NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT NGÀY LẮNG TRONG KHÔNG GIAN VÕ QUẢNG

( 13-08-2020 - 08:39 PM ) - Lượt xem: 587

LTS: Năm nay tròn 100 năm sinh nhà văn Võ Quảng. Ông sinh ngày 1-3-1920, mất ngày 15-6-2007, thọ 88 tuổi. Ngày tròn 100 năm sinh ông rơi đúng vào dịp cả nước đang lo đối phó với dịch Covid-9, nên chưa thể tổ chức lễ kỷ niệm cũng như chưa có được những bài viết tương xứng. Người Yêu Sách số này đăng lại bài của tác giả Nguyễn Huy Thắng về nhà văn, nhà thơ Võ Quảng, viết cách đây đã 13 năm nhưng thiết nghĩ vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Tham gia Trại sáng tác văn học thiếu nhi, tổ chức tại Hà Nội tháng 5-2007 có hơn hai chục cây bút chuyên viết cho thiếu nhi trong cả nước. Con số không phải quá ít, nhưng điều đáng nói là độ tuổi của những người sáng tác cho thiếu nhi ở ta cao quá. Không kể những tác giả đã thành danh, thường được nhắc đến mỗi khi nói về văn học thiếu nhi nay đã thất tuần, lục tuần, ngay đến những gương mặt “trẻ” hơn, những “lính mới” trong lĩnh vực này cũng đã ngũ tuần chứ không kém!...

Thực tế ấy càng khiến ta tiếc nuối về sự ra đi của nhà văn, nhà thơ Võ Quảng, một cây bút cho thiếu nhi thuộc loại hàng đầu của nước ta: Ông là tác giả của những bài thơ Anh đom đóm, Mở cửa mà hầu như ai cũng biết, cũng thuộc, của những cuốn sách Quê nội, Tảng sáng thuộc loại kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhà văn đã ra đi ngày 15-6-2007, một tháng sau Trại sáng tác nói trên…

Nhớ ơn ông, một trong những người có công gây dựng nền văn học thiếu nhi ngay từ buổi đầu, Nhà xuất bản Kim Đồng chúng tôi đã đến thắp nén nhang tưởng nhớ ông tại tư gia. Anh Võ Tấn, trưởng nam của nhà thơ đón chúng tôi ở đầu ngõ Toàn Thắng, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau nhiều lần hết rẽ trái lại rẽ phải qua những ngõ nhỏ lắt léo, anh dẫn chúng tôi đến trước một ngôi nhà nhỏ có một khoảnh sân phía trước. Đó là nơi nhà thơ sống những năm cuối đời trước lúc đi xa. Sau khi làm lễ dâng hương trước ban thờ nhà thơ trên tầng thượng, anh Võ Tấn dẫn chúng tôi xuống tầng hai, nơi từng được dành làm nơi sinh hoạt, ăn ở, tiếp khách của hai ông bà, nay chỉ còn bác gái Phương Thảo, nguyên cán bộ nghiên cứu, dịch giả của Viện Văn học. Bác nay đã 86 tuổi, nhưng nhờ giời, còn minh mẫn lắm. Bác sai con cháu vào buồng lấy cuốn sách mới, Võ Quảng – Con người, tác phẩm, do chính bác biên soạn và vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, rồi tự tay ký tặng từng người...

Sau những lời thăm hỏi xã giao, câu chuyện dần dần trôi theo dòng thời gian về với Nhà xuất bản Kim Đồng những ngày đầu. Hồi ấy, đang làm công tác văn hóa, ông Võ Quảng được điều về làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng mới thành lập. Ông và Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng thường xuyên gặp nhau bàn chuyện cơ quan, lo việc sách vở. Anh Tấn còn nhớ, cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hay đến với cha anh ở phố Phạm Đình Hổ, nơi ông được cơ quan phân cho một gian buồng rộng 7m2 cho 6 thành viên trong gia đình (hay 6m2 cho 7 người, tôi không nhớ đích xác nữa). Nhà quá chật, hai ông đành bắc hai cái ghế ra ngoài hành lang ngồi vừa quạt vừa nói chuyện. Bác Võ Quảng gái cho biết, cũng có khi ngồi thấy vướng víu, hai ông kéo nhau ra ngoài, đi dọc đường Lò Đúc dưới tán những cây cao bóng cả, tha hồ trò chuyện... Mãi đến khi ông đã gần đất xa trời, anh Võ Tấn mới có “tấc đất cắm dùi” ở ngõ phố Khâm Thiên, cơi được căn nhà, đón cha mẹ về. Khi đó nhà thơ đã ngoài 85. Cũng may, anh Tấn thổ lộ, ông còn được mấy năm “ở sướng”. Anh cho biết, thời gian về cuối, ông bị lòa do biến chứng của căn bệnh tiểu đường, hầu như không còn nhìn được gì, nhưng sự quan tâm đối với “nhà Kim Đồng mình” thì vẫn vẹn nguyên. Nhiều lần, nhận những cuốn sách biếu của cơ quan, ông sờ sờ, nắn nắn rồi không kìm được thốt lên: Giỏi quá, giỏi quá! Không ngờ anh Thắng Vu (Giám đốc Nguyễn Thắng Vu của Nhà xuất bản Kim Đồng trong thời kỳ Đổi mới) làm được những cuốn sách tốt, đẹp như thế! Cứ như là điều không tưởng ấy!...

* * *

Về đến cơ quan, việc đầu tiên của tôi là giở đọc ngay cuốn sách được bác Phương Thảo cho. Tất cả, từ hồi ức của chính nhà thơ đến kỷ niệm của bạn bè, người thân về ông, đều toát lên một điều: Ông thật tự trọng và đáng trọng. Nhà văn luôn đứng cao trên ngoại cảnh để chỉ cảm nhận cái hay cái đẹp của cuộc đời, để chắt lấy từ đấy những gì là thanh cao nhất hiến cho trẻ thơ.

Suốt đời theo đuổi đề tài quê hương, đến tận những năm 1970, nhà văn mới lần lượt cho ra đời Quê nội rồi Tảng sáng. Đây có thể coi là hai cuốn tự truyện của nhà văn, viết về những thiếu niên như Cục, Cù Lao mà cũng là có phần ông trong đó, khi tác giả vừa là chứng nhân vừa là người trực tiếp tham gia vào những biến động diễn ra ở xã Hòa Phước quê ông những năm cách mạng và kháng chiến. Với hai cuốn sách này, Võ Quảng, như nhà nghiên cứu văn học Phong Lê đã chỉ ra, xứng đáng đứng vào hàng ngũ ít ỏi những nhà văn viết tự truyện hàng đầu của Việt Nam, bên cạnh Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu, Tô Hoài với Cỏ dại, Mạnh Phú Tư với Sống nhờ...

Nhưng khi ấy, ông đã ngoài 50 tuổi!

Nói ra điều này để, trước hết, thấy rằng, Võ Quảng đến với văn học thiếu nhi – cũng là thứ văn học duy nhất mà ông theo đuổi – khá muộn. Tác phẩm đầu tay của ông, tập thơ Gà mái hoa ra đời năm 1957, khi nhà thơ đã gần tứ tuần. Bốn năm sau, ông có truyện Cái thăng, khi đã 43 tuổi. Nghĩa là, phải đến khi đã sang tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, ở ông mới hội đủ tư cách nhà thơ- nhà văn cho thiếu nhi! Từ đây, ông sáng tác cho các em đều đều, 2-3 năm lại cho ra một tập sách. Tuy nhiên, Quê nội và Tảng sáng, hai tác phẩm quan trọng nhất, hai cuốn sách khiến cho tên tuổi Võ Quảng được phổ biến cả ở nước ngoài – Quê nội từng được dịch và giới thiệu trang trọng ở Pháp – thì chỉ đến với ông khi đã ở vào tuổi “chi thiên mệnh”. Cái tuổi mà với không ít người là thôi thì... tùy trời, nhưng với ông, những gì đạt được chỉ có thể là kết quả của lao động. Hãy xem ông đã lao động như thế nào với cuốn Quê nội, tập đầu của bộ tự truyện đặc sắc ấy. Năm 1961: Bắt đầu ghi trong sổ tay ý tưởng về đề tài. 1964: Đặt bút viết những dòng đầu tiên của chương I... Và từ đó đến khi đưa in (sách ra năm 1973) là năm lần sửa chữa (có chương sửa tới sáu lần), với số trang bản thảo rút lại chỉ còn một phần năm so với ban đầu! Là người được cha sai chép lại bản thảo, anh Võ Gia Trị, thứ nam của nhà văn, đã phải nhiều lần hỏi ông về những chỗ chữa chằng chịt chi chít đến không thể luận ra được ở bản thảo Quê nội

Vậy là, ta có được những chi tiết sau trong “lý lịch trích ngang” của nhà thơ: Năm 39 tuổi có tập thơ đầu tiên. Năm 55 tuổi có tiểu thuyết tự truyện đầu tay. Năm 2002 in tác phẩm cuối cùng – Chuyện kể ở Đầm Vạc – khi đã... 84 tuổi!

Nói ra điều này cũng để trở lại nhận xét đã nêu ở đầu bài: Độ tuổi “hơi bị cao” của các nhà văn viết cho thiếu nhi ở ta hiện nay. Hóa ra tuổi cao không phải là đáng sợ, như nhà thơ - nhà văn Võ Quảng đã chứng tỏ với chúng ta. Ngược lại, tuổi cao có khi còn là một lợi thế nữa, do viết cho thiếu nhi cũng rất cần đến sự lịch duyệt, từng trải mà thường người có tuổi mới đạt đến độ chín. Vấn đề là người viết có tâm huyết được như ông không?!

 

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác