PHẠM TIẾN DUẬT –HƠN CẢ NỖI NHỚ
( 25-12-2014 - 10:12 PM ) - Lượt xem: 1143
Cứ đến dịp 20/11 (và sang cả tháng 12) hàng năm, những kỷ niệm nghề nghiệp và đời người ùa về, cũng là dịp “điểm danh” những gương mặt thân quen thương nhớ…
Tôi may mắn được đứng trên bục giảng đường Đại học từ 1960. Khoá học nào cũng để lại một ấn tượng, một kỷ niệm, một vài gương mặt khó quên.Tuy nhiên, có những khoá còn lưu lại những hình ảnh đi mãi theo năm tháng cuộc đời. Khoá ra trường 1964 có Phạm Tiến Duật và đông đảo sinh viên xung vào “binh đoàn sinh viên chống Mỹ” là một khoá đặc biệt ấn tượng: đội quân giáo dục từ nhà trường xông thẳng vào chiến trường! Khoá này cùng với Duật có nhiều bạn đã thành đạt trong qquân đội, một số thành danh trên văn đàn, cơ quan tuyên huấn, truyền thông, văn hoá nghệ thuật.
Tôi theo dõi hoạt động sáng tác của Duật sát sao qua thông tin văn nghệ và phần nào trực tiếp qua bè bạn cùng khoá. Sau này, do viết lách lại có quan hệ khá thân thiết khi Duật trở về từ chiến trường. Tôi đã mời nhà thơ trẻ giao lưu một số lần cùng các khoá sinh viên với tình cảm nghĩa tình thế hệ.
*
Mỗi lần có dịp trở về trường cũ là một lần Duật thể hiện niềm tự hào lớn và tấm lòng tri ân sâu sắc.
Đó là niềm tự hào đã nên người và lòng biết ơn Khoa Văn trường Đại học Sư phạm như cái nôi sinh thành cho sự nghiệp bản thân.
Duật nhanh chóng trở thành nhà thơ trẻ hàng đầu thời chống Mỹ là do đào luyện của sự nghiệp chiến đấu anh hùng. Nhà thơ tự nghiệm cũng như xã hội đã tôn vinh “con chim lửa” dũng mãnh một thời. Đúng là không có Trường Sơn không có Phạm Tiến Duật. Rất dũng cảm, con chim từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ lửa đạn ngút trời đã nhằm thẳng hướng phương Nam cất cánh tìm đích phía chân trời.
Trong tâm trí tôi, Phạm Tiến Duật là một tấm gương sáng láng của tuổi trẻ thực sự dấn thân để tự rèn luyện. Hơn thế nữa, đây là một tài năng trẻ được hình thành và thử thách, phát huy trong chiến đấu ác liệt. Thực ra khi học ở trường, Duật đã có thơ đăng báo nhưng khi có thơ được giải thưởng, anh thực sự trở thành một tài năng trẻ. Đến mức nhà thơ lớn Xuân Diệu đã tự ví mình như “con quạ già”(lão ô)cúi đầu bái phục một chú “phượng hoàng sơ sinh”.Tài năng thực sự vì đã mở ra khuynh hướng sáng tác và một hướng đổi mới thơ ca hiệu quả đầy triển vọng. Phạm Tiến Duật là người lĩnh xướng cho cả dàn đồng ca Thơ trẻ chống Mỹ. Thơ Duật có giọng điệu riêng, âm hưởng riêng và sức hấp dẫn riêng. Nhà thơ trẻ còn là một nghệ sĩ tài hoa. Anh đưa vào thơ hiểu biết và cảm thụ nghệ thuật. Không hẳn vì Duật thích hát, ưa nhảy, biết làm nhạc và có hoa tay hội hoạ. Mà chính là đưa vào thơ tâm hồn nghệ sĩ. Thơ hay thường bên trong có nhạc, có hoạ qua âm thanh, hình ảnh là như vậy. Duật là nhà thơ đa tài: trong nhà tưởng niệm ở quê hương Phú Thọ hiện nay có lưu giữ bức tranh màu Khát vọng và bản ca khúc Anh đưa em đến Cửa Lò lời và nhạc Phạm Tiến Duật như những kỷ vật chứng tích tài hoa.
Có thể nói Phạm Tiến Duật xuất hiện như một tài năng trẻ và cũng là một tài hoa trẻ.
Trong thư gửi về Trường nhân dịp Hội trường 50 năm, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ca ngợi công lao của các thầy cô giáo đã giúp anh có cái vốn tri thức cơ bản để thành đạt nhưng quan trọng hơn là truyền thụ cho lòng yêu nước và đạo làm người. Đồng thời là một “cách nghĩ, cách cảm” - tức tư duy văn hoá nhân văn “vì con người và vì cuộc sống”. Nhà thơ hình tượng hoá cái nôi tâm hồn thật đẹp:”Khoa Văn là một dòng chảy liên tục luôn sáng đẹp. Nhớ đến Khoa Văn là nhớ đến toà lầu lộng lẫy đầy ánh sáng”.
Khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên hình như tự thấy là những con người còn nhỏ bé. Họ ra đời tự nhiên sẽ trở nên có tầm vóc khác hẳn. Người thầy tinh ý sẽ thấy họ lớn lên như thế nào. Riêng với Duật, tôi thấy anh vụt lớn một cách kỳ lạ về nhiều phương diện.
Khi nói chuyện với các lớp sinh viên đàn em, Duật hiện lên như người mang chân dung một thời đại. Đó là một tấm gương sống động về một nhà thơ-chiến sĩ, một con người đã “đốt hết mình” vì sự nghiệp chung. Cách giáo dục tốt nhất là nêu gương sáng bản thân. Về mặt này, anh là một nhà giáo dục xuất sắc, phần nào đấy còn hơn những người thầy chưa trực tiếp cầm súng, ít ra là với tôi. Bạn bè kể lại, khi được phân công vào một đơn vị có vẻ “tĩnh”, Duật đã xin đi theo đơn vị cơ động nhất: binh đoàn vận tải tuyến Trường Sơn (Đoàn 559). Thực tế chiến đấu đã đem lại những trải nghiệm vô giá cho đời và cho thơ.
Cũng ở góc nhìn sư phạm, nhà thơ Phạm Tiến Duật là người trong cuộc, hiểu tâm lý chiến sĩ sâu sắc nhất, từ nỗi nhớ trong chiến trận thật kỳ lạ: “ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Nhớ) đến tình yêu “ màu đỏ” mà rất lãng mạn ( Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Đặc biệt là thấu hiểu tâm tư ý chí nguyện vọng người lính trẻ. Nhiều bài thơ như tự bạch, tự thuật chân thành mà sâu sắc. Từ tư cách người lính, anh hiểu đồng đội và những người hiệp đồng tác chiến (Gửi em cô thanh niên xung phong). Sau chiến tranh nhà thơ vẫn theo dõi được tâm trạng sâu xa thầm kín của họ ( Tiếng bom và tiếng chuông chùa). Biết mình để hiểu người, hiểu người một cách sâu sắc hơn tất cả các lý luận về tâm lý học, Phạm Tiến Duật là một nhà tâm lý hành động rất giàu thực tiễn. Nhà thơ đã lấy thơ để vẽ trang đời, phác hoạ chính xác chân dung tâm hồn thế hệ.
Là nhà thơ, Phạm Tiến Duật đã là người sáng tạo. Trước hết là biến hoá sinh động kỳ diệu những tri thức văn chương, văn hoá, chính trị, xã hội…thành nghệ thuật theo lý tưởng chân, thiện, mỹ. Thêm một lần, lại góp phần vào đổi mới thơ trên nhiều mặt: hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu…khác lạ và đem lại hiểu quả nghệ thuật mới. Giọng điệu tinh nghịch, trẻ trung, hóm hỉnh mà duyên dáng, cảm xúc tinh tế, tài hoa mà giàu suy tưởng, chi tiết bộn bề giàu có mà lại có sức khái quát cao, ngôn ngữ đời sống sinh động có chọn lọc, sự kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại…Đó là phác thảo đôi nét phong cách nghệ thuật nổi bật của thơ Phạm Tiến Duật.
Có thể nói đường Trường Sơn là đường thơ Phạm Tiến Duật. Đó là một vùng thẩm mỹ đặc biệt cho sáng tạo. Nhà thơ từng tự bạch : “Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng, ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút từng giờ thì hình như tôi không có thơ”.
Đôi lần Duật vào nói chuyện, báo cáo “thực tế” về chuyện đời, chuyện thơ, tôi coi đó là buổi ngoại khoá rất sinh động, thú vị cho cả thầy và trò. Tôi đánh giá đó là những giờ trợ giảng đắc lực. Tuy nhiên ở một tầm khái quát, tôi thấy trò đã vượt thầy nhiều mặt như đã nói trên, Phạm Tiến Duật xứng đáng với tư cách một người thầy.
Lớp học trò thành đạt bao giờ cũng làm vẻ vang cho những người thầy. Họ là niềm tự hào chính đáng lớn lao của nhà trường, của nền giáo dục mới.
Với tôi, Phạm Tiến Duật tuy đã đi xa nhưng vẫn để lại một hình ảnh thân thương, trân trọng. Là tình cảm cũng là ân nghĩa. Hơn cả nỗi nhớ còn là lời cảm tạ, lòng biết ơn chân thành về tất cả những gì mà nhà thơ – người học trò lớn đã giúp làm sáng giá cho nghề thầy.
ĐOÀN TRỌNHG HUY, PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội