CÁC CỤ NGÀY XƯA
( 05-11-2013 - 06:30 AM ) - Lượt xem: 1353
NGUYỄN VŨ GIANG(1) Thầy tôi (nhà văn Nguyên Hồng) mất đã lâu. Từ đó đất nước bao nhiêu đổi thay, nhưng tình cảm của Hội đối với thầy tôi, với gia đình tôi thì vẫn như xưa. Tình cảm ấy đã nâng đỡ anh em chúng tôi trước những mất mát khi thầy tôi đột ngột ra đi. Những tiếng “cơ quan”, “Hội Nhà văn” gần gũi, đầm ấm biết bao! Những tiếng ấy gắn bó với anh em tôi từ lúc lọt lòng, cho đến tận bây giờ.
Kỷ niệm thì nhiều, mà kỷ niệm nào cũng đáng yêu thương, trân trọng. Nhất là những kỷ niệm về tình bạn của các bậc lão thành. Có lẽ đây là tình bạn lịch sử, thời nào cũng có tình bạn của các nhà văn, cùng hội cùng thuyền, tri âm tri kỷ!
Các cụ cứ quây quần, quấn tụm lấy nhau, đỡ đần nhau qua những lúc khó khăn. Tôi đã mấy lần cầm thư của mẹ sang nhà bác Tưởng(2) vay gạo, vay tiền. Cái chai mắm tép của người nhà bác Bùi Hiển mang từ quê ra, đến bây giờ tôi vẫn không quên hương vị. Lúc còn có nửa chai, mẹ tôi phải thay đổi cách ăn. Cứ mỗi bữa chỉ lấy vài thìa, cho thêm muối, nước lã, ít gừng đem chưng lại chấm với bắp cải luộc. “Không thằng nào được rưới mắm không”. Bữa nào bà cũng nhắc các con như vậy.
Anh em tôi và các anh con bác Bùi Hiển nghịch lắm. Bao nhiêu guốc đều mắc hết trên cành sấu đại lộ Trần Hưng Đạo. Chạy nhiều, trời rét mà đổ mồ hôi. Chúng tôi cởi áo ra, tắm nước máy ở cửa nhà thương chữa mắt. Tôi quên áo. Mãi sau này, tôi và cả nhà vẫn tiếc nhắc đến cái áo ấy vì không sao mua được nữa.
Trong các bạn chơi, tôi thích nhất anh Tuấn – anh mạnh khỏe, gan góc, lại mạo hiểm. Tôi và anh hay dẫn đầu bọn trẻ ở phố Bà Triệu đi bấm chuông nhà người ta, sẽ buộc cửa hoặc ném gạch vào nhà rồi bỏ chạy. Một hôm anh Tuấn vung tay nói: “Từ nay tao không làm những việc phi nghĩa”. Anh bỏ thật, còn tôi, không có đại ca, tôi cũng nghỉ luôn. Ngày ấy, chữ “phi nghĩa” đã mang máng trong tôi, nhưng được định hình là từ anh Tuấn.
Tôi ốm yếu, nhưng lại nghịch ngợm, vì thế nên không được ở với mẹ tôi. Chưa thuê được nhà, mẹ tôi phải đem tôi đến ở nhờ nhà ông anh bên ngoại. Tôi láu táu đánh vỡ cái nắp bình quý của ông. Ông kỳ kèo. Mẹ tôi bênh con. Thế là ông bác cáu sườn không cho tôi ở nữa. Mẹ tôi đành “nuốt nước mắt” đưa tôi đến nhà bà chị họ bố tôi. Bà này cũng không nhận. Đành đưa “của nợ” đến nhà bác Tài(3). Bác Tài cũng chưa có nhà, đang ở nhờ cái cầu thang nhà bác Tưởng, khi ấy ở Lý Thường Kiệt. Không có giường, phải rải chiếu xuống nền. Tôi cùng Hiền, Chương, Hạnh, Đức chen chúc nhau ở góc trong, chỗ có bồn nước rửa mặt. Trời nóng, sáng nào tôi cũng dậy sớm nhất, rồi vục đầu vào bồn, mở máy nước hết cỡ, khoái như đang được tắm ở suối Cầu Đen. Nước tung tóe khắp nhà.
Rồi chúng tôi túm năm tụm ba ở vỉa hè. Bên kia đường là hiệu mằn thắn Khánh-Ký. Một lần Nguyễn Thành Chương(4) mở mắt to hỏi: “Khánh-Ký là cái gì?” Chị Hiền(5) cười ngất: “Khánh(6) ơi, thế này nhé, tao đưa cho mày một tờ giấy, mày ký vào, thế là Khánh-Ký”. Chị cười thoải mái, giống bác Tài trai như hệt.
Chỗ lên xuống của cầu thang, trần nhà bị lở một mảng tướng, to như cái nia. Bác Tưởng không cho người nhà được bế “chú út” ra chơi chỗ ấy! Hôm mẹ tôi đến thăm, đúng vào ngày bác Tưởng mượn được người trát lại. Bác Tài gái tủm tỉm bảo mẹ tôi: “Chắc sợ rơi vào đầu thằng Thắng”(7).
Mẹ tôi phục bác Tài gái lắm. Phục vì cái đảm đang, sự khoát đạt cho đến mái tóc dài. Lần bác đi viện, mẹ tôi tới thăm. Khi về, bà nói như nói với ai: “Chị Tài ốm đi nằm viện mà vẫn gọn ghẽ, nuột nà”.
“Chồng yêu cái tóc nên dài
Cái răng nên đẹp, cái tài nên khôn”.
Chị Hiền với tôi vốn cùng vào một lớp, một ngày, từ dạo còn ở Cầu Đen. Chữ chị đẹp lắm, hôm sau so với hôm trước đã khác hẳn nhau. Còn tôi, tôi viết bằng tay trái, lại viết nhanh, không xem lại. Lúc chấm bài, cô giáo không đọc nổi. Điểm cô cho tôi là những cái véo tai, và bảo hôm sau đừng đi học nữa. Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ mình biết đọc, biết viết từ lúc nào. Nhưng chắc là mẹ tôi dạy.
Hai tác phẩm văn học đầu tiên đến với tôi, một là truyện Tấm Cám do chị Hiền kể, một là truyện Tìm mẹ của bác Tưởng cho.
Chị Hiền kể chuyện tài lắm:
Tấm Tấm
Đầu chị lấm bê bê
Hãy lặn ba hồi
Kẻo về mẹ mắng.
Cái văn bản truyện Tấm Cám gần đây, hình như thiếu mất đoạn đồng dao ấy.
Bác Tưởng cho mỗi nhà chúng tôi một quyển Tìm mẹ. Tiếng chị Hiền ở nhà bên kia đánh vần chữ “ruộng” rất rành rọt. Còn tôi chưa biết đọc, đành cho anh Giáp mượn để anh đọc cho nghe. Không nhớ đêm ấy vào tháng nào mà trăng sáng lắm. Cả nhà anh Giáp và mấy nhà nữa quây lại ở cái sân sỏi nóng hầm hập. Anh Giáp soi từng trang trước ánh trăng, dán mắt vào từng chữ mà đọc. Chị Tỉnh, chị Giới, chị Thiệu khóc thút thít, kéo gấu quần lên lau nước mắt: “Trời ơi! Sao nó ác thế!”.
Quyển sách ấy rồi bị truyền tay mất, bà nội tôi cầm gậy đánh chó đi mọi nhà đòi mãi, rồi cũng đành chịu. Anh Giáp sau làm bí thư huyện đoàn, rồi đi bộ đội, hy sinh ở miền Nam.
Ít lâu sau tôi được về Hà Nội. Gặp bác Tưởng ở số 6 đại lộ Quang Trung, tôi gân cổ gào lên: “Bác Tưởng ơi, cho cháu một quyển Tìm mẹ”. Bác đang ngồi trên xe đạp, ngần ngừ chưa nhận ra tôi, thầy tôi đã phải chạy ra, lôi cổ tôi vào.
Tìm mẹ chắc không còn quyển nào nữa, bác Tưởng lại cho tôi quyển An Dương Vương xây thành Ốc. Ấy là ngày nhà tôi đã thuê được nhà ở số 32 Trần Nhân Tôn. Hai cụ uống rượu với nhau, còn tôi vừa bế em vừa đọc. Thầy tôi tợp chén rượu, nháy bác Tưởng: “Trông kìa!”.
Còn những hôm thầy tôi mời bác Tài uống rượu, mẹ tôi bảo chúng tôi: “Thầy mày độ này không nghĩ được truyện nữa, mới phải mua rượu mời bác ấy uống, để bác ấy kể cho mà nghe. Bác ấy biết nhiều và kể thì không ai bằng”.
Sau này thầy tôi hay nói: “Bác Nguyễn Tuân và bác Tài là hai quái kiệt của kịch trường!”.
Thật thế. Một buổi tối bác vừa uống rượu vừa kể “Thằng Quấy”(8) cho thầy tôi nghe. Kể đến chỗ thiến(9), bác vỗ cả hai tay xuống đùi cười khoái trá. Anh em chúng tôi cũng lăn ra cười. Cả ông bà Giầu thuê cùng nhà, cả u Khang cũng cười khoái trá. Bác Tài hơn thầy tôi ở cái cười. Bác cười tươi, khỏe, ấm và thích thú. Hôm bác cùng thầy tôi đi ô tô con qua Bắc Ninh, mỗi người đều kể chuyện theo cái khoái riêng của mình. Thầy tôi kể về Trần Quốc Toản, Bà Chúa Chè, Phù Ninh, Phù Chấn. Bác Tài kể về gà chọi, đua chim bồ câu. Đến chỗ “liên tam thúng thì có thể mổ lợn ăn khao được rồi”, bác lại cười ha hả.Suốt đời bác cứ cười như thế, sảng khoái, đắc ý, sâu sắc, giễu cợt. Có lần mẹ tôi hỏi bác: “Sao độ này ít được đọc của anh thế?”. Bác nói: “Tôi không thể viết được cái gì tôi không thích, viết mà con mình nó chả thèm đọc thì tội lắm, chị ạ!”. Bác lại cười to.
Nguyên Hồng ngồi thứ 2 từ phải sang cùng các nhà văn trong Kháng chiến chống Pháp
Ngày kháng chiến chống Pháp, vào lúc khó khăn quá, bác Tài viết thư bàn với thầy tôi. Xin trích một đoạn:
“Gay lắm anh ạ! Vòng đai thằng giặc nó đang thực hiện ráo riết… có anh bị bắt. Còn việc tăng gia. Tôi muốn bàn với anh một kế hoạch cụ thể để anh tin vào tăng gia mà thúc giục gia đình… chỉ sang năm là chúng ta sẽ sung túc… một cây sắn ở đồi ta, gia đình chúng ta có thể ăn độn 2 bữa một ngày, 365 cây sắn ở đồi ta(10), gia đình chúng mình có thể ăn độn một năm. Giá sắn 500 đồng 1 gốc. 10 gốc = 5.000 đ. 100 gốc = 50.000 đ. 1.000 gốc = 500.000 đ. 2.000 gốc là 1 triệu bạc… một buồng chuối 1 vạn. 1 quả đu đủ vứt đi cũng phải 300 đồng. Một năm 1 cây đu đủ vứt đi cũng được một trăm quả. Gia đình chúng ta sẽ thừa ăn. Từ giờ đến tết, nhà tôi sẽ trồng thêm rau cải vừa ăn vừa bán, còn cà chua, rau lang… Hiện giờ nhà tôi đã có hơn 50 gốc chuối, 2 cây đu đủ và đang gieo thêm…”
Bức thư ấy làm thầy tôi sốt ruột lắm. Ông viết thư “chỉ thị” cho mẹ tôi ngay: “Để dành thóc. Để dành thóc. Ăn độn ngay từ bây
giờ. Tăng gia thêm khoai sắn”.
Chẳng biết cái công thức VAC thời 9 năm trường kỳ ấy kết quả đến đâu. Chứ như sung túc thì các cụ đến già vẫn chưa bao giờ được hưởng. Còn cơm độn sắn khoai thì chúng tôi còn nhớ mãi. Tới thập kỷ sáu mươi, anh em chúng tôi vẫn còn ăn độn. Cả đến thập kỷ 70 - 80 tôi và vợ vẫn trồng sắn khoai cho con ăn độn kia mà!
Nghĩ thương các cụ. Cảm cái tình của các cụ. Lo cho nhau từng tí một. Năm, sáu chục năm qua rồi. Tình bạn thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng không hơn, tình nghĩa keo sơn vợ chồng cũng không bằng.
Tình bạn của ngẫu nhiên lịch sử, của những người tài trí có duyên cùng hội cùng thuyền. Đấy là tình bạn của những nhân cách lớn.
Cầu Đen 5/5/1998.
(Theo báo Sức khỏe và đời sống, 24-5-2000)
-------------------
(1) Con trai thứ của nhà văn Nguyên Hồng.
(2) Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
(3) Nhà văn Kim Lân.
(4) Họa sĩ Nguyễn Thành Chương, con nhà văn Kim Lân.
(5) Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con nhà văn Kim Lân.
(6) Nguyễn Thị Khánh, con nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
(7) Nguyễn Huy Thắng – “chú út” – con nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
(8) Truyện thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1955.
(9) Đoạn thằng Quấy lừa trói được con voi dữ rồi dùng cạnh nứa sắc thiến nó.
(10) Xóm Cầu Đen xã Quang Tiến, Tân Yên, Bắc Giang.