HỘI THẢO “NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG TỪ KHỞI NGUỒN DỤC TÚ - ĐÔNG ANH”
( 28-07-2015 - 10:01 PM ) - Lượt xem: 1489
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đa tài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn xuôi, kịch. Những thành công mà ông có được một phần là nhờ ảnh hưởng từ truyền thống quê hương ông - xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội - một ngôi làng cổ ven sông Hồng
Sáng ngày 17/7, tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh”, nhân kỷ niệm 55 ngày mất của nhà văn.
Cuộc hội thảo do UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, NXB Kim Đồng tổ chức; nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng nhân 55 năm ngày ông đi xa.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đa tài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn xuôi, kịch. Những thành công mà ông có được một phần là nhờ ảnh hưởng từ truyền thống quê hương ông - xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội - một ngôi làng cổ ven sông Hồng. Nhờ đó, sáng tác của ông giúp người đọc hình dung rõ hơn về những thăng trầm của đất kinh kỳ Kẻ Chợ, từ thuở An Dương Vương xây thành ốc đến Hà Nội những năm hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Tuy chỉ sống cuộc đời ngắn ngủi (ông mất ngày 25/7/1960, hưởng dương 48 tuổi) ông đã để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa, cách mạng đa dạng.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn hóa lớn của làng văn học Việt Nam. Ông viết nhiều thể loại: Truyện ký, kịch với nhiều để tài, từ đề tài lịch sử, Thăng Long Hà Nội, chiến tranh vệ quốc , cho đến đề tài dành cho thiếu nhi. Thể loại nào, đề tài nào, tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng mang giá trị vượt thời gian, vì trong đó chứa đựng và đặt ra những tư tưởng lớn rất sấu sắc; mà đỉnh cao là kịch “Vũ Như Tô” và tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Ông cũng được ghi nhận là một cây bút đặc sắc cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm như “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi dưới chế độ mới và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.
Ngay từ tác phẩm đầu tay "Cái đời tôi" ông viết riêng cho mình, Nguyễn Huy Tưởng đã dành trọn vẹn những trang viết đầu đời để kể về quê hương và gia đình. Từng người làng thân thuộc như ông phó Cõi, cô Thứ hay những ấn tượng về cảnh vật quê hương, nghề nuôi tằm, dệt vải đều được ông tái hiện trong các sáng tác tiêu biểu như: kịch "Vũ Như Tô", tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô", tùy bút "Một ngày Chủ Nhật", bút kí "Ngày mùa"... Đặc biệt trong nhật kí và tự truyện của ông, người đọc có thể nhận thấy chuyển động của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, về hành trình sáng tạo của một lớp người trẻ.
Giáo sư Phong Lê đã phát biểu tại Hội thảo về nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng có đoạn: “Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta được biết về ông, qua văn xuôi và kịch. Về một hành trình sáng tạo nhiều hồi hộp, sôi nổi, hào hứng nhưng cũng lắm khi khắc khoải, bi quan. Cái nghề văn được khẳng định từ 1930, như “phận sự của một người tầm thường”, “yêu nước” rồi sẽ thành một băn khoăn; thậm chí, một ăn năn thối chí, 28 năm sau, vào năm 1958 sóng gió, trong lời ông nói với vợ: “Sau này các con đừng cho chúng nó theo nghề văn làm gì cho nó khổ!”
Còn theo PGS.TS Nguyễn Bích Thu - Viện Văn học nói: “Trong những trang viết của mình, dù viết về những đề tài không gắn liền với văn hóa, ông vẫn đưa được những giá trị văn hóa đan xen trong tác phẩm. Ý thức đó thấm vào sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng chú ý đến những căn nhà Hà Nội xưa với vẻ lô xô, mái ngói thâm nâu, những giá trị văn hóa ẩm thực... được ông miêu tả trong những trang sách của mình, làm cho cảm thụ của người đọc mang sắc thái phong phú, đa dạng, bớt đi sự căng thẳng, đặc biệt trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh.”
Nhà văn Lê Phương Liên phát biểu tại Hội thảo
Nhà văn Lê Phương Liên một thành viên thông tấn của CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng lại rất tâm đắc với mảng đề tài cổ tích của Nguyễn Huy Tưởng, trong tham luận tại Hội thảo, nhà văn nói “Nhà văn (Nguyễn Huy Tưởng) chắc chắn phải là một người am tường lịch sử hiểu rõ thời kỳ sơ khai của dân tộc mới có thể phác họa được một nhân vật An Dương Vương dân dã như vậy, thật hoàn toàn khác sau này, khi ông viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, miêu tả vua Trần với các vương hầu, tướng lĩnh… tác giả lại có lối viết khác hẳn trong khi thể hiện cử chỉ lời nói đậm chất văn hóa quý tộc của một thời đại phong kiến đã phát triển”và đây là phần kết của bài tham luận “Càng tìm hiểu sâu hơn về những tác phẩm của ông chúng ta càng muốn nói lên tình cảm tri ân với quê hương nhà văn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn văn học của ông từ thời thơ ấu. Riêng bản thân, tôi cũng cảm thấy đã mang ơn nghĩa của vùng đất “Đông Ngàn - Vũ Ninh” xưa, nơi là miền cổ tích của tâm hồn tôi./.”
Điều đặc biệt ở hội thảo là sự tham gia của ba thành viên CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tại Tp.Hồ Chí Minh với ba bài tham luận của các thành viên PGS.TS Đoàn Trọng Huy; PGS.TS Lê Vinh Quốc và ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm CLB.
Ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng tham luận tai Hội thảo
Trong bài viết có tựa “Nguyễn Huy Tưởng nhà văn tiên phong tài năng” của mình tác giả Đoàn Trọng Huy khẳng định “Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đa tài trên lĩnh vực văn xuôi”, còn “Kịch và tiểu thuyết lịch sử là mảng sáng tác xuất sắc mang đặc hiệu Nguyễn Huy Tưởng”. Và tác giả kết luận: “Đời viết Nguyễn Huy Tưởng không dài, chính thức là 20 năm kể từ vở kịch Vũ Như Tô (1941) đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô(xuất bản năm 1961, một năm sau khi tác giả qua đời). Nhà văn đã sống quãng thời gian đầy sôi động và quyết liệt trong hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám đến những ngày kháng chiến chống Pháp và hòa bình xây dựng đầu tiên trên miền Bắc. Ra đi ông còn ôm ấp bao dự định sáng tạo đồ sộ và tâm huyết lớn lao.
Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn hiện đại. Tác phẩm của ông khi ra đời thường gây được tiếng vang trong dư luận và quan trọng hơn là, tiếng nói văn chương ấy như tiếng vọng thời gian ngân mãi trong tâm hồn bạn đọc các thế hệ.”
Còn với PGS.TS Lê Vinh Quốc lại rất tâm đắc với bút ký “Một ngày Chủ nhật” của Nguyễn Huy Tưởng bằng bài tham luận mang tên “Nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng trong “Một ngày Chủ nhật”. Tiến sĩ đã đặt “một ngày Chủ nhật” ấy trong bối cảnh lịch sử để phân tích và từ đó khẳng định giá trị của bút ký và tài năng cũng như nhân cách của Nguyễn Huy Tưởng. Kết luận bài biết của mình ông viết:
“Dù sao đi nữa, những gì diễn ra ở nước ta cũng như trên thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy những sự day dứt, đau khổ, lo lắng và dự cảm trong nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng vào Một ngày chủ nhật u ám ấy là hoàn toàn chính xác. Cầu mong lòng yêu nước và yêu thương con người sâu sắc của Nguyễn Huy Tưởng để lại trong các tác phẩm đặc sắc và di cảo quý báu của ông tiếp tục giúp dân tộc ta đưa công cuộc đổi mới đi lên, tiến tới ngày mai tươi sáng cho Tổ quốc Việt Nam.”
Với tham luận của ông Phạm Thế Cường tại hội thảo đã nói lên những hoạt động nổi bật của CLB người yêu sách mang tên Nguyễn Huy Tưởng và khẳng định “Câu lạc bộ Người yêu sách chúng tôi được mang tên Nguyễn Huy Tưởng là một vinh dự rất lớn và cũng là một trách nhiệm nặng nề, nhưng đến nay nhìn lại, chúng tôi thật tự hào là một tổ chức tư nhân với lòng say mê đọc sách, học hỏi trong sách đã tổ chức hoạt động một cách hiệu quả, tạo được sức lan tỏa trong xã hội và thật sự là một tổ chức quần chúng tự lập có uy tín.”
Chính vì sự đóng góp có ý nghĩa vào thành công của Hội thảo, kết luận bản đề dẫn của mình PGS.TS Đỗ Huy Quang thay mặt Ban tổ chức hội thảo đã nói “Xin cám ơn các tác giả đã nhiệt tình viết bài tham gia Hội thảo, đặc biệt cảm ơn các tác giả từ Thành phố Hồ Chí Minh xa xôi đã có bài và có mặt hôm nay”.
Thật vậy, CLB Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng thật xứng đáng với lời cám ơn của Ban tổ chức Hội thảo và sự hoan hô nhiệt liệt của những người tham dự Hội thảo.
NYS NHT