CHỦ NGHĨA LẠC QUAN HỒ CHÍ MINH
( 07-01-2014 - 10:05 AM ) - Lượt xem: 1400
Đã 45 năm nay người dân không còn được trực tiếp nghe tiếng thơ, cũng là lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn, như một cảm thức tâm linh, ta vẫn như thấy một niềm vui và hy vọng lớn lao cất cánh.
Đã 45 năm nay người dân không còn được trực tiếp nghe tiếng thơ, cũng là lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn, như một cảm thức tâm linh, ta vẫn như thấy một niềm vui và hy vọng lớn lao cất cánh.
Đó là Quà xuân bất hủ: chủ nghĩa lạc quan như Lộc Bác Hồ, cũng là Lộc của Đời mà Người từng “chia đến mỗi người dân” (1).
***
Đã có một Chủ nghĩa Lạc quan Hồ Chí Minh.
Trong hệ tư tưởng có chủ nghĩa lạc quan như một phần di sản tinh thần đồ sộ Người để lại. Gọi đây là chủ nghĩa lạc quan cách mạng thì đúng nhưng chưa đủ. Ta có thể coi đó như là một tư tưởng mang đậm bản sắc cá nhân của nhà tư tưởng, nhà đạo đức, nhà triết học vĩ đại – bậc vĩ nhân của thế kỷ XX.
Chủ nghĩa lạc quan Hồ Chí Minh mang tính chất, đặc điểm, vừa là thể hiện khái niệm chung vừa là in đậm dấu ấn cá nhân lãnh tụ.
Nội dung chủ yếu của chủ nghĩa lạc quan có thể nêu tóm tắt là VUI SỐNG, YÊU ĐỜI và TIN TƯỞNG, HY VỌNG.
Cuộc đời Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là minh chứng hùng hồn đầy thuyết phục cho một chủ nghĩa lạc quan đặc sắc.
Chủ nghĩa lạc quan ấy xanh tươi như cuộc đời tạo vật vĩnh hằng: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa” (2), nhưng vẫn rực hồng ánh mặt trời chói lọi: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng”, “Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” như vần thơ tươi đẹp của Người ngay trong khổ đau tù ngục (Nhật ký trong tù).
Đấy là một cuộc đời chung thủy với vẻ đẹp, tình yêu và niềm tin lớn lao. Anh Ba thủy thủ, Người tù vĩ đại cũng như Chủ tịch Nước sau này chỉ là một: “Tình nhân của các mặt trời trên bể/Tri kỷ với hoa mộc trong vườn, trong phòng: hoa huệ/Yêu mùi hương ngay cả khi đôi chân “treo tựa giảo hình” ”. Người đương đầu với cái chết từ tuổi thanh xuân, chống chọi với tuổi già và bệnh tật cuối đời từng ngày, từng giờ, bình thản chấp nhận cuộc ra đi theo quy luật tạo hóa. Từ biệt thế giới này với “Lời văn trong suốt trong veo như nước mắt/ Cái nỗi đau đã lọc đến trong ngần”, gửi lại “vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ”, và cho tất cả “Người gửi lại một niềm tin” (3).
Chúng ta hãy nghe đôi lời ca ngợi của bạn bè thế giới (4).
“Niềm tin cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Song, ở Việt Nam, niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trong số đó, có những nhận xét tế nhị mà sâu sắc: “Bị giam cầm, cùm xích, Người làm thơ và mỉm cười. Trong nụ cười, Người tù đó biểu thị niềm tin vào cách mạng, vào cuộc đời”, “Bác Hồ lãnh đạo chiến tranh bằng những vần thơ... Cứ mỗi trận tiến công lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại làm thơ”. Người một đời luôn đặt “niềm tin ở sự tất thắng”. Trong thơ Người bao giờ cũng có “vần thắng” “vút lên cao”. “Tuy Người đã mất, nhưng niềm tin cách mạng của Người vẫn tiếp tục giành được thắng lợi”.
Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa lạc quan cách mạng anh hùng mang tính thời đại.
Đó là con người đại diện cho sức mạnh đang lên, con người đã dũng cảm nhìn vào sự thật của đất nước và thế giới, dám đứng lên tiến hành đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, vì tiến bộ và văn minh xã hội, vì hạnh phúc chân chính của con người dân tộc và nhân loại.
Đời lãnh tụ là một cuộc trường chinh chiến đấu, khởi đầu là cuộc tìm đường cứu nước tức đi tìm chân lý cách mạng để mở ra một chân trời mới, trong thời đại mới. Đấu trí, đấu lực để tạo ra một thế giới xán lạn.
Lạc quan mạnh mẽ vì có trí tuệ lớn lao. Trí tuệ là bảo đảm cho niềm xác tín đối chọi với ảo tưởng, ảo vọng.
Hồ Chí Minh là bậc đại trí. Đó là nhà khoa học cách mạng uyên bác, nhà lịch sử thông kim bác cổ, nhà chính trị tầm chiến lược quốc tế.
Trước hết, niềm tin phải có cơ sở khoa học.
Đó là một con mắt tinh tường, biết phân biệt thật – giả, đúng – sai, hay – dở để xác định, để chọn lọc, lại qua khảo sát, kiểm nghiệm chu đáo.
Qua Pháp, Nguyễn Ái Quốc tìm nghĩa lý, thực chất của những khẩu hiệu, mục tiêu đẹp đẽ để gửi niềm tin. Trong một cuộc trò chuyện với nhà báo Mandenxtam, năm 1923, Người nói: “Lần đầu tiên tôi đã nghe những từ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm kiếm những gì ẩn giấu đằng sau các từ ấy”(5).Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra sự thật và lật tẩy cái gọi là văn minh giả dối qua hàng loạt trước tác chính luận (6). Sang Mỹ, Người ghi lại những dòng cảm tưởng dưới chân tượng Nữ thần Tự do, mong có được tự do chân chính. Tới Liên Xô, Người được chứng kiến một xã hội mới, tìm được lý luận chính đáng và xác định được sự lựa chọn đúng đắn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin (7). Sau này, Người còn khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin... không những là cái “cẩm nang thần kỳ”, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(8).
Nhìn một cách khái quát là tư duy và hành động của một người mác-xít, nắm được duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Đặc biệt, là phải có được tri thức lịch sử và quan điểm lịch sử, nắm được sự vận động tất yếu của lịch sử theo quy luật tiến hóa để giữ vững và củng cố niềm tin.
Cũng chính vì vậy, có thể có những suy luận, phán đoán, những khả năng, dự cảm, dự báo chính xác để hiện thực hoá niềm tin, chuẩn bị tốt và hành động đúng thời cơ, thời điểm.
Hồ Chí Minh được coi là nhà tiên tri cách mạng kỳ tài, thậm chí thần diệu.
Tháng 8.1914 trong một bức thư gửi Phan Chu Trinh, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tiên đoán Chiến tranh Thế giới thứ I sắp sửa nổ ra (1914-1918). Năm 1924, trong bài Đông Dương Thái Bình Dương, Nguyễn Ái Quốc dự báo Chiến tranh Thế giới II với một tầm chiến lược về thời cuộc quốc tế. Tiếp đó, tháng 5.1941, tại Hội nghị Trung ương ở Pác Bó và sau đó, trên báo Việt Nam độc lập số 114 ngày 1.1.1942 Người đã quyết đoán thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa.(9)
Diễn ca Lịch sử nước ta (từ năm 2979 trước công nguyên đến năm 1942). Mục Những năm quan trọng ghi hai mốc: Hồng Bàng 2879 (?), Việt Nam độc lập 1945.
Thư chúc Tết Giáp Ngọ - 1954 có lời tiên đoán thành sự
thật: Kháng chiến kiến quốc nhất định thành công.
Một tiên đoán khác hoàn toàn đúng ở Việt Nam: “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Ấy là nhận định và mùa xuân 1968 trong một buổi trao đổi với Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng đặc trách chống Chiến tranh phá hoại. Quả nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tháng 12.1972 đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam để tới Đại thắng Mùa xuân 1975, “Mỹ cút, ngụy nhào”, đất nước thống nhất “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Các hoạt động cách mạng được tiến hành khẩn trương, ngày càng gấp rút nhằm chủ động tạo ra thời cơ thuận lợi nhất theo các dự báo sáng suốt.
Chính từ niềm tin mãnh liệt dựa vào dự đoán thiên tài Việt Nam độc lập 1945 mà đã có chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) từ 5.1941. Tiếp theo là hàng lọạt hoạt động ráo riết: Hội nghị Trung ương 2.1943 quyết nghị chuẩn bị toàn diện cho khởi nghĩa võ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân rồi thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Gỉai phóng quân. Các vùng giải phóngđược mở rộng. Tháng 8.1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa chớp thời cơ “nghìn năm có một” làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, mở ra bình minh mới cho Châu Á.(10).
Những tiên đoán, tiên tri về thời cuộc chủ yếu dựa vào tư duy trên tri thức chính trị, xã hội, lịch sử.
Lại có những dự báo có tính tất yếu của tình thế dựa vào sự liên quan với quy luật tự nhiên. Nhật ký trong tù có nhiều loại suy kiểu như vậy - Tự khuyên mình (Tự miễn):
Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Từ nhận định “ Sự vật vần xoay đà định sẵn / Hết mưa là nắng hửng lên thôi” dẫn đến “Hết khổ là vui vốn lẽ đời” (Trời hửng – Tình thiên). Ở đây, thực ra có sự đã có sự đan kết tự nhiên – xã hội qua các quan niệm có tính triết lý nhân sinh: “Khổ tận, cam lai” hoặc “Bĩ cực thái lai”.
***
Trong cuộc sống và văn thơ Hồ Chí Minh, niềm vui và đức tin nhiều khi hiện ra qua nụ cười trí tuệ với nhiều sắc thái. Trong đối xử, giao tiếp, đó thường là nụ cười hồn hậu, khôi hài, dí dỏm. Trong văn thơ, đó là nụ cười hồn nhiên, vô tư nhưng thâm thúy. Cao hơn nữa, đó là nụ cười châm biếm, trào phúng và đả kích. Như vậy, Người đã đánh địch một cách sắc sảo, hạ bệ hạ nhục kẻ thù, đem lại niềm vui của thế thượng phong người chiến thắng.
Có những cái cười ra nước mắt: ví dây trói chân tay như rồng uốn vòng quanh – “Trông như quan võ quấn tua vai”. Trong bài Đi Nam Ninh, sự ví von làm hình ảnh thêm “oai phong”: “Hôm nay xiềng xích thay dây trói/ Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung/ Tuy bị tình nghi là gián điệp/ Mà như khanh tướng vẻ ung dung”. Nổi bật nhất vẫn là nụ cười tự hào, kiên cường để ngóng tới tự do: “Thân thể ở trong lao” nhưng “Tinh thần ở ngoài lao”. Người tù vĩ đại vẫn có tự do, là “khách thần tiên”. Thi nhân - chiến sĩ vẫn ngắm trăng, vẫn làm thơ để nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện ý chí cho ngày mai chiến đấu.
Tinh thần lạc quan Hồ Chí Minh gắn liền với khí phách dũng cảm: chủ nghĩa lạc quan có nguồn gốc ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trong suốt ba mươi năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, vì ham muốn tột bậc là độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua mọi gian nan, khó nhọc, khổ ải, bất chấp súng gươm và đối đầu trực diện với hiểm nguy, chết chóc.
Hai lần vào tù, ra tội ở Trung Quốc không thể làm sụt giảm ý chí mà trái lại, Người vẫn giữ vững và phát huy niềm tin mãnh liệt vào tương lai cách mạng.
Trong nhà tù Victoria ở Hồng Kông hay trong 14 trại giam ở Quảng Tây, tuy “Xót mình giam hãm trong tù ngục” nhưng khi ngủ vẫn thấy “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”, ước ngày “Nhà lao mở cửa ắt rồng bay”!
Đặc biệt, càng chịu khổ ải, càng rèn giũa ý chí; càng bị đày đọa, càng vươn lên ánh sáng. Có những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt: “chân treo tựa giảo hình” mà vẫn nhìn ra “làng xóm ven sông” đông đúc và “thuyền câu rẽ sóng” hoặc “ngồi trên hố xí đợi trời sáng” cũng tức chờ “ngày mai”, mong ngóng “tương lai”.
Người lại còn phải chống chọi với ốm đau, bệnh tật. Ở nhà tù Hồng Kông, đã có thời bị ốm nguy kịch, phải đưa đi điều trị ở nhà thương hàng tháng.
Trong trại giam Quảng Tây – địa ngục trần gian mới bốn tháng, với cảnh sinh hoạt “phi nhân loại”, thân hình trở nên tiều tụy, gầy đen như quỷ đói, răng rụng, tóc bạc, lở loét toàn thân, nhưng vẫn “không nao núng tinh thần”. Vượt lên tất cả vẫn là tiếng cười lạc quan :
Ở tù, bệnh nặng, thêm cay đắng
Đáng khóc mà ta cứ hát cuồng !
Bệnh nặng (Nhật ký trong tù)
Ở chiến khu Tân Trào, lại bị ốm nặng vào lúc gần khởi nghĩa, Người đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.
Sơ kết đoạn đời hoạt động đầy gian truân, trong bài thơ đầu tiên viết về lãnh tụ, Tố Hữu đã lột tả được thần thái đặc sắc một đời của Người:
Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Hồ Chí Minh – 26.8.1945
Sau này, tuổi càng cao, sức càng yếu, Người ra sức chống lại tuổi già và bệnh tật, tiến hành một cuộc đấu tranh thầm lặng để giành giật sức khỏe và cuộc sống yên vui.
Người tự quyết liệt kiềm chế một số hứng thú cá nhân, kiêng cữ rượu, thuốc lá ba năm cuối đời để sống khỏe; sống hạnh phúc trong niềm vui lớn: “Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân” (Không đề - 3.1968).
Chiến thắng chính mình là chiến thắng trước nhất, lớn nhất.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống lạc quan anh hùng. Tinh thần yêu đời, lạc quan anh hùng ấy đã ngấm sâu vào con người Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của truyền thống và của hiện đại.
Văn thơ Hồ Chí Minh có nụ cười mang sắc thái dân gian: “Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra” có dáng dấp: “Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Câu thơ Nhật ký trong tù mang triết lý cổ xưa: “Hết khổ là vui vốn lẽ đời” – minh triết: “khổ tận cam lai”. “Xưa nay bĩ cực thái lai lẽ thường” có thể tìm thấy ở tinh thần sách Đại Nam quốc sử diễn ca: “Thử xem con tạo xoay vần/ Có cơn bĩ cực có tuần thái lai”. Hùng khí lạc quan dân tộc từ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, đến Hịch Tây Sơn của Quang Trung như cũng thấm nhuần trên trang viết của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đó là sự tràn đầy “khí phách” và “uy vũ” xưa trong ý chí quyết thắng và niềm tin chiến thắng ngày nay.
Niềm tin Hồ Chí Minh có xuất phát điểm là chủ nghĩa nhân văn mới cách mạng hay chủ nghĩa nhân đạo cộng sản với nội dung cơ bản là thương yêu ,tin tưởng, tôn trọng con người và đặc biệt là chủ trương giải phóng và phát triển con người. Đó là một nội dung hoàn chỉnh, khác hẳn với chủ nghĩa nhân đạo của các thời đại trước.
Đối với bản thân, đó là lòng tự tin.
Người cách mạng, trước hết, luôn tin ở mình, ở nội lực, ở tiềm năng sẵn có để chuyển hóa thành năng lực tư duy và hành động. Đó cũng là ý thức, là khả năng tự chủ cao độ và cũng là tính tự động, năng động trong thực hành.
Ngay khi lên đường xuất ngoại, anh Ba đã giải đáp thắc mắc cho bạn khi giơ hai tay lên cao: “Đây, tiền ở đây”. Và cuộc sống bôn ba đã chứng minh sức lao động, sức trí óc của anh không những đã nuôi sống bản thân mà còn dồn vào hoạt động cách mạng. Con người ấy biết chấp nhận mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy, dù gian khổ đến đâu. Cái khó nhất là tìm kiếm trí tuệ. Nguyễn Ái Quốc học ngoại ngữ để viết được, để có vũ khí văn hóa nhằm tiến công bọn phản văn minh, bọn tàn ác vô loài trên thế giới. Sau đó, nhờ khổ luyện, Người đã viết được báo, làm được văn, thảo được báo cáo, lập được cáo trạng, đưa yêu sách trên các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo quốc tế.
Để xây dựng một nhà nước còn non trẻ trong tình trạng trứng nước với bao hiểm họa, Người đã vượt qua tất cả bằng niềm tin mạnh mẽ.
Khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập... Nếu cần có Đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam” (11 ).
Hồ Chí Minh là người giàu lòng tự tin, thậm chí với mình cũng là niềm tin kiên định. Nghe tiếng giã gạo là bài học tự rèn luyện để làm người, có ý nghĩa phổ quát như luân lý cách mạng:
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
Tu thân là tự tu dưỡng vàtự tin ở sức mình. Người nhắc nhở “Chính tâm tu thân tức là cải tạo, cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người… Dù khó khăn, gian khổ, nhưng muốn cải tạo thì nhất định thành công”. Tuổi trẻ thuộc nằm lòng lời Khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” (12). Đó là niềm tin lớn mà Người truyền cho thế hệ trẻ.
Hồ Chí Minh tin mình và tin người. Thực chất, đó là đức tin quần chúng, người làm chủ vận mệnh lịch sử.
Đặc biệt, nổi bật nhất, đó là sự tin yêu nhân dân như một thứ tình cảm cao nhất. Dân là thượng tôn. Đây là quan điểm về thân dân trong thời đại mới. Hồ Chí Minh đã định nghĩa thật sâu sắc: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân (13). Khi xác định Nước ta là nước dân chủ tức vì dân, của dân, do dân, Người kết luận với niềm tin sắt đá: “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (14).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tượng trưng của niềm tin thắng lợi.
Cái mong mỏi, hy vọng, tin tưởng lớn nhất của Người là sự chiến thắng. Ý chí quyết thắng của Người rất mãnh liệt. Kết luận của những văn kiện chính trị hoặc những văn bản, lời kêu gọi, thư từ... bao giờ cũng chói sáng niềm tin chiến thắng:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to
Đó là ước vọng cháy bỏng trong Mừng xuân – 1969, tiếng thơ gửi đồng bào cả nước. Cũng mùa xuân Kỷ Dậu ấy, Người đã mường tượng một “rạng đông” bừng sáng: “Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”. Bài thơ cuộc đời cũng là bài ca chiến đấu của toàn dân mà Người lĩnh xướng chỉ có “vần thắng vút lên cao” (Không đề - 3.1968).
Nhìn lại cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, thế giới đã có nhiều ca ngợi. Nữ văn sĩ Bulgaria Blaga Dimitrova đã đọc Nhật ký trong tù và tìm hiểu sự nghiệp Hồ Chủ tịch một cách kỹ càng, thấu đáo, đã chiêm ngưỡng trực tiếp “một thứ ánh sáng” rất diệu kỳ từ “Con người vĩ đại”, phân tích: “Người vẫn giữ được tự chủ trong quan niệm cũng như trong hành động. Người hy vọng rất sâu sắc vào nhân dân, cũng như nhân dân đặt hy vọng to lớn vào lãnh tụ của mình... Hồ Chí Minh! Niềm hy vọng lớn nhất!” (15).
Con mắt nhìn phải đúng phương hướng. Định hướng lạc quan Hồ Chí Minh luôn chính xác, rõ rệt. Luôn nhìn xa trông rộng, hướng về phía trước, phía ánh sáng.
Vui với cái mới, cái đang nảy nở, phát triển, tin ở những mầm mống, những triển vọng. Từ đó, chăm lo, vun đắp cái tốt, điều thiện để tạo ra tương lai tốt đẹp. Một đời Người phát động và biểu dương phong trào Người tốt, Việc tốt là vì vậy.
Trên cơ sở ấy, là sự khẳng định yếu tố tích cực trên yếu tố tiêu cực, cái tiến bộ trước cái lạc hậu, tìm ra tia sáng trong bóng tối.Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đường lối, chính sách đến một nhan đề sách, báo: Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân hay một từ ngữ: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân… phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin… Nay dù phải từ biệt thế giới này”(Di chúc). Nhà sử học Pháp Charles Fourniaux, bạn cũ Nguyễn Ái Quốc nhận xét tinh tế: “Trong đề cương đưa Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch hết tất cả các công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa. Người không viết: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn” mà viết: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”… Đấy chính là nếp suy nghĩ của Người… Làm cho ta thấy rằng trong tất cả mọi tình huống dù là đen tối nhất, Người đã phân biệt rõ cái gì là tích cực cái gì hướng về cuộc sống và tương lai” (16).
***
Thời hoạt động bí mật, Tết nào, Người cũng mừng tuổi đồng bào hàng xóm mấy đồng xu bọc trong giấy hồng đơn. Sau này, Thơ – Thư Tết là quà mừng tuổi.
Vẫn bọc trong giấy hồng đơn tâm linh, là tấm lòng vàng, ý chí và hy vọng mãnh liệt.
Với Hồ Chí Minh, Mùa Xuân là sự ban tặng quý giá của tạo vật cho con người, là thời gian hiện thực mà thiêng liêng. Người tính hạnh phúc bản thân bằng năm tháng, bằng mùa xuân (Di chúc), tính vinh quang trong lịch sử cũng vậy: “Mừng nhà nước ta mười lăm xuân xanh/ Mừng Đảng chúng ta ba mươi tuổi trẻ” (1960), “Chúc mừng Ất Tỵ xuân năm mới, Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi” (1965) (19). Khi nhận định về thế hệ trẻ, cũng vẫn với ý tưởng ấy: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
“Một năm là cả bốn mùa xuân”. Mùa xuân luôn nằm sâu trong tâm tưởng Hồ Chí Minh.
Xin lắng nghe... Phút giao thừa đang chuyển.
Bác Hồ gọi .Ấy là mùa xuân đến...
Mùa xuân là hy vọng Hồ Chí Minh cũng chính là quyền uy linh thiêng của Người, như một niềm tin tất thắng.
Xuân đến, tiễn cũ, đón mới theo phong tục tốt đẹp truyền thống.
Hãy dũng cảm nhìn vào sự thật thực trạng xã hội hiện nay còn biết bao bức xúc và trăn trở: mặt trái của cơ chế thị trường, biểu hiện xuống cấp đạo đức, sự giảm sút niềm tin...để kiên quyết chối bỏ, loại trừ. Đồng thời cũng cần phải biết vui sống, yêu đời, tin tưởng, hy vọng và thấm nhuần hơn nữa tinh thần lạc quan anh hùng Hồ Chí Minh như đón nhận thêm sức mạnh tinh thần mạnh mẽ sắc xuân.
---------------
CHÚ THÍCH
(1), (3) Chế Lan Viên – Tuyển tập I – Văn học, 1985.
(2),(21) Tố Hữu-Toàn tập-Thơ ca-Văn học,2008..
(4), (15), (16), (17) Nhiều tác giả - Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh – Thanh niên, 2007.
(5), (11), (12), (13), (14) Thành Duy – Danh ngôn Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Văn học, 2011.
(6), (7), (10) Hồ Chí Minh – Tuyển tập văn chính luận – Giáo dục, 1997.
(8) Hồ Chí Minh – Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin – Nhân Dân số 2226, 22.4.1960.
(9) Chủ tịch Hồ Chí Minh và những dự báo thiên tài – vietbao.vn, 14.6.2005.
(18) Hồ Chí Minh – Di chúc – Văn Hồ Chủ tịch – Giáo dục, 1971.
(19), (20) Hồ Chí Minh – Thơ toàn tập – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.
PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY