NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHIẾM LUẬN VỀ TRUYỆN KIỀU

( 11-12-2013 - 06:04 PM ) - Lượt xem: 1660

Cũng nhằm “thư giản” cùng độc giả, kì này không “tản mạn” nữa, mà xin “phiếm luận” về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bổ sung cho kì trước. Đã gọi là “phiếm” thì tránh sao được “tản”, xin bỏ qua cho sự sơ suất ắt phải có trong bài này.

1. BẬC “SƯ PHỤ” về TẢ NGƯỜI :

Một số báo “TUỔI TRẺ CƯỜI” năm xưa (xin lỗi : quên thời gian, quên tác giả, chỉ xin kể phác qua) có đại ý như sau : Đề văn yêu cầu phân tích nghệ thuật tả người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Một học sinh lớp 9 đã “nghị luận” rằng : Nói về cách tả người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì cụ Tiên Điền là bậc “đại sư phụ”. Cụ đã tả Từ Hải rất “ngầu”. Này nhá: một con người mà trong đó hiện thân ba con vật: con hùm, con én, con ngài (bướm tằm), với kì hình dị tượng rất “siêu” về kích cỡ, độc nhất vô nhị trên đời : mặt vuông, râu cứng, hàm vuông, mày rậm, vai vuông, thân kều. Đó là :

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

Từ Hải sống lang thang (tiếng Tây gọi là dân “ma-cà-bông” (vagabond), nay đây mai đó, không cửa không nhà. Vũ khí chỉ có chút xíu, phương tiện chuyển dịch thì bơi thuyền rất điệu nghệ :

“Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”

Ấy vậy mà “cực kì dại gái” (Qua sông thấy tiếng nàng Kiều / Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng), lại là người “hữu dõng vô mưu”, “hám danh lợi” và “mất cảnh giác” trước sự “diễn biến hòa bình” của địch thủ nên đã thất trận thê thảm và chịu chết đứng giữa trời. Thế là “tiêu sự nghiệp”. Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu !

Người viết xin dành quyền bình luận cho chư vị độc giả.

2. Luật sư nói : CỤ TIÊN ĐIỀN để LỌT NGƯỜI, LỌT CÔNG, LỌT TỘI :

Dưới trướng của Đại Vương Từ Hải, Thúy Kiều đã thiết lập một tòa án rất oai nghiêm “sơ thẩm kiêm chung thẩm”, báo ân báo oán rất phân minh, xét xử có tình có lí. Giới luật sư ngày nay rất thán phục nhưng chưa hài lòng vì công tố viên còn để lọt người, lọt công, lọt tội. Người có công thì ngoài Thúc Kì Tâm, mụ Quản gia và vải Giác Duyên được “biểu dương” tại tòa và được “đãi ngộ” rất hậu,còn lọt một người có công nữa. Đó là ả Mã Kiều. Số là sau khi mắc mẹo lừa thâm độc của Tú Bà và Sở Khanh đồng lõa, Thúy Kiều bị mụ Tú “má mì” đối xử tàn bạo (Hung hăng chẳng hỏi, chẳng tra / Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời), đến nỗi Thúy Kiều phải đau xót nghẹn lời “Thân lươn bao quản lấm đầu / Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa !” Mụ Tú gian tham, độc ác còn chưa vừa lòng, còn “bắt người bảo lãnh làm tờ cung chiêu”. Và khi ấy có một người trong lầu xanh nhưng giàu lòng nhân ái, đã cảm thông với Thúy Kiều, dù rằng chẳng có quan hệ bà con họ hàng, chỉ vì xót thương người cùng cảnh ngộ, liền tự nguyện đứng ra làm tờ cam kết (Bày vai có cả Mã Kiều / Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan ) để cho Thúy Kiều được mụ Tú buông tha. Công này của Mã Kiều rất xứng đáng được biểu đương và đền ơn. Thế mà cụ Tiên Điền đã để sót một người có công ! Tiếc thay ! Xét cho cùng thì công của Mã Kiều còn lớn hơn công của mụ Quản gia ở nhà quan bà Lại bộ Thượng thư, mẹ ruột của tiểu thư họ Hoạn. Mà sao lại quên ?

