NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ “NỤ CƯỜI KHÁNG CHIẾN” CỦA TÚ MỠ

( 23-11-2014 - 09:57 AM ) - Lượt xem: 1785

Tài hài hước của Tú Mỡ thể hiện mọi lúc mọi nơi, nó giúp ông biến cuộc kháng chiến “Trường kỳ gian khổ” thành ra “ Nụ cười kháng chiến”.

Khoảng lên mười tuổi, tôi được biết đến nhà thơ Tú Mỡ qua một tập thơ mỏng được in khá đẹp có tựa đề “Nụ cười kháng chiến”. Cảm thấy tên tác giả có vẻ rất buồn cười, tôi đoán các bài thơ trong đó sẽ rất vui. Quả nhiên đúng như vậy, đọc xong bài đầu tôi phải đọc tiếp bài sau; càng đọc càng thích thú khiến tôi đọc liền một mạch mấy chục bài cho đến hết tập thơ. Trong đó, tôi thuộc làu ngay một bài gây ấn tượng sâu sắc và ghi nhớ mãi. Nếu tôi không nhầm thì bài ấy có nhan đề “Thằng Tây chớ cậy…” và toàn bộ nội dung của nó là:

Thằng Tây chớ cậy xác dài,

Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày!

Thằng Tây chớ cậy béo quay,

Mày thức hai bữa là mày bở hơi!

Chúng tao thức bốn đêm rồi,

Ăn cháo ba bữa, chạy mười chín cây!

Bây giờ tao gặp mày đây,

Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao!

Chỉ đọc 8 câu lục bát ấy, tôi đã hình dung rõ ràng một cảnh tượng sinh động: các anh bộ đội nhỏ người, lại thiếu ăn (“ăn cháo ba bữa”) thiếu ngủ (“thức bốn đêm rồi’), nhưng vẫn vô cùng dẻo dai cầm súng chạy nhanh như gió suốt 19 kilômét đuổi theo mấy thằng Tây cao lớn to béo nhưng chạy chậm vì mệt “bở hơi [tai]”; kết quả là bộ đội đuổi kịp Tây và chĩa súng bắt chúng giơ tay hàng! Về thực chất, bài thơ này đã minh họa cho đường lối “Kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi” của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp - một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Nhưng nhờ tài gieo vần đặt câu rất khéo, với cách dùng từ dân dã hoạt kê của tác giả, mà vấn đề nghiêm túc đó đã được thể hiện thành một cảnh tượng sinh động hài hước, thấm sâu vào tâm trí độc giả một cách vui vẻ dễ dàng.

 Cái “motif” về “người Việt nhỏ bé mà đánh thắng giặc Tây to lớn” đã được nhiều tác giả trình bày dưới nhiều dạng khác nhau. Chính Bác Hồ đã dùng các thành ngữ “châu chấu đá voi”“châu chấu đá xe” để mô tả so sánh lực lượng ban đầu giữa ta với Pháp, để khi cuộc đấu kết thúc thì “voi sẽ bị lòi ruột ra” hoặc “tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tố Hữu cũng sử dụng thành công motif này trong bài thơ “Bức ảnh”, chỉ với 4 câu thất ngôn mà vẽ nên một biểu tượng hiên ngang dũng cảm của cô nữ dân quân bên “Thằng Mỹ” hết sức cao to:

O du kích nhỏ giương cao súng.

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.

Ra thế! To gan hơn béo bụng.

Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

Nếu so sánh với bài này của Tố Hữu, thì bài thơ “Thằng Tây chớ cậy…” của Tú Mỡ miêu tả anh bộ đội cũng không kém phần hiên ngang dũng cảm, mà lại có thêm một nụ cười tủm tỉm. Khi anh bộ đội so sánh cơ thể nhỏ con của mình với thằng Tây hộ pháp, lại còn “chấp” nó ăn ngủ nhiều hơn mình, để rồi nó phải hàng mình sau cuộc chạy đua đường trường, thì tất cả những sự “tréo ngoe” trong cảnh tượng đó đã làm cho tiếng cười bật lên.

 Tài hài hước của Tú Mỡ thể hiện mọi lúc mọi nơi, nó giúp ông biến cuộc kháng chiến “Trường kỳ gian khổ” thành ra “ Nụ cười kháng chiến”.

 Nói đúng ra, khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Hồ Trọng Hiếu tức Tú Mỡ đã tự nghĩ rằng từ lúc này mình phải nghiêm túc, không thể trào phúng vui cười như hồi còn tham gia Tự lực Văn đoàn. Do vậy, ông quyết định bỏ bút hiệu “Tú Mỡ” mang tính vui đùa ( trái ngược với bậc tiền bối “Tú Xương”), để dùng một bút hiệu mới cực kỳ nghiêm túc là “Bút Chiến Đấu”. Nhưng rồi chính trong cuộc kháng chiến nghiêm túc đó, Tú Mỡ vẫn là Tú Mỡ khi ông tìm ra vô số trường hợp để tạo nên nụ cười qua các tác phẩm của mình.

Nụ cười của Tú Mỡ xuất phát từ những nét vui tươi lạc quan trong cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta, rồi tập trung vào những lời châm biếm nhẹ nhàng thâm thúy nhưng không bôi bác ác ý đối với quân địch. Với nội dung như vậy, “Nụ cười kháng chiến” đã trở thành một loại thơ trào phúng hoàn toàn độc đáo của Tú Mỡ./.

QUỐC LÊ

Các Bài viết khác