NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ ĐƯỜNG LỐI CHỐNG TÀU GIỮ NƯỚC CỦA TA

( 14-02-2019 - 07:09 AM ) - Lượt xem: 793

Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Tàu chia thành hai cánh tổng tấn công trên toàn tuyến biên giới kéo dài 1.200 km phía Bắc Việt Nam. Nhưng sau 2 tuần chiến đấu ác liệt, chính quân Tàu đã nhận được bài học ở Việt Nam: bị quân và dân ta đánh bại, chúng phải rút chạy về nước với những tổn thất nặng nề.

Nhân kỷ niệm 40 năm bùng nổ cuộc Chiến tranh Biên giới Trung-Việt (17/2/1979-17/2/2019)

 

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC

 VÀ ĐƯỜNG LỐI CHỐNG TÀU GIỮ NƯỚC CỦA TA

 

LÊ VINH QUỐC

 

1. Từ xưa đến nay

 

Bộ sách cổ Kinh Thi của người Tàu khẳng định rằng: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần ” (nghĩa là “ở dưới gầm trời này,không một tấc đất nào không phải của nhà vua; trên từng tấc đất, không một người nào không phải là thần dân của nhà vua”). Theo đó, vua nước Tàu tự xưng là “Thiên tử” (con trời) để làm bá chủ thiên hạ, buộc tất cả các nước khác dưới gầm trời phải thần phục mình. Đó chính là “chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa” - một hệ tư tưởng đã ngự trị suốt tiến trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Ngay cái tên mà người Tàu tự đặt cho nước mình cũng thể hiện thế giới quan theo hệ tư tưởng đó: “Trung Hoa” (hay “Trung Quốc”) có nghĩa là nước văn minh ở trung tâm thế giới, để phân biệt với các nước xung quanh chậm phát triển được gọi là “Tây Nhung-Đông Di-Nam Man-Bắc Địch”.

 Theo đó, nước Việt của ta bị hoàng đế Tàu coi là “Nam Man” và phải thần phục nó. Nhưng tổ tiên ta đã phủ nhận hệ tư tưởng đó, để khẳng định nền độc lập của mình:

 

                              Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư

                              Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

                              Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

                              Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 

(Tạm dịch: Non sông nước Nam thuộc quyền Hoàng Đế nước Nam/ Sách trời đã phân định rõ ràng / Bọn giặc man rợ kia sao dám sang xâm phạm?/ Chúng bay nhất định phải bại vong).

 Chính là theo tinh thần đó mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của nước Tàu, giữ vững non sông đất nước mình trong suốt hàng nghìn năm.

 Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra đời sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã phải đối phó ngay với 20 vạn quân Trung hoa Dân quốc (THDQ) kéo vào miền Bắc nước ta dưới danh nghĩa tước vũ khí quân Nhật sau chiến tranh thế giới thứ Hai. Tuy nhiên, sự sáng suốt của Chính phủ Hồ Chí Minh trong việc ký với nước Pháp bản Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) đã tống tiễn được quân Tàu về nước.

 Nhưng rồi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Việt Nam DCCH lại phải cầu viện đến nước Tàu. Thế là một quá trình bành trướng mới của Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa lại bắt đầu.

 

 

2. Quá trình bành trướng của Trung Quốc chống Việt Nam trong thời hiện đại

 

2.1.         Giai đoạn đầu của quá trình can thiệp và bành trướng (1950-1988)

  Nước CHND Trung Hoa của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông đứng đầu bắt đầu can thiệp vào Việt Nam sau chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc (TQ) và Liên Xô đầu năm 1950, để xin hai nước này viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ( DCCH) trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Viện trợ của TQ và Liên Xô đã có vai trò quan trọng giúp Việt Nam DCCH phát triển lực lượng quân sự để giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ và kết thúc thành công cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954).

 Nhưng để có được sự viện trợ đó, Hồ Chủ tịch đã phải trả giá vô cùng đắt: Việt Nam DCCH buộc phải từ bỏ chế độ dân chủ cộng hòa dựa trên hệ tư tưởng Nhân quyền do chính ông tạo dựng sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, để gia nhập hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa (XHCN - tức Cộng sản) của Liên Xô và TQ theo chế độ “chuyên chính vô sản” ( còn được gọi là “độc tài Đảng trị”), dựa trên hệ tư tưởng đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng (được mệnh danh là “chủ nghĩa Mác-Lênin”). Hơn nữa, bản Hiệp nghị Genève 1954 phân chia Việt Nam thành hai nước, với Việt Nam DCCH ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền Nam, cũng là một thắng lợi của chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa trong việc biến nước ta thành “chư hầu” của nước Tàu. Từ đây, giữa Việt Nam DCCH với CHND Trung Hoa có mối quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí” (cùng là cộng sản) “vừa là anh em” (cùng trong phe XHCN), để đối đầu với Hoa Kỳ và VNCH trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến đầu thập niên 1970. Viện trợ cho Việt Nam DCCH để “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, TQ không muốn chiến tranh kết thúc bằng sự thống nhất đất nước Việt Nam, mà luôn nắm bắt thời cơ để lấn chiếm lãnh thổ nước ta.

 Năm 1956, nhân lúc chính phủ VNCH chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa do Pháp trao trả, TQ đã lấn chiếm một phần quần đảo này. Ngày 4-9-1958, Chính phủ TQ ra tuyên bố: “Bề rộng lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHND Trung Hoa bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.  Đây là lời tuyên bố công khai chính thức đầu tiên của TQ về mưu toan chiếm Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) của Việt Nam cùng các quần đảo khác thuộc nước khác trên biển Đông. Vì tin vào “tình hữu nghị Việt-Trung”, thủ tướng Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm thừa nhận tuyên bố này của TQ.

 Tháng 2-1972, TQ và Hoa Kỳ ký bản “Thông cáo chung Thượng Hải” mở đầu cho thời kỳ hợp tác Trung-Mỹ, để bỏ rơi các bạn đồng minh cũ của họ trong chiến tranh Việt Nam. Với sự đồng lõa của TQ, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc Tập kích chiến lược bằng không quân trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 tàn phá Bắc Việt Nam, nhằm buộc Việt Nam DCCH phải khuất phục. Nhưng cuộc tập kích này bị Việt Nam DCCH đánh bại,  Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) để rút khỏi Việt Nam. Đồng tâm nhất trí với Mỹ, TQ ra sức ngăn cản Việt Nam DCCH đánh bại hoàn toàn VNCH để thống nhất đất nước; đồng thời tiến hành ngay việc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VNCH. Vì bị Mỹ bỏ rơi, VNCH đã thất bại trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (với 74 chiến binh tử trận) và toàn bộ quần đảo này đã rơi vào tay TQ (19-1-1974).

 Nhưng bất chấp mọi áp lực cản trở của TQ, Việt Nam DCCH mở cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975 đánh bại VNCH (30-4-1975), thống nhất đất nước với tên gọi mới là Cộng hòa XHCN Việt Nam, đập tan mọi mưu đồ chia cắt nước ta của Bắc Kinh. Căm tức trước thắng lợi của Việt Nam, TQ ồ ạt viện trợ cho chính quyền cộng sản “Campuchia Dân chủ” tức Khmer Đỏ của Polpot để dùng bọn này chống Việt Nam. Tuân phục sự chỉ dạy của Bắc Kinh, quân Khmer Đỏ đã tiêu diệt chính nhân dân nước mình, đồng thời tràn qua biên giới tàn sát người Việt và xâm lược lãnh thổ phía Tây-Nam nước ta. Trước tình thế đó, giới lãnh đạo nước ta do Tổng bí thư Lê Duẩn đứng đầu đã quyết định liên minh với Liên Xô để chống TQ và Khmer Đỏ. Sau khi ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện với Liên Xô (1978), Việt Nam tiến hành chiến dịch phản công ở Campuchia. Chỉ sau 2 tuần chiến đấu (23-12-1978 đến 7-1-1979), quân ta đã đánh tan quân Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Penh, dẹp yên biên giới Tây Nam và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

 Thất bại của bọn tay sai Khmer Đỏ đã thúc đẩy giới lãnh đạo TQ do Đặng Tiểu Bình cầm đầu trực tiếp gây chiến tranh xâm lược nước ta để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17-2-1979,  60 vạn quân Tàu chia thành hai cánh tổng tấn công trên toàn tuyến biên giới kéo dài 1.200 km phía Bắc Việt Nam. Nhưng sau 2 tuần chiến đấu ác liệt, chính quân Tàu đã nhận được bài học ở Việt Nam: bị quân và dân ta đánh bại, chúng phải rút chạy về nước với những tổn thất nặng nề. Sau đó, biên giới hai nước luôn ở trong tình trạng căng thẳng và chiến sự đẫm máu lại bùng lên trong năm 1984. Trên biển Đông, quân Tàu tiến chiếm Trường Sa của Việt Nam theo lộ trình đã vạch sẵn. Ngày 14-3-1988, hải quân Tàu  hèn hạ tấn công các tàu vận tải chở công binh Việt Nam đến xây công sự phòng thủ ở bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa). Sau khi tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam không đủ khả năng tự vệ, quân Tàu chiếm được Gạc Ma nhưng phần lớn quần đảo Trường Sa vẫn được Hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc.

 

2.2. “Đường lưỡi bò” và “16 chữ vàng” (1988-2010)

 CHND Trung Hoa thừa kế  bản đồ “ Đường lưỡi bò” 11 đoạn của THDQ, cải biên thành “Đường 9 đoạn” (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ) để làm mục tiêu bành trướng biến biển Đông thành cái “ao nhà” của nước Tàu. Sau khi chiếm được bãi đá Gạc Ma, TQ tự coi “Đường Lưỡi bò” là “ranh giới trên biển” của mình và tiếp tục tìm cách lấn chiếm Trường Sa cùng các quần đảo khác nằm trong đường ranh giới đó.

 Trước những hành động xâm lăng như vậy, Việt Nam phải có một đường lối rõ ràng để đối phó. Những biến chuyển to lớn của tình hình thế giới cuối thập kỷ 80 - đầu thập kỷ 90 đã tạo ra cơ hội bằng vàng để nước ta lựa chọn con đường đúng đắn  cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Khi ấy, hệ thống XHCN đã lâm vào cuộc khủng hoảng không lối thoát; Liên Xô phải “cải tổ” (từ 1985), Việt Nam phải “đổi mới” (từ 1986); hệ thống XHCN ở Đông Âu đã nhanh chóng sụp đổ trong “Mùa Xuân 1989” và chính Liên Xô đã tan rã để trở thành Liên Bang Nga theo thể chế dân chủ (12-1991); Trung Quốc đã sớm “cải cách-mở cửa” (từ 1978) nhưng quyết dùng bạo lực để bảo vệ chế độ XHCN qua cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ trong sự kiện Thiên An Môn (5-1989); còn Hoa Kỳ đang đẩy mạnh quá trình bình thường hóa quan hệ với  Cộng hòa XHCN Việt Nam đã bắt đầu rút quân khỏi Campuchia (từ 1989).

 Nếu nhận thức được chính xác về bản chất của các sự kiện trên, thì đường lối đúng đắn cần được lựa chọn cho Việt Nam là: dân chủ hóa đời sống chính trị theo gương các nước Đông Âu và Liên Bang Nga, nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và hợp tác với các cường quốc dân chủ, để tập trung mọi lực lượng chống bọn bành trướng TQ. Tuy nhiên, vì bị cầm tù trong hệ tư tưởng Mác-Lênin, lại lo sợ đặc quyền đặc lợi của mình sẽ tiêu tan nếu “chế độ XHCN” bị xóa bỏ, giới lãnh đạo Việt Nam đã quyết định quay sang nhờ cậy Trung Quốc đưa quan hệ Việt-Trung trở lại với tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Đường lối này đã dẫn tới cuộc Hội nghị Thành Đô (3-9-1990) giữa lãnh đạo Trung Quốc (Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng) với lãnh đạo Việt Nam (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

 Từ đó, quan hệ giữa hai nước được xây dựng theo phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài - Hướng đến tương lai”(1999), lại được bổ sung bằng tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (2002). Hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1991 (trong chuyến thăm TQ của TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

 Theo phương châm và tinh thần này, việc phân định rõ biên giới Việt-Trung và ranh giới trên biển ở vịnh Bắc Bộ đã được thực hiện, nhưng sự bành trướng  xâm lược của TQ  trên biển Đông và trong nhiều lĩnh vực khác vẫn mặc nhiên tiếp diễn.

 

 2.3.“Giấc mơ Trung Hoa” và việc bành trướng thế lực ở Biển Đông (từ 2010 đến nay)

 Từ 2010, TQ vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; do đó họ đã đẩy mạnh việc bành trướng xâm lược ở biển Đông nhằm đạt đến “Giấc mơ Trung Hoa” (theo tuyên bố của Tập Cận Bình). “Đường lưỡi bò” tiếp tục được dùng làm mục tiêu bành trướng và  đẩy mạnh xâm lược trên biển Đông.

   Trong năm 2011, TQ liên tiếp xâm nhập vùng biển, gây sự với Philippines và Việt Nam, gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 và tàu Viking 2 của VN ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

   Trong năm 2012, TQ dùng hải quân để giành bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trắng trợn “mời thầu” khai thác dầu khí tại thềm lục địa của VN, thành lập “thành phố Tam Sa” bao gồm “Tây Sa”, “Nam Sa” (tức Hoàng Sa, Trường Sa của VN) và “Trung Sa” ( bãi cạn Scarborough).

    Đầu năm 2013, TQ cho hàng nghìn tàu cá tràn vào các vùng lãnh hải Việt Nam và Philippines, dùng các tàu “hải giám” của họ xua đuổi, vây bắt tàu cá Việt Nam.

Tháng 4, TQ công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12” nhắm tranh đoạt lãnh hải và chủ quyền biển đảo với 7 nước ASEAN trên biển Đông. Họ chiếu theo “đường Lưỡi Bò” để dựng mốc chủ quyền và tăng cường quản lý giao thông trên biển, khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác ở các quần đảo trên biển Đông mà họ tranh cướp được.

 Ngày 21-6-2013, Chủ tịch hai nước Việt-Trung ký bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định hai bên tiếp tục kiên trì phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”, đồng thời“không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược”. Ngay sau đó, TQ tiếp tục đẩy mạnh các hành động bành trướng và lấn chiếm trên biển Đông.      

 Ngày 2-5-2014 TQ đã đưa chiếc giàn khoan khổng lồ “Hải Dương 981” vào đặt sâu trong thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Từ 2-5 đến 16-7-2014), gây nên vụ xâm lấn chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ trắng trợn và nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21. Sự đấu tranh kiên quyết và mềm dẻo của Việt Nam, sự phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ khác đã buộc TQ phải rút giàn khoan đó (16-7-2014).

  Từ 5-2014 đến nay, TQ bồi đắp 7  bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Su Bi, Vành Khăn, Gia Ven, Chữ Thập…) nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo (để từ đó khẳng định “chủ quyền” với vùng biển 12 hải lý quanh mỗi “đảo”), xây dựng sân bay quân sự trên bãi đá Chữ Thập - một căn cứ không quân khống chế toàn bộ biển Đông. Hoa Kỳ và các đồng minh ở châu Á đã bày tỏ lập trường cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành động bành trướng đó của nước Tàu.

 Tháng 9-2015, Tập Cận Bình sang thăm Hoa Kỳ nhằm “Thúc đẩy quan hệ nước lớn mới giữa Trung Quốc và Mỹ” mà thực chất là đề xuất việc phân chia quyền bá chủ thiên hạ giữa 2 nước lớn. Tổng thống Obama đã khiến họ Tập phải chưng hửng khi ông phớt lờ cái đề xuất về “2 nước lớn” đó và tuyên bố rằng : “Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, phồn vinh, và có trách nhiệm trong các vấn đề của thế giới”.

 Ngày 27-10, Hoa Kỳ đưa khu trục hạm USS Lassen đi tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi Su Bi, Vành Khăn và Gia Ven để khẳng định đó là vùng biển quốc tế chứ không thuộc “chủ quyền” nào của nước Tàu. TQ phản ứng mạnh trên báo chí nhưng không có một hành động ngăn chặn nào bằng sức mạnh. Dư luận quốc tế hoan nghênh Hoa Kỳ (trong đó Nhật Bản và Australia dự kiến sẽ đưa tàu của mình đi tuần tra cùng với Mỹ).

    Tháng 11- 2015: Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam để chiêu dụ giới lãnh đạo nước ta tăng cường quan hệ mật thiết với TQ.

     Đầu năm 2016, TQ tăng sức ép chống Việt Nam ở Biển Đông. Tàu cá và tàu quân sự TQ nhiều lần xâm phạm lãnh hải Việt Nam, tàu vỏ thép của TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta. Sân bay Tàu xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập của Việt Nam chính thức hoạt động, xâm phạm vùng thông tin bay (FIR) Tp. Hồ Chí Minh, uy hiếp an toàn hàng không của Việt Nam.

    Tháng 2-2016, TQ xác nhận việc  thiết lập những dàn phóng tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế và cả Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông trắng trợn này của TQ.

     Tháng 3-2016, TQ tuyên bố chính thức mở đường bay dân sự từ lục địa đến đảo Phú Lâm (được coi là thủ phủ của “thành phố Tam Sa” của Tàu). Việt Nam tuyên bố phản đối.

    Tháng 5-2016: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang thăm Việt Nam tuyên bố: Hoa Kỳ bãi bỏ hoàn toàn luật cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, nâng quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm cao mới trong quan hệ đối tác toàn diện.

    Tháng 6-2016: hai máy bay quân sự của Việt Nam đã rơi tan xác trên Biển Đông trong lúc quân đội TQ tập trận bắn đạn thật ở đây.

    Ngày 12-7-2016, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế tại La Haye đã ra phán quyết về đơn kiện TQ của Philippines: “Không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong ‘Đường Chín Đoạn’”; “ Việc Trung Quốc dùng ‘Đường Chín Đoạn’ để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là trái với Công ước của LHQ về luật Biển”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức tuyên bố: “Không chấp nhận và không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài”; đồng thời ngoan cố khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải”. Qua đó, toàn thế giới đã nhận rõ: Nước Tàu vẫn quyết tâm bành trướng ở biển Đông bất chấp công pháp quốc tế.

    Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để củng cố quyền lực của “Nước Mỹ trên hết” trong cuộc đua tranh với TQ; đồng thời cho các chiến hạm tiếp tục đi tuần tra trên biển Đông để đảm bảo quyền tự do hàng hải quốc tế.

    Tháng 5-2017, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, dự kiến đầu tư 150 tỷ USD/năm tại 68 quốc gia Á-Âu dọc theo “Con đường tơ lụa” xưa kia để bành trướng thế lực kinh tế. Vào tháng 10, Đại hội Đảng Cộng sản TQ họp để đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng, gỡ bỏ kỳ hạn đối với chức vụ Tổng Bí thư-Chủ tịch nước, để Tập trở thành lãnh tụ suốt đời (như Mao Trạch Đông và các vị Hoàng Đế xưa) nhằm thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa phục hưng dân tộc TQ vĩ đại”.

    Ngày 6-7-2018, Tổng thống Donald Trump khai hỏa cuộc “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” nhằm kiềm chế thế lực kinh tế của TQ. Song song đó là việc khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên và giữa Nam Hàn với Bắc Hàn, nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Hàn với Bắc Triều Tiên trên cơ sở giải trừ vũ khí hạt nhân của nước này.

    Các cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa tổng thống Mỹ Ronald Trump với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore (tháng 6-2018) và tại Việt Nam (27-28/2/ 2019) sẽ trở thành khuôn mẫu cho đường lối đối ngoại mới mà Việt Nam có thể lựa chọn cho cuộc đấu tranh chống sự bành trướng xâm lược của TQ.

 

 3. Đường lối chống Tàu giữ nước cần được lựa chọn

 

Việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung dựa trên “tình hữu nghị bền vững” giữa hai nước không thể trở thành hiện thực, bởi vì: 1- nền tảng chính sách đối ngoại của TQ là chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa, tất cả những cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê nin”, “tinh thần quốc tế vô sản” đã bị TQ vứt bỏ từ lâu, để áp dụng “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Tư tưởng Tập Cận Bình” tức chủ nghĩa bá quyền bành trướng thời hiện đại; 2- những lời lẽ tốt đẹp về “16 chữ vàng”, “4 tốt” chỉ là chiêu bài để TQ ràng buộc VN trong vòng ảnh hưởng của mình; và 3- Việt Nam đã rất nhiều lần bày tỏ thiện chí, cùng TQ long trọng ký kết hữu nghị hợp tác giữa 2 bên, nhưng đều bị TQ bác bỏ bằng hành động thực tiễn.

 Vì thế, Việt Nam phải chọn  một đường lối đối ngoại mới để đối phó có hiệu quả với sự bành trướng của TQ.

   Trước hết, chúng ta cần sắp xếp lại các đối tác ngoại giao. Bảng xếp hạng các đối tác ngoại giao của Việt Nam hiện nay là: 1- Đối tác chiến lược toàn diện gồm 3 nước Liên Bang Nga, CHND Trung Hoa và Cộng hòa Ấn Độ; 2- Đối tác chiến lược gồm 13 nước là Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Australia; và 3- Đối tác toàn diện bao gồm 12 nước là Mỹ, Canada, Brazil, Argentina, Chile, Venezuela, Đan Mạch, Hungary, Ukraina, LB Nam Phi, Australia và New Zealand.

   Trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần thay đổi xếp hạng 2 đối tác lớn: TQ có đáng đặt ở vị trí hàng đầu trong “Đối tác chiến lược toàn diện”? Còn Hoa Kỳ có thể được nâng lên tầm “ Đối tác chiến lược toàn diện” thay cho TQ?

  Tiếp theo, cần thay đổi chính sách liên minh. Sau khi Liên Xô tan vỡ, Việt Nam thực hiện chính sách không tham gia khối liên minh nào. Nhưng trước sự đe dọa của TQ, Việt Nam là nước nhỏ không thể đơn độc đối phó, mà cần có bạn đồng minh vững chắc (như các trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines…). Về vấn đề này, chúng ta phải trở lại với hệ tư tưởng Nhân quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời dựng nước, để chọn bạn đồng minh nào bảo đảm được quyền lợi quốc gia cao nhất, không tùy thuộc vào yếu tố nào khác.

Sau cùng, để bảo vệ vững chắc nền Độc lập - Tự do của Tổ Quốc, nhân dân ta cần phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, quyết tâm đánh bại quân xâm lược trong mọi tình huống, kết hợp với chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo để giữ hòa bình với nước láng giềng khổng lồ ở phương Bắc.

 

Sài Gòn mùa Xuân Kỷ Hợi 2019

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác