DẤU CHÂN-DẤU ẤN LỊCH SỬ HỒ CHÍ MINH
( 04-02-2015 - 05:00 PM ) - Lượt xem: 1534
Sẽ hết sức thú vị đến mức kỳ diệu nếu ta vẽ được đầy đủ, chính xác và tỉ mỉ những bước đi trên hành trình cách mạng của Hồ Chí Minh ở nước ngoài, cũng như trong nước suốt cuộc đời của Người. Những bước chân đó không chỉ là những dấu vết địa lý, mà còn là sự in dấu lịch sử, văn hóa, văn minh của dân tộc và nhân loại.
I/ TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN CUỘC LÊN ĐƯỜNG, TÌM ĐƯỜNG TRONG LỊCH SỬ
Theo lời tự bạch, từ năm 13 tuổi, cậu bé Nguyễn Sinh Côn đã nghe và muốn hiểu rõ, hiểu sâu về mấy chữ “Tự do, bình đẳng, bác ái” như tuyên ngôn của “ nước mẹ” Đại Pháp.
Ở tuổi thanh niên, Nguyễn Tất Thành đứng trước ngã ba, ngã bảy của thời cuộc khi được thức tỉnh về lòng yêu nước. Anh đã được “mời gọi” tham gia phong trào Đông Du theo đường của Phan Bội Châu, hoặc tìm hướng trời Âu của Phan Châu Trinh. “Bao nẻo người đi, bước trước sau” (Theo chân Bác – Tố Hữu). Riêng ở châu Á, Gandhi - Ấn Độ và Tôn Văn – Trung Quốc… đều có sức gợi ý những nẻo đường.
Vậy là, một câu hỏi lớn và đồng thời một giải đáp lớn cho vận mệnh dân tộc đã đặt ra hình thành trong đầu óc nhà cách mạng trẻ tuổi. Đi tìm nghĩa cho chữ Tự do chân chính thực sự và tìm lời đáp cho sự nghiệp Giải phóng đích đáng, triệt để. Vấn đề trọng yếu nhất là mục tiêu lý tưởng, đồng thời là phương pháp khoa học cách mạng.
Sau này (1969),trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong là tâm sự một thời: “Tôi cho rằng phải ra nước ngoài để tự tìm câu trả lời cho mình. Sau khi tôi biết họ đang sống ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào mình”.Đó là lời thuật của William J Duiker trong Hồ Chí Minh-một cuộc đời (Ho Chi Minh-A Life,Hyperion,NewYork,2000)
Ý tưởng tìm đường rõ rệt dần trong cuộc chuyển động Nam tiến. Từ quê xứ Nghệ vào xứ Huế - đất Thần kinh, cậu thiếu niên đã manh nha tìm ra bản chất của xã hội thực dân nửa phong kiến, nhất là qua cuộc đấu tranh chống sưu thuế của quần chúng mà Nguyễn Tất Thành được tham gia như một người trong cuộc.
Vào Sài Gòn, thâm nhập vào đời sống thợ thuyền, làm công nhân, Nguyễn Tất Thành ôm ấp giấc mộng xuất dương, càng nung nấu một quyết tâm lên đường.
Bước chân lên con tàu Amiral La Touche De Tréville, anh công nhân Văn Ba làm một cuộc viễn du tuyệt diệu với biết bao điều kỳ lạ.
Đó là cuộc xuất ngoại – đi ra nước ngoài để tìm lời giải đáp cho vấn đề trong nước.
Đi khắp thế giới để tìm một con đường:
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi
(Người đi tìm hình của Nước – Chế Lan Viên)
Người đi tìm một hình hài mới cho đất nước, một thể chế mới cho nhân dân, một vị thế mới cho dân tộc – tức đi tìm một “sắc đỏ tương lai”. Thực chất đây là đi tìm một chân lý cách mạng, một chân lý lịch sử trong thời đại.
Viễn du mà không phải viễn tưởng. Hồ Chí Minh khi bước chân ra đi đã là một nhà khoa học: đi để tìm tòi, để khám phá, phát hiện sự thật khách quan. Cũng khác nào một thần y như vị cứu tinh, tìm ra một phương thuốc cứu chữa con người nô lệ, một liều thuốc cứu rỗi niềm tin lạc quan cho những Người cùng khổtrên “Địa cầu cháy bỏng/ Lò sát sinh ngập máu xương rơi” (Theo chân Bác).
Cuộc lên đường đơn giản nhưng mang ý nghĩa cực kỳ lớn lao, bởi đó là mở đầu cho cuộc hành trình cách mạng vĩ đại.
Điều kỳ diệu hơn chính là phiêu lưu mà không hoàn toàn mạo hiểm. Tuy ra đi với hai bàn tay trắng nhưng Người có một bảo đảm vàng là bản lĩnh trí tuệ và tấm lòng sáng láng vô hạn.
Trước thắc mắc “Tiền ở đâu mà đi?” của anh bạn, Nguyễn Tất Thành đã trả lời rất hay bằng hành động giơ hai bàn tay! Đôi bàn tay ấy đã chấp nhận làm đủ thứ việc khổ sai trên đời để kiếm sống và hoạt động. Tiền tiêu để sống là quý nhưng quý hơn là vàng bạc tri thức trải nghiệm cho cuộc sống hoạt động.
Một điều gây ngạc nhiên thú vị cho các nhà hoạt động cách mạng thế giới là Nguyễn Ái Quốc đi khắp nơi, nhưng trước hết và chủ yếu lại ở nước Pháp.
Nguyễn Tất Thành tìm nghĩa của tự do, dân chủ ở ngay đất nước nổ ra cuộc Đại cách mạng tư sản năm 1789. Nói cách khác, Người khảo sát ngay tại căn cứ, sào huyệt của bọn thực dân, đế quốc. Chính tại nơi đây, Nguyễn Ái Quốc đã viết nên một bản cáo trạng đanh thép nổi tiếng thế giới: Bản án chế độ thực dân Pháp.
Như vậy là, một mặt Người “làm quen với nền văn minh Pháp”, mặt khác lại phát hiện “mặt trái” của những từ ngữ mỹ miều từng rêu rao .
Người cũng đã đến chân tượng Nữ thần Tự do – trunng tâm nước Mỹ để hiểu thế nào là “Thế giới Tự do”! Cùng với hiểu biết thời đó và hiểu biết được bổ sung sau này mà Hồ Chí Minh hiểu được bộ mặt thật của bọn người tàn ác. Sau đó, Người viết Hành hình kiểu Linsơ, một phương diện của nền văn minh Mỹ (1924), Bình đẳng, bác ái kiểu Mỹ(1962), Đế quốc Mỹ bi và bí (1964),...
Vậy là sau 40 năm và hơn thế, Hồ Chí Minh vẫn viết về Mỹ, vạch trần chân tướng của chúng mà Người đã biết quá rõ: đế quốc Mỹ.
Chỉ nói riêng bài Hành hình kiểu Linsơ đăng trên nhật báo Diễn đàn thế giới(Die Weltribúne, 9/10/1924) và tạp chí Thư tín quốc tế(Coresspondance Internationale số 59, 1924) và được đăng lại 50 năm sau trên báo Chân trời(Horizon, Cộng hòa dân chủ Đức, số 37, 1974) với lời giới thiệu, đánh giá rất cao: “Bản cáo trạng này vẫn giữ nguyên tính thời sự của nó. Nó nhắc chúng ta nhớ lại rằng, những bọn đế quốc chủ nghĩa đủ mọi màu sắc thời đó, cũng như ngày nay, đều luôn luôn là những kẻ tử thù của loài người...”. Chính vì ở ngay trong tung thâm “bản địa”, “bản doanh” của bọn thực dân, đế quốc, biết rõ “ruột gan”, “óc bẩn”, “tim đen” của chúng mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất tàn ác của chúng trước công luận quốc tế.
Nguyễn Ái Quốc tìm đến Liên bang Xô Viết – miền đất thánh của chủ nghĩa Marx – Lenin, nơi mà lý luận cách mạng đã trở thành những hiện thực đời sống ban đầu. Ở đây –miền “ đất tự do” đã xuất hiện những con người giải phóng, quyết tâm xây dựng cuộc đời của mình.
Tóm lại, cách đi của vị lãnh tụ cách mạng là cách đi của nhà khoa học lịch sử - đi tìm những điển hình, những chứng tích lịch sử tiêu biểu đế chứng kiến, khảo nghiệm và suy xét.
Khi về nước, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, cũng chính là lúc Người tìm ra con đường giữ nước hiệu quả nhất trong thời đại.
Việc xây dựng một thể chế mới chưa có tiền lệ lịch sử, vừa chiến đấu vừa xây dựng, kháng chiến đồng thời kiến quốc chính là một sự tìm đường mới trong hoàn cảnh muôn ngàn gian khó, hiểm nguy.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chính là Người tìm đường vĩ đại trong lịch sử, là vị lãnh tụ đã tìm ra bước đường mới trong lịch sử: Kỷ nguyên của Độc lập , Tự do.
Đó chính là Người tìm đường,Người mở đường và kiêm cả Người dẫn đường trong lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai lịch sử dân tộc.
II/ NHỮNG CHUYẾN ĐI GIÀU Ý NGHĨA VÀ HIỆU QUẢ
Những chuyến đi trong đời Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh được thâu tóm vào ba loại lớn với những tính chất chủ yếu sau đây:
1) Đi du lịch, tham quan thắng cảnh, thực hiện thời 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, những năm đi thăm bạn bè quốc tế và kết hợp tham quan di tích danh lam đất nước sau này.
2) Đi khảo sát xã hội – lịch sử các nước, các thể chế quốc gia nhiều nước trên thế giới thời hoạt động cách mạng.
3) Đi thực tế khảo sát, thực nghiệm, kiểm tra đời sống và hoạt động sản xuất, chiến đấu của quân đội và các tầng lớp nhân dân .
Những chuyến đi ấy, đôi khi tách bạch về hoạt động, nhưng thường là kết hợp tự nhiên sâu sắc cả hai, hoặc ba loại như một mũi tên nhằm đồng thời nhiều đích. Bao trùm toàn bộ tất cả là kinh lịch trải nghiệm tri thức, vốn sống thực tiễn.
Có một sự may mắn lớn trong đời là khi gia đình ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chuyển vào Huế ,cậu bé Nguyễn Sinh Côn đã trải qua tuổi học trò niên thiếu và trưởng thành ở đất Thần kinh ấy.
Dịp may hiếm có là cậu cũng đã tham quan nội cung – nơi lầu son gác tía Hoàng thành, đã từng có dịp thả hồn mạnh mẽ về thời cổ tích xa xưa. Sông Hương , Núi Ngự và cảnh đẹp thiên nhiên xứ Huế thâm nhập một cách tự nhiên vào tâm hồn tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành. Đó là kết quả của một cuộc du lịch tự nhiên từ quê hương làng Sen – xứ Nghệ tới xứ Huế thơ mộng và hoa lệ thời ấy.
Lên con tàu buôn viễn dương là đương nhiên thực hiện được cuộc du lịch xa xăm. Du lịch là đi xa cho biết xứ lạ, khác với quê hương , đúng như ý định và sở thích của người công nhân trẻ. Trên đường đi, anh đã gặp biết bao phong cảnh, sông bãi,bến bờ ,thương cảng,thành phố…với bao cảnh tượng đời sống mang những sắc màu đổi khác.
