GIÁO DỤC NHÂN CÁCH CHO HỌC SINH Ở MỸ
( 27-12-2014 - 08:03 PM ) - Lượt xem: 1306
Xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ trọng yếu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, ta cần tham khảo nền giáo dục của các nước tiên tiến để giài quyết các vấn đề được đặt ra trong đó. Chẳng hạn, chương trình giáo dục phổ thông Hoa Kỳ giáo dục nhân cách cho học sinh Mỹ như thế nào để tạo nên những công dân có phẩm chất xứng đáng với một siêu cường quốc thế giới?
Xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ trọng yếu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, ta cần tham khảo nền giáo dục của các nước tiên tiến để giài quyết các vấn đề được đặt ra trong đó. Chẳng hạn, chương trình giáo dục phổ thông Hoa Kỳ giáo dục nhân cách cho học sinh Mỹ như thế nào để tạo nên những công dân có phẩm chất xứng đáng với một siêu cường quốc thế giới?
1. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ không áp đặt chương trình giáo dục phổ thông cho toàn liên bang; mà từng trường phổ thông chiếu theo định hướng của Hội đồng Giáo dục (cơ quan dân cử) của các tiểu bang và quận hạt (county) trong mỗi tiểu bang để xây dựng chương trình của mình. Vì vậy, vấn đề giáo dục nhân cách cho học sinh Mỹ có thể xem xét qua một tiểu bang, thí dụ bang Maryland.
Ở đây, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm cũng tương tự như hệ thống của Việt Nam, với 3 cấp học là Tiểu học (5 hoặc 6 năm), Trung học cơ sở (3 hoặc 4 năm) và Trung học Phổ thông (3 năm). Mặc dù chương trình học của các trường rất đa dạng, cả hệ thống cùng chú trọng giáo dục về 6 tính cách trụ cột (6 pillars) của người Mỹ. Đó là: 1-Trustworthiness (giữ uy tín-đáng tin cậy); 2- Respect ( kính trọng-lễ phép); 3- Responsibility (tinh thần trách nhiệm); 4- Fairness (ngay thẳng-lương thiện); 5- Caring (quan tâm-chu đáo); và 6- Citizenship (bổn phận công dân).
Nền tảng của 6 trụ cột này được đặt trong chương trình Tiểu học, qua các bài học về “tính cách tiêu biểu” (character traits, viết tắt là CT) trong bộ môn Tìm hiểu xã hội (Social Study). Các bài CT không có trong sách giáo khoa để dạy học theo kiểu đọc-chép như ở Việt Nam, mà giáo viên tự thiết kế bài học để học sinh học tập gắn liền với thực hành, tạo nên nhận thức biến thành hành động. Có thể lấy quá trình dạy học CT tại trường công lập Montgomery ở thành phố Rockville làm ví dụ. Trước hết, giáo viên tạo ra những tấm áp phích đẹp viết 6 CT treo trong lớp và ở lối vào chính của trường để dẫn nhập học sinh bằng thị giác. Trong chương trình học, mỗi tính cách được chia thành một bài học theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, cho các lớp từ dưới lên trên. Ở mỗi bài học, giáo viên tự soạn định nghĩa với những thí dụ kèm theo để minh họa, rồi in và phát cho học sinh tự đọc hiểu. Tiếp theo, học sinh sẽ thảo luận trong nhóm nhỏ, rồi thảo luận cả lớp. Mỗi em phải giải thích về tính cách đang học qua những thí dụ của chính bản thân mình; giáo viên sẽ giải đáp thắc mắc làm sáng tỏ mọi vấn đề. Để hoàn tất bài học, mỗi em phải trình bày nhận thức của mình về tính cách đó bằng một tác phẩm sáng tạo (được gọi là “final project” - đề án kết thúc): một bức tranh áp phích, một bài thơ hay một câu chuyện…Sau khi được chấm điểm, các tác phẩm này được trưng bày trên tường cho toàn thể học sinh chiêm ngưỡng. Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh trong suốt quá trình học cho đến đề án kết thúc, mỗi quý sẽ làm báo cáo kèm phiếu điểm gửi về gia đình từng em.
Các bài học sẽ lần lượt trôi qua, nhưng việc thực hành các CT vẫn diễn ra hàng ngày trong mọi hoạt động của học sinh. Khi xếp hàng thì phải theo thứ tự ai đến trước đứng trước, không được “chen ngang” vì như vậy không phải là “faireness”. Khi có hai học sinh tranh giành nhau một vật gì đó, giáo viên không cần phân xử mà chỉ nhắc: “Hãy trung thực và lương thiện!” để các em nhớ ra rằng mình phải giữ tính cách cao thượng này. Nếu cuộc tranh giành còn tiếp tục, giáo viên sẽ tịch thu vật đó để học sinh tự suy nghĩ về hành vi của mình. Với những ai có hành động và lời nói sai trái, cả giáo viên và học sinh không ứng xử bằng những lời xúc phạm nặng nề như “đồ dối trá”, mà chỉ nhắc nhẹ: “you are not honest!” (bạn không trung thực-lương thiện!) là kẻ đó sẽ nhận ra lỗi lầm của mình.
2. Ở các cấp Trung học cơ sở (middle school) và Trung học phổ thông (high school), 6 CT trụ cột không còn những bài học riêng, mà sẽ được tăng cường và nâng cao bằng cách tích hợp trong các bộ môn Tìm hiểu xã hội (chủ yếu là lịch sử) và Văn học (English-quốc văn của nước Mỹ). Cũng bằng cách tích hợp như vậy, học sinh được mở rộng thêm về các tính cách quan trọng khác như Consideration (sự thận trọng), Compassion (tình thương-lòng trắc ẩn), Love (tình yêu-lòng yêu thương), Gratitude (lòng biết ơn)…Tất cả các CT này được dạy học thông qua việc phân tích các sự kiện và nhân vật lịch sử của Hoa Kỳ và thế giới, các hệ thống tư tưởng - tôn giáo xưa và nay, các nhân vật văn học trong các tác phẩm nổi tiếng…Giáo viên thường in và phát cho học sinh danh mục các CT cần phát triển để học sinh chiếu theo đó viết các bài nghị luận và các bài phản ánh (reflection), trong đó các em phải thể hiện được những CT của chính mình. Trước khi tốt nghiệp đại học, mọi sinh viên đều phải viết bản tóm tắt các CT của bản thân để nhà trường lưu trữ sử dụng.
Theo triết lý “giáo dục chính là bản thân cuộc sống” (tương tự như nguyên lý “nhà trường gắn liền với xã hội” của Việt Nam trước đây), các trường phổ thông Hoa Kỳ luôn yêu cầu và tạo điều kiện để toàn thể học sinh tham gia hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng (đó là một tiêu chuẩn bắt buộc để học sinh được tuyển vào đại học). Nhờ đó, các em có điều kiện lý tưởng để thể hiện các CT của mình bằng hành động. Để thể hiện sự quan tâm chu đáo (caring) cùng tình thương và lòng trắc ẩn (compassion), các em luôn nhiệt tình tham gia các công tác từ thiện: quyên góp tiền bạc, thực phẩm, quần áo giúp các nạn nhân bị thiên tai hay khủng bố; hoặc tham gia phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện, giúp đỡ người già neo đơn…Các CT khác thường được thể hiện trong hoạt động ở các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm…Dĩ nhiên các CT đó luôn được học sinh thể hiện ngay trong các mối quan hệ gia đình.
Tất cả các tính cách tiêu biểu trên hợp thành chuẩn mực đạo đức (moral standards) của công dân Hoa Kỳ.
3. Không tách rời giữa “dạy chữ” và “dạy người”, nhà trường Hoa Kỳ hoàn toàn xa lạ với tín điều nho giáo “tiên học lễ, hậu học văn”; và tuyệt nhiên không có việc “xếp loại hạnh kiểm” học sinh. Toàn bộ thành quả học tập của học sinh (gồm 3 lĩnh vực là nhận thức, thái độ-tình cảm và kỹ năng-hành vi) được đánh giá và xếp hạng theo một chuẩn đo lường duy nhất. Ở các lớp mẫu giáo, bài làm của học sinh được đánh giá bằng những biểu tượng vui: “mặt cười”, “mặt thường”, “mặt buồn”…Từ lớp 1 đến lớp 3. giáo viên xếp hạng trình độ học sinh từ cao xuống thấp theo trình tự chữ cái A-B-C-D… Từ lớp 4 trở lên, học sinh được nhận điểm số theo thang 100, rồi từ đó quy thành các hạng bằng chữ hay bằng số (4.0 - xuất sắc; 3.0 - tốt; 2.0 - trung bình; 1.0 - yếu; 0 - liệt).
Theo bà Trần Thị Lê Phan (tức Tina Chen) - một nhà giáo kỳ cựu người Mỹ gốc Việt ở Maryland, việc dân Mỹ thường giúp đỡ các nước nghèo hoặc gặp thảm họa thiên tai không chỉ do bổn phận công dân, mà còn xuất phát từ các tính cách “caring” và “compassion” mà họ đã được học từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Bà cũng cho biết rằng học sinh Mỹ được học về Nho giáo trong chương trình lịch sử, nhưng không học theo những “lời giáo huấn” của Khổng Tử. Vì vậy, các em không để mình phải lệ thuộc vào sự chỉ dạy và ước muốn của cha mẹ theo chữ “Hiếu” như truyền thống của dân tộc ta, mà các em kính trọng, yêu thương và chăm sóc cha mẹ theo các CT đã được học ở nhà trường.
Lê Vinh Quốc
Đã đăng Tuổi Trẻ 02-12-2014