NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 14, Phần 6

( 27-08-2019 - 09:20 PM ) - Lượt xem: 824

Ba tôi không phải là người ham mê của cải vật chất, nên ông chỉ mang về làm quà từ miền Nam một số vật dụng gọn nhẹ có giá trị tinh thần. Nhưng phần đông cán bộ miền Bắc được cử đi công tác miền Nam lúc này đã tìm mọi cách để mang về nhà tất cả những gì mà họ muốn có (họ chuyển ‘hàng” ra bằng cả đường bộ và đường biển): máy nghe nhạc nổi chạy “băng cối” với những cặp loa thùng truyền âm thanh “stereo” cường độ mạnh; TV, xe hon đa, quạt điện, tủ lạnh...

6. Miền Nam nhận họ -  miền Bắc nhận hàng

 

Rời xứ Lạng tươi đẹp với những kỷ niệm khó quên, tôi với Trịnh Vương Hồng cùng nhiều đồng đội xuất thân từ các trường đại học được đưa về trường Sĩ quan Lục quân trú đóng tại Vĩnh Yên để tham dự một khóa huấn luyện nâng cao trình độ. Thật ngẫu nhiên mà tôi lại được về ở chính nơi mà kẻ tình địch Chu Tác Nhân đã từng trải qua 6 năm trước  để cướp mất Thiên Hương yêu quý của mình. Song cũng ở trường sĩ quan này, tôi lại được gặp thêm người em họ (nhưng lớn tuổi hơn tôi) là Trần Văn Khải (con chú Ba Luân), nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Kiến trúc, vừa qua một khóa huấn luyện tân binh ở Bắc Ninh, nay cũng về đây để được nâng cao trình độ; rồi có anh Diệp Lâm (con của bác Diệp Ba - người bạn trí thức Nam Bộ của ba tôi), nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Kinh tế, cũng trở thành đồng đội của tôi ở đây.

Mặc dù chương trình huấn luyện khá nặng cả về chính trị và quân sự, nhưng tôi vẫn đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của tất cả các khoa mục. Ngay trong tuần đầu tiên, do đạt thành tích loại giỏi trong khoa mục bắn điểm xạ súng tiểu liên AK, tôi được nhận phần thưởng là 3 ngày nghỉ phép. Thật may là kỳ nghỉ phép này lại đúng vào dịp tổ chức Lễ Mừng Chiến thắng (trong ngày 15-5-1975), nên tôi vừa được về thăm gia đình, lại vừa được chứng kiến buổi lể trọng thể ở thủ đô Hà Nội (cùng lúc cũng có buổi lễ tương tự ở Sài Gòn).

Về nhà ngày chủ nhật (11-5) trong bộ quân phục chỉnh tề với ngôi sao trên mũ, tôi được mọi người ở C9 Khu tập thể Kim Liên mừng đón như một người lính đi chiến đấu giành chiến thắng ở chiến trường xa mới về. Cô Lý cầm tay tôi hỏi han đủ mọi chuyện; em Thủy (con gái bác Thuần) đã dành cho tôi ánh mắt đầy cảm tình thầm lặng. Nhưng dĩ nhiên vui mừng nhất vẫn là ba má và em Dũng của tôi. Vừa treo bộ quân phục lên mắc áo, tôi đã bị cả nhà vây quanh với hàng loạt câu hỏi về đời sống trong quân ngũ. Rồi má vội vã đi đổi bún để làm cơm ăn mừng con trai trở về mạnh khỏe.

 Chiều hôm thứ ba, tôi bất ngờ được đón Đinh Thị Tâm (học trò cũ ở Việt Trì cùng khóa với Dương Thị Tơ) đến thăm và xin ở lại qua đêm tại nhà thầy để sáng mai đi xem lễ. Sáng hôm sau (15-5), tôi mặc thường phục và dùng xe đạp đèo Tâm ra phố để hòa mình cùng “70 vạn nhân dân thủ đô dự mít tinh trọng thể mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc”- như báo chí của Đảng đã đưa tin, trong đó đồng chí Lê Duẩn đọc bài diễn văn quan trọng: “Chúng ta hãy tỏ ra xứng đáng với Tổ quốc vĩ đại của chúng ta”- báo chí  trích lời ông như vậy. Sau cuộc mít tinh có duyệt binh hoành tráng, tôi đưa Tâm đến tham quan cuộc triển lãm lớn về  Đại thắng mùa Xuân 1975 tại khu triển lãm Giảng Võ. Bên cạnh những sa bàn của các chiến dịch lớn, nơi đây trưng bày đủ các loại vũ khí bộ binh cùng quân trang quân dụng mà quân ta đã thu được của địch. Tôi đặc biệt chú ý đến quân phục  và phù hiệu các sắc lính trong Quân lực VNCH; nhất là bộ lễ phục trắng của Đề đốc hải quân Chung Tấn Cang với đầy đủ quân hàm, cấp hiệu, huân chương, ngù vai với cả “sợi dây danh dự” bằng kim tuyến. (Ông này đã chạy thoát khỏi Sài Gòn để đưa những chiến hạm cuối cùng của hải quân VNCH sang tỵ nạn ở Philippines).

 Suốt ngày hôm đó, các ca khúc mừng chiến thắng của hàng chục tác giả đã dồn dập và mạnh mẽ vang lên qua làn sóng điện và hệ thống loa truyền thanh công cộng, mà nổi bật là bài “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng và nhất là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên:

 

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông

Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.

Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!...

 

Đêm hôm đó, pháo hoa rực rỡ đã bừng nở trên bầu trời Hà Nội (và cả ở Sài Gòn) để diễn tả niềm vui chiến thắng. (Mười năm sau đó, nhân dân hai miền Nam-Bắc sẽ được nghe đồng chí Võ Văn Kiệt - một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng ta - nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”).

 

 Từ sau lễ mừng chiến thắng ấy, tôi không còn nhận được thư của Dương Thị Tơ từ Liên Xô gửi về cho mình nữa mà không hiểu vì sao. Tôi đành đoán mò rằng: rất có thể Đinh Thị Tâm đã kể cho Tơ nghe chuyện cô ấy đã ở qua đêm tại nhà tôi rồi sánh vai cùng tôi như một cặp tình nhân đi dự lễ, khiến Tơ hiểu lầm mà cắt đứt quan hệ với tôi. Mặc dù không thể thanh minh với em, tôi vẫn nhớ Tơ mãi mãi.

 Trước kỳ nghỉ hè năm 1975, em Dũng tôi đã thi tốt nghiệp Phổ thông tại trường PTC3 Kim Liên rồi sau đó thi vào trường đại học mang tên “Học viện Thủy lợi”. Vào tháng 7, ba tôi cùng Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục là PTS Đức Minh tháp tùng Thứ trưởng Võ Thuần Nho dẫn đầu một đoàn công tác gồm nhiều cán bộ nghiên cứu và biên soạn của Trại Sách B vào miền Nam mới giải phóng. Đoàn đi ô tô đến trú đóng tại Đà Nẵng, rồi tiến vào Sài Gòn để chỉ đạo và tập huấn cho giáo viên các đô thị miền Nam giảng dạy theo chương trình và SGK của NXB Giáo dục Giải phóng. Thế là sau 34 năm xa cách quê hương ra Bắc học tập, sinh sống và công tác, ba tôi lại được trở về Nam để gặp lại cảnh cũ người xưa máu thịt với mình. Lúc ra đi, ba là cậu Bảy Nguơn đầu xanh tuổi trẻ sinh viên đại học Luật khoa, nay trở về với mái tóc bạc trắng của một cán bộ giáo dục lão thành đã qua tuổi 60, ắt hẳn trong lòng ông tràn ngập  cảm xúc dâng trào. Ba mang theo hai chục chiếc huy hiệu Hổ Chủ tịch để làm quà tặng người thân sẽ được gặp tại miền Nam.

