NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LÃNG DU KÝ- XỨ GÒ CÔNG

( 29-01-2015 - 04:08 PM ) - Lượt xem: 1146

Gò Công đã sinh ra hai hoàng hậu nổi tiếng triều Nguyễn là bà Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu. Gò Công trước là một huyện của tỉnh Định Tường, năm 1963 được tái lập thành tỉnh Gò Công, đến bây giờ là hai huyện thuộc tỉnh Tiền Giang (Gò Công Đông và Gò Công Tây).

Bài viết sau đây nhân dịp tôi đi du lịch bụi một vòng Mỏ Cày và Gò Công.

      1. NGƯỜI ĐẸP XỨ DỪA

Biết tôi đi Gò Công, cháu tôi, hiện được một công ty xây cất từ Sài Gòn cử xuống trông coi một công trình xây dựng tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, năn nỉ thế nào cậu cũng phải ghé chỗ cháu trước khi đi đâu thì đi. Tuy đi từ sáng, nhưng tính tôi hay cà rề nên mãi chiều mới tới. Đến nơi cháu tôi nói cậu tắm rửa, nằm nghỉ chút rồi lát nữa đi ăn cơm. Đến khoảng 6 giờ chiều thì hai cậu cháu lên xe hướng về thành phố Bến Tre. Qua cầu Mỏ Cày đến mũi tàu thì cháu tôi nói có hẹn một cô bạn đi cho vui. Khoảng năm phút sau thì cô bạn xuất hiện, chở theo một đứa em gái, cô này 17 tuổi, trông cũng xinh gái, làm tôi thắc mắc.

Hiện ở quê con gái hiếm lắm, sao cháu tôi kiếm ở đâu ra cũng là một điều lạ. Cháu tôi có khiếu tán gái, cái lối tán của nó không giống như những người khác tán gái bằng những câu nói hay trò hề "rẻ tiền" như coi bói (dỏm) để "dụ khị" phụ nữ, sau đó hay xổ OK hay Thank you với nhân viên phục vụ nhà hàng hay quán ăn để chứng tỏ mình là Việt kiều (để gây ấn tượng với người đẹp là ta có tiền), sau đó xin số điện thoại.

Đến thành phố Bến Tre, cháu tôi chọn nhà hàng có tên là Việt Nhật và ngồi ở trên lầu, vì mỗi bàn đều có vách ngăn riêng và rideau che chắn lối vào, không làm phiền đến bàn khác. Sau khi an vị, cháu tôi mới thú thật là cô bạn rất thích chụp hình và muốn nhân dịp này nhờ tôi chụp cho ít kiểu. Cô em cũng thích chụp hình nên cô chị cũng kéo đi luôn. Do đó tôi phải làm phó nhòm bất đắc dĩ.

Chụp ở nhà hàng ăn xong, ra quán café vườn chụp thêm ít kiểu, rồi mới ra về.

      Cô chị 24 tuổi, mới ly dị chồng vì chồng hay nhậu nhẹt, tối ngày chỉ thích đá gà, không lo làm ăn và hay đánh đập vợ con. Đây cũng là bản chất của một số thanh niên miền Tây, và cũng là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ bỏ đi lấy chồng nước ngoài.

Sáng hôm sau khoảng 6 giờ tôi sửa soạn đi Gò Công, cháu tôi lại mời tôi đi ăn sáng. Ngồi chừng 5 phút thì có một người đẹp khác tới ăn cùng (cháu tôi có hẹn trước). Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và điều bất ngờ lớn nhất là sao thằng cháu có tài...lục lọi hay quá mà giờ tôi mới phát hiện. Người đẹp này tôi không chụp vì quán đông khách và có nhiều con mắt nhòm ngó, không thích hợp để bấm máy.

   2. XỨ GÒ CÔNG.

Ăn xong, tôi lên đường đi Mỹ Tho rồi thẳng đến Gò Công. Nhiều người nói Gò Công có gì mà đi, nhưng với tôi thì khác.

Gò Công đã sinh ra hai hoàng hậu nổi tiếng triều Nguyễn là bà Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu. Gò Công trước là một huyện của tỉnh Định Tường, năm 1963 được tái lập thành tỉnh Gò Công, đến bây giờ là hai huyện thuộc tỉnh Tiền Giang (Gò Công Đông và Gò Công Tây).

Thị xã Gò Công ngoài diện tích cũ, còn được mở rộng thêm sau này, đường xá rộng rãi, thoáng mát (nhờ gần biển) và nhất là ít ồn ào vì tiếng xe cộ, rất thích hợp cho người cao tuổi cần sự yên tịnh.

Tôi có tấm ảnh chụp chợ thị xã Gò Công do nhiếp ảnh gia Huỳnh Phi Long, chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh huyện Gò Công tặng. Chợ này được xây năm 1916 và khánh thành tháng Giêng 1917. Tôi dùng photoshop làm sáng ra thì phát hiện nó được chụp từ thời Ngô Đình Diệm. Tôi mở trên mạng thấy chợ được xây đi xây lại nhiều lần và nhân dịp này tôi cũng chụp một vài kiểu làm kỷ niệm                                                        

Hỏi thăm đường đến lăng Trương Công Định. Vì là ngày thứ Bảy nhân viên trông coi lăng nghỉ nên không mở cửa cho khách viếng bên trong nhà thờ. Khách chỉ có thể quanh quẩn trong khuôn viên.

Tôi vào cổng rồi quẹo trái thì đến mộ. Tôi nghe nói Trương Công Định có hai đền thờ ở hai nơi khác nhau, do lúc bị giết thì thân một nơi, đầu một nơi, sau mới được gom lại về một chỗ.

Sau khi chụp vài tấm hình tôi ra ven thị xã đến lăng Phạm Đăng Hưng mà người dân địa phương gọi là Lăng Hoàng Gia. Thực ra đây là một khu mộ của giòng họ Phạm Đăng do triều đình Huế xây năm 1826. Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764, làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Ông chính là cha của hoàng thái hậu Từ Dũ, tức là ông ngoại của vua Tự Đức.

Vì là ngày thứ Bảy nhân viên coi lăng không làm việc nên khách không vào được.

Nơi đây nguyên là nơi ở của bà Từ Dũ đến năm 14 tuổi thì nhập cung tại triều đình Huế.

Tôi quay trở lại thị xã, bất ngờ gặp một căn nhà cổ, tôi bèn vào trong khuôn viên. Phía sau có văn phòng ban quản lý Hội Cây Cảnh và Nhiếp ảnh huyện. Ở đây tôi gặp nhiếp ảnh gia Huỳnh Phi Long chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Gò Công. Tôi được anh cung cấp một số thông tin về ngôi nhà cổ này.

Căn nhà này nằm ngay trung tâm thị xã do bà Trần Thị Sanh (Lê Thị Thưởng?) dựng năm 1860 hình chữ đinh, lợp lá. Bà kết duyên với Trương Định từ Quảng Ngãi vào, do hai người đều có tâm nguyện lo cho dân, cho nước. Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y, giao căn nhà lại cho con gái riêng là Dương Thị Hương và rể là tri huyện Trương Bình, nên nhà thường được gọi là nhà bà Huyện.

Khoảng 1880-1885, Huyện Ngươn (tức tri huyện Trương Bình) từ bỏ quan trường về trí sĩ và cho tôn tạo căn nhà này như hiện nay để dưỡng già. Khi ông bà qua đời con gái là Huỳnh Thị Điệu và chồng là Nguyễn Văn Hải, đốc phủ sứ thừa kế nên có tên là nhà Đốc phủ Hải. Cuối thế kỷ 19, Đốc phủ Hải sửa sang thêm và cho xây cất hai căn nhà vuông phía sau để người làm công ở. Đến khoảng 1910-1917 thì cho xây tường rào bao quanh khuôn viên và xây lẫm lúa lớn cũng ở phía sau.

Lại lên xe tôi đi bãi biển Vàm Láng. Ở đây rất khó chụp hình bãi biển vì là cảng cá nên các nhà che lấp gần hết và người khiêng cá tấp nập nên không chen chân vào được.

Trên đường quay về thị xã gò Công, chỗ có nhà cửa chỗ là đồng lúa. Tôi tình cờ thấy mấy người nông dân đang cấy lúa bằng máy. Máy do một người điều khiển và hai người theo sau hỗ trợ. Công cấy một mẫu là 2 triệu rưỡi. Nếu mướn người cấy thì mất 30 công tốn 3 triệu 6. Như vậy cấy máy thì rẻ được 1 triệu mốt.

Khi tôi ở bãi biển tôi gặp một người chở cậu mình từ Tân An xuống chụp hình có cho tôi biết là trên đường về Gò Công có đình Tân Đông cũng đáng chụp lắm. Do đó trên đường về tôi cố tìm ra cái đình này, hình như báo chí đã có nói tới. Đình nằm trên một cánh đồng trống, hoang tàn, sắp xụp đổ, trâu bò vào cả trong đình, kế bên là khu hội chợ dã chiến dành cho trẻ em như lô tô hay vòng ngựa quay (merry-go-round) vv... Đình xây kiểu cổ với kiến trúc và hoa văn cầu kỳ rất có giá trị về phương diện nghệ thuật và văn hoá. Thoạt trông thấy, tôi giật mình vì không tin vào mắt mình, tôi cứ tưởng mình đang đứng trước đền Bayon ở Campuchia.

Tại Bayon những cây cổ thụ lớn (chắc là cây si hay bồ đề)  cỡ một hay hai người ôm, cao cả chục mét ngồi chễm trệ trên nóc đền, thòng "chân" xuống đất tìm nhựa sống, làm đền nứt nẻ muốn sụm. Tuy ở đây cũng vậy, đình thì nhỏ, tường thì mỏng nhưng cây cũng thuộc loại dữ dằn không kém. Mặt trước hai cây, góc sau một cây ngự trên mái đình vươn cánh tay như loài bạch tuộc hút lấy xương máu của tường gạch làm nó bong tróc lở lói và cũng sắp đổ xụp.

 Ở Campuchia, người ta tìm cách tôn tạo lại mấy ngôi đền vì đó là những di tích văn hoá lớn người ta có thể kiếm ra tiền nhờ có khách du lịch trên khắp thế giới đổ về. Còn đình Tân Đông thì không, nó chỉ là một địa chỉ nhỏ, không đủ sức thu hút khách du lịch, nếu có tôn tạo thì chỉ có người nào am hiểu về văn hoá thì mới tìm đến, chứ ngoài ra sẽ chẳng có...ma nào tới thăm, nên đình bị bỏ mặc, dù rằng dân địa phương cũng muốn có nơi tươm tất để thờ cúng Thành Hoàng.

Người dân vẫn duy trì bàn thờ, vẫn bày bài vị và lấy tấm nhựa che nắng mưa phía trên. Ôi! số phận một cái đình. Nó cũng hẩm hiu như số phận một con người trong một xã hội chỉ lấy đồng tiền làm thước đo nhân cách. Nếu người ta không thấy cái lợi vật chất trước mắt thì những giá trị văn hoá nếu không đáp ứng được cái lòng tham của họ thì cũng bằng không.

Chẳng chóng thì chầy, đình sẽ chỉ còn là đống gạch vụn và sẽ không còn ai nhớ đến nó nữa.

Rời đình tôi lại lên xe về Sài Gòn, đi đường tắt, không qua Mỹ Tho, nên gần hơn được mấy chục km. Đường đang trải nhựa lại phẳng phiu nằm giữa cánh đồng, gió thổi vào người lồng lộng, phảng phất hương lúa vàng thơm ngát, tự nhiên thấy tâm hồn lâng lâng, chẳng bao lâu xe về đến nhà hồi nào không hay.

Thật là một chuyến đi đầy thú vị và học hỏi được nhiều điều.

2014, PHẠM VĂN HÀ

Các Bài viết khác