MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 3)
( 07-09-2013 - 08:41 AM ) - Lượt xem: 1295
Nước Việt Nam là một nước cộng hòa dân chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh hoàn toàn trông cậy vào ý thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho nhân dân có trình độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều kiện sống còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực xứng đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến cho việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao...
MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 3)
Thứ năm - 15/08/2013 12:21C. Giáo dục
Nước Việt Nam là một nước cộng hòa dân chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh hoàn toàn trông cậy vào ý thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho nhân dân có trình độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều kiện sống còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực xứng đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến cho việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao.
1. Giáo dục ngoài xã hội
Nạn thất học ghê gớm của dân ta lại khiến cho việc ấy nặng thêm và rắc rối thêm một bậc. Bên nền giáo dục chính thức, đầy đủ, áp dụng trong học đường cho lớp người trẻ tuổi còn nguyên sức tiến hóa, nước ta sẽ phải lo lập ngay cả một nền giáo dục tắt, nhanh chóng, cho lớp người lớn thất học, cả một nền giáo dục xã hội ở ngoài học đường cho tất cả đám người cần lao vô cùng đông đảo xưa nay vẫn phải sống một đời u tối hoàn toàn.
Khẩu hiệu đầu tiên của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng ấy, là chống nạn thất học. Bọn thực dân dùng những chính sách gì để giam hãm dân ta trong vòng ngu dốt, chúng ta đã biết rõ, nạn mù chữ ở xứ ta đau đớn đến thế nào, chúng tôi cũng không phải nói dài. Cái đích thứ nhất mà chúng ta phải nhằm là làm cho không còn một người Việt Nam nào mù chữ. Bằng mọi phương sách, – tổ chức việc dạy quốc ngữ và học quốc ngữ, dùng pháp luật bắt buộc học đọc, học, viết trong một kỳ hạn vài ba năm, làm cho phong trào học chữ quốc ngữ lan rộng khắp nước và vào sâu khắp đại chúng – bằng tất cả những phương sách đó, chúng ta sẽ nhất định đạt đến đích. Chúng ta sẽ còn phải đi xa hơn thế nữa mà đặt nền móng cho cả một nền học bình dân, một nền học thức phổ thông, thích hợp với dân chúng. Nền học ấy sẽ được truyền bá trong những câu lạc bộ, nghĩa là những “viện văn hóa” nhỏ, mở tại thôn quê hoặc trong xưởng máy, để hiến cho người dân cày hay người dân thợ những giải trí bổ ích sau giờ làm việc, như đàn hát, ca kịch, thể thao, diễn thuyết. Để trau dồi cho họ những kiến thức phổ thông về địa dư, sử ký, công dân giáo dục để giúp họ hiểu biết xã hội, về khoa học, về nghề nghiệp, và để giúp cho họ phát triển tài năng, tăng thêm khéo léo, nền học bình dân đồng thời sẽ được đem dạy trong những lớp học buổi tối, và bồi bổ bằng những thư viện bình dân tổ chức cấp tốc và rộng rãi theo hai hình thức: phòng đọc sách và xe đi rong cho mượn sách.
Khẩu hiệu thứ hai của nền giáo dục xã hội, của nền giáo dục quần chúng tương lai là tuyên truyền, cổ động. Trong khi kiến thiết nền học bình dân, trong khi đợi cho nền học đó nở những hoa trái đầu tiên, muốn dìu dắt nhân dân, hướng dẫn dư luận, huy động lực lượng quần chúng vào việc kiến thiết quốc gia, không thể thiếu một hệ thống tuyên truyền cổ động lớn lao, luôn luôn trực tiếp với dân chúng, để giải thích chính sách của quốc gia về mọi phương diện, kinh tế, chính trị, văn hóa. Chính phủ sẽ dùng đến đủ mọi cách tuyên truyền: báo chí, truyền đơn, triển lãm, diễn thuyết, phòng chiếu bóng và xe chiếu bóng, rạp hát bình dân, vô tuyến điện, phòng thông tin… Tất cả những phương tiện tuyên truyền của đế quốc sẽ bị quốc hữu hóa ngay sau giờ giải phóng. Làm cho cuộc tuyên truyền âm vang khắp chợ cùng quê và len lỏi vào khắp các xí nghiệp, học đường và hoạt động xã hội, để gieo rắc tinh thần mới, ấy là nâng cao được ý thức dân chúng một cách mau chóng nhất là về phương diện chính trị.
Nâng cao trình độ hiểu biết, hướng dẫn ý thức quần chúng, nền giáo dục xã hội còn phải chú trọng đến một khẩu hiệu thứ ba là thể dục quốc dân. Chính phủ sẽ phải hết sức gây một phong trào “nòi giống khỏe mạnh” thực rộng rãi, và đến nơi đến chốn. Bắt buộc phải có chứng chỉ thể thao mới được chọn vào các nghề nghiệp và các phận sự – tuyên truyền hoạt động – lập sân vận động khắp nơi – mở trường đào tạo huấn luyện viên thể dục – tổ chức những buổi hội họp thể thao, những cuộc đua tranh sôi nổi, – đó là những phép nhiệm mầu để sau một thời hạn ngắn ta đã có thể thấy khắp nơi cái quang cảnh rộn rịp và khỏe mạnh: những sân vận động đông đúc lực sĩ thân hình cân đối và nở nang tập luyện sáng chiều.
Được huấn luyện thân thể, lại được nâng cao trình độ hiểu biết, người dân cần lao, người dân mà hiện nay đời sống thấp kém và u tối vô hạn, sẽ có đủ điều kiện, cả về phần hồn lẫn phần xác, để gánh vác những nhiệm vụ nặng nề và để nhận thấy nhiều ý nghĩa mới của cuộc đời.
Riêng người thanh niên Việt Nam tương lai, – người thanh niên mà bọn thực dân đã cố công cùng sức dìm vào vòng trụy lạc, giam hãm trong ngu tối hoặc xiềng xích vào cái học khoa cử và cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, – người thanh niên mà sức phấn đấu đã phá tan tất cả mọi gông cùm để trỗi dậy hòa với sức chiến đấu chung của dân tộc, người thanh niên mà lòng hy sinh và dũng cảm đã vượt một cách rực rỡ lên trên hẳn những lời hoài nghi và khinh miệt, người thanh niên mang tất cả hy vọng của chúng ta ấy, trong một xã hội mới, tất nhiên phải được rèn luyện một cách thực xứng đáng. Cả một nền tổ chức thanh niên thật rộng rãi sẽ được dựng lên để đào tạo những người mới cho xã hội mới, và đồng thời huy động lực lượng thanh niên vào những công việc kiến thiết về tất cả mọi mặt.
Ngay hồi còn nhỏ, trong các ấu đoàn, các trẻ em sẽ được làm quen với cuộc sống rộng rãi, chung đụng đoàn thể. Lòng yêu nước, yêu tự do sẽ nhờ cuộc sống phóng khoáng này mà sớm nẩy nở cùng một lúc với những năng khiếu đặc biệt mà trường học không thể nào chú ý làm cho phát triển một cách xứng đáng. Lớn lên vào thiếu đoàn, người trẻ tuổi được tập sống cuộc đời của một chiến sĩ để luyện tinh thần kỷ luật, lòng hi sinh, chí kiên quyết, óc trách nhiệm và tất cả những đức tính khác của người chiến sĩ. Thiếu đoàn đồng thời sẽ là một trường huấn luyện chính trị và xã hội: người thanh niên không những sẽ thực sự sống một đời tự trị, dưới sự dìu dắt của đoàn trưởng, mà sẽ đồng thời được trau dồi một ý thức chính trị rõ ràng, và được tham dự vào những công việc xã hội. Ngoài ra, mỗi năm một lần, người thanh niên sẽ còn đem sức lực góp vào việc kiến thiết thực sự của quốc gia bằng cách sống một đời cần lao và bằng đẳng với hàng trăm thanh niên khắp các nơi, khắp các giới, ở những trại thanh niên. Cách huấn luyện có tính cách chính trị rõ rệt, cách tổ chức bán quân sự, và cách sinh hoạt cần lao trong những trại đó sẽ đủ hiệu quả để rèn đúc người thanh niên thành một chiến sĩ quả cảm trong mặt trận thanh niên duy nhất của dân tộc. Người thanh niên chiến sĩ ấy sau này sẽ xứng đáng là người “công dân chiến sĩ” của nước Việt Nam mới, cộng hòa và dân chủ, tranh đấu trên khắp các mặt trận để diệt hết những khuynh hướng phản động, đánh bại hết những mưu xâm lược, và để thiết tha xây dựng cho kỳ được một nước Việt Nam mạnh mẽ, tự do, sung sướng.
2. Giáo dục ở học đường
Địa vị vô cùng quan trọng của tất cả nền giáo dục xã hội trên đây không làm giảm thanh thế của nhà trường tương lai. Nền giáo dục xã hội với nền giáo dục học đường cùng nhằm một mục đích, nhưng để đi tới mục đích ấy mỗi bên được lợi thế về một phương diện. Vì vậy đôi bên đều cần lẫn đến nhau và phải bổ túc lẫn cho nhau. Cũng vì vậy việc xây dựng một nền học chính mới, sau khi phá sạch nền học nô lệ cũ, sẽ phải tiến hành gấp rút và rộng rãi, cùng một nhịp với việc kiến thiết nền giáo dục xã hội.
Nguyên tắc đầu tiên sẽ hướng dẫn việc kiến thiết học chính tương lai là một khẩu hiệu nhuộm thẫm tinh thần dân chủ mới: nền học mai sau phải xứng đáng là nền học một nước cộng hòa, dân chủ và cách mạng. Nó sẽ không miệt thị nhân cách như những nền học ngu dân của các nước phát-xít, nó sẽ không hạ con người xuống làm bộ máy thụ động, một đồ dùng chính trị, cúi đầu chịu nô lệ cho một thiểu số quân phiệt hay tài phiệt tham tàn, giả dối. Không, không, trong nước Nam mai sau, giá trị con người phải được tôn trọng, cá tính người dân phải được phát triển tự do, tài năng mọi phần tử của quốc gia phải được nảy nở đến tột bực. Người “công dân chiến sĩ” phải là một người, một phần tử có ý thức, đủ năng lực tham dự tích cực vào đời sống quốc gia, biết nhận rõ quyền lợi và bổn phận của mình cùng là quyền lợi chung và đường tiến hóa chung.
Mục đích giáo dục mới mẻ cần đến một phương pháp giáo dục mới mẻ. Cái lối dạy học nhồi sọ, cái phương pháp giáo khoa viển vông xa thực tế, nó khiến cho học sinh chỉ là những con vẹt để rồi một ngày kia vui lòng làm trâu ngựa, ta sẽ quét hết khỏi tất cả các bậc học để thay vào đó một phương pháp dạy học hợp lý, hiệu nghiệm. Phương pháp mới sẽ hoạt động: trong lớp học, vai chính nói nhiều, hoạt động nhiều, sẽ không còn là thầy giáo mà phải là học sinh, bài học sẽ không còn là một bài giảng đạo, mà phải là một cuộc tìm tòi, nghiên cứu thú vị có tất cả lớp tham dự, dưới sự chỉ đạo của ông thầy. Phương pháp mới sẽ thiết thực: đầu đề các bài học là những vấn đề thực tế, và mục đích những bài học cũng là thực hành. Người học trò nhờ vậy sẽ được dần dần đưa đi khám phá cuộc đời thực ở chung quanh mỗi ngày một sâu hơn, rộng hơn, chứ không còn bị u mê trong những lý thuyết giữa trời lơ lửng.
Sang đến phạm vi tổ chức các bậc học, và xếp đặt các chương trình học, nguyên tắc dân chủ mới dẫn đến hai kết quả lớn: một là làm cho học vấn hết sức phổ thông bằng cách bỏ học phí, bắt đi học và cố gắng rút thật ngắn những bậc học; hai là làm cho học vấn hết sức bình đẳng bằng cách áp dụng ở khắp nơi một chương trình học duy nhất cho tất cả các hạng người, và hết sức hoãn chậm thời kỳ phải chia ngành chuyên môn, trong phạm vi có thể, để cho tất cả mọi phần tử của quốc gia, dù ở nghề nghiệp nào, cũng có một học lực căn bản kha khá.
Nền học phổ thông và bình đẳng mai sau ấy sẽ chia làm ba bậc cũng như ở hầu khắp các nước.
Bậc tiểu học bắt buộc và không mất tiền, sẽ chiếm địa vị quan trọng hơn cả. Muốn cho toàn thể các gia đình xứ ta có thể để cho con em, cả trai lẫn gái, học trọn bậc thứ nhất này, chính phủ cần rút ngắn thời hạn học và hết sức giúp đỡ cho học trò nghèo những vật liệu cần dùng như sách, vở, giấy, bút, hoặc cho không, hoặc bán thật rẻ.
Nền tiểu học sẽ giữ công đầu trong công cuộc khai thác dân trí. Nó nhằm mục đích mang lại cho đứa trẻ những kiến thức thông thường cần thiết để sống trong cuộc đời hằng ngày, – sống làm một người, sống làm một phần tử sản xuất, và sống làm một công dân. Vì vậy, trong một thời hạn không được dài quá bốn năm, người học trò phải đi đến chỗ biết đọc, viết thông thạo tiếng mẹ đẻ, có ít nhiều kiến thức sơ đẳng về khoa học, kỹ thuật, và biết những điều thiết yếu về đời sống xã hội trong phạm vi quốc gia như lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, bổn phận công dân, chính thể dân chủ mới, v.v… Chương trình mới mẻ đó, đối với người học trò sẽ không có gì là nặng nề, vì dạy toàn bằng tiếng Việt Nam và theo một phương pháp hoạt động và thực tế thì dễ thâu thái lắm.
Trước khi vào năm thứ nhất bậc tiểu học, đứa trẻ có thể qua những lớp đồng ấu, tổ chức theo hình thức ấu trĩ viên, để chơi đùa, tập tành, trong một hoàn cảnh tốt lành.
Lớp đồng ấu và trường tiểu học, sẽ vừa do chính phủ vừa do các công xã mở cấp tốc khắp nơi, để trong một thời hạn ngắn, có thể tiến đến cái đích: “mỗi làng một trường tiểu học”. Thày dạy trong buổi đầu sẽ là những giáo viên cũ, hoặc những người có học lực tương đương với bực trung học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn luyện cấp tốc trong vài tháng cho hiểu rõ mục đích nền học mới và phương pháp giáo khoa mới. Sách học cũng sẽ thay đổi hẳn: việc soạn những cuốn sách giáo khoa thấm nhuần tinh thần tự do, cấp tiến, tự cường, và trình bày một cách thú vị, khoa học, sẽ trao cho những ủy ban gồm những nhà giáo có kinh nghiệm và những nhân vật có năng lực trong giới tư tưởng, văn nghệ, cộng tác chặt chẽ với những ủy viên chính trị.
Bậc trung học chia làm hai cấp: cấp thứ nhất, lâu chừng ba năm, chú trọng rèn luyện não phê bình và mở mang thêm những kiến thức mà người học sinh đã lượm được ở bậc tiểu học, đồng thời lại rèn đúc cho người thanh niên một quan niệm chính trị rõ ràng. Cấp thứ hai, lâu chừng hai năm, bắt đầu chia thành chuyên khoa, để sửa soạn cho những học sinh xuất sắc tiến lên bậc đại học hay lên chuyên môn cao đẳng. Chương trình học gồm một phần giáo dục quốc gia, một phần giáo dục chính trị và một phần giáo dục khoa học và chuyên môn, trong đó môn sinh ngữ sẽ chiếm một phần đáng kể.
Trong bậc trung học, chính phủ phải đảm nhận phần lớn nhất công việc mở trường. Sự cộng tác của tư gia và của địa phương sẽ giúp cho chóng đi đến trình độ “mỗi tỉnh một trường trung học”. Giáo sư trong buổi đầu cũng sẽ là những giáo sư cũ và những người có học lực tương đương với bậc đại học cũ, do chính phủ kén chọn và huấn luyện cho có đủ năng lực dạy học bằng tiếng Việt Nam, và đủ ý thức chính trị dìu dắt những người thanh niên đã biết phê bình, và sớm hăng hái muốn góp phần vào việc kiến thiết quốc gia. Còn sách giáo khoa sẽ do những ủy ban chuyên môn biên soạn, gồm những nhà chuyên môn và những ủy viên chính trị. Trong khi chờ đợi, để giúp đỡ cả thầy giáo lẫn học trò, sẽ có thể cho xuất bản ngay một tờ học báo.
Đi sóng đôi với nền tiểu học và trung học tổ chức như trên đây lại còn có một nền học thực hành tổ chức chu đáo để chọn lấy những học sinh tốt nghiệp ở các trường ra, đào tạo thành những người cần lao, những phần tử sản xuất đắc lực. Học sinh tốt nghiệp tiểu học, nếu muốn phá ngang vào đời, sẽ vào các trường dạy nghề nhằm mục đích đào tạo những người thợ giỏi trong tất cả mọi ngành sản xuất. Học sinh tốt nghiệp cấp thứ nhất bực trung học, nếu cần vào đời, sẽ có những trường chuyên nghiệp đón lấy để rèn luyện thành những thợ chuyên môn, những nhân viên chỉ huy trung bình trong các xưởng thợ, và các sở công, tư.
Xem tổ chức học chính như trên, cái lý tưởng của người học trò tương lai sẽ thực lành mạnh. Mộng mũ cao áo dài sẽ bị đạp xuống tận bùn đen, khoa cử sẽ không còn là trung tâm học vấn. Người thanh niên tương lai đến trường không phải để giật một mảnh bằng mà là để được huấn luyện nên một người có năng lực hiểu rõ bổn phận và quyền lợi của mình rồi chọn lấy một phần việc hợp với mình trong xã hội Việt Nam.
Cái lối học khoa cử bị lật đổ hẳn như vậy nên bậc đại học tương lai sẽ hiến ta một quang cảnh khác hẳn những ngày trước đây. Với nền đại học, chúng ta đã bước đến giới hạn của vấn đề giáo dục, vì hệ thống đại học không những là nơi đào tạo những người chỉ huy trong các ngành sinh hoạt của quốc gia, mà còn là một lò rèn để đúc lấy nền học thuật Việt Nam tương lai, để làm cho nền học thuật ấy có thể sánh vai với những nền học thuật ngoại quốc.
Trong nền đại học mới mẻ mai sau, học vấn sẽ không còn tính chất “vườn cảnh” như dưới chế độ thực dân trước. Những ban đại học và trường chuyên môn cao đẳng về đủ các môn khoa học, pháp lý, văn học, chính trị, xã hội, kỹ thuật, quân bị sẽ mở ra thực đầy đủ, để cung phụng nhân viên chuyên môn cho tất cả mọi ngành sinh hoạt.
Trong thời kỳ đầu tiên của việc kiến thiết nền đại học, vì thiếu giáo sư, nên ngoài những nhân tài nước ta đã có, chính phủ sẽ phải mượn nhiều giáo sư ngoại quốc. Những bài học vì vậy sẽ hoặc giảng bằng tiếng Việt Nam, hoặc giảng bằng tiếng ngoại quốc, nhất là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh là hai thứ sinh ngữ đã khá phổ thông trong giới học sinh ta. Nhưng việc đào tạo nhân tài và bồi bổ quốc ngữ sẽ phải tiến hành rất gấp, để ta có thể tiến tới một nền đại học do toàn người Việt dạy toàn bằng tiếng Việt.
Những nhân viên chuyên môn xuất sắc nhất trong nước, những nhà bác học về các ngành học thuật, lại còn được chính phủ giúp đỡ cho đủ điều kiện theo đuổi việc khảo cứu bằng cách lập ra những viện khảo cứu cho từng ngành và đặt những giải thưởng phát minh.
Một phương tiện đào tạo nhân tài đáng chú ý đặc biệt nữa là gửi học sinh ra nước ngoài. Chính phủ sẽ phải hết sức khuyến khích và nâng đỡ việc du học bằng cách cấp học bổng, lập những hội bảo trợ du học sinh, v.v… Một phong trào xuất dương bồng bột phải nhóm lên trong giới thanh niên để những nhân tài tương lai của nước ta sốt sắng đi học cho kỳ được những cái hay của tất cả các cường quốc, đem về gom góp vào việc kiến thiết nước nhà.
D. Luân lý, phong tục
Đi đôi với những cố gắng về giáo dục ở học đường và ngoài xã hội mà mục đích là tạo nên lớp người Việt Nam mới, phải có những cố gắng về luân lý, phong tục mà mục đích là tạo nên những giá trị tinh thần Việt Nam mới để làm mực thước cho mọi sự hành động trong cuộc sống mới.
Cuộc sống mới trước hết, không còn nghi ngờ gì mà sẽ phải thoát khỏi những vết thương xã hội của đời sống cũ cho kỳ được, nên mở đầu cho việc kiến thiết, chúng ta sẽ phải lo bài trừ triệt để những nạn mãi dâm, thuốc phiện, cờ bạc, rượu chè. Bằng pháp luật nghiêm ngặt, bằng tuyên truyền rộng rãi, bằng những công cuộc xã hội lớn lao, chúng ta sẽ nhất định lọc cho trong trẻo cái làn không khí đã bị bọn thực dân làm cho sặc mùi thuốc độc, chúng ta sẽ phải quét cho sạch sẽ miếng vườn bị bọn đế quốc đổ rác ô uế.
Để đào thải những phong tục hủ lậu hoặc đồi bại, chúng ta sẽ dùng đủ mọi phương tiện công, tư, gây một “phong trào đời sống mới” bồng bột khắp mọi nơi và mọi tầng lớp dân chúng. Cách sống của người dân trong gia đình, ngoài xã hội sẽ cải tổ hẳn lại về mọi phương diện. Nhà ở mới, cách ăn mặc mới sẽ sửa đổi cho giản dị và hợp vệ sinh mà không mất vẻ đẹp riêng của dân tộc; ngôn ngữ mới, cử chỉ mới sẽ biểu lộ một tinh thần tự cường và trọng bình đẳng, tự do, mà không kém vẻ thanh nhã; xã giao mới sẽ giản dị hơn, thành thực hơn; lễ nghi mới, trong nhà hay ngoài xã hội, cũng sẽ trang nghiêm hơn, sơ sài hơn, mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn và hợp với điều kiện sinh hoạt mới hơn.
Đồng thời, cái lý tưởng sống, trong nước Nam mới, cũng không thể là những quan niệm hẹp hòi, hèn yếu, trụy lạc, vị kỷ nó đã làm hại dân tộc ta bao lâu nay. Muốn tiến, dân tộc ta phải gắng sức đi tới một nền luân lý mới, rộng rãi, hợp với đời đoàn thể mới, – một nền luân lý lấy một lý tưởng quốc gia chân chính, rộng rãi thay vào cái lý tưởng gia đình hẹp hòi, hoặc cá nhân vị kỷ cũ, lấy tinh thần tự do, bình đẳng thay vào tôn ti phong kiến cũ. Làm việc cho nước Nam mới, trong nền luân lý ấy, sẽ phải trở nên mối thắc mắc thường trực của tất cả mọi người, – và phụng sự cho nước Nam dân chủ cộng hòa, phải là cả một thứ tôn giáo hấp dẫn mạnh mẽ tất cả mọi công dân, cũng như nó đã hấp dẫn tất cả các đồng bào cùng tất cả các đồng chí đã chiến đấu với kẻ thù trên khắp các mặt trận.
Nói đến một nền luân lý mới, chúng ta không thể quên vấn đề phụ nữ, nó sẽ chỉ định một phần lớn cái đà tiến hóa tương lai của dân ta. Chúng ta làm sao có tự do, bình đẳng thực, nếu chưa giải phóng cho bạn gái – tức là một nửa dân tộc – khỏi những sự đè nén, do những quan niệm khắc nghiệt, thiên lệch còn sót lại của một thời đã chết. Chúng ta làm sao có thể tiến mau chóng đến ánh sáng, nếu cả một nửa dân tộc còn lãnh đạm với những công việc kiến thiết? Đời sống đoàn thể mai sau sẽ nhất định lôi cuốn phụ nữ ra khỏi gia đình, bắt gánh vác những trách nhiệm xã hội ngang với đàn ông, thì nền luân lý mai sau còn ngại gì mà không trừ bỏ hẳn cái tinh thần bất bình đẳng giữa nam, nữ trong gia đình và ngoài xã hội, còn ngại gì mà không bài xích những chế độ làm giảm giá trị người đàn bà, như những phong tục đa thê, cưới xin mua bán? Sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ trong luân lý, phong tục phải hoàn thành cho sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ về phương diện chính trị.
Đ. Văn học, nghệ thuật
Trong cái đời sống tinh thần hoạt động sôi nổi, và rộng rãi, tự do, mà dân tộc ta sẽ tự kiến thiết, nền văn học, nghệ thuật mới, nhất định sẽ gặp những điều kiện thuận tiện, và nhất định sẽ lớn lên vùn vụt, theo kịp nền văn học, nghệ thuật của bất cứ nước nào. Sách, báo, tác phẩm mỹ thuật, trong nước Nam mới ấy sẽ không còn là đầu đề riêng cho một thiểu số trí thức bàn cãi, mà trái lại, sẽ được toàn thể dân tộc chú ý và sẽ thấm nhuần vào ý thức quần chúng, nghĩa là sẽ hợp với nhu cầu đại chúng, sẽ giải cho đại chúng được những mối băn khoăn. Cái khối người thưởng thức đông đảo và có ý thức cũng sẽ lại là lực lượng mạnh mẽ nhất để đập tan hết cả những xu trào thoái hóa, phản động, phong kiến.
Về mặt văn học và nghệ thuật, sự giúp rập của quốc gia có nhiều cách.
Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.
Trợ cấp cho những nhà văn và nghệ sĩ có tài, về tất cả mọi ngành như hội họa, điêu khắc, ca kịch, gây những nghệ thuật chưa có ở ta, nhất là nghệ thuật chiếu bóng, làm cho đời sống những người phụng sự văn hóa được một đôi chút thoải mái, nâng cao địa vị của họ trong xã hội, khuyến khich những hội văn hóa mới ấy là gây đủ điều kiện cho nước ta có những tác phẩm sản xuất lâu dài, kỹ lưỡng, dư giá trị. Bênh vực quyền lợi, chẳng lấy gì làm nhiều nhặn, của những nhà văn nghệ, của những “kỹ sư linh hồn” bị bạc đãi, cũng là một việc mà nhà lập pháp cần nghĩ đến.
Muốn cho đàn văn nghệ hoạt động một cách chưa từng thấy, muốn khuyến khích sự sản xuất những tác phẩm công phu và giá trị, chính phủ còn có thể đặt những giải thưởng toàn quốc về văn chương, mỹ thuật, tổ chức những cuộc trưng bầy lớn lao, lập những viện bảo tàng để bảo tồn tinh hoa nghệ thuật, và lập nhà in và nhà xuất bản quốc gia theo lối làm việc tập đoàn.
Để gây cho văn học một thanh thế đặc biệt, ta sẽ còn thấy mở những viện văn học, đỉnh cao nhất của nền văn học tương lai. Những viện đó có thể chia làm nhiều ban, gồm những “ngôi sao” về mỗi ngành văn học, nghiên cứu về tiếng nói, lịch sử, triết lý, văn chương v.v… Các ban chuyên môn trong những viện văn học sẽ có thể giúp một phần rất lớn vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách có quan hệ đến văn hóa của ta, như cải cách chữ viết, thống nhất tiếng nói, đặc chuyên ngữ khoa học, hay ấn định chính tả và văn phạm. Tổ chức khéo léo, viện văn học sẽ có thể là một lò đúc lớn lao của nền văn học mới.
Sau hết, muốn thổi vào nền văn hóa của ta những luồng gió mới lạ từ phương xa tới và đồng thời mở rộng ảnh hưởng văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc, quốc gia sẽ lập nên những cơ quan trao đổi văn hóa với ngoại quốc, gửi những phái bộ văn hóa của ta ra nước ngoài, đón tiếp đại biểu văn hóa các nước, hết sức tìm thâu thái những cái hay của người, gây một phong trào thành thực tìm hiểu nhau giữa các dân tộc, để góp một phần vào công cuộc kiến thiết nền văn hóa chung của cả thế giới.
***
Chúng ta cùng nhau nhìn hướng về cái quang cảnh đời sống văn hóa trong nước Nam ngày mai. Cả một dân tộc, sau khi đã đứng thẳng lên, đạp sang bên những đoạn xiềng xích lả tả mà tiến lên. Khắp các làng, các tỉnh, khắp các lũy tre, các xưởng máy, bùng lên một phong trào đi học, tìm học sôi nổi và lôi cuốn. Kẻ đi trước dắt người đi sau, kẻ sáng dìu người tối, lớp học chữ quốc ngữ mở khắp nơi, câu lạc bộ, thư viện bình dân mọc lên như nấm; sân vận động, phòng thông tin, nhà chiếu bóng, rạp hát bình dân cuồn cuộn hấp dẫn người; đoàn, trại thanh niên tới tấp hoạt động; trường học mở rộng cửa đón chào nhộn nhịp; tầu đi xa chở đầy du học sinh… cái sức sống của dân tộc được cởi mở, vùng dậy và tìm hết cách để tự giải phóng, tự giác ngộ cho thực hoàn toàn. Những ánh sáng mới, những luồng gió mới, nhờ đó ào đến, quét sạch mây mù, thay đổi hẳn bầu trời, biến cái quang cảnh sinh hoạt tối tăm, trì trệ, vắng vẻ hôm qua thành một đời sống sáng láng, hoạt động, sầm uất, rộng rãi. Một tin tưởng mới, đầm ấm, mạnh mẽ, hòa hợp mọi tâm hồn, thiết tha tìm xây dựng tự do, hạnh phúc chung và giằng đứt tất cả những giây ràng buộc khắc nghiệt, thiên lệch, của thành kiến cũ, để sáng tạo những thói quen mới, giản dị, bình đẳng và mạnh dạn. Rồi trong cái đời sống tinh thần sôi nổi và rộng rãi ấy, văn chương, nghệ thuật, khoa học, tư tưởng, vụt lớn lên, nẩy nở đẹp đẽ. Những công trình văn hóa tràn ngập khắp chợ, khắp quê, lớp đại chúng khao khát đón từng cuốn sách, từng số báo, từng điệu hát, từng bài thơ, từng bản kịch, từng phim ảnh, cả từng phát minh nhỏ về khoa học hay kỹ thuật, đem ra áp dụng, phê bình sôi nổi, trong các câu lạc bộ, các thư viện, các trường học, các xưởng máy, các cánh đồng.
Cái quang cảnh tràn đầy sức sống ấy, chúng ta sẽ phải trông thấy trong nước Việt Nam độc lập dân chủ cộng hòa.
Cái hình ảnh rực rỡ ấy khiến chúng ta thêm vững lòng và vui sướng đem hết não tủy, xương máu ném vào cuộc chiến đấu cuối cùng diệt hết quân thù.
Tháng 6 năm 1945
Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU ĐANG và NGUYỄN ĐÌNH THI
Nguồn tin: Một nền văn hoá mới, bản in lần thứ 2/1945 do Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam ấn hành