NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO ĐẢNG BÔNSÊVICH TRONG CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI (Phần 1, 2)

( 12-11-2013 - 06:26 PM ) - Lượt xem: 3182

Nhân kỷ niệm 96 năm CMT 10 Nga, BBT có nhận được bài viết về sự kiện này của Ts Lê Vinh Quốc. Được phép của tác giả, BBT gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết và cũng xin nhấn mạnh: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Từ năm 1917 cho đến nay, số sách báo và công trình khoa học viết về cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, về Đảng Bônsêvich và Lênin đã chất cao như núi. Song ở Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân, người ta còn ít biết đến, hoặc chỉ biết một cách phiến diện và không đầy đủ về các nhà lãnh đạo của Đảng Bônsêvich, những người đã cùng với Lênin dẫn dắt cuộc cách mạng rung chuyển thế giới trong thế kỷ XX này.

Việc khôi phục đầy đủ và toàn diện chân dung chính trị của các nhân vật lịch sử ấy trong tiến trình cách mạng là hết sức cần thiết để có thể nhận thức về cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 sát đúng với thực tiễn khách quan.

1. Tranh luận về chiến lược phát triển cách mạng

Là một phái trong Đảng công nhân Xã hội - Dân chủ Nga theo chủ nghĩa Mac, những người Bônsêvich do Lênin đứng đầu trở thành một Đảng chính trị độc lập từ năm 1903, khi họ ly khai với phái Mensêvich cùng thuộc Đảng cũ. Trong khi hầu hết các Đảng Xã hội - Dân chủ ở châu Âu thuộc Quốc Tế II chủ trương dựa vào nền dân chủ tư sản, đấu tranh hợp pháp đòi cải cách để giành quyền lợi cho giai cấp công nhân, Đảng Bônsêvich vẫn giữ vững quan điểm: làm cách mạng đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng một chế độ mới công bằng và tốt đẹp hơn.

Sau thất bại của cách mạng Nga 1905, và sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, đảng đã bị chế độ Nga hoàng đàn áp tàn bạo, phần lớn các nhà lãnh đạo đảng bị bắt bớ tù đày hoặc phải lánh ra nước ngoài. Trong khi nước Nga đang giao chiến với Đức và Áo-Hung trên chiến trường châu Âu, đảng nêu khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”; theo đó, cuộc Cách mạng Tháng Hai 1917 bùng nổ ở thủ đô Pêtơrôgrad (tức Saint Petersburg cũ), cố đô Matxcơva và khắp nơi trên toàn quốc. Cách mạng thành công, chế độ Nga hoàng bị lật đổ và nền dân chủ được thiết lập, các nhà cách mạng bị tù đày được trả lại tự do để hoạt động công khai hợp pháp. Khi ấy quần chúng cách mạng có cơ quan quyền lực của mình là các Xô Viết đại biểu công nhân và binh lính; trong đó đảng Bônsêvich chỉ là thiểu số, các đảng Mensêvich và Xã hội - Cách mạng chiếm đa số và nắm quyền lãnh đạo. Song song với các Xô Viết, một Chính phủ Lâm thời cũng được thiết lập tại Pêtơrôgrad để lãnh đạo đất nước.

Do thời cuộc biến chuyển quá nhanh, khiến nước Nga chuyên chế với nhiều tàn tích phong kiến thời trung cổ đột ngột trở thành “một nước tự do nhất trong tất cả các nước tham chiến ở châu Âu”, các nhà lãnh đạo đảng Bônsêvich bị hụt hẫng về đường lối hoạt động. Vấn đề đặt ra với họ là: phải giữ lập trường như thế nào đối với chính phủ mới và các đảng phái khác trong Xô Viết? Và triển vọng của cách mạng sẽ như thế nào? Có nhiều lời giải đáp khác nhau trong giới lãnh đạo Đảng. Về lập trường đối với chính phủ, L.B.Kamênep cho rằng cần ủng hộ có điều kiện đối với chính phủ “trong phạm vi chính phủ Lâm thời này thực sự đấu tranh chống những tàn dư của chế độ cũ”(1). A.C.Bupnôp và nhiều đảng bộ khác lại chủ trương phải đặt chính phủ Lâm thời dưới sự “Kiểm soát của quần chúng”. I.V.Stalin cùng L.B.Kamênep và đa số ủy viên trung ương nhất trí theo chính sách “gây áp lực” với chính phủ để buộc nó phải mở ngay những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Đối với các đảng phái khác trong Xô Viết, đã có những đề nghị thống nhất trở lại với đảng Mensêvich. Kamênep và nhiều người khác cho rằng có thể hợp tác với Mensêvich và Xã hội - Cách mạng. Ngay cả Stalin, người đã tuyên bố rằng “không thể hợp nhất cái chưa thống nhất” cũng đồng ý thỏa thuận với Mensêvich, với giới hạn duy nhất là loại trừ “chủ nghĩa vệ quốc cách mạng”(2).

Còn về triển vọng của cách mạng, hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng Bônsêvich lúc bấy giờ chỉ quan tâm đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh đế quốc và việc hoàn thành triệt để các nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản.

Nhưng V.I.Lênin đã đưa ra một đường lối hoàn toàn mới. Từ Thụy Sỹ, ông điện về nước cho các đồng chí của mình: “Sách lược của chúng ta là: hoàn toàn không tín nhiệm, không ủng hộ Chính phủ mới một chút nào cả; … không xích lại gần các đảng phái khác một chút nào cả”(3). Trở về nước, ông vạch ra hướng tiến lên của cách mạng bằng bản “Luận cương tháng Tư”, trong đó khẳng định rằng: “Cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở nước Nga đã được hoàn thành rồi”, khi chính quyền đã rơi vào tay giai cấp tư sản, giờ đây đảng phải tiến hành một cuộc cách mạng nữa là cách mạng xã hội chủ nghĩa để giành chính quyền về tay giai cấp vô sản. Ông kêu gọi: “Chúng ta muốn cải tạo thế giới. Chúng ta muốn chấm dứt chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thế giới (…) thì không có cách nào khác ngoài cuộc cách mạng vô sản vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”(4). Đường lối đó của Lênin gây chấn động chính trường Nga. Phái Mensêvich kêu lên rằng Lênin “mê sảng” (theo cách diễn đạt của G.V.Plêkhanôp). Giới lãnh đạo Bônsêvich cũng bị bất ngờ và một số trong đó đã phản đối ông. Kamênep tuyên bố “về cái công thức tổng quát của đồng chí Lênin, thì chúng ta không thể nào chấp nhận được, bởi vì nó xuất phát từ nhận định cho rằng cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã hoàn thành, và bởi vì nó trông mong chuyển ngay lập tức cuộc cách mạng đó thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.”(5) Ông lập luận rằng cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga chưa hoàn thành, chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân chưa được thiết lập, nền dân chủ tư sản chưa tận dụng mọi khả năng của mình, vấn đề ruộng đất chưa được giải quyết … Vì vậy chưa thể nói đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. A.I.Rưkôp tuyên bố rằng ở nước Nga tiểu tư sản không thể trông mong quần chúng đồng tình với cách mạng xã hội chủ nghĩa, và sức thúc đẩy của cuộc cách mạng này “phải được đem lại từ phương Tây”(6). G.L.Piatakôp nói rằng trong thế giới tư bản chỉ có hai giai cấp đối kháng là tư sản và vô sản, vì vậy ông tán thành công thức của L.B.Tơrôtsky: “xóa bỏ Nga hoàng, lập chính phủ công nhân”(7) … Cuộc luận chiến diễn ra rất gay gắt. Nhưng những lập luận sắc bén của Lênin cùng với sách lược mềm dẻo sáng suốt do ông đề nghị: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng phương pháp hòa bình với khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô Viết”, đã thuyết phục được đa số đảng viên. Tại cuộc hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng trong tháng Tư, đường lối của Lênin “ về quan hệ với chính phủ Lâm thời” đã được thông qua với 122 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng; “ về thời điểm hiện tại” - tức là việc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa: 71 phiếu thuận, 54 phiếu chống và 8 phiếu trắng (8).

Cuối tháng bảy, sau khi chính phủ Lâm thời được Xô Viết ủng hộ bắt đầu dùng vũ lực giải tán cuộc biểu tình vũ trang ở Pêtơrôgrad và trấn áp một số hoạt động của những người Bônsêvich, đảng đã họp đại hội lần thứ sáu của mình với 171 đại biểu tham dự. Vì phải ẩn tránh sự truy lùng của Chính phủ Lâm thời, Lênin không tham dự nhưng vẫn theo dõi hoạt động của Đại hội. Các báo cáo chính tại đại hội do I.V.Stalin, Ia.M.Sverđlôp, I.T.Smilga, N.I.Bukharin và V.P.Miliutin trình bày. Đại hội đã chấp nhận cho nhóm “Đứng giữa các phái” của L.B.Tơrôtsky gia nhập đảng Bônsêvich và tham dự đại hội.

Vấn đề then chốt tại Đại hội vẫn là vấn đề tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. N.I.Bukharin lập luận rằng: nông dân sẽ không đi với công nhân trong cuộc cách mạng vô sản. Xét về tình hình quốc tế, ông cho rằng: Nga là một nước tiểu tư sản cho đến nay đang liên minh với các cường quốc đế quốc quốc phương Tây; “nếu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công trước hết ở Nga, thì điều đó sẽ là lời tuyên bố chiến tranh cách mạng, nghĩa là chưa có gì đảm bảo thắng lợi. Bằng cuộc chiến tranh cách mạng này, chúng ta sẽ đốt lên đám cháy của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới”(9). E.A.Prêôbragienski tuyên bố rằng nước Nga chưa đủ điều kiện chín muồi để chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi nào có cách mạng vô sản ở phương Tây thì mới có thể đưa nước nhà đi theo con đường xã hội chủ nghĩa được.

Các quan điểm trên đã bị đa số đại biểu đại hội phê phán. Đại hội đã nhất trí thông qua (với 167 phiếu thuận và 4 phiếu trắng) nghị quyết về việc từ bỏ con đường hòa bình, chuyển sang con đường bạo lực để giành chính quyền trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Một ủy ban trung ương của đảng đã được Đại hội bầu ra, gồm 21 ủy viên (xếp tên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Nga) là: F.A.Archom (Xergâyep), Ia.A.Berzin A.S.Bupnôp, N.I.Bukharin, F.E.Đzerjinski, G.E.Zinôviep, L.B.Kamênep, bà A.M.Kôlôntai, V.I.Lênin, N.N.Krestinski, V.P.Miliutin, M.K.Muranôp, V.P.Nôghin, A.I.Rưkôp, Ia.M.Sverđlôp, I.T.Smilga, G.Ia.Sôkôlnikôp, I.V.Stalin, L.D.Tơrôtsky, M.S.Uritski và S.G.Saumian. Do uy tín to lớn của ông, Lênin được coi là người đứng đầu ủy ban trung ương đảng. Đây chính là những nhân vật chủ yếu đứng mũi chịu sào để lái con thuyền cách mạng đi đến đích.

2. Về sách lược giành chính quyền

Cuối tháng Tám, sau khi vụ phiến loạn của tướng Kornilôp với âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự bị đập tan, uy tín của Chính phủ Lâm thời và các đảng ủng hộ nó trong Xô Viết xuống rất thấp, trong khi uy tín của đảng Bônsêvich lên cao. Nhờ đó, đảng Bônsêvich đã giành lại được đa số trong Xô Viết Pêtơrôgrad (với L.D.Tơrôtsky được bầu làm chủ tịch), Xô Viết Matxcơva (do V.P.Nôghin làm chủ tịch) và 250 Xô Viết khác cũng được “bônsêvich hóa” như vậy. Các Xô Viết này đã đấu tranh buộc BCHTƯ các Xô Viết toàn Nga (đang nằm trong tay Mensêvich và Xã hội - Cách mạng) phải triệu tập Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ II vào ngày 25-10 để giải quyết những vấn đề cơ bản của đất nước. Trong khi đó, dưới áp lực của phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, Chính phủ Lâm thời cũng buộc phải tuyên bố sẽ tổ chức bầu Quốc hội lập hiến vào ngày 12 tháng 11 để giải quyết những vấn đề trọng đại của quốc gia: chính quyền, hòa bình, ruộng đất … Với uy tín ngày càng tăng của mình, đảng Bônsêvich hoàn toàn có khả năng chiếm ưu thế tại Đại hội Xô Viết cũng như tại Quốc hội lập hiến.

Trong tình hình này, khả năng giành chính quyền về tay đảng Bônsêvich đã chín muồi. Nhưng vấn đề đặt ra là giành chính quyền bằng đường lối nào: đường lối hòa bình thông qua Đại hội Xô Viết và Quốc hội lập hiến hay đường lối bạo lực bằng khởi nghĩa vũ trang?

Lênin quyết định giành chính quyền bằng khởi nghĩa vũ trang: “Đã có được đa số trong các Xô Viết đại biểu công nhân và binh sĩ ở hai thủ đô, thì những người Bônsêvich có thể và phải nắm lấy chính quyền … Vấn đề ở đây là làm cho đảng nhận rõ nhiệm vụ của chúng ta là phải đặt vào chương trình nghị sự việc khởi nghĩa vũ trang ở Pêtơrôgrad và ở Matxcơva (kể cả toàn tỉnh), việc giành chính quyền và lật đổ chính phủ” (10).

Nhưng Kamênep và Zinôviep không tán thành khởi nghĩa. Hai ông sợ rằng nếu dùng vũ lực giành chính quyền, đảng Bônsêvich sẽ bị cô lập và phải đối đầu với tất cả các lực lượng chính trị khác: “… Nhưng mà ‘tất cả’ đều chống lại ta! Chúng ta bị cô lập; Ban chấp hành Trung ương các Xô Viết, phái Mensêvich - quốc tế chủ nghĩa, phái ‘Đời sống mới’, những người Xã hội chủ nghĩa - Cách mạng cánh tả đã và sẽ tung ra những lời kêu gọi chống lại chúng ta!...”; “Chúng ta chưa chiếm được đa số trong nhân dân, thiếu điều kiện đó thì cuộc khởi nghĩa là vô hy vọng”(11). Vì vậy, hai ông muốn giành chính quyền theo con đường hòa bình và hợp pháp trong khuôn khổ nền dân chủ Nga: “Chúng ta càng mạnh lên, chúng ta có thể tham gia Quốc hội lập hiến với tính chất một phái đối lập mạnh mẽ, tại sao lại đánh liều một ván bài như thế?”(12).

Cuộc Hội nghị bí mật của trung ương đảng ngày 10 tháng 10(*) được triệu tập để giải quyết vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa. 12 người tham dự hội nghị này gồm các ủy viên trung ương V.I.Lênin, A.S.Bubnôp, F.E.Dzerjinski, G.E.Zinôviep, L.B.Kamênep, A.M.Kôlôntai, Ia.M.Sverđlôp, G.Ia.Sôkôlnikôp, I.V.Stalin, L.D.Tơrôtsky, M.S.Uritski và một thành ủy viên Matxcơva là A.Lômôp (tức G.I.Glôkôp). Hội nghị đã thảo luận nghị quyết chuẩn bị khởi nghĩa do Lênin đề ra: “Thừa nhận rằng khởi nghĩa vũ trang là không thể tránh khỏi và hoàn toàn chín muồi, Ủy ban Trung ương đề nghị tất cả các tổ chức đảng căn cứ vào đó và xuất phát từ nhận định đó để thảo luận và giải quyết mọi vấn đề thực tiễn”(13). Kamênep và Zinôviep không chấp nhận nghị quyết này. Tơrôtsky chấp nhận và không phát biểu điều gì trái với Lênin, nhưng trong thâm tâm ông quan niệm khác với Lênin về vai trò của cuộc khởi nghĩa.

Nghị quyết được thông qua với 10 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Hội nghị cũng quyết định thành lập lần đầu tiên một Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên Trung ương có uy tín nhất: V.I.Lênin, A.S.Bubnôp, G.E.Zinôviep, L.B.Kamênep, G.Ia.Sôkôlnikôp, I.V.Stalin và L.D.Tơrôtsky. Bộ Chính trị được coi là đầu não của đảng, nhưng chưa phải là một cơ quan lãnh đạo cao nhất đứng trên Ủy ban Trung ương như sau này thường thấy ở các đảng Cộng sản.

Sau hội nghị, Zinôviep và Kamênep tiếp tục đấu tranh cho quan điểm của mình bằng cách gửi một bản tuyên bố cho Ủy ban Trung ương và gửi thư tới các đảng bộ địa phương, phát biểu tại Hội nghị mở rộng ngày 16-10 của Ủy ban Trung ương … Ngày 18-10, tờ báo nửa Mensêvich “Đời sống mới” đăng một bài bình luận dưới nhan đề “Kamênep bàn về ‘cuộc nổi dậy’”, trong đó Kamênep thay mặt cả Zinôviep đã lên tiếng phản đối khởi nghĩa. Lênin lên án họ là “phản trắc”, “phá hoại” vì đã tiết lộ bí mật của đảng và yêu cầu khai trừ hai người “bạn cũ” này ra khỏi đảng. Song, Ủy ban Trung ương đã đề nghị một giải pháp “thỏa hiệp”: đưa Kamênep ra khỏi Ủy ban Trung ương và cấm ông cùng Zinôviep không được tuyên bố bất cứ điều gì chống lại nghị quyết của Trung ương Đảng. Có lẽ uy tín và ảnh hưởng của hai nhân vật “có tên tuổi” này rất lớn, nên những người được giao giải quyết việc này (trong đó có Sverđlôp, Sôkôlnicôp, Stalin, Dzerginski) đã không thể đáp ứng yêu cầu của Lênin. (Về sau, ngay cả việc cách chức Ủy viên Trung ương của Kamênep cũng không được thực hiện).

Dù sao thì Zinôviep và Kamênep cũng đã thất bại và cuộc khởi nghĩa vũ trang đã được thực hiện theo quan điểm của Lênin được đa số Ủy viên Trung ương và nhiều đảng bộ địa phương ủng hộ (tuy nhiên không có một cuộc hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương đảng để biểu quyết về vấn đề này). Quan điểm đó là: “Một đường lối cương quyết nhất, tích cực nhất, nghĩa là chỉ có một con đường duy nhất là khởi nghĩa vũ trang mà thôi”; nghĩa là không lệ thuộc vào kết quả Đại hội Xô Viết và cũng không trông đợi gì ở Quốc hội lập hiến cả. Theo đó, Trung ương Đảng đã quyết định thời điểm khởi nghĩa là “không chậm hơn ngày 24-10”; nghĩa là một ngày trước khi Đại hội Xô Viết khai mạc.

Khi ấy, vì đang bị Chính phủ lâm thời truy nã, Lênin phải ẩn trú tại căn hộ của một gia đình công nhân ở khu ngoại ô Vưborg của thủ đô  Pêtơrôgrad. Trong khi đó, tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa đặt tại Viện Smônnưi, trụ sở của Xô Viết  Pêtơrôgrad và cũng là nơi sẽ tổ chức Đại hội Xô Viết toàn Nga. Xô Viết Pêtơrôgrad do Tơrôtsky làm chủ tịch là cơ quan tổ chức và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở thủ đô, thông qua Ủy ban quân sự Cách mạng trực thuộc nó. Với quyền lực của mình, Tơrôtsky đưa cuộc khởi nghĩa đi theo quan điểm của riêng ông. Coi cuộc khởi nghĩa chỉ là hậu thuẫn cho Đại hội Xô Viết toàn Nga giải quyết vấn đề chính quyền, ông vẫn chủ trương giành chính quyền trước hết bằng con đường hợp pháp thông qua Đại hội Xô Viết và Quốc hội lập hiến, chỉ khi con đường này thất bại thì mới chuyển sang dùng bạo lực thực sự.

9 giờ sáng 24-10, cuộc khởi nghĩa bắt đầu với việc công bố bản “Mệnh lệnh số 1” của Ủy ban quân sự Cách mạng: “Đêm qua, bọn thù địch của nhân dân đã chuyển sang tấn công (…). Chúng đang âm mưu đánh một đòn phản nghịch vào Xô Viết Pêtơrôgrad. Một cuộc âm mưu phản cách mạng đang nhằm chống lại Đại hội Xô Viết toàn Nga sắp họp, vào Quốc hội lập hiến, vào nhân dân. Xô Viết Pêtơrôgrad bảo vệ cách mạng. Ủy ban quân sự cách mạng nhận nhiệm vụ đánh lùi cuộc tấn công của bọn phản nghịch. Toàn thể vô sản và quân đội ở Pêtơrôgrad sẵn sàng giáng cho kẻ thù của nhân dân một đòn chí tử … Sự nghiệp của nhân dân được những bàn tay vững chắc bảo vệ. Bọn phản nghịch sẽ bị tiêu diệt. Không do dự, hoài nghi! Phải cứng rắn, kỷ luật, bền bỉ, kiên quyết! Cách mạng muôn năm”(14).

Theo mệnh lệnh này, các lực lượng vũ trang cách mạng đã được điều động và bố trí tại những mục tiêu then chốt trong thành phố, nhưng họ vẫn không mở cuộc tấn công quyết định để giành chính quyền. Hai giờ chiều, tại cuộc họp của đảng đoàn Bônsêvich là đại biểu đại hội Xô Viết toàn Nga sắp họp, Tơrôtsky trình bày các sự kiện diễn biến trong buổi sáng và kết luận: “Giờ đây, mọi việc phụ thuộc vào Đại hội. Nếu đại hội trở nên mềm yếu, thì các trung đoàn cách mạng sẽ tràn ra đường phố để thanh toán nốt những gì còn lại. Lối thoát duy nhất là chính sách cứng rắn của đại hội (…). Việc bắt Chính phủ Lâm thời không nằm trong trình tự của ngày hôm nay như một nhiệm vụ độc lập. Nếu đại hội thành lập chính quyền, còn Kêrenski lại không thừa nhận chính quyền này thì đó là vấn đề của cảnh sát, chứ không phải vấn đề chính trị”(15). Tại cuộc họp của Xô Viết Pêtơrôgrat lúc 5 giờ chiều, Tơrôtsky tuyên bố rằng: “Trong vòng 24 đến 48 giờ, nếu chính phủ vẫn giữ nguyên mệnh lệnh của nó, mưu toan lợi dụng thời gian để kề dao vào cổ cách mạng, thì chúng ta tuyên bố rằng đội tiên phong của cách mạng sẽ giáng trả hết đòn này đến đòn khác, bằng sắt thép”(15). Rõ ràng Tơrôtsky đã trì hoãn việc giành chính quyền bằng vũ lực, để giao cho đại hội Xô Viết giải quyết vấn đề này.

Những tin tức nhận được về diễn biến chậm chạp của cuộc khởi nghĩa khiến Lênin không hài lòng. Ông đặc biệt lo lắng khi nhận ra quan điểm của Tơrôtsky đi ngược lại quan điểm của mình. Ông lập tức viết thư gửi các Ủy viên Trung ương Đảng: “Tôi viết những dòng này vào tối ngày 24, tình hình thật vô cùng nguy cấp. Rất rõ ràng là hiện nay mà trì hoãn khởi nghĩa là chết. Tôi hết sức thuyết phục các đồng chí để thấy rằng hiện nay tất cả chỉ còn treo trên sợi tóc; rằng trước mắt chúng ta là những vấn đề mà không một hội nghị nào, không một đại hội nào quyết định được (dù là đại hội các Xô Viết đi nữa), … Vô luận như thế nào tối nay, đêm nay, cũng phải bắt giam chính phủ cho bằng được (…), không được để chính quyền nằm trong tay Kêrensky và đồng bọn cho đến ngày 25 (…). Nắm lấy chính quyền hôm nay, không phải là chúng ta nắm lấy để chống lại các Xô Viết (…) mà là để giao lại cho các Xô Viết (…). Chờ đợi cuộc biểu quyết ngày 25 tháng 10 còn vô định là đưa mình vào chỗ chết hoặc rơi vào chủ nghĩa hình thức. Nhân dân có quyền và nghĩa vụ phải giải quyết những vấn đề đó, không phải bằng cách bỏ phiếu mà bằng vũ lực. Chính phủ hiện đang dao động. Vô luận như thế nào cũng phải đánh gục nó đi”(16). Ngay đêm đó (không rõ thời điểm chính xác là mấy giờ), Lênin bí mật đến Xmônnưi để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngày nay, chúng ta chưa được biết cuộc gặp gỡ giữa Lênin với Tơrôtsky tại Xmônnưi đã diễn ra như thế nào, và hai ông đã tranh luận với nhau ra sao. Chỉ biết rằng Lênin đã “nắm ngay tất cả mọi đường dây lãnh đạo” cuộc khởi nghĩa. Từ đó cho đến tối hôm sau, quân khởi nghĩa đã đánh chiếm tất cả các cơ quan chính quyền ở thủ đô. Lúc 9h30 đêm 25 tháng 10, cuộc tấn công vào trụ sở của Chính phủ lâm thời tại Cung điện Mùa Đông bắt đầu. Tiếp đó, lúc 10h40 cùng đêm tại Viện Xmônnưi, Đại hội Xô Viết toàn Nga khai mạc trong tiếng súng vọng về từ cuộc giao tranh tại Cung điện Mùa Đông; và đại hội đã “bàn về vấn đề chính quyền” khi quân khởi nghĩa chiếm Cung Điện và bắt giam toàn bộ Chính phủ lâm thời.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang dường như đã xóa nhòa những sự bất đồng về quan điểm giữa một số ủy viên trung ương với Lênin. Ngay trong đêm lịch sử ấy, Zinôviep đã lớn tiếng nói: “Ngày hôm nay chúng ta đã trả nợ giai cấp vô sản quốc tế và giáng một đòn ác liệt vào chiến tranh, vào tất cả các chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt vào tên đao phủ Vinhem”(17). Khi có người trách cứ đảng Bônsêvich: “Các anh đi trước cả ý nguyện của Đại hội Xô Viết toàn Nga!”, Tơrôtsky đã thản nhiên đáp: “Đêm qua công nhân và binh lính Pêtơrôgrad đã nổi dậy và đã đi trước ý nguyện của Đại hội Xô Viết toàn Nga”(17). Thêm nữa là, sau những cuộc đấu tranh gay gắt về quan điểm như vậy, uy tín của họ trong đảng hầu như vẫn không sứt mẻ. Bởi thế nên đảng đoàn Bônsêvich tại đại hội đã bầu vào chủ tịch đoàn Xô Viết toàn Nga các nhà lãnh đạo đảng sau đây: V.I.Lênin, L.D.Tơrôtsky, G.E.Zinôviep, L.B.Kamênep, V.P.Nôghin, A.M.Kôlôntai, A.I.Rưkôp, E.M.Skliansky, N.V.Krưlenkô, V.A.Antônôp-Opxeyencô, D.B.Riazanôp, M.K.Muranôp, A.V.Lunatracsky và P.I.Stutchku.

Khi chủ tịch đoàn mới (gồm 14 thành viên Bônsêvich và 7 xã hội - cách mạng) bước lên thay thế cho Ủy ban Trung ương Xô Viết toàn Nga cũ điều khiển đại hội, “phòng họp đứng cả dậy, hoan hô như sấm”(18).

Và đây là danh sách Hội đồng Bộ trưởng Dân ủy (BTDU) tức chính phủ đầu tiên được thành lập do đại hội Xô Viết thông qua:

Chủ tịch Hội đồng BTDU:                          V.I.Lênin

BTDU phụ trách ngoại giao:                       L.D.Tơrôtsky (Brônstêin)

BTDU phụ trách Nội vụ:                              A.I.Rưkôp

BTDU phụ trách Nông nghiệp:                   V.P.Miliutin

BTDU phụ trách Công Thương nghiệp:    V.P.Nôghin

BTDU phụ trách Công tác dân tộc:           I.V.Stalin (Giugatsơvili)

BTDU phụ trách Lao động:                         A.G.Sliapnicôp

BTDU phụ trách Giáo dục:                          I.I.Skvorxôp – Stêpanôp

BTDU phụ trách Tư pháp:                           A.Lômôp (G.I.Opôcôp)

BTDU phụ trách Lương thực:                      I.A.Têôđorôvich

BTDU phụ trách Bưu điện:                          N.P.Avilôp (N.Glêbôp)

BTDU phụ trách Giao thông:                     Chưa chỉ định

Đây là chính phủ đầu tiên do Đảng Bônsêvich độc quyền lãnh đạo, tất cả các Bộ trưởng dân ủy (BTDU) đều là đảng viên Bônsêvich, trong đó sáu người đầu là các Ủy viên Trung ương Đảng. Danh sách này do Mamênep, mới được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương các Xô Viết toàn Nga, tuyên đọc trước đại hội; “khi đọc đến tên từng ủy viên một thì những tiếng hoan hô vang dậy, nhất là khi đọc đến tên Lênin và Tơrôtsky”(19).

Còn tiếp


(*) Ngày tháng trong bài này ghi theo lịch Nga cũ, chậm hơn lịch quốc tế hiện hành 13 ngày.

TIẾN SĨ LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác