MỘT NỀN VĂN HOÁ MỚI (Phần 1)
( 07-09-2013 - 10:00 AM ) - Lượt xem: 1334
Ách xâm lược không phải chỉ thu hẹp trong phạm vi kinh tế và chính trị; bọn thống trị có cả một chính sách văn hóa để ngu dân, lừa dân, kìm hãm và làm tê liệt chí khí tiến thủ của đồng bào ta. Chính sách văn hóa là cả một “đạo quân thứ năm” vô cùng lợi hại để bảo vệ chủ quyền xâm lược. Muốn trừ khử kẻ thù bằng súng đạn ngoài mặt trận, chúng ta không thể để “đạo quân thứ năm” đó len lỏi và gieo hại trong hậu phương của chúng ta được...
Cuộc vận động văn hoá dưới thời Pháp thuộc
Một số đồng bào của chúng ta thường cho rằng: cuộc đấu chống kẻ thù chỉ là cuộc vật lộn về chính trị, về quân sự; công tác quan trọng và độc nhất chỉ hướng về mặt khuếch trương các tổ chức, sắm võ khí, phát triển các bộ đội; còn văn hóa thì có đồng bào cho là một món “lý luận suông”, một món “xa xỉ phẩm” không thể có được và cũng không nên nghĩ tới trong lúc này.
Chủ trương hẹp hòi đó làm cho ảnh hưởng cách mạng kém sâu, kém rộng trong dân chúng, nhất là trong các tầng lớp trí thức.
Ách xâm lược không phải chỉ thu hẹp trong phạm vi kinh tế và chính trị; bọn thống trị có cả một chính sách văn hóa để ngu dân, lừa dân, kìm hãm và làm tê liệt chí khí tiến thủ của đồng bào ta. Chính sách văn hóa là cả một “đạo quân thứ năm” vô cùng lợi hại để bảo vệ chủ quyền xâm lược. Muốn trừ khử kẻ thù bằng súng đạn ngoài mặt trận, chúng ta không thể để “đạo quân thứ năm” đó len lỏi và gieo hại trong hậu phương của chúng ta được.
Cho nên không phải chỉ cuộc cải tạo quốc gia độc lập sau này mới cần đến cuộc cách mạng văn hóa để hoàn thành; ngay trong lúc này muốn cho nền độc lập thực hiện hoàn toàn, chúng ta phải làm sóng đôi với công tác chính trị và quân sự, một cuộc vận động ráo riết về văn hóa.
Cuộc chiến đầu giải phóng của chúng ta phải là một cuộc vật lộn về mọi phương diện!
“Chúng ta phải đánh kẻ thù bất cứ ở chỗ nào mà chúng ẩn núp”.
I. Tình hình văn hoá Việt Nam
A. Văn hóa công khai
Vậy tình hình văn hóa xứ ta như thế nào? Trả lời câu hỏi ấy, tức là nhận định rõ những điều kiện cụ thể mà trong đó chúng ta đang phải khuếch trương cuộc vận động văn hóa.
Trong 80 năm Pháp thuộc, tình trạng học thuật, tư tưởng, văn nghệ xứ ta luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta có thể căn cứ vào những đặc tính riêng biệt mà chia ra hai giai đoạn lớn: “giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh” và “giai đoạn chiến tranh hiện tại”.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Trong giai đoạn “Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh”, chủ quyền thực dân Pháp trên xứ ta vững vàng; phong trào cách mạng không được sâu rộng và trong những năm đầu thường có ít nhiều tính chất cần vương. Chính sách văn hóa của bọn thực dân Pháp nhằm hai mục đích cốt yếu là ngu dân và gây ảnh hưởng cho chủ nghĩa xâm lược.
Để chìm đắm dân ta trong vòng ngu muội, dốt nát, chúng áp dụng chính sách kìm hãm về giáo dục, về báo chí cũng như về học thuật, tư tưởng. Chương trình giáo dục bình diện của tên Toàn quyền Méc-lanh (Merlin) và đạo nghị định Va-ren (Varenne) về báo chí là những biểu tượng rõ rệt của chính sách kìm hãm khốc liệt đó.
Một mặt khác, chúng cho thâm nhập một thứ dân chủ giả trá, hòa hợp với chính sách thực dân. Chúng tự nhận có “nhiệm vụ khai hóa” đối với xứ ta, cốt để chứng tỏ rằng sự xâm lược là chính đáng và nền bảo hộ là cần thiết.
