CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO ĐẢNG BÔNSÊVICH TRONG CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI (3 phần cuối))
( 13-11-2013 - 05:40 PM ) - Lượt xem: 2064
Nhân kỷ niệm 96 năm CMT 10 Nga, BBT có nhận được bài viết về sự kiện này của Ts Lê Vinh Quốc. Được phép của tác giả, BBT gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết và cũng xin nhấn mạnh: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
3. Về đường lối giữ chính quyền
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang đã chứng tỏ quan điểm của Lênin là đúng. Nhưng những khó khăn thử thách cực kỳ to lớn sau khi Đảng Bônsêvich nắm chính quyền ít nhất cũng cho thấy rằng quan điểm của những người muốn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản và muốn giành chính quyền bằng con đường hợp pháp ôn hòa không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Nói cách khác, theo lời của chính Lênin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn”.
Giai cấp tư sản tập hợp dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ - Lập hiến thực hiện việc phá hoại trên quy mô lớn về kinh tế, giao thông, dịch vụ … và ra sức chuẩn bị nội chiến. Tổng hành dinh quân đội và các học sinh sĩ quan nổi loạn, giới trí thức lãn công, bãi công … Các đảng Mensêvich và Xã hội - Cách mạng cánh hữu đoạn tuyệt với đảng Bônsêvich, bỏ đại hội Xô Viết ra về và đấu tranh đòi thành lập một “chính phủ Xã hội chủ nghĩa thuần nhất”, gồm tất cả các đảng phái xã hội trong Xô Viết trước đây, kể cả một số chức vụ quan trọng cho đảng Bônsêvich nhưng loại trừ Lênin và Tơrôtsky. Cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến trong tháng Mười Một đã cho kết quả là đa số ghế thuộc đảng Xã hội - Cách mạng cánh hữu; và ngay phiên họp đầu tiên đã không thừa nhận chính quyền của đảng Bônsêvich.
Chỉ mấy ngày sau khi khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, đảng đã phải cử một đoàn đại biểu (gồm Kamênep, Sôkôlnikôp và Riazanôp) đi đàm phán với ban chấp hành công đoàn Đường sắt toàn Nga (do đảng Mensêvich và Xã hội - Cách mạng cánh hữu lãnh đạo) để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, mở đường cứu viện cho cuộc khởi nghĩa ở Matxcơva. Qua cuộc đàm phán, các Ủy viên Trung ương Kamênep, Dinôviep, Rưkôp, Miliutin, Nôghin cùng các cán bộ đảng đang lãnh đạo Xô Viết và Hội đồng BTDU như Riazanôp, Têôđorôvich, Lianikôp, Iurênep … yêu cầu Trung ương Đảng chấp nhận phương án thành lập “Chính phủ xã hội chủ nghĩa thuần nhất”, trong đó đảng Bônsêvich chỉ nên giữ nửa số ghế với Lênin và Tơrôtsky vẫn tham gia chính phủ. Lênin kịch liệt phản đối “chính sách của Kamênep” đó và ông đưa ra Ủy ban Trung ương Đảng thông qua nghị quyết khẳng định rằng “không thể nào bác bỏ một chính phủ thuần túy Bônsêvich, nếu như đa số trong Đại hội II toàn Nga các Xô Viết không loại trừ một ai ra khỏi đại hội, đã giao chính quyền cho chính phủ đó”(20). Lập luận này rất có trọng lượng nhưng nó cho thấy rằng chính Lênin cũng phải dựa vào tính hợp pháp do Đại hội Xô Viết tạo ra ( mà trước đây ông không muốn sử dụng ) để biện minh cho việc đảng nắm toàn bộ chính quyền. Tiếp đó, Lênin với sự ủng hộ của Bubnôp, Đzerginski, Muranôp, Sverđlôp, Sôkôlnikôp, Stalin, Tơrôtsky, Uritsky và Iôpphê(21) đã nhân danh “phái đa số” trong Trung ương Đảng gửi cho “phái thiểu số” nói trên một bức tối hậu thư, buộc họ phải “cam kết phục tùng kỷ luật của đảng, cam kết chấp hành chính sách đề ra trong bản nghị quyết do đồng chí Lênin đề nghị và đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua”(21). “Phái thiểu số” đã trả lời bằng việc Nôghin, Rưkôp, Miliutin, Têôđorôvich và Sliapnikôp đồng loạt tuyên bố rút khỏi Hội đồng BTDU; (thêm Lianikôp, Iurênep, Larin, Riazanôp … cùng kí tên vào bản tuyên bố nhưng không từ chức). Bản tuyên bố của phái thiểu số viết:
“Chúng tôi tán thành một chính phủ xã hội gồm mọi đảng phái xã hội. Chúng tôi cho rằng chỉ có một chính phủ như vậy mới có thể củng cố được những thành quả do giai cấp công nhân và quân đội cách mạng đã đạt được trong những ngày anh dũng tháng Mười. Ngoài giải pháp đó ra chúng tôi chỉ nhìn thấy có một khả năng là duy trì một chính phủ hoàn toàn Bônsêvich bằng chính sách khủng bố chính trị …”(22). Đồng thời Kamênep, Rưkôp, Miliutin, Zinôviep, Nôghin tuyên bố rút khỏi Ủy ban Trung ương Đảng:
“Chúng tôi nghĩ rằng thành lập một chính phủ như vậy (gồm tất cả các đảng xã hội) là cần thiết để tránh một cuộc đổ máu mới, tránh nạn đói đe dọa, ngăn không cho Kalêđin tiêu diệt cách mạng và đảm bảo cho Quốc hội lập hiến họp đúng thời gian đã định (…) Chúng tôi không thể nào chấp thuận chính sách tai hại của Ủy ban Trung ương, chính sách chống lại ý nguyện của đại đa số giai cấp vô sản và binh lính là những người mong muốn hòa bình giữa các nhóm khác nhau của nền dân chủ, và không muốn có đổ máu nữa. Bởi vậy, chúng tôi từ bỏ chức Uỷ viên Trung ương để được quyền nói ý kiến của chúng tôi với quần chúng công nhân và binh lính…”(22)
Lênin liền tuyên bố trên báo Pravđa (Sự thật):
“Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ II đã dành đa số cho Đảng Bônsêvich, cho nên chỉ có một chính phủ do đảng đó lập ra mới có thể là một chính phủ Xô Viết (…). Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chấp nhận nhóm Xã hội - Cách mạng cánh tả vào trong chính phủ nhưng chúng tôi tuyên bố rằng với tư cách là một đảng của đa số trong Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ II, chúng tôi có quyền và có nghĩa vụ đối với nhân dân đứng ra lập chính phủ.
Các đồng chí! Hôm qua, 02 tháng 11, một vài Ủy viên Trung ương trong đảng chúng tôi và trong hội đồng BTDU là Kamênnep, Zinôviep, Nôghin, Rưkôp, Miliutin và một vài người khác đã rút khỏi Ủy ban Trung ương Đảng và ba người có tên cuối cùng trên đây đã rút khỏi Hội đồng BTDU. Các đồng chí rời bỏ chúng tôi đã hành động như những kẻ đào ngũ (…), chúng tôi tuyệt đối lên án việc đào ngũ đó”(22). Nhưng dù sao thì việc “đào ngũ” đó đã gây khủng hoảng trong ban lãnh đạo đảng và chính quyền. Lênin và “phái đa số” đã chọn một giải pháp vừa kiên quyết vừa linh hoạt để giải quyết cuộc khủng hoảng: đưa những người Bônsêvich khác vào hội đồng BTDU thay cho các bộ trưởng vừa từ chức, đưa Sverđlôp lên làm chủ tịch Ủy ban Trung ương các Xô Viết toàn Nga thay Kamênep, cách chức chủ tịch Xô Viết Pêtơrôgrad của Zinôviep; đồng thời ký một bản thỏa hiệp với những người Xã hội - Cách mạng cánh tả (XH-CM cánh tả) và tiếp nhận một số nhà lãnh đạo của họ tham gia vào Hội đồng BTDU. Theo đó, Hội đồng BTDU được cải tổ với những nhân vật mới như sau:
BTDU phụ trách Nội vụ : G.I.Pêtơrôpski, Bônsêvich (thay A.I.Rưkôp)
BTDU phụ trách Lương thực :A.G.Slikhơto, Bônsêvich (thay I.A.Têôđorôvich)
BTDU phụ trách Giao thông : M.T.Elizarôp, Bônsêvich (mới chỉ định)
BTDU phụ trách Nông nghiệp : A.L.Côlêgaep XH-CM cánh tả (thayMiliutin)
BTDU phụ trách Bưu điện : P.P.Prôsian, XH-CM cánh tả (thay Avilôp)
BTDU phụ trách Tư pháp: I.D.Steinbec, XH-CM cánh tả (thay A.Lômôp và Stuska)
Như vậy là do sức ép của các lực lượng chính trị bên trong và bên ngoài Đảng, chỉ 10 ngày sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang, chính phủ đã phải thay đổi một nửa, trong đó đảng Xã hội - Cách mạng cánh tả giành được 1/4 số ghế. Với chính phủ Bônsêvich “mở rộng” này, đảng đã chấp nhận thỏa hiệp ở một mức độ nhất định, song đường lối cơ bản để giữ chính quyền của Lênin vẫn là trấn áp các thế lực đối địch: “Khi tiến hành cuộc đấu tranh chống những giai cấp hữu sản mà những giai cấp này kháng cự lại, thì giai cấp cách mạng phải trấn áp sự kháng cự đó; và chúng ta sẽ trấn áp sự kháng cự của bọn hữu sản bằng tất cả mọi biện pháp mà chúng đã dùng để trấn áp giai cấp vô sản” (23). Theo đó, Đảng đã đóng cửa các báo chí đối lập, giải tán Viện Đuma thành phố Pêtơrôgrat và các tổ chức đối lập khác, bắt giữ các nhân vật có quan điểm chống đối, tuyên bố Đảng Dân chủ - Lập hiến là “kẻ thù của nhân dân” … Khi ấy, Lênin giải thích: “Hôm nay chúng ta đã cho bắt viên giám đốc Ngân hàng Quốc gia. Người ta trách chúng ta dùng khủng bố, nhưng đây không phải là thứ khủng bố của những nhà cách mạng Pháp đã đưa lên máy chém những người bị tước vũ khí, và tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không đi đến chỗ làm như thế”(24).
Ngày 6-1-1918 sau khi tuyên bố đảng Xã hội - Cách mạng cánh hữu là “phản cách mạng” và “kẻ thù của nhân dân”, Lênin giải tán Quốc hội Lập hiến. Nhận được lệnh trên, viên chỉ huy đội bảo vệ Quốc hội Lập hiến đã gặp chủ tịch Quốc hội V.M.Trecnôp (Xã hội - Cách mạng cánh hữu) và tuyên bố rằng: “Tất cả mọi người đang có mặt ở đây phải ra khỏi hội trường, vì đội bảo vệ đã mệt rồi!”. Như vậy, mọi thế lực đối đầu với đảng Bônsêvich không còn khả năng đấu tranh nghị trường trong khuôn khổ pháp luật, đã chuyển sang đối đầu bằng bạo lực. Các hoạt động khủng bố ngày càng tăng, và cuộc nội chiến bắt đầu.
4. Chống thù trong giặc ngoài
Nguy cơ đe dọa chính quyền Xô Viết của đảng Bônsêvich không phải chỉ ở trong nước Nga mà còn đến từ bên ngoài; trước hết là cuộc chiến tranh với Đức vẫn đang tiếp diễn.
Trước khi giành được chính quyền, toàn thể đảng viên Bônsêvich đều nhất trí lên án cuộc chiến tranh đế quốc và họ dẫn đầu cuộc đấu tranh đòi hòa bình. Sau ngày cách mạng thành công, chính quyền Xô Viết ra “Sắc lệnh Hòa bình”, kêu gọi các nước chấm dứt chiến tranh để đàm phán ký kết các hòa ước bình đẳng “không có thôn tính và bồi thường”. Song sắc lệnh này không được nước nào hưởng ứng. Vì vậy nước Nga Xô Viết buộc phải thương lượng với kẻ thù trực tiếp của mình là nước Đức và đồng minh của nó. Một hiệp định đình chiến được ký kết ngày 2-12-1917 để hai bên tiếp tục đàm phán tại Brest - Litôpsk về một hòa ước lập lại hòa bình. Tại đây, Đế quốc Đức đã đưa ra những điều kiện hết sức nặng nề và ngang ngược, mà nếu chấp nhận thì Nga sẽ mất những lãnh thổ rất rộng lớn và hết sức quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Tính hình này đòi hỏi ban lãnh đạo đảng Bônsêvich phải chọn được một giải pháp thỏa đáng nhất. Lúc ấy trong đảng mọi người đều nhất trí rằng: 1) Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một sự kiện quốc tế, trong đó cách mạng Nga mở đầu, tiếp theo sẽ đến các nước phương Tây và toàn thế giới; 2) Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở phương Tây, trước hết là ở Đức, tuy có muộn nhưng nhất định sẽ bùng nổ; và 3) Chiến tranh cách mạng là một hiện tượng chính đáng. Vậy, vấn đề đặt ra là: Ký hòa ước với những điều kiện đó để tranh thủ thời gian củng cố thành quả của cách mạng Nga làm chỗ dựa cho cách mạng thế giới, hay không ký hòa ước mà tiến hành chiến tranh cách mạng để thúc đẩy phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước phương Tây?.
Lênin đề nghị: “Ký kết ngay tức khắc một hòa ước riêng rẽ và có tính chất thôn tính”(25). Bởi vì ở Nga “cuộc nội chiến do sự phản kháng điên cuồng của các giai cấp hữu sản gây ra vẫn chưa đạt đến điểm tột cùng của nó”; Chính quyền Xô Viết “nhất thiết sẽ còn trải qua một thời gian nào đó nữa, nhất thiết cần phải có một sự nỗ lực khá lớn, nhất thiết sẽ còn một thời kỳ suy tàn và hỗn độn trầm trọng”; cho nên “Cần phải có một khoảng thời gian nào đó - ít nhất là vài tháng - trong đó chính phủ xã hội chủ nghĩa phải được hoàn toàn rảnh tay để thắng giai cấp tư sản trước hết ở nước mình”(25). Về vai trò quốc tế của cách mạng Nga, Lênin khẳng định: “Nếu chỉ định sách lược xã hội chủ nghĩa ở Nga dựa vào những mưu toan xác định xem cách mạng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu và nhất là ở Đức có sẽ nổ ra trong sáu tháng tới (hay trong thời hạn ngắn như thế) hay không, thì đó là một sai lầm. Vì hoàn toàn không thể xác định được điều đó, nên tất cả những toan tính đại loại như thế, đứng về khách quan mà nói, cũng giống như đánh bạc cầu may vậy”(25). Bởi thế, “khi chính phủ xã hội chủ nghĩa thắng lợi trong một nước rồi (…) thì phải “ xét xem biện pháp nào là chắc chắn nhất và có hiệu quả nhất để đảm bảo cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có khả năng củng cố được hay ít ra cũng có khả năng đứng vững được trong một nước cho đến khi các nước khác sẽ đi theo nước đó”(25).
Như thế tức là Lênin đòi hỏi ký hòa ước để dành ưu tiên giải quyết cho vấn đề đối nội, rồi mới tính đến đối ngoại. Đề phòng sự chuyển biến đột ngột của tình hình, Lênin cũng dành ra một phương án khác: “Giá như cách mạng Đức nổ ra và thành công trong vòng ba hoặc bốn tháng tới đây thì chiến thuật tiến hành tức khắc chiến tranh cách mạng có thể không tai hại …”(28).
Nhưng Bukharin, Lômôp, Bupnôp, Uritski và nhiều người khác (sau này gọi là “những người cộng sản cánh tả”) kịch liệt phản đối Lênin. Họ buộc tội Lênin là thổi phồng ý nghĩa của các nhân tố dân tộc, có hại cho các nhân tố quốc tế. Họ cho rằng nghĩa vụ của nước Nga Xô Viết vì cách mạng thế giới phải tiến hành ngay lập tức cuộc chiến tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc Đức, để qua đó khơi dậy cuộc cách mạng ở Đức và các nước khác. Nếu không thế thì chính quyền Xô Viết về khách quan sẽ trở thành “tay sai của chủ nghĩa đế quốc Đức”. Họ khẳng định rằng nước Nga Xô Viết phải bắt đầu cuộc chiến tranh đó, thậm chí nếu phải trả bằng cái giá diệt vong cũng phải làm (26).
Giữa lúc đó, Tơrôtsky với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao đang làm trưởng đoàn đàm phán của Nga tại Brest - Litôpsk, đã thông báo cho Lênin rằng cần cắt đứt đàm phán, tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt và khước từ việc kí hòa ước có tính chất thôn tính. Như vậy quan điểm của Tơrôtsky là “không chiến tranh, không hòa bình”, có thể coi là lập trường đứng giữa Lênin và “cánh tả”.
Vấn đề được đưa ra để thảo luận tại hội nghị các Ủy viên Trung ương và một số cán bộ đảng được triệu tập cấp tốc ngày 8-1. Kết quả cuộc thảo luận sôi nổi là trong số 63 người tham gia có 32 người ủng hộ khẩu hiệu “chiến tranh cách mạng”, 16 người ủng hộ đề nghị của Tơrôtsky và chỉ có 15 người ủng hộ Lênin. Trong số những người ủng hộ Lênin, Stalin đã nhấn mạnh rằng “Ở Phương Tây không có phong trào cách mạng, không có các sự kiện, mà chỉ có các khả năng, mà khả năng thì chúng ta không thể trông cậy được”(26). Nhưng Lênin đã sửa lại: “Ở đấy có phong trào quần chúng”, coi thường phong trào đó thì có nghĩa là trở thành “những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội quốc tế”(29). Ủng hộ Lênin, nhưng Zinôviep (lúc đó có lẽ đã nhận lại chức Ủy viên Trung ương) cũng chia sẻ với “cánh tả” khi ông thừa nhận “với hòa ước chúng ta sẽ tăng cường chủ nghĩa sô vanh ở Đức và làm suy yếu một thời gian phong trào khắp nơi ở phương Tây”(26). Lênin cũng không tán thành cách nhìn nhận như vậy.
Tại phiên họp ngày 11-1 của Ủy ban Trung ương Đảng, phần lớn “cánh tả” (trừ 2 người) đã nhận ra rằng khẩu hiệu “tiến hành chiến tranh cách mạng ngay tức khắc” không có hy vọng thắng lợi, họ chuyển sang ủng hộ Tơrôtsky. Do đó, khi vấn đề được đưa ra biểu quyết, lập trường của Tơrôtsky đã giành được nhiều phiếu hơn Lênin: 9 phiếu thuận và 7 phiếu chống.
Bị thiểu số, nhưng Lênin vẫn hy vọng có thể làm chuyển biến được quan điểm của các Ủy viên Trung ương đảng và tâm trạng ủng hộ chiến tranh cách mạng của đa số đảng viên. Vì vậy ông đề nghị kéo dài cuộc đàm phán với Đức bằng mọi cách. Đề nghị này đã được thông qua với 12 phiếu thuận và 1 phiếu chống (không rõ số phiếu trắng là bao nhiêu).
Các nghị quyết của cuộc họp này ắt hẳn làm Tơrôtsky hài lòng, và ông tiếp tục đàm phán với Đức theo tinh thần các nghị quyết đó. Nhưng việc “kéo dài cuộc đàm phán” gặp ngay trở ngại: ngày 15-1 phái đoàn Đức đưa ra tối hậu thư, đòi phía Nga phải dứt khoát trả lời: ký hay không ký hòa ước? Tơrôtsky lập tức gọi điện hỏi ý kiến Lênin. Có lẽ cũng là để kéo dài thời gian cho việc chọn giải pháp tối ưu, suốt 2 tuần lễ Lênin không trả lời (và chúng ta cũng chưa biết Tơrôtsky đã làm gì để trấn an phái đoàn Đức chịu chờ đợi câu trả lời trong suốt thời gian đó). Cho đến ngày 28-1 thì Tơrôtsky chính thức tuyên bố với phía Đức rằng: nước Nga từ chối việc kí một hòa ước có tính chất thôn tính như vậy, nhưng vẫn quyết định chấm dứt chiến tranh, và quân đội “sẽ được lệnh giải ngũ trên toàn bộ khắp các mặt trận”(26). Lúc 6 giờ 30 phút chiều cùng ngày, Lênin mới điện trả lời Tơrôtsky về vấn đề đặt ra từ hai tuần trước (có thêm chữ ký của Stalin): “Trả lời 28-1, 6 giờ 30 chiều. Quan điểm của chúng ta thế nào thì đồng chí đã biết rồi; thời gian gần đây, nhất là sau bức thư của Iopphê (viết rằng chưa thấy triệu chứng tỏ ra là cách mạng bắt đầu bùng nổ ra ở Đức – L.V.Q ghi chú), quan điểm đó chỉ càng được củng cố”(27). Bức điện này gợi ý cho Tơrôtsky chấp nhận ký hòa ước nhưng nó không phải là một chỉ thị.
Tuyên bố của Tơrôtsky thực chất chỉ có tính chất thuần túy tuyên truyền, là một “cuộc biểu dương chính trị quốc tế”, như chính nhận định của Lênin. Nó đã gây lúng túng cho giới ngoại giao Đức trong suốt ba tuần lễ, nhưng giới quân sự Đức đòi chính phủ phải hành động kiên quyết.
Ngày 18-2 quân đội Đức chuyển sang tấn công trên toàn mặt trận, đưa nước Nga Xô Viết vào tình thế hiểm nghèo. Điều này ngoài dự kiến của đảng, vì hiệp định đình chiến vẫn còn hiệu lực và phía Nga không hề vi phạm.
Trước tình thế đó Trung ương đảng họp và Lênin đề nghị: “Từ nay không thể dùng giải pháp lưng chừng được. Nếu ta quyết định chiến tranh cách mạng thì cần phải công bố lên và cần phải chấm dứt việc giải ngũ quân đội (…). Tôi đề nghị tuyên bố rằng chúng ta ký hòa ước theo đề nghị hôm qua của người Đức”(27). Vấn đề lại đưa ra biểu quyết và lần này Lênin thắng: 7 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Chính phủ Xô Viết lập tức báo cho phía Đức về việc chấp nhận kí hòa ước, nhưng quân Đức tiếp tục tiến nhanh. Đảng buộc phải chuẩn bị chiến tranh cách mạng: Tuyên bố “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, kêu gọi nhân dân tình nguyện gia nhập Hồng Quân công nông (mới thành lập từ sắc lệnh 15-1-1918) và các đơn vị đầu tiên đã tiến ra mặt trận.
Ngày 23-2, phía Đức trả lời việc ký hòa ước bằng cách đưa thêm những điều kiện mới, nặng nề hơn trước, và buộc phải trả lời trước 48 giờ. Trung ương Đảng lại họp và Lênin đề nghị chấp nhận ký với những điều kiện đó. “Cánh tả” kịch liệt phản đối và đòi dứt khoát tiến hành chiến tranh cách mạng. Lênin buộc phải tuyên bố rằng: nếu từ chối ký hòa ước thì chính ông sẽ rút khỏi Ủy ban Trung ương Đảng và Hội đồng BTDU. Ông đề nghị biểu quyết. Kết quả: 7 phiếu tán thành ký hòa ước (của Lênin, Zinôviep, Sverđlôp, Stalin, Sôkôlmikôp, Smilga và Stazôva), 4 phiếu chống (Bukharin, Uritski, Bupnôp và Lômôp) 4 phiếu trắng (Tơrôtsky, Đzerjinski, Krêstinski và Iôpphê). Với kết quả này, Chính phủ Nga tuyên bố chấp nhận ký hòa ước. “Cánh tả” tiếp tục phản đối bằng cách tuyên bố rằng họ rút ra khỏi các chức vụ trong đảng cũng như trong Xô Viết và chính phủ, để dành cho mình quyền hoàn toàn tự do tuyên truyền trong đảng cũng như ngoài đảng. Tơrôtsky cũng tuyên bố từ chức Bộ trưởng ngoại giao. Lênin chỉ rõ rằng rút khỏi Trung ương Đảng không có nghĩa là ra khỏi đảng. Ông yêu cầu các Bộ trưởng trong Hội đồng BTDU hoãn tuyên bố từ chức cho đến khi phái đoàn đàm phán ở Brest Litôpsk trở về. Lômôp hỏi rằng Lênin có chấp nhận cho cổ động thầm lặng hay công khai chống lại việc ký hòa ước hay không? Lênin trả lời chấp thuận(27).
Ngày 3-3-1918, Hòa ước Brest - Litôpsk giữa Nga và Đức đã được ký kết. Nhưng cuộc đấu tranh trong đảng về vấn đề ký “hòa nước bất hạnh” đó vẫn tiếp diễn quyết liệt. “Cánh tả” cho ra đời tờ báo “Người cộng sản” (5-3) để tiếp tục đấu tranh cho quan điểm của mình. Thường vụ tỉnh ủy Moskva thông qua nghị quyết của Trung ương Đảng “có liên quan đến việc thi hành các điều khoản của bàn hòa ước ký với Áo - Đức”, họ tuyên bố “ khó có thể tránh khỏi một sự phân liệt sắp tới trong đảng”(30). Ủy ban Trung ương buộc phải triệu tập đại hội VII (bất thường) của đảng để chủ yếu giải quyết vấn đề này (từ 6 đến 8-3-1918). Bukharin cùng “Cánh tả” của ông vẫn khẳng định rằng ký hòa ước có nghĩa là “đầu hàng toàn diện”, rằng “cách mạng Nga hoặc sẽ được cách mạng quốc tế cứu, hoặc sẽ bị tư sản quốc tế đập tan”. Nhưng đa số đại biểu đại hội dần dần nghiêng theo lập trường của Lênin, trong đó ý kiến của Riazanôp được nhiều người tán thành: “Lênin đã nhượng bộ không gian để tranh thủ thời gian”. Nghị quyết do Lênin đưa ra được thông qua bằng biểu quyết ký danh với 30 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Trong toàn xã hội, làn sóng chống đối đảng Bônsêvich do việc ký hòa ước này cũng bùng lên dữ dội. Các đảng phái tư sản, Mensêvich và Xã hội - Cách mạng (cánh hữu) đẩy mạnh hoạt động chống đối bằng vũ lực. Mactôp tuyên bố rằng: “Đây là lần đầu chia cắt nước Nga và bán rẻ cách mạng Nga cho đế quốc Đức”. Tại đại hội IV (bất thường) các Xô Viết toàn Nga (14-16/3/1918), phái Xã hội - Cách mạng cánh tả tuyên bố không ủng hộ hòa ước, rút các đại biểu của họ ra khỏi Hội đồng BTDU.
Tuy nhiên, nhờ có “hòa ước bất hạnh” này, chính quyền Xô Viết của đảng Bônsêvich đã loại bớt được một kẻ thù nguy hiểm bên ngoài, có thêm thời gian củng cố lực lượng để tập trung vào cuộc đấu tranh giai cấp bên trong đang mỗi lúc một thêm quyết liệt.
Với sự đoạn tuyệt của đảng Xã hội - Cách mạng cánh tả, đảng Bônsêvich giờ đây phải một mình đơn độc chiến đấu chống các loại kẻ thù từ khắp mọi nơi, vì tất cả đã trở thành phản cách mạng. Khi quân đoàn Tiệp Khắc nổi loạn chống chính quyền Xô Viết, các lực lượng đối lập đã chuyển sang dùng biện pháp khủng bố trắng hàng loạt chống đảng Bônsêvich. Lần lượt, thành ủy viên Pêtơrôgrat là V.G.Vôlôđacski rồi trung ương ủy viên M.S.Uritski bị giết chết; và chính Lênin đã bị bắn trọng thương ngày 30-8-1918. Hầu hết thủ phạm đều là đảng viên Xã hội - Cách mạng, đảng đã quen dùng khủng bố để chống chế độ Nga hoàng, nay lại tiếp tục dùng nó để chống đảng Bônsêvich. Để trả lời lại, đảng Bônsêvich tiến hành cuộc khủng bố đỏ. Sverđlôp kêu gọi “khủng bố thẳng tay qui mô lớn chống tất cả mọi kẻ thù của cách mạng”(28). Và Ủy ban đặc biệt toàn Nga, tức Trêka (thành lập từ 07-12-1917) do Đzerjinski đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh này một cách xuất sắc. Khi ấy, Lênin giải thích lại rằng sở dĩ có khủng bố đỏ là vì “tất cả các phái dân chủ tiểu tư sản đã quay lại chống chúng ta. Họ dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để chống đối chúng ta: nội chiến, mua chuộc, phá hoại ngầm. Đó là những điều kiện đã làm cho sự khủng bố trở thành cần thiết. Bởi vậy, chúng ta không cần hối tiếc vì đã tiến hành khủng bố, cũng không cần phải phủ nhận khủng bố”(29).
Đúng như Lênin đã nhận định: sau khi đảng Bônsêvich đã giành được chính quyền, chính quyền Xô Viết “nhất thiết sẽ còn một kỳ suy tàn và hỗn độn trầm trọng”(25). Thời kỳ ấy đã diễn ra dưới hình thức một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài trong 3 năm (1918-1920) giữa đảng Bônsêvich một bên, với bên kia là tất cả các thế lực chính trị khác của nước Nga được thế giới bên ngoài ra sức hỗ trợ; làm cho 17 triệu người chết ở cả hai bên tham chiến (chưa kể 2,5 triệu người chết trong chiến tranh thế giới) và đất nước bị tàn phá tan hoang chỉ còn lại 14% sản lượng công nghiệp và 50% sản lượng nông nghiệp so với trước cách mạng.
Nhưng đảng Bônsêvich đã thắng, nước Nga Xô Viết đã đứng vững trước thù trong giặc ngoài và trở thành Liên Bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), một nhà nước to lớn nhất thế giới mở đầu con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mac- Lênin.
Về nguyên nhân thắng lợi của đảng Bônsêvich, nhà báo cộng sản Mỹ John Reed - người chứng kiến trực tiếp cuộc cách mạng tháng Mười trong lúc đang diễn ra tại Nga - đã phân tích rất hay: “Lý do độc nhất của sự thắng lợi của những người Bônsêvich là đã thực hiện những nguyện vọng rộng lớn và giản đơn của các tầng lớp cơ bản nhất trong nhân dân, kêu gọi họ phá tan cái cũ và sau đó, trong khói bụi của sự sụp đổ này, cộng tác với họ để dựng lên cái mới …”(30). Nói khác đi, đó chính là tư tưởng của Lênin về bạo lực cách mạng; một thứ bạo lực dựa trên bộ phận đông đảo nhất và có tinh thần chiến đấu cao nhất trong xã hội: giai cấp vô sản thành thị (những người không có gì để mất ngoài xiềng xích trói buộc mình) và tầng lớp nông dân nghèo khổ nhất ở nông thôn (những người sẽ chiến đấu đến cùng để giành và giữ ruộng đất).
5. Đoạn kết
Các nhà lãnh đạo đảng Bônsêvich trong cuộc cách mạng tháng Mười là những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Họ đã nguyện hiến dâng đời mình cho lý tưởng cao cả là đưa nước Nga và thế giới tiến tới một xã hội mà họ tin là sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Là những người đầu tiên tiến hành cuộc cách mạng vô sản theo sự tiên đoán của chủ nghĩa Mac, họ phải đối đầu với một tình hình thực tiễn cực kỳ phức tạp: cách mạng diễn ra trong chiến tranh thế giới, mâu thuẫn giai cấp chồng chéo với mâu thuẫn dân tộc, cách mạng dân chủ tư sản đan xen với cách mạng xã hội chủ nghĩa… Tình hình đó đòi hỏi họ phải vạch ra đường lối đúng đắn nhất để đi theo. Điều không tránh khỏi là đã có những đường lối và giải pháp khác nhau được đưa ra về hướng tiến của cách mạng, về phương thức giành chính quyền và bảo vệ chính quyền … Từ đó đã dẫn đến những cuộc tranh luận, thậm chí đấu tranh gay gắt giữa Lênin với Zinôviep và Kamênep, với Tơrôtsky, với Bukharin và nhiều đồng chí khác của ông. Lúc bấy giờ, sử dụng quyền dân chủ rất cao trong đảng, họ trình bày quan điểm của mình hoàn toàn trung thực, tranh luận thẳng thắn và bình đẳng; đấu tranh quyết liệt và đi đến biểu quyết công khai để xác định chân lý theo nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”. Trong những lúc đấu tranh gay cấn nhất, họ đã từng dùng các thuật ngữ “hoang mang dao động”, “bè phái chia rẽ”, “đào ngũ”, thậm chí “phản bội” để nói về đối thủ của mình. Họ đã dùng cả những hành động cực đoan như rời bỏ chức vụ và liên kết bè phái để đấu tranh … Nhưng không ai có quyền dùng vũ lực để áp đặt tư tưởng của mình cho người khác, và không ai dùng thuật ngữ “chống đảng” hay “kẻ thù của nhân dân” để gán cho người đối thoại với mình.
Lúc cuối đời mình, Lênin đã nhận xét về những đồng chí đã từng là đối thủ của ông trong Ủy ban Trung ương Đảng bằng những lời lẽ khách quan và khoan dung.
Đây là những lời về Zinôviep và Kamênep: “Câu chuyện xảy ra hồi tháng Mười của Zinôviep và Kamênep dĩ nhiên không phải là một việc ngẫu nhiên, nhưng không thể buộc tội cho cá nhân các đồng chí ấy cũng như không thể buộc cho Tơrôtsky là phi Bônsêvich”(31). Còn đây, “Bukharin không những là nhà lý luận quí nhất và lớn nhất của đảng ta, mà còn đáng được coi là con người mà toàn đảng yêu mến, nhưng rất khó có thể xếp những quan điểm lý luận của đống chí ấy vào loại những quan điểm hoàn toàn macxít”(31).
Đây là nói về Tơrôtsky: “Xét về cá nhân, có lẽ đồng chí ấy là người có năng lực nhất trong ban chấp hành Trung ương hiện nay, nhưng lại là người tự tin quá đáng và say mê quá mức mặt thuần túy hành chính của công việc”(31).
Còn đây là nhận xét về Stalin: “Đồng chí Stalin sau khi trở thành Tổng bí thư, đã tập trung trong tay mình quyền hạn rộng lớn và tôi không chắc rằng đồng chí ấy lúc nào cũng biết sử dụng quyền hạn ấy một cách thật thận trọng đúng mức (…). Stalin quá thô bạo, và nhược điểm đó, tuy hoàn toàn có thể dung thứ được trong môi trường chúng ta, trong quan hệ giữa những người cộng sản chúng ta, nhưng lại trở thành một nhược điểm không thể dung thứ được trong cương vị Tổng bí thư. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí chuyển Stalin khỏi cương vị đó và cử một người khác vào cương vị đó …”(31). Lênin cũng nhận xét rằng Stalin và Tơrôtsky là “hai lãnh tụ xuất sắc của Ban chấp hành Trung ương hiện nay”, nhưng “quan hệ giữa hai đồng chí ấy đã gây ra quá nửa nguy cơ chia rẽ” trong đảng (31).
Những nhận xét của Lênin đã được lịch sử chứng minh là chính xác. Với quyền lực của mình ngày càng được củng cố trong đảng và nhà nước, Stalin đã tự coi mình là người độc quyền giải thích chủ nghĩa Lênin. Do đó, những cuộc đấu tranh trong đảng về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng gay go quyết liệt như trong cách mạng tháng Mười, đã bị biến thành cuộc đấu tranh giữa “Đảng” (tức những người theo Stalin) và các nhóm “chống Đảng” (những người có quan điểm trái với Stalin). Trên cơ sở đó, Stalin đưa khủng bố vào ngay Trung ương Đảng để tiêu diệt các “kẻ thù của nhân dân” (tức là kẻ thù của Stalin). Trong số 7 Ủy viên Bộ Chính trị lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Mười, ngoại trừ chính Lênin, Stalin và Bubnôp, cả 4 ủy viên kia đều đã bị hành quyết vì các tội “chống Đảng” và “kẻ thù của nhân dân”: Zinôviep (1883-1936), Kamênep (1833-1936), Sôkôlnikôp (1888-1939) và Tơrôtsky (1879-1940). Riêng Tơrôtsky còn bị kết án là “kẻ thù độc ác nhất của chủ nghĩa Lênin”. Do đó, ông phải chịu cái chết thảm khốc nhất: điệp viên của Stalin đã tìm đến nơi ẩn náu của ông tại Mexico và đập vỡ sọ ông tại đó. Trong số 21 ủy viên Ủy ban Trung ương do Đại hội VI của đảng bầu ra để lãnh đạo cách mạng tháng Mười, có 5 người hy sinh trong chiến đấu hoặc mất sớm. Trong số 16 người còn hoạt động dưới thời của Stalin thì 8 người bị kết tội “chống Đảng”. Trong số 8 người này chỉ có nữ đồng chí A.M.Kôlôntai (1872-1952) được khoan hồng, 7 người kia là Bukharin (1888-1938), Rưkôp (1881-1938), Smilga (1892-1938) và 4 Ủy viên Bộ chính trị nói trên đều đã bị hành quyết bởi người đồng chí của họ trong những ngày tháng Mười. Kể từ đó tên tuổi và hoạt động của họ bị xóa bỏ hoặc trình bày sao cho người đọc hiểu rằng họ là những kẻ cơ hội chui vào đảng là để phá hoại ngay từ đầu.
Lênin từ trần năm 1924; thi hài ông được bảo quản vĩnh viễn trong lăng mộ bên tường thành Kremli ở Matxcơva (đã trở thành thủ đô của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết tức Liên Xô), đồng thời thành phố Pêtơrôgrad được mang tên ông trở thành Lêningrad để tôn thờ người cha của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. (Tiếp đó thành phố Tsaritsyn bên bờ sông Volga được mang tên Stalin để trở thành Stalingrad). Stalin qua đời năm 1953 và thi hài ông cũng được lưu giữ trong lăng mộ Kremli bên thi hài Lênin. Năm 1961, sau khi Nikita Khơrutsôp lên án tệ sùng bái cá nhân và những tội ác của Stalin, thì thi hài của Stalin bị đưa ra khỏi lăng để mai táng như các thi hài khác, đồng thời thành phố Stalingrad được đổi tên thành Volgograd. Ngày 25-12-1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) sụp đổ, kết thúc sự tồn tại 74 năm của “chế độ Xô Viết”- thành quả của cuộc cách mạng tháng Mười Nga, rồi tên thành phố Lêningrad cũng được xóa bỏ để trở lại với tên cũ của cố đô nước Nga là Saint Petersburg. Từ đó, Liên bang Nga ra đời dựa trên chế độ dân chủ-pháp quyền ngày càng hoàn thiện, trở thành một nhà nước mà nhiều nhà lãnh đạo đảng Bônsêvich (cũng như nhiều người Mensêvich, Xã hội-Cách mạng và cả đảng Dân chủ Lập hiến tức KD) từng hướng tới. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tại Liên bang Nga dưới thời tổng thống Eltsin đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt và dai dẳng về vấn đề bỏ hay giữ lăng Lênin và xử lý thi hài nhà lãnh đạo cao nhất của cuộc Cách mạng tháng Mười như thế nào. Bước sang thế kỷ XXI, cuộc tranh luận ấy mới tạm kết thúc theo quan điểm của tổng thống Putin: Người Nga cần tự hào với tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản Nga, nên cần bảo vệ sự yên tĩnh của Lênin tại lăng này.
Lịch sử rất công bằng khi phán xét các các nhân vật trọng yếu của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 và chế độ Xô Viết nảy sinh từ cuộc cách mạng đó. Còn quan điểm và đường lối của các nhân vật ấy đúng hay sai như thế nào, thì các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra những nhận định xác đáng.
CHÚ DẪN
(1) I.I.Minx: Lịch sử tháng Mười vĩ đại, Tập II, Nhà xuất bản “Nauka” (“Khoa học”), Matxcơva 1978, tiếng Nga, trang 51.
(2) I.I.Minx, Sách đã dẫn trang 55.
(3) V.I.Lênin, toàn tập, NXB Tiến Bộ, Moskva 1981, bản tiếng Việt, tập 31, tr.9.
(4) V.I.Lênin, Sđd, trang 224.
(5) V.I.Lênin, Sđd, trang 169.
(6) Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, Viện Nghiên cứu lịch sử chung : Phong trào công nhân quốc tế. Những vấn đề lịch sử và lý luận, NXB Tiến Bộ Matxcơva-NXB Sự Thật , Hà Nội, 1988, tập thứ tư, trang 36-37.
(7) I.I.Minx, Sđd trang 313.
(8) I.I.Minx, Sđd trang 308.
(9) I.I.Minx, Sđd trang 589.
(10) V.I.Lênin, Sđd, tập 34, trang 317-319.
(11) V.I.Lênin, Sđd, tập 34, trang 521-529.
(12) Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện Nghiên cứu lịch sử chung : Sđd, tr.79.
(13) V.I.Lênin, Sđd, tập 34, trang 517.
(14) I.I.Minx, Sđd trang 902-903.
(15) I.I.Minx, Sđd trang 923-924.
(16) V.I.Lênin, Sđd, tập 34, trang 570-572.
(17) Jôn Rit : Mười ngày rung chuyển thế giới , Đặng Thế Bính, Trương Đắc Vị dịch , NXB Văn Học, Hà Nội 1977, trang 135-136.
(18) Jôn Rit : Sđd, trang 138.
(19) Jôn Rit : Sđd, trang 190.
(20) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 51-54.
(21) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 64 nói rằng A.A.Jôpphê được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng tại Đại hội VI. Nhưng trong danh sách 21 Uy viên Trung ương được bầu tại Đại hội này không có tên ông. Có lẽ ông là Ủy viên Trung ương dự khuyết?
(22) Jôn Rit : Sđd, trang 328-329-330.
(23) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 159.
(24) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 71.
(25) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 290-298.
(26) Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô : Sđd, trang 129-131.
(27) V.I.Lênin, Sđd, tập 35, trang 404-450-485.
(28) Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô : Sđd, trang 156.
(29) V.I.Lênin, Sđd, tập 37, trang 258.
(30) Jôn Rit : Sđd, trang 346.
(31) V.I.Lênin, Sđd, tập 45, trang 395-396-397.
TIẾN SĨ LÊ VINH QUỐC