NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU - Chương 15, Mục 4
( 19-04-2020 - 08:41 PM ) - Lượt xem: 951
Ngay trước ngày Sài Gòn sụp đổ (tháng 4-1975), chú Mười đã đến thăm cô Tư (ở 44 Hồng Thập Tự), trao tặng cô 1.000 dollars (đựng trong chiếc cặp samsonite) và chào từ biệt chị để ra đi. Không lực Hoa Kỳ đã đưa chú và toàn thể gia đình (gồm thím Mười Lê Thị Kim Phụng với 3 cô con gái Tuyết Mai, Tuyết Anh, Tuyết Dung và cậu con trai út là Lê Tùng Quang) di tản sang Mỹ
4. Họ Hàng bên nội
Cô Tư Lê Thị Kiều đã dành cho ba má và tôi một sự đón tiếp đầy tình cảm thắm thiết, mà không để ý tới cái nguồn gốc “cộng sản” của gia đình chúng tôi. Cô sống tại ngôi nhà ba tầng khang trang ở số 44 đường Hồng Thập Tự (sau đổi là Xô Viết Nghệ Tĩnh) cùng dượng Tư Nguyễn Tấn Hiển với hai người con gái nuôi là chị Huỳnh Thị Thuần (tên thường gọi là Bé) và chị Nguyễn Thị Kiều Vinh, lại thêm người giúp việc được gọi là bà Vú ở cùng bé Tý là con gái bà này. Vì không sinh được con, nên cô và dượng Tư phải nhận con nuôi, nhưng con cái trong nhà vẫn tràn đầy tình cảm thân thiết với cha mẹ nuôi của mình.
Thấy tôi có dáng vẻ gày gò ốm yếu, cô Tư ân cần hỏi thăm sức khỏe của cháu ra sao. Được biết tôi mắc di chứng đau dạ dày kinh niên (người miền Nam gọi là “đau bao tử”), cô quyết định mời một lương y quen biết có tài trị bệnh bằng cách châm cứu xông huyệt bằng ngải cứu để trị bệnh cho tôi. Thế là trong hơn một tuần lễ, mỗi ngày tôi đều đến nhà cô để được điều trị theo cách đó. Các thao tác của vị lương y khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu, nhưng không hiểu cái bao tử của mình đã được phục hồi hay chưa. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là thời gian điều trị này đã giúp tôi trở thành người thân trong gia đình cô Tư, hiểu rõ hơn cách sống và tâm tư tình cảm của những người ruột thịt trong cùng một mái nhà.
Cô Tư kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về đại gia đình của ông bà nội tôi và về gia đình riêng của cô và dượng.
Hồi cuối những năm 50, thực hiện chính sách Cải cách Điền Địa của Chính phủ Ngô Đình Diệm, ông nội Lê Văn Giải của tôi đã trao hết ruộng đất ở quê hương Mỏ Cày - Bến Tre ( khoảng 2.000 ha) cho nhà nước, để chính quyền chia nhỏ bán lại cho tá điền và nông dân địa phương, đồng thời trả tiền bồi thường cho điền chủ cũ. Kết thúc một sản nghiệp to lớn lâu đời ở quê hương bản quán, ông bà cùng gia đình lên Sài Gòn sinh sống tại tòa biệt thự sang trọng số 84 đường Hiền Vương thuộc Quận Nhất.
Vào năm 1963, bà nội Bùi Thị Nhuận qua đời, hưởng thọ 73 tuổi (từ 1890 đến 1963); rồi đến 1966 ông nội Lê Văn Giải cũng từ trần, hưởng thọ 81 tuổi (1885-1966). Mộ phần của hai ông bà được xây cất trang trọng bên nhau tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Quận Nhất.
Chắc rằng trước khi nhắm mắt, ông bà nội tôi vẫn khôn nguôi thương nhớ cậu Bảy tức ba tôi đã lưu lạc suốt mấy chục năm trời ở miền Bắc với biết bao biến chuyển của thời cuộc mà không được gặp lại. Ba tôi chỉ có thể đáp đền tình thương yêu của các bậc sinh thành bằng những nén nhang trước mộ ông bà.
Ít lâu sau, với tư cách là Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh (theo tên mới của Sài Gòn kể từ năm 1976), ba tôi đi ô tô về thăm quê cũ ở Đa Phước Hội, Mỏ Cày, Bến Tre. Khi ấy tại nơi đây, dinh cơ đồ sộ của ông Hội đồng Giải xưa đã biến mất, chỉ còn lại cái nền nhà cũ bỏ hoang bên bờ sông Mỏ Cày đã sạt lở rất nhiều với mấy ngôi mộ của những người thân trong gia đình trên mảnh vườn hoang kế cận. Bà con họ hàng cũng chẳng còn ai, ngoại trừ mấy người tá điền cũ của ông nội nay đã già mà vẫn nhận ra cậu Bảy Nguơn ngày ấy. Họ vui mừng đón tiếp cậu và hỏi: “Cậu Bảy có định nhận lại ruộng đất để tiếp tục canh tác?”. Ba tôi cười bảo họ: “Thời thế thay đổi rồi, tôi hổng nghĩ gì đến ruộng đất, chúc các bác làm ăn phát đạt!”. Các cựu tá điền này không có vẻ gì là “căm thù địa chủ” như Đảng ta đã khơi dậy trong cuộc CCRĐ ở miền Bắc trước đây. Trái lại, họ bày tỏ tình cảm thân thiết với gia đình ông Hội đồng xưa bằng nhiều quà tặng cho ba tôi, mà nổi bật là một mớ tôm càng xanh - một đặc sản của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, mỗi con to như tôm hùm nhưng lại sống trong nước ngọt. Gia đình chúng tôi lần đầu tiên được thưởng thức loài đặc sản này bằng cách nướng lên ăn với muối tiêu chanh - một món ngon tuyệt trần hiếm có gì sánh được.
Từ sự dưỡng dục của ông bà nội tôi, các cô chú trong gia đình ở Bến Tre rồi lên Sài Gòn đều thành đạt và có sự nghiệp vững chắc trong xã hội miền Nam đương thời, nên chắc rằng ông bà cũng hoàn toàn thanh thản khi từ biệt cõi đời.
Cô Hai Lê Thị Ẩn (sinh năm 1909) đã trở thành một nữ danh sĩ - giám đốc trường Nữ công danh tiếng Hưng Đông (từ 1936), sáng lập Hội Dục Anh, Phó Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự (1952), Trưởng đoàn đại biểu Phụ nữ Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế ở Manila (1953). Cô còn là nữ họa sĩ đầu tiên của Nam Kỳ với cuộc triển lãm tranh tại Nhà hát Tây (1938) và nhiều cuộc triển lãm khác ở nước ngoài (Trung Hoa, Pháp, Philippines, Brazil, Mỹ, Nhật). Cô Tư Lê Thị Kiều (sinh năm 1911) luôn là trợ thủ đắc lực của cô Hai trong các hoạt động xã hội trên, nên hai cô cùng được dân chúng gọi chung là “Hai bà Lê” để tỏ lòng tôn kính. Cô Hai cùng với dượng Đoàn Bá Lộc và con trai là Đoàn Bá Cang đã ra nước ngoài sinh sống ở Úc và Canada từ trước 1975. Trong khi đó, chú Ba Lê Văn Nhẫn và chú Năm Lê Văn Tài đều mất sớm tại quê nhà; còn cô Tư Kiều vẫn ở lại Sài Gòn cho đến cuối đời.
Cô Sáu Lê Thị Xuân (sinh năm 1915 - cùng năm sinh với cậu Bảy là ba tôi nhưng trước cậu ít ngày) kết hôn với Kỹ sư Trần Văn Bạch là Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chánh trong chính phủ VNCH thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Cô và dượng có ba người con là anh Trần Văn Tuệ, anh Trần Văn Viễn và chị Trần Thị Phương Lan; cả ba người đi du học và lập nghiệp ở Pháp. Dượng Sáu Trần Văn Bạch đã từ trần vào mùa xuân 1975 trước ngày Sài Gòn sụp đổ, để lại một di cảo là bộ Từ điển Giao thông Công chánh Việt-Anh-Pháp mới soạn xong (gồm hàng nghìn trang chia thành nhiều tập) mà chưa kịp xuất bản. Cô Sáu đưa toàn bộ bản thảo này cho ba tôi để gửi tặng chính quyền cách mạng. Ba tôi liền trao công trình văn hóa- khoa học đó cho bạn đồng nghiệp của ông là giáo sư Phạm Thiều - Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội (KHXH) Sài Gòn - với hy vọng giáo sư sẽ cho xuất bản để sử dụng thích đáng bộ Từ điển quý báu này. Tiếc rằng giáo sư Phạm Thiều đã bỏ quên nó trong kho lưu trữ của Thư viện KHXH; cho đến khi vì một lý do nào đó mà ông đã treo cổ tự tử, thì công trình nghiên cứu biên soạn công phu của dượng Sáu Trần Văn Bạch cũng bị lãng quên theo năm tháng.
Cô Tám Lê Thị Thuần (sinh năm 1919) và dượng Dương Văn Sa cùng hai con gái là Dương Thị Băng Tâm (sinh năm 1955) và Dương Thị Thu Nguyệt (1960) sinh sống tại Pháp từ lâu. Hai người con gái ông nội sinh sau cô Tám là Lê Thị Hương và Lê Thị Hoa để có thể gọi là cô Chín đều mất sớm ở Bến Tre nên không để lại dấu ấn nào trong gia đình.
Chú Mười Lê Văn Đồng (sinh năm 1921) đã có một sự nghiệp không ít thăng trầm ở Sài Gòn. Sau ngày chia tay với cậu Bảy (sẽ trở thành ba tôi) ở Hà Nội, chú lên tàu hỏa vào Nam sống cùng cha mẹ tại quê hương Bến Tre để tránh chiến tranh căng thẳng ở Bắc Kỳ, rồi qua Pháp để hoàn tất chương trình Cử nhân Luật khoa. Hòa bình lập lại với tình hình đất nước chia hai (1954), chú trở về miền Nam hoạt động trong chính phủ VNCH của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thế là chú Mười mặc nhiên trở thành đối thủ chính trị của ba tôi (đã phục vụ chính phủ Việt Nam DCCH của chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày Tuyên ngôn Độc lập cho đến suốt đời). Có quan hệ gần gũi với Cố vấn Ngô Đình Nhu (em ruột Tổng thống Diệm), chú trở thành một nhân vật quan trọng trong đảng “Cần lao-Nhân vị” do ông này sáng lập, và cũng từng làm Bộ trưởng trong chính phủ VNCH. Cuốn khảo luận “Chính đề Việt Nam”- nền tảng tư tưởng của chế độ chính trị VNCH thời ấy có lẽ do hai tác giả Lê Văn Đồng (với bút danh Tùng Phong) và Ngô Đình Nhu cùng soạn thảo.
Sau ngày chính quyền Diệm-Nhu bị lật đổ, chú Mười giữ chức thượng nghị sĩ trong Quốc hội VNCH thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và dường như cũng có quan hệ với tổ chức tình báo CIA của Hoa Kỳ.
Ngay trước ngày Sài Gòn sụp đổ (tháng 4-1975), chú Mười đã đến thăm cô Tư (ở 44 Hồng Thập Tự), trao tặng cô 1.000 dollars (đựng trong chiếc cặp samsonite) và chào từ biệt chị để ra đi. Không lực Hoa Kỳ đã đưa chú và toàn thể gia đình (gồm thím Mười Lê Thị Kim Phụng với 3 cô con gái Tuyết Mai, Tuyết Anh, Tuyết Dung và cậu con trai út là Lê Tùng Quang) di tản sang Mỹ. Chú Mười và cả gia đình đã định cư lâu dài ở Hoa Kỳ, nhưng gia đình chúng tôi không thể nối liên lạc được với chú, vì thư ba tôi gửi qua Mỹ không nhận được sự hồi âm của chú.
Em kế chú Mười là Lê Văn Quốc mất sớm không để lại con cháu và di sản gì.
Chú Lê Văn Cao (sinh năm 1926) là một bác sĩ nổi tiếng về chuyên ngành giải phẫu lồng ngực, được cộng đồng Y khoa quốc tế đánh giá rất cao qua những đoạn phim quay về nghệ thuật mổ tim của chú ở bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Do vậy, trước ngày Sài Gòn sụp đổ, chú thím Cao cùng toàn thể gia đình đã được người Mỹ đưa đi di tản sang Hoa Kỳ. Chú Cao và thím (nhũ danh Nguyễn Thị Túy Anh) với con trai Lê Cao Nhơn (sinh năm 1958) và con gái Lê Thị Bích Liên (sinh năm 1960) thường trú lâu dài tại thành phố Riverside thuộc tiểu bang California. Tại đây, chú tiếp tục hành nghề y khoa nhưng chuyển sang chuyên ngành bác sĩ tâm trí (theo bằng cấp mới của Hoa Kỳ). Thật may là gia đình chúng tôi đã nối lại được liên lạc với chú nên quan hệ họ hàng lại trở nên thắm thiết (dù chỉ là qua thư thừ và bưu phẩm). Gửi thư cho tôi, chú bảo tôi về thăm quê nhà ở Mỏ Cày (Bến Tre) để tìm hiểu ngành Y tế ở đây có gì thiếu thốn thì cho chú biết, chú sẽ gửi tiền và/hoặc trang thiết bị về giúp quê hương. Theo lời chú, lần đầu tiên tôi đã về thăm quê cha ở chính nơi tọa lạc dinh cơ của ông Hội đồng Giải xưa kia, gặp gỡ chính quyền xã Đa Phước Hội và huyện Mỏ Cày để tìm hiểu cặn kẽ tình hình y tế ở đây, chụp nhiều bức ảnh cần thiết, rồi gửi thư và ảnh sang Mỹ cho chú. Tiếc rằng không hiểu vì lý do gì mà sau đó chính quyền địa phương không nhận được những sự trợ giúp của chú từ Mỹ gửi về quê hương. Nhiều năm sau, em Lê Cao Nhơn về Sài Gòn thăm lại bà con thân thích. Gia đình chúng tôi (ba má và cả ba anh em Quốc-Hùng-Dũng) đã đón tiếp Nhơn hết sức chu đáo thân tình. Từ đó về sau, Nhơn về Việt Nam thường xuyên hơn và thắt chặt quan hệ tình cảm với gia đình chúng tôi. Qua đó, tôi nhận thức sâu sắc rằng chú Cao và toàn thể gia đình đặt tình cảm họ hàng gia tộc lên trên sự khác biệt về chính trị. Chắc chắn chú biết cả nhà tôi đã theo cộng sản, nhưng không để điều đó ảnh hưởng đến tình cảm họ hàng. Về phần mình, gia đình chúng tôi cũng chẳng kỳ thị gì với các cô chú đã từng phục vụ chế độ VNCH nay đã di tản sang Mỹ hay các nước “tư bản” khác, mà luôn quý trọng tình gia tộc với tất cả mọi người, kể cả chú Mười Lê Văn Đồng - người dường như không muốn quan hệ với gia đình “cộng sản” của chúng tôi.
Em kế chú Cao là cô Lê Thị Minh (sinh năm 1929) cũng sang Mỹ, lấy chồng người Mỹ là dượng Ewans nhưng không sinh con.
Cùng với cô Tư, cô Sáu có nhiều quan hệ với gia đình chúng tôi từ khi ba má và tôi vào Sài Gòn. Ngoài bộ Từ điển di cảo của dượng Sáu, cô còn trao lại cho chúng tôi cả tủ sách với nhiều sách quý do dượng để lại. Quan trọng hơn, cô giao cho tôi toàn bộ hồ sơ giấy tờ chủ quyền tòa biệt thự 84 đường Hiền Vương của ông nội, và cả giấy chủ quyền địa bạ của dãy phố lầu 5 căn liên kế 3 tầng của cô và dượng ở Gò Vấp, để nhờ tôi liên hệ với chính quyền thành phố, lúc này do ông Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và tướng Trần Văn Danh là một trong các Phó Chủ tịch.
Tôi đã đến thăm cả hai nơi này, tiếp xúc với những người chủ mới là một số quan chức có tầm cỡ trong chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (tên mới của Sài Gòn) và quận Gò Vấp. Được biết tôi là cháu ruột của chủ cũ và đang cầm trong tay hồ sơ giấy tờ chủ quyền nhà, họ cho phép tôi vào khảo sát tận bên trong các công trình kiến trúc này như là để tìm lại kỷ niệm xưa của gia đình. Nhưng khi tôi ngỏ lời xin chuộc lại các nhà ấy theo hồ sơ gốc, họ dứt khoát trả lời là “không thể được, vì đây là tài sản của các quan chức ngụy quyền Sài Gòn đã bị chính quyền cách mạng tịch thu để chuyển về tay nhân dân”.
Biết rằng đây là một nhiệm vụ khó lòng thực hiện, tôi đưa lại các bộ hồ sơ giấy tờ đó cho ba, để ba xin với anh Ba Trần xem có cách gì giải quyết được không. Ba tôi gạt đi: “Ba không quen xin xỏ ai con ạ, mà về nguyên tắc thì việc này không giải quyết được!”. Nhưng thấy tôi năn nỉ mãi, ba cũng kỳ công tìm gặp Phó Chủ tịch Trần Văn Danh để xin ông xem xét các hồ sơ này. Kết quả đúng như ba đã nói: không giải quyết được.
Cất các hồ sơ đó vào tủ, tôi ngại tìm gặp cô Sáu để báo cho cô cái tin không vui này. Nhưng rồi chính cô lại tìm gặp tôi để hỏi kết quả. Thế là tôi phải trình bày với cô toàn bộ quá trình giải quyết việc này của tôi với ba; đồng thời giải thích cặn kẽ lý do vì sao kết quả thất bại. Nghe xong, cô sa sầm nét mặt với sự thất vọng vô cùng sâu sắc. Nhận lại các hồ sơ, cô quay đi mà không nói gì với tôi nữa.
Kể từ đó, cô Sáu lạnh nhạt hẳn trong quan hệ với gia đình chúng tôi. Ít ngày sau, cô đến nhà chúng tôi đòi lại tủ sách cũ của dượng Bạch để giao nó lại cho chú Bảy Châu - em trai của dượng đang sống bằng nghề buôn bán nước giải khát ở đường Phan Đình Phùng (đã đổi tên thành Nguyễn Đình Chiểu) quận 3. Rồi cô lặng lẽ di tản sang Pháp sống cùng các con ở bên đó mà không trao đổi thư từ gì với ba tôi nữa. Có lần em Hùng tôi đi công tác ở Pháp đã vui mừng gặp được chị Phương Lan là con cô Sáu. Nhưng ngay cả chị ấy cũng tỏ ra rất lạnh nhạt với Hùng và không hề mời em tôi đến nhà chơi. Có lẽ mối ác cảm với cộng sản trong gia đình cô Sáu đã lấn át hết tình cảm họ hàng thân thích với gia đình chúng tôi.
Tổng cộng ông bà nội tôi có tất cả 13 người con, trong đó 5 người mất sớm ở quê nhà (các chú Lê Văn Nhẫn, Lê Văn Tài, Lê Văn Quốc và các cô Lê Thị Hương, Lê Thị Hoa); còn lại 8 người khác đều có gia đình và phát triển sự nghiệp lâu dài, trong đó 6 người sống ở nước ngoài, chỉ còn gia đình cô Tư Kiều với gia đình Bảy Nguơn tức ba tôi sống lâu dài tại Sài Gòn (đã mang tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong gia đình cô Tư, chị Thuần (tức Bé) cùng người bạn trai của chị đã di tản sang Tây Đức. Chị Kiều Vinh khi ấy đã kết hôn không chính thức với anh Lê Hựu Hà, một nhạc sĩ danh tiếng ở Sài Gòn từ thời VNCH và sinh được một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Lê Hựu Hưng vào năm 1976. Lê Hựu Hà (sinh năm 1946) hơn tôi một tuổi và là một người đàn ông đẹp trai, thân thiện đáng mến. Thường xuyên đến thăm mẹ con Kiều Vinh ở nhà cô Tư, Lê Hựu Hà cũng trở nên thân thiết với tôi. Anh tặng tôi nhiều băng nhạc là tác phẩm của mình và của các nhạc sĩ khác ở Sài Gòn cùng nhiều sách báo xuất bản ở Sài Gòn trước 1975. Do vậy, chính anh đã góp phần giúp tôi mở rộng kiến thức về âm nhạc và văn hóa của miền Nam thời VNCH. Rất tiếc là, do cái máu nghệ sĩ lãng tử không cho anh chung thủy lâu bền với chị Kiều Vinh, Lê Hựu Hà đã bỏ rơi chị để sánh duyên với nữ ca sĩ Nhã Phương. Từ đó tôi không còn gặp lại anh, mà chỉ thỉnh thoảng thấy anh xuất hiện trên TV trong các chương trình ca nhạc.
Trong số các con của ông nội tôi, Bảy Nguơn tức ba tôi có vị thế đặc biệt vì không phải do bà nội Bùi Thị Nhuận sinh ra, mà lại có mẹ đẻ là bà Huỳnh Thị Yên - người tình thầm kín của ông nội, nên ba tôi vô cùng yêu thương “bà nội nhỏ” thân sinh của mình. Ngay từ khi được chuyển công tác về Sài Gòn, ba tôi đã đi tìm mộ bà. May mắn làm sao, ba đã tìm ra người em gái cùng mẹ khác cha với mình là cô Nguyễn Thị Tiên (sinh năm 1924 - cùng tuổi với má tôi). Xét theo dòng dõi của bà nội nhỏ Huỳnh Thị Yên, cô Tiên gọi ba tôi là anh Hai còn ba tôi gọi cô là em Ba; vì thế anh em tôi đều gọi cô Tiên là cô Ba. Là một người phụ nữ đẹp kế thừa được dung nhan của mẹ, lại rất giỏi về nữ công gia chánh, cô kết hôn với dượng Ba là một kiến trúc sư từ thời Pháp thuộc cho đến thời VNCH và đã sinh hạ được một đàn con khá đông gồm 3 trai (Tuấn, Nhựt, Châu) và 3 gái (Ánh Nguyệt, Ánh Ngọc, Ánh Lan).
Gia đình cô và dượng Ba thường trú lâu đời tại một xóm nghèo trong hẻm gần chùa Long Vân Tự trên đường Bạch Đằng thuộc quận Bình Thạnh. Chính tại nơi đây đã tồn tại mộ phần cô đơn giản dị của bà nội nhỏ Huỳnh Thị Yên của tôi, luôn được gia đình cô Ba chăm lo hương khói. Nhờ đó, ba má và mấy anh em chúng tôi đã được thắp nhang để tưởng nhớ bà.
Sau ngày Sài Gòn sụp đổ và chính quyền cách mạng tiếp quản thành phố, gia đình cô Ba lâm vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Dượng Ba thất nghiệp không còn khả năng nuôi sống gia đình. Con trai lớn là Tuấn, một cựu thượng sĩ trong Quân lực VNCH cũ đi tập trung cải tạo ngắn ngày rồi trở về với hai bàn tay trắng, phải lấy nghề đạp xích lô làm kế sinh nhai. Cậu em kế là Nhựt cũng sắm một chiếc xe ba gác để chở hàng thuê. Còn cô Ba và hai người con gái lớn là Ánh Nguyệt và Ánh Ngọc phải hành nghề may vá quần áo thuê hoặc giúp việc gia đình. Chỉ có em trai nhỏ Châu và em gái Ánh Lan còn được tiếp tục học hành trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề.
Mặc dù gia cảnh như vậy, cô Ba vẫn trau chuốt ăn mặc trang điểm mỗi khi đến thăm gia đình chúng tôi ở 33 Nguyễn Hữu Thoại (Bình Thạnh) và dành cho ba má cùng chúng tôi những sự chăm sóc đầy tình cảm thân thiết. Gia đình chúng tôi cũng trao cho cô và dượng Ba cùng các em con của cô-dượng những tình cảm thân thiết như vậy, mà không hề có sự phân biệt nào giữa những người đã từng theo “quốc gia” VNCH với những người theo “cộng sàn” cũng như địa vị xã hội khác nhau của hai gia đình. Mỗi khi tiếp xúc với dân Bắc vào Sài Gòn sau 1975, dượng Ba thường nhắc nhở “không nói chuyện chính trị!” để đề phòng thói quen nhìn nhận con người theo nhãn quan chính trị của dân Bắc (do Đảng ta giáo dục) làm tổn thương đến quan hệ giữa con người với nhau. Nhưng khi giao tiếp với gia đình chúng tôi, dượng chỉ vui vẻ nói cười mà không hề nhắc đến cái câu cửa miệng đó của một cựu công dân VNCH.
Ít lâu sau, em Châu xin được việc làm trong cơ quan chính quyền quận Bình Thạnh, em Ánh Lan tốt nghiệp đại học và có tấm chồng xứng đáng là một bác sĩ ngành y học dân tộc quê ở Đồng Tháp. Còn hai người anh lớn là Tuấn và Nhựt đã vượt biên di tản sang Mỹ đều có gia đình và sự nghiệp vững chắc ở bên ấy.