Tập sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh và tạp chí Nam phong của Phạm Quỳnh chỉ là những lợi khí tuyên truyền của bọn thống trị mà ta không cần đếm xỉa tới. Nhưng chúng ta cũng nên nhắc qua đến một số trí thức độc lập chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đã nhập cảng vào xứ ta một xu hướng dân chủ tương đối cấp tiến, như các nhóm Thần chung, Tiếng chuông dè (Cloche fêlée), Diễn đàn Đông Dương (Tribune Indochinoise), Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Tự lực văn đoàn, v.v…
Trong khi đó, tinh thần dân ta vẫn luôn luôn gắng gỏi ngoi lên để đón tiếp những trào lưu tư tưởng tiến bộ ngoại lai. Nhờ sự gắng gỏi ấy, nhờ sức chiến đấu không ngừng của đồng bào ta, lần đầu tiên, trong những năm 1936-1939, chúng ta có một số sách báo công khai phản ảnh rõ rệt tinh thần dân chủ, cấp tiến. Tinh thần dân chủ, cấp tiến ấy, mặc dầu mọi sự đàn áp của bọn thống trị, đã lan tràn mau lẹ trong các tầng lớp dân chúng.
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Sau ngày chiến tranh bùng nổ, văn hóa xứ ta đã bước sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn chiến tranh hiện tại.
Bọn thực dân Pháp được dịp công nhiên lộ hình để triệt để thi hành chính sách phát-xít mà trước kia chúng phải áp dụng dưới một nhãn hiệu xảo trá. Phát-xít Nhật cũng bắt đầu đặt chân lên xứ ta. Bên cạnh chính quyền Pháp, chúng thiết lập một chính quyền đối lập. Dưới hai tầng áp bức Nhật-Pháp, tình cảnh cơ cực của dân ta có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử. Phong trào cứu quốc trỗi dậy, thu hút các tầng lớp dân chúng. Chính quyền thực dân Pháp bị lung lay hơn lúc nào hết. Chính sách văn hóa của chúng vì vậy, phải biến chuyển theo tình thế đổi mới.
Trong giai đoạn trước, một vài xu trào độc lập hay cấp tiến còn có thể len lỏi và nẩy nở, văn hóa xứ ta còn có thể phát triển một phần nào.
Trong giai đoạn này, trái lại, văn hóa xứ ta bị dày xéo dưới gót sắt của chính sách văn hóa thực dân.
Văn hóa phát-xít đã chế ngự rõ rệt.
Song cùng với nhịp hưng vong của chủ nghĩa phát-xít, sự chế ngự đó đã biến đổi ít nhiều tính cách mà chúng ta có thể nhân đó chia ra “thời kỳ mở đầu”, “thời kỳ độc tôn” và “thời kỳ suy tàn” của văn hóa phát-xít.
a/ Thời kỳ mở đầu
Cuộc chiến tranh hiện tại vừa mở đầu, thì chính phủ thực dân Pháp bắt đình bản, cấm lưu hành và tàng trữ các báo chí có tính chất cấp tiến và dân chủ. Các nhà văn, nhà báo độc lập bị hăm dọa hay hạ ngục. Các nhóm chính trị công khai và các tổ chức quần chúng đều bị giải tán. Tất cả những điều mà bọn thực dân Pháp bất đắc dĩ phải thi hành trong những năm 1936-1939, thì nay đều bị thủ tiêu. Bọn thực dân Pháp đã công nhiên phát-xít hóa. Tuy nhiên chúng vẫn chưa dám tung ra những khẩu hiệu phát-xít, chỉ sai các cây bút nô dịch ca tụng một cách mơ hồ văn minh nước Pháp, lực lượng chiến đấu của chính quốc hay sự kiên cố của phòng lũy Ma-gi-nô (Maginot). Sự ngừng trệ, buồn tẻ của thời kỳ này chính là màn đầu sửa soạn cho thời kỳ độc tôn của văn hóa phát-xít.
b/ Thời kỳ độc tôn
Thời kỳ độc tôn kéo dài từ khi Pháp thỏa hiệp với Đức Quốc xã cho tới khi chính phủ Pê-tanh (Pétain) bị đổ.
Từ chỗ mập mờ, chính sách văn hóa thực dân Pháp trong thời kỳ này đã thành một hệ thống rõ rệt, mục đích để công phá tinh thần dân chủ trong văn hóa Việt Nam, đem văn hóa phát-xít nhồi sọ dân chúng và lợi dụng văn hóa để trực tiếp phá hoại những chủ trương chính trị chân chính.
Bọn thực dân Pháp, một mặt, thủ tiêu những di tích dân chủ còn lại, giải tán cả các hội đồng tư vấn chỉ có vỏ dân chủ như hội đồng thành phố, nghị viện dân biểu Bắc và Trung kỳ, hội đồng quản hạt Nam kỳ, hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương…, một mặt khác, chúng thẳng tay công phá tinh thần dân chủ đã in dấu rõ rệt trên văn hóa Việt Nam những năm 1936-1939. Thậm chí, chúng phủ nhận cả giá trị cấp tiến của cuộc Cách mạng 1789 mà trước kia chúng vẫn coi là “vinh dự bất hủ” của nước Pháp cộng hòa.
Nhưng, một hệ thống tư tưởng khi đã thành hình, người ta không thể thủ tiêu nó nếu không đem một hệ thống khác thay thế vào. Cho nên ngoài phương kế công phá và kìm hãm, bọn thực dân Pháp còn phải dùng phương pháp nhồi sọ. Bằng mọi phương tiện, chúng tuyên truyền, chúng nhồi nhét những tư tưởng nô dịch, những luận điệu phát-xít.
Chủ nghĩa “quốc gia cách mạng” của Pê-tanh (Pétain) được đem phổ biến khắp nơi, để xuyên tạc tinh thần quốc gia chân chính đang sôi nổi trong các từng lớp dân gian.
Lòng yêu “tổ quốc” của người Việt, theo chúng, phải gồm cả lòng yêu “mẫu quốc”; cuộc “phục hưng nước Việt” cũng phải thực hành trong khuôn khổ “Pháp-Việt Phục hưng”.
Tinh thần “ái quốc” do đó đã biến thành tinh thần “phản quốc”.
Bọn chuyên môn nô dịch như Phạm Xuân Độ, Nguyễn Tiến Lãng thi nhau quảng cáo cho chủ nghiã Pê-tanh. Vài nhà trí thức quá dễ tính như Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Bình kính cẩn “chứng nhận” công cuộc Pháp-Việt phục hưng (Témoignages).
Chân dung Pê-tanh và khẩu hiệu “cần lao, gia đình, tổ quốc” nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, lẫn cả với gà lợn trong các tranh Tết của trẻ con. Nhưng những mánh khóe che đậy, khoe khoang ấy không giấu nổi tình hình nguy ngập của đế quốc Pháp. Nhận rõ sự suy nhược của bọn thống trị và xu trào thế giới, dân chúng càng thêm tinh thần quật khởi. Cả những kẻ trước kia là tay sai trung thành cho bọn thực dân Pháp, đến nay cũng tìm đường xa lánh, để tham gia vào mặt trận cứu quốc hoặc để bám chân phát-xít Nhật mà họ tin là sẽ nhẩy lên địa vị chủ mới. Bọn thực dân Pháp, trước tình thế đó, phải cố tìm vây cánh trong hàng ngũ quan lại. Đồng thời với sự lập lại chế độ hương thôn cũ trong dân quê, chúng cố làm sống lại những giá trị tàn tạ của thời Trung cổ Á-Đông.
Tư tưởng phong kiến được dịp tái khởi. Người ta hô hào trở lại với đạo đức, với tôn ti trật tự của Khổng, Mạnh, với gia đình cũ, với hương thôn, với quan trường. Phạm Quỳnh xuất bản học thuyết bảo hoàng của Mô-rát (Maurras), Nguyễn Công Hoan cho in Thanh đạm, Nho giáo của Trần Trọng Kim được tái bản, Ngô Tất Tố dịch Kinh dịch, Phan Văn Hùm viết Triết lý Phật giáo.
Để đánh lạc tinh thần thanh niên, bọn thực dân Pháp còn thi hành cả một chương trình thể thao rộng lớn, một thứ thể thao trọng phô trương biểu diễn hơn là sự trau dồi thân thể. Chúng mở thêm sân vận động, khuyến khích điền kinh, rầm rộ tổ chức các cuộc đua xe đạp… Chúng hy vọng chìm đắm thanh niên trong các môn vận động để họ sao lãng nhiệm vụ cứu quốc hay để họ tưởng rằng tập rượt các môn thể thao hữu danh vô thực đó tức là đã làm trọn nhiệm vụ đối với giống nòi.
Song song với hai chính sách nhồi sọ và công phá tinh thần dân chủ, bọn đế quốc, để thực hiện mục đích phá hoại những chủ trương cách mạng chân chính, đã khôn khéo lợi dụng sự học và phong trào nghiên cứu.
Những tác phẩm và những bài nghiên cứu các chiến công oanh liệt của những anh hùng cứu quốc thời xưa không phải để kích thích và nung đúc tinh thần quật khởi mà, trái lại, để hòng chia rẽ hai dân tộc Hoa-Việt khỏi thành một khối duy nhất chống phát-xít. Đại biểu cho phong trào này là nhóm Tri tân. Chúng ta còn có thể kể những bản ca kịch và âm nhạc mà chủ đích là gợi mối thù cũ của ta đối với dân Tàu.
Nhóm Thanh nghị trong khi đó được tự do tuyên truyền một tinh thần khiếp nhược, đắn đo, chờ thời, và mơn trớn các tầng lớp tư sản bằng những bài trình bày một thứ dân chủ nửa chừng, thỏa hiệp với chính sách phát-xít.
Nhóm Hàn Thuyên đã đề xướng một phong trào duy vật mác-xít nệ sách, và chủ trương giai cấp tranh đấu không hợp thời của họ rất có thể chia rẽ mặt trận cứu quốc thống nhất của dân tộc.
Tóm lại, chính sách văn hóa thực dân đã chăng một màng lưới bao trùm các ngành học thuật, tư tưởng, văn nghệ… Nó đã đưa văn hóa phát-xít lên địa vị độc tôn trên văn hóa nước nhà.
Một số nhà văn cấp tiến đã cố len lỏi hoạt động, nhiều khi bằng những lối quanh co, khôn khéo mà vẫn không tránh khỏi sức đàn áp của bọn thực dân. Họ đã xuất bản được một số tác phẩm, nhưng chưa đủ để gây một xu trào rõ rệt.
Các văn nhân, nghệ sĩ còn muốn giữ nghề bị dồn tới chỗ phải chọn một trong hai ngả đường:
- Hoặc đem bán rẻ tài năng cho chính sách thực dân tự chôn mình trong hố đầu hàng nhục nhã;
- Hoặc phải lui vào phạm vi bí mật để gìn giữ cốt cách tự do độc lập của cây bút biết trọng mình và trọng nghề.
c/ Thời kỳ suy tàn
Cuộc giải phóng nước Pháp và sự thành lập chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle) đã chấm dấu hết cho thời kỳ độc tôn và mở đầu cho thời kỳ suy tàn của văn hóa phát-xít.
Bọn thực dân Pháp bị kẹp giữa hai gọng kìm là phát-xít Nhật và chính phủ Đờ Gôn (De Gaulle), đã thi hành chính sách mập mờ về mặt chính trị cũng như về mặt văn hóa.
Các cây bút nô dịch chỉ biết nhai lại một vài vấn đề phụ thuộc như ảnh hưởng văn chương Pháp đối với văn chương nước Việt, công trình kiến thiết của bọn thực dân Pháp ở Đông Dương.
d/ Chính sách văn hóa Nhật
Nói đến chính sách văn hóa thực dân, chúng ta không thể không nói tới chính sách văn hóa Nhật, dù nó sơ sài và ít hiệu quả.
Ngay sau khi đặt chân lên xứ ta, bọn phát xít Nhật mở trường dạy tiếng, trao đổi nghệ sĩ và học sinh, trưng bầy tranh ảnh, chiếu phim Nhật, tổ chức ca vũ, lập viện văn hóa, đặt giải thưởng văn chương để cổ động chủ nghĩa Đại Đông Á, đỡ đầu một vài tờ báo tay sai.
Sau cuộc đảo chính, trong cái hoàn cảnh bối rối do mặt trận Việt minh gây ra, phương kế độc nhất của chính sách văn hóa Nhật là sự kiểm duyệt hạn chế gắt gao các sách báo xuất bản.
Trên đàn văn hóa công khai, chúng ta thấy toàn một loài xu thời, bợ đỡ, tuyên truyền cho nền “độc lập” giả dối, cho “công ơn” cướp nước của bọn quân nhân xâm lược, cho chủ nghĩa phát-xít náu hình trong lý thuyết “Á Đông của người Đông Á”.
Nhưng tình hình quân sự và chính trị trong “khối thịnh vượng chung” đã khủng hoảng tới cực độ, nên diễn ra cả một tình trạng hỗn loạn: lũ giặc văn hóa xu thời vừa ngợi khen Nga Xô-viết, vừa tán tụng phát-xít xâm lược, hô hào nguyên tắc mập mờ “dân vi quý” để rồi chủ trương quân chủ độc tài.
Cho nên cái làn sóng tuyên truyền cổ động ấy không át nổi tiếng nói của thực tế phũ phàng.
Cái bánh vẽ “độc lập”, cái ảo ảnh “bồng lai Đại Đông Á” họa chăng chỉ còn ảnh hưởng tới một số đầu óc cấu tạo toàn bằng tế bào nô lệ.
Chính sách văn hóa của phát-xít Nhật có thể chế ngự nhóm văn hóa công khai nô dịch, nhưng nó không thể đàn áp ý thức của dân tộc ta.
3. Kết luận
Sau khi đã xét qua tình hình văn hóa công khai, chúng ta thấy cả một bức “vạn lý trường thành” trên đường văn hóa.
Thật vậy, chính sách thực dân có thể tóm tắt trong một định thức: kìm hãm về kinh tế, kìm hãm về chính trị, kìm hãm về văn hóa.
Mà điều kiện phát triển văn hóa đâu có phải chỉ thuộc riêng về phạm vi học thuật hay văn nghệ.
Dưới ách ngoại xâm, văn hóa xứ ta chẳng những vấp phải chính sách văn hóa thực dân khốc liệt; nó còn có những trở lực ghê gớm hơn nữa trong các hệ thống tổ chức của xã hội.
Những trở lực ấy còn, chúng ta không thể mơ tưởng một văn nghệ phong phú và sầm uất, hay một lâu đài khoa học xán lạn trên đất xứ ta vẫn trì trệ trong trạng thái sơ khai.
Chính sách thực dân đã huy động toàn lực để cản đường.
Hay cho được đúng hơn, nó chỉ mở lối phát triển cho văn hóa đầu hàng, nô dịch.
B. Văn hóa bí mật
Một điều đáng mừng và cũng đáng tự cao cho dân tộc ta là văn hóa đầu hàng, nô dịch đó không phải là tất cả văn hóa nước nhà.
Chúng ta còn có văn hóa bí mật mà phần đông thường đã lãng quên hay không biết tới. Văn hóa bí mật có từ lâu, nó là con đẻ của tình trạng mất nước, nó phát sinh với phong trào cách mạng.
Dưới sự đàn áp liên miên của bọn thực dân, những cây bút cấp tiến, còn biết tự trọng, không chịu uốn mình theo vòng lưới của uy quyền chính trị, thường phải lui vào bóng tối của sự hoạt động văn hóa bí mật.
Văn hóa công khai nô dịch bị khinh miệt và chán ghét bao nhiêu thì văn hóa bí mật được tìm tòi và trìu mến bấy nhiêu. Nó thỏa mãn nhu cầu của dân chúng đang khao khát ánh sáng tự do, khao khát những tư tưởng mạnh bạo.
Một nhà nghiên cứu, dù chỉ có đôi chút thực tâm, cũng không thể chối cãi địa vị lớn lao của văn hóa bí mật được.
1. Giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh
Nhưng nếu, trải qua những biến chuyển chính trị, cái địa vị lớn lao ấy của văn hóa bí mật không lúc nào suy giảm, thì, trái lại, những khẩu hiệu và tính chất của văn hóa bí mật đã tùy theo từng giai đoạn mà thay đổi.
Trong giai đoạn Pháp thuộc cho tới trước cuộc chiến tranh hiện tại, văn hóa bí mật thường chỉ được coi là một phương tiện vận động chính trị. Một bài thơ hay một bài phú làm ra thường không phải để thỏa mãn một nhu cầu về văn hóa, mà chủ đích chỉ để kích thích lòng người, kêu gọi dân gian lên đường tranh đấu giải phóng.
Xu hướng văn hóa cũng thường biến đổi, ăn nhịp với tính chất giai cấp lãnh đạo trong cuộc vận động chính trị.
Nó có xu hướng cần vương với phong trào Hàm Nghi, Duy Tân; xu hướng Âu hóa với nhóm Đông du và Đông kinh nghĩa thục; trong khoảng 1925-1930, xu hướng quốc gia chiếm phần ưu thắng với những tờ Phục quốc và Việt Nam hồn, sách báo của Việt Nam Quốc dân đảng và Nam Đồng thư xã. Trái lại, trong khoảng những năm 1930-1940, văn hóa bí mật có xu hướng quốc tế với những tờ tạp chí Búa liềm, Công hội đỏ, Tiên phong, Hướng đạo, tờ báo xí nghiệp Si-măng ở Hải Phòng, tờ Máy sợi ở Nam Định, Tin tranh đấu của Nghệ Tĩnh, tờ Giải phóng xuất bản năm 1937-1938…
2. Giai đoạn chiến tranh hiện tại
Bước sang giai đoạn chiến tranh hiện tại, cuộc vận động chính trị đã thống nhất dưới ngọn cờ Việt Minh cứu quốc để thực hiện cách mạng dân tộc giải phóng. Văn hóa bí mật hướng về hai tính chất dân tộc và tân dân chủ. Một mình nó dẫn đạt phong trào quần chúng. Có thể nói nó trả lời một cách tương đối đầy đủ những vấn đề cấp bách do tình thế đặt ra. Nó phong phú hơn văn hóa bí mật hồi trước, nó thỏa mãn được nhu cầu của quảng đại quần chúng đã cách mạng hóa.
Ảnh hưởng của nó vừa sâu vừa rộng hơn lúc nào hết trong lịch sử văn hóa bí mật nước nhà.
So sánh với văn hóa công khai, những ưu điểm của văn hóa bí mật hiện tại lại càng thêm rõ rệt.
Văn hóa công khai, nói chung, chỉ biết bợ đỡ, xu nịnh cường quyền như ta đã thấy. Trái lại, văn hóa bí mật cương quyết chống mọi sự áp bức, bóc lột, mọi hiện trạng bất công của xã hội. Nó không chịu lùi bước trước một đe dọa nào. Nó thẳng tay đả phá tất cả những cái gì cổ hủ, thoái hóa, để đưa xã hội tiến lên ánh sáng công bằng, nhân đạo.
Văn hóa công khai phần lớn là để thỏa mãn nhu cầu của các nhà quyền chính hay của một số trí thức. Nó chỉ là một món độc quyền của thiểu số. Trái lại, văn hóa bí mật là của đại chúng. Nó lấy đại chúng làm đầu đề cốt yếu. Nó phản ảnh những nguyện vọng thiết tha của đại chúng. Nó thâm nhập rộng rãi trong đại chúng. Nó sống sát bên đại chúng, hiểu đại chúng và được đại chúng hiểu lại nó.
Văn hóa công khai hỗn loạn, phức tạp, khi ngả về phía này, khi nghiêng về phía khác. Chưa nói chi đến quan điểm nhóm này chống lại quan điểm nhóm khác, nhiều khi một quyển sách hay một tờ báo cũng chứa đựng những điều trái ngược. Trái lại, văn hóa bí mật duy nhất. Từ bài xã thuyết, cho tới bức hội họa hay trang truyện ngắn, hết thảy đều hướng về một mục đích. Một yếu tố xán lạn luôn luôn điều hòa các bộ phận hoạt động của văn hóa bí mật.
Với những ưu điểm đó, văn hóa bí mật không những được lòng mến phục của dân chúng trong khi văn hóa công khai bị rẻ rúng, mà nó còn chiếm địa vị trọng yếu trong nền văn hóa chung của toàn quốc.
Điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động đã cản trở khá nhiều công việc tiến hành của văn hóa bí mật(1).
Tuy nhiên, mặc dầu nhiều điều khuyết điểm, những thành tích của văn hóa bí mật không phải ít và là một vinh dự chung trong lịch sử tranh đấu của dân tộc.
Nếu chỉ kể những báo xuất bản gần đây, chúng ta thấy: Cứu quốc, Cờ Giải phóng, Việt Nam độc lập đồng minh, Độc lập, Hồn nước, Tạp chí Cộng sản, Tiên phong, Tiếng chuông, Bãi Sậy, Kèn gọi lính, Hiệp lực, Mê Linh, Lao động, Nước Nam mới, Kháng địch, Giải phóng, Khởi nghĩa, Đuổi giặc nước, Quyết thắng, Quân Giải phóng…
Ở Trung Hoa có Tiếng gọi của Việt kiều, ở Thái Lan có tờ Độc lập. Trong nhà tù và các trại tập trung có: Lao tù Tạp chí (Hà Nội), Ánh Bình minh (Hòa Bình), Sông Gầm (Bá Vân), Ngàn thông (Chợ Chu), Suối reo và Tự chỉ trích (Sơn La)…
Ngoài báo chí chúng ta còn phải kể một số khá nhiều sách vở nghiên cứu về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, và các bài thơ, ca và tranh ảnh cách mạng.
Với những đặc tính kể trên, văn hóa bí mật là kết tinh của tinh thần dân tộc. Nó phát huy một cách rõ rệt những tư tưởng về tự do, về công lý.
Nó rọi đường cho công tác vận động chính trị. Nó gây lòng tin tưởng vững vàng cho các chiến sĩ và quần chúng cách mạng.
Nó tác động bằng cả một sức mạnh phi thường.
Và, thêm nữa, nó là mầm văn hóa mới của nước Việt Nam cộng hòa dân chủ.
***
Đồng bào đã thấy trong văn hóa bí mật thành tích của mặt trận Việt Minh thực là rực rỡ. Nhưng không phải Việt Minh không tìm cách tranh đấu với quân thù ngay trên đàn văn hóa công khai mà chúng kiểm soát chặt chẽ vô hạn. Cuộc tranh đấu văn hóa của Việt Minh ngoài phương diện phát triển văn hóa bí mật, còn những phươn diện vận động văn hóa công khai nữa. Cuộc vận động đó, vì những lẽ thuộc về chính trị, không tiện vạch rõ chi tiết ra đây, nên đáng lẽ chúng tôi được cái vui trình bày cùng anh chị em đồng bào tất cả những kết quả đã đạt được một cách đầy đủ, lại đành phải tóm tắt sơ lược và kín đáo.
Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam thành lập từ năm 1943, với mục đích là lợi dụng tất cả mọi khả năng công khai và bán công khai để, một mặt, cổ động tuyên truyền văn hóa mới trong dân chúng chống với những xu trào phong kiến thoái bộ, hoặc hoạt đầu, giả dối, do đế quốc phát-xít trực tiếp hay gián tiếp chỉ huy, một mặt nữa, hết sức phổ thông chính sách cứu quốc của mặt trận dân tộc thống nhất trong giới tư tưởng, văn nghệ. Nhóm văn hóa đó lúc đầu gồm một số nhà văn, nhà báo, và những người hoạt động trong các công cuộc xã hội.
Sau ba năm hoạt động, những kết quả lượm được, tuy không thể so sánh với thành tích của văn hóa hoàn toàn bí mật, nhưng cũng chứng minh được một sự phấn đấu không ngừng. Nhóm văn hóa cứu quốc đã ảnh hưởng được ít nhiều các ngành học thuật, văn nghệ, ảnh hưởng bằng sự giao thiệp cá nhân, và bằng những công trình sáng tác, tuy bắt buộc phải đi bằng những đường lối quanh co mà không tránh được sự đàn áp của quân thù. Gần đây, một tờ báo bí mật chuyên về văn hóa đã xuất bản để vạch ra con đường phải đi và cổ động việc sửa soạn kiến thiết văn hóa mới.
Chung quanh tổ chức hoàn toàn bí mật trên đây, còn phải kể những tổ chức bán công khai, những nhóm khảo cứu tìm học.
Trong cả hai hình thức tổ chức, bí mật và bán công khai, việc sửa soạn kiến thiết văn hóa mới được theo đuổi khá ráo riết, và những chương trình đã khá dồi dào. Đáng chú ý hơn cả trong những kết quả đạt được về phương diện này, là những bản phân tích và mở rộng một đề cương của Đảng Cộng sản Đông Dương về văn hóa mới. Nhờ những cố gắng đó, nhóm văn hóa cứu quốc đã có một chủ trương rõ rệt, và đã qua được thời kỳ băn khoăn, tìm tòi.
Nói như thế không phải là chúng tôi đã làm trọn được cái trách nhiệm nặng nề mà đoàn thể giao cho. Chúng tôi đã cố gắng nhưng kết quả chưa được như ý, vì sự tổ chức Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam chưa chặt chẽ và rộng rãi. Một điều đáng tiếc nữa là nhiều đồng chí có năng lực về văn hóa còn phải gánh vác những công việc khác, không kém phần cấp bách, và vì thế, những cây bút già dặn của chúng ta chưa được tập trung đầy đủ để đưa phong trào văn hóa mới tới những kết quả rực rỡ, xứng đáng với sự tín nhiệm của đoàn thể.
II. Triển vọng
Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta đang phải tiến hành trên bước đường gồ ghề, trắc trở. Những trắc trở, gồ ghề ấy, như chúng ta đã biết, chính là hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, chính sách văn hóa thực dân, điều kiện hiểm nghèo của sự hoạt động bí mật.
Song, trắc trở không có nghĩa là không thể vượt qua.
Không một sức mạnh nào có thể chặn đường tiến triển của một dân tộc đầy sinh lực.
Vả chăng, điều kiện bất lợi đó đã được bù lại bằng những hoàn cảnh vô cùng thuận lợi nằm ngay trong sự suy tàn của văn hóa phát-xít.
Mọi tiến bộ đều bao hàm sự đả phá tất cả cái gì bảo thủ, thoái hóa. Cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta phải thành tựu trong sự đả phá các xu trào văn hóa nô dịch, phản động.
Những xu trào ấy chỉ có thể ảnh hưởng tạm thời và mỏng manh tới một số người chậm tiến, nông nổi hay ít bị điều kiện sinh sống hằng ngày bức bách. Nó không thể lấn át được những tư tưởng tự do chân chính một khi các hoàn cảnh thuận lợi đẩy tới. Với bản chất thoái hóa, nó không thể đương đầu với cuộc công phá của tự do, của tiến bộ.
Thật vậy, văn hóa phát-xít trên xứ ta phá sản hoàn toàn. Lý thuyết “quốc gia cách mạng” của Pê-tanh không còn một tiếng vọng trong dân chúng. Chủ nghĩa “Đại Đông Á” cũng đã hết thời huyễn hoặc.
Những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược của các nhóm Thanh nghị, Tri tân và quá trớn của nhóm Hàn Thuyên đều hầu như những tiếng vang trên sa mạc.
Tình trạng suy tàn của văn hóa phát-xít, của những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược, ngày thêm trầm trọng; điều kiện gián tiếp giúp cho cuộc vận động văn hóa mới của chúng ta do đó càng ngày càng nhiều và thêm thuận lợi.
Một mặt khác, trào lưu văn hóa cấp tiến trên thế giới và cao trào cách mạng đang tiến tới trong xứ ta, cống hiến thêm vào cho cuộc vận động văn hóa mới những đà tiến mãnh liệt. Tài liệu văn hóa giúp cho các chiến sĩ trau dồi trí tuệ. Trở lại, mỗi một chiến sĩ là một tên lính tiên phong của cuộc vận động văn hóa mới đầy triển vọng, đầy những hứa hẹn lạc quan.
Trong “khu giải phóng” mà các đồng chí anh dũng của chúng ta đã dành giật bằng xương bằng máu thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, cuộc vận động văn hóa mới đã tiến tới bước xây dựng.
Không một ai chối cãi được rằng: lâu đài văn hóa mới mà chúng ta thấy hình ảnh lộng lẫy trong triển vọng và đang được đặt viên gạch đầu tiên trong “khu giải phóng”, sẽ là công trình vĩ đại của chung chúng ta và đặc biệt của những nhà chuyên môn về vấn đề này.
Nó đòi hỏi nỗ lực phi thường của các bạn nhà văn chung đúc trong sức chiến đấu của tất cả đồng bào.
Nhưng cũng không một ai có thể chối cãi được rằng: công việc dọn đường sửa móng để xây nền cho văn hóa mới chỉ có thể hoàn thành sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã quét sạch những trở lực xã hội mà cuộc vận động văn hóa tự nó không đủ lực san bằng.
Các bạn văn hóa,
Chúng ta hãy sáng suốt nhận lấy nhiệm vụ tích cực chiến đấu, nhận lấy nhiệm vụ của người dân vong quốc cộng thêm nhiệm vụ của một chiến sĩ văn hóa mới.
Nói khác ra, để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.
------------------------------
(1) Báo Cứu quốc trước ngày tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh, nếu theo sự đòi hỏi của độc giả thì mỗi số phải in tới trên dưới một triệu tờ mới đủ, thế mà kỳ nào cũng chỉ phát hành được đến vài vạn là cùng.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU ĐANG và NGUYỄN ĐÌNH THI
Nguồn tin: Một nền văn hoá mới, bản in lần thứ 2/1945 do Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam ấn hàn