LUẬT QUỐC TẾ ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
( 31-05-2014 - 08:13 PM ) - Lượt xem: 1129
Luật pháp quốc tế quy định rất rõ về việc chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất, biển đảo.Nhất là công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Điều 2, 34 và 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 giữa 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, và Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne năm 1888 đã đưa ra nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự một lãnh thổ:
1. Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do quốc gia tiến hành, tư nhân không có quyền này vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế.
2. Sự chiếm hữu phải đựơc tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius), hoặc là đã đựơc quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto). Dùng võ lực để chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp.
3. Quốc gia chiếm hữu trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mực độ tối thiểu, phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trện vùng lãnh thổ đó.
4. Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thố đó.
Những nguyên tắc này có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị giữa các quốc gia ký định ước Berlin.
Căn cứ vào những nguyên tắc căn bản này thì ta có thể khẳng định ngay là những chứng cớ của Trung Quốc đưa ra từ đời Hán, đời Đường chỉ là những sự chiếm hữu trên danh nghĩa, chứ không phải là sự chiếm hữu thật sự, vì vậy không có giá trị pháp lý. Áp dụng bốn nguyên tắc căn bản trên ta thấy rõ ngay hai kết luận tất yếu như sau:
A. Ít nhất là kể từ năm 1696, cách đây 312 năm, theo một nhân chứng khách quan, người Hoa, là Thích Đại Sán, tức hòa thượng Thạch Liêm, ghi rõ trong quyển sách Hải Ngoại Ký Sự của ông, là Việt Nam đã chiếm hữu thật sự đảo Hoàngng Sa, và các thương thuyền Trung Hoa , khi đến đảo Hoàng Sa, đã đóng thuế cho chính quyền Việt Nam ở đó. Sự chiếm hữu này của Việt Nam không những là sự chiếm hữu thật sự, và liên tục, mà còn là một sự chiến hữu hòa bình, và không có tranh chấp, vì không có một nước nào, kể cả Trung Quốc, tranh giành chủ quyền với Việt Nam trong thời điểm đó.
B. Sự xâm lăng bằng võ lực và chiếm đóng đảo Hòang Sa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, của Trung Quốc là phi pháp vì đây không phải là lãnh thổ vô chủ hay lãnh thổ đã bị quốc gia chiếm hữu từ bỏ, trái lại, Việt Nam đã liên tục chiếm hữu thật sự và thực hiện những hành động chủ quyền của mình trên đảo này ít nhất là trong suốt 278 năm trước đó. Và đã quyết liệt kháng cự hành động xử dụng võ lực xâm lăng của Trung Quốc.
Điêu 2, khoản 4 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nguyên tắc cấm xử dụng võ lực trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc này đựơc khẳng định nhiều lần trong các Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc, như Nghị Quyết 25-26 năm 1970, bốn năm trước khi Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm bằng võ lực: "Lãnh thổ của một quốc gia không thế là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do xử dụng võ lực trái với quy định của Hiến Chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của môt sự chiếm hữu bởi một quốc gia khác sau khi đe dọa hay xử dụng võ lực. Bất cứ sự thủ đắc lãnh thổ nào đạt đựơc bằng sự đe dọa hay xử dụng võ lực sẽ không đựơc thừa nhận là hợp pháp". Về các lãnh thổ đang có tranh chấp, Nghị Quyết này qui định: "Các quốc gia có bổn phận không đe dọa hay xử dụng võ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay để giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ, và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia".
Năm 1982, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on Law of Sea) công bố ngày 10 tháng 2 năm 1982 tai Montego Bay ở Jamaica và đã đựơc 159 quốc gia ký kết. Công ước về Luật Biển trở thành luật quốc tế và có giá trị kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1994 sau khi đựơc 60 quốc gia phê chuẩn.
Áp dụng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và các hiệp ước quốc tế như Định ước Berlin 1885, Luật Biển 1982 vào trường hợp đảo Hoàng Sa, ta có thể kết luận như sau:
1. Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và đã hành xử quyền làm chủ của mình trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, ít nhất là trong suốt 278 năm, trước khi bị Trung Quốc dùng võ kực chiếm đóng vào năm 1974.
2. Hành động xâm chiếm bằng võ lực này của Trung Quốc là bất hợp pháp theo luật quốc tế.
3. Trung Quốc phải hoàn trả quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, và bồi thường những thiệt hại cho Việt Nam do hành động xâm lăng phi pháp của mình, và những thiệt hại khác do bị mất quyền làm chủ và xử dụng quan đảo Hoàng Sa từ ngày 19 tháng 1 năm 1974 đến nay.
Những kết luận này cũng áp dụng đối với một phần quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm năm 1988 và đã gây thiệt mạng cho 64 binh sĩ Việt Nam.
Việt Nam bị Tàu xâm lăng, đô hộ hơn 1.000 năm, nhưng đã vùng lên đánh đuổi quân cướp nước ra khỏi bờ cõi. Cho nên ngày nay dù Trung Quốc đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp quần đảo Hòang Sa suốt 40 năm qua, và một phần của quần đảo Trường Sa, từ năm 1988, nhưng đều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ không có ngày lấy lại quyền làm chủ chính đáng, hợp pháp của mình.