NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU - Thay lời kết
( 01-06-2022 - 12:05 PM ) - Lượt xem: 1480
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày…
Những lời hát và âm điệu da diết ấy trong ca khúc “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn làm day dứt mãi tâm trí tôi về ý nghĩa và giá trị của kiếp người trong khoảng trăm năm mà tạo hóa dành cho nó trong cõi vô thường. Tôi bỗng nhận ra rằng, cho dù chỉ mỏng manh như hạt bụi, mỗi kiếp người vẫn có một dấu ấn riêng biệt duy nhất một lần trong cõi đời mênh mông vô tận. Bởi thế, khi bước sang buổi xế chiều của đời người mà chờ ngày trở về với cát bụi, tôi viết quyển sách này để lưu lại dấu ấn của mình và những người cùng thời đại với mình.
Sách này kể chuyện đời tôi trong gia đình và họ hàng nơi tôi đã được sinh ra và trưởng thành, kể về bè bạn và những người thân có quan hệ mật thiết với tôi và gia đình, lại đề cập về đất nước nơi tất cả chúng tôi đã sống cùng những nhân vật nổi trội với các nhà lãnh đạo mà toàn dân phải chịu ảnh hưởng.
Mong muốn những gì được viết ra phải thật cụ thể và chính xác, tôi đã vận dụng triệt để trí nhớ của mình với sự trợ giúp của mấy cuốn nhật ký, kết hợp với những lời kể của cha mẹ tôi cùng các người thân trong gia đình, thêm những lời kể của bạn bè thân thích của tôi, những nguồn tra cứu trong thư viện và trên mạng internet.
Vì đời người không phát triển theo từng lĩnh vực khoa học hay thể loại văn chương, nên tôi chỉ kể lại những gì đã thực sự diễn ra trong đời theo đúng trình tự xuôi dòng thời gian qua nhận thức của chính mình. Bởi thế mà sách mang tựa đề Nước chảy dưới chân cầu-chuyện đời tôi và thời của chúng tôi.
Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nước ta sau khi Tổ quốc giành được độc lập dưới quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đúng vào thời gian mà cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe trên thế giới đang diễn ra vô cùng căng thẳng, trong đó đất nước tôi đã trở thành bãi chiến trường nóng bỏng suốt 30 năm ròng rã để dân tộc tôi phải đương đầu với các cường quốc hàng đầu là Pháp và Mỹ. Vì thế, toàn bộ thời thơ ấu và tuổi thanh xuân của tôi đã diễn ra trong bối cảnh đầy máu lửa của chiến tranh; nhờ đó mà mình có dịp chứng kiến đồng bào miền Bắc phải tản cư đi kháng chiến, lại phải sơ tán ra khỏi các đô thị để tránh bom đạn, rồi biết bao người lại phải di cư vào Nam để tìm cuộc sống tự do. Thế rồi khi chiến tranh kết thúc, tôi lại phải chứng kiến hàng triệu đồng bào mình ở miền Nam (và ở miền Bắc nữa) liều chết làm cuộc di tản vượt biển bỏ nước ra đi để tìm đường sống nơi đất khách quê người; trong khi những ai ở lại đất nước quê hương nghèo đói vẫn tiếp tục đổ xương máu trong cuộc chiến chống quân Tàu xâm lược. Mãi đến khi đất nước tiến hàng công cuộc “Đổi Mới” thì xã hội mới tạm bình yên để phát triển, nhưng vẫn thường xuyên phải đối phó với âm mưu và hành động xâm lược từ phương Bắc xuống.
Từ đó, một câu hỏi day dứt bật ra buộc tôi phải suốt đời đi tìm lời giải đáp: vì sao dân tộc Việt Nam luôn phải chịu những khổ nạn tai ương mà không được bình yên vươn dậy dưới ánh mặt trời? Kể lại câu chuyện cuộc đời mình, tôi muốn giãi bày những tâm tư của chính mình về lời giải cho câu hỏi ấy.
Tôi xin dành cuốn sách này để kính dâng hương hồn cha mẹ tôi, tặng vợ và các con tôi; đồng thời kính tặng bà con cô bác, anh chị em ruột thịt và họ hàng thân thích hai bên nội-ngoại của tôi; kính tặng các thầy cô giáo đã giảng dạy tôi tại các trường mà tôi theo học; thân tặng các bạn đồng học và đồng nghiệp, quý vị thân hữu tri kỷ cùng các thế hệ học trò đã chia sẻ với tôi mọi nỗi niềm của cuộc đời.
Và trên hết, tôi xin kính tặng sách này cho đồng bào Việt Nam ở miền Nam cũng như miền Bắc, ở trong nước cũng như nơi hải ngoại luôn có một lòng nồng nàn yêu nước, quý trọng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Rất mong nhận được sự đồng cảm chia sẻ cũng như sự phê phán nghiêm khắc của quý vị độc giả đối với những gì được kể trong sách này.
Trân trọng cảm ơn Má lúc sinh thời và các cậu các dì cùng anh chị em trong họ hàng thân tộc nhà mình đã cung cấp cho con những tư liệu quý để viết sách này.
Chân thành cảm ơn các bạn Phạm Thanh Lê, Phạm Lũng Hà, Nguyễn Đắc Đồng, Đỗ Bắc Giang, Bùi Trọng Tài, Trần Văn Nguyệt, Phạm Đình Thịnh, Phạm Thị Hiền và một số bạn cũ khác ở Trường Phổ thông cấp 2-3 Ngô Quyền (Hải Phòng); anh Trương Vũ Xương, các bạn Nguyễn Mạnh Tùng, Lại Bích Ngọc, Lê Kim Hải và một số bạn cũ khác ở Khoa Sử trường ĐHSP Hà Nội; các bạn Tưởng Phi Ngọ, Nguyễn Thị Kim Dung, Hồ Thanh Tâm và một số bạn khác ở Khoa Sử trường ĐHSP Tp.HCM; các bạn Phạm Thế Cường, Nguyễn Huy Thắng, Bùi Bích Ngọc và một số bạn khác ở Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng (Tp Hồ Chí Minh); TS Lê Thanh Hải ở Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, các bạn Trần Thị Lê Phan tức Tina Chen và Lê An tức Anale (ở Hoa Kỳ) cùng nhiều bạn khác đã cung cấp thông tin, nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ tôi hoàn thành cuốn sách này.
Trân trọng cảm ơn Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng đã tận tình giúp tôi in ấn và quảng bá sách này tới đông đảo quý vị độc giả.
Sài Gòn 2012-2022
LÊ VINH QUỐC