NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

QUAN HỆ HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH QUA MỘT DẠNG THỨC VĂN HÓA MỚI

( 16-01-2014 - 09:04 PM ) - Lượt xem: 1312

Quan hệ hôn nhân - gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, được thể hiện qua những dạng thức văn hóa theo phong tục tập quán. Khi mối quan hệ đó có sự biến chuyển, thì những dạng thức văn hóa này cũng biến chuyển theo. Nhận thức được sự biến chuyển này, ta sẽ có tầm nhìn về quan hệ hôn nhân-gia đình trong tương lai của đất nước

  1. Quan hệ hôn nhân - gia đình truyền thống

Theo quan hệ hôn nhân-gia đình truyền thống của dân tộc, người chồng là gia trưởng trong gia đình, có bổn phận gánh vác việc nước việc nhà để đảm bảo đời sống kinh tế của gia đình, còn người vợ lo việc nội trợ, nuôi con và “nâng khăn sửa túi” cho chồng. Bởi thế, sau khi kết hôn người phụ nữ sẽ về “làm dâu” và trở thành một thành viên trong gia đình nhà chồng. Từ đó, một dạng thức văn hóa đã định hình để bảo đảm cho mối quan hệ như vậy: gia đình chung mang họ tên người chồng, còn người vợ không dùng tên khai sinh của mình nữa, mà luôn được gọi theo họ, tên hay thứ bậc, chức tước, học vị của chồng: Bà Nguyễn Văn Ất (mặc dù tên khai sinh là Lê Thị Sửu), chị Mùi (khi chồng tên là Mùi), chị Cả (nếu chồng là con cả), bà Huyện (khi chồng làm tri huyện), bà Đốc (khi chồng làm giám đốc)…Điều đó có nghĩa là cuộc hôn nhân đã gắn kết người đàn ông với người đàn bà thành một gia đình theo dòng họ duy nhất của người chồng, vợ và chồng trở thành “một nửa” của nhau trong một gia đình đồng nhất. Khi ấy, tên khai sinh của người phụ nữ trở thành “nhũ danh” và chỉ được dùng trong một số trường hợp cần thiết. Ngay cả các nữ trí thức có tiếng tăm trong xã hội cũng vẫn theo dạng thức văn hóa truyền thống đó để xưng danh: Bà Huyện Thanh Quan, Bà Nguyễn An Ninh, Bà Ngô Bá Thành…

Dạng thức văn hóa này cũng luôn được thể hiện chặt chẽ  trong các nghi thức về quan hôn tang tế. Để mời khách đến dự lễ kết hôn của con cái mình, tấm thiệp cưới chung của hai gia đình nhà trai và nhà gái thường được mở đầu như sau: “ Ông bà Nguyễn Văn Ất - Ông bà Trần Trọng Giáp trân trọng báo tin lễ thành hôn của các con chúng tôi…” Tấm thiệp ấy thể hiện gia đình mang tên chung của người chồng. Khi một góa phụ qua đời, bản cáo phó sẽ viết: “Bà quả phụ Lê Văn Bính nhũ danh Phạm Thị Tý đã từ trần…”. Dạng thức ấy không phải của riêng người Việt, mà là chung của các dân tộc Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…), và cũng tương tự dạng thức của các nước Âu-Mỹ: sau khi kết hôn, người vợ bỏ họ của mình để mang họ của chồng trong gia đình chung theo họ nhà chồng. Tại Hoa Kỳ, khi Hillary Diane Rodham kết hôn với Bill Clinton, tên bà được đổi thành Hillary Clinton theo họ của chồng. Vì vậy, khi báo chí  viết “Tổng thống Bill Clinton và phu nhân”, mọi người đều hiểu đó là chức vụ và họ tên chung của cả hai ông bà.

Nói chung, cách gọi tên gia đình và tên người phụ nữ như vậy là dạng thức văn hóa về hôn nhân-gia đình theo chế độ phụ quyền trên toàn thế giới.

2. Dạng thức mới trong xã hội ngày nay

Xã hội hiện đại với những sự biến chuyển rất nhanh đã tác động mạnh đến quan hệ hôn nhân và gia đình. Phụ nữ ngày nay đã vượt khỏi bổn phận của người nội trợ và “nâng khăn sửa túi” cho chồng. Họ được học hành để trở thành tú tài, cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ không khác gì nam giới; nên cũng đảm nhiệm công tác xã hội trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… như đàn ông. Từ đó, vai trò của người vợ và người chồng trong gia đình cũng thay đổi theo. Nhiều người vợ không còn phụ thuộc kinh tế của chồng, một số quý bà còn mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình, khiến cho các quý ông bất đắc dĩ phải trở thành nội trợ. Ngày nay, những danh xưng “Bà Chủ tịch”, “Bà Bộ trưởng” “Bà Giám đốc”, “Bà Hiệu trưởng”, “Bà Bác sĩ”, “Bà Luật sư”, “Bà Giáo”…không còn là sự chia sẻ địa vị của chồng, mà là chức vụ hay chức danh của chính các bà! Khi cả hai vợ chồng đều là đảng viên, thì sự bình đẳng giữa hai đồng chí trong gia đình là thực tế hiển nhiên. Vai trò “làm dâu” trong gia đình chồng đã trở nên quá mờ nhạt đối với đa số phụ nữ ngày nay.

Tình hình thực tiễn trên đã làm cho dạng thức văn hóa truyền thống biến đổi rất nhanh chóng. Hiện nay, hầu như mọi phụ nữ có gia đình ở nước ta đều được gọi bằng tên khai sinh của chính mình, rất hiếm khi gặp một người phụ nữ được gọi theo tên hay chức vụ của chồng, thậm chí cách gọi vợ theo tên chồng đã bị lãng quên. Khi báo chí viết về sự nghiệp của Bà Luật sư Ngô Bá Thành (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã từ trần năm 2004), trên mạng Wikipedia dấy lên một cuộc tranh luận về…tên của bà. Một số người phê phán: viết tên bà như trên là sai, phải viết là “Bà Luật sư Phạm Thị Thanh Vân” (theo tên khai sinh của bà) mới đúng (!). Có người bênh vực tên Ngô Bá Thành của bà với lý do coi đó là một “bút danh”(!). Người thì bảo: vì đã sống lâu ở nước ngoài nên bà đã gọi tên mình bằng tên chồng “theo kiểu Tây”(!). Cuộc tranh luận chỉ tạm kết thúc khi một bạn đọc viết rằng: “ Bà Ngô Bá Thành chả phải tên Tây đâu, mà là kiểu ‘đặc sệt Việt Nam’ thì có. Trong họ hàng nhà tôi, và cả hàng xóm nữa, đa số các bà cỡ 70-80 trở lên đều chỉ được mọi người gọi bằng tên chồng, còn tên của chính họ thì chỉ tồn tại trong…sổ hộ khẩu và giấy khai sinh”(1). Trong một bài viết về đôi vợ chồng nhà bác học Trần Thanh Vân, nhà báo Hàm Châu ngạc nhiên khi thấy bạn bè đồng nghiệp gọi tên cặp đôi ấy là “Jean Trần Thanh Vân và Kim”, còn người vợ ghi tên tác giả các công trình khoa học của mình là “ Kim Tran Thanh Van” hoặc “K. Tran Thanh Van” (mặc dù bà có tên khai sinh là Lê Kim Ngọc). Hàm Châu giải thích cách gọi tên người vợ như vậy là vì “ bà làm việc lâu năm ở phương Tây nên phải ‘nhập gia tùy tục: sau khi lấy chồng, người phụ nữ phải mang họ chồng và chỉ còn giữ lại cái tên mình thời con gái” (2). Giải thích như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ: cách gọi tên ấy không chỉ theo phong tục phương Tây, mà còn theo đúng phong tục truyền thống của Việt Nam. Vì không biết đến phong tục truyền thống của dân tộc mình, nhà báo này đã quyết đòi lại sự công bằng cho vị nữ bác học đáng kính, bằng cách gọi tên bà theo kiểu hiện hành ở Việt Nam: GS Lê Kim Ngọc!

Khi đã quên dạng thức truyền thống, người ta gọi và viết tên các gia đình và các quý bà theo kiểu mới. Ngày nay, đa số các thiệp cưới viết rằng:  “ Ông bà Nguyễn Văn Đinh-Trịnh Thị Sửu, Ông bà Quách Văn Mậu-Phạm Thị Dần trân trọng báo tin…”; thế nghĩa là ghi tên người vợ ngang hàng với người chồng, không còn lấy tên chồng làm tên chung của gia đình nữa. Thậm chí, để rạch ròi hơn, nhiều tấm thiệp viết: “ Ông Lê Văn Kỷ-Bà Bùi Thị Mão, Ông Phan Quang Canh-Bà Tôn Nữ Thị Thìn trân trọng báo tin…”. Báo chí cũng không cho các cụ bà cao niên được mang tên chồng như họ vẫn mang từ trước. Trong một bài báo ca ngợi những đóng góp của gia đình một doanh nhân nổi tiếng ở Hà Nội cho cách mạng, tác giả giật tít: “ Hoàng Thị Minh Hồ-người đàn bà tặng hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng” và giải thích rằng bà là vợ cố doanh nhân Trịnh Văn Bô. Tác giả không quên sự kiện lịch sử là Bác Hồ đã ở nhà “Bà Hồ” (thay vì nhà Trịnh Văn Bô) khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, và còn nhắc đến việc “Ông Bà Hồ”( lấy tên vợ làm tên chung của hai vợ chồng, thay vì Ông Bà Trịnh Văn Bô) đã xuất kho cứu đói khắp nơi!(3). Theo hướng này, khi một người vợ qua đời thường được cáo phó hay chia buồn bằng chính tên thật của người ấy mà không dùng tên chồng kèm theo nhũ danh như trước nữa. Nếu người chồng còn sống, lời cáo phó sẽ viết đơn giản rằng “ Bà Nguyễn Thị Sửu, sinh ngày…tại…đã từ trần lúc…” (tên người vợ không gắn với tên chồng nữa). Nếu người chồng đã qua đời từ trước, thì cáo phó viết: “ Bà quả phụ Trần Thị Dần đã từ trần lúc…ngày…” (lẽ ra phải là “bà quả phụ Nguyễn Văn Thân nhũ danh Trần Thị Dần…”).

Cách gọi tên các gia đình và các quý bà như vậy đã mặc nhiên gạt bỏ dạng thức gia đình đồng nhất trong họ tên của người chồng theo truyền thống, để khẳng định dạng thức văn hóa mới về gia đình bình đẳng mang đủ họ tên của hai vợ chồng, và mỗi người giữ nguyên họ tên của mình như trước lúc thành hôn. Dạng thức mới này thể hiện thành quả to lớn của trào lưu bình đẳng giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Hoa Kỳ cũng đã có một số phụ nữ mạnh dạn giữ nguyên tên gọi thời con gái của mình mà không chịu đổi theo họ  tên chồng.

3. Nhìn về tương lai 

Nhưng nếu nhìn về tương lai của hôn nhân và  gia đình, người ta phải tự hỏi xem đã đến lúc để cho dạng thức mới (với gia đình hai tên bình đẳng) thay cho dạng thức truyền thống (gia đình đồng nhất theo họ tên chồng) hay chưa? Có lẽ câu trả lời ngả theo hướng bảo thủ, nên ở nước ngoài có rất ít người dám theo dạng thức mới chưa được xã hội chấp nhận. Khi kết hôn với Bill Clinton, phu nhân của ông này không muốn theo truyền thống nên đã quyết giữ nguyên tên gọi thời con gái của mình với sự chấp thuận của phu quân. Nhưng khi đã trở thành Đệ nhất phu nhân của Thống đốc bang Arkansas, bà đã gặp sự chống đối của xã hội về cách gọi tên của mình. Người ta không muốn nhận những bức thư mời ký tên “Thống đốc Bill Clinton và Hillary Rodham”. Rốt cuộc, bà đành phải tuân theo truyền thống mà đổi theo họ “Clinton” của ông để đứng tên chung với chồng (4). Khi đã trở thành ứng viên Tổng thống và là vị Ngoại trưởng lừng danh của Hoa Kỳ, bà vẫn mang tên theo họ của chồng là Hillary Clinton. Ngày nay đã có không ít nữ Tổng thống và nữ Thủ tướng lãnh đạo các nước; nhưng các vị nữ nguyên thủ quốc gia ấy vẫn mang họ của các đấng phu quân của mình.

Riêng tại Việt Nam, dạng thức văn hóa mới hình thành không gặp phản ứng nào đáng kể, đang được xã hội chấp nhận và dường như đã thay thế cho dạng thức truyền thống. Giới truyền thông Việt Nam hiện nay đã quen với dạng thức mới, nên không chịu viết theo kiểu  “Tổng thống Obama và phu nhân” hay “ Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân”, mà cứ phải rạch ròi  “Tổng thống Obama và phu nhân Michelle” hoặc “Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện”. Ngày nay, các gia đình Việt Nam hầu như không còn mang tên chung của người chồng nữa, và sự thống nhất trong mỗi gia đình chỉ còn lại duy nhất một phong tục là con mang họ của bố. Nhưng ngay cả phong tục này dường như cũng bắt đầu gặp thách thức khi một số gia đình lấy họ của mẹ ghép chung với họ bố để đặt tên con, thậm chí đã có gia đình “chia đôi” con cái: một nửa theo họ cha còn nửa kia mang họ mẹ. Vì thế, người ta vẫn phải tự hỏi rằng: dạng thức mới này có tác động tích cực đối với giá trị bền vững của gia đình hay không ? Cũng xin lưu ý rằng, cùng với sự thắng thế của dạng thức văn hóa mới này, hiện tượng ngoại tình và số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng tăng lên rất nhanh. Điều đó cho thấy gia đình ngày nay không còn bền vững như gia đình xưa nữa.

                                                                                                      LÊ VINH QUỐC

---------------

(1)               http://vi.wikipedia.org-Thảo luận: Ngô Bá Thành (luật sư), Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày 14-9-2006.

(2)               Hàm Châu (2013), Hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 18-8-2013.

(3)               www. Nguoi Viet.de , ngày 2-9-2010.

Tuổi Trẻ Online: Hồi ký Hillary Clinton (Living History), kỳ 2: Thành phố Litle Rock, First News biên dịch

Các Bài viết khác