NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HỒN MA BAO CẤP HIỆN VỀ

( 20-05-2016 - 01:56 PM ) - Lượt xem: 1150

Theo lời phát ngôn của chánh văn phòng UBND Quận, tư duy theo cơ chế quan liêu-bao cấp càng được thể hiện rõ ràng: các hộ kinh doanh ở phố Lê Trọng Tấn được bao cấp, không phải chi tiền cho các bảng hiệu làm theo quy định của quận! Đây chính là cái giá mà các chủ hộ kinh doanh được trả để từ bỏ quyền tự do thiết kế bảng hiệu của mình.

 Những quy định của chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) về mẫu thống nhất cho bảng hiệu các cửa hàng ở phố Lê Trọng Tấn có nhiều điều đáng nói.

 Việc chính quyền quận này từ bỏ tính đa dạng và phong phú muôn màu muôn vẻ của các bảng hiệu trên đường phố, để đổi lấy tính đồng phục đơn điệu về kích cỡ, màu sắc và kiểu dáng của các bảng này đã cho thấy đây là vấn đề liên quan đến khả năng cảm nhận mỹ thuật của các quan chức.

 Nhưng quan trọng hơn, những quy định đó xuất phát từ cách tư duy theo cơ chế quan liêu-bao cấp của 30 năm trở về trước: mọi hoạt động trong xã hội đều phải thống nhất cùng một khuôn mẫu do chính quyền áp đặt. Thời ấy không có doanh nghiệp tư nhân mà quyền kinh doanh thuôc về nhà nước và các tập thể; nên trên đường phố chỉ có 2 loại bảng hiệu chính thức thống nhất về nội dung với tên chung để chỉ cơ quan chủ quản là “Mậu dịch Quốc doanh” và “Hợp tác xã”, kèm theo tên riêng để chỉ mặt hàng hay dịch vụ của cửa hàng (“Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp”, “Cửa hàng Kim khí Điện máy”, “Cửa hàng Ăn uống Tổng hợp”, “Cửa hàng Lương Thực số X”, “Cửa hàng Chất Đốt số Y”, “Sửa chữa Xe đạp-Xe máy”, “Phục vụ Mai táng”…). Các bảng hiệu này đều được trình bày theo mẫu thống nhất: hình chữ nhật nằm ngang, chữ viết cùng kiểu màu xanh hoặc nâu trên nền trắng. Bảng hiệu như vậy là thích hợp với nền kinh tế bao cấp không cạnh tranh lợi nhuận nên không có chức năng quảng cáo hay tiếp thị.

  Ngày nay, nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường, nên bảng hiệu của mọi doanh nghiệp trở nên đa dạng và phức tạp hơn nhiều, với thương hiệu riêng, logo riêng, chất liệu riêng, cách thức trình bày riêng, nghệ thuật chiếu sáng riêng… Tất cả những sự riêng biệt ấy làm nổi bật sự đặc sắc của bảng hiệu, để nó đáp ứng được chức năng quảng  cáo và tiếp thị cho doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh trên thương trường. Bởi thế, khi ngắm các bảng hiệu dọc đường Lê Trọng Tấn dập khuôn nhau về hình thức (cùng kiểu dáng, cùng chất liệu, cùng kích cỡ, cùng kiểu kiểu chữ với 2 màu xanh đỏ…) và cùng chứa đựng nội dung giống nhau về xuất xứ và địa chỉ cửa hàng (“Công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu xe đạp”, “Thương mại Xanh”…) và về loại hàng hóa hay dịch vụ trong đó (“Hoa Quả nhập khẩu”, “Đồ bơi”…) mà không hề có nhãn hiệu hay thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp, du khách cảm nhận ngay được rằng hồn ma của thời bao cấp đã hiện về nơi đây.

Giống hệt các bảng hiệu của thời bao cấp về cả hình thức lẫn nội dung, các bảng hiệu theo quy định của quận Thanh Xuân thiếu hẳn chức năng quảng cáo và tiếp thị của nền kinh tế thị trường.Theo đó, nếu hãng điện tử Apple và hãng sữa Nestlé khởi nghiệp ở quận Thanh Xuân của thủ đô Việt Nam, thì họ không bao giờ có được những nhãn hiệu lừng danh với hình Trái Táo khuyết góc và hình Tổ Chim ấm áp!

 Theo lời phát ngôn của chánh văn phòng UBND Quận, tư duy theo cơ chế quan liêu-bao cấp càng được thể hiện rõ ràng: các hộ kinh doanh ở phố Lê Trọng Tấn được bao cấp, không phải chi tiền cho các bảng hiệu làm theo quy định của quận! Đây chính là cái giá mà các chủ hộ kinh doanh được trả để từ bỏ quyền tự do thiết kế bảng hiệu của mình. Cũng theo lời phát ngôn trên, với những bảng hiệu như vậy quận “mong muốn làm một tuyến phố kiểu mẫu”. Chỉ có tư duy theo cơ chế quan liêu bao cấp mới nghĩ ra việc làm những thứ “kiểu mẫu” cho mọi người noi theo. Trên thế giới có những đường phố lừng danh như Wall Street ở Mỹ hay Đại lộ Champs-Élysées ở Pháp… Nhưng chưa bao giờ chủ nhân của các đường phố ấy coi chúng là “kiểu mẫu” cho bất cứ ai!

Mọi thông tin về việc chỉnh trang đường phố Lê Trọng Tấn còn cho thấy những dấu hiệu của vấn đề làm ăn kinh tế giữa chính quyền quận với một “đơn vị tài trợ” nào đó. Chẳng hạn, người ta có thể suy đoán rằng: một hãng sơn nào đó bị tồn đọng lâu ngày hai loại sơn màu xanh và màu đỏ đã liên kết với chính quyền quận, để thực thi giải pháp dựa trên các bảng hiệu ở phố Lê Trọng Tấn.

 

                                                                                                     LÊ VINH QUỐC

                                                                                                     (Tiến sĩ Giáo dục)

18-5-2016

Các Bài viết khác