Lại còn trường hợp “bà lớn” Thượng thư đồng lõa với mưu chước nham hiểm, thâm độc của con gái, cũng bị “lọt người, lọt tội”. Trong Truyện Kiều, tác giả đã không ghi tên “bà lớn” này vào danh sách đồng phạm với Hoạn Thư ! Ta nên nhớ rằng : trong Kim Vân Kiều truyện bằng văn xuôi của Thanh Tâm tài nhân ở nước Tầu thì “bà lớn” này cũng bị bắt đến tòa và bị đánh tơi bời, đến nỗi “vãi cả nước tiểu” ra, ướt đẫm quần áo và kinh hãi đến bất tỉnh trước sân tòa; nhưng ở Truyện Kiều bằng thơ của Nguyễn Du thì mụ này được “đình chỉ điều tra”“miễn nghị tội”. (Có một vị cán bộ của ta nói rằng: “vì quan điểm giai cấp” nên Nguyễn Du đã tha cho “bà lớn” này khỏi bị xét xử. Các vị nghĩ sao ?).

Lẽ ra “thằng bán tơ” đã vu oan cho gia đình cho gia đình họ Vương phải được điều tra cẩn thận, phải bị bắt tạm giam 4 tháng để lấy lời khai và phải được xét xử nghiêm túc. Nhưng tiếc rằng khi Thúy Kiều ngồi ghế chánh án (kiêm công tố) thì giang sơn của Từ Hải còn “khiêm tốn” lắm, mới chỉ có “năm năm hùng cứ một phương hải tần”, so với phần lớn đất nước còn ở trong tay “thiên triều” của nhà Minh thì quan quân của Từ Hải làm sao có thể “truy nã” được “tên xưng xuất tại thằng bán tơ” và có thể là nó đã “bỏ trốn khỏi nơi thường trú” ? Và bọn quan nha đã bắt bớ trái phép và tra tấn phủ phàng cụ Vương Viên ngoại, rồi nhận tiền hối lộ của gia đình họ Vương, vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ? Biết thế nhưng đành chịu ! Lại còn một người nữa có công với gia đình Thúy Kiều là Chung công đã giúp họ Vương chạy án cũng chưa được biểu dương công trạng (hay là việc chạy án này vi phạm pháp luật nên đành “treo” lại ?!).

3. Giới luật sư KHÂM PHỤC LỜI BÀO CHỮA của HOẠN THƯ tại tòa :

Tội phạm số 1 là Hoạn Thư lại được trắng án và tha bổng tại phiên tòa, là điều nên bàn: nguyên nhân tại đâu ? Theo lịch trình xét xử tại tòa thì “báo ân rồi sẽ trả thù”. Và khi bắt đầu xét xử những kẻ có tội thì xuất hiện một cảnh nghiêm trang, hãi hùng : “Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra / Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”. Khán trường phải rùng rợn, những tưởng rằng không có án tử hình thì ít ra cũng là án chung thân ! Mở đầu, bà “chánh án” Thúy Kiều nói rất nhẹ nhàng, lịch sự, ngọt ngào, nhưng cũng rất cay nghiệt : “Thoắt trông nàng đã chào thưa / Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây ! / Đàn bà dễ có mấy tay / Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan ? / Dễ dàng là thói hồng nhan / Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều !”. Chí nguy, bị trả thù ghê gớm đây ! Nhưng là người phụ nữ rất có bản lĩnh, Hoạn Thư chỉ bị hãi hùng trong vài giây choáng váng, rồi trở lại bình tĩnh để “ứng khẩu” những lời bào chữa ngắn gọn, có tình có lí, khiến cho mọi người phải khâm phục, đến mức bái phục tài trí của người bị nạn :

“Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu / Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca / Rằng : tôi chút phận đàn bà / Ghen tuông thì cũng người ta thường tình / Nghĩ cho khi các viết kinh / Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo / Lòng riêng, riêng những kính yêu / Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai / Trót đà gây việc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng ?”

Trước tòa, Hoạn Thư đã thực sự hãi hùng nên phải có đối sách bình tĩnh, trí tuệ, và khôn ngoan thì mới mong được nhẹ tội, cho nên phải thành khẩn “Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca” để làm cho Thúy Kiều giảm bớt cơn thịnh nộ và phải mũi lòng. Hoạn Thư không dám nhận là “thân phận đàn bà” mà chỉ nhận là “chút phận đàn bà” nhỏ nhoi, đáng thương trong xã hội và có cái thói “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Đã là “thường tình” của cả giới phụ nữ thì còn ai bắt tội được nữa! Thế rồi Hoạn Thư kể công: đã cho Thúy Kiều ra ở Quan Âm các để tu hành cho được yên thân và còn khôn khéo, nhẹ nhàng tỏ ra thái độ ban ơn khi Thúy Kiều lấy “chuông vàng khánh bạc” trốn đi mà Hoạn Thư dứt khoát không cho người đuổi theo để bắt về. Đó là “công” không nhỏ của Hoạn Thư đối với Thúy Kiều. Còn về tình riêng đối với Thúy Kiều thì vẫn là một bề kính trọng: “Lòng riêng, riêng những kính yêu”, nhưng xin cảm thông cho cái cảnh “chồng chung”, bởi xưa nay cả xã hội có ai bằng lòng với cảnh chồng chung của người phụ nữ! Thế thì còn đâu là tội riêng của Hoạn Thư? Nhưng bị cáo cũng đành phải nhận tội, nhận tội một cách thành thực và nói rõ là chỉ “trót” gây ra, chứ không phải là cố tình, để khẩn cầu Thúy Kiều mở rộng lòng khoan dung, thương cho phần nào được nhờ phần nấy ! (“Trót đà gây việc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng ?”)

