ĐẠI HỌC HOA SEN VÀ SỨ MỆNH KHAI SÁNG
( 15-05-2016 - 07:35 PM ) - Lượt xem: 1152
sứ mệnh Khai sáng cho dân tộc thuộc về sự nghiệp Giáo dục của nước nhà. Bởi thế mà, kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975, nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách và đổi mới giáo dục: cuộc Cải cách Giáo dục lần thứ Ba (trong thập niên 80 của thế kỷ XX), cuộc Đổi mới Giáo dục cuối thế kỷ XX và cuộc Đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông đầu thế kỷ XXI. Kết quả là cả 3 cuộc này đã lần lượt nối tiếp nhau thất bại
1. Dân tộc ta đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới để vươn lên hội nhập cùng thế giới văn minh. Ngay từ đầu thế kỷ trước, nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh đã vạch ra con đường đúng đắn để Khai sáng cho dân tộc tiến theo thế giới văn minh là “Khai Dân trí - Chấn Dân khí - Hậu Dân sinh”. Nhưng những bước đi lắt léo của lịch sử đã chặn đứng con đường Khai sáng ấy, để dân tộc ta trở nên xa lạ với nền văn minh nhân loại dựa trên những giá trị phổ quát về nhân quyền và dân quyền với nhà nước dân chủ-pháp quyền dựa trên quyền tự do công dân.
Trong tình hình hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước cần phải và hoàn toàn có thể đi tiếp con đường Khai sáng mà các vị sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX đã vạch ra, nhằm từ bỏ những di sản của cơ chế quan liêu bao cấp để xây dựng một nhà nước thật sự “của dân, do dân, vì dân”, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh (như Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định).
Dĩ nhiên, sứ mệnh Khai sáng cho dân tộc thuộc về sự nghiệp Giáo dục của nước nhà. Bởi thế mà, kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975, nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách và đổi mới giáo dục: cuộc Cải cách Giáo dục lần thứ Ba (trong thập niên 80 của thế kỷ XX), cuộc Đổi mới Giáo dục cuối thế kỷ XX và cuộc Đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông đầu thế kỷ XXI. Kết quả là cả 3 cuộc này đã lần lượt nối tiếp nhau thất bại, để cho nền giáo dục lạc hậu, yếu kém và đầy khuyết tật của nước ta tiếp tục tồn tại, khiến cho phong trào đi nước ngoài “tị nạn giáo dục” ngày càng phát triển. Chính vì vậy, giờ đây một cuộc Đổi mới Giáo dục nữa (tức lần thứ Tư kể từ 1975) lại được khởi động theo định hướng “đổi mới căn bản và toàn diện” (tức đổi mới tận gốc rễ trên mọi phương diện). Tuy nhiên, ngay những bước đi đầu tiên của cuộc đổi mới này đã cho thấy những sai lầm và bất cập sẽ dẫn nó đi theo vết xe đổ của cả 3 cuộc trước.
Nguyên nhân duy nhất dẫn đến thất bại của các cuộc cải cách và đổi mới trên là: một nền giáo dục được quản lý-điều hành bằng cơ chế quan liêu-bao cấp khó có thể tự đổi mới để trở thành một nền giáo dục dân chủ-khoa học theo mô thức quốc tế. Do vậy, dường như sứ mệnh Khai sáng phải trông chờ ở công cuộc đổi mới và hội nhập của các cơ sở văn hóa-giáo dục ngoài công lập.
2. Lịch sử còn ghi đậm nét về Khánh Ứng Nghĩa Thục - một trường tư đã ra đời ở Nhật Bản cùng lúc với cuộc Minh Trị Duy Tân (1868) để đưa hệ tư tưởng Khai sáng từ các nước văn minh Âu-Mỹ vào đất nước Mặt Trời, nhằm xóa bỏ dần hệ tư tưởng phong kiến quân phiệt hủ lậu, đưa nước Nhật lên hàng cường quốc văn minh trên thế giới.
Theo gương người Nhật, các sĩ phu yêu nước Việt Nam đã sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục - một trường tư ở Hà Nội để dùng tư tưởng học thuật Khai sáng cứu đất nước thoát ách thống trị thực dân-phong kiến. Bị thực dân Pháp đóng cửa, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại và hoạt động trong vòng 8 tháng (3-1907 đến 11-1907) nhưng sự nghiệp và di sản của trường học văn minh này đã được dân tộc ta đời đời ghi nhớ.
Vì sứ mệnh Khai sáng cho dân tộc đã bị cắt đứt giữa chừng, nên một thế kỷ sau, đất nước lại cần đến những trường như Đông Kinh Nghĩa Thục để kế tục sứ mệnh vinh quang ấy. Đại học Hoa Sen là một trong những trường xứng đáng kế tục sứ mệnh của các bậc tiền bối vĩ đại. Sau 25 năm thành lập và phát triển (1991-2016), Trường Đại học Hoa Sen (dưới đây xin gọi tắt là “Hoa Sen”) đã đạt được những thành tựu thật đáng tự hào.
Về triết lý giáo dục, Hoa Sen chủ trương một nền giáo dục khai phóng đào tạo những con người tự do với bản ngã vững vàng, tư duy độc lập và sáng tạo đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống xã hội hiện đại. Như vậy, Hoa Sen đã thoát khỏi cái triết lý đào tạo “con người công cụ” do cơ chế quan liêu-bao cấp tạo ra nhằm hòa lẫn cá nhân vào tập thể theo tâm lý bầy đàn, dẫn tới sự tha hóa về nhân cách.
Chính là từ triết lý này mà Hoa Sen đã xác định được chiến lược tổ chức-nhân sự đúng đắn, tập hợp được một đội ngũ giáo chức tinh hoa và viên chức mẫn cán xứng đáng với sứ mệnh cao cả của Trường. Về quản trị-điều hành, Hoa Sen đã khẳng định một chiến lược hoạt động theo cơ chế tư thục không vì lợi nhuận. Chính chiến lược này là sự đảm bảo cho chất lượng đào tạo bền vững và ngày càng được nâng cao.
Chương trình đào tạo của Hoa Sen đã tiếp cận được với mô thức và trình độ quốc tế hiện đại dựa trên sự cân bằng giữa 3 lĩnh vực của mục tiêu giáo dục là nhận thức, kỹ năng và thái độ-tình cảm. Đó chính là cơ sở để Hội đồng Kiểm định các Trường và Chương trình Đào tạo về Kinh doanh (ACBSP) của Hoa Kỳ công nhận đạt chuẩn lần đầu đối với 5 chương trình thuộc Khoa Kinh tế Thương mại của Trường. Như vậy, Đại học Hoa Sen đã trở thành trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của ACBSP (Hoa Kỳ). Nếu so sánh với nhiều trường đại học gạo cội đã tồn tại lâu dài trên dưới gấp hai lần 25 năm, lại được phát triển bằng kinh phí nhà nước mà vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế, ta mới thấy Hoa Sen đã vươn lên mạnh mẽ đến nhường nào.
Không chỉ tập trung vào đào tạo và nghiên cứu khoa học (với nhiều công trình được công bố quốc tế), Hoa Sen còn mở rộng sứ mệnh của mình bằng những hoạt động ngoại khóa về văn hóa nhằm nâng cao dân trí. Ban Tu thư của Hoa Sen luôn nỗ lực dịch thuật và phát hành những công trình nghiên cứu có giá trị sâu sắc trên thế giới để cung cấp cho công chúng. “Cây sách” của Hoa Sen là một sáng kiến đặc sắc nhằm phát triên văn hóa đọc trong xã hội. “Nhà Nghệ thuật Sài Gòn” (Art House Saigon) của Hoa Sen luôn đầy ắp khán giả thưởng thức miễn phí và bình luận nồng nhiệt những tuyệt phẩm điện ảnh thế giới để nâng cao trình độ văn hóa cho mọi người.
Nhìn về tương lai, Hoa Sen dự kiến sẽ mở thêm nhiều ngành đào tạo mới để xứng tầm với một đại học đa lĩnh vực; trong đó đặc biệt chú trọng đến khoa học giáo dục hiện đại để đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Hoa Sen cũng dự định mở rộng ảnh hưởng của mình bằng những chi nhánh đại diện ở Hà Nội và các tỉnh, để triển khai các chương trình trao đổi học thuật ngắn hạn miễn phí cho đông đảo công chúng.
Nói chung, sứ mệnh Khai sáng đã và đang tiến những bước vững chắc đầy triển vọng tại trường Đại học Hoa Sen.
3. Nhưng sứ mệnh Khai sáng càng tiến lên thì càng phải đương đầu với những thế lực chống đối ngày càng quyết liệt.
Đã có những bài học nhãn tiền về sự phá hoại của các thế lực như vậy. Lúc sinh thời, cố Giáo sư Ngô Gia Hy và các đồng nghiệp của ông đã thành lập Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh để khai sáng cho dân ta bằng một nền học vấn tiên tiến. Nhưng khi trường đang phát triển tốt đẹp thì bỗng xuất hiện những vấn đề phức tạp về nguyên tắc thu chi, khiến các cơ quan công quyền phải can thiệp để giải quyết. Kết quả là những nhà sáng lập trường và những người kế tục bị tước đoạt hết quyền lực, để các cán bộ-đảng viên từ bên ngoài đến thay thế họ. Nhưng kể từ đó Đại học Hùng Vương lâm vào tình trạng bè phái đấu đá nhau kịch liệt, khiến công tác đào tạo ngày càng trở nên rối loạn. Sau cùng, những người còn nắm được phần nào quyền lực đã ra quyết định sa thải toàn bộ giáo chức và nhân viên của Trường: Đại học Hùng Vương đã bị khai tử!
Trường Đại học Phan Châu Trinh do nhà văn Nguyên Ngọc cùng các đồng chí của ông sáng lập ở Quảng Nam để thực hiện khẩu hiệu “Khai dân trí-Chấn dân khí-Hậu dân sinh” cũng phải đối đầu với những thế lực phá hoại không hề nhỏ; và mọi sự diễn ra cũng tương tự như ở Đại học Hùng Vương. Nhưng rất may là đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được nghe ban lãnh đạo đầy bản lĩnh của Đại học Phan Châu Trinh và Đảng bộ địa phương vạch rõ thực chất của các thế lực đó, nên âm mưu cướp đoạt trường này đã bị ngăn chặn.
Trung tâm Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật (TSK) thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) do Tiến sĩ Khoa học Phan Dũng sáng lập và điều hành đã trở thành một cơ sở khoa học nổi bật trong nước và trên thế giới để truyền bá Phương pháp luận Sáng tạo và Đổi mới (TRIZ) cho dân tộc. Lấy cớ là Trung tâm “không hoàn thành nhiệm vụ, không đóng góp cho Trường…”, Ban Giám hiệu trường này đã cho Tiến sĩ Phan Dũng về hưu để xóa bỏ luôn Trung tâm TSK đang phát triển ngày càng tốt đẹp.
Giờ đây đến lượt trường Đại học Hoa Sen phải đương đầu với các thế lực như vậy. Từ năm 2014, trong lòng Hoa Sen bỗng bộc phát một sự việc mà sức phá hoai của nó thật khó lường: một nhóm cổ đông tham gia góp vốn tranh chấp với Ban Giám hiệu hiện hành về cơ chế hoạt động “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận”. Thoạt đầu, sự việc này có vẻ chỉ xuất phát từ vấn đề thu chi nội bộ liên quan đến thắc mắc về cách phân chia lợi nhuận giữa những nguồn cổ đông góp vốn xây dựng Trường. Nhưng khi nhóm cổ đông “vì lợi nhuận” tung hỏa mù ra trước công luận về sự “bất minh” trong thu nhập của Ban Giám hiệu, gây náo loạn tại Đại hội Toàn trường và công khai “buộc tội” Ban Giám hiệu do Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đứng đầu theo cơ chế “không vì lợi nhuận”, thì bản chất của sự việc đã vượt xa so với nguyên nhân ban đầu của nó. Từ đó, các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Sở Giáo dục và Đào tạo qua Thành ủy-Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đều nhập cuộc để tạo thành một sự kiện lớn ở Hoa Sen khuấy động dư luận cả nước.
Bất cứ ai có lương tri đều hiểu rằng: muốn thực hiện sứ mệnh Khai sáng cho dân tộc, thì nhà trường phải tận dụng tối đa mọi nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, nghĩa là không thể chạy theo lợi nhuận để phục vụ duy nhất cho mục đích kiếm tiền. Nói cách khác, vì sứ mệnh cao cả của mình, Trường Đại học Hoa Sen cần phải và bắt buộc phải hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận. Ngược lại, nếu áp dụng cơ chế “vì lợi nhuận”, thì Hoa Sen đã tự phản bội sứ mệnh Khai sáng để tự biến mình thành một công cụ kiếm tiền tầm thường. Như vậy, những ai đòi trường này phải hoạt động theo cơ chế “vì lợi nhuận” chính là những kẻ chống lại sứ mệnh của Hoa Sen.
Trong năm 2015, nhân danh các công ty “IC và Coordinate” góp vốn cho Hoa Sen, các thế lực này khởi kiện yêu cầu Hoa Sen thanh toán cổ tức cho các cổ phần không chỉ của các công ty này, mà của cả các cổ đông của Hoa Sen đã rời khỏi các công ty đó từ lâu. Bằng yêu cầu phi lý này, họ muốn giành đa số cổ đông về phía mình để có cớ lật đổ Ban Giám hiệu. Dĩ nhiên là Hoa Sen phải kháng cáo để làm rõ sự thật. Rất tiếc là trong quá trình xét xử vừa qua, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh (ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm) đã vi phạm thủ tục tố tụng để đứng hẳn về phía nguyên cáo mà xử cho các thế lực này thắng kiện.
4. Bản án do Tòa Phúc thẩm tuyên vào tháng 4-2016 đã đặt sứ mệnh Khai sáng của Đại học Hoa Sen trước một nguy cơ nghiêm trọng. Lẽ dĩ nhiên là Trường Đại học Hoa Sen không cam chịu để cho sứ mệnh cao quý của mình bị hủy hoại; nhưng rõ ràng cuộc đấu tranh chống các thế lực phá hoại đang gặp khó khăn rất lớn. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, Hoa Sen cần tin tưởng ở tấm lòng trong sáng và bản lĩnh vững vàng của ban lãnh đạo do Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đứng đầu; dựa trên đội ngũ giáo chức-viên chức tinh hoa và mẫn cán với tư cách của những người trí thức cao thượng, cùng với đội ngũ sinh viên được đào tạo có chất lượng theo tiêu chí “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu”.
Hơn nữa, Hoa Sen rất cần nhận được sự ủng hộ và chia sẻ sâu sắc của đông đảo những người tha thiết với sứ mệnh Khai sáng cho dân tộc.
LÊ VINH QUỐC, Tiến sĩ Giáo dục
(Cựu giáo chức Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh)