MỘT CUỘC CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC ĐÍCH THỰC
( 01-09-2015 - 06:17 PM ) - Lượt xem: 1127
Mọi tư liệu và nhân chứng lịch sử cho thấy rõ chế độ chính trị của nước Việt Nam mới được thành lập là một chế độ dân chủ cộng hòa đích thực. Bản Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc đã mở đầu bằng một nguyên lý bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 11-1939)(1)và lần thứ VIII (tháng 5-1941)(2) khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi giai cấp, thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô Viết công nông bằng khẩu hiệu lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ, là bước ngoặt cực kỳ quan trọng của Đảng, đã dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thực tế lịch sử đã cho thấy đó là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đích thực, mở ra một thời đại phát triển mới cho dân tộc Việt nam hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Quá trình giành chính quyền
Việc thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) vào tháng 5-1941 có thể được coi là sự kiện mở đầu cho quá trình giành chính quyền của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chương trình hoạt động của Việt Minh là “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp-Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”(3). Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Minh là một Mặt trận có chức năng tập hợp lực lượng toàn dân tộc đoàn kết chung quanh Đảng; còn đối với đông đảo quần chúng nhân dân lúc bấy giờ, Việt Minh là một đảng cách mạng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Nhờ có chương trình hành động đúng đắn, Việt Minh được mọi tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức, đến các giới hữu sản ở cả nông thôn và thành thị, thậm chí cả một bộ phận quan chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa, ủng hộ. Nạn đói khủng khiếp năm 1945 do Nhật-Pháp gây ra đã thức tỉnh lương tri của của những người yêu nước thương nòi, thúc đẩy họ theo Việt Minh để cứu dân tộc mình khỏi nguy cơ diệt vong. Do đó, Việt Minh đã phát triển rất nhanh, trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất đương đầu với ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Dưới ngọn cờ Việt Minh, căn cứ địa cách mạng được thành lập ở Việt Bắc, lực lượng vũ trang cách mạng ra đời, các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp nông thôn và thành thị, nông dân nổi dậy phá kho thóc của Nhật để cứu đói. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), một cao trào Kháng Nhật cứu nước đã dâng lên trên toàn quốc, được coi là thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Trên bình diện quốc tế, Việt Minh đứng hẳn về phe Đồng Minh chống phát xít; mà cường quốc đồng minh duy nhất đã hợp tác và trợ giúp cho cuộc cách mạng của Việt Minh chính là Hoa Kỳ. Du kích Việt Minh đã nhiều lần giải cứu các phi công Mỹ nhảy dù xuống Việt Nam khi máy bay của họ bị Nhật bắn rơi, bảo vệ và đưa họ sang Trung Quốc an toàn. Việt Minh còn cung cấp cho Mỹ các tin tình báo về quân đội Nhật. Ngày 29-3-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Minh đã được các sĩ quan Mỹ đưa sang Trung Quốc gặp tướng Claire Chennault-tư lệnh Không lực Hoa Kỳ tại nước này. Từ đó, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh với các lực lượng quân Mỹ có trách nhiệm ở Đông Dương đã được thiết lập. Phía Mỹ đã cử thiếu tá Achimedes Patti, đại diện Sở Tình báo chiến lược (OSS), đến trực tiếp làm việc với Hồ Chí Minh. Một đơn vị biệt kích Mỹ có biệt danh “ đội Con Nai” đã nhảy dù xuống chiến khu để giúp huấn luyện cho các chiến sĩ Việt Minh và phối hợp hoạt động với họ. Một số vũ khí và khí tài của Hoa Kỳ đã được thả dù xuống tiếp tế cho du kích Việt Minh khi ấy đã trở thành Việt Nam Giải Phóng Quân. Nhờ có điện đài rất tốt, các nhà lãnh đạo Đảng đã xác định chính xác thời điểm Nhật đầu hàng Đồng Minh để chớp đúng thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa. Chính đội Con Nai đã có mặt tại Tân Trào khi Quốc dân Đại hội họp ở đây để quyết định các vấn đề trọng yếu của cuộc tổng khởi nghĩa, sau đó họ tháp tùng đội Việt Nam Giải Phóng Quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến đánh Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội. Ngay cả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mà Hồ Chủ tịch đã tham khảo khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam cũng do tình báo Mỹ cung cấp.
Nói chung, ngọn cờ giải phóng dân tộc của Việt Minh đã thu hút được quảng đại quần chúng nhân dân theo cách mạng và tranh thủ được cả sự trợ giúp của Hoa Kỳ ( tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa ). Cuộc cách mạng tháng Tám đã nhanh chóng thành công ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Kẻ thù chính của cách mạng là Pháp và Nhật đã lần lượt gục ngã trong chiến tranh thế giới. Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật thành lập, không đủ uy tín vì không được nhân dân hậu thuẫn, đã phải tự nguyện trao lại chính quyền cho Việt Minh. Ngày 19-8-1945 khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23 ở Huế và 25 ở Sài Gòn; ngày 30 vua Bảo Đại thoái vị để làm công dân một nước tự do. Trước khi quân đội Trung Hoa tiến vào miền Bắc và quân Anh vào miền Nam để tước vũ khí quân Nhật, chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên toàn quốc trong vòng 2 tuần lễ.
Xây dựng chế độ mới
Ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh với một biển người đầy khẩu hiệu và cờ hoa rực rỡ tại vườn hoa Ba Đình của thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-một quốc gia độc mới của dân tộc ra đời sau hơn 80 năm bị ngoại bang cai trị.
Mọi tư liệu và nhân chứng lịch sử cho thấy rõ chế độ chính trị của nước Việt Nam mới được thành lập là một chế độ dân chủ cộng hòa đích thực. Bản Tuyên ngôn Độc lập do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc đã mở đầu bằng một nguyên lý bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(4). Nguyên lý ấy được tô đậm thêm bằng đoạn trích Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1793: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(4). Các nguyên lý trên được dùng để chứng minh cuộc cách mạng giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Đồng thời, khi tuyên bố “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(4), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những nguyên lý trên, kết tinh từ hệ tư tưởng Khai sáng thế kỷ 18 về Nhân quyền, cũng là nền tảng triết lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như mọi chế độ dân chủ khác trên thế giới. Tên gọi của nước Việt Nam mới thể hiện rõ ràng chế độ chính trị mà dân tộc đã lựa chọn. Tên gọi đó gắn liền với tiêu ngữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” để vạch rõ mục tiêu mà dân tộc hướng tới. Có nguồn gốc từ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên ở Trung Quốc, tiêu ngữ này cũng đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của toàn dân tộc Việt Nam. Mặc dù Việt Minh đóng vai trò trọng yếu trong cuộc cách mạng giành độc lập, chính phủ không phải của riêng tổ chức này. Trong chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt quốc dân tại cuộc mít tinh lịch sử đó, có 5 bộ trưởng Việt Minh (Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Phạm Ngọc Thạch, Cù Huy Cận) và 7 nhân sĩ trí thức không đảng phái (Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe và Nguyễn Văn Xuân)(5).
Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu năm 1946, mặc dù có những hạn chế do trình độ dân trí đương thời còn thấp kém, vẫn là một sự kiện rất quan trọng trên con đường xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam trở thành công dân, có quyền bỏ phiếu bầu người đại diện mình trong bộ máy chính quyền nhà nước. Từ Quốc Hội mới được bầu ra, bản Hiến Pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới đã được thông qua, trong đó quy định đầy đủ mọi quyền tự do của công dân và trách nhiệm của họ đối với đất nước, như trong hiến pháp của bất cứ một chế độ dân chủ nào. Không có điều khoản nào trao đặc quyền cho một dòng họ, một cá nhân hay một tổ chức. Quốc Hội cũng lập nên chính phủ chính thức do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.(Theo cơ chế lúc bấy giờ, Chủ tịch chính phủ đồng thời là nguyên thủ quốc gia tức Chủ tịch nước, tương tự như chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ). Khi ấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố tự giải tán, nên các đảng viên tham gia Quốc hội và Chính phủ chỉ dưới danh nghĩa Việt Minh. Những chuyển biến phức tạp của tình hình chính trị đã buộc Quốc hội phải mở rộng cho 70 đại biểu của Việt Nam Quốc Dân Đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), hai tổ chức chính trị được quân đội Trung Hoa hậu thuẫn để tranh giành quyền lực với Việt Minh, được tham gia mà không qua bầu cử. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (thành lập ngày 2-3-1946) đã dành cho họ nhiều ghế quan trọng. Đây là danh sách các chức vụ của chính phủ:
Chủ tịch: Hồ Chí Minh (Việt Minh)
Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)
Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc)
Bộ trưởng Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái)
Bộ trưởng Quốc phòng: Phan Anh (không đảng phái)
Bộ trưởng Kinh tế: Chu Bá Phượng (Việt Quốc)
Bộ trưởng Tài chính: Lê Văn Hiến (Việt Minh)
Bộ trưởng Xã hội-Y tế-Cứu tế-Lao động: Trương Đình Tri(Việt Cách)
Bộ trưởng Giáo dục: Đặng Thai Mai (Việt Minh)
Bộ trưởng Tư pháp: Vũ Đình Hòe (đảng Dân chủ)
Bộ trưởng Giao thông-Công chính: Trần Đăng Khoa (đảng Dân chủ)
Bộ trưởng Canh nông: Bồ Xuân Luật (Việt Cách)
Kháng chiến Ủy viên hội: chủ tịch Võ Nguyên Giáp (Việt Minh)
phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc)
Cố vấn tối cao: Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại). (6)
Mặc dù được thành lập trong bối cảnh phức tạp đầy thử thách, bộ máy chính quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tạo nên nền móng của một chế độ dân chủ thực sự.
Sau khi tuyên bố độc lập, tình hình nước ta cực kỳ phức tạp và hết sức nguy nan. Nạn đói ở Bắc Bộ tuy đã qua thời kỳ khủng khiếp nhất, nhưng vẫn còn rất nặng. Ngân quỹ chính phủ hầu như trống rỗng.Trình độ dân trí vô cùng thấp kém với 90% dân số mù chữ là trở ngại to lớn cho sự phát triển của dân tộc. Hơn 20 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc (thường được gọi là quân Tàu) tràn vào miền Bắc gây muôn vàn khó khăn nhằm lật đổ chính quyền Việt Minh mà họ cho là cộng sản; trong khi 2 vạn quân Anh tiến vào miền Nam dọn đường cho thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn để tái chiếm thuộc địa. Chiến sự Pháp –Việt đã bùng nổ tại Sài Gòn ngày 23-9-1945 và lan rộng ở miền Nam.
Dựa vào sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, chính phủ Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền quốc gia vượt qua mọi thác ghềnh của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Chính phủ kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo bằng “Hũ gạo cứu đói”, tất cả những ai đang còn có cơm ăn áo mặc đã nhiệt tình thực hiện. Chính phủ tổ chức “Tuần lễ vàng” để gây quỹ quốc gia, mọi tầng lớp nhân dân có ít nhiều tài sản đều sẵn sàng đóng góp theo khả năng của mình. Chính phủ phát động phong trào “Bình dân Học vụ” để nhanh chóng xóa nạn mù chữ, tất cả những ai có học dù ít hay nhiều đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “ Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình” (7). Chính phủ quyết định thành lập quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, hàng vạn thanh niên thuộc đủ mọi tầng lớp đã xung phong tình nguyện nhập ngũ. Khi Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân tài ra giúp nước, rất nhiều trí thức thượng lưu trong nước và ở Pháp đã từ bỏ những lợi ích riêng tư để phục vụ cho chính phủ.
Bảo vệ chính quyền cách mạng
Giữa vòng vây của các thế lực thù địch, sự ủng hộ của nhân dân đã tạo nên chỗ dựa vững chắc cho chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng muốn bảo vệ nền độc lập vừa giành được, nước cộng hòa non trẻ còn cần được các cường quốc dân chủ trên thế giới thừa nhận và hậu thuẫn. Để giải quyết vấn đề hết sức quan trọng đó, Hồ Chủ tịch đặt hy vọng trước hết ở Hoa Kỳ, cường quốc đồng minh giàu mạnh nhất mà ông đã tiếp cận được trong chiến tranh. Hy vọng này hoàn toàn có cơ sở, vì cố tổng thống Mỹ Roosevelt từng nhiều lần tuyên bố không muốn khôi phục ách thống trị thực dân của Pháp ở Đông Dương, mà dự kiến lập nên một chế độ ủy trị quốc tế, rồi từng bước trao trả nền độc lập cho các dân tộc ở đây. Hơn nữa, quan hệ giữa Việt Minh với Hoa Kỳ trong chiến tranh là rất tốt đẹp. Do đó, Hồ Chủ tịch đã gửi điện văn cho Tổng thống Mỹ Hary S. Truman (ngày 17-10-1945) đề nghị Hoa Kỳ công nhận cho Việt Nam được tham gia Ủy ban Tư vấn về Viễn Đông của các nước đồng minh, nhưng không được phúc đáp. Bác Hồ tiếp tục gửi thư và điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và tổng thống Mỹ, kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam, can thiệp để ngăn chặn cuộc xung đột Pháp-Việt ở miền Nam. Trong thư gửi Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ ngày 16-2-1946, một lần nữa Hồ Chủ tịch yêu cầu Truman “công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và sự hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”(8). Cứ như vậy, Hồ Chủ tịch đã gửi cho Chính phủ Mỹ 5 bức thư và điện, thêm 1 công hàm và 1 bức điện chung cho chính phủ 4 cường quốc (Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa),1 bức điện gửi nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc (cũng gửi qua Washington); nhưng không hề nhận được một câu trả lời. Truman hoàn toàn biết rõ những gì đã diễn ra ở Việt Nam; nhưng tại sao ông lại khước từ công nhận nền độc lập của một quốc gia theo chế độ dân chủ cộng hòa, dựa trên nguyên lý trong bản Tuyên ngôn Độc lập của chính nước Mỹ và đã tình nguyện hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ? Câu hỏi này chưa bao giờ được Truman giải thích. Chỉ biết rằng tình hình thế giới đã thay đổi quá nhanh khi chuyển từ thời chiến sang thời bình. Từ chỗ là đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít, Hoa Kỳ và Liên Xô chuyển sang tình trạng đối đầu sau chiến tranh, được gọi là “chiến tranh lạnh”. Đó là cuộc đối đầu giữa “thế giới tự do” mà Hoa Kỳ đại diện với “thế giới cộng sản” do Liên Xô đứng đầu. Mặc dù biết Hồ Chí Minh đã thành lập một nhà nước dân chủ cộng hòa, nhưng Truman cũng biết ông Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ cộng sản Đông Dương từng nổi tiếng trên diễn đàn Quốc tế Cộng sản ở Moscow và cho rằng Việt Minh chính là cộng sản. Chỉ có điều này là Truman không biết hoặc không muốn biết: cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo không hề diễn ra theo một chỉ thị nào của Moscow và không nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào từ Liên Xô. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn khác với sự thành lập các nhà nước Dân chủ Nhân dân ở Đông Âu và Bắc Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn. Chính vì vậy, nhà nước Việt Nam mới ra đời không hề được Liên Xô công nhận; cho dù lãnh tụ Stalin của nước này biết rõ Hồ Chí Minh đúng là đồng chí Nguyễn Ái Quốc trước đây. Sau này, trong cuốn hồi ký chứa đầy giá trị lịch sử nhan đề “Why Vietnam?”(Tại sao Việt Nam?), Achimedes Patti đã khẳng định rằng “Chỉ có Hồ Chí Minh mới giữ được ngọn đuốc độc lập bừng cháy trong trái tim và khối óc những người Việt Nam, cộng sản cũng như không cộng sản; và duy nhất chỉ có ông đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam- một Washington Việt Nam”(9). Vì thế,“ thật đáng tiếc là chính đất nước chúng ta (tức Hoa Kỳ-L.V.Q chú) đã không nhìn nhận cho hết thực tế này và đã không vạch ra được một phương hướng có thể đáp ứng lại những quyền lợi tối cao của chúng ta”(9), nên “đã hoàn toàn gạt bỏ mọi hành động của chính phủ Mỹ trong việc thăm dò các khả năng mở được đường tới chính phủ Hồ Chí Minh” (9). Vậy là đã rõ: Hồ Chí Minh đã chìa bàn tay hợp tác thân thiện và thành thực với Hoa Kỳ, nhưng Truman đã không nắm lấy, làm cho lịch sử đi theo con đường khác, dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam đầy bi thảm .
Không được các cường quốc thế giới công nhận, nước công hòa non trẻ bị cô lập chỉ có thể trông cậy vào chính mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng chống các thế lực thù địch, mà nguy hiểm nhất là thực dân Pháp đang tiến hành chiến tranh xâm lược tại miền Nam. Nhân dân Nam Bộ, với lực lượng vũ trang mới tập hợp, được huấn luyện cấp tốc và trang bị nghèo nàn, đã anh dũng đương đầu với quân đội viễn chinh Pháp. Các đội quân Nam tiến từ Hà Nội đã chi viện cho miền Nam chặn bước tiến quân thù. Với lòng yêu nước dâng tràn, nhân dân đã sẵn sàng tiến hành chiến tranh vệ quốc để bảo vệ độc lập dân tộc. Nhưng xuất phát từ hiện tình đất nước, chính phủ nhận thấy rằng: nếu có thể thỏa hiệp với một số nhượng bộ cho đối phương, để bảo vệ chủ quyền bằng đường lối hòa bình thì tốt hơn. Trong khi đó, Pháp đã thỏa thuận xong với Trung Hoa để được đưa quân ra miền Bắc nước ta thay cho quân Tàu rút về nước họ, nhưng vẫn lo gặp sự chống đối từ phía Việt Nam. Vì vậy, cuộc đàm phán Pháp-Việt đã diễn ra với kết quả là bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết ngày 6-3-1946 giữa Jean Sainteny (Ủy viên Cộng hòa Pháp) với Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh (đại diện chính phủ Viêt Nam). Theo văn bản hiệp định, “Chính phủ Pháp thừa nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội riêng, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp” (10). Đổi lại, “Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sang tiếp đón thân thiện quân đội Pháp khi nó đến thay thế quân đội Trung Hoa theo đúng các hiệp định quốc tế” (10). Tiếp đó, “mỗi bên ký kết ở cấp cao sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết để đình chỉ ngay mọi hoạt động thù địch, giữ nguyên các đội quân của mình bên nào tại vị trí bên ấy và tạo ra một không khí thuận lợi cần thiết cho việc mở kịp thời những cuộc đàm phán thân thiện và thẳng thắn (để chính thức lập lại hòa bình-L.V.Q. chú)”(10). Theo đó, Pháp trở thành cường quốc đầu tiên buộc phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy chưa phải là độc lập, nhưng có đủ chủ quyền trong phạm vi Đông Dương và khối Liên Hiệp Pháp. Quân Pháp được an toàn tiến ra miền Bắc, nhưng không phải để chiếm đóng, mà sẽ lần lượt rút hết về nước trong thời hạn 5 năm. Quan trọng nhất là việc đình chỉ chiến sư để tiếp tục đàm phán nhằm đạt đến một giải pháp hòa bình cho mối quan hệ Việt-Pháp. Mặc dù phải giải thích trước nhân dân về sự nhượng bộ cho Pháp ra miền Bắc với lời thề “thà chết chứ không bao giờ bán nước” (11) với hiệp định này, chính phủ Hồ Chí Minh đã giành được một thắng lợi trên con đường bảo vệ độc lập dân tộc bằng giải pháp hòa bình.
Thực hiện hiệp định, cuộc hội đàm Pháp-Việt đã được tổ chức tại Đà Lat (từ 19-4 đến 9-5) với Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Tam lãnh đạo đoàn Việt Nam, Max Andre trưởng đoàn Pháp cùng sự hiện diện của Cao ủy d’Argenlieu. Sau đó, việc đàm phán tiếp tục tại hội nghị Fontainebleau (từ 6-7 đến 10-9) với phái đoàn Pháp vẫn do Max Andre chỉ đạo và đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, kết hợp cùng chuyến đi thăm nước Pháp của Hồ Chủ tịch (từ 31-5 đến 19-9-1946). Cả hai bên đều thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí, nhưng lập trường còn khác biệt nhau về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trong Liên bang Đông Dương cũng như trong Liên hiệp Pháp và vấn đề thể chế của Nam Bộ (Pháp đòi tách ra để thành lập nước Nam Kỳ tự trị do họ bảo trợ, nhưng ta kiên quyết coi Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của Việ Nam). Do vậy, hiệp ước chính thức chưa được ký kết; thay vào đó là bản Tạm ước ngày 14-9 do Hồ Chủ tịch ký với bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet đại diện chính phủ Pháp. Bản Tạm ước quy định “hai bên chấm dứt mọi hành động chiến tranh và bạo lực” (12), kèm theo là một bản tuyên bố: “ Chính phủ nước Cộng hòa Pháp và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết tâm theo đuổi, trong tinh thần tin cậy lẫn nhau, một chính sách hòa hợp và cộng tác (…). Hai bên tin chắc rằng những biện pháp đề cập trong bản Tạm ước này sẽ góp phần thiết lập lại trong tương lai rất gần một bầu không khí yên tĩnh và tin cậy lẫn nhau cho phép nối lại một ngày không xa những cuộc đàm phán dứt điểm (…) có thể dự tính vào tháng giêng 1947” (13).
Với thiện chí của cả hai chính phủ, mặc dù còn một số vướng mắc, việc giải quyết mối quan hệ Việt-Pháp bằng con đường hòa bình vẫn sáng sủa. Việc quân Trung Hoa rút về nước, cùng với sự đào nhiệm của các quan chức Việt Quốc và Việt Cách khỏi chính phủ để chạy sang Tàu, làm cho con đường đó thêm quang đãng. Nhưng tình hình thực tế ở Việt Nam lại đi theo một đường lối khác.
Ngày 20-11, quân Pháp dùng vũ lực giành quyền kiểm soát thuế quan của Việt nam tại cảng Hải Phòng, oanh tạc dữ dội một khu phố rồi tấn công chiếm đóng thành phố sau 1 tuần chiến đấu. Sau đó, quân Pháp khiêu khích ngay tại Hà Nội. Ngày 17-12, chúng dùng đại bác bắn tan nát phố Hàng Bún, xông vào nhà dân tàn sát hàng loạt dân thường, rồi ngang nhiên đánh chiếm cơ quan Bộ Tài chính của ta. Ngày 18, Bộ Tổng Chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ Việt Nam, đòi giải giáp lực lượng tự vệ và trao quyền bảo vệ trị an Hà Nội cho cảnh sát Pháp. Bị dồn đến chân tường nhưng đã tiên liệu trước, chính phủ Việt Nam quyết định trả lời một cách đích đáng.
20 giờ đêm 19-12-1946, đèn điện toàn thành phố vụt tắt. Lửa đạn bùng lên khắp nơi cùng tiếng súng nổ rền vang khắp Hà Nội: các chiến sĩ Việt Nam anh dũng lao vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Rạng đông ngày hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên…” (14). Trong những lời lẽ khúc chiết và truyền cảm ấy, Bác Hồ đã nêu chính xác khát vọng hòa bình của nhân dân ta, nguyên nhân làm bùng nổ chiến tranh thuộc phía Pháp và quyết tâm hy sinh chiến đấu của ta để bảo vệ độc lập tự do cho đất nước. Điều quan trọng nhất nằm ở đoạn này: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà; bất kỳ người già, người trẻ; không chia tôn giáo, đảng phái, giai cấp; hễ ai là người Việt Nam đều phải ra sức chống thực dân Pháp cứu Tổ quốc…”(14). Điều đó khẳng định rằng: cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là sứ mệnh thiêng liêng của toàn dân tộc. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân đã đứng lên và cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
Sau này, khi nước Pháp đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược và mất hết những gì mà bọn thực dân tưởng rằng có thể giành được ở Việt Nam bằng vũ lực, người Pháp đã thực sự hối tiếc về cuộc chiến tranh vô cùng tai hại đối với nước mình, mà lẽ ra đã có thể tránh được bằng con đường đàm phán hòa bình mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chính Jean Sainteny đã bày tỏ sự hối tiếc của mình trong cuốn sách “Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Nhà sử học Pháp Philippe Devillers đã khẳng định: “Do tội lỗi, do sự ‘vụng về’ hoặc ‘tính toán sai lầm’ của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan ‘cận thị’ chưa từng có trong lịch sử nước Pháp; một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp”(15). Chính tổng thống Charles de Gaulle, người đã chủ trương dùng sức mạnh để khôi phục toàn bộ quyền lực của Pháp mà không thương thuyết liên kết gì với chính quyền bản địa, cũng bày tỏ sự hối tiếc của mình trong thư gửi chủ tịch Hồ Chí Minh(8-2-1966): “Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay” (16).
Thay lời kết luận
Cách mạnh tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đích thực; bởi vì toàn thể dân tộc đã đứng lên giành chính quyền, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp gần một trăm năm, xóa bỏ luôn chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm, giành lại độc lập cho đất nước dưới chế độ dân chủ cộng hòa với một nhà nước của dân, do dân và vì dân; đồng thời toàn dân đã đoàn kết một lòng, quyết tâm hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng. Mặc dù có hiện tượng tranh chấp đảng phái trên chính trường (và được giải quyết bằng giải pháp thỏa hiệp), nhưng đã không diễn ra một cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, và cũng không có một sự can thiệp của nước ngoài nào đủ để thay đổi tính chất của cách mạng. Mãi đến đầu năm 1950, sau khi Pháp thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng và Mỹ chính thức viện trợ cho Pháp và chính phủ này chống Việt Minh, thì Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng các nước trong phe Xã hội Chủ nghĩa mới công nhận và ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau chuyến thăm không chính thức Bắc Kinh và Matxcơva của Hồ Chủ tịch). Từ khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành một thành viên của phe Xã hội Chủ nghĩa, Đảng Cộng sản ra công khai dưới tên mới là Đảng Lao động Việt Nam (3-1951) để chính thức nắm độc quyền lãnh đạo đất nước và cách mạng. Từ đó,Việt Nam mới tiến hành đấu tranh giai cấp với cuộc cải cách ruộng đất tiêu diệt giai cấp địa chủ (1952-1956) và cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh xóa bỏ giai cấp tư sản (1958-1960) để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Người Mỹ và người Pháp, do không nhận thức được tính chất và giá trị đích thực của cuộc cách mạng tháng Tám, đã phải hối tiếc về những sai lầm trong cách ứng xử của họ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đẩy lịch sử đi theo con đường nguy hiểm qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính họ là những kẻ bại trận với những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, Việt Nam mới là nước phải chịu những hậu quả nặng nề và đau xót nhất của các sai lầm đó, với biết bao tổn thất về sinh mạng , tài sản và trình độ phát triển, để giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh chống hai cường quốc hàng đầu thế giới ấy.
Ngày 12-7-1995, chính phủ Hoa Kỳ của tổng thống Bill Clinton chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đó là sự kiện lịch sử mà cách đó đúng 50 năm-nửa thế kỷ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất với tổng thống Truman nhưng không được đáp ứng. Lịch sử sẽ như thế nào nếu sự kiện ấy diễn ra vào năm 1945? Câu hỏi này chỉ nên đáp bằng cách khép lại quá khứ để hướng đến tương lai.
CHÚ DẪN
(1) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 509-567.
(2) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 96-136.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 149.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 1.
(5) Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam 1945-2003, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2004, tr. 2 (Lê Vinh Quốc bổ sung đảng tịch của các thành viên chính phủ).
(6) Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam 1945-2003, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2004, tr. 5-6.
(7) Hồ Chí Minh, sách dẫn trên, tr. 36.
(8) Hồ Chí Minh, sdt, tr. 176
(9) Archimedes L.A. Patti, Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?), Lê Trọng Nghĩa dịch,http://www.vuontaodan.net/thuviensach/noidung.aspx?id=00318%20&matg=oo118. Tr. 11.
(10) Philippe Devillers, Paris-Sài Gòn-Hà Nội tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947( Paris Saigon Hanoi Les archives de la guerre 1944-1947), Hoàng Hữu Đản dịch, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 213.
(11) Philippe Devillers, sách dẫn trên, tr. 219.
(12) Philippe Devillers, sdt, tr. 312.
(13) Philippe Devillers, sdt, tr. 310-311.
(14) Hồ Chí Minh, sdt, tr. 480.
(15) Philippe Devillers, sdt, tr. 1-2.
(16) Philipp Devillers, sdt, tr. 27.
TS LÊ VINH QUỐC