CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NỘI LỰC DÂN TỘC
( 28-10-2013 - 06:34 PM ) - Lượt xem: 1425
Nhân bài phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói về tầm quan trọng của nội lực trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, dư luận đã tập trung bàn luận về nội lực của dân tộc. Vậy, thực chất của nội lực là gì, nội lực của dân tộc ta hiện nay là như thế nào và làm cách nào để phát triển nội lực dân tộc?
1. Nói một cách đơn giản, nội lực là giá trị cốt lõi của dân tộc mà từ lâu nhân dân ta đã nhận thức được, mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Ngay từ thế kỷ XV, danh sĩ Thân Nhân Trung thời Lê đã phát biểu cực kỳ chính xác: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”(1). Ở đây,“nguyên khí” chính là nội lực dân tộc. Khi nước nhà vừa giành được độc lập sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nên Bác Hồ đã nhắn nhủ học sinh: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2). Đó chính là quan điểm của Bác về nội lực dân tộc.
Theo ý nghĩa khái quát và cô đọng nhất, nội lực chính là trình độ dân trí của dân tộc. Dân trí cao sẽ tạo ra năng lực của con người và năng lực của thể chế (như TS. Nguyễn Sĩ Dũng xác định), tạo nên đội ngũ chính khách tài giỏi mẫn tiệp, giới trí thức thông minh tài ba đầy trách nhiệm và các doanh nhân dấn thân vì dân tộc với sự cao thượng văn hóa (như TS. Nguyễn Minh Hòa đã trình bày), để rồi từ đó sẽ sản sinh mọi giá trị vật chất và tinh thần làm cho đất nước giàu mạnh. Ngay từ đầu thế kỷ XX, các sĩ phu yêu nước đã nhận rõ rằng: sở dĩ Nhật Bản có thề duy tân để trở thành cường quốc hàng đầu là do dân tộc đó có trình độ dân trí rất cao, trong khi nước ta phải chịu thân phận “vong quốc nô” chỉ vì dân trí quá thấp. Từ đó, Phan Châu Trinh cùng các đồng chí của cụ đã quyết tâm cứu nước bằng đường lối Khai sáng cho dân tộc với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đường lối này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực thực hiện ngay sau Cách mạng tháng Tám. Ngày nay, ai cũng biết rõ trình độ dân trí của các cường quốc công nghiệp hàng đầu luôn cao hơn hẳn so với các nước đang phát triển và các quốc gia chậm tiến.
Vì những lẽ trên, phát triển nội lực dân tộc chính là việc nâng cao trình độ dân trí; và việc này chỉ tùy thuộc vào nền giáo dục quốc dân. Do đó, đường lối duy nhất đúng để phát triển nội lực dân tộc chính là con đường đổi mới nền giáo dục của nước nhà theo khoa học giáo dục hiện đại ở các nước tiên tiến.
2. Do di sản của hệ thống tư tưởng tiểu nông đã tồn tại vững bền trong hàng nghìn năm, xã hội ta ngày nay vẫn tràn ngập thói tật “học hư văn để đạt hư danh”. Thêm vào đó, cơ chế quan liêu bao cấp được áp đặt ở nước ta suốt mấy thập kỷ qua lại ràng buộc nền giáo dục trong cái triết lý phủ nhận vai trò của cá nhân con người, đề cao sức mạnh từ những đám đông ngoan ngoãn phục tùng ý trên mà không cần có tư duy độc lập và sáng tạo. Cũng trong những thập kỷ này, nước ta không tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại ở các nước tiên tiến. Đó chính là nguồn gốc dẫn tới sự lạc hậu, yếu kém và thiếu trung thực của nền giáo dục nước nhà, làm cho sự phát triển dân trí bị kìm hãm, khiến cho nước ta chưa đủ nội lực để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Các nước công nghiệp tiên tiến đã chứng minh rõ ràng rằng nội lực của dân tộc không nằm ở những đám đông ngoan ngoãn phục tùng, mà ở từng cá nhân con người có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Nội lực hùng mạnh của nước Mỹ do trình độ dân trí cao tạo nên, có nguồn gốc từ nền giáo dục tôn trọng quyền tự do cá nhân, khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo của từng người học. Có thể coi “Thung lũng Silicon”, nơi tập trung những doanh nghiệp lớn nhất cùng những trường đại học danh tiếng nhất với những nhân tài hàng đầu là biểu tượng cho nội lực của nước Mỹ. Nơi đây có một tảng đá đen lớn với hai chữ vàng chạm nổi trên nó là “Think different”. Đó chính là triết lý thúc đẩy mọi người phát huy tư duy sáng tạo: “Hãy nghĩ khác!” Như để giải thích thêm cho triết lý đó, Steve Jobs - người sáng lập hãng điện tử khổng lồ Apple - đã kêu gọi sinh viên sống và hành động theo những ý tưởng và sự khao khát của chính mình chứ không theo suy nghĩ của người khác: “ Đừng nhốt mình trong những tín điều nào đó, sống như vậy là sống bằng suy nghĩ của người khác. Đừng để quan điểm của những người khác làm mờ nhạt đi quan điểm của chính bản thân bạn”(3). Chính triết lý này tạo nên nội lực hùng mạnh của Hoa Kỳ, đồng thời còn làm cho nội lực đó ngày càng lớn mạnh nhờ dòng chất xám từ khắp mọi nơi tuôn chảy vào nước Mỹ.
3. Nhằm phát triển nội lực của dân tộc, công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta có một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Chúng ta hoàn toàn đúng khi coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Chúng ta cũng đã có một đường lối đúng khi quyết định tiến hành đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Vấn đề được đặt ra là: công cuộc đổi mới này sẽ được thực hiện như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần đổi mới triết lý giáo dục, bằng cách từ bỏ những triết lý do cơ chế quan liêu bao cấp tạo nên để phục vụ cho cơ chế đó, xác định một triết lý mới cho một nền giáo dục dân chủ và nhân bản để đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Từ đó, chúng ta sẽ đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, thay lề lối quản lý điều hành nặng tính chất quan liêu bao cấp áp đặt từ trên xuống bằng một đường lối quản lý điều hành dân chủ và khoa học, trao quyền tự chủ và tự quyết định cho các cơ sở giáo dục mà nhân vật chính là người giáo viên. Cùng với việc mở cửa đón nhận những thành quả của khoa học giáo dục hiện đại, việc đổi mới chương trình giáo dục các cấp cần được tiến hành, để thay thế chương trình hiện hành thiên về nhồi nhét kiến thức một chiều với những học vấn xa rời thực tế, bằng những chương trình mới với những kiến thức thiết thực đối với đời sống, phát triển tư duy độc lập và sáng tạo của người học, chú trọng kỹ năng luyện tập và thực hành. Song song với đổi mới chương trình học là việc đổi mới dạy học ở nhà trường theo hướng phát huy khả năng tích cực chủ động của học sinh bằng những phương pháp dạy học tiên tiến. Tiếp đó, phải cấu trúc lại hệ thống trường học, đổi mới đào tạo giáo viên sao cho đáp ứng được với chương trình học mới và cách thức dạy học mới. Công cuộc đổi mới sẽ diễn ra trong tất cả các cấp bậc của nền giáo dục quốc dân, từ hệ thống giáo dục mầm non, các cấp giáo dục phổ thông cho đến đại học và trên đại học, theo sự soi đường của khoa học giáo dục hiện đại để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục.
Sự đổi mới căn bản và toàn diện như vậy có thể coi là một cuộc cải cách giáo dục lớn. Nhờ đó, chúng ta sẽ tạo ra được một nền giáo dục “trung thực, lành mạnh và hiện đại” như ước vọng mà chính bà Nguyễn Thị Bình đã từng đề xuất. Từ nền giáo dục mới này, dân trí sẽ được thực sự nâng cao và nội lực dân tộc sẽ phát triển nhanh khiến nước nhà trở nên giàu mạnh.
LêVinh Quốc
(Tiến sĩ Giáo dục)
CHÚ DẪN
(1) http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A2n_Nh%A2n_Trung
(2) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/21377/-mot-dan-toc-dot-la-mot-dan-toc-yeu-html
(3) http://archive.saga.vn/view.aspx?id=481