NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HƯƠNG VỊ TẾT HÀ NỘI XƯA

( 13-02-2021 - 01:02 AM ) - Lượt xem: 1304

Ông ngoại tôi là một công chức bậc trung của Tòa án Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, thường được gọi là ông Phán. Ông có hai bà vợ là bà cả (được 4 người con là bác Phúc, bác Sâm, bác Ngọc, cô Trà) và bà hai (cũng được 4 con là cô Thảo, cậu Bính, dì Dung, dì Quỳ). Cả gia đình đông đúc ấy chung sống hòa thuận cùng với hai cụ thân sinh ông ngoại tôi trong một ngôi nhà lớn ở phố Wielé (nay là phố Tô Hiến Thành) Hà Nội.

Ngôi nhà ông ngoại tôi luôn là tổ ấm của gia đình, mặc dù ông có phần yêu quý bà hai hơn bà cả. Dù là con của bà nào, các anh chị em trong gia đình vẫn hết sức thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Vì các con bà cả lớn tuổi hơn nhiều, đã sớm lập gia đình riêng (ngoại trừ cô Trà), nên các con bà hai thân thiết với nhau hơn. Họ thường cùng nhau chơi đùa, cùng đi dạo phố hoặc rủ nhau đi xem chiếu bóng. Cả bốn chị em cùng ham thích văn nghệ, nên trong nhà luôn có các nhạc cụ thông thường của tân nhạc: đàn guitar, banjo, alto, mandoline…Các ca khúc lãng mạn trữ tình của những tác giả tân nhạc Việt Nam  đầu tiên thường vang lên trong các buổi ca nhạc gia đình. Tuy vậy, mỗi người cũng có một sự đam mê khác nhau. Cậu Bính rất ham thích vẽ, nên đã vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dì Dung say mê ca hát và hát khá hay. Dì Quỳ nhỏ nhất nhà lại ham thích múa. Cô Thảo (người sẽ trở thành mẹ tôi sau này) cũng thích ca nhạc, nhưng còn ham mê đọc sách hơn. Ngoài chương trình học ở trường nữ học Đồng Khánh, cô Thảo thường đọc tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn, lại còn được cha dạy chữ nho và giảng truyện Kiều cho nghe. Cô đã học hết bậc Cao đẳng Tiểu học và còn là một trong số ít phụ nữ Hà thành đầu tiên biết và dám đi xe đạp.

Táo Quân, Tranh Đông Hồ

 

Những ngày Tết bao giờ cũng là dịp tận hưởng hạnh phúc trong tình cảm gia đình. Việc chuẩn bị Tết thường được bắt đầu vài hôm trước ngày ông Táo lên chầu trời. Cây tràng pháo leo bên cổng nhà phải được chăm bón sao cho những chuỗi hoa màu đỏ hoa hiên của nó bừng nở giống như tràng pháo. Ông ngoại tôi không quên treo ngoài cổng tấm biển “Về quê ăn Tết”, để khỏi phải nhận quà biếu của những người hàm ơn hay muốn nhờ vả mình. Nhà cửa được sơn sửa sạch đẹp; mọi thứ đồ đồng và đồ gỗ trong nhà đều được đánh bóng. Sập gụ được trải đệm gấm hoặc đệm dạ, bộ ghế tiếp khách cũng được trải đệm thổ cẩm và đệm thêu. Các giò thủy tiên được mua về để gọt tỉa củ cái sao cho hoa nở đúng ngày đầu năm mới. Một cây nêu được dựng giữa sân để yểm trừ ma quỷ, không cho chúng vào nhà. Bà hai cùng cô con gái lớn của mình đi xe kéo lên phố Hàng Đường và chợ Đồng Xuân mua các loại thực phẩm đặc biệt dùng trong dịp Tết, bao gồm cả thịt, đậu và lá dong để gói bánh chưng. Các cô cậu khác đến làng hoa Nhật Tân chọn mua cành đào, rồi mua các loại hoa quả về trưng bày. Ông Phán đích thân dùng mực tàu giấy đỏ viết đôi câu đối treo hai bên bàn thờ, thay cho đôi câu của năm cũ cũng do chính ông viết. Mọi người trong nhà lần lượt tắm gội thật sạch sẽ trước lúc giao thừa với nước nóng và hương thảo mộc hay xà phòng thơm tùy sở thích của mỗi người. Tối 30, sau khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, cô Thảo thường giúp bà nội mình bỏ tiền vào các phong bao màu đỏ để cụ mừng tuổi con cháu vào ngày đầu năm mới. Ông Phán đốt trầm hương trong chiếc đỉnh trên bàn thờ và chuẩn bị lễ cúng giao thừa. Mùi trầm hương êm dịu và thanh cao lan tỏa khắp nhà tạo nên cảm giác lâng lâng thoát tục trong những ngày Tết vui tươi và đầm ấm. Đúng lúc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng giữa đêm giao thừa, một tràng dài gồm hàng trăm pháo “tép” xen lẫn những quả pháo “đùng” treo trên cây nêu được đốt nổ vang nhà cùng tiếng pháo râm ran trên khắp thành phố, để xua đi những gì xui xẻo trong năm qua và đón mừng năm mới tốt lành vừa tới.

Sáng mùng một Tết, mọi người trong nhà ăn mặc thật đẹp với quần áo mới tụ họp ở phòng khách. Cụ bà thân sinh ra ông ngoại tôi mặc áo gấm chít khăn nhung ngồi nghiêm trang trên sập gụ (khi mẹ tôi ra đời thì cụ ông đã mất). Dưới nền gạch có trải chiếu hoa, toàn thể con cháu (cả dâu và rể) theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt tiến đến chúc thọ cụ, rồi được nhận phong bao tiền mừng tuổi của cụ. Ai cũng muốn cho lời chúc của mình thật hay để cả nhà cùng vui. Trong ngày hôm đó, ông bà ngoại tôi đi chúc tết họ hàng và bạn bè. Các con ở nhà thỏa sức vui chơi hay đi cùng bè bạn. Bữa cỗ tối hôm đó rất thịnh soạn. Ngoài bánh chưng với dưa hành và “giò, nem, ninh, mọc” theo truyền thống, mâm cỗ thường có bốn món nước là bóng, miến, măng, mực với thịt gà luộc kèm lá chanh, thịt xào hạnh nhân trộn mộc nhĩ nấm hương và một món nộm chua ngọt hơi cay giúp người ăn thêm ngon miệng. Sau bữa ăn, cả nhà cùng nhau đánh bài: người lớn “xoa” mạt chược hay đánh tổ tôm, trẻ con chơi tam cúc hay cá ngựa cho đến tận đêm khuya.

Thời con gái của mẹ tôi cứ thế êm đềm trôi năm này qua năm khác, ngay cả khi chiến tranh thế giới bùng nổ rồi quân Nhật kéo vào Đông Dương.

Một hôm, chị Thảo cùng em Bính ra phố mua đồ dùng, tiện thể ghé vào một hiệu phở để điểm tâm. Đang ăn bỗng phát hiện một chàng trai ngắm nhìn mình say đắm, chị thẹn thùng tự nhủ: “Nhìn gì mà ghê thế!”, nhưng trong lòng bỗng dưng xao xuyến. Trong bộ trang phục giản dị gồm sơ mi trắng và quần kaki, chàng thanh niên trán cao có đôi mắt sáng với tia nhìn mạnh mẽ và đôi môi tươi cười hợp thành một khuôn mặt rất đẹp trai đã làm rung động tâm hồn cô thiếu nữ 19 tuổi. Rõ ràng tiếng sét ái tình cùng một lúc đã đánh trúng cả hai người mà sau này sẽ trở thành cha và mẹ tôi.

 (Trích chương I Hồi ký “Nước chảy dưới chân cầu”)

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác