CẢM NHẬN HỒ CHÍ MINH – NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT
( 04-03-2015 - 06:01 PM ) - Lượt xem: 1405
Từ lâu, Hồ Chí Minh đã xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Điều ấy có nghĩa là Người có phẩm cách cao đẹp vượt trội của một nhà văn hóa lớn và có ảnh hưởng văn hóa lớn lao phạm vi toàn cầu, có đóng góp xuất sắc cho văn hóa, văn minh nhân loại.
- I. HỒ CHÍ MINH, MỘT NHÂN CÁCH VĂN HÓA CAO SIÊU
Trước hết, cần tìm hiểu, phân tích thấu đáo về Cốt cách hay Nhân cách văn hóa Danh nhân Hồ Chí Minh. Quá trình tự học tự rèn luyện một đời đã tạo nên vĩ nhân Hồ Chí Minh, mà như một nhận xét của Vasiliev “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ 20 có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời” (1).
Phân tích ra, đây là một ca ngợi đặc sắc và hết sức hoàn chỉnh. Trước hết, học vấn là hiểu biết về các khoa học khái quát (như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), tầm hiểu biết rộng hơn, bao trùm hầu hết cả tự nhiên, xã hội, con người, những hiểu biết hiện thực, những tiên tri, vận dụng cả nhận thức lý trí, cảm xúc tình cảm, trải nghiệm thực tiễn, tiếp thụ bằng cả thức cảm và linh cảm, sự thông minh như một giá trị thiên bẩm được phát huy qua rèn luyện là một vốn cực kỳ quý hiếm, cơ sở của sáng tạo. Theo nghiên cứu khoa học, khả năng sáng tạo được bồi dưỡng phát huy do quá trình nhận giáo dục và tự giáo dục. Qua hàng vạn, hàng triệu phát minh, sáng tạo cụ thể, ta tìm ra được một số hữu hạn (khoảng vài chục) “lõi thông minh” khác nhau. Giống như trong Hóa học, hàng vạn, hàng triệu hợp chất đều do một số đơn chất hữu hạn (trong bảng tuần hoàn Mendelev) hóa hợp với nhau mà thành.
Vậy là Hồ Chí Minh hội đủ cả ba yếu tố cần và đủ đó để hợp thành một giá trị mang tính tổng hòa là văn hóa.
- 1. Văn hóa Hồ Chí Minh, có thể và cần phải gọi như vậy, là một hình thái đa phương diện góp phần tạo nên nhân cách văn hóa.
Người nắm được khoa học tự nhiên ở cốt lõi triết học: biện chứng pháp tự nhiên – bộ phận của chủ nghĩa Mác. Còn về khoa học xã hội, Hồ Chí Minh trước hết, thâu tóm uyên bác khoa lịch sử. Qua nghiên cứu khoa chính trị, Người phát hiện “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” (2). Bôn ba tìm đường cách mạng 30 năm ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu được địa lý và cả lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội của 40 quốc gia. Người thực sự đóng vai trị của một nh x hội học thế giới. Một nhà báo đã nhận xét: “Trên đường đi tìm hiểu thế giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại, đối với anh Ba, đều là một trường đại học, ở đó, anh đã trực tiếp thu lượm được những hiểu biết…” (3). Hiểu biết nhập tâm thành trải nghiệm vô giá ở Đại học trường đời là như vậy. Mặc dầu học qua Đại học Phương Đông nhưng vốn tri thức của Người là cực kỳ uyên bác trên cả bậc đại học và bao quát rất nhiều lĩnh vực.
Nhiều học giả đã tôn vinh Người là nhà triết học vĩ đại bởi tầm triết lý uyên thâm. Hơn nữa, Người xứng danh là bậc hiền triết với phong thái Á đông.
Tuyên ngôn “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tuyên ngôn chân lý thời đại, cũng là học thuyết sáng giá Hồ Chí Minh. Không chỉ là khẩu hiệu đấu tranh mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Người.
Tại Hội nghị Quốc tế “Việt Nam và thế giới” họp tại Hà Nội 5/1980, rất nhiều tiếng nói bè bạn đã khẳng định tầm vóc, vị thế Hồ Chí Minh. Xoxen Stepan, đại biểu Tiệp khắc vinh danh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, nhà chính trị về chiến lược vĩ đại”(4).
Một đời hoạt động tận hiến vì độc lập tự do và hạnh phúc cho dân tộc và nhân loại, Người đã đóng góp và để lại một di sản tinh thần vô giá là hệ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là nhà tư tưởng lớn, đồng thời Người cũng là nhà đạo đức lớn. Đạo đức ấy là tinh hoa đạo lý truyền thống dân tộc kết hòa với đạo đức cách mạng cao đẹp đã đưa Người “đứng vào hàng đầu danh sách các lãnh tụ lỗi lạc của thế giới về đạo đức cách mạng” như lời Nguyên Đại sứ (Grênada) tại Cuba Risác Đohaxop (5). Tư tưởng ấy đã trở thành bất diệt và trở nên sinh động nhờ tấm gương và những chủ thuyết đạo đức của Người.
Trước mắt của lương tri nhân loại ngày nay, Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng con người, cho giá trị mới cao quý của con người.
Đóng góp ấy nhìn rộng ra, là cống hiến cho văn hóa, văn minh nhân loại.
Hồ Chí Minh là nhà văn hóa đa tài.
Ở ý nghĩa đóng góp cho hoạt động tinh thần, Người là nhà báo, nhà văn tầm quốc tế với những trước tác về báo chí, văn chương nổi tiếng bằng tiếng Pháp, tiếng Trung và được dịch ra rất nhiều ngoại ngữ.
Hồ Chí Minh am hiểu bao quát cả lĩnh vực nghệ thuật, có những hiểu biết sâu sắc và những chỉ dẫn về văn hóa nghệ thuật.
Trên tất cả, Người mang tư cách Nghệ sĩ của cái Đẹp. Hơn thế nữa, Người lập mặt trận chiến đấu Văn hóa Nghệ thuật vì cách mạng và trở thành Tổng tư lệnh tối cao.
- 2. Cấu trúc văn hóa Hồ Chí Minh hoàn chỉnh tuyệt vời.
Đó là sự tích hợp văn hóa lịch sử.
Là một Nhân cách thời đại, Hồ Chí Minh chính là sự tích hợp văn hóa cổ kim, Đông Tây.
Trên ý nghĩa ấy, văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc và tình hoa văn hóa nhân loại.
Trước hết, văn hóa Hồ Chí Minh kết tinh được những tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời hàng nghìn năm. Trong đó, nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân ái. Yêu nước, thương dân, tự hào, tự tôn dân tộc là niềm thiêng liêng, cao cả nhất nằm sâu trong thức nhận, tâm cảm của nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.
Nhìn rộng ra, Hồ Chí Minh còn chắt lọc được tinh hoa, những yếu tố tích cực tốt đẹp nhất của văn hóa Phương Đông, nhất là Nho giáo, Phật giáo.
Điều quan trọng là Người chọn lọc qua tư duy cách mạng và biến hóa vận dụng theo quan điểm cách mạng.
Như với Nho giáo, luận thuyết Trung, Hiếu đã được nêu thành Trung với Nước, Hiếu với Dân. Hoặc như Ngũ thường nói theo Người thành năm đức tính của người cách mạng: Trí, Tín, Dũng, Nhân, Liêm. Còn Tứ đức mới chính là Cần, Kiệm, Liêm, Chính như quan điểm Hồ Chí Minh.
Một mặt, Người rất coi trọng và đề cao Khổng Tử về chủ thuyết tư tưởng đạo đức và khuynh hướng đức trị. Mặt khác, Người lại phát hiện ở Mạnh Tử nét tích cực hơn. Đó là sự đề cao lòng tự tin của con người và coi trọng nội lực bản thân tức phát huy tính năng động chủ thể: “Bậc chí thánh chỉ tin cậy ở sức mình…”. Đồng thời là khuynh hướng bổ sung pháp trị của việc trị quốc.
Với Phật giáo, Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng nhân văn, hướng thiện, cứu khổ cứu nạn. Người đã kêu gọi: làm theo lòng từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cõi khổ ải của nô lệ.
Hồ Chí Minh là người sớm biết tiếp thu văn hóa Phương Tây đặc biệt là tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, ba phương diện cơ bản: chủ nghĩa nhân văn, tinh thân duy lý và văn hóa dân chủ. Trong văn hóa Phương Tây, chủ nghĩa Mác – Lênin có vị trí quan trọng đặc biệt trên quá trình hình thành con đường cứu nước chính xác nhất của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh.
- 3. Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc và nhân loại để biến thành một văn hóa mới mang tính chất và đặc điểm nổi bật là cách mạng triệt để và nhân văn sâu sắc. Suốt đời học tập để không ngừng làm giàu vốn văn hóa bản thân, Người đã đem lại tính chất hiện đại và cũng lài thời đại cho văn hóa.
- 4. Phương pháp luận khoa học văn hóa Hồ Chí Minh hết sức chuẩn xác.
Trước hết là tư duy sắc sảo minh triết qua phân tích các học thuyết, giáo lý tôn giáo, chủ nghĩa chính trị:
“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Tôn giáo của Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm nổi bật của nó là phù hợp với điều kiện nước ta.
……………
Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội” (6).
Ta thấy những điểm đặc sắc của văn hóa nhân loại đã in dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua bộ óc như bộ lọc vĩ đại. Vì vậy, sự tinh lọc, tổng hợp, tuyển chọn và biến hóa biện chứng là một phương pháp đặc biệt của nhà thông thái, dẫn đến tiếp biến, đổi mới và sáng tạo cái mới về văn hóa.
Là nhà cách mạng tầm quốc tế, Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng trở thành một khoa học có tính tổng hợp bao quát từ chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự…. Chính vì vậy, Người đã trở thành nhà khoa học cách mạng lớn và đã vận dụng phương pháp khoa học hiệu quả trên nhiều phạm trù và lĩnh vực.
Người đã biết so sánh sâu sắc, kỹ lưỡng nên tìm ra được những khác biệt, nhất là những cái giống nhau và tìm ra được sự gặp gỡ, giao thoa giữa các nền văn hóa Đông và Tây, phát hiện và gìn giữ được những bản sắc văn hóa, chấp nhận cái tiểu dị trong cái nền đại đồng và cái mẫu số chung. Thật kỳ lạ và đặc sắc khi Người xếp lại gần nhau những vĩ nhân, những thiên tài lịch sử ở nhiều chỗ đứng và xuất phát khác nhau: Khổng tử, Thích Ca Mầu Ni, Giêsu, Lanh Côn, Tôn Dật Tiên. Một tưởng tượng hợp lý trên cái phi lý của lịch sử: sự họp mặt và hơn thế “chung sống” kỳ thú “rất hoàn mỹ” của “những người bạn thân thiết” ấy nếu còn sống tới hôm nay!
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh một đặc sắc này: đó là sự khảo sát cùng thể nghiệm và từ đó đã trở thành trải nghiệm của nhà khoa học cách mạng Hồ Chí Minh. Người nhận rõ tính chất ảo tưởng của quan điểm thế giới đại đồng Khổng Tử, ngược lại thấy rõ tính chất thực tế của chủ nghĩa Tam dân Tôn Dật Tiên vận dụng vào thế giới hiện đại và hoàn cảnh thực tiễn dân tộc, trong “điều kiện nước ta” thời ấy.
Tổng hợp lại ta thấy rõ phong cách nhất là tư cách khoa học thực sự của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.
- II. HỒ CHÍ MINH – NHÀ SÁNG TẠO VĂN HÓA LỚN
Với óc thông minh xuất chúng, tầm trí tuệ trác việt Hồ Chí Minh trở thành một chủ thể sáng tạo văn hóa, văn minh.
Mang phẩm cách văn hóa cao vời, Hồ Chí Minh không chỉ là Nhà văn hóa lớn mà còn là Nhà sáng tạo văn hóa lớn.
Từ rất sớm, năm 1943, Hồ Chí Minh đã nêu một định nghĩa về văn hóa “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật cũng như công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng khác. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.” (7).
Có thể nêu một định nghĩa ngắn gọn, súc tích khác: văn hóa là tổng thể sinh động những giá trị sáng tạo, hình thành nên hệ thống giá trị, phản ánh trình độ phát triển của con người và xã hội loài người. Văn hóa đồng nghĩa với tiến bộ xã hội, với văn minh ở một thời kỳ lịch sử nhất định.
Những định nghĩa vắn tắt trên xác định rõ mục đích của văn hóa: giúp con người tồn tại và phát triển cũng như tính chất của văn hóa: phản ánh trình độ phát triển. Từ đó, tìm ra phương thức tiến triển văn hóa là sáng tạo, phát minh.
Theo quan niệm Hồ Chí Minh, ta thấy có hai lĩnh vực văn hóa: văn hóa vật chất (biểu hiện qua vật chất) và văn hóa tinh thần (hay phi vật chất). Sáng tạo, phát minh là ở trên hai lĩnh vực đó.
Với quan niệm trên, văn hóa bảo đảm tồn tại cho cá nhân, hoàn thiện và phát triển nhân cách con người chân chính, tiến bộ cũng như bảo đảm phát triển toàn diện bền vững và nhân văn cho xã hội.
Nhìn một cách tổng quát, sự nghiệp văn hóa lớn nhất đóng góp cho dân tộc của Hồ Chí Minh là tìm ra được con đường cứu nước chính xác nhất, đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó, lãnh đạo thắng lợi công cuộc dựng nước, giữ nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại độc lập tự do, thống nhất cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng thời, Người cũng đóng góp cho văn hóa thế giới với sự nghiệp cách mạng một đời bằng cách chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa – những con người bị áp bức, bóc lột con đường đấu tranh, đứng lên đập tan gông cùm, xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, xóa bỏ chế độ thực dân mới. Hồ Chí Minh – tượng trưng cho “đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”(8) chính là Người chiến sĩ của phong trào cách mạng thế giới (9). Và, trên hết “Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ” (10). Đó là hướng của văn hóa, văn minh nhân loại.
Với tư cách một nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới cho lịch sử dân tộc mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong tiến trình phát triển của nhân dân và đất nước Việt Nam.
Đề cương văn hóa được xây dựng từ 1943 theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ sau Cách mạng, bắt tay vào xây dựng một nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến kiến thiết văn hóa, một sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu dài.
Đề xuất Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa(11) có sáu vấn đề, nhưng thâu tóm lại là “cấp cứu” con người về vật chất và tinh thần.
Phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất là việc cấp bách để cứu đói. Sau đó là đề cập đến chiến dịch chống nạn mù chữ để chống nạn dốt. Tức là nhóm ngọn lửa tri thức sơ đẳng đầu tiên cho trí óc. Vấn đề thứ 3 là dân chủ (tổ chức tổng tuyển cử), vấn đề thứ 4,5 là cải tạo cụ thể là tẩy não loại bỏ dần thói hư tật xấu, đặc biệt là “tuyệt đối cấm thuốc phiện” – một tệ nạn đầu độc dân tộc cả thể xác lẫn tinh thần. Vấn đề thứ 6 – cuối cùng – là đoàn kết chống chia rẽ Lương – Giáo.
Vậy là cả 5/6 vấn đề đều thuộc về văn hóa, sau kinh tế (chống đói). Quan điểm nhân văn vì con người thật sáng rõ: Hồ Chí Minh đã thấy được cái gốc là con người – ở đây là văn hóa con người.
Một khẩu hiệu có ý nghĩa phương châm chiến lược là xây dựng đời sống mới: đời sống gắn với người Việt Nam mới. Tiến hành kháng chiến chống Pháp cũng có một khẩu hiệu lớn như mệnh lệnh sống và chiến đấu được vị Tổng tư lệnh Hồ Chí Minh đề xướng Kháng chiến hoá văn hóa – Văn hóa hóa kháng chiến. Đây là một phương châm cách mạng tuyệt vời về văn hóa. Một mặt, con người và cả cộng đồng phải nhận thức rõ văn hóa, văn nghệ là một mặt trận và mỗi công dân kháng chiến phải là một chiến sĩ trên mặt trận ấy. Ta hiểu, đó là xác định vai trò cách mạng của văn hóa, nhiệm vụ chiến đấu của văn hóa – từ đó là nhiệm vụ người dân.
Mặt khác, bên cạnh tư cách chiến sĩ, mỗi người còn phải tham gia kháng chiến, tức chiến đấu với tư cách người làm văn hóa – người nghệ sĩ. Nói văn hóa hóa kháng chiến là phải làm cho công cuộc chiến đấu trở nên văn hóa – tức là phải có khoa học và nghệ thuật trong tiến hành sự nghiệp kháng chiến, đưa văn hóa vào tất cả mọi hoạt động kháng chiến. Kháng chiến bằng sức mạnh tinh thần là như vậy.
Từ đó suy ra: cách mạng hóa văn hóa mới đạt hiệu quả đích thực, tối đa, văn hóa hóa cách mạng cũng vậy. Cách mạng nhằm đem lạiquyền sống, quyền lợi cho con người, vì cuộc sống và con người có văn hóa tức cái đẹp đời người. Khẩu hiệu – khẩu lệnh trên xuất phát từ quan điểm chiến lược mang tính cách mạng và nhân văn sâu sắc.
Lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Hồ Chí Minh được thực hiện trong hoạt động cách mạng một đời. Giải phóng về văn hóa là giải phóng triệt để con người và phát triển con người, đó là ý nghĩa cực kỳ sâu sắc của sự nghiệp vĩ đại Hồ Chí Minh – sự nghiệp lãnh đạo hai cuộc cách mạng và ba cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Đưa văn hóa vào đời sống nói chung – mà khởi đầu là từ cách mạng và kháng chiến- phải được quan niệm là một công trình lớn trong một quá trình dài lâu.
Nội dung của văn hóa đời sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm ba bộ phận chủ yếu tóm lược như sau:
- Đạo đức mới chủ yếu là đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính là nhân lõi.
- Lối sống mới: sống có lý tưởng, có đạo đức, sống văn minh, tiên tiến, hòa hợp với cộng đồng (dân tộc và nhân loại)
- Nếp sống mới: kế tục thuần phong mỹ tục truyền thống, xây dựng thói quen, phong tục tập quán mới.
Về quan điểm xây dựng văn hóa mới có những nhiệm vụ cụ thể được Người chỉ dẫn trên nền tảng chung
- Xây dựng tâm lý tinh thần độc lập, tự cường
- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng
- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp đều vì phúc lợi xã hội
- Xây dựng chính trị: dân quyền
- Xây dựng kinh tế.
Nhìn chung lại là nhằm xây dưng văn hóa cá nhân tức vấn đề nhân cách văn hóa (1,2), văn hóa cộng đồng tức phẩm cách, tư cách văn hóa của xã hội (3, 4, 5)
Cũng theo tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh có thể quan niệm nhiều loại hình trong nội hàm văn hóa: văn hóa chính trị, văn hóa ngoại giao, văn hóa phong hóa, văn hóa hành chính… cũng như văn hóa lao động, văn hóa giao thông… (về hoạt động đời sống), văn hóa gia đình, văn hóa học đường (về phạm vi môi trường sinh sống, học tập…)
Có quan niệm như vậy mới biết cách đưa văn hóa vào đời sống một cách thực sự, hiệu quả và bao trùm hơn là làm một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khi thể hiện nhân cách văn hóa.
Đó chính là vấn đề lớn thuộc một phạm trù khác, phạm trù ứng xử văn hóa với những quan niệm, tư duy và phong cách… thích hợp như khoa học và nghệ thuật vận dụng hành xử văn hóa “ở đời” và “làm người” theo tư tưởng triết học và pháp quyền Hồ Chí Minh ..
PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY
CHÚ THÍCH
(1) Nhiều tác giả - Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh-Ủy ban Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1990.( trang 99)
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2) – Chính trị Quốc gia, tập 2 – Hà Nội, 1995.( trang 267-268).
(3) Rơnê Đipét (René Depestre) viết trên Phong trào (Mouvement),10/1969.
(4) Nhiều tác giả-Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh (3) – Thanh niên, 2007.(trang 76)
(5) Sách đã dẫn (4).trang 261.
(6) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo - Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng – Khoa học Xã hội, 1996.(trang 152).
(7) Sách đã dẫn (2) tập 3, trang 431.
(8), (9), (10) Sách đã dẫn (4) trang 156, 157.
(11) Sách đã dẫn (2) tập 4, trang 7 – 9.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hồ Chí Minh – Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận – Văn học, 1981.
2- Hồ Chí Minh – Nhà nước và pháp luật Việt Nam – Pháp lý – Hà Nội, 1990.