NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LỜI TUYÊN NGÔN VỌNG MÃI NGÀN NĂM

( 01-09-2015 - 06:21 PM ) - Lượt xem: 1254

Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của một tầm tư tưởng, văn hóa lớn cộng với một nghệ thuật tài năng của nhà báo, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc Hồ Chí Minh. Cách mạng thật là một sự kỳ diệu và Tuyên ngôn Độc lập là một công trình tuyệt diệu.

Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam là một tuyên ngôn chính trị, trong đó kết hợp cả lịch sử, văn hóa.

Đó là một văn kiện được viết ra trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Văn bản được soạn ra trong một thời gian rất gấp rút. Ngày 27 tháng 8 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương họp, sau đó là Hội đồng Chính phủ họp. Nhiều việc trọng đại nhanh chóng được quyết định: lo tổ chức lễ Tuyên bố độc lập vào ngày 2 tháng 9 và trao trách nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn bản Tuyên ngôn Độc lập.

Từ ngày 28 tháng 8 năm 1945 – tức ngày 21 tháng 7 năm Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay vào soạn thảo văn bản lịch sử tại căn gác số 48 Hàng Ngang, Hà Nội với giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ đem từ chiến khu về.

Công việc hoàn thành nhanh đến mức không tưởng tượng nổi. Đó là công trình tuyệt vời của một trí tuệ siêu việt. Bởi Người đã tích lũy đủ tri thức lịch sử, văn hóa Đông, Tây, kim, cổ, kinh nghiệm dày dạn trong đấu tranh cách mạng hàng chục năm trời.

Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của một tầm tư tưởng, văn hóa lớn cộng với một nghệ thuật tài năng của nhà báo, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc Hồ Chí Minh. Cách mạng thật là một sự kỳ diệu và Tuyên ngôn Độc lập là một công trình tuyệt diệu (từ đây, xin gọi tắt là Tuyên ngôn).

***

70 năm qua.Tôi đã một đời đọc Tuyên ngôn, và đã đọc Tuyên ngôn bằng cả đời mình. Giờ đây, xin  được nêu  một vài  cảm nhận thấm thía nhất về nội dung, ý nghĩa.

Trước hết, Tuyên ngôn là một tuyên bố lý lẽ đanh thépđầy tính thuyết phục. Đó là tiếng nói chính thống, minh bạch trước công luận trong nước và trên thế giới, thu hút rộng rãi sự đồng tình, đồng thuận của nhân loại tiến bộ.

Người phát ngôn, từ năm 1925 là Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Người cùng khổ trên thế giới, đã thay mặt người dân thuộc địa lên tiếng tố cáo Bản ánchế độ thực dân Pháp. Giờ đây, chủ thể phát ngôn – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên án cáo chung chế độ thuộc địa và ra tuyên ngôn lập quốc, báo hiệu một thời đại mới từ Cách mạng tháng Tám.

Sự kiện lập quốc tập trung vào các lý lẽ chính yếu:

-              Việt Nam giành độc lập từ tay bọn thống trị.

-              Việt Nam lật đổ chế độ quân chủ, lập ra nền độc lập, xây dựng nhà nước cộng hòa.

-              Việt Nam đứng trong phe Đồng minh, có quyền hưởng độc lập.

Lời nói của Chủ tịch nước là lời nói chính thống đầy quyền uy. Đó là phát ngôn cho một dân tộc đã có tư cách, vị thế mới: độc lập, tự chủ.

Đối tượng tiếp nhận thật rộng rãi. Ngoài đồng bào trong nước, còn có người ngoại quốc, trong đó có cựu thù – thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng Nhật, đối thủ bại trận của Đồng minh. Ngoài ra, còn có cả những  kẻ thù chưa lộ mặt – bọn thực dân Pháp lăm le xâm chiếm lại Việt Nam theo lời tướng De Gaulle tuyên bố: “Chúng ta sẽ trở lại Đông Dương”. Rồi “Hoa quân nhập Việt” cũng sắp kéo quân vào Việt Nam, dây máu ăn phần và thừa cơ xâm lược.

Với những đối tượng ấy, Tuyên ngôn là tiếng nói đĩnh đạc, đường hoàng, kiêu hãnh. Nhưng, với phe Đồng minh, với nhân dân thế giới, đây lại là tiếng nói thân thiết, thiện cảm, tranh thủ.

Tuyên ngôn, mặt khác lại là một tiếng nói chiến đấu mạnh mẽ.

Với quốc dân đồng bào, Tuyên ngôn tạo được niềm tự hào cao độ, đồng thời huy động được sức lực nhiều nhất để giữ gìn độc lập, thể chế chính trị, phát huy một hào khí thời đại mới.

Với đất nước, bản Tuyên ngôn là cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, tạo cơ sở pháp lý để xác định quyền độc lập, tự  chủ bằng những lý lẽ “không thể chối cãi” về lịch sử, về chính trị. Đây được coi như chân lý, là sự khẳng định và bảo vệ quyền lợi cảu dân tộc: “Người Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực tế đã trở thành một nước tự do, độc lập”.

Tuyên ngôn dùng một thứ vũ khí và chiến thuật rất hiệu nghiệm là “gậy ông đập lưng ông”. Khi trích dẫn các bản Tuyên ngôn lập quốc của Pháp và Mỹ là ta đãdùng cáu gậy của cha ông chúng - Tuyên ngôn độc lập, Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền để đánh vào kẻ thù của độc lập, tự do.

Nói chung, đối với các lực lượng thù địch trong và ngoài nước, sự thể hiện uy quyền, khí thế dân tộc trong bản Tuyên ngôn như một áp lực dư luận gián tiếp, là một lời khuyến cáo, cảnh tỉnh, thậm chí răn đe mạnh mẽ.

Tuyên ngôn còn mang một thông điệpnhân văn cao cả.

Tâm nguyện cao cả, thiêng liêng nhất của con người dân tộc được bộc lộ qua Tuyên ngôn là được sống bình đẳng với mọi dân tộc và cần mong được cái quyền quý giá sinh ra ở đời là mưu cầuhạnh phúc như tinh thần của các Tuyên ngôn lập quốc tiến bộ, văn minh trên thế giới.

Đó cũng chính là chủ nghĩa nhân văn cao cả mà loài người mong muốn.

Về cơ bản, thực chất Tuyên ngôn lập quốc chính là Tuyên ngôn về lý tưởng độc lập, tự do – tức Tuyên ngôn về Nhân quyền của Việt Nam.

“Dân tộc Việt Nam đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp”... “đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít” chỉ để giành độc lập, tự do, là dân tộc đấu tranh kiên cường vì chủ nghĩa nhân văn trước  mắt nhìn của nhân loại.

Là dân tộc vốn chịu bao đau khổ bị nô lệ trong trường kỳ lịch sử, chỉ mong hòa hiến, hữu nghị, yêu chuộng hòa bình, giờ đây lại biết kiên quyết giữ vững nền tự do, độc lập, hạnh phúc bằng mọi giá, dám đánh cược vào tất cả của cải và tính mạng, phải là dân tộc chân thành, thân thiện và nhân ái nhất.

Dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử ấy là đại diện cho chính nghĩa. Đứng về phe Đồng minh, chống lại phát xít diệt chủng là dân tộc cực kỳ  nhân văn trong thời đại.

*

Tóm lại, Tuyên ngôn là một văn kiện lịch sử, trong đó hội tụ được cả ý chí, tâm hồn, tất cả tâm trí, lòng quả cảm và nhân hậu của dân tộc trong một tiếng nói công minh đầy thuyết phục trước dư luận thế giới.

***

Đọc văn ta thấy người. Làm nên một văn kiện hết sức quan trọng phải là một siêu tác giả.

Quả vậy, qua Tuyên ngôn hiện lên rõ một lãnh tụ anh minh thông tuệ như đại diện cho lương tri và tri thức, văn hóa dân tộc và nhân loại. Người như thâu tóm văn minh nhân loại qua các bản Tuyên ngôn lập quốc của Mỹ và Pháp, tức nắm được lịch sử tiến hóa, cụ thể là tiến bộ về trình độ dân chủ của nhân loại.

Từ chân lý ấy của con người, Người suy ra chân lý lịch sử mới cho thế giới: quyền bình đẳngdân tộc. Đó là cơ sở để khẳng định tính pháp lý cho nền độc lập quốc gia.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh luôn luôn là một người chiến sĩ đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do. Người đã tỉnh táo, sáng suốt, nhìn rõ bản chất và âm mưu của kẻ thù. Người đã cảnh tỉnh chúng bằng chính bài học của tổ tiên cha ông chúng qua các bản Tuyên ngôn lập quốc. Người đã dự cảm, tiên tri về nguy cơ của một cuộc tái xâm lược, và đã tìm cách ngăn chặn ý đồ ấy từ xa.

Bản Tuyên ngôn đã cho ta thấy rõ sách lược cách mạng, đó cũng là một tuyên bố về đường lối đấu tranh cách mạng dân tộc một cách minh bạch về vấn đề đối nội, cũng như đối ngoại.

Qua đó, thể hiện lòng quả cảmquyết liệt của vị lãnh tụ một cách gián tiếp, như lời tuyên chiến với mọi thế lực thù địch khi  phát ngôn lời thề dân tộc – “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn còn cho thấy tấm lòng thương cảmlớn lao của vị lãnh tụ cách mạng với số phận khổ đau của đồng bào.

Người tố cáo tội ác của kẻ thù thực dân với những lời thống thiết  gan ruột nhất. Những trang viết như đẫm nước mắt và máu, cũng là lời tuyên án chất chứa hờn căm: “thẳng tay chém giết”, “tắm các cuộc khởi nghĩa của chúng ta trong những bể máu”, “bóc lột dân ta đến xương tủy”. Ta nghe trong lời Người âm vang tiếng nói cha ông hờn căm tội ác “trời không dung, đất không tha” của Cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi.

Những trang sử bi thương được gợi lại về cảnh “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói” cũng thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của lãnh tụ. “Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn lăm khủng khiếp” (nhà thơ Cuba A. Rodriguez).

Tuyên ngôn đã  nói lên cốt cách tâm hồnđại nhân từ Hồ Chí Minh.

Một cách trực tiếp, Người không chỉ yêu thương tha thiết mà còn tôn vinh rấtmực dân tộcquật cường trong lịch sử đấu tranh hiện đại. Tuyên ngôn đã nêu ra những sự thật như lý lẽ, bằng chứng xác đáng, đầy tính thuyết phục. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”, và khẳng định Việt Nam đã “gan góc đứng về phe Đồng Minh chống Phát xít mấy năm nay”.

Trích dẫn hai bản Tuyên ngôn lập quốc của Mỹ và Pháp nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, lãnh tụ đã nâng tầm vóc văn hóa của dân tộc ngang tầm lịch sử văn minh thế giới. Đó là truyền thống của một dân tộc có truyền thống thi thư văn hiến từ hàng nghìn năm, góp phần mở trang sử mới cho văn hóa, văn minh nhân loại.

Thật vậy, Cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt hoàn toàn ngàn năm chế độ phong kiến, lật đổ ách thống trị  ngót  trăm năm của thực dân, đế quốc. Đó là tác động chặt đứt một mắt xích quan trọng trong chuỗi dây xích đô hộ  toàn cầu, cũng  khác nào nổ  phát súng lệnh cho cuộc tiến công của thế giới thứ ba  vào dinh lũy thực dân.

Hơn thế nữa, vị thế lịch sử của dân tộc chính là “gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”, “lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Đó là sự mở ra một bình minh mới ở châu Á như sức tỏa sáng của dân tộc cách mạng trong thời đại.

***

Trong truyền thống đấu tranh của dân tộc, ta có “Thơ Thần” của Lý Thường Kiệt, Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi như những áng tuyên ngôn độc lập khắc nên những dòng chữ vàng rực rỡ trên bia  đá lịch sử muôn đời.

Tuyên ngôn Độc lập đã kết tinh được truyền thống yêu nước của dân tộc và tinh thần đấu tranh vì “độc lập, tự do, vì nhân quyền và dân quyền của dân tộc và nhân loại” của thời đại.

Đọc lại bản Tuyên ngôn dưới ánh sáng lịch sử mới, ta thêm thấm thía tinh thần một áng thiên cổ hùng văn thời hiện đại. Cũng là để tăng thêm lòng tự hào dân tộc, và trân trọng, quý mến, biết ơn một thiên tài cách mạng vĩ đại – Người mở Nước, khai sáng kỷ nguyên độc lập, tự do, cũng là Người dựng Nước vẻ vang trong muôn đời lịch sử dân tộc.

LờiTuyên ngôn – Lời Bác – Lời Non Nước vọng mãi ngàn năm.

CHÚ THÍCH

 PGS. TS ĐOÀN TRỌNG HUY,

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các Bài viết khác