MẤY SUY NGHĨ VỀ DỊCH THUẬT HIỆN NAY
( 23-03-2016 - 01:36 PM ) - Lượt xem: 1444
Mảnh đất Nam Kỳ thời đó là một trong những nơi phát lộ những tác phẩm dịch thuật đầu tiên của một số tác giả: Trương Minh Ký dịch ngụ ngôn La Fountaine, phiêu lưu ký của Télémark ra văn vần quốc ngữ...Một số cây bút như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của còn dịch thuật sách chữ Hán và văn học cổ điển Trung Quốc.
Văn học dịch và nghiên cứu văn học dịch ở Việt Nam hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu trong giao lưu văn hóa thời hội nhập ngày càng sâu rộng trên phạm vi quốc tế.
Ở một số trường Đại học, đã có môn học về vấn đề này như một kiến thức cơ sở để đạt đủ số tín chỉ cần thiết của sinh viên Ngữ Văn.
Với thành tựu đã đạt được, cần có tầm nhìn khái quát và định hướng chính xác cho nền dịch thuật văn học và khoa học xã hội rộng rãi để đạt tới những kỳ vọng lớn lao trong hiện tại và tương lai.
NHÌN QUA LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN – TẦM QUAN TRỌNG CỦA DỊCH THUẬT VĂN HỌC
Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến bước biến chuyển hiện đại hóa khá ngoạn mục trong giao thời cận đại và hiện đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thời kỳ 1930– 1945).
Một trong những động lực gây tác động hiệu quả và khá mạnh mẽ, là sự xuất hiện của văn học dịch bằng chữ quốc ngữ chủ yếu từ phương Tây qua tiếng Pháp, và phần nào từ phía Bắc qua Hán ngữ.
Mảnh đất Nam Kỳ thời đó là một trong những nơi phát lộ những tác phẩm dịch thuật đầu tiên của một số tác giả: Trương Minh Ký dịch ngụ ngôn La Fountaine, phiêu lưu ký của Télémark ra văn vần quốc ngữ...Một số cây bút như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của còn dịch thuật sách chữ Hán và văn học cổ điển Trung Quốc.
Báo chí phát triển mạnh, đăng tải nhiều sáng tác quốc ngữ gồm biên dịch, phỏng dịch, phóng tác và sáng tác các tác phẩm văn chương. Từ công cụ thông tin tuyên truyền, báo chí đã gắn với văn học, thúc đẩy sự phát triển.
Phong trào dịch thuật bắt đầu ở Nam Kỳ và nhanh chóng phát triển trong phạm vi cả nước. Dịch thuật văn học đã có đóng góp đáng kể, đặc biệt giúp văn xuôi nhanh chóng trưởng thành. Các nhà văn tiếp nhận lý luận văn học mới, và các tinh hoa văn học, chủ yếu là từ phương Tây và vận dụng sự tiếp nhận nghệ thuật vào sáng tác mới để tạo ra những loại hình mới như ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch hiện đại.
Từ sau 1945, nhất là từ sau hòa bình lập lại: 1954 – 1960, các trường ngoại ngữ phát triển, vì thế văn học dịch đã mang một bộ mặt mới.
Nếu như xưa kia là sự xuất hiện của một vài trường thông ngôn tiếng Pháp, thì giờ đây xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ chính quy. Đến khi xã hội hóa giáo dục thì việc đào tạo ngoại ngữ đã có kế hoạch, quy mô mới và phát triển nhanh chóng.
Có thể chứng kiến sự hội nhập thế giới lần thứ nhất, chủ yếu là với các nước Đông Âu, nhất là Nga. Sau đó, là Trung Quốc – khi quan hệ Việt Trung Xô còn đang phát triển ở đỉnh cao. Cũng do yêu cầu đào tạo về văn học Nga Xô Viết và Trung Quốc hiện đại, nhiều tấm gương tự học tiếng Nga rất đáng nể đã xuất hiện.
Đó là trường hợp Giáo sư HoàngXuân Nhị, Nguyễn Hải Hà... Giáo sư Nhịhọc tiếng Nga qua tiếng Pháp. Nguyễn Hải Hà học trực tiếp ngôn ngữ của Lênin. Đọc Tinh hoa văn học Nga – Khám phá và thường thức (Giáo dục, 2012) cùngcác tác phẩm dịch Những đốm lửa của V. Korolenco, Vịnh Mõm đen của K.Pautovxki, Tuyết bỏng của Iu. Bondarev, Truyện Xevastopon của A. Tolstoi, Kịch Lev Tolstoi...sẽ thấy được công trình của bao năm nghiền ngẫm nghiên cứu và dốc sức biên dịch của Nguyễn Hải Hà... Mãi sau này mới có lớp Nga học chính quy về bổ sung Hoàng Ngọc Hiến rồi Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Nghĩa Trọng… ở nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu.
Thế hệ được đào tạo bài bản và chuyên về dịch thuật tiếng Nga cần nhắc tới Thúy Toàn (Hoàng Thúy Toàn)và lớp kế cận giảng dạy kiêm dịch thuật như ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Ngoại ngữ Sau một chút là những gương mặt đáng nể trọng như Đoàn Tử Huyền, Nguyễn Thị Bích Lan (dịch Triệu phú khu ổ chuột và 23 dịch phẩm khác).
Hiện Đoàn Tử Huyền là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Thúy Toàn là Giám đốc Trung tâm. Đây là một địa chỉ văn hóa có uy tín, đáng tin cậy, đã liên kết xuất bản trên 40 đầu sách. Trong số đó, có tuyển tập các tác phẩm khá đồ sộ của các nhà văn thế giới: A. Pushkin, K. Dostoevxki, R. Tagor, D. Buzzati, F. Kafka.
Công tác dịch thuật văn học tập trung giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng ở nước ngoài, bên cạnh đó là các sách về học thuật văn nghệ, nhất là những lý thuyết mới trong nghiên cứu lý luận văn học, như Văn học hậu hiện đại: Những vấn đề lý thuyết do Lại( Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyền biên soạn.
Trong quá trình phát triển của dịch thuật văn học, có những công trình khá tập trung trên một số phương diện và nổi bật ở một số dịch giả. Hiện nay, đã có những chuyên gia hàng đầu về dịch thuật ở một số ngoại ngữ: Lê Bá Thư ở văn học Ba Lan, Dương Tất Từ ở văn học Czech, Thúy Toàn ở văn học Nga...(hiện đã vào tuổi U80, tức các bậc lão thành ).
Các tác giả này đều được đánh giá cao như vai trò “cầu nối văn học”, có người được giải thưởng của Hội Nhà văn và đã được các nước bạn tôn vinh xứng đáng không chỉ một lần.
Theo truyền thống quan hệ lịch sử trong mấy thập kỷ vừa qua, nổi lên một số tổ chức có hoạt động tốt như Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (khánh thành tháng 9/2013). Câu lạc bộ Những người yêu thích tiếng Nga của Phân viện Pushkin Hà Nội, hoạt động từ 15/11/2005.
Các công ty dịch có quy mô lớn xuất hiện như Công ty dịch thuật và phiêndịch và tiêu điểm châu Á. Tiếng Anh, rồi các tiếng Nhật, Hàn đang là khu vực nóng của dịch thuật thời hội nhập. Một số giảng viên trẻ được tiếp tục gửi đi học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc …đã có đóng góp thiết thực mà chủ yếu là về các lý thuyết văn học. Cao Xuân Hạo thuộc thế hệ đi trước nêu tấm gương kết hợp được khoa học và nghệ thuật, coi dịch sách còn là “ làm nghệ thuật.” Thúy Toàn dịch nhiều, nhưng nghiêm túc, cho rằng một cuốn sách khoảng 500 trang phải dịch từ nửa năm đến một năm mới có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất chính là con đường mịệt mài, quyết liệt tự học để chiếm lĩnh tối đa và hiệu quả nhất ngôn ngữ dịch. Có những tấm gương như Nguyễn Hải Hà, suốt đời tự học đã nêu trên, hoặc Lê Khánh Trường cũng tương tự.
Dịch giả Lê Khánh Trường là người đã bắt tay vào sự nghiệp dịch thuật từ năm 1970, với tác phẩm Nga Đôi mắt trẻ thơ của L.T Gorigoran. Tiếp đó là hàng loạt tác phẩm văn học Nga có tiếng nhưMột ngày dài hơn thế kỷ (Tchingiz Aimatov, 1986), Bác sĩ Zhivago(Boris Pasternak, 1988) cùng với Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân (Yulian Semionov), Đoạn đầu đài (Tchingiz Aimatov)…
Lê Khánh Trường – lớp tiếp nối Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo, là tấm gương sáng về sự nỗ lực say mê kiệt cùng trong dịch thuật, và tham gia giảng dạy ở Đại học Sư phạm. Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận ông là người dịch nhanh và nhiều nhất sách Nga văn vào tháng 9/2006. Ông bao quát nhiều lĩnh vực, từ văn học, triết học, kinh tế học, lịch sử đến xã hội học, khảo cổ học, giáo dục học ( khoảng 50 đầu sách ) Nhất là về ngôn ngữ học, như Từ điểnthành ngữ, tục ngữ Hán Việt (1998), Từ điển tục ngữ Hán Việt (2000).
Lê Khánh Trường đã nắm được khá nhiều ngôn ngữ qua tự học – Anh, Pháp, Nga, Trung, Bulgaria,... Tác phẩm mà dịch giả chọn lựa, nói chung là đặc sắc, như Đoạn đầu đài của Ainatov đề cập tới tư duy huyền thoại. Theo dịch giả Lê Sơn, tiểu thuyết mang vẻ đẹp riêng trong tính đa nghĩa.
Nhìn qua hành trình dịch thuật văn học trong nhiều thời kỳ, cần phải khẳng định một bức toàn cảnh lạc quan. Tuy nhiên, các dịch giả cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Cái khó nhất là phải nắm chắc được ngoại ngữ. Ngoại ngữ với tất cả chiều sâu ngôn ngữ và văn hóa – lịch sử.
Ngoài ra, có một bí quyết mà chính dịch giả Lê Khánh Trường đã nói: “Tôi dịch giỏi nhờ sành tiếng Việt”. Hai vấn đề tưởng xa cách mà lại có sự kết hòa mật thiết: Tiếng Việt có cái uyên bác, tinh tế riêng. Giỏi tiếng Việt là rất khó.
Bí quyết thành công đặc sác chỉ là nhờ cái Tâm và cái Tầm. Tầm là trình độ nắm ngôn ngữ dân tộc để có được bản sắc, và cả ngoại ngữ, dĩ nhiên. Cái Tâm là lòng yêu tiếng Việt mê say, và cả tình yêu tiếng nước bạn khi dịch giả làm việc chuyển ngữ.
***
THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG DỊCH THUẬT
Việc giới thiệu văn học, văn hóa nước ngoài vào Việt Nam theo từng thời kỳ đã có những đáp ứng khá kịp thơi với thị hiếu bạn đọc và nhu cầu học tập, nghiên cứu của trí thức.
Tuy nhiên, về mặt quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài thì chưa thực sự phát huy tác dụng. Vì chưa có những kế hoạch, tổ chức hiệu quả là chính.
Từ lâu, ta đã có nhà xuất bản Ngoại văn, và các ban Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn. Tuy nhiên, tác dụng của quảng bá chưa được như mong muốn.
Một số tác phẩm cổ điển được chú trọng tương đối thích đáng. Từ nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có sự giới thiệu Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn. Hoàng Xuân Hãn dịch thơ Hồ Xuân Hương... Chủ yếu là dịch sang tiếng Pháp do đội ngũ trí thức Tây học.
Sau Cách mạng và trong kháng chiến, chủ yếu cũng vẫn bằng lực lượng ấy. Nguyễn Đình Thi dịch Dọn về làng của Nông Quốc Chấn ra tiếng Pháp được giải thưởng Quốc tế tại Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới Berlin năm 1951.
Thời hòa bình – 1954 trở đi, Hữu Ngọc có công lớn xây dựng nhà xuất bản Ngoại văn, chủ yếu là dịch Pháp văn và phần nào Anh văn. Hội Quốc tế ngữ ở Việt Nam hoạt động trên phạm vi rộng hơn, giới thiệu văn thơ một số tác gia tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng,... – khoảng hơn 100 đầu sách. Các tuyển thơ Việt Nam, tuyển tập truyện ngắn Việt Nam và một số tuyển tập của một số tác gia hiện đại được giới thiệu – Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Hiển, Chu Văn, Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu,...
Có một lực lượng đáng quý là Việt kiều ở nước ngoài, và các trí thức, học giả ở nước ngoài độc lập hoặc hợp tác dịch thuật với dịch giả Việt Nam, nhất là ở Trung Quốc. Hoàng Dật Cầu dịch Truyện Kiều, La Trường Sơn dịch thơ Hồ Xuân Hương, Bạch Nại Lương dịch thơ Tố Hữu, Thái Duy Bắc dịch Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Chúc Ngưỡng Tu dịch Ông cố vấn của Hữu Mai... Một số nhà văn, nhà thơ trẻ Việt Nam được giới thiệu ở một số nước Đông Âu những năm gần đây.
Truyện Kiều từ xưa tới nay vẫn là tác phẩm được giới thiệu, quảng bá nhiều nhất. Theo thống kê, vào dịp đại lễ Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du thì tới nay tác phẩm đã được dịch ra 23 thứ tiếng với gần 70 bản dịch. Gần đây nhất là bản dịch tiếng Nga, ra mắt tháng 11/2015 của nhóm dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi và các nhà văn Nga Vasili Popov, nhà Việt Nam học Anatoli Solokov.
Tác phẩm Hồ Chí Minh cũng đạt kỷ lục hàng đầu. Riêng Nhật ký trong tù đến năm 2007 đã có 25 nước dịch. Ngày 21/10/2015, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ ra mắt bản dịch tiếng Albania của dịch gia Gjeke Marinaj người Anh gốc Mỹ.Đó là kết quả trực tiếp của Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hồi tháng 3/2015.
Đặc biệt, có dịch giả đã dành cả cuộc đời dịch Nhật ký trong tù như Dương Tất Từ. Dịch giả dịch tác phẩm qua nhiều bài thơ đăng trên báo Tiệp từ 1961. Gần đây, sau đúng nửa thế kỷ,cộng tác với Jan Nola, Karel Sýs,...sách mới hoàn thành dịch ở Praha, 2011. Đó là sự hợp tác đẹp đẽ của Liên minh các nhà văn Czech và sự hỗ trợ của Hội người Việt Nam tại Czech.
Dương Tất Từ đã nhận nhiều giải thưởng của Tiệp và gần đây nhất, tháng 11/2015, được tặng Giải Liên minh nhà văn Tiệp.
Tuy nhiên, mặt giới thiệu, quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều điểm chưa đạt mong muốn.
Có những hạn chế về nhiều mặt, trong đó chủ yếu là lực lượng chuyên nghiệp và điều kiện quảng bá.
Hiện nay – thời hội nhập toàn cầu mở ra cho chúngta cơ hội ra biển lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn lao chưa từng có.
Mặt trái của cơ chế thị trường biểu hiện là đã có hiện tượng “chụp giật” tác phẩm hay, “ăn khách” để dịch. Dịch nhanh nếu giỏi thì tốt, nếu không chú ý dịch kỹ, chỉ chạy theo thời gian, theo mặt hàng sẽ không tránh được sự kém chất lượng. Còn nói “dịch là phản” lúc nào cũng là một cảnh báo hữu ích cho những người dịch ẩu tả, làm ăn manh mún.
Cái yếu về tiếng Việt là điều dễ thấy với thế hệ trẻ. Có thể dùng chữ đúng nhưng chưa hay, chưa “có hồn”. Tất nhiên, có trình độ uyên thâm là quý nhưng khó lắm thay khi phải đòi hỏi thời gian và sự trải nghiệm bản thân !
Việc tự học ngoại ngữ luôn có nhiều thuận lợi qua công nghệ thông tin, nhưng cũng có những mặt tiêu cực.Thuật ngữ chuyên môn cũng là cả một vấn đề khi chưa có nhiều từ điển thuật ngữ chuyên dụng, Vì thế, dịch giả cần được đào tạo chính quy. Một điều quan trọng nữa là môi trường tiếp xúc ngôn ngữ – văn hóa.
Vấn đề đội ngũ hiện nay có tình trạng thiếu và yếu. Ở Việt Nam, hầu như thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao. năng lực đàng hoàng.
Những thế hệ lớn tuổi, tâm huyết đang ra đi dần. Chúng ta cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận bài bản, lâu dài,theo các lộ trình phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Có lúc,cũng gần đây thôi, ai đó bi quan đã cho rằng dịch thuật của ta đang rơi vào “thảm họa”. Đó là cái nhìn bi quan cực đoan.
Cần phải tin rằng, dịch thuật đang trở thành một nghề chuyên nghiệp, cần nhận được sự đầu tư đáng kể của Nhà nước và các tổ chức xã hội hóa có uy tín. Tuy nhiên, cái quyết định vẫn là cái Tâm và cái Tầm của người làm dịch thuật.
Người dịch là nhà ngôn ngữ, nhà văn chương, văn hóa. Dịch không chỉ là “chuyển ngữ” đơn thuần, mà trong đó còn có thêm tư duy sáng tạo, là người “đồng sáng tạo” hiểu theo nghĩa sát sao của thuật ngữ.
Người dịch chuyên nghiệp phải biết phân loại dịch thuật và phương pháp dịch thuật là nghề, cũng là nghiệp.
Đây đồng thời là công việc, hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng khoa học, văn học nghệ thuật của cả hai phía Việt Nam và ngoại quốc..
Việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Vấn đề là phải lựa chọn tác phẩm tiêu biểu và những chuyên gia dịch thuật hàng đầu.Tất cả phải đưa vào tổ chức và quy hoạch.
Tóm lại, phải có suy nghĩ nghiêm túc từ những cơ quan có trách nhiệm.
Hy vọng rằng sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ về phương diện này
PGS ĐOÀN TRỌNG HUY