CẦN THAM CHIẾU CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỌC CÓ UY TÍN
( 26-03-2014 - 01:31 PM ) - Lượt xem: 1205
Thất bại của các chương trình trên đều xuất phát từ quan niệm lỗi thời của người có trách nhiệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là nơi “ dạy chữ và dạy người” bằng các môn văn hóa và khoa học cơ bản; còn chức năng “ hướng nghiệp và dạy nghề” thì không được biết đến, hoặc chỉ được thực hiện bằng cách chắp vá sơ sài trong chương trình học để cho có.
Bài “Trung học Tổng hợp xưa và cách nhìn nay” của Nguyễn Phi Hùng (đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 23-2-2014) đã đặt ra trước những người có trách nhiệm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông một vấn đề quan trọng: cần tham chiếu các chương trình học có uy tín đã và đang tồn tại ở các nước tiên tiến cũng như ở nước ta, để áp dụng cho chương trình mới đang được xây dựng.
1. Do những sự lắt léo của lịch sử, nước ta bị ngăn cách với khoa học giáo dục hiện đại trong nhiều thập kỷ, khiến cho nền giáo dục Việt Nam bị lạc hậu rất xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Vì thế, nếu chỉ tiếp cận với giáo dục nước ngoài một cách sơ sài và nông cạn, rồi vội vã đem nhận thức chủ quan của người có trách nhiệm áp dụng vào việc đổi mới giáo dục nước ta, thì sẽ khó tránh khỏi những hậu quả tai hại.
Trong cuộc đổi mới giáo dục cuối thế kỷ XX, nhận thức được rằng kiểu chương trình THPT đồng nhất hiện hành là quá lạc hậu và kém chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho xây dựng một chương trình phân ban thí điểm để thay thế nó. Nhưng chương trình này được phân ban theo tư duy chủ quan của những người chịu trách nhiệm, không hề tham chiếu lý luận và mô thức quốc tế hiện đại, cũng không biết đến những chương trình học có uy tín đã từng tồn tại ở Việt Nam, nên đã hoàn toàn thất bại.
Trong cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đầu thế kỷ XXI, một chương trình phân ban THPT mới lại được xây dựng theo cách tư duy cũ, nên nó lại đi theo vết xe đổ của chương trình thí điểm trước đó.
Thất bại của các chương trình trên đều xuất phát từ quan niệm lỗi thời của người có trách nhiệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là nơi “ dạy chữ và dạy người” bằng các môn văn hóa và khoa học cơ bản; còn chức năng “ hướng nghiệp và dạy nghề” thì không được biết đến, hoặc chỉ được thực hiện bằng cách chắp vá sơ sài trong chương trình học để cho có. Vì thế, trong các chương trình đó họ chỉ “phân ban” xoay quanh quanh 4 môn khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh) và 4 môn khoa học xã hội-nhân văn (văn, sử, địa, ngoại ngữ); mà không biết rằng “hướng nghiệp và dạy nghề” phải trở thành một bộ phận hữu cơ trọng yếu với các bộ môn công nghệ và kỹ thuật ứng dụng, như trong chương trình THPT ở các nước tiên tiến.
2. Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, cơ quan hữu trách có tham khảo các thông tin về chương trình học và sách giáo khoa hiện hành ở nước ngoài. Nhờ đó, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 đã có được định hướng cơ bản tương đối đúng: chú trọng “ phát triển năng lực người học; không chạy theo khối lượng tri thức, mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm”;“phân hóa mạnh mẽ ở bậc học cuối phổ thông, giúp người học phát huy năng lực, sở trường, chuyên sâu vào môn học theo định hướng nghề nghiệp”(1)… Nhưng làm thế nào để biến định hướng đó thành một chương trình giáo dục tốt theo chuẩn mực quốc tế lại là một vấn đề hết sức nan giải. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng tri thức sâu rộng về khoa học giáo dục hiện đại, nhất là chuyên môn nghiệp vụ về phát triển chương trình học (curriculum development ). Tuy nhiên, qua phát biểu của giới chức có thẩm quyền, những khái niệm khoa học như “ phát triển năng lực”, “phân ban”, “ phân hóa”, “ tích hợp kiến thức”, “định hướng nghề nghiệp”…được giải thích rất mơ hồ với những sự ngộ nhận đáng ngại. Bởi thế mà mô hình dự kiến cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã bộc lộ nhiều thiếu sót và nhược điểm; riêng chương trình THPT là một sự lẫn lộn giữa chương trình học đồng nhất (uniform curriculum) với chương trình học phân ban (divisional curriculum) và chương trình học tự chọn (elective curriculum). Đó là những bằng chứng cho thấy tri thức sâu rộng về phát triển chương trình học chưa được thể hiện và vận dụng ở đây. Vì vậy, chưa có gì để đảm bảo rằng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ được xây dựng tốt theo các chuẩn mực khoa học hiện đại. Nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố rằng “giáo dục Việt Nam sẽ không lấy bất cứ mô hình nào của nước ngoài để làm theo”(2), những người am hiểu về khoa học giáo dục lại càng cảm thấy lo lắng cho kết quả của công cuộc đổi mới giáo dục hiện hành.
3. Khi chưa có được nền tảng vững vàng về khoa học giáo dục hiện đại để có thể tự mình sáng tạo nên cái mới, thì con đường đúng nhất và tốt nhất để đổi mới giáo dục là: lựa chọn những chương trình học có uy tín đã được thực tiễn khẳng định, lấy đó làm khuôn mẫu noi theo để xây dựng chương trình học mới cho đất nước. Thật may là đã có sẵn một số chương trình học như vậy để chúng ta lựa chọn.
Từ thời thực dân Pháp còn cai trị xứ thuộc địa Đông Dương cho đến trước 1975, nền giáo dục tiên tiến của nước Pháp du nhập vào Việt Nam đã tạo nên những trường học danh tiếng như Trung học Petrus Ký, Trung học Albert Sarraut, Trung học Marie Curie... Ngày nay, nền giáo dục Pháp vẫn đứng ở hàng đầu châu Âu và thế giới, lại rất quen thuộc với xã hội Việt Nam, nên chương trình giáo dục phổ thông của nước này cần được chúng ta tiếp cận thích đáng. Riêng chương trình Tú tài phân ban Pháp nổi tiếng thế giới đã trở nên hoàn thiện với 3 khối và 10 ban: Khối Tú tài Cơ bản với 3 ban (Văn chương, Kinh tế-Xã hội, Khoa học Tự nhiên); Khối Tú tài Công nghệ với 5 ban (Khoa học-kỹ thuật phòng thí nghiệm, Khoa học-kỹ thuật Công nghiệp, Khoa học-kỹ thuật quản lý, Khoa học-kỹ thuật Y tế và Xã hội, Quản lý khách sạn) và Khối Tú tài Nghề với 2 ban (Khu vực sản xuất, Khu vực dịch vụ) (3). Đó là một mô hình rất đáng để chúng ta nghiên cứu ứng dụng.
Cùng kiểu với chương trình Pháp nêu trên, chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp ở miền Nam nước ta trước 1975 cũng là một chương trình học phân ban với 8 ban cho các lớp 10, 11 và 12: ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (khoa học toán), ban C (văn chương sinh ngữ), ban D (văn chương cổ ngữ), ban E (kinh tế gia đình), ban F (doanh thương), ban G (công kỹ nghệ) và ban H (canh nông) (4). Đúng như Nguyễn Phi Hùng đã trình bày trong bài viết của mình, chương trình Trung học Tổng hợp này đã được nghiên cứu và thực nghiệm công phu để áp dụng tốt trong thực tiễn Việt Nam (5). Hoàn tất chương trình này cũng như chương trình Tú tài phân ban Pháp, học sinh sẽ có nhiều lựa chọn cho việc lập nghiệp: học lên đại học theo các ngành đã được định sẵn trong từng chuyên ban THPT, hoặc ra đời hành nghề theo những nghề nghiệp đã được học ngay trong trường THPT ở từng ban cụ thể. Chương trình này chính là một thí điểm thành công cho loại hình Trung học Phân ban ở Việt Nam.
Do hoàn cảnh Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống với với thực trạng của nước Pháp, và cũng có nhiều khác biệt với miền Nam nước ta trước 1975, chúng ta không thể lấy nguyên mẫu chương trình Tú tài phân ban Pháp hay chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp từng tồn tại ở miền Nam để áp dụng một cách máy móc. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chiếu theo khuôn mẫu của các chương trình đó chắc chắn sẽ đi đến thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Lê Vinh Quốc
(Tiến sĩ Giáo dục)
(1) Dẫn theo Vĩnh Hà, Có thể xóa sổ kỳ thi đại học, Tuổi Trẻ 20-9-2013.
(2) Dẫn theo Vĩnh Thắng, Một hành trình vẫn còn loạng choạng, Tuần san Thế Giới Mới Xuân Giáp Ngọ, 2014.
(3) Xem: http://www.education.gouv.fr/cid52071/baccalaureat-2010.html# Les chiffres cles. Baccalaureat 2010, Dossier de presse-Luc Chatel 11/06/2010.
(4) Xem: Bộ Giáo dục, Chương trình Trung học Tổng hợp Đệ nhị cấp, Sài Gòn 1972.
(5) Xem: Nguyễn Phi Hùng, Trung học Tổng hợp xưa và cách nhìn nay, Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 23-2-2014.
Đã gửi Tuổi Trẻ Cuối Tuần nhưng chưa được đăng