NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, TẬP 3, CHƯƠNG 15, Mục 3

( 16-03-2020 - 06:42 AM ) - Lượt xem: 806

Nhìn trước nhìn sau không thấy ai có vẻ là công an, tôi rút trong túi ra “cây” thuốc ngoại CravenA (do em Hùng gửi về) và đưa cho người bán thuốc lá xem. Anh ta ngắm nghía nó, hít thử mùi vị của nó qua bao giấy, rồi cho tôi một cái giá mua khá cao (gần gấp đôi giá một “tút” Điện Biên bao bạc bán ở chợ đen Hà Nội).

  1. 1.    Dân di cư ngày ấy, bây giờ…

 

 

Theo đường lối cách mạng triệt để của Đảng, sau ngày giải phóng miền Nam, chính quyền cách mạng đã đánh giai cấp tư sản những đòn chí tử  trong các chiến dịch tịch thu tài sản - hàng hóa và đổi tiền (từ 9-1975); khiến cho một số mặt hàng “chiến lược” như xăng dầu, bột ngọt (miền Bắc gọi là “mì chính”) và các nguyên vật liệu sản xuất trở nên khan hiếm với giá cả tăng vọt (so với trước 30-4).

Tuy nhiên, ngay trước mắt tôi, thị trường Sài Gòn lúc này vẫn rất thịnh vượng với bạt ngàn hàng hóa tiêu dùng cho khách hàng tha hồ lựa chọn mua sắm mà chẳng phải xếp hàng, cũng không cần xuất trình tem phiếu gì (như ở “thị trường XHCN” miền Bắc!). Chỉ riêng ngôi chợ nhỏ Thị Nghè ngay sát cạnh nhà tôi cũng đầy ắp hàng hóa, từ vải vóc áo quần đến đồ dùng và gạo ngon các loại; riêng về thực phẩm đã có hơn năm chục phản thịt hoạt động tấp nập cùng với hàng chục quán bán đậu phụ (dân Nam gọi là “đậu hũ”) chào mời khách suốt ngày; còn các loại thủy hải sản và rau củ quả (người Sài Gòn quen gọi là “đồ lêguym”) thì được bày bán ê hề. Trái cây miền Nam (với các loại đặc sản xoài, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, thanh long, chôm chôm, mãng cầu xiêm…) thật sự phong phú hơn nhiều so với hoa quả miền Bắc. Cùng với cá tôm cua ốc các loại; một loài hải sản đặc biệt là con “sò lông” (miền Bắc không hề có) được chất từng đống trên sân chợ mà bán với giá rất rẻ, để quý khách mua về, nướng trên lò than củi cho nó mở vỏ ra, vắt chanh vào mà ăn tái tuyệt ngon.

 Khó khăn duy nhất khi đi chợ lúc này là: cùng một lúc có đến mấy loại tiền được sử dụng song song: tiền mới của Chính phủ CMLTCHMNVN (thay cho tiền cũ của VNCH chính thức bị bãi bỏ), tiền Việt Nam DCCH từ miền Bắc mang vào (có giá trị bằng 85% tiền mới miền Nam) và những đồng bạc lẻ cũ của VNCH vẫn còn được tạm thời lưu hành. Vì thế, kẻ mua người bán luôn phải nhẩm tính chuyển đổi giá trị từ loại tiền nọ sang loại kia để tránh nhầm lẫn. Tuy vậy, chỉ ra chợ mấy phút, tôi đã mang về đủ các thực phẩm ngon lành để làm bữa cơm thịnh soạn mừng hai cha con họp mặt cùng bạn Phương đến chơi.

 Ngày hôm sau, Phương lại đến cùng chiếc xe máy cũ nhãn hiệu “Sachs” (made in Germany) để chở tôi đi thăm thú Sài Gòn, gặp gỡ người quen ở thành phố và giải quyết một số hàng hóa mà mình đã mang theo từ ngoài Bắc. Tôi mặc bộ “pha nylon” tốt nhất với dép rọ Trung Quốc để cùng đi với Phương mặc quân phục.

 Chỉ mới qua cầu Thị Nghè sang đường Hồng Thập Tự (đã mang tên mới là “Xô Viết Nghệ Tĩnh”) rồi “quẹo” phải theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi đã gõ cửa đúng nhà bà chị của thầy Kiệm để gửi bức thư của thầy. Nhìn thấy một anh Bắc Kỳ bên một anh bộ đội Bắc Việt, bà lịch sự mời chúng tôi vào nhà rồi mở 2 lon “CocaCola” ướp lạnh ra đãi khách (đây là lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức loại đồ uống nổi tiếng “Made In USA” này!). Đọc xong thư của thầy và biết tôi là học trò thân thiết của thầy, bà vui vẻ gọi cậu con trai pha ngay hai ly cà phê sữa đá mời chúng tôi. Trong không khí thân mật cởi mở, tôi kể cho bà nghe cuộc sống của thầy trò chúng tôi ở Hà Nội, và cũng nghe bà kể về mình cùng gia đình ở Sài Gòn sau khi di cư từ miền Bắc vào.

 Thì ra tên khai sinh của thầy Kiệm là “Nguyễn Văn Tiệm”, nhưng khi bà chị di cư vào Nam, thầy đã phải đổi tên thành “Kiệm”, có lẽ để che dấu mối quan hệ với bà chị ấy (nhưng vẫn không thành công). Còn bà chị vào Sài Gòn đã lấy chồng (là sĩ quan Quân lực VNCH, lúc này hình như đang bị bắt đi học tập cải tạo - tôi đoán thế) và có một cậu con trai đặt tên là Mộng Thế Thuận. Vốn là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, Thuận được các cán bộ Việt Cộng “nằm vùng” ở Thành Đoàn Sài Gòn móc nối tham gia các phong trào đấu tranh chống “Mỹ-Ngụy”, rồi tham gia các chiến dịch “đánh tư sản” và “đổi tiền”, nên giờ đây đã được thu nhận làm nhân viên chính quyền cách mạng ở Quận Nhất. “Các chú có cần mua bán gì ở Sài Gòn thì cứ cho biết, cháu nó sẽ giúp”- bà chị thầy Kiệm nói; rồi tiếp thêm: “các chú cứ gọi tôi là chị cho nó thân, cứ coi nhà tôi cũng như nhà chú Tiệm nhé!”. Tôi mừng rỡ khi nhận được tình cảm thân thiết ấy. Trước lúc chia tay, chị hẹn sẽ tổ chức một bữa tiệc họp mặt với các học trò cũ của “chú Tiệm cháu” hiện đã có mặt ở Sài Gòn.

Thế là tôi và Phương đã trở thành người thân của mẹ con bà chị thầy Kiệm.

 

Tiếp theo đó, Phương đưa tôi thẳng tiến đến đường Tự Do sang trọng (đã mang tên mới là “Đồng Khởi”) với Nhà hát Lớn bề thế (đã từng là Trụ sở Quốc hội VNCH) và các khách sạn danh tiếng như Caraven, Continental, Majestique… Nhưng tôi chỉ dừng chân ở một quầy bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai có vẻ là công an, tôi rút trong túi ra “cây” thuốc ngoại CravenA (do em Hùng gửi về) và đưa cho người bán thuốc lá xem. Anh ta ngắm nghía nó, hít thử mùi vị của nó qua bao giấy, rồi cho tôi một cái giá mua khá cao (gần gấp đôi giá một “tút” Điện Biên bao bạc bán ở chợ đen Hà Nội). Tôi gật đầu đồng ý; anh ta liền rút tiền ra trả đủ. Thế là tôi đã “đẩy” xong một món hàng nữa!

Để giải quyết nốt tấm vải “valize”, tôi được Phương đưa ra chợ Bến Thành danh tiếng lúc này vẫn còn treo tấm bảng quảng cáo “Kem đánh răng Hynos” với hình một anh Tây đen tươi cười khoe hàm răng trắng muốt. Nhưng chủ các sạp vải và quần áo trong chợ chỉ xem qua rồi trả lại nó cho tôi với một cái lắc đầu dứt khoát. Tôi hiểu rằng loại vải này chất lượng kém không thể tiêu thụ ở đây, mà nói chung hàng may mặc từ miền Bắc mang vào (kể cả hàng “ngoại nhập lậu”) không thể sánh được với các loại vải vóc áo quần ở Sài Gòn hiện tại cả về số lượng, chất lượng và kiểu dáng. Cất tấm vải “valize” vào túi, tôi lại lên xe cùng Phương thẳng tiến theo đại lộ Trần Hưng Đạo, qua cầu Chữ Y sang quận 8 để thăm người bà con của Phương ở đây.

 Thì ra hai anh em Triệu-Phương có một ông anh họ đã theo gia đình di cư vào Sài Gòn từ 1954. Có lẽ do làm ăn không thành đạt nên gia đình anh ấy phải sống trong căn nhà bình dân lợp mái tôn ở xóm nghèo thuộc quận ven đô thành này, để sinh sống bằng những vụ việc lặt vặt (dân Sài Gòn gọi là “chạy mánh”). Tuy vậy, nhà vẫn có tủ lạnh, TV và xe máy (dĩ nhiên toàn loại “đời cũ”). Anh bày tỏ tình cảm họ hàng thắm thiết với Phương khi ngồi trò chuyện cùng chúng tôi; rồi đãi chúng tôi một bữa cơm gia đình giản dị với món cá lóc kho, đậu hũ nhồi thịt chiên và canh bí nấu tôm khô. Trước lúc chia tay,  anh vui vẻ nhận mua giúp tôi gói thuốc lào Tiên Lãng (do Nguyệt biếu) với một giá rất “hời” để bán lại cho những người thích dùng nó.

 Bán xong số “hàng “ mang theo gộp vào số tiền sẵn có của mình, tôi quyết định tìm mua một chiếc xe máy để tiện dùng tại Sài Gòn. Nhờ sự giúp đỡ của Mộng Thế Thuận (cháu thầy Kiệm), tôi đã mua được ở chợ trời một chiếc Honda “dame”50 (Made in Japan) đã qua sử dụng nhưng vẫn còn rất tốt, với giá 950đ (tiền miền Nam). Thuận hướng dẫn tôi cách chạy xe (chủ yếu là cách đạp cần số: số 1- đạp lùi, số 2 và số 3 -  đạp tới); rồi còn giúp tôi hoàn thành thủ tục đăng ký để nhận được giấy chủ quyền xe mang tên chính mình. Khi ấy, các cây xăng của các hãng xăng dầu lớn của “tư sản nước ngoài” đều đã ngưng hoạt động, còn tiêu chuẩn xăng “quốc doanh” cung cấp cho cán bộ thì lại chưa có; nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng mua xăng và nhớt ở những “trạm” bán xăng nhỏ lẻ (được đong bằng lít đổ vào can) bên vỉa hè, mang về tự pha chế xăng trộn nhớt đổ vào xe. Với chiếc Honda này, tôi đã gia nhập dòng chảy giao thông  đường phố của dân Sài Gòn.

 

 Họ hàng bên ông bà ngoại tôi di cư vào Nam rất đông để trở thành “dân Bắc 54” sống tại Sài Gòn. Bác Phúc gái, con dâu trưởng của ông ngoại, tức chị dâu của má tôi (người mà tôi đã được gặp tại tòa nhà của hãng Đức Âm ở Hà Nội trước ngày bác xuông Hải Phòng để đi Nam), đã vào Sài Gòn cùng hai con đẻ là anh Bảo, chị Hồng. Sau 1975, anh Bảo và chị Hồng đã di tản ra nước ngoài, nên giờ đây bác vẫn sống ở Sài Gòn với với một người con nuôi là anh Ân. Bên nhà ông Tham Chữ, ngoài bác Viết (đã kể trên) còn có gia đình bác Phạm Lợi Lê hiện đang sống ở đường Lê Văn Duyệt (nay mới đổi tên thành “Cách mạng Tháng Tám”). Nhưng đông nhất là các con của ông Tham Cảnh: các cô Phùng Thị Hoài, Phùng Thị Hiếu, Phùng Thị Ngoan, Phùng Thị Yến, Phùng Thị Oanh đi theo chồng cùng các chú Phùng Quốc Thương (Thường) và Phùng Quốc Anh đưa vợ con đi Nam từ ngày ấy. Giờ đây chú Thường, chú Anh và các cô Hoài, Hiếu cùng toàn thể gia đình đã di tản ra nước ngoài từ trước ngày Việt Cộng giải phóng miền Nam; chỉ còn lại cô Ngoan, cô Yến và cô Oanh cùng gia đình vẫn sống ở Sài Gòn. Cô Yến có chồng là chú Hải chỉ làm nghề kinh doanh hàng hóa mà không tham gia hoạt động chính trị dưới chế độ cũ, nên cho đến nay vẫn được sống bình yên cùng hai con tại một căn phố lầu khang trang trên đường Vườn Chuối Quận 3. Cô Oanh có chồng là chú Quán (nên thường được gọi là cô Quán) và cả hai cô chú chỉ làm nghề dạy học dưới chế độ cũ, nên cho đến nay vẫn sống bình thường cùng các con tại một cư xá ở đô thành Sài Gòn. Còn cô Ngoan có chồng là chú Nguyễn Văn Thuyết, nên thường được gọi là cô Thuyết. Chú Thuyết là cựu trung tá Quân lực VNCH đang bị bắt đi cải tạo, nên giờ đây cô phải sống đơn chiếc cùng 2 con (một trai một gái) tại một biệt thự nhỏ ở đường Lê Văn Duyệt (với tên mới “Cách mạng tháng Tám”). Có điều đau xót là, từ khi chú bị bắt, cô không nhận được tin tức gì của chồng, nên không biết chú Thuyết hiện sống chết ra sao. Bởi thế, cô nhờ tôi tìm cách giúp cô liên lạc được với chú. “Chú ấy chỉ là ‘trung tá quân pháp’, chuyên xét xử các vụ phạm pháp trong Quân lực VNCH mà chưa hề đánh nhau với Việt Cộng, không có nợ máu với ai cả, nên chắc rằng không đến nỗi bị phía cách mạng giết!”- cô nói với tôi như vậy. Rất thương cảm hoàn cảnh của cô, tôi sẵn sàng tận tình giúp cô, nhưng chưa biết mình sẽ giúp bằng cách nào. Thế là tôi phải bàn việc với ba. Suy nghĩ một lúc, ba bảo: “Trong họ nhà mình có thiếu tướng Trần Văn Danh (bí danh “Ba Trần”) đã giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Ba sẽ tìm cách liên lạc với ông ấy để hỏi giúp cho cô Thuyết”. Tôi mừng rỡ tin rằng công việc sẽ thành công.

 Với tình nghĩa họ hàng, ba đã được tướng Ba Trần đón tiếp nồng hậu. Nhưng rồi thời gian trôi qua, ba chỉ có thể cho tôi biết rằng tướng Ba Trần là cháu gọi chú Trần Văn Luân bằng chú, tức là anh họ của Trần Văn Nhạc và Trần Văn Khải (người em họ đã từng là bạn đồng ngũ của tôi ở trường sĩ quan Vĩnh Yên); còn tin tức về chú Thuyết thì vẫn bặt vô âm tín. Là vị tướng tình báo lão luyện lại có chức vụ cao trong Đảng và nhà nước, ông Ba Trần chắc chắn biết hoặc có cách tìm hiểu số phận của cựu trung tá VNCH đó. Vậy thì vì sao ông không thể cho ba tôi biết tin tức về chú Thuyết? Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi suốt hàng chục năm trời, cho đến khi có thể tìm ra câu trả lời. Khi ấy tôi mới biết rằng: Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN đã chỉ thị cho tất cả các tướng lĩnh và sĩ quan phải báo cáo trung thực về các mối quan hệ gia đình và họ hàng của mình với các cựu quan chức và quân nhân VNCH, để Tổng cục có biện pháp xử trí thích đáng. Trong trường hợp ấy, tướng Ba Trần không thể tìm hiểu về số phận của viên cựu trung tá Thuyết nào đó, để tiết lộ với cấp trên về mối quan hệ của mình với “đối tượng” này sẽ gây phiền phức cho sự nghiệp của chính mình! Từ đó, tôi mới hiểu vì sao rất nhiều cán bộ cao cấp của Đảng ta vào giải phóng miền Nam đã không dám bảo lãnh cho con em ruột thịt của mình (là cựu sĩ quan hoặc quan chức VNCH) thoát cảnh tù tội trong các trại cải tạo. (Thế tức là “miền Nam nhận họ” không hữu hiệu bằng “miền Bắc nhận hàng”).

 

 Thất bại trong việc nhờ vả tướng Ba Trần, nhưng tôi bỗng nhiên lại nhen nhóm được niềm hy vọng trong một cuộc gặp gỡ khác. Rất bất ngờ, ngay trên đường phố Sài Gòn, tôi đã gặp lại cậu học trò cũ của mình ở trường PTC3 Việt Trì tên là Đỗ Hữu Nghi. Lúc này, Nghi đã trở thành một sĩ quan công an có nhiệm vụ quản giáo tại nhà tù nổi tiếng với tên gọi Khám Chí Hòa (nơi chính phủ VNCH từng giam giữ các “cán binh cộng sản” bị bắt, nay trở thành chỗ chính quyền cách mạng giam giữ các tù nhân đã phục vụ chế độ VNCH). Trong lúc thầy trò cũ vui mừng ôn lại những kỷ niệm xưa, tôi mạnh dạn nhờ Nghi tìm hiểu về số phận của cựu trung tá VNCH Nguyễn Văn Thuyết. Nghi hứa sẽ giúp tôi việc này và cho tôi địa chỉ để tôi tiếp tục liên lạc với cậu ấy. Nhưng rồi Nghi cũng chỉ có thể cho tôi biết rằng trung tá Thuyết không bị giam ở Khám Chí Hòa, có lẽ những sĩ quan VNCH cùng cỡ với ông ấy thuộc danh sách những người bị áp giải đi cải tạo tại các trại tập trung ở miền Bắc, nhưng không rõ là ở trại nào.

 Thông tin này không thể làm hài lòng cô Thuyết; nhưng cô cũng thông cảm với tôi vì biết tôi đã tận dụng hết cách để giúp cô rồi. Nhưng chắc chắn cô không thể “thông cảm” với chính quyền cách mạng do cách hành xử tàn nhẫn của họ đối với quân đội của bên bại trận đã hạ vũ khí đầu hàng. Rất nhiều năm sau, qua tác phẩm nổi tiếng “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, tôi mới biết rằng sau ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn đã có 443.360 cựu quân nhân VNCH (từ binh sĩ đến tướng lãnh) ra trình diện chính quyền cách mạng để dự các khóa học tập cải tạo (được thông báo là trong 3 ngày đối với hạ sĩ quan và binh sĩ, 10 ngày đối với sĩ quan cấp úy, một tháng đối với cấp tá và tướng lãnh). Nhưng trên thực tế, phần lớn các sĩ quan và tướng lãnh đã bị đưa vào các trại cải tạo ở miền Bắc như những tù nhân dài hạn nhiều năm (năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa tùy theo ý muốn của chính quyền) mà không hề được xử án. Một số ít trong đó được cho biết địa chỉ nơi cải tạo để gia đình có thể đến “thăm nuôi” nhằm trấn an dư luận. Nhưng đại đa số bị giam giữ bí mật khiến gia đình không thể biết tin tức về họ trong những năm dài đằng đẵng vô thời hạn; nhiều người đã bỏ mạng ngay trong trại (chắc rằng chú Thuyết và có lẽ cả bố của Mộng Thế Thuận đã rơi vào những trường hợp bi thảm đó).

Cách thức đối xử tàn nhẫn mà Bên Thắng Cuộc dành cho Bên Thua Cuộc như vậy đã khiến cho vết thương đẫm máu chia rẽ dân tộc từ cuộc chiến hai miền Nam-Bắc không sao hàn gắn được. Cùng với đó, cuộc cách mạng triệt để tiêu diệt CNTB để xây dựng CNXH bằng các chiến dịch “đánh tư sản”, tước đoạt tài sản hàng hóa của giới doanh nhân, đuổi họ ra khỏi các đô thị chạy về các khu “kinh tế mới” ở nông thôn rừng núi, đã khiến cho những ai từng sống dưới chế độ VNCH trở nên hoàn toàn tuyệt vọng mà nung nấu lòng thù hận chính quyền.

Giờ đây, các cựu công dân VNCH (trong đó có rất đông dân “Bắc 54”) phải tìm đủ mọi cách để thoát khỏi chế độ cộng sản. Bất chấp mọi hiểm nguy có thể mất hết sinh mạng và tài sản, họ đã vượt biên ra nước ngoài tìm tự do trong cuộc di tản khổng lồ mà bi thảm chưa từng thấy. Nếu cuộc di cư từ Bắc vào Nam lần trước được tiến hành công khai hợp pháp với gần một triệu người ra đi an toàn trong khoảng thời gian chưa tới một năm (7/1954 – 5/1955), thì cuộc di tản lần này diễn ra bí mật bất hợp pháp gồm nhiều triệu người nối tiếp nhau vượt biên bằng bất cứ phương tiện nào kiếm được trong suốt hàng chục năm trời kể từ nửa sau 1975; mà cái giá phải trả cho cuộc “tỵ nạn cộng sản” này là hàng vạn sinh mạng đắm chìm trên biển Đông hay gục chết đó đây ở những nơi hải ngoại.

 Bà con họ hàng bên ngoại nhà tôi (các gia đình bác Viết, bác Lê, cô Thuyết, cô Yến, cô Oanh…), vốn đã là “dân Bắc 54” di cư vào Sài Gòn, nay lại lần lượt bí mật lên đường di tản sang Mỹ, Pháp, Úc… Ba má và tôi không có dịp được đưa tiễn những người thân thiết ấy, và từ đấy về sau cũng không liên lạc với ai được nữa.

 

 

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác