NƯƠC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU-Chương 6, phần 5
( 21-06-2014 - 01:14 PM ) - Lượt xem: 1270
Khẩu hiện “Một người làm việc bằng hai” được treo trong Hội trường, nhưng trên công trường tôi chẳng thấy ai làm việc với năng suất gấp đôi định mức đã đề ra. Các phong trào thi đua chỉ được nói nhiều trong các cuộc họp Đảng và Đoàn, còn mọi người đến đây lao động chỉ là để kiếm sống, với mong ước cuộc đời sẽ được dễ chịu hơn.
5. Công trường Muối Đồ Sơn
Sáng sớm ngày 8 tháng 7 là thời điểm chúng tôi lên đường. Vào khoảng này năm ngoái, mạ Đồng đã khóc khi tiễn con đi bộ đội; giờ đây đến lượt bu Triệu, má tôi cùng những vị phụ huynh khác tiễn con đi công trường. Cuộc xuất quân của những người tình nguyện được tổ chức khá trang trọng ngay tại quảng trường Nhà hát Lớn với cả băng cờ khẩu hiệu, nhưng những người đưa tiễn tuy không khóc mà chẳng thấy ai vui. Khi những con chim non rời tổ ấm để bay vào cuộc đời đầy giông bão, thì cha mẹ nào lại chẳng buồn.
Đến giờ khởi hành, toàn thể học sinh tình nguyện đi công trường bước lên ô tô. Xe nổ máy và chuyển bánh, những người đi tiễn bước theo và vẫy tay đầy lưu luyến. Chiếc xe chở chúng tôi có đến hơn bốn chục chỗ ngồi, nhưng số học sinh đi công trường chỉ khoảng ba chục. Nhìn đi nhìn lại, lớp 10D chỉ có 3 mống là Tài, Triệu và tôi; 10A có Nguyễn Thị Hiền, Dùng Lầy Màn (gốc Hoa) và vài bạn khác. Số còn lại thuộc hai lớp 10B, 10C và thuộc trường Thái Phiên. Có hai nhân vật đặc biệt là hai anh em ruột Đoàn Điệp và Đoàn Điệt, học sinh tốt nghiệp lớp 10 khóa trước, vì là con gia đình tư sản (cựu chủ hãng nước mắm Vạn Vân) nên không được thi đại học, nay họ tình nguyện đi lao động cùng khóa chúng tôi, có lẽ để quyết tâm sửa đổi lý lịch cho tương lai. Tôi biết hai anh em ấy đẹp trai học giỏi, đã từng là Liên đội trưởng TNTP, chẳng biết họ đã là đoàn viên TNLĐ chưa mà còn phải phấn đấu qua lao động mới mong sửa đổi được thành phần giai cấp của mình. Vẫn không thấy Bùi Minh Thắng đâu, tôi quay sang hỏi Tài và được đáp rằng: “Chuồn mẹ nó rồi!”. Nếu đối chiếu danh sách đăng ký với danh sách đang ngồi trên ô tô thì thấy số người chuồn khỏi việc tình nguyện đi lao động là rất đông, nhưng tôi không ghét ai cả vì họ chưa bao giờ tỏ ra tiên tiến giác ngộ hơn người. Riêng trường hợp của Bùi Minh Thắng đã gây chấn động dư luận trong trường mà không được ai tha thứ. Luôn tự hào về lý lịch cộng sản nòi của mình, leo đến chức Phó Bí thư Đoàn trường để giáo dục mọi người theo lý tưởng của Đảng, xung phong gương mẫu ghi tên tình nguyện đi lao động cho mọi người noi theo, rồi đột nhiên lặng lẽ chuồn đi thi đại học, cậu ta đã hiện nguyên hình là một kẻ bịp bợm hoặc một tên cò mồi bị lộ tẩy trước mắt mọi người.
Tự hào vì mình đã vượt qua được những tính toán “ti tiện và hèn đớn” để lên đường đi lao động theo lời kêu gọi của Đảng, Triệu và tôi cùng hát một ca khúc Liên Xô đang thịnh hành và rất hợp thời:
Mặt trời còn lấp ló, chân theo chân lên đường
Người đoàn viên hăng hái tiến theo tiếng Đoàn gọi ta đi tới.
Hãy cất bước lên đường, lướt tới chốn biên cương
Chúng tôi cùng các anh ta cùng vui bước lên đường.
Đến đoạn kế tiếp, thêm hàng chục giọng hát hòa theo khiến cho không khí trong xe trở nên vui tươi rộn ràng:
Mẹ đừng buồn đừng khóc, nước mắt chớ rơi hoài
Miền đồng hoang con sẽ đắp xây, con mời mẹ ngày mai tới.
Hãy cất bước lên đường, lướt tới chốn biên cương
Chúng tôi cùng các anh ta cùng vui bước lên đường.
Hát bài này, chúng tôi cảm thấy chuyến đi của mình có ý nghĩa cao cả giống như việc các đoàn viên komsomol đi khai hoang nơi biên cương xa xôi để xây dựng CNCS ở Liên Bang Xô Viết.
Còn cách thị trấn nghỉ mát Đồ Sơn chưa đầy 1 km, ô tô rẽ phải chui qua một chiếc cổng gỗ mang tấm biển “Công trường xây dựng đồng Muối phơi nước Đồ Sơn” rồi dừng bánh, chúng tôi hiểu rằng mình đã đến đích. Tôi và Tài đeo ba lô lên vai, Triệu xách chiếc va ly da xinh xắn lần lượt xuống xe cùng các bạn khác. Không ai bảo ai mà hầu hết mọi người đều đi dép cao su, nam đội mũ lá còn nữ thì nón lá trông đã ra vẻ là dân lao động. Chúng tôi lục tục đi theo một cán bộ công trường đến một căn nhà lá rộng có treo quốc kỳ và ảnh Bác, ngồi vào những băng ghế dài bằng gỗ. Một vị cán bộ đại diện Ban Chỉ huy Công trường chào mừng các học sinh tình nguyện rồi giới thiệu về quy mô và hệ thống tổ chức của công trường. Nơi chúng tôi đang ngồi là một hội trường thuộc về khu vực Công trường bộ, bao gồm bộ phận hành chính và nhà ở của ban chỉ huy và cán bộ công nhân công trường; còn nơi mà chúng tôi sẽ lao động là cánh đồng muối đang được xây dựng nằm phía bên kia đường ô tô, kéo dài và trải rộng hàng chục hecta. Toàn công trường có hơn 500 công nhân, được chia thành nhiều đội, mỗi đội 20-30 người cùng ở một lán để cùng thực hiện một nhiệm vụ được giao. Giờ này toàn thể công nhân còn đang lao động tại hiện trường, chúng tôi chưa thể tiếp xúc với họ nên được mời đi tham quan toàn cảnh công trường. Dặn mọi người yên tâm để lại hành lý trong hội trường (chỉ cần mang tiền bạc theo người), ông cán bộ khóa cửa dẫn chúng tôi đi xem các phòng ban, nhà ăn, bệnh xá…Tại một phòng kỹ thuật của công trường, tôi bất ngờ gặp lại anh Mai Xuân Phú đang làm cán bộ tại đó; còn anh cũng ngạc nhiên khi biết tôi đến đây để tham gia lao động. Anh dặn tôi nếu có gặp khó khăn thì tìm gặp anh, rồi cho biết chị Hằng đã thi vào một trường trung cấp kế toán. Băng qua đường ô tô rồi vượt qua con đê biển ở một lối mòn cắt ngang thân đê, chúng tôi bước vào cánh đồng muối. Một con đường đất khá rộng chia đôi cánh đồng mênh mông bát ngát với những ô ruộng hình vuông loáng nước phản chiếu ánh mặt trời chói chang. Đi trên con đường này rồi rẽ sang những bờ ruộng nhỏ hẹp nhưng thẳng tắp, chúng tôi được ông cán bộ giải thích về tác dụng của từng ô ruộng trong quá trình làm nước biển kết tinh thành muối, chứng minh kỹ thuật làm muối phơi nước tiên tiến hơn kỹ thuật phơi cát…Nghe ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy thích thú vì biết thêm nhiều điều mới lạ, lại được hít thở không khí trong lành với những làn gió biển thổi mạnh xua tan cái nóng trưa hè khi mặt trời đã lên cao. Đi qua những nơi nam nữ công nhân đang làm việc, chúng tôi được họ đón tiếp bằng những nụ cười và những câu đùa tếu khá vui. Các nữ công nhân đã đội nón mà còn trùm khăn trên đầu và quấn khăn che kín mặt chỉ để hở 2 con mắt. Rất đông công nhân áo quần lấm láp tập trung đào đắp một con mương lớn rất dài băng ngang cánh đồng; rải rác trên các ô ruộng là từng nhóm công nhân làm những công việc khác nhau, có nơi dùng vồ đập đất, nơi lại kéo các trục đá để san phẳng mặt ruộng hoặc gánh đất đắp bờ…
Trở lại hội trường ở Công trường bộ, chúng tôi được phân chia về các đội để cùng ăn cùng ở cùng làm với công nhân. Các đội trưởng vừa kết thúc buổi làm sáng, còn mặc nguyên bộ quần áo lao động với hai ống quần xắn cao và đi chân đất, đến ngay hội trường để nhận thành viên mới về đội mình theo quyết định của ban chỉ huy công trường. 3 học sinh 10D chúng tôi được chia về 3 đội khác nhau: Triệu xách va ly, đội mũ và cầm theo một chiếc chiếu mới được phát đi theo một đội trưởng trẻ trung có tầm vóc cao to lực lưỡng được gọi là anh Truyện; Tài đeo ba lô, đội mũ và cầm chiếu đi theo một đội trưởng trung niên có tầm vóc trung bình là anh Hải; còn tôi cũng mang các thứ tương tự đi theo một đội trưởng trung niên người thấp lùn nhưng cơ bắp săn chắc là anh Duyên. Tôi được dẫn đến một chiếc lán lớn dựng bằng phên nứa lợp tranh, bên trong xếp thẳng tắp 2 dãy giường gỗ cá nhân, mỗi dãy 10 chiếc ngăn cách nhau bằng lối đi ở giữa. Một góc lán phía ngoài bên cửa ra vào là nơi để dụng cụ lao động: mai, cuốc ,xẻng, vồ, quang gánh…; góc phía trong lán lại có một bàn cờ chọc để công nhân giải trí khi rảnh rỗi. Anh Duyên giới thiệu tôi với các công nhân trong lán, họ không hoan hô nhưng bày tỏ những dấu hiệu thiện cảm. Anh giao cho tôi một chiếc giường trống chưa trải chiếu và chỉ cho tôi một cái hộc ở dưới giát giường có nắp và móc khóa để đựng mọi thứ đồ dùng cá nhân vào đó, xong rồi trải chiếu lên. Ngoài chiếc ba lô quần áo và dụng cụ đánh răng, tôi còn để trong hộc giường một chiếc vợt bóng bàn, chiếc “rút dép”, cây kèn harmonica, quyển sổ tay cùng cây bút “Trường sơn” dự định để ghi chép các tài liệu viết văn. Đúng lúc một hồi kẻng vang lên cùng với tiếng ai đó nói to: “Kẻng cơm!”, anh Duyên rủ tôi cùng mọi người trong lán ra nhà ăn tập thể để dùng bữa trưa. Cứ 5 người ngồi vào một mâm, có cơm độn ngô đủ cho mỗi người 3 bát sắt, đậu xào với chút ít thịt và lòng lợn, canh bí không có thịt nhưng có vẻ được nấu với xương. Công nhân được đảm bảo 2 bữa cơm trưa và tối, còn ăn sáng thì tự túc (nhiều người nhịn hẳn bữa này để tiết kiệm). Các anh ấy vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ và hỏi thăm tôi rất nhiều. Thế là tôi đã trở thành công nhân thuộc “đội Duyên” (người ta gọi tên đội bằng chính tên người đội trưởng) của công trường Muối Đồ Sơn.
Mỗi ngày lao động 8 giờ từ thứ hai đến thứ bảy, buổi sáng từ 6h30 đến 11h00, chiều từ 13h30 đến 17h00, chủ nhật được nghỉ - đó là thời khóa biểu làm việc của công trường. Tôi gia nhập đội Duyên đúng lúc đội này nhận nhiệm vụ rất nặng là đào đất đắp mương, nên đã gặp ngay một thử thách thực sự. Kể cả tôi, đội gồm 28 thành viên (20 nam, 8 nữ) thường đứng thành 4 dây chuyền chuyển đất. Những người lực lưỡng và khéo léo nhất dùng mai xắn từng tảng đất rất to và dài, người đứng cạnh đó phải vục tay xuống dưới nước bê tảng đất đó lên chuyển cho người đứng bên cạnh mình, từ đó cả dây chuyền chuyển động để người cuối cùng đặt nó đúng chỗ cần thiết để đắp bờ mương. Đội trưởng Duyên, anh Màu (một thanh niên nông thôn đã có vợ và một chiếc răng vàng), anh Vân (một chàng trai ngoại thành cũng có răng bịt vàng mà lại có cả hình trái tim màu xanh trong đó) và anh Ngọc (một chàng trai khá cao to nói năng nhỏ nhẹ đúng kiểu dân nội thành) luôn đảm trách việc dùng mai đào đất. Bê đất lên cũng là việc rất nặng nên mọi người thường phải thay nhau ở vị trí này. Thấy tôi gầy yếu và chưa quen lao động, các anh chị không mấy khi để tôi đứng đầu dây chuyền để phải bê đất, mà luôn ưu tiên cho đứng giữa hàng để chỉ chuyển đất thôi. Mà chuyển đất cũng không phải là việc nhẹ, nên chỉ qua một ngày làm việc, tôi đã thấy ê ẩm cả người và mêt bở hơi tai. Nhưng chuyển đất theo dây chuyền chưa đáng sợ bằng việc vác đất theo từng nhóm. Mỗi nhóm chỉ có 3-4 người; một người đào còn mấy người kia lần lượt nối tiếp nhau vác từng tảng đất, đi nhanh vài chục mét đến chỗ cần đắp để hất nó xuống đó, rồi quay lại nơi đào đất vác tảng tiếp theo, cứ như vậy cho đến hết buổi làm. Phải liên tục vác nặng đi chân không trên mặt đất lầy lội, thỉnh thoảng tôi lại bị trượt ngã đau đớn với quần áo mặt mũi dính bê bết đất (mọi người gọi đó là “vồ ếch”).
Nếu so sánh công việc ở công trường này với những đợt đi gặt mùa thời học sinh trước đây, thì những cuộc gặt hái ấy chỉ đáng gọi là trò chơi lao động. Trong các buổi làm việc cật lực ở đây, tôi mới phát hiện ra tác dụng thiết thực của ngọn cờ đỏ trên đê giống như trong thơ Tố Hữu. Ngay trên con đê biển, cạnh lối vào đồng muối có một cột cờ cao để làm hiệu lệnh cho toàn thể công trường. Trong giờ làm việc, một lá cờ đỏ được kéo lên tung bay phấp phới trên đỉnh cột. Đến giờ giải lao, cờ được kéo xuống báo hiệu cho công nhân nghỉ ngơi trong 15 phút, hết giờ nghỉ cờ lại tung bay cho đến khi hết giờ làm việc thì lại kéo xuống. Có lẽ tôi là người ngắm nhìn lá cờ nhiều nhất, để chờ lúc nó biến mất trên nền trời mà được tạm giải thoát khỏi gánh nặng ghê gớm của công việc. Một lần vào lúc giải lao buổi sáng, tôi vừa mệt vừa đói không hiểu mình có thể tiếp tục lao động được nữa không, thì Triệu xuất hiện bất ngờ dúi cho 2 chiếc bánh rán. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi ngấu nghiến ăn liền và nhờ đó có thể làm việc đến hết giờ. Cử chỉ thầm lặng nhưng chứa chan tình bạn ấy của Triệu khiến tôi ghi nhớ suốt đời. Từ hôm đó, trước khi ra công trường tôi phải mua một thứ gì đó để ăn sáng mà không dám nhịn như nhiều anh chị công nhân đã quen chịu đựng.
Chỉ sau mấy ngày lao động, tôi đã cảm thấy công việc ở đây quá sức mình, nếu cứ kéo dài như vậy thì chẳng bao lâu sau mình sẽ gục ngã. Vừa may là đã đến ngày chủ nhật để có thể xả hơi trở lại với nhịp điệu của cuộc sống bình thường. Ngay sau giờ làm việc chiều thứ bảy, một số công nhân đã “cắt cơm” (tức là đánh dấu “0” vào những bữa sẽ không ăn trong một “Bảng chấm cơm” đã được kẻ sẵn, để thông báo cho nhà bếp biết mà trừ tiêu chuẩn ăn các bữa đó của mình ra, rồi cuối tháng sẽ được lãnh bù bằng tem gạo) để về thăm gia đình. Sự háo hức tận hưởng hạnh phúc gia đình trong ngày nghỉ này được miêu tả bằng câu “ Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ”. Các công nhân còn ở lại tha hồ làm việc riêng hoặc rủ nhau đánh bài “tiến lên”, chơi cờ chọc hay đi đánh bóng bàn. Sau khi tắm giặt bằng vòi nước công cộng và phơi quần áo trên dây phơi công cộng, tôi nằm dài trên giường thổi harmonica rồi nói chuyện với người nằm giường bên là anh Ngọc. Được biết anh ấy đã học hết lớp 8, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bỏ học để đi lao động kiếm sống tại công trường này đã được 2 năm, tôi cảm thấy thân thiết với anh hơn. Chiều hôm đó, tôi đã có dịp trình diễn khả năng chơi bóng bàn của mình bằng chiến thắng trước Văn Bách, một tay vợt được coi là vô địch công trường và đang ở chung một đội lao động với tôi.
Sáng thứ hai, mọi người trong đội đã có mặt đông đủ, chúng tôi lại bỏ dép dưới gậm giường, xắn quần lên đi chân đất và vác dụng cụ tiến ra công trường để bắt đầu một tuần lao động mới. Chỉ sau hơn một tuần cùng sống và làm việc với các công nhân trong đội, tôi đã hiểu rõ hơn về các đồng đội ở đây và cảm thấy gần gũi với họ. Anh Duyên là chủ một gia đình nông dân một vợ ba con ở huyện Kiến Thụy. Rời làng quê ra đi kiếm sống, anh trở thành công nhân công trường đã hơn 3 năm và rất yên tâm với cuộc sống ở đây. Anh Màu, anh Vân, chị Thành, chị Khuyên và một số anh chị khác cũng xuất thân từ nông thôn như đội trưởng của họ, và họ cũng thỏa mãn với cuộc sống công trường. Ở đây, họ được lĩnh lương hàng tháng khoảng 30-35 đồng, được hưởng chế độ cung cấp lương thực 15 kg cùng 0,5 kg thịt và 0,3 kg đường mỗi tháng, được bảo đảm mỗi ngày 2 bữa cơm no mà chỉ phải trả 15đ một tháng tiền ăn, còn lại 15đ-20đ để chi tiêu hoặc gửi về cho gia đình. So với cách tính thu nhập theo công điểm mà không được hưởng chế độ cung cấp của nhà nước ở các hợp tác xã nông nghiệp, thì cuộc sống của công nhân công trường được coi là ấm no hơn. Nếu so với sự bươn chải của dân nghèo thành thị trên các hè phố Hải Phòng, thì cuộc sống lao động ở công trường tuy có vất vả nhưng cũng ổn định hơn, nên anh Ngọc, Văn Bách, Bá Đớ, Văn Xương và những anh chị khác xuất thân từ nội thành cũng yên tâm chấp nhận. Bên đội Truyện có một cậu nhỏ con tên là Nguyễn Đức Bút quê ở nông thôn, cũng đã học hết lớp 8 nhưng chẳng hiểu sao không tiếp tục học lên mà lại đến đây lao động và bây giờ trở nên thân thiết với Triệu; còn có một cô gái cao ráo xinh đẹp tên là Hồng Cẩn, nghe nói là con một ông đại tá mà không hiểu vì sao cũng trở thành công nhân công trường.
Mặc dù công trường cũng có Đảng ủy và Đoàn thanh niên như mọi cơ quan xí nghiệp khác để lãnh đạo công tác chính trị-tư tưởng cho mọi người, tôi cảm thấy công nhân ở đây không giống với những điều được viết trong sách giáo khoa lịch sử lớp 10, rằng giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ “tự phát” (tự mình) sang “tự giác” (cho mình) kể từ khi Đảng cộng sản ra đời. Tất cả các công nhân ở đây có vẻ không tự phát mà cũng chẳng tự giác; họ lao động chẳng phải vì cái lý tưởng nào, cũng không phải để thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên cái chủ nghĩa gì. Khẩu hiện “Một người làm việc bằng hai” được treo trong Hội trường, nhưng trên công trường tôi chẳng thấy ai làm việc với năng suất gấp đôi định mức đã đề ra. Các phong trào thi đua chỉ được nói nhiều trong các cuộc họp Đảng và Đoàn, còn mọi người đến đây lao động chỉ là để kiếm sống, với mong ước cuộc đời sẽ được dễ chịu hơn. Đội trưởng Duyên lao động rất giỏi khiến ai cũng kính phục, nhưng anh cũng luôn nhìn về lá cờ trên đê mà thầm mong đến giờ giải lao để được nghỉ tay hút điếu thuốc lào cho đã cơn thèm. Cứ sau buổi làm việc chiều thứ bảy là thấy anh vội vã “cạo râu, xâu dép” rồi “cắt cơm, bơm xe” phóng thẳng về với vợ con trên con đường dài 15km. Cho mãi đến sáng thứ hai mới thấy anh dắt xe vào lán, rồi lập tức cởi dép xắn quần vác mai xách điếu cày ra đồng cùng với anh em. Thấy anh vừa đào đất vừa lim dim mắt và thỉnh thoảng lại ngáp, chị Khuyên-“vệ sinh viên” (người giữ túi thuốc và bông băng của đội) trêu: “Đội trưởng ơi, đúng là ‘mắt thứ hai- tai thứ bảy’ rồi nhé!” (“tai thứ bảy” thường lắng nghe đài dự báo thời tiết và kẻng báo hết giờ làm để chuẩn bị về quê nơi vợ đang chờ, còn “mắt thứ hai” thường buồn ngủ vì đêm trước đã thức để tận hưởng hạnh phúc với vợ). Anh giật mình chống chế: “Tại phụ nữ các cô đấy!”. Trong khi lao động nặng nề, mọi người thường giải tỏa sự mệt mỏi bằng những chuyện tiếu lâm hay đối đáp trêu ghẹo nhau xoay quanh các bộ phận sinh dục và hành vi tính dục. Một anh đố:
Vừa bằng bàn tay
Thay lay những thịt
Thít lít những lông.
Đố là cái gì?
Các chị la lên: “Đồ quỷ!”; các anh thản nhiên: “Ai chả biết là cái đó, thế mà cũng đố!”. Nhưng người ra câu đố phán ngay: “Sai hết! Đó là cái tai con bò!”. Một anh khác đọc:
Hôm nay bắt gặp cô nàng đây
Anh vỗ cái này nảy rốn cô nàng lên.
Sướng sao sướng thế, cô nàng rên
Của không mất tiền mệt lử lư lừ lư!
Đố là cái gì?
Các chị khúc khích cười; các anh cười hô hố khen hay, ra điều biết đó là chuyện gì rồi. Nhưng người ra câu đố tuyên bố: “ Sai bét! Đó là chiếc điếu cày!”.
Hết chuyện tiếu lâm và những câu đố lạ, mọi người lại kể những chuyện dung tục cợt nhả khác mà chính họ tham gia. Văn Bách, Bá Đớ và Văn Xương là những nhân vật ngổ ngáo mà nếu gặp họ ở chợ hay bến ô tô nội thành thì người ta sẽ phải cảnh giác giữ chặt ví tiền. Chính 3 người này thường kể những chuyện như vậy. Văn Bách khoe rằng cậu ta đã thử được độ săn chắc hay mềm dẻo của nhiều chiếc vú phụ nữ trong công trường. Bá Đớ cho rằng như thế vẫn chưa tài, vì mình còn được xem chỗ kín của cái Hợi ở đội Truyện, rất ít lông mà có màu tím tái. Văn Xương không tin, hỏi: “Mày làm cách nào mà xem được?”; Bá Đớ đáp: “ Đổi lại, tao cho nó xem cái của tao!”. Văn Xương liền gọi Thành, một thanh nữ cao ráo khá xinh có nước da trắng trẻo dù luôn phải phơi mình dưới ánh nắng gay gắt: “Em ơi, anh muốn xem cái của em quá!”. Thành đáp: “Anh về nhà xem của vợ nhé, chứ của em thì phải bí mật!”. Chính tại nơi đây, tôi học được một câu thành ngữ hiện đại:
Vú công trường
Giường bệnh xá
Má văn công
Mông bộ đội.
Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều công nhân luôn dùng khẩu ngữ “địt mẹ” ( dưới đây sẽ viết tắt là ĐM) như một từ đệm ở đầu câu. Dạng đầy đủ của nó là “ĐM mày!”, một câu chửi cực kỳ tục tĩu để hạ nhục đối phương với hàm ý rằng tao đã (hoặc sẽ) giao cấu với mẹ mày. Nhưng khi đã quen miệng thì bất cứ lúc nào người ta cũng có thể “ĐM”, không nhất thiết để hạ nhục ai, cũng không cần hiểu rõ rằng đó là “ĐM” của ai. Lúc chơi bóng bàn với tôi, Văn Bách luôn “ĐM” mỗi khi tự đánh bóng hỏng hoặc không đỡ nổi một cú đánh của tôi.
Dù khó chịu với những ngôn ngữ thô tục cợt nhả và hành vi sàm sỡ như vậy, tôi vẫn thấy vui khi nghe những chuyện tiếu lâm hay đố mẹo khá tinh tế của những công nhân ấy, đồng thời cũng rất phục khả năng lao động dẻo dai của họ. Tôi nhận thấy công trường Muối Đồ Sơn này rất khác công trường Baiarơca ở nước Nga cách mạng trong tiểu thuyết của Ôxtơrốpxki; và nơi này không hề có một nhân vật nào khiến ta có thể liên tưởng đến hình bóng của Paven Korsaghin. Công trường của chúng tôi có vẻ hơi giống với công trường trong tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, nơi một nữ sinh mới vào đời đến đó lao động đã gặp nhiều gian truân, đến mức còn bị hiếp dâm. Thế nhưng mỗi khi cảm thấy bị kiệt sức sắp gục ngã đến nơi, tôi lại phải tự động viên mình cố gắng đứng vững bằng hình ảnh Paven trên công trường Baiarơca và thầm hát ca khúc quen thuộc:
Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên
Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn.
Ngực còn đập bao tiếng nhịp sống chung
Bền gan ta thề đi tới cùng…
LÊ VINH QUỐC