NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ TÔ HOÀI

( 17-09-2014 - 06:23 AM ) - Lượt xem: 1115

Ấn tượng để lại sâu sắc nhất với tôi và nhiều bạn văn: Tô Hoài là nhà văn “Sống để viết” cũng là “Viết để sống” như lương tâm và hạnh phúc nghề nghiệp. Không chỉ vì quyền lợi, danh tiếng, mà vì nặng nợ văn chương.

Năm 1960, khi ở lại giảng dạy ở Đại học Sư phạm, tôi bắt đầu làm quen với các nhà văn Tô Hoài, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... Đây là các nhà văn nổi tiếng được dạy trong chương trình. Các vị hơn tôi từ mười tuổi trở lên. Trong quan hệ, họ coi tôi như bạn vong niên. Là bạn đọc lý tưởng vì đọc hết, đọc kỹ tác phẩm sáng tác, là bạn chia sẻ nỗi niềm sáng tạo và lại phổ biến, tuyên truyền cho thế hệ học sinh, sinh viên văn – những bạn đọc vào loại lý tưởng của nhà văn. Coi là bạn là vì thế.

Riêng với Tô Hoài, tôi kém ông 14 tuổi, nhưng lại là bạn đọc hâm mộ ông từ tuổi thiếu niên.

Tôi thường gặp ông để tìm hiểu sáng tác và chia sẻ những kinh nghiệm học văn, viết văn và dạy văn.

Dễ nhận thấy ở ông một con người thân ái, chan hòa. Trong giao tiếp, một cán bộ giảng dạy trẻ vào tuổi lập thân với một nhà văn tuổi tứ tuần, dễ có nhiều thông cảm. Ông luôn đối xử chân tình , đặc biệt rất bình đẳng. Một điều thú vị nhất là khi đề tặng sách cho tôi, ông chỉ ghi: Thân tặng Đoàn Trọng Huy. Mặc dù ông biết tôi có học hàm, học vị, có chức trách lãnh đạo trong khoa Ngữ văn. Mấy chứ ấy thật thân tình, bởi ông coi tôi như người em. Trong khi nhà thơ Huy Cận ghi tặng sách cho tôi: Thân tặng đồng chí Đoàn Trọng Huy, còn nhà thơ Việt Phương lại ghi: Thân mến tặng bạn Đoàn Trọng Huy. Tất nhiên, đó đều là những dòng chữ trân trọng, quý mến nhau.

Khi đã thân mật, ông tâm sự với tôi cả những chuyện riêng tư, gia đình, cũng như những tâm tư về nghề nghiệp. Tôi được biết, trong công việc, Tô Hoài cũng có cách đối xử như vậy, nhất là với đồng nghiệp, lớp đàn em trẻ tuổi, mặc dù ai cũng tỏ thái độ trân trọng, cung kính một nhà văn lớn tuổi và ở hàng lãnh đạo. Tôi gần gũi và nhận được nhiều trao đổi chân tình vào nhiều dịp, nhất là những năm 90 và khoảng những năm 2000 trở đi. Đó là duyên may khi tôi được phân công viết chương Tô Hoài trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam (tập III) và khi viết bộ sách Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX về các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh (2 tập). Có lần gặp gỡ không lâu, nhưng tôi viết được một bài báo. Nhà văn viết thư cho tôi và khen, đại ý mới trao đổi nhanh mà tôi đã viết được khá dài và đầy đủ. Một lần khác, ông gửi thư cho tôi về tìm hiểu Nam Cao. Nhà văn ghi:

“Anh Huy, Hôm nào trong tuần sau tôi sẽ lên ở nhiều ngày trên phường Nghĩa Tân. Anh đến chơi, tôi nói chuyện về Nam Cao như anh đã gợi ý. Tôi ở C3, phòng 108, tầng 1, có chuông bấm.

Có thể có một số bài tôi đã viết về Nam Cao cũng nằm trong những điều anh hỏi...”

Ông chỉ dẫn một số tài liệu trong đó có Những gương mặt... và cả tư liệu gửi cho Phong Lê để tôi tìm hiểu.

Có thể nói những điều tôi viết được về Tô Hoài, Ngoài phần tự nghiên cứu, còn có đóng góp qua những tư liệu sống, những tâm sự “ruột gan” do nhà văn cung cấp. Trước đây ở Hà Nội, tôi thường đến thăm ông khi ở Đoàn Nhữ Hài, khi ở Nghĩa Đô. Từ ngày vào Nam, tôi thỉnh thoảng điện thoại thăm ông, nhất là vào dịp lễ tết, sinh nhật. Ông trả lời xúc động qua tiếng nói.

Tôi nhận thấy, nổi bật ở Tô Hoài là đức tính tình nghĩa, đôn hậu. Tranh luận, dù vấn đề gay gắt, quan trọng, ông thường giữ thái độ điềm tính, ôn hòa. Tô Hoài thường không tham gia vào những luận chiến văn chương nảy lửa. Ông trình bày chính kiến minh bạch, thẳng thắn, bình tĩnh, chịu lắng nghe và cũng biết chờ đợi. Mười năm, có thời gian gặp khó dễ vì cho là nói xấu cán bộ, hạ giá người cách mạng khi tả cán bộ nữ hoạt động có tính lẳng lơ, lơi lả. Nhưng rồi tác phẩm được in, mọi sự suôn sẻ. Gần đây, Ba người khác cũng gây xôn xao một chút trong dư luận, vì ông viết thật, viết táo bạo về cải cách ruộng đất. Ông không phản bác và mọi sự cũng trôi qua yên ả. Không hẳn vì người ta nể trọng một nhà văn lão thành, mà bởi dư luận ngày càng hiểu rõ thêm ý nghĩa, triết lý sâu xa của truyện và giá trị đích thực của tác phẩm. Có lần, tôi viết bài về Tô Hoài đăng trên Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Tổng biên tập Phạm Tiến Duật gọi điện thân mật: “Thầy thông cảm, vì khuôn khổ báo, em xin cắt một đoạn...”. Tôi đến phân trần với nhà văn chuyện ấy. Tô Hoài cười xòa: “Không sao! Người ta sẽ hiểu nhiều hơn phần bài anh bị cắt”. Có lần, ông phàn nàn vui vẻ với tôi về việc in sách của ông ở nước ngoài. Đã có nhà xuất bản tử tế, xin phép đàng hoàng, khi in gửi trả nhuận bút. Lại có nơi in sách “chui”, không xin ý kiến tác giả mà chỉ biếu mấy quyển làm kỷ niệm. Có nơi không khoái ông còn ăn không  nhuận bút như Trung Quốc in Truyện Tây Bắc. Ông nói vui: “Dù sao mình được cái tiếng!”. Người ta vơ vét đô la và trả đủ ông lòng “hào hiệp”. Ông vốn nổi tiếng còn người, bị tai tiếng. Ta có câu “có tiếng mà không có miếng”. Tôi hiểu ý, “cái tiếng” to hơn “cái miếng” là thế với ông.

***

Ấn tượng để lại sâu sắc nhất với tôi và nhiều bạn văn: Tô Hoài là nhà văn “Sống để viết” cũng là “Viết để sống” như lương tâm và hạnh phúc nghề nghiệp. Không chỉ vì quyền lợi, danh tiếng, mà vì nặng nợ văn chương.

Ông là một tấm gương cần mẫn, tận tụy với nghề. Chỉ buông tay khi không còn cầm được cây viết. Viết gần 80 năm, tác phẩm lên tới gấp đôi 160, nhưng nguồn văn, mạch viết không vơi cạn. Một tâm hồn già dặn khi mới 16, 17 tuổi, vào tuổi 80 – 90 vẫn có Suối nguồn tươi trẻ văn chương.

Tôi đến thăm ông lúc nào cũng thấy trên bàn viết là cuốn sách, tập báo, cây bút và những trang bản thảo. Ông nói với tôi:

-   Ngày nào tôi cũng vào bàn anh ạ. Không đọc thì viết, không viết thì đọc, mỗi ngày vài chữ, viết rồi bỏ, ngày mai viết lại. 

Phải thể dục trí óc thường xuyên!

“Thủng thẳng chuyện đời” như dong chơi dạo gót mà hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn trang viết cho thiên hạ. Việc gấp rút, khẩn trương nhưng lòng vẫn thanh thản, bình tĩnh.

Tô Hoài là một lão nông “cày sâu cuốc bẫm”, nhẫn nại, bền bỉ một đời trên cánh đồng văn chương. Và trên cánh đồng văn chương Việt Nam mãi mãi một đại thụ xum xuê tỏa bóng.

Một nén tâm nhang tưởng nhớ Người Anh, Người Thầy, Bậc Trưởng lão vô vàn kính mến của các thế hệ yêu văn và kính mến nhà văn.      

Thành phố Hồ Chí Minh 7/7/2014

ĐOÀN TRỌNG HUY*

(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Các Bài viết khác