NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU - Chương 15, Mục 2
( 25-01-2020 - 07:50 AM ) - Lượt xem: 864
Một sáng mùa xuân ấm áp trung tuần tháng 3-1976, chuyến hải hành đầy ấn tượng của tôi đã kết thúc tốt đẹp khi tàu thủy Thống Nhất cập bến Cảng Sài Gòn; bước qua cầu tàu để lần đầu tiên trong đời đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng bên bờ sông Sài Gòn, trong lòng rộn vang câu hát quen thuộc của Lưu Hữu Phước: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây!”.
- 1. Khi tàu thủy Thống Nhất cập bến Cảng Sài Gòn
21 kg gạo là một khoản lương thực không nhỏ theo tiêu chuẩn cung cấp lúc bấy giờ; nhưng mình sắp vào Nam thì không cần dùng đến nó, mà cần có thêm tiền chi cho chuyến đi sắp tới và cuộc sống tương lai. Nghĩ vậy, tôi liền dùng xe đạp chở bao gạo được quân đội cấp đến một chỗ thích hợp bên một đường phố quen thuộc, đặt nó xuống vỉa hè rồi đứng co ro trong tiết trời giá lạnh chờ bán cho người nào cần mua. Lát sau, một gã đàn ông có dáng vẻ “con phe” tiến đến và hất hàm hỏi tôi: “Bán gạo hả? Cho xem nào!”. Thay cho câu trả lời, tôi cởi sợi dây buộc miệng bao cho gã bốc ra một nắm gạo để xem xét. Gã tỏ ý hài lòng; thế là tôi với gã nhanh chóng thỏa thuận về trọng lượng và giá cả tương thích của bao gạo này: đúng 21kg không thêm không bớt, theo giá “chợ đen” 0,8đ/kg (cao gấp đôi so với giá cung cấp của mậu dịch là 0,4đ/kg). Không đòi cân lại xem có đúng không, cũng không kỳ kèo đòi bớt xén tiền trả, gã “con phe” nhanh chóng rút tiền trong túi ra đếm trao cho tôi đủ 16,80đ rồi buộc chặt miệng bao, vác nó lên vai và biến nhanh vào một ngõ hẻm.
Vụ “buôn bán chợ đen” đầu tiên của đời tôi đã thành công mỹ mãn: “tiền trao cháo múc” đầy đủ, lại không bị công an chặn bắt. Nhớ lại vụ má bị bắt vì bán hai gói mì chính do em Hùng gửi về, tôi cảm thấy mình đã gặp may.
“Thừa thắng xông lên” (như một lời kêu gọi quen thuộc của Đảng ta), tôi làm tiếp vụ thứ hai còn lớn hơn nữa: đem bán chiếc xe đạp “Sputnik” của mình. Tôi đã phân vân mãi mới quyết định tiến hành vụ này. Bởi vì xe cung cấp cho cán bộ để đi công tác, nên không được phép bán nó. Thêm nữa, chiếc xe này đã gắn bó với mình suốt 7 năm qua với biết bao kỷ niệm vui buồn về tình yêu và cuộc sống, nên tôi coi nó như bạn thân mà không nỡ rời xa. Nhưng nếu mang theo nó vào miền Nam, thì gặp nhiều khó khăn tốn kém cho việc chuyên chở; nên tốt nhất là bán nó lấy tiền rồi vào Nam mua xe khác (nghe nói trong đó có rất nhiều xe tốt giá rẻ được bán tự do, không phải bình bầu tiêu chuẩn gì hết!).
Thế là tôi lau xe sạch bóng, tra dầu cho xích líp của nó trơn tru, mang theo đầy đủ giấy tờ xe rồi lên xe đạp đến một “chợ trời” ở một góc khuất thuộc phố Đại Cồ Việt trên đê La Thành gần trường Đại học Bách Khoa cách không xa KTT Kim Liên. Chẳng biết chợ trời này hình thành từ bao giờ và hoạt động có hợp pháp hay không, nhưng nó cũng có khá đông kẻ mua người bán với khoảng một chục chiếc xe đạp đã qua sử dụng và dăm ba chiếc xe máy cũ. Tôi dắt xe đứng vào hàng cùng những người bán xe đạp khác. Sau vài vị khách đến xem qua chiếc xe của tôi rồi bỏ đi, một người đàn ông trung niên đến xem xét kỹ lưỡng, rồi hỏi tôi về thời gian sử dụng xe đã qua và giá bán nó. Tôi cho ông biết chính xác thời gian sử dụng, và nói bán theo giá chợ đen hiện hành mà mình đã biết: 900đ (tức là gần gấp 3 lần giá xe cung cấp theo tiêu chuẩn cán bộ mà mình đã mua từ 1969). Ông ta chỉ đúng vào cái vòng líp xe thầy Kiệm đã lắp bù vào xe tôi (khi tôi tặng thầy món “quà tết” năm ấy), để chê líp xe đã mòn hết cỡ và đòi bớt 100đ tiền phải trả. Tôi liền chỉ cho ông ta thấy còn 2 vòng líp kia của “đềroayơ” vẫn rất tốt, nên không thể bớt nhiều như thế được. Sau một hồi đôi co giữa người mua kẻ bán, hai bên ngã giá là 860đ.
Lập tức, hai chúng tôi kéo nhau đến một quán nước chè ở cạnh đó để làm thủ tục mua bán. Ông ấy trao đủ tiền cho tôi; và tôi trao xe (kèm theo chìa khóa xe) cùng “Giấy đăng ký xe đạp” (mang tên Lê Vinh Quốc với biển đăng ký “KZ384”) và “Bìa mua phụ tùng xe đạp” (của Lê Vinh Quốc) cho ông ấy. Thế là hoàn tất thủ tục; chiếc xe từ nay thuộc về chủ mới nhưng vẫn mang tên chủ cũ! Chưa bao giờ mình được cầm một khoản tiền lớn như số tiền bán xe này; nhưng tôi không vui, mà lại man mác buồn khi chứng kiến người mua xe leo lên chiếc xe vô cùng thân thiết của mình rồi chạy mất hút trong đám đông trên phố Đại Cồ Việt.
Bán xe xong trở về nhà, tôi mừng rỡ được đón má cũng vừa mới từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng đường bộ trên xe đò “Phi Long”, rồi đi xích lô về KTT Kim Liên quen thuộc. Thu xếp tạm ổn cuộc sống cùng ba ở Sài Gòn, lần này má về nhà để hoàn tất thủ tục chuyển cả gia đình vào trong đó. Mặc dù đường xá xa xôi cách trở lại đi có một mình, má vẫn cố mang về nhà một chiếc TV xách tay đã qua sử dụng nhãn hiệu “National” (nhưng chỉ xem được 2 buổi thì nó đã bị hỏng, phải mang đi chữa ở nhà một người thợ), một đèn nê ông dài 60cm (nhưng vừa lắp vào tường thì nó đã bị cháy đen vì không đúng điện áp), một chiếc khung xe đạp sản xuất ở Sài Gòn và một số quà để tặng bà con láng giềng cùng những người thân. Tôi trao lại cho má tấm vải và tút thuốc lá ngoại do em Hùng gửi về, nhưng má bảo con cứ giữ lấy để đem vào Sài Gòn mà dùng.
Trước ngày lên đường, tôi dùng xe đạp của má đi thăm những người thân để chào tạm biệt mọi người. Khi đến thăm Cậu Bính và gia đình, tôi rủ cậu xin chuyển công tác vào Sài Gòn để hưởng đời sống dễ chịu trong đó cùng gia đình chúng tôi. Nhưng cậu bảo cậu đã quá nặng tình với Hà Nội - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nên không thể rời xa thủ đô, hơn nữa cậu thích miền Bắc có khí hậu bốn mùa thay đổi hơn là miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng đơn điệu. (Cả dì Dung và dì Quỳ cũng cùng quan điểm với cậu Bính). Cậu bảo cậu muốn có một dàn máy nghe nhạc stereo “Made in Japan”, nếu cháu mua được trong đó rồi chuyển ra cho cậu thì cậu rất cảm ơn. Biết rằng đó là một việc không dễ thực hiện, tôi đáp rằng “cháu sẽ cố gắng tìm mua”.
Khi tôi gặp thầy Nguyễn Văn Kiệm để chào tạm biệt thầy cô cùng toàn thể gia đình, thầy chúc tôi thành công trong sự nghiệp ở miền Nam, rồi nhờ tôi chuyển giúp một bức thư cho bà chị gái của thầy đã di cư vào Nam từ 1954, nay đang ở Sài Gòn tại địa chỉ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Sở Thú và chợ Thị Nghè. (Thì ra bà chị “di cư” này là nguyên nhân chính khiến thầy không được vào Đảng). Rồi thầy khuyên tôi nên tìm mua bộ máy “photocopy” rất hữu ích cho việc biên soạn và in ấn tài liệu giáo trình. Tôi hứa sẽ trao bức thư tận tay bà chị gái của thầy, và sẽ cố gắng tìm mua máy photocopy (mặc dù tôi chưa hề biết cái máy ấy mặt mũi ra sao!).
Khi đến thăm bạn cũ Đỗ Bắc Giang ở căn phòng nhỏ trong KTT Đại Yên thuộc hãng Phim Truyện Việt Nam, tôi được cặp vợ chồng Bắc Giang-Thiên Đĩnh chiêu đãi một bữa bún chả Hà Nội ngon tuyệt trần kèm theo cả một can bia hơi túy lúy (khi ấy tôi mới biết tửu lượng của anh Đĩnh là siêu hạng). Tôi lại rủ hai bạn xin chuyển công tác vào Nam cùng với mình. Giang bảo “xin khó lắm, để từ từ rồi mình tính xem sao!”. (Chẳng hiểu Giang đã tính thế nào, nhưng 5 năm sau đó tôi sẽ được đón vợ chồng bạn ấy chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc).
Trở về nhà, tôi bắt đầu thu xếp hành lý. Trong chiếc ba lô quân dụng và chiếc túi du lịch xách tay, tôi mang theo những bộ quần áo “pha nylon” tốt nhất của mình, chiếc áo len mới cùng bộ quân phục, mấy thứ đồ quân dụng, 2 món quà do em Hùng gửi về và chiếc kèn harmonica thân thiết. Tôi cũng đóng gói cẩn thận để mang theo những cuốn sách chuyên môn cần thiết, các bài viết tay và đánh máy của mình, mấy cuốn giáo án do mình soạn giảng ở trường PTC3 Việt Trì cùng một xấp các bài thi môn sử (đã chấm điểm) của học sinh cũ ở trường ấy để làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy ở trường CĐSP Sài Gòn sắp tới.
Thế rồi tôi đi chào suốt lượt các hộ láng giềng ở cổng cầu thang thứ ba nhà C9, từ chú Dương, chú Huyến ở cạnh nhà mình, cho đến bác Thuần trên tầng 4 với em Thủy đã chia tay tôi bằng cặp mắt đầy lưu luyến. Nhưng tôi dừng lại lâu nhất tại nhà cô Lý-chú Toàn ở tầng 1 để ôn lại những kỷ niệm về công tác thiếu niên-nhi đồng mà hai cô cháu đã cùng nhau thực hiện. Gửi tặng bé gái Thanh Tâm một con búp bê nhựa (do má mang từ Sài Gòn ra), tôi nắm chặt tay cô Lý như không muốn rời xa. Trong giây phút chia tay ấy, cô cùng tôi đã dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước hẹn sẽ có ngày gặp lại (nhưng tiếc rằng mãi mãi về sau tôi sẽ không có dịp nào được gặp lại cô nữa).
Sau bữa cơm gia đình cuối cùng với má và em Dũng tại phòng 77 tầng 2 nhà C9 KTT Kim Liên đầy kỷ niệm của những năm qua, nghỉ trưa trong chốc lát, tôi đội mũ cối dắt chiếc xe đạp của má với đầy đủ hành lý xuống đường để đèo má ra ga Hàng Cỏ chờ chuyến tàu đi Hải Phòng sắp khởi hành. Trước đó em Dũng đã nói “má cứ ở nhà cho khỏe, để con đi tiễn anh Quốc cũng được”; nhưng má bảo “cứ để má đi” mà không giải thích gì thêm. Nhưng tôi hiểu ý má: con trai má đi xa, thì má phải tiễn cho đến khi nó bước chân lên tàu xe thì mình mới yên tâm. Tôi còn nhớ như in những lần đưa tiễn ấy, nhất là cái đêm má tiễn tôi lên tàu ở ga Hải Phòng để đi Hà Nội học ĐHSP cách nay đã mười năm có lẻ. Giờ đây má lại cùng tôi mua vé vào thẳng sân ga Hà Nội, xách hành lý lên tận chỗ ngồi trong toa, ghi cho tôi địa chỉ mới của ba ở Sài Gòn, chờ đến khi tàu sắp chuyển bánh mới xuống sân ga đứng vẫy tay nhìn theo tôi mãi (rồi sẽ ra khỏi ga, lấy xe và đạp về nhà). Thế đấy, cứ mỗi chuyến đi xa của mình, tôi đều được mang theo món quà quý vô ngần là tình mẹ dành cho con.
Chuyến tàu khách Hà Nội-Hải Phòng quá quen thuộc đối với tôi, nên tàu chạy đến đâu tôi cũng nhớ lại những kỷ niệm xưa đến đấy. Khi tàu chạy qua các cầu Long Biên, Lai Vu và Phú Lương từng bị trúng bom gãy đổ trong chiến tranh, tôi vui mừng nhận thấy chúng hầu như đã được khôi phục hoàn toàn. Nước vẫn chảy dưới chân cầu êm đềm như từ ngàn xưa chưa hề trải qua một cơn sóng gió. Và đây, Hải Phòng xinh xắn mến yêu của tôi đã hiện lên dưới ánh nắng chiều xuân đầy cảm xúc. Với hành lý khệ nệ tay xách nách mang, tôi ra khỏi nhà ga và thuê xích lô chạy thẳng đến địa chỉ thân thuộc của mình: số 299 Tô Hiệu thuộc khu Ngô Quyền - nhà bạn cũ Trần Trọng Triệu.
Triệu reo lên mừng rỡ khi thấy tôi xuất hiện ở cửa; rồi vội vã giúp tôi xách hành lý vào nhà. Mọi thứ vật dụng và tiện nghi trong nhà Triệu vẫn y nguyên như hồi hai chúng tôi cùng học ở trường Ngô Quyền rồi cùng “tình nguyện” đi lao động ở Công trường Muối; chỉ mới có thêm một bộ bàn ghế gỗ nhỏ xinh xắn đặt trước chiếc tủ gương tại khoảng trống giữa 2 chiếc giường đôi, để dùng làm chỗ ngồi ăn cơm hay uống nước.
Với tư thế như của một người thân mới đi xa trở về, tôi cởi mũ và áo khoác ngoài rồi ra sân múc nước từ cái chum đổ vào cái chậu sành (đã có ở đây từ thuở nào chẳng biết) để rửa mặt mũi chân tay, rồi quay vào trò chuyện với Triệu và bu cùng với cô The (cô đã lớn tuổi mà không có chồng nên vẫn ở cùng bà chị là bu Triệu từ hồi đó đến giờ). Tôi trao tặng bu Triệu mấy món quà nhỏ do má gửi biếu. Rồi tôi gửi tặng Triệu 8 bức ảnh chụp mình cùng hai anh em Triệu-Phương ở KTT Kim Liên, ở công viên Thống Nhất và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (trong dịp Triệu và Phương lên Hà Nội hồi 1974 đến thăm tôi tại nhà). Hồi ấy, sau khi chụp bằng máy ảnh “Smena” tôi chưa kịp rửa phim ngay, nên mãi đến nay mới có thể tặng ảnh cho bạn. Triệu mừng rỡ đeo kính vào ngắm ảnh, và cất chúng vào album làm kỷ niệm. Rồi cậu ấy phóng xe đi gọi Trần Văn Nguyệt để giải quyết vé tàu thủy “Thống Nhất” cho tôi.
Nguyệt đến dẫn theo Thảo, cô bạn học đã trở thành vợ cậu ấy từ đám cưới cách nay hai năm để giới thiệu với tôi; rồi bảo: “Cậu đưa hết các giấy tờ cần thiết đây, để mai mình sẽ đi lấy vé!”. Tôi hỏi giá vé bao nhiêu; Nguyệt đáp: “ chính thức là 61đ, nhưng cán bộ đi công tác được giảm nhiều, chỉ còn 32đ một vé!”. Thế là tôi đưa cho Nguyệt mọi giấy tờ “cán bộ” của mình cùng 32đ cho Nguyệt để yên tâm chờ nhận vé tàu.
Tàu thủy “Thống Nhất” là tàu chở khách rất lớn và vô cùng sang trọng, do Đảng và Nhà nước mới mua lại của Vương quốc Na Uy để phục vụ cho công cuộc thống nhất đất nước đã và đang diễn ra. Tàu này thuộc biên chế Công ty Tàu Biển Việt Nam (VOSCO) mới được thành lập nên rất khó mua vé. Nhưng Nguyệt là cán bộ Sở Tài chính Hải Phòng, nên quen biết nhiều cán bộ và nhân viên VOSCO, vì thế có thể dễ dàng mua vé giúp tôi, mà còn được chọn chỗ tốt trên tàu cho vé của mình nữa.
Tối hôm ấy, sau hàng chục năm chia tay mỗi người một ngả, bộ ba Nguyệt-Triệu-Quốc lại được sum họp cùng nhau trong bữa cơm gia đình đầm ấm và ngon miệng do bu Triệu và cô The nấu với sự trợ giúp của Thảo vợ Nguyệt. Đêm, vợ chồng Nguyệt ra về, tôi lại được cùng ngủ với Triệu trên chiếc giường đôi quen thuộc để có thể tâm sự với nhau đủ mọi chuyện trên đời, như hồi hai đứa mới từ biệt tuổi học sinh để chập chững vào đời.
Hôm sau, Nguyệt sớm mang vé đến cho tôi. Kèm theo đó, cậu ấy biếu tôi 1kg thuốc lào Tiên Lãng “chính hiệu”, dặn tôi tìm đến những người Bắc di cư ở Sài Gòn để bán cho họ mà lấy tiền tiêu. “Đắt hàng lắm đấy, cậu phải khảo giá cẩn thận để không bị hớ!”- Nguyệt nhấn mạnh. Triệu xem kỹ thời gian tàu đi và đến in trên vé của tôi, rồi đạp xe ra Bưu điện Thành phố gọi điện cho em trai Trần Trọng Phương (đang đóng quân tại Sài Gòn), dặn em chuẩn bị đón anh Quốc ở bến Cảng Sài Gòn.
Thế rồi hai bạn lại cùng nhau đưa tôi về thăm lại những cảnh cũ chốn xưa đầy kỷ niệm ở thành phố thân yêu, để từ biệt chúng trước lúc ra đi. Tại nhà cũ 27 Hồ Xuân Hương, tôi đau xót nhận thấy cây nhãn cổ thụ đã biến mất cùng chiếc hầm trú ẩn bị san bằng để thay vào đó là một ngôi nhà mới mọc lên trong khuôn viên nhà cũ. Nhìn sang tòa nhà Misô bên kia đường, phòng ở cũ trên gác của gia đình Thanh Tâm cửa đóng then cài cho tôi biết rằng mọi người đã chuyển đi xa, chỉ để lại cho tôi những hình ảnh và cảm xúc tuyệt vời của em trong ký ức. Nhưng dưới mái hiên tòa nhà bề thế ấy, bà Trẻ (nay đã rất già) vẫn điềm nhiên ngồi bán hàng sau hai cái mẹt quen thuộc của bà, dường như thời gian và lịch sử vẫn không hề trôi quanh mình. Bà vui vẻ trò chuyện với tôi; còn tôi gửi lời chào tạm biệt và chúc bà sống lâu trăm tuổi.
Buổi sáng ngày khởi hành, sau bữa điểm tâm cho cả nhà, tôi chào tạm biệt bu Triệu và cô The, rồi cùng với Triệu và Nguyệt lên xe đạp đi đến cảng Chùa Vẽ, nơi tàu thủy Thống Nhất đậu để đón khách. Con tàu bề thế trắng toát với ba tầng phòng khách đồ sộ (không kể tầng hầm chứa ô tô) gây cho tôi một ấn tượng không thể nào quên. Ngay tại cầu tàu, Nguyệt giới thiệu với tôi một người quen: cô Thành - nhân viên phục vụ trên tàu sẽ giúp đỡ tôi trên suốt chuyến hải hành này. Tôi quay lại ôm hôn tạm biệt Triệu và Nguyệt, rồi mang xách hành lý đi theo cô Thành, trình vé ở cửa và bước vào tàu. Thành mang đỡ tôi một bọc hành lý và tận tình dẫn tôi đến căn phòng dành cho mình ở tầng thấp nhất cuối tàu (nơi tốt nhất để tránh bị say sóng, do Nguyệt đã chọn cho tôi). Ổn định chỗ ở với giường đệm trải drap trắng muốt (lần đầu tiên trong đời tôi được dùng chiếc giường như vậy) và cho hành lý vào các ngăn tủ gọn gàng, tôi lại trèo lên boong tàu để ngắm cảnh biển lúc tàu ra khơi.
Đứng trên boong cùng số đông hành khách hưởng gió xuân lồng lộng cùng tiếng máy nổ đều đều, thấy Triệu và Nguyệt vẫn còn đứng trên cầu tàu, tôi liền giơ tay vẫy; lập tức hai bạn nhận ra tôi nên cùng vẫy tay tạm biệt thằng bạn trên tàu. Tàu từ từ dời bến ra khơi, tôi vẫn nhìn theo hai bạn trên bờ cùng toàn cảnh thành phố Hải Phòng trải rộng rồi nhỏ dần và lẩn khuất phía chân trời.
Biển khơi mênh mông vô cùng vô tận nổi sóng nhấp nhô; tôi bắt đầu cảm nhận sự chòng chành của con tàu khiến mình nôn nao chóng mặt. Dường như mình sắp bị say sóng, tôi vội vàng theo chân nhiều người khác chạy xuống khoang hành khách, tìm đến phòng mình và nằm bẹp trên giường. Kể từ đó cho đến suốt cuộc hải hành kéo dài 5 ngày 4 đêm, tôi phải gắn chặt mình với chiếc giường này, chỉ ngoại trừ những bữa cơm phải ngồi dậy ăn (do cô Thành mang đến tận nơi cho mình) và những khi phải đi vệ sinh cá nhân hoặc tắm rửa qua loa.
Trải nghiệm của chuyến đi này nhắc tôi nhớ về cuộc di cư của gần một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954. Hồi ấy, những người di cư (trong số đó có rất đông bà con họ hàng của gia đình má tôi) cũng đi đúng con đường biển mà nay tôi đang đi, nhưng không phải trên con tàu khách sang trọng như chiếc“Thống Nhất”, mà phải chen chúc nhau trên sàn các tàu quân sự thô kệch thiếu thốn đủ mọi tiện nghi, khiến họ phải thường xuyên chịu đói khát, say sóng và mọi thứ bệnh tật bất ngờ phát sinh. Ấy vậy mà hết chuyến này đến chuyến khác, người ta vẫn ùn ùn xuống tàu ra đi cho đến tận cùng thời hạn 300 ngày được phép chuyển vùng sinh sống giữa hai miền. Ắt hẳn là họ đã quyết chí từ bỏ cả quê hương bản quán miền Bắc để ra đi, hòng thoát khỏi chế độ cộng sản mà họ đã thấm thía trong cuộc CCRĐ “long trời lở đất” do Đảng ta lãnh đạo, mà tìm đến miền Nam đất khách quê người với cuộc sống tự do. Tuy nhiên, họ chỉ được sống 20 năm ở nơi ấy thì lại phải đón quân miền Bắc tiến vào giải phóng miền Nam sau một cuộc chiến tranh đẫm máu. Giờ đây, không hiểu họ sẽ sống thế nào dưới chế độ chính trị mà họ đã chạy trốn nhưng không thoát? (Khi ấy, tôi vẫn chưa biết rằng sau 1975 sẽ có cuộc di tản vượt đại dương của người Việt ra nước ngoài với quy mô to lớn và hậu quả bi thảm hơn nhiều so với cuộc di cư từ Bắc vào Nam hồi trước).
Một sáng mùa xuân ấm áp trung tuần tháng 3-1976, chuyến hải hành đầy ấn tượng của tôi đã kết thúc tốt đẹp khi tàu thủy Thống Nhất cập bến Cảng Sài Gòn; cùng lúc cảm giác say sóng biến mất trong tôi. Chia tay cô Thành với những lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ mà cô dành cho mình trong tình cảm bè bạn, tôi “chỉnh đốn trang phục” rồi đeo, xách và mang toàn bộ hành lý theo mình, bước qua cầu tàu để lần đầu tiên trong đời đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng bên bờ sông Sài Gòn, trong lòng rộn vang câu hát quen thuộc của Lưu Hữu Phước: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây!”.
Trước đám đông người ra đón khách với nhiều trang phục lạ mắt, tôi nhận ra ngay bạn cũ Trần Trọng Phương trong bộ quân phục quen thuộc với mũ cối dép râu đứng cạnh một chiếc xe máy kiểu lạ. Tôi và Phương mừng rỡ ôm chầm lấy nhau, rồi Phương chất hành lý của tôi lên xe, nổ máy chở tôi chạy vào thành phố trong quang cảnh đông vui tấp nập hơn hẳn đường phố Hà Nội, khiến tôi luôn nhớ về ca khúc của Y Vân (nhạc sĩ miền Nam trước 1975 mà tôi mới biết): “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!”. Sau cùng, xe dừng lại trước cổng tòa nhà một trệt một lầu số 33 đường Nguyễn Hữu Thoại ở Thạnh Mỹ Tây (thuộc quận Bình Thạnh sau này), kế cận chợ Thị Nghè, rạch Thị Nghè với cây cầu cùng tên. Phương dựng xe, bấm chuông gọi cổng rôi dắt xe bước vào cùng tôi. Đó chính là nhà mới của gia đình chúng tôi ở Sài Gòn.
Tòa nhà này vốn là một doanh nghiệp mang tên “Hãng dệt Tô Châu” do vợ chồng bác Phạm Lợi Viết - anh họ bên ngoại của má tôi (là em bác Phạm Lợi Vinh ở Hà Nội và là con ông Tham Chữ đã từ trần) tạo dựng nên sau khi di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954. Sau ngày giải phóng miền Nam, chính quyền cách mạng đã giải tán doanh nghiệp “tư sản” này và chiếm đóng khu nhà xưởng của nó, chỉ tạm thời dành lại cho ông bà chủ sử dụng khu vực phòng ở của mình. Đúng lúc đó, ba má tôi đi công tác vào Sài Gòn và đến thăm gia đình bác Viết tại đây. Được biết ba má tôi chưa có chỗ ở ổn định, vợ chồng bác nồng nhiệt mời cô chú về ở tại đây mà không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào (để đổi lại, ba má tôi sẽ trở thành kẻ giữ nhà này giùm bác Viết, để hai bác chuyển về sống tại ngôi biệt thự riêng ở số 24 đường Đồn Đất, quận I). Không thể từ chối tấm thịnh tình của ông anh họ, ba má tôi đã chuyển đồ đạc từ nhà cô Tư (ở số 44 đường Hồng Thập Tự, quận I) về đây sinh sống tạm thời để chờ ngày được nhà nước cấp nhà cho cán bộ; đồng thời đã nhập Hộ khẩu của cả gia đình 4 người chúng tôi vào địa chỉ này.
Trong khi đó, bạn cũ Trần Trọng Phương của tôi, đã trở thành trung sĩ thông tin thuộc Quân đoàn IV Quân đội NDVN tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nay trú đóng tại Thủ Đức (quận ngoại vi Sài Gòn). Theo các thông tin do tôi cung cấp từ Hà Nội cho Triệu ở Hải Phòng để Triệu truyền lại cho em ở Thủ Đức, Phương đã tìm gặp được ba má tôi tại địa chỉ này. Do vậy, hôm ấy Phương một mình ra đón tôi ở Cảng Sài Gòn rồi đưa về đúng nhà trước sự ngạc nhiên vui mừng của ba tôi.
Hai cha con ôm nhau mừng rỡ, ba mời Phương ở lại chơi và dùng cơm với chúng tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên về chỗ ở rộng rãi khang trang của gia đình mình. Tọa lạc trên lầu bên trái của tòa nhà doanh nghiệp rộng gần 1000m2, khu vực nhà ở mà bác Viết dành cho chúng tôi (chiếm diện tích khoảng 120m2) có tới 4 phòng chính là phòng khách kiêm văn phòng của chủ nhà (với bàn giấy rất dài, bộ salon sang trọng và một tủ thờ bằng gỗ quý trên đặt uy nghi ảnh thờ ông Tham Chữ cùng bộ đồ thờ sáng choang với 2 cây nến điện), 3 phòng ngủ (với giường đệm trắng muốt và tủ gương đựng quần áo) kế tiếp và liên thông nhau qua một dãy hành lang rộng rãi nhìn sang đường phố bên bờ rạch Thị Nghè; kèm theo đó là các công trình phụ đầy đủ tiện nghi: nhà tắm (với vòi hoa sen, lavabo và bồn cầu hiện đại), nhà bếp (với 2 chiếc tủ lạnh 150 và 50 lít cùng bếp điện, lò nấu than và củi thay cho bếp gaz nay không dùng được nữa). Dĩ nhiên toàn bộ phòng ở cùng các công trình phụ đều được thắp sáng bằng đèn ống nê ông mà không bao giờ bị mất điện. Đó là chưa kể ở dưới tầng trệt còn có hai buồng nhỏ đựng đồ và để xe rất tiện lợi (lúc này đã có chiếc xe máy Mobylette “Cá Xanh” do dượng Tư nhượng lại cho ba tôi dựng trong đó); lại còn có một “phòng bảo vệ” của doanh nghiệp ở dưới chân cầu thang có đặt máy điện thoại để gia đình tôi có thể dùng chung mà không phải trả tiền.
Khi ấy, toàn bộ khu xưởng máy và một số công trình phụ của tòa nhà ở tầng trệt đã được dành cho một Doanh nghiệp Nhà nước về Lâm-Thổ-Hải sản mới thành lập; và các phòng trên lầu đối diện với gia đình tôi vẫn còn một trung đội bộ binh Quân đội NDVN thuộc quyền thượng úy Nguyễn Văn Thưa trú đóng từ ngày giải phóng Sài Gòn cho đến nay. Quan hệ giữa gia đình chúng tôi với doanh nghiệp và đơn vị quân đội đó là rất tốt đẹp.
Nói chung, tại khu nhà này, gia đình chúng tôi được sống trong một môi trường rộng rãi, khang trang và đầy đủ tiện nghi của nền văn minh hiện đại (hơn hẳn chỗ ở của chúng tôi tại nhà C9 KTT Kim Liên đầy kỷ niệm trong “những ánh sao đêm” dưới bầu trời Hà Nội). Để bào đảm cho quyền sử dụng nhà này (và giữ nó hộ bác Viết), ba tôi đã lồng khung kính treo tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng ông Lê Văn Nguơn ngay trên tường phòng khách của nhà.