Đúng là bản lĩnh của kẻ từng trải “Ở ăn thì nết cũng hay / Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”, Hoạn Thư từ kinh hoàng đến bình tĩnh, từ khôn ngoan đến trí tuệ, từ thành khẩn đến trân trọng, từ kể công đến khẩn cầu, lời bào chữa rất rành mạch, thấu tình đạt lí, ngắn gọn mà xúc tích, khiến cho Thúy Kiều, người có toàn quyền quyết định việc nghị án, phải thay đổi thái độ: từ căm giận đến ngợi khen, từ ý định buộc tội nặng đến cho hưởng trắng án, được tha bổng ngay lập tức tại tòa. Thử hỏi có ai đã tự bào chữa tài giỏi như Hoạn Thư trong vụ án “thập tử nhất sinh” này ? Nếu ta khâm phục Hoạn Thư trăm lần thì ta phải bái phục cụ Tiên Điền đến vạn lần ! Có phải đúng như vậy chăng ?

4. Chàng thiếu niên VƯƠNG QUAN cực kì THÔNG MINH và HIỂU BIẾT QUÁ SỚM.

Ông bà Vương Viên ngoại có ba người con : “Đầu lòng hai ả tố nga”. Chẳng biết có phải là “sinh đôi” hay không, thì cứ cho rằng mỗi năm sinh một cô: “Thúy Kiều là chị” ra trước và “em là Thúy Vân” ra sau; và cậu út quý tử “Vương Quan là chữ nối dòng nho gia”. Thẻ căn cước không ghi chính xác số tuổi của mỗi người, chỉ biết rằng hai ả tố nga “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”; mà tuổi “cập kê” tức là tuổi “búi tóc”, tuổi “lấy chồng” của con gái Tầu ngày xưa, nhưng hai ả này chỉ mới “xấp xỉ” chứ chưa hẳn đã đến tuổi chuẩn bị lấy chồng, tức là “còn trẻ con hơn nữa”. Theo Kinh Lễ, con gái 15 tuổi thì búi tóc để tỏ ra là đã đến tuổi có thể lấy chồng (thế là “tảo hôn” đấy !). Thôi thì bỏ đi hai chữ “xấp xỉ”, cứ cho là Kiều 15 tuổi, Vân 14 tuổi (nếu không phải “sinh đôi” thì cách nhau 1 tuổi là tạm chấp nhận được), còn cậu út, “con thứ rốt lòng” là Vương Quan có thể là ở tuổi 13, lứa đầu của tuổi thiếu niên. Thế là nhà có phúc, không phải là sinh “ba năm đôi” mà là “ba năm ba”. Không rõ là có đi học ở một trường nào không, nhưng Vương Quan mới 13 tuổi mà sao cực kì thông minh, hiểu biết nhiều và quá sớm về sự tích người con gái trẻ Đạm Tiên bất hạnh. Khi cô chị lớn “thắc mắc” về một ngôi mộ ở bên đường, trong tiết Thanh minh “mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?”, không có người thân đến thắp hương “tảo mộ”, thì “Vương Quan mới dẫn gần xa / Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi / Nổi danh tài sắc một thì / Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh / Kiếp hồng nhan có mỏng manh / Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”.

Có điều gì để bình luận về Vương quan khi cậu quý tử này không biết có rành rẽ về tứ thư, ngũ kinh hay không, mà mới ở “tuổi ranh con” đã thuộc lòng tiểu sử của ca nhi Đạm Tiên như vậy, thì “đáng khen” hay “đáng chê”, kính thưa các vị thức giả !

5. Kim-Kiều tái hợp: VỢ CHỒNG có thực sự HỢP TÁC hay BẤT HỢP TÁC ?

Thông hiểu được 3.254 câu thơ Truyện Kiều của cụ Tiên Điền không phải là việc dễ dàng. Đọc Phần I (Hội ngộ) : 776 câu và Phần II (Lưu lạc) : 2196 câu, thì có thể “nói đại” rằng “đọc đâu thông đó”, nhưng đọc Phần III (Đoàn viên) : 282 câu thì thấy có chỗ khó hiểu, “đọc đó thông đâu ?” (theo cách nói ngày nay : “sai đâu sửa đó”). Kim – Kiều tái hợp có lễ cưới hẳn hoi, thành vợ thành chồng rất hạnh phúc. Sao lại còn hỏi: có điều gì “bất hợp tác” hay không ? Vậy là phải “điều tra” lại cho thật công phu, không thể hồ đồ được !

Sau khi cả nhà đoàn tụ tại Phật đường của vãi Giác Duyên thì Vương ông phán rằng: rước nàng Kiều cùng về với gia đình. Kiều đã từ chối ngay và xin ở lại chùa với Giác Duyên cho tròn chữ “nghĩa”. Vương ông phải hứa rằng: đón con về nhà và “lập am rồi sẽ rước thầy ở chung”. Thấy hợp tình hợp lí nên “nghe lời nàng phải chìu lòng / Giã sư, giã cảnh đều cùng bước ra”. Khi về đến công đường và tư thất của chàng Kim, gia đỉnh mở tiệc đoàn viên lần thứ nhất, Thúy Vân vui vẻ nài ép việc “xe tơ” cho Thúy Kiều với Kim Trọng thì Kiều lại từ chối một cách rất dứt khoát, “dứt lời, nàng vội gạt đi” bởi “xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều”. Chàng Kim lại nài ép thêm bằng lập luận “tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh”, thì Kiều lại từ chối một lần nữa: “từ rày khép cửa phòng thu / Chẳng tu thì cũng như tu mới là” và đề nghị : “đem tình cầm sắt” – tình vợ chồng – “đổi ra cầm kì” – tình bạn bè. Chàng Kim lại cố nài ép một lần nữa, bằng cách thuyết phục Thúy Kiều chớ nên cố chấp “mà trong lẽ phải, có người có ta”. Chỉ đến khi hai cụ Vương cùng “nhất trí cao” với lời chàng Kim thì Thúy Kiều đành phải chấp nhận trở về gia đình trong tinh thần chẳng vui vẻ gì (“Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than”). Tiệc đoàn viên lần thứ hai chính là tiệc cưới chính thức của Thúy Kiều với Kim Trọng và có cuộc “động phòng” đầy xúc động sau 15 năm thề nguyền, hẹn ước, nhớ thương, xa cách đến nay mới hội ngộ “hoa xưa ong cũ mấy phen chung tình”. Thế là nên vợ nên chồng hẳn hoi rồi, còn chi nữa mà ngờ! Nhưng ngay trong đêm tân hôn này, Thúy Kiều vẫn còn buồn bã, mặc cảm, ngao ngán và thẹn thùng với mối tình bấy lâu mong đợi. Đến đây thì tình vợ chồng và tình bầu bạn đan kết với nhau rất hài hòa. “Hai tình vẹn vẽ hòa hai / Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ”, và “ba sinh đã phỉ mười nguyền / Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”. Rồi lại có chuyện lập ngôi chùa tại gia và đi mời thầy Giác Duyên về cùng tu hành với Thúy Kiều, nhưng “sư đà hái thuốc phương xa / Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu !” Chỉ còn một mình Thúy Kiều “trên am cứ giữ hương dầu hôm mai”, và từ đó, Thúy Kiều sống cuộc đời “phong lưu phú quý” với Kim Trọng và Thúy Vân trong cảnh hạnh phúc “vườn xuân một cửa để bia muôn đời”. Vậy xin các bậc thâm nho và cao kiến hãy trả lời giúp, rằng: từ đây về sau, Thúy Kiều vừa là vợ, vừa là bạn của chàng Kim, hay là người vẫn còn mặn mà với cảnh tu hành? Thế thì việc “chăn gối” của Thúy Kiều với Kim Trọng là “hợp tác hữu nghị” hay là “bất hợp tác dài dài” ? Xin gởi lời giải đáp dứt khoát cho Ban Biên tập trong thời gian tùy nghi tư vấn.

Và xin được kết luận :

           “Mấy lời “phiếm loạn” nôm na (phiếm luận)

             Trước là thư giản, sau là mừng XUÂN”

NHÀ GIÁO XUÂN TƯ

Các Bài viết khác