BÀ MẸ VIỆT NAM- NHỮNG VIÊN NGỌC NGỜI SÁNG TRONG ĐỜI, TRONG THƠ
( 15-03-2014 - 06:06 AM ) - Lượt xem: 6596
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!/ Trong khổ đau ,Người đẹp hơn nhiều/ Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con,suốt đời im lặng…
Tố Hữu là người duy nhất đã tuyệt vời thành công xây dựng hệ thống tượng đài Bà Mẹ Việt Nam lừng lững trên thi đàn hiện đại.
Đó là những bà mẹ anh hùng đã được tạc vào sông núi,biển trời,những bà mẹ mang tầm vóc cao cả như hoá thân vào Quê hương,Đất nước.Và ngược lại,Tổ quốc lại được hình tượng hoá diệu kỳ như Người mẹ ruột thịt thân thiết trong muôn đời lịch sử.
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau ,Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con,suốt đời im lặng…
Chào xuân 67
I-MỘT ĐỜI KỲ CÔNG XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG BÀ MẸ.
Tố Hữu là người mang nỗi bất hạnh từ thuở ấu thơ.Mới học xong tiểu học,cậu bé Nguyễn Kim Thành đã mồ côi mẹ.nỗi đau ấy tạo nên một tình cảm như linh cảm thẳm sâu một đời thi sĩ.Hai mươi năm sau kể từ ngày mẹ mất,lửa chiến tranh tạm tắt ở miền Bắc lại bùng lên ở Quê mẹ để ngọn lửa lòng vẫn “cháy không nguôi”.Mười chín năm qua sau trốn tù,vượt ngục,nhà thơ tâm sự”Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa/Một buổi trưa ,nắng dài bãi cát”trong một nỗi nhớ mênh mang,xôn xao sóng,gió với một niềm thương yêu cảm phục vô hạn
Sống trong cát,chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
Mẹ Tơm-1961
Quê mẹ,Mẹ Tơm là hai nén tâm nhang thơ hình như muộn màng nhưng tâm huyết nhất như lời tri ân vô cùng sâu sắc tình nghĩa với bà mẹ đẻ và bà mẹ nuôi cách mạng
Nói ‘hình như” là xét về mặt văn bản thơ.Thực tế ra là nhà thơ trẻ đã đến với các bà mẹ bằng tâm tình mẫu tử từ rất sớm và tấm lòng biết ơn cách mạng cũng được bày tỏ sớm nhất.Từ ấy đã có nhiều minh chứng,ngay từ những bài thơ đầu tay,về tình mẹ con nhất là tình những đứa con với mẹ(Chú bé hát rong,Vúem)
Đặc biệt nổi lên là hình ảnh những phụ nữ, bà mẹ yêunước,dũngcảm.Hàng loạt bài thơ chống chiến tranh ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật xuất hiện.Quân phiệt Nhật gây ra những vụ thảm sát Đông Kinh,Nam Kinh.Bài thơ Đông Kinh nhuộm máu(5.1938) có lời ghi Tặng những người đàn bà Nhật chết trên đường sắt Đông Kinh.Tiếp đó,Tình thương với chiến tranh mang đề từ Gửi những bà mẹ và những người vợ Nhật,Đức,Ý.Đặc biệt là hình ảnh bà mẹ của tướng Mã Chiếm Sơn với tiếng thét phẫn nộ và lời thức tỉnh,khích lệ tinh thần dân tộc “Đâu giọt rượu căm hờn?”(Ly rượu thọ).
Ngày 23.11.1940 cuộc Nam kỳ khởi nghĩa bị dìm trong máu.Nghe bạn tù kể chuyện,đầu năm 1941 Tố Hữu viết Bà má Hậu Giang dựng hình tượng bà mẹ anh hùng Việt Nam đầu tiên với bóng dáng lồng lộng
Nước non muôn quý ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang
Xét trên hành trình sáng tác ,thơ Tố Hữu khắc hoạ ba thế hệ bà mẹ Việt Nam –những người mẹ luống tuổi.
Trước hết là thế hệ Bà mẹ cách mạng:Bà má Hậu Giang và sau này Mẹ Tơm.
Tiếp đó là thế hệ Bà mẹ kháng chiến thời chống Pháp: Bà mẹ ViệtBắc,Bà bủ,Bầm ơi và sau đó là các Bà mẹ kháng chiến thời chống Mỹ mà nổi bật là Mẹ Suốt (1965) được sáng tác khi nhà thơ đi hoả tuyến Khu IVvà MẹDiệm (2000) được làm để kể chuyện về bà mẹ vá cờ và lá cờ huyền thoại khi Tố Hữu trở lại thăm Vĩnh Linh.Cờ thường xuyên bị địch bắn phá.Từ 1962,cột cờ được tôn cao 38,6 m.Cờ rộng 134 m2, nặng 15 kg đã được kéo lên 264 lần trong hơn 10 năm (5/1956-10/1967). Mẹ Diệm(1924-1992)được truy tặng danh hiệu Anh hùng.
Kỳ công cũng là kỷ lục sáng tác của Tố Hữu là từ bài thơ Bà má Hậu Giang viết đầu năm 1941 đến Mẹ Diệm vào 1.5.2000 là ngót 60 năm!Cho đén trước khi ra đi(12.2002),bà mẹ vẫn là hình ảnh linh thiêng trong sâu thẳm hồn thơ một đời.Cần kể thêm một biệt lệ:hình ảnh “bà quán già”-bà mẹ ân nhân lịch sử-qua câu chuyện Hưng Đạo Vương và bà hàng nước(1999)có tính chất huyền thoại về “Vua Bà” bên Đức Thánh Trần.
Có sự sắp xếp tự nhiên do hoàn cảnh sáng tác:đó là sự hiện diện bà mẹ ở cả ba miền đất nườc.Bà má Hậu Giang đại biểu cho miền Nam đi trước về sau.Nhóm các bà mẹ ở quê hương Việt Bắcvà sau này ở nơi tuyến lửa ác liệt miền Trung một thời đều là những mẫu con người ngoài đời trở thành hình tượng nghệ thuật.
Có những bà mẹ vô danh và những người có tên tuổi được vinh danh.Có những trường hợp hy sinh trong trận chiến,ngã xuống như một người anh hùng.Bà má Hậu Giang yên nghỉ trong rừng U Minh,mẹ Tơm nằm lại vĩnh viễn trong bãi cát vàng ven biển Hậu Lộc.Còn mẹ Diệm cũng đời dời nằm nơi vùng cồn bên bờ Hiền Lương.
Chỉ có mẹ Suốt được dựng tượng bên công viên bờ Nhật Lệ,Đồng Hới.Ở Nga,có tượng đài nguy nga đồ sộ “Mẹ Tổ quốc trên đỉnh đồi Mamaep/Tay giương gươm,tay chỉ trời tây”(Xtalingrát một ngày xuân) .Rồi đâycó thể các nhà kiến trúc sẽ dựng tượng đài Mẹ Việt Nam như Đất nước cả ba miền.Rất có thể ,ngay trên quê hương đồng ruộng hoặc bờ bãi sông biển như cuôc sống cần lao,bình dị trong đời và trong thơ.Chỉ cần những nét đặc tả:mái tóc mẹ “Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”hoặc hình dáng “Bóng Mẹ ngồi trông vọng nước non”…
Đó là hình tượng bà mẹ vừa bình dị,thân thiết như đồng bãi ruộng vườn,vừa khoát đạt cao cả biển trời,non nước.
Tuy nhiên,tượng đài Bà Mẹ Việt Nam bằng ngôn từ thơ Tố Hữu đã ngự trị trong tâm hồn con người từ lâu.
II- CỐT CÁCH, BẢN LĨNH BÀ MẸ VIỆT NAM.
Cũng là bà mẹ nhưng chỉ qua tên gọi ở nhan đề là ta nhận ra ngay con người của vùng,miền:bà má miền Nam,bà bầm,bà bủ ở Trung du,Việt Bắc và các bà mẹ miền Trung dân dã:Mẹ Tơm,Mẹ Suốt,Mẹ Diệm.Cũng qua ngôn ngữ nhất là thổ ngữ miêu tả,kể chuyện,giao tiếp lời xưng hô,tên đất,tên miền…thấy rõ được đôi nét quen thuộc của cảnh và người địa phương:má già,túp lều tranh,U Minh,rừng đước,rừng tràm…mé,ông ké,phên nan,pí lè…bà bủ,ổ chuối lửa rơm,cơm củ,cơm gié…Hòn Nẹ,mảng,thuyền câu Diêm Phố,rừng sa mộc,khóm dừa,đồi cát trắng, hĩm,túp lều rơm,bãi cồn…Bảo Ninh bây chừ,đi khơi,đi lộng,bến sông Nhật Lệ,cớ răng,ông ,tui,mụ…Sông Bến Hải,Cầu Hiền Lương…
Tuy nhiên,điều quan trọng là qua thơ thấy được người với những nét tâm lý,tính cách mang bản sắc độc đáo của các bà mẹ quê hương.
Các nhân vật được thể hiện hầu hết là nguyên mẫu ngoài đời .Bà bầm,bà bủ là một.Chính là bà Gái đã cưu mang Tố Hũu cả những ngày ốm đau sau khi dự trận Phố Ràng về.Bà sống đơn côi,có anh con trai đi bộ đội ở Tây Bắc,tối tối nhớ con thầm khóc một mình.Mẹ Tơm ở làng Hanh Cù sát ngay bờ biển,giữa vùng đồi cát hoang vắng.Nhà mẹ thành cơ quan Tỉnh uỷ và cũng là toà soạn báo Đuổi giặc nước.Ông bà và hai con trai được giác ngộ,tích cực tham gia công tác và đã cưu mang cán bộ bí mật trong những tháng năm cực kỳ gian khổ
Nhiều lần Tố Hữu vào vùng hoả tuyến ác liệt “cán xoong” Nghệ An,Hà Tĩnh,Quảng Bình,Vĩnh Linh những năm từ 1965 đến 1968.Nhà thơ đã trực tiếp gặp mẹ Suốt một bà mẹ chèo đò rất dũng cảm hàng ngày đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới mưa bom bão đạn.Vào Vĩnh Linh,nhà thơ đã chứng kiến cảnh làng hầm dưới lòng đất sâu.Cách đầu cầu mấy trăm mét,có bà mẹ Diệm ở lì dưới hầm để thường trực vá cờ bị rách vì bom đạn địch.Mẹ có câu nói nổi tiếng “Rách da rách thịt thì nhức thiệt,nhưng rách cờ của Nước mà chịu được à?”.Câu chuyện này nhà thơ đem kể lại với Bác Hồ thấy Bác rơm rớm nước mắt.Tất cả,Tố Hữu đã nhớ lại với ký ức tươi nguyên.(1).
Toàn là người thật,việc thật qua giao tiếp cùng sinh sống trong thời gian ngắn,thậm chí rất ngắn và có khi trong hoàn cảnh bí mật luôn nơm nớp lo sợ địch rình rập như ở nhà mẹ Tơm.Vậy mà,với một tình cảm đặc biệt-tình cảm mẹ con-và sự trải nghiệm cuộc đời,nhất là với quần chúng cách mạng,nhà thơ đã thấu hiểu tâm tư,tình cảm,nỗi lòng thầm kín và cốt cách tâm hồn cao cả của các bà mẹ.Thảy đều là những con người nghèo khổ,cần cù,lam lũ,một nắng hai sương,chịu thương,chịu khó,tần tảo sớm hôm nuôi chồng con và cưu mang cách mạng.Hoàn cảnh riêng có khác nhau,phần nhiều đơn chiếc,goá bụa nhưng tất cả đều là những bà mẹ hiền thục,nhân đức,tình nghĩa và đặc biệt rất giác ngộ cách mạng.Đó là những con người của một thời lịch sử-của quá trình cách mạng và kháng chiến.
Là những người yêu nước và quả cảm,các bà mẹ mỗi người biểu hiện ý thức và hành động theo những dạng khác nhau.Bí mật nuôi dưỡng du kích nghĩa quân “Gíáo gươm sáng đất,tầm vông nhọn trời”.(Bà má Hậu Giang),tham gia hội Mẹ chiến sĩ kháng chiến săn sóc bộ đội với tấm lòng “Bầm yêu con yêu luôn đồng chí/Bầm quý con,bầm quý anh em(Bầm ơi).Hoạt động bí mật chăm nuôi cán bộ,gia đình vừa là “Tổ ấm chim về”vừa là nơi chở che yêu thương nhất “Buồng Mẹ-buồng tim-giấu chúng con”(Mẹ Tơm).Thời chống Mỹ,các bà mẹ “Chẳng bằng con gái,con trai”nhưng đóng góp qua những hoạt động dũng cảm trong bom đạn hiểm nguy:chở đò đưa quân,vá cờ dưới hầm sâu(Mẹ Suốt,Mẹ Diệm).
Phụ nữ Việt Nam được trao tặng tám chữ vàng Anh Hùng-Bất Khuất-Trung Hậu-Đảm đang.Với các bà mẹ Việt Nam nên chăng thêm bốn chữ vàng:Nhẫn Nại-Hy Sinh.Đó là vẻ đẹp nổi bật thời chiếnh trong đau thương anh dũng.Chào xuân 67 ví Tổ quốc như bà mẹ “Nhẫn nại nuôi con,suốt đời im lặng/Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”là nhấn mạnh thêm nét đặc tính ấy.
Các bà mẹ Việt Nam đã là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng quần chúng cũng là tượng trưng cho nét đẹp đẽ cao cả của chủ nghĩa nhân văn truyền thống - hiện đại.
Tình yêu của các mẹ đã là một tình yêu lớn tạo ra tình cảm hai chiều như sự giao hoà những tâm hồn nhân văn cách mạng.Yêu con và yêu nước “Má có chết,một mình má chết/Cho các con trừ hết quân Tây”(Bà má Hậu Giang).Đáp lại là tấm lòng chiến sĩ “Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền”(Bầm ơi).Các bà mẹ quả cảm đã sinh hạ những thế hệ anh hùng.Tình mẹ con qua “những câu thơ chảy nước mắt” là “tình mẹ con muôn đời”(Xuân Diệu).
III-NGHỆ THUẬT KỲ TÀI XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG BÀ MẸ.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã là một hình tượng cao đẹp trong thơ Tố Hữu cũng là của thơ ca hiện đại Việt Nam.
Trước hết, cần nêu rõ một niềm riêng trở thành một linh cảm của nhà thơ, đó là tình mẹ con thiết tha,xa xót, đau đáu một đời người.Mồ côi từ nhỏ nhưng kỷ niệm với quê và mẹ vẫn cháy đỏ tâm hồn cùng lý tưởng “Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”(Quê mẹ).Xa mẹ,không được hương khói nơi mẹ yên nghỉ luôn là nỗi ân hận lớn.Theo lời kể của bà Thanh,người bạn đờiTố Hữu, thì mộ Mạ ở một gò nhỏ trong làng, mãi sau này mới được cất lên núi cao,cạnh nghĩa trang thành phố “Trăm lạy mẹ nấm mồ lạnh vắng/Xin rước Người lên nghỉ chốn Thiên Thai”(Anh cùng em). “Từ đó ,lần nào về Huế,Anh cũng ra mộ hàng giờ và nói chuyện với Mạ như khi cụ còn sống “Mạ ơi,thằng út về thăm Mạ đây”.Anh cứ bần thần ôn lại những kỷ niệm xưa và lắng nghe con chim cu cườm gáy”(2).Về thăm tháng3.2000 “Vẳng nghe tiếng mẹ ru hời/Ấm hơi mẹ ẵm như thời còn thơ”(Nghe cu cườm gáy)
Có thể coi đây là một nhân tố tình cảm đặc biệt của hồn thơ để khi nhập vào những cảnh những người cụ thể sẽ tạo nên một linh cảm mới.Nhận xét này là hết sức chính xác như một sự thật diệu kỳ “Vì thế,sau này khi Anh viết về các mẹ “Bà má Hậu Giang”, “Bà bủ”, “Bà bầm”, “Mẹ Suốt”, “Me Diêm”,cả mẹ tôi(bà đã sống cùng gia đình chúng tôi gần 40 năm),Anh đã có những lời yêu thương tha thiết như nói với Mạ Anh vậy”(3).Nói cách khác,Mạ như đã hoá thân trong các bà mẹ và tình yêu mẹ,đúng hơn là tình mẹ con cao quý muôn đời,được thăng hoa trong tình cảm trữ tình.
Một biệt tài của Tố Hữu là sự thể hiện nét bình thường mà phi thường của các bà mẹ.Hành động có vẻ đời thường mà sâu xa ý nghĩa,đầy ân tình và nghĩa khí can trường.Cũng là chuyện bếp núc-nấu cơm,cũng là chuyện đường kim, mũi chỉ-vá cờ…nhưng trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể “đã hoá thành lịch sử” thành “những chuyện tày trời”.Chở đò thay con gái, con trai ,thêm một tay súng bằng một mái chèo.Chợ xa,bên mớ rau xanh,thêm bó truyền đơn.Việc thật bình thường mà mạo hiểm, mà phải chấp nhận có khi đổi bằng mạng sống.
Với thủ pháp huyền thoại hoá mà một vật tầm thường bỗng nhiễm phép màu có sức mạnh lớn lao kỳ lạ
Một tay, lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ,quân sang đêm ngày
“Một tay” mà chuyển tải được lớp lớp đoàn quân,mà vận động được trăm vạn bước đi.Mái chèo con đò của mẹ bến sông khác nào “ mái chèo” chiếc xuồng con của anh giải phóng quân làm “ sông nước dậy sóng cồn đại dương”.Bàn chân anh“Bước dài như gió lay thành chuyển non” còn mái tóc mẹ “Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”.Đó là những con người- thần thánh!
Ở đất nước của Thánh Gióng thời chiến thì với “ một dây ná ,một cây chông” cũng tiến công địch là chuyện bình thường.Thậm chí “Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”(Êmily,con…)
Một mình má,một nồi to
Cơm vừa chín tớ,vùi tro,má cười…
Đó là nồi cơm Thạch Sanh hàng ngày nở ra theo nụ cười sung sướng bà má nuôi bao nghĩa quân “các con” khắp “trăm vùng”.
Cơm ân tình cũng là cơm nghĩa khí: “Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/Cho con,cho Đảng ngày xưa ấy/Không sợ tù gông,chấp súng gươm”(Mẹ Tơm).Cơm gạo nuôi quân,nuôi cán bộ tức là nuôi dưỡng những đứa con-sức lực của cách mạng.Nhưng rồi cơm gạo tinh thần còn quý hơn .Tình yêu của mẹ là vũ khí thần kỳ trao cho những đứa con “Bầm yêu con ,yêu luôn đồng chí/Bầm quý con ,bầm quý anh em” để các con biết “Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền”và hứa với mẹ “Con còn phải đi/Giữ gìn độc lập!”.Ước vọng của mẹ là của toàn dân tộc: “Tôi mong có ngày/Nó về,thắng trận”.
Hình tượng hoá bằng ẩn dụ nghệ thuật đem lại những cảm nghĩ sâu xa và hứng thú bất ngờ:
Buồng Mẹ-buồng tim-giấu chúng con
………………………………………
Sống trong cát,chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời
So sánh tu từ đặc sắc:
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi
Bầm ơi
Tâm hồn Tố Hữu cực kỳ nhạy cảm. Ấy là do sức liên tưởng rất mạnh.
Về thăm Huế,đi với bạn đời không quên nhớ mẹ và hứa hẹn “Con còn đi tiếp bước đường dài/Dù tuổi đã bảy hai,đầu bạc”(Anh cùng em).Ngày đi chiến trường,nghe “Con chim cu gáy dốc Chè,nôn nao…”(1973).Nay,chim lại nhắc nhớmẹ: “Nghe cu cườm gáy trên đồi Thiên Thai”(2000).Nhà thơ hoá thân vào bà mẹ rồi lại nhập thân vào đứa con chiến sĩ để nhớ nhau,thương nhau,lo cho nhau và lại an ủi nhau.Bà bủ “khấn thầm” nào biết nơi xa đứa con cũng “nhớ thầm”.Một buổi chiều,chiến sĩ “nhớ thầm” tưởng tượng mẹ quê nhà “nghe thầm” tiếng con…Như thể có “thần giao cách cảm” vậy!Mẹ lo “Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì?”,con khoe bao bà cụ từ tâm “Cho củi con sưởi,cho nhà con ngơi”.Mẹ dặn “Đừng nghĩ lo gì/Ở nhà có mé…”,chiến sĩ nhắn nhủ: “Nhớ thương con bầm yên tâm nhé…Nhớ con bầm nhé đừng buồn”Phải là một nhà thơ đầy nhân ái mới thấu hiểu lòng người tinh tế đến vậy!Lại thấy Tố Hữu hơn người vì có trái tim thấm đẫm tình mẫu tử.
Là nhà thơ có tài kể chuyện,thông qua tình cảnh bình thường hàng ngày làm nên câu chuyện tâm tình dân dã cảm độngchân thật của bà mẹ nông thôn và người con nông dân mặc áo lính.Thực ra,Tố Hữu đã lấy lòng mình-tấm lòng con để an ủi mẹ.Có “chuyện lạ có thật” này.Nhà thơ nghe tiếng khóc của người mẹ nhớ thương con,không sao cầm lòng được đã viết Bầm ơi trong đêm.Sớm hôm sau,tác giả nói thác đi là của anh con trai gửi về : “Bà mẹ nghe đến đâu thì chảy nước mắt đến đấy.Cho đến câu “Nhớ con,bầm nhé đừng buồn/Giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm” bà cụ mếu máo và nói: “Đấy các bác xem thằng con tôi nó thương mẹ thế đấy.Mà tôi thì cứ nhớ đến đứt ruột ra.Nhưng nó đi đánh giặc thì phải thôi:con trai ai cũng đi cả,nó ở nhà sao được?”Đấy là những dòng hồi ức của nhà thơ(4).
Thời chiến có chân lý hồn nhiên qua tâm tư quần chúng như vậy:đánh giặc là một lẽ tự nhiên.Hơn thế,đánh bất cứ kẻ xâm lược nào “Tây kia mình đã thắng,Mỹ này ta chẳng thua!”.Ấy là câu nói của mẹ Suốt vào năm nước sôi lửa bỏng:Mỹ đổ hàng chục vạn quân viễn chinh và chư hầu cùng vũ khí,phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam và chính thức gây chiến tranh phá hoại lần thứ nhất(7.2.1965).
Anh hùng mà không biết là anh hùng.Chuyện sớm trưa,mưa nắng đưa đò rút lại là “câu chuyện ân tình”.Nhẹ nhàng,thấm thía mà xúc động lòng người,mà khuynh đảo trời đất “Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say…”.Người “say”, thiên nhiên “say”… Cũng như đồi cát,bãi bồi ven biển Hậu Lộc xưa gợi nhớ ơn sâu nghĩa nặng của bà mẹ nuôi quả cảm.Để nhà thơ suy nghĩ sâu xa về triết lý nhân sinh cách mạng.Mẹ Tơm-người mẹ anh hùng đã hoà đồng vào biển trời cát trắng vĩnh cửu để lại một tài sản vô giá cho muôn sau: “trái tim như ngọc sáng ngời”.
Tố Hữu có khả năng đặc biệt trong việc dựng cảnh,vẽ người như với con mắt,bàn tay nhà điêu khắc,hoạ sĩ tài hoa.Hết sức chân thực mà cũng vô cùng lãng mạn.Những bà mẹ hiền lành,chất phác,giản dị bỗng như được chiếu rọi một thứ ánh sáng vừa chân thực vừa huyền ảo để hiện ra như một con người toả sáng hào quang
Các bà mẹ Việt Bắc được khắc hoạ trong khung cảnh gia đình bình dị thường là trong cảnh trầm tư chiều,tối,về khuya.Trong cảnh ấy nổi bật là những tâm hồn ánh sáng:sáng láng tình yêu thương và chói lói niềm tin tưởng: “Nó về,thắng trận”Người mẹ vá cờ trong bảo tàng Vĩnh Linh đã thể hiện tựa như tinh thần bức-hoạ-thơ Tố Hữu.Mẹ Diệm trong “hầm sâu” với “ngọn đèn leo lét đêm thâu” nhưng bừng sáng trong ánh cờ sao như sóng cuộn rực rỡ đỉnh nhọn nơi tay toả xuống khắp nền nhà.Tuy nhiên trong thơ còn một không gian mênh mông chói lọi:trời “xanh”, “cây cầu trắng đôi bờ Hiền Lương”và “cờ đỏ,nắng trưa” …(Mẹ Diệm)
Con người khoáng đạt tầm sông biển,đất trời là ý tưởng nhất quán khi nhà thơ tạc những chân dung bà mẹ anh hùng trong chiến đấu.Đó cũng chính là nét phong cáchnghệ thuật nổi bật sử thi-trữ tình Tố Hữu.
Bà má Nam Bộ tồn tại như một bức tượng đài bất tử “Nước non muôn quý ngàn yêu/Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang”
Cũng vậy,bóng dáng Mẹ Tơm vùng biển trở nên kỳ vĩ trong hành động vì nước quên mình
…Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn
…Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
…Bóng Mẹ ngồi trông,vọng nước non!
Nhưng có lẽ hào sảng nhất,oai hùng nhất là tư thế của con người đang hành động vì đại nghĩa.Trên cái phông nền phóng khoáng của “biển rộngtrờicao”,của “bến sông Nhật Lệ” là dáng đứng hiên ngang Mẹ Suốt:
Ngẩng đầu,mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ…
Một hiện thực chân thật hoà lẫn sự tưởng tượng kỳ thú!Con người như được tạc vào sông biển bỗng hoá thân vào đất nước:mớ tóc trắng hay lượn sóng bạc ,mái đầu cao hay mây bổng trời xanh...Ấy là bút pháp thần diệu của một nhà thơ đã biến một con người bình dị thành anh hùng cách mạng quần chúng và hơn thế, còn mang bóng dáng người anh hùng thời đại- thời đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Hình tượng thẩm mỹ trong thơ Tố Hữu thường mang tính đa nghĩa.Nói cách khác,được biến hoá ý nghĩa trong những ngụ ý tượng trưng.Hình tương Bà mẹ là như vậy.
Quê hương thường gắn với mẹ vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn.Quê mẹ của Tố Hữu mang hàm nghĩa Mẹ-Quê hương.Có một sáng tạo mang ý nghỉa rất mới cách mạng:Đảng là Mẹ hiền,tức là gắn bó mẹ với một tổ chức chính trị “Mẹ không còn nữa,con còn Đảng/Dìu dắt khi con chửa biết gì”.Được kết nạp Đảng coi như được sinh thành lần thứ hai trong đời là như vậy.
Mẹ-Tổ quốc là một hình tượng không riêng của Tố Hữu nhưng vô cùng thấm thía máu thịt với nhà thơ.Từ rất sớm,trong tù ngục,nhà thơ đã tung ra những lời kêu gọi thống thiết,khích lệ lòng yêu nước của thế hệ trẻ .Trong Dậy lên thanh niên làm vào tháng 5.1940(Từ ấy)có những hình ảnh hết sức xúc động “Đã từng thấy mẹ lăn trong máu/Lệ đã chua cay ngấm nụ cười/Mẹ đã vì con khổ vạn đời/Hận thù đế quốc quyết không nguôi/Còn chi đâu nữa nuôi con lớn/Vú Mẹ giờ đây cạn sữa rồi”Thời chống Mỹ,Chào xuân 67 có một sáng tạo đôt xuất nhưng thực ra vẫn nằm trong tư tưởng nghệ thuật quán xuyến.Nhà thơ phát hiện vẻ đẹp thời đại của Dân tộc gắn với đức hy sinh tuyệt vời của bà mẹ Việt Nam.Mẹ-Tổ quốc mang “gánh nặng” nghỉa vụ quốc tế vì nhân phẩm cao cả,vì lương tri con người chân chính “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/Ta hiểu vì ai ta hiến máu”
Mẹ-Tổ quốcvì vậy cũng là Mẹ-Dân tộc.Dân tộc mang hàm nghĩa thời đại “Khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại”và đồng nghĩa nhân loại: “Sống cho ta,sống cả cho người/Là trái tim, cũng là lẽ phải/Việt Nam ơi/Người là ai?Mà trở thành nhân loại”(Với Đảng,Mùa Xuân).
Mẹ-Tiên Phật là sáng tạo độc đáo đầu tiên vào cuối đời thơ Tố Hữu.
Bà quán già bán nước bến sông xưa mách bảo binh thư là ân nhân của Hưng Đạo Vương trong chiến công Bạch Đằng Giang.Giai thoại như thần thoại ấy chính là sự tôn vinh “trí tuệ nhân dân” tuyệt vời “Ôi ,Người là ai,bà mẹ quê ta hay Tiên Phật hỡi Bà!”(Hưng Đạo Vương và bà hàng nước-26.8.1999).Bà là điểm sáng trong hình tượng Nhân dân theo tư tưởng “ thân dân” cách mạng của Tố Hữu “Trời không có thiên thần/Đất không có thánh nhân /Chỉ có nhân dân-thầnthánh” (Trước Kremlin).Hiểu rộng ra,bà mẹ còn là “trí tuệ lịch sử” hay Mẹ-Lịch sử.
* * *
Con người vào thơ, thành thơ.Và rồi thật kỳ lạ,họ lại bước vào đời nhà thơ.Duyên may duy nhất với Tố Hữu là sau này ông còn được nhiều lần gặp anh con trai bà Bầm đã là sĩ quan cao cấp quân đội.Nhà thơ biếu bà tấm lụa được Bác Hồ tặng khi có con gái đầu lòng.Bà đã may áo và đã đi gặp tổ tiên với chiếc áo lụa đó.Tố Hữu cũng đã nhiều lần gửi số tiền nhuận bút lớn có đến trăm triệu để xây dựng một trạm xá ở xã Đa Lộc quê mẹ Tơm cũng như cho học sinh nghèo vượt khó và làm quỹ học bổng thường niên cho sinh viên,học sinh nơi quê mẹ Huế…coi như nghĩa cử nhỏ bé.Khi Tố Hữu Tạm biệt cuộc đời,trong số người đông đảo các quê hương đến tiễn biệt có đoàn con cháu mẹ Tơm về chịu tang.
Nàng Kiều của Nguyễn Du xưa đã tạ ơn bà vãi Gíác Duyên từng cưu mang “Ngàn vàng gọi chút lễ thường/Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân”.Ấy là nhắc tới điển tích “Bát cơm phiếu mẫu tạ ơn ngàn vàng”.Phiếu mẫu là bà già nghèo giặt vải từng cứu giúp Hàn Tín thuở hàn vi.Sau này trở thành một trong Tam kiệt đời Hán Sở,công danh hiển đạt,ông đã đem ngàn lạng vàng tạ ơn bà lão.
Tố Hữu gọi là có chút công quả tri ân các bà mẹ cách mạng.Đó là Tấm lòng vàng đền đáp những Trái tim ngọc.
Các bà mẹ là những hình tượng đặc sắc trong hệ thống hình tượng Con người Việt Nam của thơ Tố Hữu.
Nhà thơ có công lớn góp phần vào Bảo tàng Bà Mẹ Việt Nam trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam của lịch sử thơ ca hiện đại.Hãy tri ân Tố Hữu như tấm lòng vàng của nhà thơ đền đáp các Mẹ.
----------------------
(1),(4) Tố Hữu Nhớ lại một thời- Hồi ký-Văn hoá Thông tin(2), 2002
(2),(3) Vũ Thị Thanh Ký ức người ở lại-Hồi ký-Văn học,2012
PGS TS ĐOÀN TRỌNG HUY