Là người có hứng thú với văn hóa, nghệ thuật và du lịch, Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pháp đã tham gia nhiều tổ chức có ý nghĩa và tác dụng thực tế. Ông tham gia “Hội Nghệ thuật và Khoa học” và “Hội Những người bạn của nghệ thuật”. Do đó, hàng tuần, ông có thể thăm Viện Bảo tàng, nhà máy, xưởng nghệ thuật, nhà hát,... Đặc biệt Nguyễn Ái Quốc còn tham gia cả “ Hội Du lịch”. Nhờ vậy mà ông đi thăm được nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả tòa thánh Vatican.
Có câu nói nửa đùa nửa thật đã được truyền tụng: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí thì giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được nhiều” (1). Du lịch đúng nghĩa là du – nghĩa là đi và lịch – tức là kinh lịch, có trải qua. Đi du lịch để mở rộng tầm mắt, biết được nhiều chân trời và cảnh tượng mới, tức thu nhận thêm kiến thức, hiểu biết về cuộc sống và con người xứ lạ. Du lịch còn có nghĩa là đi chơi, đi xem và cũng là đi học. Trần Dân Tiên đã chỉ rõ: “Ngoài những cuộc đi xem để học, ông không thích chơi bời gì khác... chắc là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị thế nào” (2).
Từ đó là sự kết hợp với các hoạt động chính trị. Qua các buổi mít tinh, tham quan, du lịch, ông Nguyễn đã gặp gỡ những người cách mạng Algeria, Tunisia, Madagasca,... và cùng họ tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris, lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) để tuyên truyền, vận động đấu tranh cho các thuộc địa.
Nhật ký hành trinh bốn tháng sang Pháp cũng ghi lại những chuyến du lịch kết hợp tham quan Calcuta, Agora ở Ấn Độ, cảng Cairo, Viện khảo cổ ở Ai Cập gần Địa Trung Hải và nhất là Kim tự tháp, phong cảnh miền núi Pyrénée và Versaille ở Paris (3).
Trong một số hoàn cảnh khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kết hợp điều dưỡng với tham quan thắng cảnh, di tích thể hiện một tâm hồn thi nhân - nghệ sĩ luôn “yêu cảnh thiên nhiên đẹp”, ưa chuộng tìm hiểu thưởng lãm văn hóa, nghệ thuật.
Đó là chùm các bài thơ làm ở Trung Quốc như Vịnh Vạn lý trường thành (7/1955), Vịnh Thiên San (7/1959), Quế Lâm phong cảnh (5/1961), Vịnh Thái Hồ (5/1961), Phỏng Khúc Phụ (5/1965), Hoàng Sơn nhật ký (lục thủ) (5/1965)… tập hợp trong Thơ Hồ Chí Minh toàn tập (Văn nghệ TP Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000). Ấy là những dịp Người đi nghỉ dưỡng - dưỡng bệnh, dưỡng sức ngắn ngày (cũng là dịp để “tránh khách” mừng snh nhật, như đi vãn cảnh Chùa Hương cùng Tố Hữu với lời ghi chú của nhà thơ: “Ngày 19/5/1958, Bác Hồ về thăm Chùa Hương, cũng là để tránh khách đến chúc mừng ngày sinh của Người”).
Tuy nhiên, cần lưu ý là bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng vẫn nhất quánmột tâm hồn thi sĩ - nghệ sĩ - chiến sĩ. Cùng nghỉ ở Hoàng Sơn - khu du lịch và điều dưỡng nổi tiếng tỉnh An Huy năm ấy có Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Đổng Tất Vũ. Hồ Chí Minh làm sáu bài thơ (lục thủ) tả cảnh đẹp: “Đêm nghe tiếng suối hoà cùng tiếng chim”(bài 3)…, tình đẹp: “Tình cảm với tôi nồng thắm quá” (bài 2)… Không hoạ lại ngay bài thơ tặng của cụ Đổng, Người giãi bày: “Song, cảnh nước nhà đang chống Mỹ/ Hoàn toàn chiếm lĩnh cõi lòng tôi” (bài 4).
Ngoài những ghi chép có tính chất ký sự du lịch bằng văn, thơ nêu trên (và một số thất truyền) là văn chương nghệ thuật và nhất là văn chính luận qua báo chí, văn bản,... Qua đó, những luận chứng chính là những thực tế xã hội, lịch sử, chính trị được khảo nghiệm, tổng hợp, phân tích, lập luận của nhà chính khách lớn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Bản án chế độ thực dân Pháp là một cáo trạng đanh thép, kết tội bọn thống trị xảo trá, tàn bạo. Có nhiều, đầy rẫy các sự kiện, hiện tượng, thống kê - mắt thấy, tai nghe trực tiếp và gián tiếp qua tài liệu, sách báo không chỉ ở Đông Dương mà còn ở xứ thuộc địa người da vàng, người da đen khác. Nhiều bài viết được đăng tải trên các báo chương Pháp và các nước thuộc địa đều dựa vào các quan sát, khảo nghiệm, suy xét rất có sức thuyết phục.
Là nhà báo mang tầm vóc quốc tế, lãnh tụ cách mạng bao quát rất nhiều sự kiện, hiện tượng, con người ở rất nhiều quốc gia, vùng miền viết nên những vấn đề liên quan trực tiếp đến đấu tranh giai cấp và sự nghiệp giải phóng dân tộc.Báo Người cùng khổ mà ông Nguyễn là chủ bút, nói lên tiếng nói quyết liệt của những người trong cuộc vì đấu tranh giành độc lập, tự do. Là một chiến sĩ quốc tế, Nguyễn Ái Quốc từng kêu gọi tình hữu ái của những người bị áp bức, bóc lột (Đoàn kết giai cấp), cổ vũ chủ nghĩa anh hùng của đội ngũ chiến đấu(Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật). Đặc biệt là phổ biến những phương pháp, cách thức tổ chức chống lại kẻ địch mạnh mẽ, hung hãn (Kinh nghiệm du kích Pháp)…
Đi lâu, thấy nhiều, do đó có tri thức trải nghiệm về nhiều mặt. Những điều viết ra để đấu tranh, cổ vũ chiến đấu là hiểu biết tường tận và tâm huyết của tác giả - nhà cách mạng lão thực – như một pho “từ điển bách khoa” sống động về cuộc đời: sự đời, tình người. Ta có câu “Đi một quãng đàng học một sàng khôn”, lại có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi khắp, đi nhiều thì mở rộng tầm mắt, hiểu biết khôn ngoan, từng trải lên.
Hành trình của Người là những cuộc đi vạn dặm trong mấy chục năm trời, bao quát bao không gian thế giới, thời gian đời người, lại có chủ đích rõ rệt và cảm hứng mạnh mẽ. Chỉ nói riêng ba mươi năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc hành trình với nhiều tư cách lớn chính yếu: Nhà khảo sát xã hội, Nhà khoa học chính trị, Nhà nghiên cứu lịch sử, Nhà hoạt động văn hoá, Nhà tư tưởng cách mạng, Nhà thực nghiệm lý luận.
Sau Cách mạng, với cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh còn đóng vai trò Nhà chủ trương chiến lược, Nhà hoạch định chính sách, Nhà vận động quần chúng, Người tổng hợp đội ngũ, Nhà tiên tri tình thế,… Đặc biệt, Người còn chịu trách nhiệm cao nhất là Nhà khảo nghiệm thực tiễn – từ dân quyền, dân sinh, đến dân nguyện.
Người đã có nhiều chuyến đi, cuộc đi đến khắp các vùng miền, tiếp cận mọi tầng lớp. Những chuyến đi này có thông báo hoặc không báo trước, đi phái đoàn , thậm chí vi hành.Thị sát chiến trường, kiểm tra sản xuất, thăm viếng nhân dân, thảng hoặc có kết hợp tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh,... Chủ yếu là Người đến với các đơn vị tiên tiến, gặp gỡ các cá nhân gương mẫu điển hình. Tất cả đều nhằm tìm cái tốt, cái đẹp, nhưng trước hết là để biết được sự thật – sự thật trăm phần trăm cả mặt phải và mặt trái, cả khó khăn và thuận lợi. Người đến với người, với việc một cách dân chủ, bình đẳng, thực sự cầu thị, nghiêm túc và bao dung mới thấu triệt tình hình và quán xuyến được lòng người.
Cách đi, chuyến đi, cũng như chiến lược và chiến thuật, đường đi, nước bước của vị lãnh tụ cách mạng, về đại thể là như vậy.
Đây là hành trình rất khoa học, rất cách mạng và cũng rất quả cảm. Bởi, Người phải dấn thân, vượt qua mọi rào cản phức tạp và hiểm trở để tìm ra sự thật và nhất là phải đối mặt với sự thật để giải quyết các sự kiện, tình huống một cách triệt để.
III/ HỒ CHÍ MINH – TẦM NHÌN VƯỢT KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
Theo tổng kết, Hồ Chí Minh đã đi qua ba đại dương, bốn châu lục và gần ba mươi quốc gia. Đó là con số kỷ lục của một vị lãnh tụ cách mạng thời nay.
Xưa kia có Khổng Tử (thời Xuân Thu) từng chu du khắp thiên hạ và truyền bá tư tưởng khắp nơi. Tuy nhiên, các chư hầu “liệt quốc” Tống, Tề, Lỗ, Sở, Vệ,... ấy vẫn nằm trong một đế chế quốc gia cổ đại Trung Hoa.
Lenin cũng từng đi qua nhiều miền của Nga và qua nhiều nước ở châu Âu: Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Đức, Tiệp, Anh, Pháp,... Marx viết ra học thuyết lớn cho cả nhân loại, nhưng ông mới chỉ qua Pháp, Anh, Bỉ - tức một số nước châu Âu, và chưa bao quát được phương Đông, dù chỉ về phương diện nghiên cứu xã hội học.
Đấy là chỉ nói đơn thuần về sự đi và sự hiểu biết.
Hồ Chí Minh từng đi khắp đó đây, các vùng danh lam thắng cảnh, nơi sơn cùng thủy tận, khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới loài người. Người đã qua các thủ đô hoa lệ của thế giới tư bản Âu – Mỹ, các bến cảng sầm uất ven Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Người từng sống với xóm thợ Paris, khu ổ chuột của người da đen ở Mỹ. Từng ngắm nhiều lâu đài vĩ đại ở Vatican, Ý, Nguyễn Ái Quốc cũng thích thưởng ngoạn núi non, thung lũng, hồ ao,... nên thơ đất Thụy Sĩ. Đóng vai phiên dịch cho phái đoàn cố vấn Liên xô tại Trung Quốc, Lý Thụy thâm nhập các khu căn cứ địa. Đáp tàu Nhật Bản đi sang Xiêm (Thái Lan), Thầu Chín là nhà tuyên truyền vận động Việt kiều... Điều quan trọng hơn cả là những việc mắt thấy, tai nghe.
Lenin từng bị đi đày biệt xứ ở Siberia, nhưng Hồ Chí Minh bị bắt, bị tù nhiều lần ở những địa ngục trần gian ngoài sức tưởng tượng của con người: nhà tù Victoria ở Hongkong và nhà ngục Quảng Tây ở Trung Quốc. Sự kinh lịch, nếm trải vất vả, cực nhọc là ở khắp chân trời góc bể để qua mình thấy hết được cảnh đời và cảm nhận: “Á, Âu đâu cũng lòng trong đục/ Vàng máu chia hai cảnh khổ, giàu” (Theo chân Bác). Lãnh tụ đã thấy những kỳ công của nhân loại qua Kim tự tháp, qua Viện Bảo tàng, cũng chứng kiến những sự việc kỳ quái qua sự bóc lột và hành hạ con người.
Sự hiểu biết qua nghiên cứu ở trường đại học quốc tế và trường đời, qua tài liệu thực nghiệm sinh động xã hội đã tạo nên vốn tri thức uyên bác cho nhà chính trị, nhà văn, nhà báo lỗi lạc tầm thế giới. Từ đó, tinh hoa văn hóa biến thành sức mạnh tinh thần, có ý nghĩa phổ quát thành tư tưởng Hồ Chí Minh qua hệ thống văn chính luận, văn học nghệ thuật và tư duy triết học,... Như vậy, đây chính là bước đi bao quát không gian, là con mắt nhìn toàn bộ thế giới, đồng thời cũng xuyên suốt thời gian, thấu triệt một chiêm nghiệm lịch sử.
Hồ Chí Minh tìm đường đi cho cách mạng qua bài học lịch sử: “những con đường”, “những ngọn cờ”. Mỗi quốc gia lại có một con đường lịch sử riêng như những đóng góp cho toàn cảnh thế giới. Mỗi vùng, mỗi miền thường có biểu hiện đặc trưng trong tiến trình chung. Phải biết phản biện khoa học lịch sử - đó là trí tuệ Hồ Chí Minh: “Găng đi quay lại chiếc xa xưa/ Dệt tấm lòng nhân đựng gió mưa!/ Nghiệp lớn, Tôn Văn vừa dựng đó/ Trăm năm tay lái vững vàng chưa?” (Theo chân Bác).
Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh có tiếp thu hạt nhân duy lý của chủ nghĩa Tam dân Tôn Trung Sơn; luận thuyết Hồ Chí Minh bổ sung cho chủ nghĩa Marx về xã hội học phương Đông. Đó là sức tiếp biến tinh hoa các triết thuyết tiến bộ của nhân loại trong lịch sử hiện đại.Hồ Chí Minh như là một tiêu điểm đã tập trung được nhiều tinh hoa cách mạng của thời cuộc. Bằng sự nghiệp cách mạng cuộc đời và học thuyết tư tưởng bản thân, Người đã chỉ ra một con đường chân chính, vẻ vang của cuộc đấu tranh dân tộc cũng như chỉ ra con đường của cuộc đấu tranh chung cho nhân loại tiến bộ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do - con đường lịch sử đi tới tương lai chân chính.
Cách mạng thành công và lãnh đạo tiến hành kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có nhiều chuyến đi mới cả trong nước và ngoài nước.
Người đi công cán quốc gia tại Pháp năm 1946, đi hội nghị, đi thăm những nước bè bạn trên thế giới vào những năm 50, 60. Ngoài ra, còn có những chuyến đi không chính thức trong phe xã hội chủ nghĩa trước sau ta thấy Hồ Chí Minh vẫn là một “cánh chim không mỏi” hữu nghị, đoàn kết trên bầu trời quốc tế.
Trong nước, đã có nhiều câu chuyện huyền thoại về đôi dép Bác Hồ. Hai nơi thân thuộc nhất thời hoạt động bí mật và kháng chiến chống Pháp là Việt Bắc. Đây cũng là vùng thẩm mỹ đặc biệt cho thơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là con người của nhân dân, của phong trào quần chúng, hiện diện khắp các vùng miền, ở mọi hoạt động sản xuất và chiến đấu.
Điều quan trọng là, cùng với thị sát, Người có tầm bao quát tình hình – cái nhìn vượt không gian và thời gian, đã dẫn đến những chủ trương, chiến lược chính xác và hiệu quả trong thực tiễn hoạt động và đời sống. Đặc biệt, Người được mệnh danh là nhà tiên tri thiên tài, như những tiên đoán về sự bùng nổ của chiến tranh thế giới lần I và II, sự tất thắng của phe Đồng minh từ trước năm 1945. Sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, cũng được tiên tri chính xác trong Lịch sử nước ta, sự thất bại của thực dân Pháp, cũng như tương lai thảm bại của Mỹ, ngụy được phác họa trên những lời kêu gọi và thơ chúc Tết: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”,... “Bắc Nam sum họp” trong Đại thắng mùa xuân 1975 cũng nằm trong dự đoán của vị lãnh tụ thiên tài.
Tất cả những điều đó thể hiện một tầm nhìn chiến lược vượt thời gian và không gian lịch sử.
Việc khơi gợi và cổ vũ lòng yêu nước truyền thống và khát vọng độc lập, tự do, tạo ra sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng là một tầm nhìn chiến lược lịch sử cho sự nghiệp giữ nước, bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
Phát động thi đua yêu nước, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng là huy động sức người, sức của mạnh mẽ vô tận để dựng nước, giữ nước, cũng là một tầm nhìn xuyên suốt thời cơ, thời vận.
µµµ
Trong hàng ngũ lãnh tụ cách mạng thế giới hiện đại, có thể khẳng định Hồ Chí Minh là người từng đi lâu, đi nhiều nhất , khắp các chân trời, góc biển.
Người đi nhiều nước nhất như một nhà đại du lịch. Du lịch là văn hóa, là đi một cách văn hóa, để tìm kiếm và thu nhận những tinh hoa văn hóa. Đây là một phương diện quan trọng. Tuy nhiên, với sức tổng hợp tri thức cổ kim, Đông Tây một cách toàn diện, Người đã xứng đáng là bậc trí thức uyên bác, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và nhân loại.
Trên phương diện chính trị - xã hội, Người là nhà xã hội học ưu tú, nhà khoa học lịch sử lỗi lạc, là chính khách thế giới hàng đầu. Tuy nhiên, Người chỉ nhận có một tư cách duy nhất: nhà hoạt động cách mạng. Ta hiểu, đó là nhà cách mạng thiên tài của nhân loại – vừa lập thuyết bằng hệ tư tưởng thời đại xuất sắc, vừa hành động thực tiễn thắng lợi với phương châm bất hủ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Đó là kim chỉ nam cho sự nghiệp chiến đấu và xây dựng một xã hội mới.
Hành trình kinh lịch làm nổi bật hình ảnh Con Người và Con Đường.
Dấu chân Hồ Chí Minh là dấu ấn lịch sử của một nhà sáng tạo vĩ đại trong lịch trình trường kỳ từ hôm qua cho đến ngày mai “Người đã góp phần làm biến đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ” (Báo Chiến đấu – Congo Brazavil) (4).
Với kinh lịch trải nghiệm của con đường cách mạng, với tầm nhìn vượt thời gian–không gian, Hồ Chí Minh thật xứng đáng danh hiệu tuyệt vời cao quý : Con Người của Tương lai – Tương lai văn hóa, văn minh và hạnh phúc cho nhân loại.
PGS – TS ĐOÀN TRỌNG HUY (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
(1), (2) Trần Dân Tiên – Một vài mẩu chuyện khi Bác Hồ ở Pari trích trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch – Văn học, 1972 (tr 30 – 41).
(3) Hồ Chí Minh – Nhật ký hành trình bốn tháng sang Pháp (bản thảo ghi đến ngày 27/7/1946, lưu trữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng) – In trong Hồ Chí Minh – Tuyển tập văn học (tập I) – Văn học, 1995 (tr 428 – 442).
(4) Nhiều tác giả - Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh – Thanh niên, 2007.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh – Tuyển tập văn học (tập I) – Văn học – Hà Nội, 1995.
[2] Hồ Chí Minh – Thơ toàn tập – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.
[3] Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh – nhà văn hóa của tương lai – Thanh niên, 2009.