấn đề chưa, và nhất là có giải quyết được gì không khi chúng ta chỉ đau xót, bàng hoàng, hay chán nản, tuyệt vọng, giận dữ, thậm chí chửi bới, nguyền rủa? Hình như số đông chưa nhìn nhận đúng mức tác hại đối với xã hội, trước hết là với chính học sinh, trẻ em, khi một số người lớn tiếng đòi - hay tự mình thực hiện trả đũa bạo lực bằng bạo lực.

Vậy làm sao bây giờ? Chắc chắn không có giải pháp “đũa thần” nào cho một tình hình tồi tệ đã lâu, nghiêm trọng kéo dài. Không có liệu pháp diệu kỳ, thần tốc nào cho căn bệnh trầm kha, thập tử nhứt sinh. Tôi chỉ mong chúng ta bình tâm nhìn nhận thực tế và suy nghĩ trên vài câu hỏi. Rồi hành động.

Có thể nào tiếp tục coi hiếp đáp, bạo lực, bạo hành trẻ em, phụ nữ, người yếu thế là chuyện bình thường, xưa nay vẫn vậy? Có thể nào tiếp tục coi nó, tuy không bình thường, tuy rất đau lòng, nhưng là điều không tránh khỏi và chúng ta đành chịu vậy thôi?

Có thể nào vẫn cứ coi “đấu tranh, tránh đâu?” cũng là chuyện bình thường, không thể nào thay đổi được, cho nên lãnh đạo cấp cao vẫn phải vì “bất an” mà yêu cầu chuyển em học sinh trung thực “tránh đi” cho nó lành? Chỉ cần “bảo vệ” một em học sinh (mà liệu có bảo vệ được lòng tự trọng, trái tim yêu sự thật, lẽ phải và khao khát công bằng của em khỏi tổn thương)? Hay cần bảo vệ sự an toàn và ý chí đấu tranh cho nhiều em học sinh trung thực, để cái tốt có đất sinh sôi?

Xin đừng làm đà điểu chúi đầu xuống cát để tự an ủi “chỉ là trường hợp cá biệt”. Cơ thể đã “sốt phát ban” tới mức đó rồi mà chúng ta vẫn cứ “chịu vậy thôi” thì e không cứu nổi.

Nhưng cũng xin đừng vơ đũa cả nắm, chửi bới, miệt thị tất cả thầy cô, phụ huynh, toàn ngành giáo dục hay cả xã hội Việt Nam, thậm chí trăm dâu đổ đầu tổ tiên, ngờ vực cả truyền thống văn hóa, cứ như thể cái “văn hóa phương Đông” mơ hồ nào đó là tội tổ tông giải thích mọi ươn hèn, khiếp nhược hay hành xử phi nhân tính của người Việt thời nay. Sao không ứa nước mắt xót xa mà cảm nhận, như một trí thức Việt sống xa quê từng thổn thức: “Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tổ tiên.” (Diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh năm 2017 của GS Cao Huy Thuần)?

Vậy làm sao bây giờ? Giữa dòng nước xiết, có đường sống nào khác hơn là bơi vượt sóng? Nhưng chúng ta cùng trên một con thuyền. Không phải người biết bơi (hay người có phao) thì sống, không biết, không có thì chìm. Ai “tị nạn giáo dục” được thì cứ lo thân mình hay cứu lấy một gia đình nhỏ của mình, còn thì “sống chết mặc bay”, hay nhai lại điệp khúc “biết sao bây giờ”. Vẫn biết một giải pháp này là chưa đủ, nhưng không thể không làm: tự cứu, nhưng là cùng nhau tự cứu.

Bước đầu thực hiện chương trình “TEACH-Cùng giáo viên thay đổi”, chúng tôi làm quen với những câu lạc bộ suốt 20 năm miệt mài khuyến khích học sinh đọc sách, những tình nguyện viên kiên trì vượt khó xây dựng hàng trăm câu lạc bộ Sách và hành động ở các trường học, và nhiều nỗ lực âm thầm, bền bỉ khác. Mọi nỗ lực ấy đều nhằm đồng hành với bạn trẻ, với người yếu thế trong nỗ lực sống ra con người của họ. Hay nói như nhà giáo Lê Vinh Quốc, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia TEACH: “Những thảm họa vừa qua là do nhiều người trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và công chúng đã bị hoàn cảnh làm cho tha hóa mà chưa xây dựng được bản ngã của mình.”

Chưa vững vàng bản ngã, chưa biết mình là ai, có quyền và nghĩa vụ gì; là do học chưa tới nơi, chưa đúng cách. Vậy, nói như nhà cách mạng Phan Châu Trinh từ trăm năm trước: “Chi bằng học.” Thầy và trò, cha mẹ và con cái tự học từ sách và  nguồn tư liệu khác, từ cuộc sống có thành công và thất bại, học từ trải nghiệm của chính mình và người thân. Giáo viên giúp nhau tự tạo ra thay đổi tích cực trong thực hành giáo dục của mình. Phụ huynh cùng nhau tìm giải pháp bổ khuyết những gì con chưa học được ở nhà trường và xã hội. Giáo viên cố gắng sửa chữa những khuyết tật, hệ lụy sinh ra từ môi trường gia đình, xã hội và từ cấp học dưới, từ môi trường giáo dục khác. Nhiều nỗ lực tự cứu đã và đang diễn ra như vậy. Bảo vệ trẻ hay người yếu thế, phương thức khác nhau tùy lứa tuổi, hoàn cảnh nhưng không gì hiệu quả hơn trang bị, tăng cường bản lĩnh, năng lực tự vệ cho trẻ, cho người yếu thế. Pháp luật, quy tắc chỗ nào chưa có thì đấu tranh cho có, chưa hoàn thiện thì góp sức hoàn thiện nó; có rồi thì quảng bá, và tạo áp lực cộng đồng để nó được thấu hiểu rộng rãi, đi vào đời sống. Và mạnh hơn cả pháp luật, là lòng tự trọng, nhân cách, là những giá trị mà mỗi người tự thấy mình cần bảo vệ.

Có người nói những kẻ tự cứu ấy vẫn đang là thiểu số, đôi khi họ còn đơn độc, lạc loài. Đúng. Trong nhiều trường hợp, họ cảm nhận chính mình cũng là thiểu số yếu thế. Nhưng không có thiểu số đó, không có khát khao làm người - dù còn chao đảo, có bước tiến bước lùi - ở trong số đông thì sẽ còn ra sao nữa? Tình hình càng nước sôi lửa bỏng thì nỗ lực tự cứu càng thu hút thêm người quan tâm. Chúng tôi thực hiện “Cùng giáo viên thay đổi” chưa lâu, đã có phụ huynh yêu cầu “Cùng phụ huynh thay đổi”. Và họ đúng, tuyệt đối đúng. Đúng hơn nữa là phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh, giữa bạn đọc và nhà xuất bản, giữa nhiều tác nhân có liên quan, để cùng nhau tự cứu. Thành thật, không có giải pháp “đũa thần”, chỉ là cùng nhau tự cứu. Vì nguy và gấp lắm rồi.

                                                                                                      BÙI TRÂN PHƯỢNG

(TEACH-Cùng giáo viên thay đổi)

Tháng 4-2018

Các Bài viết khác