50 NĂM QUA ĐỌC LẠI THƠ CHÚC TẾT 1969 CỦA HỒ CHỦ TỊCH
( 04-02-2019 - 11:00 PM ) - Lượt xem: 765
Nhân dịp 50 năm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Hồ Chủ Tịch, BBT gửi đến bạn đọc bài trả lời phỏng vấn VOV của PGS.TS Đoàn Trọng Huy, một thành viên cao niên cùa CLB
(Bài trả lời phỏng vấn VOH – Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM)
Mỗi năm xuân đến. Tết về, mỗi người Việt Nam, nhất là những ai đã sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đều bồi hồi xúc động về “giờ phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người”vào giờ phút đón giao thừa
Khoảnh khắc đó đã trở nên thiêng liêng, và in sâu vào tiềm thức, trở thành một thói quen mong đợi hân hoan, như một mỹ tục mới.
Đúng như lời đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng viết: “Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới mỗi lần xuân đến. Đó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc thơ xuân”.
Kể từ Tết độc lập đầu tiên – tết Bính Tuất năm 1946, tới tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác đã đón xuân cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong 24 năm. Có 3 năm, Người quá bận, không làm được thơ Tết (1955, 1957, 1958), còn lại, năm nào lời thơ chúc Tết của Bác cũng vang vọng núi sông, ra tận thế giới với cả các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 1969, bài thơ chúc Tết của Bác cũng là bài thơ cuối cùng của Người làm trước khi đi vào thế giới Người hiền.
Thơ chúc Tết của Bác, bao giờ cũng phù hợp với tình hình thời sự trong nước và thế giới. Mỗi năm, bài thơ lại mang một tình thế riêng, do đó có phong thái và khí thế riêng.
Những lời thơ như lời hịch chiến thắng, tổng kết tình hình năm qua, mở ra triển vọng cho năm mới. Lời chúc cũng là mở ra phương hướng cho cuộc đấu tranh mới, và niềm hy vọng chiến thắng mới:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm 1968, sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Qua đó, đối phương phải chấp nhận xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc và rút quân dần theo từng bước tại miền Nam.
Các thắng lợi của cả nước là rất lớn: Chiến thắng trên chiến trường miền Nam, thắng lợi lớn trong kinh tế - xã hội ở miền Bắc.
“Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”.
Thắng lợi năm qua chính là điểm tựa, và tạo đà cho niềm tin thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Mục tiêu phấn đấu sắp tới sẽ là thực hiện đường lối chiến lược của kháng chiến
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào
Kỳ diệu thay, hiện thực kháng chiến diễn ra đúng như chiến lược Người đã vạch ra.
Và ước vọng của toàn dân, mà Người đã dự đoán, đã trở thành hiện thực sau đại thắng mùa xuân năm 1975:
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn
Mùa xuân lịch sử ấy đà thành kỳ diệu trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
¯
Bài thơ thật giản dị, mà đằm thắm, với thể thơ lục bát truyền thống của nghìn năm văn hiến. Vần điệu như giao hoà với nhạc điệu lòng người.
Âm hưởng bài thơ vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân của Bác thật hào sảng. Nghe vang vang như tiếng kèn xung trận cho tất cả triệu triệu người dân và chiến sĩ.
Điều quan trọng nhất chính là, bài thơ thể hiện được cốt cách trí tuệ văn hoá Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Bác Hồ là nhà tiên tri đại tài, như dự đoán cách mạng Việt Nam thành công năm 1945, hay Mỹ sẽ thua ngay trên bầu trời Hà Nội qua trận Điện Biên Phủ trên không năm 1975. Giờ đây là Mỹ cút và Nguỵ nhào.
Người nắm rõ mấy vận động tiêu biểu của kháng chiến, thấu hiểu tình thế và xu thế thời đại, từ đó có những tiên đoán khoa học. Qua đó, thể hiện được niềm tin sắt đá vào lý tưởng như chân lý thời đại – “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lời hịch chiến thắng vừa có lý, vừa hợp tình, là nguyện vọng được nung nấu, tích tụ qua những tháng năm kiên cường, anh dũng.
¯¯¯
Đã 50 năm trôi qua, đúng nửa thế kỷ trôi nhanh. Đất nước ta đang trên đà xây dựng theo hướng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, và đang đứng trước triển vọng tương lai huy hoàng mở ra trong hoàn cảnh đổi mới và hội nhập.
50 năm qua cũng là thời gian để toàn dân phấn đấu:
Nhớ lời di chúc theo chân Bá
(Tố Hữu)
Với khí thế mùa xuân, chắc rằng sẽ có khí thế “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).
(Chương trình 22h – 24h đêm giao thừa của VOH – Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh)