NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GIÁO SƯ PHẢI NHƯ THẾ NÀO?

( 14-02-2018 - 09:54 AM ) - Lượt xem: 883

Lời giải đáp cho những câu hỏi đó phải được tìm từ nguồn gốc của vấn đề: giáo sư là gì (thuật ngữ “giáo sư” ở đây xin được dùng chung cho cả GS và PGS)? Họ đảm đương chức trách gì trong nền giáo dục? Phải là người thế nào mới có thể trở thành giáo sư?

Trong đợt xét công nhận Chức danh Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS) năm 2016, số người được công nhận lên tới 703 (bao gồm 65 GS và 638 PGS) đã làm xôn xao dư luận xã hội; nhưng số được công nhận của năm 2017 còn vượt xa hơn thế với 1.226 vị được trao Giấy Chứng nhận, khiến cho dư luận lại bị chấn động hơn nữa. Chung quanh số liệu tăng vọt đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Những người được công nhận đó có thực sự đạt chuẩn? Số lượng GS và PGS ở nước ta hiện nay là nhiều hay ít? Việc tăng nhanh số lượng GS và PGS có giúp cho nền khoa học và giáo dục thêm vững mạnh?...

 Lời giải đáp cho những câu hỏi đó phải được tìm từ nguồn gốc của vấn đề: giáo sư là gì (thuật ngữ “giáo sư” ở đây xin được dùng chung cho cả GS và PGS)? Họ đảm đương chức trách gì trong nền giáo dục? Phải là người thế nào mới có thể trở thành giáo sư?

 

 1. Theo mô thức quốc tế, Giáo sư (Professor) là chức vụ chuyên môn học thuật cao nhất và quan trọng nhất trong hệ thống giáo chức đại học, thường được chia thành 3 bậc là Giáo sư thực thụ (Full Professor), Giáo sư Phụ tá (Associate Professor) và Giáo sư Trợ lý (Assistant Professor). Giáo sư là người chịu trách nhiệm cao nhất về khoa học của một bộ môn học thuật với những giáo trình trọng yếu được giảng dạy và các đề tài nghiên cứu của nó. Thấp hơn Giáo sư là cấp Giảng viên (Lecturer) thường có 3 bậc là Giảng viên chính (Senior Lecturer hay Full-time Lecturer), Giảng viên (Lecturer) và Trợ giảng (Associated Lecturer hay  Part-time Lecturer) có trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu những bộ môn do các giáo sư chủ trì.

 Ở Việt Nam, GS (tương tự như Full Professor) và PGS (tương tự Associate Professor) cũng chiếu theo mô thức này; nhưng chức trách, tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn của các danh xưng đó thì lại khác.

 Quyết định số 162/CP ngày 11-9-1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu được tôn vinh” đã khởi đầu cho sự hiện diện các GS và PGS trên toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. Theo đó, GS và PGS là các phẩm hàm để phong thưởng tôn vinh những cán bộ khoa học và giáo dục có thành tích, chứ không phải là những chức vụ khoa học để các nhà chuyên môn đảm trách; đồng thời đó là những GS và PGS chung cho “tất cả các ngành nghề chuyên môn” trong cả nước, chứ không chỉ là GS và PGS của riêng các trường đại học; và quyền xét phong thưởng này thuộc về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, chứ không phải là một cơ quan khoa học. Từ cách quan niệm và thực hiện như vậy, tiêu chuẩn xét duyệt để “phong hàm” sẽ thiên về số lượng sản phẩm và thời gian hoạt động đáp ứng các thủ tục hành chính, hơn là xác định giá trị các công trình khoa học của các ứng viên. Do đó, bên cạnh những nhà khoa học thực sự xứng đáng với chức vụ GS hoặc PGS, nhiều người được “phong hàm” chỉ là để đánh bóng tên tuổi và tiến thân trên con đường danh vọng, mà không phát huy được tác dụng nào trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học; một số không ít trong đó chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.

  Tiếp theo đó, Hội đồng Học hàm Nhà nước được thành lập để “Xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận Học hàm GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn” (Nghị định số 21/CP ngày 4-3-1995 của Thủ tướng Chính phủ). Như vậy, việc “phong học hàm” của Thủ tướng đã được chuyển thành việc “công nhận học hàm” do Hội đồng thưc hiện. Thế tức là quyền xét cấp học hàm đã được chuyển từ cơ quan hành chính cao nhất sang một hội đồng khoa học.

 Mặc dù có những sự chuyên đổi như vậy, bản chất của các “học hàm” vẫn không thay đổi. Các GS và PGS vẫn là của “tất cả các ngành nghề chuyên môn” chứ không thuộc về hệ thống giáo chức đại học. Các học hàm vẫn chỉ là để “tôn vinh” người được công nhận, chứ không phải để họ làm việc với chức trách tương xứng với “hàm” của mình. Tiêu chuẩn xét duyệt vẫn căn cứ vào thâm niên công tác, số giờ giảng dạy, số lượng các bài viết (không rõ chất lượng khoa học đến đâu). Vì vậy, chất lương của các “học hàm” vẫn không được cải thiện. Giáo sư Hoàng Tụy đã chỉ ra rằng: “Các tiêu chuẩn định lượng bằng cách tính điểm như của ta có vẻ chặt chẽ khoa học, song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học”. Ông khẳng định “quan niệm học hàm kiểu phong kiến” với “các tiêu chuẩn định lượng” như vậy đã dẫn đến “hậu quả là ta có quá nhiều GS, PGS hữu danh vô thực, cách xa chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng mất đi không ít những nhà khoa học trẻ tài năng mà lẽ ra, nếu được công nhận vị trí xứng đáng, đã có thể đóng góp nhiều cho đất nước”. Giáo sư Tụy nói hoàn toàn đúng, nhưng ông vẫn còn chưa tính đến con đường bí mật để “chạy học hàm” mà chỉ những người trong cuộc biết với nhau sẽ làm tăng nhanh số “hữu danh vô thực” này.

 

2. Nhận thấy khái niệm “học hàm” không phù hợp với mô thức quốc tế và việc “công nhận” nó chưa đủ sức mạnh pháp lý, chính phủ cho ban hành Nghị định số 20/2001/NĐ-CP (năm 2001) “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS”; trong đó “Hội đồng Chức danh Nhà nước” (HĐCDNN) được thành lập thay cho Hội đồng Học hàm trước kia. Nghị định này dẫn tới 3 sự thay đổi so với trước: “học hàm” GS, PGS trở thành “chức danh”; việc “công nhận học hàm” được thay bằng một quy trình hai công đoạn là “xét công nhận”“bổ nhiệm vào ngạch”; đồng thời tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào ngạch là phải có dạy đại học. Nhìn chung, những sự thay đổi này là đúng hướng, nhưng vẫn mang nặng tính hình thức mà chưa dẫn đến một sự biến chuyển về thực chất nào. Trong khi các tiêu chuẩn và cách thức xét duyệt để công nhận chức danh hầu như vẫn được giữ nguyên, thì việc chuyển “học hàm” thành “chức danh” chỉ thuần túy là sự thay đổi cái vỏ ngôn từ. Trong hai công đoạn của quy trình xét duyệt, thì công đoạn “xét công nhận” có vai trò quyết định và vẫn được tiến hành như việc xét phong học hàm trước kia; còn công đoạn “bổ nhiệm vào ngạch” chỉ là thủ tục hành chính để buộc các ứng viên phải xuất trình “bằng chứng” là “có dạy đại học” (đương sự chỉ cần “chạy” để xin giờ dạy ở một trường đại học nào đó là được “bổ nhiệm”). Quy trình như vậy vẫn chưa thể bảo đảm cho các GS và PGS trở thành giáo sư đại học thực sự: “chạy” đươc một số giờ dạy ở trường đại học không phải là chức trách của giáo sư đại học.

Để tiếp tục đổi mới quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của nước ta, chính phủ đã ban hành Quyết định 174/2008/QĐ-TTg (năm 2008) và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg (năm 2012), được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa bằng các Thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (năm 2009) và Thông tư 20/2012/TT-BGDĐT (ngày 11-9-2012). Theo đó, công đoạn “xét công nhận” vẫn thuộc quyền HĐCDNN; còn  công đoạn “ bổ nhiệm vào ngạch” được chuyển cho Hội đồng Chức danh Cơ sở (thuộc các trường đại học) và Hội đông Chức danh Ngành (hoặc Liên Ngành). Sự đổi mới về hệ thống tổ chức xét duyệt như vậy có vẻ đã đưa các GS và PGS của ta tiến gần tới hình thức “giáo sư đại học” quốc tế; nhưng vẫn chưa phân biệt được chức trách của các chức danh này với các giảng viên bình thường ở trường đại học, nên các GS và PGS được bổ nhiệm vẫn chưa phải là giáo sư thực sự.

 Các trường đại học Việt Nam hiện nay cũng có đủ cả GS, PGS, Giảng viên, Giảng viên chính và Giảng viên cao cấp tương tự như ở nước ngoài; nhưng lại không phân biệt được chức trách của từng danh vị đó trong cả hệ thống là như thế nào. Các cấp giảng viên kể trên không được coi là chức danh, mà chỉ là “ngạch công chức” để xếp lương. Ngược lại, các GS và PGS là “chức danh” nhưng lại không có một chức trách khoa học rõ ràng nào để phân biệt họ với giảng viên các cấp. Vì thế, nhà trường đại học Việt Nam coi GS và PGS cũng chỉ là một loại giảng viên như những cán bộ giảng dạy khác. Không phải ngẫu nhiên mà các phương tiện truyền thông nước ta thường giới thiệu các vị có chức danh theo mẫu sau:  “GS-TS Trần Văn Thìn - giảng viên trường đại học X”. ( Ở nước ngoài, người ta phải viết “TS John Smith - Giáo sư Đại học Y”; hoặc đơn giản hơn: GS John Smith của Đại học Y ).

 Sự mù mờ về chức trách dẫn tới sự bất cập về quy trình và tiêu chuẩn tuyển chọn, khiến cho các chức danh GS và PGS chủ yếu vẫn là để tôn vinh và hưởng lợi, mà không gắn chặt với sứ mệnh khoa học của một bộ môn trong một trường đại học cụ thể nào.

 

 3. Theo tiêu chuẩn quốc tế, GS phải là những nhà khoa học hàng đầu của các bộ môn trong từng lĩnh vực. Vì thế, số lượng GS trong các trường đại học ở một nước ít hay nhiều là do nền tảng phát triển khoa học của nước đó quyết định. Bởi vậy, chỉ những cường quốc công nghiệp phát triển (đồng nghĩa với khoa học phát triển) mới có những  đại học đầy đủ GS các cấp cho tất cả các ngành đào tạo và nghiên cứu. Ở các nước đang phát triển (với trình độ khoa học chưa cao) như Thái Lan, Malaysia hay Philippines, sự thiếu vắng hoặc hiếm hoi các GS đầu ngành trong các trường đại học là thực trạng bình thường. Đội ngũ giáo chức đại học ở các nước này không có đủ các giáo sư mà chủ yếu vẫn là các giảng viên (với đa số có bằng TS của Mỹ hay các nước châu Âu). Dựa trên nền tảng vững chắc của khoa học hiện đại (với nhiều giáo trình được nhập khẩu từ phương Tây), họ nghiên cứu khoa học và thiết kế những bài giảng có chất lượng, khi cần thì thỉnh giảng các GS nước ngoài.

 Nước ta mới thoát khỏi chuẩn mực nước nghèo để bước sang mốc đầu tiên trong danh sách các nước đang phát triển trung bình, với nền tảng khoa học còn thấp hơn nhiều nước láng giềng ở Đông Nam Á. Vì vậy, mọi dự định về việc tăng nhanh số GS và PGS trong các trường đại học Việt Nam chỉ là những ý tưởng chủ quan xa rời thực tế. Các số liệu sau sẽ cho thấy thực chất GS và PGS ở nước ta so với một nước Đông Nam Á khác: trong thời gian 2009-2013, Malaysia có 1412 GS-PGS với 33.472 bài báo khoa học được họ công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; trong khi Việt Nam có 9000 GS-PGS (nhiều gấp 6,4 lần Malaysia) và chỉ công bố được 7.727 bài báo (chưa bằng ¼ con số của Malaysia).

 Vậy, phải có giải pháp nào để các trường đại hoc nước ta có một đôi ngũ giáo sư thật sự có chất lượng?

 Trước hết, cần từ bỏ ý tưởng tăng nhanh số lượng các GS và PGS cho “ngang hàng” với số lượng đó ở nước ngoài. Việc tăng nhanh số lượng giáo sư “hữu danh vô thực” như vậy chỉ làm hại cho nền giáo dục và khoa học của đất nước. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, các trường đại học có một đội ngũ giảng viên chuẩn mực cũng là rất tốt rồi; còn cấp giáo sư thì phải tuyển chọn chặt chẽ đúng tiêu chuẩn quốc tế thì mới phát huy được tác dụng tích cực.

 Đồng thời, cần xóa bỏ những quan niệm sai lầm để xác định lại cho đúng về vai trò và chức trách của giáo sư là chức vụ cao nhất trong hệ thống giáo chức đại học (chứ không phải là phẩm hàm tôn vinh cho tất cả các ngành nghề chuyên môn).

 Tiếp theo, cần sửa đổi quy trình xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư theo đúng với quan niệm trên. Theo thông lệ quốc tế, quyền bổ nhiệm giáo sư hoàn toàn thuộc về các đại học. Nhưng trong hoàn cảnh nước ta, nếu trao cho các trường đại học toàn quyền bổ nhiệm sẽ dẫn đến những hệ lụy tai hại khi tiêu chuẩn bổ nhiệm không rõ ràng hoặc quá thấp so với trình độ quốc tế. Vì vậy, vẫn cần duy trì “hai công đoạn” nhưng cần sửa đổi chức năng của từng công đoạn theo hướng giảm bớt quyền năng của HĐCDNN để trao quyền quyết định cho cấp cơ sở (tức các trường đại học). Theo đó, việc xét công nhận ở HĐCDNN chỉ là sự thẩm định để tạo nguồn các chức danh giáo sư; còn việc bổ nhiệm GS và PGS thuộc quyền các trường đại học (tuyển chọn từ danh sách thẩm định của HĐCDNN, thông qua Hội đống Khoa học Trường và Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm).

 Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu vẫn là cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học để nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên; từ đó mới có được các giáo sư đại học đủ chuẩn mực. Trọng tâm của giải pháp này là phải đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ. Đây cũng là vấn đề vô cùng nan giải, vì quy trình đào tạo sau và trên đại học hiện nay còn tồn tại nhiều sự yếu kém và bất cập, khó có thể  tạo ra được những Thạc sĩ và Tiến sĩ có trình độ thực sự ngang tầm quốc tế.

 

                                                                                                                   LÊ VINH QUỐC

(Tiến sĩ Giáo dục)

 

Viết từ 12-2016, chỉnh sửa 9-2-2018. Đã đăng báo Tuổn Trẻ ngày 11-2-2018 dưới tựa đề “Căn nguyên ‘bùng nổ’ giáo sư (có rút gọn).

Các Bài viết khác