 

 Trong khi đó, tôi vẫn sinh hoạt và luyện tập bình thường tại trường Sĩ quan Lục quân  Vĩnh Yên. Ở đây, các học viên luôn có ngày chủ nhật được “xả trại” để vui với cuộc sống ngoài doanh trại. Trong ngày ấy, tôi thường ra thị xã Vĩnh Yên thưởng thức phở và cơm ở Mậu dịch Quốc doanh - Cửa hàng Ăn Uống thị xã. Tại đây vẫn có phở thịt (thay cho phở “không người lái”); còn cơm cũng có vài ba món khá ngon (nhưng vẫn phải nộp 0,225 gam tem gạo kèm theo 0,25đ nếu muốn được ăn một đĩa). Có lần tôi đã được chén món thịt nai tơ xào tỏi rất ngon (chắc là do dân địa phương săn được nai trên núi Tam Đảo mang về bán lại cho Mậu dịch).

Đến trường PTC3 Trần Phú đang đóng cửa nghỉ hè, tôi vẫn hỏi được địa chỉ nhà chị Hoàng Dung để tìm đến thăm chị. Bất ngờ gặp tôi trong bộ quân phục lính mới, chị tròn mắt ngạc nhiên, rồi vồn vã kéo tôi vào nhà để pha trà đãi khách. Sau khi kể rõ nguồn cơn về việc mình đi bộ đội, tôi hỏi chị còn nhớ hai cô học trò cũ là Bé và Hòa không? Chị bảo  rất nhớ hai đứa ấy, chúng rất ngoan và học hành chăm chỉ. Rồi chị cho tôi biết rằng sau ngày Giải phóng miền Nam mình đã liên lac được với những bà con ruột thịt di cư từ 1954 đang ở Sài Gòn. Mang ra một chiếc đài bán dẫn “Sony”(Made in Japan), chị bảo đây là món quà quý do người thân trong đó gửi ra tặng chị. Kéo cao chiếc cần ăng ten và bật đài, hai chúng tôi cùng nghe vang lên ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tôi chợt nghĩ: nếu biết chiếc đài mà mình gửi tặng đã được dùng để nghe các bài hát ca ngợi chiến thắng kiểu này, thì không hiểu người bà con của chị ở Sài Gòn có hài lòng không? (Bởi vì khi di cư vào Nam năm 1954, người ấy tưởng là đã thoát ách cộng sản do Đảng-Bác mang từ Nga-Tàu về áp đặt cho nhân dân miền Bắc).

 Vào một ngày khác, tôi đã về thăm lại trường PTC3 Việt Trì để vui mừng nhận thấy các bạn đồng nghiệp cũ của mình ở đây đều mạnh khỏe bình an và công tác tốt; mừng nhất là được gặp anh Lê Văn Long đã trở lại giảng dạy tại trường. Anh Nguyễn Hữu Quỳnh lại mời tôi ăn cơm cùng gia đình, và khoe rằng mình vừa nhận được thư của chị Thu, người chị gái đã đi Nam hồi 1954 nay đang sống cùng gia đình tại Sài Gòn. Tôi nồng nhiệt chúc mừng anh, và hiểu rằng đó chính là lý do khiến anh, mặc dù công tác rất tốt được toàn thể mọi người tín nhiệm, mà không bao giờ được kết nạp vào Đảng.

 

 Ngày 29-8-1975, toàn khóa chúng tôi được lệnh lên xe hành quân về Hà Nội để dự Lễ Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (thường được gọi tắt là “Lăng Bác”). Sau 6 năm xây dựng bằng biết bao công sức và tiền của đổ vào với những nguyên vật liệu quý hiếm nhất cùng nghệ thuật kiến trúc hiện đại nhất và kỹ thuật ướp xác tối tân do các chuyên gia Liên Xô trợ giúp, Lăng Bác đã xuất hiện hoành tráng trên Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam DCCH 30 năm về trước.

 Đó chính là lăng mộ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam (ngay cả lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế cũng không thể sánh được); và cũng là một trong số các lăng mộ vĩ đại tầm cỡ quốc tế (kể cả Lăng Lênin ở Liên Xô cùng các Kim Tự Tháp của các Pharaoh Ai Cập). Tuy nhiên, nếu đối chiếu với Di chúc của Bác muốn thiêu xác mình rồi chôn tro cốt trong 3 ngôi mộ nhỏ ở 3 miền đất nước, thì sự vĩ đại bất đắc dĩ của Lăng Bác không đáng tự hào. Nhìn vào hoàn cảnh nhân dân phải “thắt lưng buộc bụng” trong chế độ tem phiếu để xây dựng CNXH và dốc hết sức người sức của cho cuộc chiến vừa qua, thì sự vĩ đại của Lăng Bác càng trở nên bất nhẫn. Tôi còn nhớ, khi vua Tự Đức xây lăng Vạn Niên Cơ cho chính mình, nhân dân đã bình rằng: “Vạn niên là vạn niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân!” (từ đó đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa “Chày Vôi” nhằm lật đổ vua Tự Đức nhưng bất thành).

 Ở trong lăng, Bác nằm ngủ trong bộ áo kaki với đôi dép cao su dưới chân nhằm thể hiện đức tính giản dị khiêm tốn của Người. Nhưng, để bảo đảm cho giấc ngủ giản dị khiêm tốn ấy là cả một bộ máy tinh vi phức tạp tổn phí vô cùng. Mặt chính lăng khắc sâu câu danh ngôn của Bác “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Nhưng trong lăng, Bác nằm không chỉ dưới Quốc kỳ (sao vàng cờ đỏ), mà còn dưới Đảng kỳ (cờ đỏ búa liềm) - biểu tượng của CNCS theo hệ tư tưởng “Đấu tranh Giai cấp”và “Chuyên chính vô sản” đã dẫn tới cuộc CCRĐ đầy tội ác khiến Bác phải khóc để thừa nhận sai lầm, hoàn toàn trái ngược với hệ tư tưởng Nhân quyền khẳng định giá trị của “Độc lập Tự do” mà Bác đã tuyên ngôn để đưa sinh mạng của hàng triệu chiến sĩ và đồng bào vào cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

 Với các ý nghĩ như trên, tôi cảm thấy Bác Hồ khó có thể yên nghỉ trong lăng mộ vĩ đại mà Đảng ta đã xây dựng cho Bác. Nhưng rồi ca khúc “Viếng Lăng Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã vang lên đầy cảm xúc:

 

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác / Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát /

Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam / Giông tố mưa sa vẫn thẳng hàng /

Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng / Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ /

Ngày dòng người đi trong thương nhớ / Kết hàng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân/

Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên / dưới một vầng trăng sáng trong dịu hiền…”

 

Với ca khúc này, Hoàng Hiệp đã lập công dâng Đảng để Bác được an lòng yên nghỉ trong lăng, cho dù linh hồn Người không thể siêu thoát.

 

 Sau bốn tháng huấn luyện căng thẳng trong không khí náo nhiệt từ ngày miền Nam Giải phóng, chúng tôi đã hoàn thành chương trình nâng cao của trường Sĩ quan Lục quân Vĩnh Yên để sẵn sàng nhận công tác mới. Anh Diệp Lâm được đưa về cơ quan chuyên môn của Tổng cục Kỹ thuật; anh Trần Văn Khải về Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đeo quân hàm xanh da trời (anh sẽ lên đến cấp đại úy trước khi chuyển ngành về lại Đại học Kiến trúc); anh Trịnh Vương Hồng về Viện Lịch sử Quân sự (và sẽ gắn bó suốt đời với cơ quan này cho đến khi lên đến cấp thiếu tướng để đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng).

 Riêng tôi được đưa về Đoàn 575 thuộc Tổng cục Kỹ thuật để chờ phong quân hàm và nhận công tác. Đơn vị này do trung tá Thuật làm thủ trưởng, trú đóng tại xã Tây Tựu thuộc huyện Từ Liêm, gắn với địa danh Nhổn ở ngoại thành Hà Nội. Đó là một đơn vị “thu dung” quân nhân từ nhiều nơi kéo về để chờ nhận công tác hoặc phục viên ( xuất ngũ) hay chuyển ngành. Vì thế, ngoại trừ Ban chỉ huy và các phòng ban phải thừa hành phận sự của mình, các quân nhân ở đây được sống trong nhà dân mà hầu như không có việc làm, ngoại trừ cuộc điểm danh buổi sáng với cơm ngày 3 bữa tại bếp ăn tập thể với hai giấc ngủ trưa và đêm.

 Khi ấy, đơn vị tôi có một nhân vật đặc biệt là anh Tĩnh, cựu danh thủ đội bóng rổ Thể Công cao 2,05m, nay đã quá tuổi thi đấu nên được đưa về đây chờ nhận công tác mới. Cứ mỗi khi thấy anh xuất hiện là bọn trẻ con (và cả người lớn) liền bám theo để được chiêm ngưỡng “người khổng lồ”. Tôi cũng rất ngưỡng mộ tầm vóc của anh Tĩnh, nhưng chỉ chơi thân với anh Lãm (quê Nghệ An) và anh Điều (quê Nam Định), vì cả ba chúng tôi được ở gần nhà nhau để có thể cùng nhau chơi cờ tướng hoặc lang thang trong làng vui với bà con địa phương. Tôi thường dặn hai anh dùng cả suất cơm tập thể của mình khi tôi về nhà thăm ba má. Rồi tôi mang luôn chiếc xe đạp “Sputnik” đến đơn vị để có thể về nhà thường xuyên nhanh chóng hơn.

 Trên đường về nhà tại KTT Kim Liên, tôi đã được gặp những đại diện đầu tiên của người Sài Gòn xuất hiện tại Hà Nội trong những chiếc xe khách (dân miền Nam gọi là “xe đò”) của hãng “Phi Long” chạy suốt tuyến đường Nam-Bắc mới được khai thông. Tôi nhận thấy các bác tài và các chú “lơ xe” của các xe này có tác phong làm việc năng động, linh hoạt và lịch sự hơn hẳn các đồng nghiệp miền Bắc của họ mà mình đã quá quen.

 

 Một hôm, gia đình chúng tôi bất ngờ được đón chị Nhĩ (con nuôi của bác Ngô Văn Chương ở cùng nhà 27 Hồ Xuân Hương tại Hải Phòng với chúng tôi từ hơn chục năm về trước) đến thăm. Mừng người thân lâu ngày mới được gặp lại, ba má và tôi tiếp đãi chị hết sức thân tình. Trong bữa cơm gia đình thân mật, má tôi hỏi chị: “Ba cháu hồi này khỏe không? Ông đã được về thăm quê nhà ở Bến Tre chưa?”. Chị bỗng nghiêm nét mặt buông đũa xuống đáp rằng: “Cháu xin chú cô đừng nhắc đến lão ấy nữa! Lão ta đã hại cả một đời con gái của cháu đấy cô chú à!”. Thông tin của chị Nhĩ khiến tất cả chúng tôi sững sờ. Cả ba má và tôi vốn luôn quý trọng bác Ngô Văn Chương - người đồng chí đồng nghiệp đáng kính của ba ở Sở Giáo dục Hải Phòng và là đồng hương Bến Tre với ba tôi; nên chúng tôi cũng trân trọng tình cảm “cha-con” mà bác dành cho chị Nhĩ suốt thời gian qua. Nay bỗng nhiên con người đáng kính ấy hiện nguyên hình thành một kẻ đạo đức giả đã biến cô “con gái nuôi” thành một thứ “gái chơi bí mật” để giải quyết nỗi bức xúc tình dục của hoàn cảnh “ngày Bắc - đêm Nam” trong hàng chục năm trời. Đó quả là điều không ai có thể tưởng tượng nổi.

 Sau cuộc gặp chị Nhĩ hôm đó, cả ba má và tôi không còn dịp nào để gặp lại chị và ông “bố nuôi” giả hiệu mà tôi vẫn quen gọi là “bác Chương” nữa, nên không thể biết số phận của hai người ấy về sau sẽ như thế nào. Chỉ biết chắc một điều là: khó có thể lý giải nổi vì sao giữa hai con người vốn hiền hậu bình thường như chúng tôi đã biết, lại phát sinh mối quan hệ dị thường tệ hại đến như vậy.

 

  Sau lễ Quốc khánh lần thứ 30 của nước Việt Nam DCCH và khai giảng năm học mới (1975-1976) trên đất nước đã liền một dải từ Bắc chí Nam, ba tôi đã trở về Hà Nội sau chuyến công tác đầy cảm xúc tại miền Nam.

Ba cho biết cả ông nội và bà nội đều đã mất và được mai táng bên nhau trong cùng một nghĩa trang; cô Hai Lê Thị Ẩn đã đi Úc, chú Mười Lê Văn Đồng (từng tham gia chính trường VNCH với những chức vụ cao) và chú Lê Văn Cao (một bác sĩ giải phẫu lồng ngực nổi tiếng) đã di tản sang Mỹ ngay trước ngày 30-4, nên ba chỉ còn được gặp lại cô Sáu Lê Thị Thuần và cô Tư Lê Thị Kiều ở Sài Gòn. Rồi ba cho xem bức ảnh màu của gia đình cô Tư chụp trước ngôi nhà riêng (ở số 44 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn I) trong dịp tết Quý Mão vừa qua. Trong đó, tôi nhận ra cô Tư cùng dượng Tư Nguyễn Tấn Hiển và hai người con gái nuôi là chị Thuần và chị Kiều Vinh đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ (đã được thợ tô màu chỉnh sửa thành cờ đỏ sao vàng cho hợp với thời thế mới).

Cùng với bức ảnh này, các món quà quý hiếm mà ba mang từ miền Nam ra đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Chiếc cặp “samsonite” màu đen với bộ khóa số tinh vi màu trắng bạc (Made in USD) cùng chiếc mũ phớt bằng dạ tổng hợp, vốn là đồ dùng của dượng Sáu Trần Văn Bạch - cựu Bộ trưởng Giao thông Công chánh VNCH vừa từ trần - được cô Sáu gửi tặng ba, trông sang trọng hơn hẳn chiếc cặp da cũ kỹ và trang phục cán bộ mà ba vẫn dùng. Chiếc radio-cassette nhãn hiệu “Hitachi” (Made in Japan) vừa dùng để nghe đài, vừa nghe nhạc qua băng nhựa (chứ không phải đĩa) với cặp loa rời tạo âm thanh đa chiều (“stereo”) khác hẳn âm thanh đơn chiều (“mono”), lại vừa có thể ghi âm và phát trực tiếp, có giá trị hơn hẳn so với đài VEF hay Rigonda mang về từ Liên Xô. Chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu “Seiko” (Made in Japan), do dượng Tư tặng ba, đã làm lu mờ những chiếc “Raketa”“Poljot” (do Liên Xô chế tạo). Các món đồ trang sức do các cô trong đó gửi tặng má đều mới lạ mà tôi chưa từng thấy. Ngay cả chiếc bút máy “Pilot” (Made in Japan) mà ba mua tặng tôi cùng cuốn Tự điển hai chiều “Anh-Việt / Việt-Anh” của tác giả Nguyễn Văn Khôn, với cả chiếc máy tính cầm tay và đôi vợt đánh cầu lông (kèm theo một chục quả cầu) mà em Dũng được ba tặng, cũng đều là những thứ hiếm hoi không có ở Hà Nội. Ba bảo cô Tư và cô Sáu còn muốn tặng ba cả tủ lạnh và máy vô tuyến truyền hình (dân trong đó gọi là “tivi”- do từ viết tắt tiếng Anh “TV” mà ra); nhưng ba đi ô tô theo đoàn không thể mang theo được, nên đành gửi lại trong đó. Chỉ có điều là số huy hiệu Hồ Chủ tịch mà ba mang theo làm quà, thì nay lại phải mang về hầu hết, có lẽ vì không ai muốn được tặng món đó.

 Ba tôi không phải là người ham mê của cải vật chất, nên ông chỉ mang về làm quà từ miền Nam một số vật dụng gọn nhẹ có giá trị tinh thần. Nhưng phần đông cán bộ miền Bắc được cử đi công tác miền Nam lúc này đã tìm mọi cách để mang về nhà tất cả những gì mà họ  muốn có (họ chuyển ‘hàng” ra bằng cả đường bộ và đường biển): máy nghe nhạc nổi chạy “băng cối” với những cặp loa thùng truyền âm thanh “stereo” cường độ mạnh; TV các cỡ (từ 11 inches đến 21 inches) các loại (có cửa kéo chân đứng hay quai xách tay để bàn); tủ lạnh các cỡ (từ 50 lít đến 350 lít); quạt máy và quạt trần với các nhãn hiệu nổi tiếng của Ý và Pháp; xe máy Nhật “Honda”, xe Pháp “Mobylette” (gồm 2 loại được gọi là “Cá Xanh”“Cá Xám”); máy tăng điện áp các cỡ (“survolteur”) … Cả một luồng hàng hóa khổng lồ đã tuôn chảy từ Nam ra Bắc. Qua đó, dân gian đã khẳng định giá trị đích thực của việc Giải phóng miền Nam theo một cách ngôn ngắn gọn là:  “Miền Nam nhận họ - miền Bắc nhận hàng”. Quả đúng vậy! Người miền Nam (đa số là “dân ngụy”) đã hân hoan tiếp nhận họ hàng ruột thịt từ miền Bắc vào (đa số là “cán bộ cách mạng”) để có thể “bảo lãnh” cho họ thoát khỏi sự trừng trị của chính quyền cách mạng; còn người miền Bắc, sau bao năm “thắt lưng buộc bụng” trong “thiên đường XHCN”, giờ đây đã đến lúc đổi đời bằng hàng hóa TBCN tận thu từ miền Nam mới giải phóng.

 

 Trong khi cả nước rộn ràng “nhận họ nhận hàng” như vậy, tôi chờ mãi mà chưa thấy có quyến định phong quân hàm và công tác mới cho mình, nên thường phải lên Ban Chỉ huy đơn vị để hỏi. Nhờ đó, tôi đã được kéo vào “chiếu tổ tôm” hay bàn cờ tướng để cùng ngồi chơi với Ban Chỉ huy và các sĩ quan đang chờ phục viên. Trong lúc  đánh bài, các sĩ quan này thường bộc lộ tâm trạng buồn chán khi buộc phải từ bỏ quân ngũ mà họ đã phục vụ lâu năm để trở về làm dân. Do đó, tôi mới biết: sau ngày Giải phóng miền Nam, Đảng đã chỉ đạo cho giải ngũ một phần lớn quân đội, nhưng các quân nhân kỳ cựu không muốn chấp hành lệnh trên theo sự chỉ đạo này (vì họ cảm thấy mình bị “vắt chanh bỏ vỏ”). Một vị đeo quân hàm thượng úy bộc bạch: “Mình đàng hoàng là sĩ quan Quân đội NDVN, nay bỗng nhiên phải về vườn thì còn ra cái thá gì? Chính quyền xã hay ban chủ nhiệm hợp tác xã không đến lượt mình, vì “tụi ở nhà” (ý nói là cán bộ - đảng viên ở địa phương không phải nhập ngũ) đã chia nhau hết chỗ rồi! Có lẽ chỉ còn nước đóng một chiếc vó bè trên sông để ngày ngày kéo lấy vài con tôm tép mà sống!”. Nghe vậy, tôi buột miệng: “Nếu các thủ trưởng (lính tráng thường quen gọi các sĩ quan như thế) không muốn về, thì để tôi về thay cho!”. Ý muốn được xuất ngũ trở về với ngành giáo dục tiềm ẩn trong lòng khiến tôi thốt lên như vậy, nhưng tôi không tin điều đó có thể thực hiện được. Không ngờ đồng chí đại úy Trưởng ban Quân lực lập tức hỏi lại tôi: “Cậu nói thật đấy chứ?”. Tôi cam đoan rằng mình nói thật. Ông ấy liền phán: “Vậy được rồi! Sáng mai cậu lên đây để mình lo thủ tục cho.”

Ngay sáng hôm sau, đồng chí Trưởng ban cấp cho tôi một Giấy Giới thiệu (do Trưởng đơn vị là trung tá Thuật ký tên đóng dấu), để tôi mang về trình Bộ Giáo dục xin ý kiến: nếu Bộ chấp thuận cho tôi trở về nhận công tác, thì đơn vị sẽ làm thủ tục cho tôi xuất ngũ.

 

 Sung sướng mang Giấy Giới thiệu của đơn vị về khoe với ba má, rồi tôi cầm nó đến Trại Sách B trình chú Hồ Cơ. Chú lập tức bút phê vào giấy đó rằng sẵn sàng tiếp nhận tôi về Trại. Để cảm ơn thiện chí của chú, tôi liền kính tặng chú hộp dao cạo râu xinh xắn mạ vàng mà mình đã mua được ở chợ Kỳ Lừa.

 Bước tiếp theo là lên Bộ để xin công văn trả lời chính thức cho đơn vị quân đội. Má bảo tôi đưa tờ Giấy Giới thiệu (có bút phê của chú Hồ Cơ) cho má, để má giúp tôi việc này. Khi ấy có rất nhiều cán bộ miền Bắc được chuyển công tác vào Nam để “chi viện” cho các cơ quan trong đó hoạt động; nên má hy vọng ba cũng sẽ được cấp trên điều động vào Nam như vậy, để gia đình ta được đổi đời với cuộc sống dễ chịu trong đó. Nhưng chờ mãi mà không thấy cấp trên có ý kiến gì, má giục ba làm đơn xin chuyển công tác, thì ba phản đối: “Mình là cán bộ - đảng viên nên phải chấp hành sự phân công của tổ chức, chứ không được xin xỏ gì cả!”. Thế là không cho ba biết, má quyết định lên Bộ để trình bày nguyện vọng cho ba được chuyển công tác vào miền Nam; nhân thể “một công đôi việc” má kết hợp luôn với việc của tôi.

 Giao việc của mình cho má, tôi ung dung đạp xe về đơn vị để chờ kết quả. Trên đường đi, tôi ghé vào cửa hàng Bách hóa Tổng hợp ở Bờ Hổ và mua được một bộ cờ tướng mới sản xuất bằng nhựa, đẹp hơn hẳn các bộ cờ bằng gỗ mà mọi người thường sử dụng, để làm quà cảm ơn đồng chí Trưởng ban Quân lực đã nhiệt tình giúp mình giải quyết thủ tục xuất ngũ.

 Ngay hôm sau, má lên Bộ gặp Vụ Tổ chức Cán bộ và nhận được công văn của Bộ gửi cho  bên Quân đội v/v tiếp nhận đồng chí Lê Vinh Quốc trở lại công tác trong ngành giáo dục; nhưng Vụ không thể đáp ứng được đề nghị của má v/v cho đồng chí Lê Văn Nguơn chuyển công tác vào miền Nam. Thế là má tìm cách gặp thẳng thứ trưởng Võ Thuần Nho để trình bày với ông về nguyện vọng tha thiết của ba tôi muốn được vào Nam phục vụ quê hương sau bao nhiêu năm xa cách; nhân tiện, xin thứ trưởng quan tâm đến trường hợp của cháu Lê Vinh Quốc đang làm thủ tục xuất ngũ trở về phục vụ ngành giáo dục.

 Có lẽ lời giãi bày tha thiết của má tôi đã lay động được tình cảm của thứ trưởng Nho, nên ông đã có hướng giải quyết vụ việc vượt quá mong ước của má: ba tôi được đưa vào danh sách cán bộ “chi viện” cho miền Nam trong thời gian tới, đồng thời cả má và tôi cũng sẽ được chuyển công tác theo ba khi có đủ điều kiện. Dù vậy, khi biết má đã đến gặp thứ trưởng Nho để xin cho mình, ba tôi vẫn la mắng má: “Đã bảo là không xin xỏ gì hết, mà em không nghe lời anh, thật bướng bỉnh!”. Ba tôi là thế đấy: không bao giờ ông hạ mình xin người khác ban phát quyền lợi cho mình.

 Tôi vui mừng mang công văn của Bộ về nộp cho đơn vị với hy vọng sẽ sớm được rời  quân ngũ trở về ngành giáo dục. Nhưng hóa ra thủ tục xuất ngũ của tôi lại phức tạp và khó giải quyết hơn những gì mà đồng chí Trưởng ban Quân lực đã tưởng, nên tôi vẫn phải ăn chực nằm chờ tại đơn vị. Cũng may là, do trường hợp đặc biệt của mình mà kỷ luật quân sự được nới lỏng, khiến tôi có thể ở nhà nhiều hơn (hàng tuần tôi chỉ phải đến đơn vị để điểm danh vào 3 buổi sáng).

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác