NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔI ĐỌC “CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH” CỦA LEV NIKOLAIYEVICH TOLSTOY

( 17-04-2016 - 07:48 AM ) - Lượt xem: 6269

Đọc xong bốn tập rất dày (mỗi tập khoảng 500 trang) của bộ tiểu thuyết đồ sộ ấy, tôi thật sự choáng ngợp với những gì mà mình đã tiếp nhận được. (Khi ấy mới hiểu vì sao trước đây ba đã bảo tôi “chưa đọc nổi” truyện đó!).

 1. Từ thời còn là học sinh lớp 9 của một trường nữ trung học Sài Gòn (1972 -1973), trong giờ Việt văn nghe cô giáo Thanh Hải bình giảng về Truyện Kiều, lần đầu tiên tôi biết đến danh tiếng Leo Tolstoy (tên của nhà Đại văn hào Nga viết theo tiếng Anh) qua một chi tiết thú vị và đã ghi vào sổ tay:

“Đại thi hào Nguyễn Du từng lo không biết 300 năm sau có ai khóc mình không; và Đại văn hào Lev Tolstoy cũng đã từng băn khoăn trong bức thư gửi nhà nghiên cứu người Anh Uyliam Rôtxôn ngày 27.12.1878: ‘Thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc tác phẩm của tôi không’...”.

 Cô Thanh Hải chỉ nói lướt qua tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy (qua bản dịch sang tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê do nhà Lá Bối xuất bản) nên tôi chưa hiểu mấy về kiệt tác văn học ấy. Về nhà hỏi lại ba tôi về tác phẩm này, ba chỉ phán một câu: “lo học đi, con chưa đọc nổi truyện đó đâu!”. Thế là mọi thông tin về “Chiến tranh và hòa bình” đã dừng lại, và tôi dần quên nó theo năm tháng.

2. Phải đến khoảng giữa năm 1979, qua phòng đọc sách ở Nhà Văn hóa phường nơi mình cư trú (thuộc quận Phú Nhuận), tôi mới có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời và sự nghiệp đại văn hào Lev Nikolaiyevich Tolstoy, đồng thời đọc kỹ kiệt tác tiêu biểu của ông: “Chiến tranh và hòa bình” (lần này là qua bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo và Nhữ Thành; do NXB Văn Hóa xuất bản). Đọc xong bốn tập rất dày (mỗi tập khoảng 500 trang) của bộ tiểu thuyết đồ sộ ấy, tôi thật sự choáng ngợp với những gì mà mình đã tiếp nhận được. (Khi ấy mới hiểu vì sao trước đây ba đã bảo tôi “chưa đọc nổi” truyện đó!).

 

Bộ tiểu thuyết đã tái hiện vô cùng sinh động lịch sử nước Nga đầu thế kỷ XIX dưới thời Hoàng đế Alexandre I trong suốt những năm tháng đương đầu với các cuộc chiến tranh của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, từ cuộc chiến năm 1805 với trận Austerlitz mà quân Pháp đã đánh tan tành quân Nga, cho đến cuộc chiến năm 1812 với trận Borodino lừng danh và việc quân Nga do Mikhail Kutuzov chỉ huy quét sạch quân xâm lược Pháp ra khỏi lãnh thổ nước mình, giúp châu Âu nổi dậy đập tan Đế chế Napoleon. Trong khuôn khổ đó, dưới ngòi bút của Tolstoy, đời sống xã hội Nga trong chiến tranh và hòa bình đã hiện lên hết sức rõ ràng dưới mọi góc độ, từ đó những phẩm chất và đặc tính của người Nga nói chung và của giới thượng lưu quý tộc nói riêng đã bộc lộ trong những sự kiện quyết định vận mệnh dân tộc. Các nhân vật chính như Công tước Andrei Nikolaiyevich Bonkonsky, Bá tước Pierre Kirilovich Bezukhov; nhất là tiểu thư Natalia Ilinichna Rostova (tức nàng Natasha kiều diễm của gia đình Bá tước Rostov) đã khắc họa vô cùng sâu sắc những phẩm chất và tính cách Nga điển hình.

Ẩn dưới những nhân vật và sự kiện được miêu tả và tường thuật vô cùng hấp dẫn, Tolstoy truyền tải nhiều thông điệp và tư tưởng lớn mà ông gửi gắm cho nhân loại. Những tổn thất đau thương do chiến tranh gây ra được miêu tả kỹ lưỡng trong tác phẩm, đặc biệt là mối tình tuyệt đẹp giữa Natasha với Andrei Bonkonsky đã kết thúc bi thảm khi chàng Công tước-sĩ quan kỵ binh tử thương trên chiến trường, đã thể hiện tư tưởng chống bạo lực và chống chiến tranh của nhà đại văn hào. Thế rồi cuộc hôn nhân hạnh phúc của Natasha với Pierre Bezukhov lại là một kết thúc có hậu thể hiện tư tưởng nhân đạo của Tolstoy. Theo đó, tôi đã chép được lời bình của một nhà nghiên cứu mà mình rất ưng ý:

 “Lev Tolstoy là nhà văn người Nga, là một trong các tiểu thuyết gia bậc nhất trong lịch sử văn chương của Thế Giới. Leo Tolstoy cũng là nhà tư tưởng về luân lý và tôn giáo, một nhà cải cách xã hội. Các tác phẩm của ông, dùng vật liệu là các kinh nghiệm cá nhân, đã gây ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn chương của thế kỷ 20 và các lời giảng dạy của ông đã giúp công vào việc hình thành cách suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo tư tưởng và chính trị sau này, chẳng hạn như trong 3 thập niên cuối đời, chủ thuyết bất bạo động đối với các điều xấu của Tolstoy đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi”.

Làm nền cho các nhân vật chính hoạt động, Tolstoy đã miêu tả kỹ lưỡng phẩm chất và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong vai trò quyết định vận mệnh của Tổ quốc. Đó chính là cơ sở để Lenin nhận định rằng: “Tolstoy đã mất rồi và nước Nga trước Cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng trong di sản của ông có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai. Di sản đó, giai cấp vô sản Nga đón lấy và nghiên cứu nó”. Dĩ nhiên cái “không chìm vào dĩ vãng” và “thuộc về tương lai” của Tolstoy mà Lenin đề cập ở đây chính là vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; còn những cái được ông coi là đã “chìm vào dĩ vãng” là những phẩm chất cao quý của giới thượng lưu quý tộc Nga và tư tưởng nhân đạo chống bạo lực của Tolstoy.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn đưa ra nhiều nhận định sâu sắc về Tolstoy qua kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình”, khiến tôi rất tâm đắc mà chép vào sổ tay để tiếp tục tìm hiểu về ông (vì chỉ chép cho riêng mình, nên tôi không ghi đủ nguồn trích dẫn). Nhìn tổng quát về tác phẩm này, một nhà nghiên cứu đã nhận định rất xác đáng: “Tolstoy đã nghiền ngẫm hầu như tất cả sách thư viện, đã tạo ra 500 nhân vật trong truyện với 100 nhân vật chính. Ngoài ra trong truyện còn nói tới các quân đoàn, đám đông quần chúng, các thú vật đáng nhớ, đặc biệt có các con chó săn và một con chó sói khác thường. Tác giả bắt đầu câu chuyện bằng cách mô tả bối cảnh lịch sử, những nhân vật sống trong bối cảnh đó và họ đã hành xử ra sao”.

Đánh giá tác phẩm này, một nhà nghiên cứu viết: “Tolstoy đã mất 6 năm để hoàn thành ‘Chiến tranh và Hòa bình’, và cuốn sách được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới đã được ông viết đi viết lại tới 26 lần. Đây là một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất của Tolstoy và là một phần trong chương trình giáo dục bậc trung học của Nga”. Tôi cũng  rất tâm đắc câu nói của một nhà văn Pháp (năm 1960): “ Khi đọc lại Chiến tranh và Hòa bình, tôi cảm thấy trước mắt tôi không phải là một giai đoạn đã qua mà là một bí mật đã mất”.

 Suốt hơn một thế kỷ qua, Chiến tranh và hòa bình cũng như các tác phẩm khác của L. Tolstoy đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ nước ngoài. “Chiến tranh và hòa bình” (sản xuất năm 1968) là bộ phim đầu tiên trong ba bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Liên bang Xô Viết đã đoạt giải Oscar.

Năm 2015 được coi là năm Văn học Nga. Fekla Tolstaya - chắt của L.Tolstoy đã tổ chức sự kiện toàn quốc đọc cuốn Chiến tranh và hòa bình từ thứ ba  ngày 08 đến thứ sáu ngày 11 tháng 12. Đã có khoảng hơn 5.000 người đăng ký tham gia đọc các trích đoạn của cuốn tiểu thuyết sử thi này, trong đó khoảng  1.300 người tham gia đọc tác phẩm này liên tục trên TV, trên đài phát thanh, trên internet và cả ở các nơi công cộng trên toàn nước Nga. Vào dịp này, cháu chắt của  L.Tolstoy đã quay lại các đoạn đọc tại ngôi nhà của gia đình ở Yasnaya Polyana, phía nam Moskva, nơi ông  đã viết ra kiệt tác Chiến tranh và Hòa bình.

Tại Việt Nam, từ khi hòa bình lập lại vào năm 1954 sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta ở cả miền Bắc (dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và miền Nam (dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa) đều đã được  làm quen với văn học cổ điển Nga mà một bộ phận quan trọng là các tác phẩm của L. N. Tolstoy (Chiến tranh và hòa bình, Anna Kareninna, Phục sinh…). Riêng kiệt tác Chiến tranh và hòa bình đã tồn tại song song hai bản dịch: một của Nguyễn Hiến Lê do nhà Lá Bối xuất bản (ở miền Nam); và một của Hoàng Thiếu Sơn cùng một nhóm dịch giả, do NXB Văn Hóa xuất bản (ở miền Bắc). Qua đó, các các nhà văn, nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc ở cả hai miền đất nước đã nắm bắt được tư tưởng nhân đạo chống bạo lực, chống chiến tranh, chống chủ nghĩa quân phiệt của L. N. Tolstoy.

3. Trên dưới bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu tiếp cận với Chiến tranh và hòa bình, những dấu ấn của tư tưởng  Tolstoy đã dần dần in đậm nét trong tôi suốt thời gian đó. Được nghỉ hưu để có thể tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Người Yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS), tôi đã đọc được nhiều tác phẩm văn học nước ngoài và trong nước viết về chiến tranh và bạo lực cách mạng để có dịp liên tưởng đến tác phẩm và tư tưởng của Tolstoy. Đọc “Sông Đông êm đềm” và “Số phận một con người” của Mikhail Alexandrovich Sholokhov (đều do Nguyễn Thụy Ứng dịch), “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque (qua bản dịch của Lê Huy và bản dịch của Phan Trọng Khôi dưới tựa đề “Mặt trận miền Tây vẩn yên tĩnh”), “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak (qua bản dịch của Lê Khánh Trường)…, tôi nhận thấy dường như các tác giả và tác phẩm này đã kế thừa và phát triển thêm những ý tưởng mà Tolstoy đã trình bày qua Chiến tranh và hòa bình. Sau khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, tùy bút “Một ngày chủ nhật” và những trích đoạn Nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (qua Tập san của CLBNYS)…, tôi cũng nghĩ rằng các tác giả và tác phẩm này ít nhiều đã chia sẻ với tư tưởng nhân đạo chống bạo lực và chiến tranh của Tolstoy. Thậm chí, khi đọc những tác phẩm của các thành viên thân thiết trong CLBNYS (“Hoàng hôn lạnh” và “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng, “Nước chảy dưới chân cầu” của Lê Vinh Quốc....), tôi đều liên tưởng đến kiệt tác của đại văn hào Nga Tolstoy, và tin rằng các tác giả này ít nhiều đã chia sẻ với những ý tưởng được trình bày trong Chiến tranh và hòa bình.

 Thật rõ ràng, Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy đã tồn tại mãi mãi, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những tác phẩm của các nhà văn và giới sáng tác văn học-nghệ thuật nói chung trên thế giới và ở Việt Nam. Khi chiến tranh và bạo lực vẫn còn hoành hành trên thế giới này, thì nhân loại vẫn còn say mê tìm đọc Tolstoy. Bức thư Tolstoy gửi Uyliam Rốtxôn (có lẽ tên gốc Anh là William Roson) viết vào năm 1878, tính đến nay đã được 138 năm; vậy mà nhân loại đã, đang và sẽ còn đọc mãi Chiến tranh và hòa bình cùng những kiệt tác khác của nhà đại văn hào Nga bất tử.

 V. I. Lenin đã giải đáp chính xác cho nỗi băn khoăn  của L. N. Tolstoy về số phận tác phẩm của mình: “Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy chính là loại tác phẩm thuộc về tương lai”. Lời giải đáp này lại dẫn tới một hệ quả rất thú vị: sau khi Liên Bang Xô Viết do Lenin tạo dựng đã sụp đổ tan tành, chẳng mấy ai ở Liên bang Nga còn tin vào tư tưởng cải tạo xã hội bằng bạo lực cách mạng do Lenin đề xướng; mà mọi người mãi mãi vững tin ở tư tưởng nhân đạo phi bạo lực do Tolstoy thể hiện. Lev Nikolaiyevich Tolstoy có thể yên tâm tận hưởng hạnh phúc trên cõi vĩnh hằng.

Sài Gòn, Tháng Ba-2016

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác