DÙ ĐI XA VẪN NHỚ THƯƠNG SÀI GÒN
( 01-12-2016 - 03:58 AM ) - Lượt xem: 747
một con đường nữa mà tôi chưa có dịp đi qua, được xem là con đường đẹp nhất Hà Nội, đó là con đường Cổ Ngư xưa bây giờ là đường Thanh Niên. Đường Cổ Ngư xưa mà thầy dạy học tôi thường nhắc đến khi di cư vào Nam với một nỗi niềm thương nhớ khi phải xa rời cố hương
Lần đầu tiên sau hơn nửa đời người tôi mới được ra thăm Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn vật của nước Việt yêu dấu. Trong 5 ngày cưỡi ngựa xem hoa, trước khi đến Hà Nội tôi đã đi Ninh Bình thăm Hoa Lư – kinh đô cũ của nước Đại Việt, được đi thăm các hang động của cố đô trên những chiếc thuyền du lịch chỉ chở được khoảng 5 người. Phong cảnh rộng thoáng, dòng sông nước êm trôi chui vào các hang động với những khối đá vôi đủ hình thù kỳ lạ thu hút rất nhiều du khách kể cả khách nước ngoài xuôi ngược vào ra các hang động. Hành trình tiếp theo là tham quan chùa Bái Đính với hàng trăm bậc thang lên xuống, nhưng cả đoàn cũng cố gắng đi gần hết kẻo ít có cơ hội quay lại. Nghe nói chùa Bái Đính bây giờ là mới xây dựng sau này, còn Bái Đính thời Lý – Trần nằm sâu vào phía trong xa lắm nên khách không có điều kiện tới. Kiến trúc xây dựng chùa rất hoành trang, nhìn xa xa thấy khá giống những ngôi chùa Trung Hoa hoặc Nhật Bản. Rồi tiếp tục đi cáp treo thăm Yên Tử, leo lên những bậc thang cao ngất đến một ngôi chùa không nhớ tên, trước đó đoàn có dừng chân một tháp nhỏ thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã từ bỏ ngai vàng lên đỉnh Yên Tử tu hành và sáng lập ra pháiTrúc Lâm – một nhánh Phật giáo ngay nơi ngài tu hành. Đoàn được giới thiệu hai cây đại cổ thụ trên 700 năm tuổi thời Trần, mọi người tranh thủ chụp ảnh lưu niệm và đi cáp treo xuống núi, còn đỉnh Yên Tử cao vời vợi chỉ có Phật hoàng Nhân Tông… mới đi tới. Rời Ninh Bình xe hướng Quảng Ninh thăm vịnh Hạ Long nhưng bị ách lại một ngày vì chờ cho cơn bão số 3 tan đi. Quả là kỳ quan thiên nhiên thế giới nhưng đoàn du lịch chỉ được tham quan Động Thiên Đường, các hang động khác không có trong chương trình nhưng như thế cũng là đủ mỏi nhừ đôi chân vì trong hang động phong cảnh quá kỳ vĩ nhưng dễ trơn ngã, đường lên xuống động hơi tối nên luôn cẩn thận bước. Hạ Long với nhiều khối đá vôi cao sừng sửng che chắn gió và sóng nên tàu đi rất thuận lợi không sợ gì cả, chỉ sợ bão thổi tới thì tàu du lịch không được phép ra khơi. Tôi có cảm giác đi các hòn ở Phú Quốc sợ sóng to gió lớn hơn ở Vịnh Hạ Long vì các hòn thấp hơn các hang động ở Hạ Long do độ cao sừng sững như một bức tường khổng lồ. Không cần nói du khách đổ về Hạ Long rất đông, kể cả khách nước ngoài dập dìu đem lại một nguồn thu đáng kể cho Quảng Ninh. Rời Quảng Ninh trên đường về Hà Nội ngang qua các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình tôi có cảm giác buồn vì đồng ruộng thưa thớt, đất đai không màu mỡ, nhà cửa còn cũ kỹ hai bên đường xe ngang qua, hay là vì tôi chưa thấy hết sự phát triển của miền Bắc sau ngày đất nước đổi mới? Hoặc là tôi đã quen cảnh đồng lúa, vườn cây ăn trái sum suê của miền Nam, hàng chuối, bóng dừa che mát khung cảnh tươi vui trên đường đi của những địa danh miền Nam tôi có dịp đi qua, những địa phương còn nghèo như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau trước đây nay đã từng ngày thay đổi, văn minh, hiện đại không kém Sài Gòn. Đoàn xe chở du khách về đến tỉnh Bắc Ninh tôi thấy một nhà máy lớn hiện đại của Samsung trên một diện tích rộng lớn chắc thu hút hàng ngàn nhân công làm việc thì đã sát nách Hà Nội với cầu Nhật Tân mới mẽ được xem là cây cầu dài nhất Việt Nam hiện nay, qua khỏi thì đã thấy thủ đô Hà Nội trong tầm mắt, tất nhiên là diện tích không hơn TP.Hồ Chí Minh nhưng được đầu tư xây dựng nhiều hơn các địa phương khác. Đi ngang qua một số đường giao nhau như ngã tư, xe cộ cũng nhiều nhưng không đến nổi kẹt xe bức bối như Sài Gòn vì dân số Sài Gòn đông hơn, dân nhập cư các nơi đổ về sinh sống làm ăn vì ai cũng nói đất Sài Gòn dễ sống. Chắc cũng đúng vì chỉ cần siêng năng, một người bán rong qua các đường phố cũng kiếm tiền hàng tháng gửi về quê phụ giúp gia đình dù ít ỏi. Tôi chưa nghe ai nói ra Bắc lập nghiệp mà ngược lại vô Nam kiếm việc làm, trừ một số quan chức phải ra Bắc công tác hoặc các nhà đầu tư dự án, tôi thiển nghĩ. Khách sạn nơi đoàn lưu trú ở phố Hàng Than, tối đến chúng tôi bàn nhau ra thăm hồ Hoàn Kiếm vì nghe nói khá gần khách sạn nhưng cuối cùng đành chịu vì mưa gió không sao đi đâu được phải chui vào phòng ngủ sớm. Sáng ra ngày cuối trước khi ra sân bay đoàn được hướng dẫn ra thăm lăng Bác, nhà sàn nơi Bác ở rồi đi vòng vèo đến chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám. Mỗi nơi không có thời gian đâu mà nhìn ngắm cho kỹ, chỉ tranh thủ chụp hình, tại chùa Một Cột tôi chỉ biết là sau này được xây dựng lại vì năm 1945 thực dân Pháp đã đốt trụi, nhìn chung quanh cũng không có gì đặc biệt, chỉ thấy hàng quán vây quanh khuôn viên chùa. Tôi chú ý trong Văn Miếu đằng sau có hồ Văn khá trong xanh sạch sẽ nhưng thời bao cấp bị bỏ mặc hoang phế rác rưởi, tôi không kịp quan sát các bia trên đầu rùa mà luôn bị hối thúc đi nhanh cho kịp giờ ra sân bay. Ối trời ra Hà Nội tôi chỉ mong được đi xem khu phố cổ bây giờ ra sao, nghe nói có nhà chỉ vài mét vuông mặt tiền nhưng cho thuê cũng lắm tiền mà dân phố cổ không chịu di dời, giải tỏa chẳng qua cũng vì cuộc sống. Tôi lại nghe ở Hà Nội đường gọi là phố khác với Sài Gòn, Hà Nội còn có ngõ rồi ngách nữa chứng tỏ đất chật người càng đông. Đọc Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài thì biết diện tích cũ của Hà Nội nhỏ lắm, lọt thỏm giữa Hà Đông, Bắc Ninh, đi hết một quảng là đã ra tới ngoại ô và giáp các tỉnh lân cận trái với Sài Gòn có diện tích lớn nhất nước. Nói đến phố cổ tôi mong được đến phố hàng Đào nơi có những người con gái đẹp nổi tiếng của một dòng họ kinh doanh vải lụa tơ tằm, được xếp vào hàng tư sản, nghe nói sau 1954 cũng đã lụi tàn. Và một con đường nữa mà tôi chưa có dịp đi qua, được xem là con đường đẹp nhất Hà Nội, đó là con đường Cổ Ngư xưa bây giờ là đường Thanh Niên. Đường Cổ Ngư xưa mà thầy dạy học tôi thường nhắc đến khi di cư vào Nam với một nỗi niềm thương nhớ khi phải xa rời cố hương… Ngoài ra tôi không cần nhìn ngắm những thứ xa hoa hiện đại mà Sài Gòn cũng có, nhất là tòa nhà cao tầng tai tiếng ở phố Lê Trực. Hà Nội cũng giống Sài Gòn là nhiều rác, khu vực phố Hàng Than dưới lòng lề đường cũng đầy rác, sáng ra gần khách sạn có một vỉa hè đang bày bán thịt heo mà không phải là khu vực mua bán, nhìn thấy phản cảm. Sài Gòn có những chợ chồm hổm đã thấy ô nhiễm bát nháo rồi, mà đây lại ở khu phố cổ người ta cũng buôn bán thoải mái. Xe đi qua con đường gốm sứ hoành tráng trước đây nay thấy nhếch nhác vì con đường không liền lạc, nhiều chỗ bị ngắt quảng có lẽ bị xâm lấn, uổng phí một công trình chào mừng 1.000 Thăng Long. Hà Nội thơ mộng với những con đường nhỏ, những hàng cây sấu, cây cơm nguội vàng, mùi hoa sữa, mái ngói thâm nâu trong nhạc Trịnh Công Sơn mãi mãi còn đẹp với tất cả người Hà Nội và của cả nước, trong đó có tôi mà tiếc chưa được thấy cảnh thật - người thật nơi đây và tôi lại mong ước một ngày trở lại với tâm trạng thư thái để còn nhìn ngắm, thiết tha với Hà Nội. Đến Hà Nội nhưng không được thưởng thức nhiều những món ăn Hà Nội, chỉ được ăn theo tour như bún chả và một số món ăn của vùng Tây Bắc, đặc biệt là dê núi Ninh Bình cũng khá ngon, măng chua, heo tộc. Món bún chả cũng giống món bún thịt nướng miền Nam, nhưng tôi thích sự phong phú của các loại rau gia vị, đậu phọng rang, mỡ hành, đồ chua , nước mắm chua ngọt và đặc biệt là có mít luộc xắt miếng trên tô bún với những miếng thịt nướng thơm lừng đủ màu sắc hấp dẫn. Còn món phở gia truyền của Hà Nội đúng chuẩn tôi cũng chưa được thưởng thức như phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn…; nghe nói phở Hà Nội không có giá, rau thơm và trên bàn luôn có lọ mì chính (bột ngọt) để khách nêm vào tô phở (cách ăn lạ với khẩu vị người Sài Gòn), bánh tôm Hồ Tây, bánh cuốn Thanh trì trứ danh Hà Nội tôi cũng chưa nếm qua, thôi đành tìm quán ăn Bắc ở Sài Gòn để ăn cho biết. Ở Hà Nội tôi nghe nói còn có một quán cà phê khá lâu đời, tuy nhỏ cũ kỹ (cà phê Lâm?) nhưng đã là nơi dừng chân của biết bao văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội thời trước và sau 1954(không biết có đúng?) cũng như Sài Gòn trước 75 có cà phê Givral là chỗ ngồi của những ký giả trong và ngoài nước bàn luận chuyện thời sự hàng ngày.
Hà Nội đã xa dần trong tầm mắt trên chuyến bay trở về Sài Gòn, em tôi nói ở thêm một ngày cũng không thích vì đã rã rời, mệt mỏi; đi chơi như thi chạy, mỗi điểm đến thì hối hả vội vàng, mắt cố nhìn cảnh vật đường xa, những bậc thang gập ghềnh phải vừa đi vừa quan sát, vấp chân ngã thì khốn khổ, còn tranh thủ hỏi chuyện hướng dẫn viên trên xe về mỗi điểm đến.
Sài Gòn đây rồi, xe trên đường về nhà vào buổi tối ánh đèn rực rỡ, tôi có cảm giác ai cũng có một nơi chốn trở về, dù có đi xa cũng thương nhớ mong ngóng ngày về và Sài Gòn mãi mãi là một miền đất dung thân của nhiều người nhập cư lầm lủi lao động tìm đất sống để tiếp sức cho con cháu tìm con chữ tri thức và những người trẻ hội nhập theo sự tiến triển không ngừng của thời đại. Sài Gòn còn là nơi gia đình tôi đã tìm lại được sau bao năm vất vả, đói khổ nơi miền quê nắng cháy và trong một chừng mực nào đó đây là miền đất ngọt ngào không phụ lòng biết bao phận người!
PHƯƠNG DUNG