NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THIÊN TÀI ÂM NHẠC NƯỚC Ý – VIVALDI (1678 – 1741) VỚI BẢN CONCERTO “MÙA XUÂN”

( 19-02-2018 - 04:42 PM ) - Lượt xem: 1011

Vivaldi là một trong năm người con của ông Giovanni Battista Vivaldi và bà Camilla Caliccio. Ông Giovanni Battista - thân sinh ra Vivaldi là thợ cắt tóc, sau đó trở thành nghệ sĩ violon chuyên nghiệp và là người sáng lập nên Sovvegno dei musicisti di Santa Cecilia, một tổ chức dành cho các nhạc sĩ. Ông đã dạy Vivaldi chơi violon và hai cha con đã cùng nhau lưu diễn violon.

        Antonio Lucio Vivaldi - sinh ngày 4 tháng 3 năm 1678 ở Venice, mất ngày 28 tháng 7 năm 1741 là một nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý thời kỳ Baroque (thời kỳ có nhiều thay đổi to lớn của âm nhạc truyền thống mà nước Ý là nơi khởi xướng, nó được bắt đầu từ khoảng năm 1600 và kéo dài 150 năm đến khoảng năm 1750). Vivaldi đồng thời cũng là một nghệ sĩ vĩ cầm bậc thầy, giảng viên âm nhạc, đồng thời là một linh mục. Trong suốt cuộc đời ông, sức ảnh hưởng của ông lan rộng trên khắp châu Âu. Ông thường được biết đến với các concerto được viết cho nhiều nhạc cụ, đặc biệt là cho violon. Các bản hợp xướng ông viết cho nhà thờ và nhiều vở opera đã được công diễn qua nhiều thế kỷ. Nhưng ông nổi tiếng nhất với bộ concerto cho violon (vĩ cầm) mang tên Bốn mùa (Le quattro stagioni).

         Vì được cha dạy violon cho từ nhỏ và được lưu diễn nhiều nơi cùng cha cho nên Vivaldi có một nền tảng vững chắc về âm nhạc. Kiến thức âm nhạc phong phú mà ông tích lũy đã được đánh giá rất cao khi ông mới ở tuổi 24, bắt đầu làm việc tại Ospedale della Pietà (nhà tình thương).

        Do bị mắc căn bệnh hen suyễn nên Vivaldi đã ngừng chơi các nhạc cụ hơi. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe không cản trở ông trong việc tập luyện violon, tham gia các hoạt động âm nhạc và sáng tác. Năm 1693, ở tuổi 15, ông bắt đầu học để trở thành một linh mục. Ông được thụ phong linh mục vào năm 1703 khi mới 25 tuổi và được đặt biệt danh là il Prete Rosso, nghĩa là Linh mục đỏ. Chính cuộc đời thăng trầm của ông đã trở thành họa hình cho bìa một cuốn sách, họa hình đó là một thiên thần đội mũ linh mục chơi vĩ cầm. Năm 1703 đó cũng là thời điểm mà Vivaldi đã là một nhà soạn nhạc rất nổi tiếng và trở thành thầy dạy vĩ cầm tại một nhà tình thương tên là Ospedale della Pietà. Ông được nhắc đến là một người chơi vĩ cầm vô cùng điêu luyện về kỹ thuật, chơi độc tấu bè đệm rất xuất sắc và thường thêm vào một đoạn ngẫu hứng rất khó ở đoạn kết, mà những đoạn ngẫu hứng đó đối với nhiều người đã tập luyện qua vẫn còn rất khó.  

Nhà tình thương nơi Vivaldi làm việc là nơi nuôi dưỡng và giáo dục những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ mồ côi hoặc những đứa trẻ mà gia đình không có điều kiện để nuôi nấng. Những đứa trẻ trai ở đây được học nghề, còn các bé gái được dạy nhạc và nếu có tài năng thì được giữ lại và trở thành thành viên của dàn hợp xướng của Ospedale. Vivaldi đã dạy violon và sáng tác nhạc tại nhà tình thương hơn ba mươi năm. Có lẽ chính vì vậy mà âm nhạc do ông sáng tác có âm hưởng da diết của tình thương và tràn đầy ánh sáng. Những đứa trẻ ở nhà tình thương được ông dạy dỗ được đánh giá cao và được quý trọng.  

Cũng trong thời gian đó ông còn đóng vai trò là giám đốc nghệ thuật của nhiều vở opera nổi tiếng, trong đó có tác phẩm Nerone fatto Cesare (1715), vở Arsilda, regina di Ponto (cuối năm 1715). Đây là một vở opera thành công vang dội của ông mặc dù khi mới ra mắt bị nhà nước cấm công diễn. Năm 1716 ông viết hai vở opera nữa đều rất nổi tiếng và được lưu diễn trên khắp nước Ý vào thời điểm đó và những năm tiếp theo. Trong một lá thư viết cho người bảo trợ của mình là Marchese Bentivaglio vào năm 1737, Vivaldi đã nhắc đến thành quả lao động nghệ thuật của ông trong 25 năm là 94 vở opera ở cả hai vai trò là một nhà soạn nhạc và giám đốc nghệ thuật. Do âm nhạc của ông có nhiều đổi mới nên cũng chịu nhiều công kích từ những nhà soạn nhạc và những nhà phê bình theo xu hướng bảo thủ thời đó.

Bất chấp bị công kích, vào khoảng năm 1717 – 1718 ông đã được đề cử cho vị trí danh giá, đó là nhạc trưởng trong cung đình của hoàng tử Philip, thống đốc thành phố Mantua. Ông ở lại đây ba năm và sáng tác một số vở opera. Năm 1721 ông đến sống tại Milan, nơi ông đạo diễn vở kịch đồng quê La Silvia. Năm 1722 Vivaldi chuyển đến Rome, nơi ông cho ra mắt phong cách opera mới của mình và cũng đã được tân giáo hoàng Benedict XIII mời đến chơi đàn.

Năm 1725 ông trở lại Venice và sáng tác bộ concerto Bốn mùa, gồm bốn concerto cho vĩ cầm miêu tả phong cảnh của mỗi mùa. Bản concerto đầu tiên “Mùa xuân” được dựa trên motif từ một sinfonia của một opera cùng thời, còn ba concerto tiếp theo hoàn toàn được viết dựa trên ý tưởng riêng của ông. Cảm hứng cho cả bốn concerto này đều dựa trên cảnh đồng quê quanh vùng Mantua. Chúng có một sự luân chuyển trong phần ý tưởng âm nhạc để miêu tả sự vận hành tiếp nối bốn mùa trong một năm. Cùng với những hình ảnh thiên nhiên được khơi gợi trong âm nhạc, người nghe có thể cảm nhận được cả sự hiện diện của cô gái đẹp như nàng tiên bước nhẹ lâng trên cánh đồng xanh hoặc nhún nhảy bên bờ suối rì rào. Trong thời gian ở Mantua, Vivaldi đã làm quen với một nữ ca sĩ trẻ tên là Anna Tessieri Girò. Cô là học trò của ông, được ông bảo trợ và là một giọng nữ chính hát opera được ông yêu thích nhất. Anna và người chị Paolina của mình đã trở thành người thân cận và đồng hành cùng Vivaldi trong nhiều chuyến đi.

Phải chăng những nữ sĩ ấy đã góp phần trở thành nét chấm phá, tạo nên cái hồn của phong cảnh bốn mùa trong bộ concerto của Vivaldi? Trong từng concerto, ông miêu tả một cách rõ ràng những đặc trưng của mỗi mùa. Đó là âm thanh rộn rã của những người chăn cừu cùng đàn cừu nhấp nhô thong thả tiến ra đồng cỏ xanh mênh mông trong nắng hè rực rỡ rồi đến những điệu nhảy tưng bừng của họ khi đã ngà say. Đó là tiếng gió Mùa thu và những con nai con nghểnh đôi mắt ướt nhìn bầu trời xanh thẳm, sẫm dần và chuyển sang màn đêm yên tĩnh, mọi âm thanh chìm đi, chỉ còn tiếng muỗi vo ve…Sau đó lại bùng lên tiếng tí tách của ngọn lửa ấm áp, làm tan đi băng tuyết của Mùa đông, khi các chú chó săn đã trở về với chiến lợi phẩm và những đứa trẻ mệt nhoài với trò chơi trượt tuyết…   

Trở lại với concerto “Mùa xuân”. Đây là concerto dựa theo motif của một sinfonia như đã đề cập tới ở trên. Concerto số 1 mang tên “La primavera” (Mùa xuân) giọng Mi trưởng, trong đó chương 1 và chương 3 giọng chủ đạo Mi trưởng (Allego) có tiết tấu vui tươi, chương 2 giọng Đô thăng thứ (Largo e pianissimo sempre) có tiết tấu chậm hơn để miêu tả trạng thái sâu lắng, sự cảm nhận da diết đối với thiên nhiên. Vivaldi đã miêu tả Mùa xuân với dòng chảy róc rách của những con suối nhỏ, tiếng các loài chim bay liệng trên không trung rồi sà xuống nhảy nhót trên cành, cất tiếng hót với muôn vàn sắc thái. Tiếng rì rào khẽ khàng của những vạt cỏ non lay động trong làn gió ấm. Đây đó nghe được cả tiếng réo rắt của côn trùng đang bừng tỉnh trong nắng xuân, những chú bướm trắng đang cố vươn mình bứt ra khỏi cái kén chật chội, đua nhau trỗi dậy cùng lộc biếc đang run rẩy trong sương mai. Tiếng lướt đi nhẹ nhàng của cô gái trẻ với mái tóc xõa bờ vai trên cánh đồng hoa đang bung nở, đôi tay giang rộng vờn quanh đôi chim câu đang nhảy nhót gật gù mổ hạt...

Mỗi người khi nghe bộ concerto Bốn mùa nói chung và concerto Mùa xuân nói riêng của Vivaldi sẽ có cảm nhận ở các cung bậc khác nhau của cảm xúc. Nhưng không thể phủ nhận rằng âm nhạc của Vivaldi đã đem đến một luồng gió mới. Ông đã thay đổi cấu trúc về hình thức và nhịp điệu của concerto, làm cho tươi sáng hơn, mặt khác ông cũng tìm thấy sự hài hòa và tương phản từ sự đổi mới giai điệu và chủ đề. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng phần lớn âm nhạc của Vivaldi có âm hưởng vui vẻ năng động, có lúc đến độ hào hứng, bồng bột của tuổi thanh niên. Chẳng thế mà các concerto của Vivaldi đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastrian Bach.   

     Ngưỡng mộ trước tài năng âm nhạc của Vivaldi, nhân kỷ niệm 340 ngày sinh của ông (1678 - 2018) và cũng như để chào mừng xuân 2018 nhiều ấn tượng, chúng ta hãy cùng nhau nghe bản concerto số 1, cung Mi trưởng “Mùa xuân” trong bộ bốn concerto “Bốn mùa”, một tác phẩm được miêu tả như một ví dụ tiêu biểu của âm nhạc trước thế kỷ 19.   

 

Xuân 2018

                                Tác giả: Tùng Chi  

 

Các Bài viết khác