NỘI DUNG CHỦ YẾU ĐỂ GIÁO DỤC VỀ BIÊN GIỚI VÀ BIỂN-ĐẢO CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG
( 15-02-2019 - 07:48 PM ) - Lượt xem: 751
Vừa qua báo mạng vietnamnet.vn có đăng bài phỏng vấn giáo sư Phạm Hồng Tung về vấn đề dạy sử về cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống quân xâm lược phương Bắc (Trung Quốc, Hán, Tần, Ngô, Đường, Tống, Minh, Thanh) nay gọi là Trung Quốc là cần có sự trao đổi, thỏa thuận với chúng. Một đề xuất thật ấu trĩ. BBT đăng lại bài viết của tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc đã đăng trên báo Tuổi Trẻ để cung cấp thêm cho bạn đọc một chính kiến yêu nước, yêu lịch sử nước nhà.
Trong tình hình chính trị hiện nay, việc giáo dục học sinh về biên giới, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và vô cùng quan trọng của nhà trường phổ thông nước ta. Để thực hiện nhiệm vụ này, chương trình bộ môn lịch sử phải được bổ sung và cập nhật những nội dung về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc sau khi đất nước thống nhất (1975), trong đó cần vạch trần những âm mưu và hành động xâm lược của Trung Quốc đối với biên giới, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc ta. Dưới đây là gợi ý một số nội dung chủ yếu.
1. Chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa xưa và nay
Khởi thủy
Tổ tiên người Hán (còn gọi là người Tàu) xây dựng nhà nước của họ ở vùng đất được gọi là Hoa Hạ thuộc lưu vực con sông lớn về sau mang tên Hoàng Hà. Đó là một trong những nhà nước cổ đại đầu tiên trên thế giới, hình thành cách nay khoảng 5000 năm, từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công Nguyên (tr. CN), gần như đồng thời với các nhà nước cổ Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Maya. Sớm hình thành nhà nước với trình độ văn hóa cao hơn các tộc người khác ở quanh mình, người Hán đã tự coi xứ sở của mình là trung tâm văn minh (do đó được gọi là Trung Hoa), còn các tộc người khác ở khắp bốn phương chỉ là những hạng man di mọi rợ (có câu khẩu ngữ là “ Tây Rợ-Đông Di-Nam Man-Bắc Địch”), tạo thành cái thế giới quan về “Trung Hoa là trung tâm thiên hạ”. Từ đó, theo trí tưởng tượng về vũ trụ “trời tròn, đất vuông”, người Hán coi vua nước mình là con trời (thiên tử) được Trời giao sứ mệnh cai trị toàn bộ mặt đất dưới trời (thiên hạ). Bộ sách cổ Kinh Thi của họ khẳng định rằng: “Phổ thiên chi hạ, mạc phị vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần”; nghĩa là “ở dưới gầm trời này, không một tấc đất nào không phải của nhà vua; mọi người trên mặt đất không ai không phải là bầy tôi của vua” (1). Thế giới quan này đã tạo thành một hệ thống tư tưởng là “chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa” hay “chủ nghĩa bá quyền Đại Hán”. Theo đó, vua nước Tàu tự cho mình là bá chủ thiên hạ, buộc tất cả các nước khác phải thần phục mà trở thành “chư hầu” của mình. Kể từ năm 221 Tr. CN, khi Tần vương thống nhất Trung Quốc sau thời đại “Chiến Quốc” và trở thành “Hoàng Đế” đầu tiên của nước này (tức Thủy Hoàng Đế hay Tần Thủy Hoàng), thì tất cả các vua Tàu thuộc mọi triều đại kế tiếp nhau đều lên ngôi Hoàng Đế để khẳng định ngôi vị độc tôn tối thượng bao trùm thiên hạ của mình. Từ đó có sự phân biệt rạch ròi giữa “Đế” và “Vương”: “Đế” là Hoàng Đế Trung Hoa - thiên tử độc nhất trong thiên hạ - là “vua của các vua”; còn “Vương” là vua các nước chư hầu-tức bầy tôi của “Đế” và do Hoàng Đế Trung Hoa phân phong hay chấp nhận. Kinh đô nước Tàu được gọi là “Thiên triều” để chư hầu đến quỳ lạy dâng “cống phẩm” lên thiên tử và xin được Hoàng Đế phong vương. Từ chủ nghĩa bá quyền này, Khổng Tử dạy những người “quân tử” Tàu theo giáo lý “Tu thân-Tề gia-Trị quốc-Bình thiên hạ”. Do đó, mọi Hoàng Đế nước Tàu đều mưu toan thực hiện sứ mệnh “Bình thiên hạ”, tức là đặt toàn thế giới dưới sự thống trị của mình.
Lâu bền
Hệ thống tư tưởng mê tín phản khoa học trên đã nhanh chóng bị lịch sử và thực tiễn bác bỏ. Người nước ngoài không biết đến cái vị trí “trung tâm thiên hạ” của nước Tàu thể hiện qua tên gọi “Trung Hoa” hay “Trung Quốc” của nó; nên họ tự đặt tên cho nước này theo cách của mình. Người phương Tây gọi nước Tàu là “China” hay “Chine” (theo cách đọc tên một triều đại của nước này là “Ch’in” hay Qín mà người Việt đọc là “Tần”), người Nga gọi là Kitai (vì họ tưởng người Tàu cùng dòng giống với tộc Kitai mà người Việt đọc là “Khiết Đan”), người Nhật gọi là “Chu Ka” (cũng có khi gọi là “Chi Na” theo cách của người phương Tây )… Các triều đại xưa của Việt Nam cũng không gọi nước láng giềng phương Bắc đó là “Trung Hoa” hay “Trung Quốc”, mà gọi là “Bắc Quốc” (để đối sánh với nước ta là “Nam Quốc”), hoặc gọi theo tên các triều đại; còn dân gian thường gọi là nước/người Tàu. Không ai nghĩ Hoàng Đế của nước Tàu là bá chủ thiên hạ, nên trên thế giới còn có rất nhiều Hoàng Đế khác được gọi bằng những ngôn ngữ khác nhau của từng dân tộc (Hoàng Đế La Mã là “Imperator”, Hoàng Đế Đức là “Kaiser”, Hoàng Đế Nga là “Tsar”, Hoàng đế Nhật là “Thiên Hoàng”…). Từ thời Đinh Tiên Hoàng trở đi, vua của các triều đại Việt Nam đều xưng là Hoàng Đế (để đối xứng với Hoàng Đế Tàu). Như vậy, cái tư tưởng về thiên tử Tàu cai trị toàn thiên hạ hoàn toàn xa lạ với người ngoại quốc, nhưng nó luôn được giới thống trị nước Tàu thường xuyên áp dụng để xâm lược và khuất phục các tộc người nhỏ quanh vùng Hoa Hạ, làm cho Trung Hoa bành trướng thành một đế quốc to lớn đông dân nhất thế giới.
Nhưng dù nước Tàu to lớn đến cỡ nào, thì cái cuồng vọng làm bá chủ thiên hạ của người Tàu cũng mãi mãi chỉ là ảo tưởng, vì sự bành trướng của họ luôn bị chặn đứng ở khắp 4 phương: phía Bắc bởi người Mông Cổ và người Nga, phía Tây Bắc và Tây Nam do các dân tộc Trung Á và người Ấn Độ, phía Đông bởi người Nhật Bản và Triều Tiên, phía Nam do người Việt Nam cùng các dân tộc Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cái cuồng vọng ấy vẫn bám chặt vào đầu óc giới lãnh đạo nước này ở mọi nơi mọi lúc với bất cứ hoàn cảnh nào. Trong lịch sử cận đại, các cường quốc công nghiệp Âu-Mỹ và Nhật Bản đã bành trướng thế lực ở Trung Hoa, giáng cho triều đình nhà Thanh những đòn chí tử, tước đoạt phần lớn chủ quyền của “Thiên triều” để phân chia nước này thành những khu vực ảnh hưởng và thuộc địa của mỗi cường quốc; thậm chí người Anh còn treo bảng “Cấm chó và người Tàu” tại khu tô giới của họ. Đó chính là thảm cảnh của Trung Hoa bị người ngoại quốc “tóm lấy đầu dúi luôn năm sáu cái thình thình” (theo cách miêu tả của đại văn hào Lỗ Tấn); ấy vậy mà Thanh triều vẫn cứ coi mình là bá chủ thiên hạ và tự an ủi rằng “ nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó!” ( Lỗ Tấn gọi đó là “phép thắng lợi tinh thần” của người Trung Hoa).
Sau khi lật đổ triều đình Mãn Thanh, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) phải đối phó với cuộc cách mạng của Đảng Cộng sản và nguy cơ xâm lược từ Nhật Bản, nhưng vẫn vạch ra kế hoạch bành trướng trên biển Đông. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, các quan chức của họ bắt đầu thám sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam trong xứ Đông Dương thuộc Pháp), và đã vẽ ra tấm bản đồ “Đường 11 đoạn” tức “Đường chữ U” hay “Đường Lưỡi Bò” vào tháng 2 năm 1948, trong đó hai quần đảo lâu đời của Việt Nam nêu trên cùng hơn 80% diện tích biển Đông bị khoanh vào phạm vi “Đường Lưỡi Bò” mà họ coi là thuộc “chủ quyền Trung Quốc” (!). Nhưng chưa kịp thực hiện mưu đồ đó thì chế độ THDQ đã bị Đảng Cộng sản đánh đuổi khỏi Hoa Lục.
Liên tục phát triển
Sau khi đuổi THDQ ra đảo Đài Loan, nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa do Đảng Cộng sản lãnh đạo được thành lập vào tháng 10-1949 lại kế thừa ngay sứ mệnh “Bình thiên hạ” theo hệ tư tưởng truyền thống “Bá quyền Trung Hoa”.
Theo hệ tư tưởng đó, Trung Quốc đã vội vã lao vào cuộc tranh giành ảnh hưởng với hai siêu cường quốc lúc đó là Mỹ và Liên Xô, đồng thời bành trướng lãnh thổ tại các nước láng giềng. Chủ tịch Mao Trạch Đông (thực chất là một Hoàng Đế mới) đã công khai tuyên bố: “Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã từng bị phe Đế quốc phương Tây và Nhật Bản chiếm đoạt từ giữa thế kỷ 19 đến sau Thế Chiến I, như Ngoại Mông, Triều Tiên, An Nam, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Bhutan, Nepal, Ladakh, Hồng Kông, Macao, cùng những hải đảo Thái Bình Dương như Đài Loan, Bành Hồ, Ryukyu, Sakhalin, phải được giao hoàn cho Trung Quốc” (2). Theo đó, Mao đã biểu lộ quyết tâm xâm chiếm một loạt quốc gia khác mà nước Tàu xưa tự coi là “chư hầu” của mình (kể cả Việt Nam mà ông ta gọi là “An Nam”). Trên thực tế, giới lãnh đạo CHND Trung Hoa liên tục qua nhiều thế hệ đã thực hiện đúng theo tuyên bố này với tham vọng đưa nước mình trở thành bá chủ thế giới. Kể từ năm 2010, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì tham vọng đó đã và đang được ráo riết thực hiện bằng mọi thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự, để đạt đến “Giấc mơ Trung Hoa”- theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, tức là trở thành một siêu cường thế giới.
2. Trung Quốc bành trướng chống Việt Nam trong thời hiện đại
Từ Hiệp nghị Geneve 1954 qua cuộc chiến mùa Xuân 1979 đến bãi đá Gạc Ma 1988
Từ 1950, khi CHND Trung Hoa và Liên Xô công nhận nước VNDCCH là thành viên của phe Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Viện trợ của Trung Quốc (và Liên Xô) đã có vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát triển lực lượng quân sự để giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ và kết thúc thành công cuộc kháng chiến. Nhưng sự viện trợ đó không phải là vô tư theo tình hữu nghị giữa hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em” như vẫn thường được tuyên truyền, mà nhằm phục vụ đường lối đối ngoại bành trướng của Trung Quốc. Bản Hiệp nghị Genève 1954 phân chia Việt Nam thành hai nhà nước, với VNDCCH ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền Nam, thực chất là một thắng lợi của chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa trong việc biến nước ta thành “chư hầu” của Trung Quốc.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (1955-1975), Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH để “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Trung Quốc không muốn chiến tranh kết thúc bằng sự thống nhất đất nước Việt Nam, mà luôn nắm bắt thời cơ để lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Năm 1956, nhân lúc chính phủ VNCH chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa do Pháp trao trả, Trung Quốc đã lấn chiếm một phần quần đảo này. Sau đó, Chính phủ CHND Trung Hoa ra Tuyên bố (ngày 4-9-1958): “Bề rộng lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHND Trung Hoa bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”(3). Đây là lời tuyên bố công khai chính thức đầu tiên của Trung Quốc về “chủ quyền” của nước này đối với Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) của Việt Nam cùng các quần đảo khác thuộc nước khác trên biển Đông.
Đầu năm 1972, Trung Quốc và Hoa Kỳ ký bản “Thông cáo chung Thượng Hải” mở đầu cho thời kỳ hợp tác Trung - Mỹ, để bỏ rơi các bạn đồng minh cũ của mình trong chiến tranh Việt Nam. Với sự đồng lõa của Trung Quốc, Hoa Kỳ tiến hành cuộc Tập kích chiến lược bằng không quân trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng, nhằm buộc VNDCCH phải khuất phục. Trong khi đó, Trung Quốc ra sức ngăn cản VNDCCH đánh bại hoàn toàn VNCH để thống nhất đất nước; đồng thời tiến hành ngay việc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VNCH (19-1-1974).
Bất chấp mọi áp lực cản trở của Trung Quốc, VNDCCH mở cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975), thống nhất đất nước với tên gọi mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vô cùng căm tức trước thắng lợi của Việt Nam, Trung Quốc ồ ạt viện trợ cho chính quyền“Campuchia Dân chủ” tức Khmer Đỏ của Polpot để dùng bọn này chống Việt Nam. Tuân phục tuyệt đối sự chỉ dạy của quan thầy chúng ở Bắc Kinh, quân Khmer Đỏ đã tiêu diệt chính nhân dân nước mình, đồng thời tràn qua biên giới tàn sát người Việt và xâm lược lãnh thổ phía Tây-Nam nước ta. Nhận rõ bản chất bành trướng xâm lược với thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc, ban lãnh đạo nước ta do Tổng bí thư Lê Duẩn đứng đầu đã quyết định thực thi một đường lối rõ ràng: liên minh chặt chẽ với Liên Xô để chống Trung Quốc và Khmer Đỏ. Sau khi ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện với Liên Xô (1978), Việt Nam tiến hành chiến dịch phản công ở Campuchia. Chỉ sau 2 tuần chiến đấu (23-12-1878 đến 7-1-1979), quân ta đã đánh tan quân Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Penh, dẹp yên biên giới Tây Nam và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Thất bại của bọn tay sai Khmer Đỏ đã thúc đẩy giới lãnh đạo Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình cầm đầu trực tiếp gây chiến tranh xâm lược nước ta vào mùa xuân 1979 để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Tàu chia thành hai cánh tổng tấn công trên toàn tuyến biên giới kéo dài 1.200 km phía Bắc Việt Nam. Nhưng sau 2 tuần chiến đấu ác liệt, chính Trung Quốc đã nhận được bài học ở Việt Nam: bị quân và dân ta đánh bại, quân Tàu phải rút chạy về nước với những tổn thất nặng nề.
Cuộc chiến mùa Xuân 1979 đã xóa bỏ hoàn toàn mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước trong phe XHCN, chính thức đưa quan hệ Việt-Trung vào tình trạng đối đầu, và Trung Quốc đã trở thành “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm” của Việt Nam. Sau cuộc chiến này, biên giới hai nước luôn ở trong tình trạng căng thẳng và chiến sự đẫm máu lại bùng lên trong các năm 1984-1988. Trên biển Đông, Trung Quốc tiến chiếm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988).
Từ “Đường Lưỡi bò” với “16 chữ vàng” đến Giàn khoan HD 981 và sau đó
CHND Trung Hoa thừa kế bản đồ “ Đường lưỡi bò” 11 đoạn của THDQ, cải biên thành “Đường 9 đoạn” (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ) để làm mục tiêu bành trướng biến biển Đông thành cái “ao nhà” của Trung Quốc. Sau khi chiếm được bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc tự coi “Đường Lưỡi bò” đó là “ranh giới trên biển” của mình và tiếp tục tìm cách lấn chiếm Trường Sa cùng các quần đảo khác nằm trong đường ranh giới đó.
Trước một nước láng giềng như vậy, Việt Nam phải có một đường lối rõ ràng để ngăn chặn nguy cơ bị xâm lược. Nhưng cuộc khủng hoảng cuối thập kỷ 80- đầu thập kỷ 90 dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã thúc đẩy giới lãnh đạo hai nước Việt-Trung tìm cách làm dịu tình hình căng thẳng, đưa hai nước trở lại quan hệ theo tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” để cùng nhau bảo vệ chế độ XHCN. Theo đó, tại cuộc Hội nghị bí mật Thành Đô (3-9-1990), các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc (Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng) cùng các vị đồng cấp Việt Nam (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng) đã ký một bản Kỷ yếu, tạo nên bước ngoặt mới trong quan hệ Việt-Trung: từ tình trạng đối đầu chuyển sang hữu nghị - hợp tác lâu dài. Chiếu theo Kỷ yếu này, quan hệ Việt-Trung được xây dựng theo phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị-Hợp tác toàn diện-Ổn định lâu dài- Hướng đến tương lai”(1999), lại được bổ sung bằng tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (2002).
Phương châm và tinh thần mới này có tác dụng trong việc phân định rõ biên giới Việt-Trung và ranh giới trên biển ở vịnh Bắc Bộ, nhưng không ngăn cản được sự bành trướng với những hành động xâm lược của Trung Quốc trên biển Đông và trong nhiều lĩnh vực khác.
Trong năm 2011, Trung Quốc đã liên tiếp xâm nhập vùng biển, gây sự với Philippines và Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng là các vụ gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 và tàu Viking 2 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Trong năm 2012, Trung Quốc dùng hải quân để giành bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trắng trợn “mời thầu” khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, rồi ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm “Tây Sa”, “Nam Sa” (tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) và “Trung Sa” (với cả bãi cạn Scarborough trong đó).
Đầu năm 2013, Trung Quốc cho hàng nghìn tàu cá tràn vào các vùng lãnh hải Việt Nam và Philippines, đồng thời dùng các tàu “hải giám” của họ xua đuổi, vây bắt tàu cá Việt Nam, thậm chí dùng cả tàu chiến để bắn phá tàu cá của ngư dân nước ta.
Tháng 4-2013, chính phủ Trung Quốc công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương năm năm lần thứ 12”. Văn kiện này thực chất là một chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhắm tranh đoạt lãnh hải và chủ quyền biển đảo với 7 nước ASEAN trên biển Đông. Thực hiện “Quy hoạch” này, họ chiếu theo “đường Lưỡi Bò” để dựng mốc chủ quyền và tăng cường quản lý giao thông trên biển, đồng thời tiến hành khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác ở các quần đảo trên biển Đông mà họ tranh cướp được, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 21-6-2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký với Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định hai bên tiếp tục kiên trì phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”, đồng thời“không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược” (4). Tuy nhiên, ngay sau khi văn kiện đó được ký kết, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hành động bành trướng và lấn chiếm trên biển Đông, bất chấp công pháp quốc tế. Ngày 2-5-2014 Trung Quốc đã dùng một lực lượng gồm 80 tàu quân sự và tàu chấp pháp các loại gây hấn với các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư nước ta để đưa chiếc giàn khoan khổng lồ “Hải Dương 981” vào đặt sâu trong thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Từ 2-5 đến 16-7-2014). Đó chính là một vụ xâm lấn chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ trắng trợn và nghiêm trọng nhất do Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam trong thế kỷ 21. Trước sự đấu tranh kiên quyết và mềm dẻo của lực lượng chấp pháp và ngoại giao Việt Nam, được sự đồng tình và hỗ trợ của công pháp quốc tế và các cường quốc dân chủ, bọn xâm lược đã buộc phải rút giàn khoan đó ra khỏi vùng biển nước ta (16-7-2014).
Từ 5-2014 đến nay: TQ bồi đắp 7 bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Su Bi, Vành Khăn, Gia Ven, Chữ Thập…) nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo (để từ đó khẳng định “chủ quyền” với vùng biển 12 hải lý quanh mỗi “đảo”), xây dựng sân bay quân sự trên bãi đá Chữ Thập - một căn cứ không quân khống chế toàn bộ biển Đông. Hoa Kỳ và các đồng minh ở châu Á đã bày tỏ lập trường cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành động bành trướng đó của nước Tàu.
Tháng 9-2015, Tập Cận Bình sang thăm Hoa Kỳ nhằm “Thúc đẩy quan hệ nước lớn mới giữa Trung Quốc và Mỹ” mà thực chất là đề xuất việc phân chia quyền “bá chủ thiên hạ” giữa 2 nước lớn. Tổng thống Obama đã khiến họ Tập phải chưng hửng khi ông phớt lờ cái đề xuất về “2 nước lớn” đó và tuyên bố rằng : “Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, phồn vinh, và có trách nhiệm trong các vấn đề của thế giới”. Với tuyên bố này, Tổng thống Mỹ đã dạy cho họ Tập bài học rằng thế giới hiện đại không cho phép nước Tàu áp đặt quyền “bá chủ thiên hạ” ở bất cứ đâu.
Ngày 27-10, Hoa Kỳ đưa khu trục hạm USS Lassen đi tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi Su Bi, Vành Khăn và Gia Ven để khẳng định đó là vùng biển quốc tế chứ không thuộc “chủ quyền” nào của nước Tàu. TQ phản ứng mạnh trên báo chí nhưng không có một hành động ngăn chặn nào bằng sức mạnh (vì Hoa Kỳ hành động đúng theo công pháp quốc tế). Dư luận quốc tế hoan nghênh Hoa Kỳ (trong đó Nhật Bản và Australia dự kiến sẽ đưa tàu của mình đi tuần tra cùng với Mỹ).
Các sự kiện diễn ra trên biển Đông sau hội nghị Thành Đô, sau bản Tuyên bố chung Việt-Trung cho đến vụ “Giàn khoan HD 981” đã chứng tỏ rõ ràng rằng: giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ coi những lời lẽ tốt đẹp về “16 chữ vàng” và “4 tốt” là những chiêu bài để ràng buộc Việt Nam trong vòng khống chế của mình, để che đậy cho âm mưu và hành động xâm lược liên tục được tiến hành ngày càng ráo riết và trắng trợn theo lộ trình đã vạch sẵn nhằm chiếm chủ quyền biển-đảo của Việt Nam.
3. Vạch trần sự ngụy biện về chủ quyền biển-đảo của Trung Quốc
Ngụy biện về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa
Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đưa ra luận điệu rằng: các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) đã thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ đời nhà Hán thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.
Đây là một luận điệu bịa đặt trắng trợn. Từ trước Công Nguyên cho đến thế kỷ 15 Công Nguyên, toàn thể nhân loại chỉ biết xác định cương vực lãnh thổ trên lục địa (với các đảo ven bờ), mà chưa có ý niệm nào về lãnh hải và chủ quyền lãnh thổ trên những hải đảo viễn dương (được coi là “lãnh thổ vô chủ”). Mãi đến cuối thế kỷ 15, sau những phát kiến địa lý vĩ đại của các cường quốc hàng hải phương Tây (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp), việc xác định chủ quyền trên biển và trên những hải đảo được phát hiện giữa đại dương mới dần dần trở thành thông lệ và công pháp quốc tế. Nhưng ngay cả khi ấy thì Trung Quốc (dưới các triều đại Minh-Thanh) vẫn đứng ngoài thông lệ này và chỉ biết đến lãnh thổ trên lục địa của mình với 2 đảo lớn kế cận là Đài Loan và Hải Nam. Chính vì vậy mà bản đồ Trung Quốc do chính các triều đại này vẽ đều lấy đảo Hải Nam làm ranh giới cực nam của nước này, không bao giờ mở rộng đến các quần đảo trên biển Đông.
Để bảo vệ cho sự ngụy biện trên, Trung Quốc ngụy tạo “bằng chứng” bằng cách tuyên bố rằng tài liệu chính sử đã ghi nhận chủ quyền của nước này đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ thời đó.
Trung Quốc hiện lưu trữ được 24 bộ chính sử (mỗi bộ hàng trăm cuốn) do triều đình biên soạn trong suốt mấy nghìn năm lịch sử từ thời Tần-Hán cho đến nhà Thanh. Theo sự phân tích của GS Lê Văn Cương, trong tổng số đó có 6 bộ sử chép những sự kiện liên quan đến Việt Nam và 7 bộ có đề cập đến biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải), nhưng tuyệt nhiên không có một tranghay một dòng nào viết về “Tây Sa” (hay Hoàng Sa) và “Nam Sa” (hay Trường Sa). (Trong khi đó tài liệu thư tịch của nước ta và bản đồ do nước ngoài vẽ đã quá đủ để chứng minh rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền liên tục của Việt Nam từ thế kỷ 16 cho đến nay).
Không tìm được bằng chứng trong sử sách và bản đồ của chính nước mình, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh cố bới lông tìm vết ở cuốn “Dị vật chí” của Dương Phù (thời Đông Hán) để chế biến thành “bằng chứng” muốn có. Theo tựa đề của nó, “Dị vật chí” là cuốn sách ghi chép những vật lạ mà tác giả phát hiện trên đường du hành qua những xứ sở đương thời. Đúng như nhà sử học Vũ Minh Giang đã phân tích, sách này không hề đề cập đến biển Đông (mà hàng chục thế kỷ sau đó Trung Quốc mới gọi là Nam Hải); và cũng tuyệt nhiên không viết gì về các quần đảo mà hàng nghìn năm sau đó mang tên Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) trong vùng biển này. Tuy nhiên, trong sách có mấy dòng viết về “Trướng Hải” (?) là một vùng biển mà Dương Phù đã đi qua và kể rằng ở đó có một loại dị vật là “từ thạch” (đá nam châm?). Bám lấy mấy dòng mơ hồ này, Bắc Kinh “suy luận” rằng “Trướng Hải” chính là Nam Hải (tức biển Đông), còn “từ thạch” là sản vật của Tây Sa và Nam Sa (?!); từ đó họ “chứng minh” rằng người Tàu thời Đông Hán đã phát hiện các sản vật lạ ở đó nên hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc (?!). Chưa cần vạch trần trò ảo thuật biến “Trướng Hải” thành “Nam Hải” và gán “từ thạch” cho “Tây Sa” và “Nam Sa” là hoàn toàn phi lý; chỉ riêng việc dùng những dòng ghi chép mơ hồ về sản vật ở một nơi do một người Tàu phát hiện để làm “bằng chứng” về “chủ quyền” của nước Tàu đối với nơi đó đã là một trò ngụy biện hết sức trơ trẽn.
Không có bằng chứng lịch sử, giới lãnh đạo Trung Quốc cố bám vào bức công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 để chứng minh cho chủ quyền của nước họ ở 2 quần đảo trên. Tuy nhiên, mặc dù tuyên bố “Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”(5), công hàm này không đề cập 2 quần đảo “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa). Khi ấy hai quần đảo này thuộc chủ quyền Chính phủ VNCH, nên không thể gán cho công hàm của VNDCCH cái ý là đã tán thành chủ quyền của Trung Quốc ở đó.
Ngụy biện về “Đường Lưỡi bò”
“Đường chữ U” tức “Đường Lưỡi bò” do giới lãnh đạo Trung Quốc tự vẽ ra để thể hiện tham vọng bành trướng bá quyền của chúng trên biển Đông, mà không có một cơ sở khoa học hay pháp lý nào để biện minh cho nó. Nhưng vào tháng 5-2009, Trung Quốc đã trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “Đường chữ U” với lý giải mông lung rằng nó biểu thị lãnh hải của nước này, và họ đang cố hợp thức hóa nó bằng mọi luận điệu ngụy biện.
Các học giả Trung Quốc đã ra sức nghiên cứu để đưa ra 4 lý thuyết biện minh cho “Đường Lưỡi bò” (6). Một thuyết dựa vào các bản đồ do THDQ xuất bản từ 1935 đến 1948 để khẳng định rằng “ Đường chữ U” thể hiện đủ tính chất “đường biên giới quốc gia” (!). Một thuyết sử dụng quan điểm của THDQ, cho rằng các đảo, đá, đá ngầm, và vùng biển trong phạm vi đường chữ U đều do THDQ thụ hưởng như là “vùng nước mang tính lịch sử” của Trung Quốc (!). Một thuyết khác lập luận rằng: Đường 9 đoạn ở Nam Hải Trung Quốc đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, không có quốc gia nào đề xuất ý kiến khác, mà Trung Quốc từng tuyên bố về vùng nước mang tính lịch sử trước lúc Luật biển quốc tế hiện đại quy định chế độ thềm lục địa, do vậy không thể lấy công ước luật biển hiện đại để phủ định “quyền lợi mang tính lịch sử” của Trung Quốc ở đây (!). Thuyết cuối cùng xác định rằng Đường chữ U là “đường vây quanh các đảo và vùng nước lân cận thuộc bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”. Thuyết này khẳng định rằng: việc giải thích “Đường chữ U” như vậy là hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về lãnh hải năm 1958 của nước CHND Trung Hoa (đã dẫn ở trên) và Công ước luật biển năn 1982 của Liên Hiệp Quốc (!).
Trong 4 thuyết trên, chính quyền Trung Quốc nghiêng theo thuyết về “đường vây quanh các đảo…”, vì thuyết này không cần dùng đến các bằng chứng lịch sử lâu đời (mà Trung Quốc không thể có) để tập trung vào các tư liệu hiện đại từ thời THDQ đến nay, nhằm biện minh cho “Đường Lưỡi bò” và các vụ tranh chấp biển-đảo trên biển Đông.
Dù sao đi nữa, các lý thuyết giải thích về “Đường Lưỡi bò” đều là ngụy biện và không thể che đậy được âm mưu bành trướng xâm lược của Trung Quốc thể hiện ở đường này. Do vậy, các nước quanh biển Đông đều phản đối và cộng đồng quốc tế cũng không chấp nhận bản đồ “Đường Lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra; còn Chính phủ Trung Quốc luôn tránh né việc đưa các vụ tranh chấp biển-đảo trên biển Đông ra xét xử tại Tòa án Quốc Tế.
***
Giáo dục về biên giới, vùng biển và hải đảo của Tổ Quốc cho học sinh để các em nhận thức được những vấn đề chính trị đang đe dọa chủ quyền độc lập của dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác chống xâm lược và sẵn sàng hành động để bảo vệ Tổ Quốc. Vì vậy, trong chương trình dạy học về chủ đề này, những âm mưu và hành động xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam phải là một nội dung trọng yếu.
CHÚ DẪN
(1) Dẫn theo Khổng Tử, Kinh Thi (I), Tạ Quang Phát dịch, NXB Văn Học, Hà Nội 2004.
(2) Dẫn theo sách “Lược tân Lịch sử Trung Quốc”, Nhân dân Xuất bản xã, Bắc Kinh 1954.
(3) Dẫn theo Nguyễn Hồng Thao, Yêu sách “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc dưới góc độ luật pháp quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số ra tháng 12-2009.
(4) Xem: Việt Nam, Trung Quốc ra Tuyên bố chung, VnExpress ngày 21-6-2013.
(5) Trích dẫn từ hình chụp bản gốc của Thủ tướng phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 14-9-1958 trên internet.
(6) Xem: Phạm Hoàng Quân (2014), “Đường chữ U” và những toan tính của học giới Trung Quốc, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 10-8-2014.
LÊ VINH QUỐC