NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 14, Phần 3
( 01-07-2019 - 07:03 AM ) - Lượt xem: 778
“Thưa thầy, đây là tiêu chuẩn của công đoàn khoa mà em đã ‘bắt thăm’ mua được giúp thầy!...”. Thầy mừng rỡ tiến đến bắt tay cảm ơn và mời anh Nham vào uống trà cùng tôi. Nhưng anh Nham còn bận nhiều việc khác nên đã tạm biệt thầy cô và tôi để về trường.
3. Quà Tết tặng thầy
Quả nhiên hàng hóa và quà cáp do lưu học sinh mang từ Liên Xô về là rất phong phú và vô cùng giá trị. Hùng tặng ba một bộ dao cạo râu chạy điện rất tinh vi, cùng một chiếc mũ bảo hiểm đi mô tô hiện đại (nhưng nó có vẻ quá cỡ khi ba đội để chạy chiếc xe máy nhỏ nhãn hiệu “Babetta”). Má được Hùng tặng một chiếc khăn quàng len rất đẹp mà phụ nữ Liên Xô thường dùng, một chiếc cối xay thịt quay tay (có thể dùng để xay cua rất tiện) và một chiếc nồi áp suất hiện đại để hầm thịt mau nhừ mà lại tiết kiệm được nhiều chất đốt. Em Dũng được ông anh tặng một chiếc cặp học sinh mới kiểu Liên Xô, kèm theo một chiếc ống nhòm rất tốt. Riêng tôi được Hùng tặng chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu “Raketa” (“Tên lửa”) chế tạo tại Liên Xô, mặc dù chưa tốt bằng “Đồng hồ Thụy Sĩ”, nhưng cũng sánh ngang với chiếc “Poljot” ( “Cuộc bay”- thường được người Việt đọc là “Pôn Giốt”) cũng do Liên Xô chế tạo, mà Hùng đang dùng khiến nhiều người khao khát được đeo. Lại còn chiếc máy ảnh “Smena” do Liên Xô chế tạo, tuy nhỏ gọn giản đơn nhưng đủ sức ghi lại những bức hình đen trắng làm kỷ niệm. Hùng còn cho tôi một số quần áo mang từ Liên Xô về, tuy đã cũ nhưng tôi vẫn thích vì khi mặc chúng trông mình cũng có vẻ sang trọng như dân đã từng đi nước ngoài, nhất là chiếc mũ lông Liên Xô khiến nhiều người mơ ước.
Nhưng món quà quý nhất mà Hùng mang về tặng cả nhà là một chiếc đài điện tử cỡ lớn có chân đứng và nắp đậy mang nhãn hiệu “VEF” chế tạo tại Liên Xô. Đài này có hệ thống băng tần phong phú với cặp loa rất tốt có thể điều chỉnh âm thanh tinh tế; nhưng đặc biệt là nó được gắn với chiếc máy quay đĩa để có thể nghe ca nhạc tùy theo số đĩa hát mà mình sở hữu (và Hùng đã mang về hàng chục đĩa hát quý với những nhạc phẩm kinh điển danh tiếng thế giới và những ca khúc Nga quen thuộc mà tôi vẫn say mê). Chiếc đài này được coi là phương tiện giải trí cao cấp đương thời, ngang cỡ các đài mang nhãn hiệu “Rigonda” và “Melodia” (đều do Liên Xô sản xuất). Nhưng không biết bằng cách nào mà Hùng còn có được chiếc đài bán dẫn “Sony” (Made in Japan), một sản phẩm vô cùng quý hiếm của thế giới tư bản trên thị trường XHCN Liên Xô, khiến dân Hà Nội phải “lác mắt” thán phục.
Lại còn một món quà đặc biệt nữa mà em trai tôi chịu khó mang về: bộ sách “Mao Trạch Đông tuyển tập” (gồm 5 tập dầy) mà mọi lưu học sinh khi đi qua Trung Quốc đều được chính quyền sở tại trao tận tay (với ý đồ truyền bá “tư tưởng Mao” ra toàn thế giới). Khi ấy tôi đã ghét cay ghét đắng cái gã họ Mao được dân Tàu tung hô “vạn tuế” này; nhưng vẫn xếp “Tuyển tập” tởm lợm của y vào giá sách mình để làm tài liệu nghiên cứu.
Bữa cơm gia đình đón lưu học sinh trở về thật vui vẻ, đầm ấm và ngon miệng; nhưng thu xếp chỗ ngủ đủ cho mọi người là cả một vấn đề, vì nhà cửa chật chội lại thêm nhiều đồ đạc mới mang về. Thế là Hùng phải chịu khó nằm chật cùng em Dũng trên chiếc giường cá nhân; tôi nhường chiếc giường xếp Liên Xô cho Nguyễn Đệ - bạn Hùng và là khách quý của gia đình, để dọn chiếc bàn làm việc làm chỗ ngủ cho mình ở bên cạnh giường ba má. Chúng tôi phải ngủ chật như vậy trong nhiều đêm, cho đến ngày Hùng và Đệ được nhận công tác và chuyển về ở tại cơ quan mình. Hùng trở thành cán bộ thuộc CP72- biệt danh của Bộ Ngoại giao thuộc chính phủ CMLTCHMNVN đóng tại Hà Nội, và được cử đi phục vụ tại Đại Sứ Quán của chính phủ này tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria; còn Đệ gia nhập quân đội và phục vụ trong binh chủng Đặc công.
Trước ngày lên đường đi Algeria nhận công tác, Hùng đã đưa một cô bạn gái cùng tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nhà giới thiệu với gia đình. Đó là Đỗ Nam Liên, con gái bác Đỗ Văn Bảng, một Vụ trưởng trong Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, có nhà riêng do nhà nước cấp tại số 6 phố Tôn Đản (ngay gần “chợ vua quan” danh tiếng). Ba má và tôi đã quý mến Nam Liên ngay từ buổi đầu gặp gỡ cho đến khi cô ấy trở thành vợ Hùng.
Còn có 2 lưu học sinh nữ bạn học cùng khoa cùng trường ở Liên Xô với Hùng là Nguyễn Thị Thư và Nguyễn Hồng Bích cùng về nước với Hùng đợt này. Cả hai bạn ấy cùng là con cán bộ về sống với cha mẹ ở Khu tập thể Kim Liên (Bích ở nhà B3, còn Thư ở B16), nên họ cũng nhanh chóng trở thành bạn bè tôi. Được biết Thư vốn là sinh viên xuất sắc toàn Liên Bang Xô Viết (tốt nghiệp với tấm bằng Đỏ), nhưng khi về nước vẫn bình dị với mái tóc tết đuôi sam và bộ trang phục quần đen áo vét xanh quen thuộc, lại chẳng mang về được nhiều hàng hóa giá trị cao như các lưu học sinh khác, tôi có ngay những ấn tượng rất tốt đẹp về cô ấy.
Nguyễn Thị Thư được nhận công tác tại khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội1 và từ đó sẽ trở thành bạn đồng nghiệp thân thiết với tôi trong suốt cả cuộc đời; còn Nguyễn Hồng Bích trở thành cán bộ giảng dạy của trường ĐHTH Hà Nội để cùng gắn bó lâu dài với Thư và tôi.
Say mê với việc biên soạn SGK cho vùng giải phóng miền Nam, tôi không biết năm mới 1974 đã đến từ lúc nào; mà giờ đây đã chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Dần trong không khí hòa bình yên ấm. Theo sự chỉ đạo của Ban Phụ trách Trại Sách B, tôi đi thăm để tặng quà tết cho các cộng tác viên là thầy cũ của mình ở khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội 1. Mỗi gói quà gồm có 2 bao thuốc lá “Điện Biên bao bạc”, 2 gói chè “Ba Đình”, 1 gói kẹo “Hải Châu” và 1 gói đường kính 0,5kg. Các thầy Đặng Đức An, Nguyễn Anh Thái, Nguyễn Xuân Trúc vui vẻ nhận quà và tranh thủ trao đổi với tôi về nội dung các cuốn SGK mà các thầy đang viết. Riêng thầy Hồ Song, người luôn mặc bộ đại cán 4 túi cài kín cổ, đã tỏ ra thận trọng. Thầy ngắm kỹ từng món trong gói quà do tôi kính chuyển, rồi hỏi: quà này từ đâu ra? Được lấy từ tiêu chuẩn nào? Do đâu mà thầy được tặng quà này?... Rõ ràng là thầy ngại nhận một món quà ngoài tiêu chuẩn Tết mà mình đã được cung cấp theo Bìa mua hàng của mình. Tôi phải giải thích rằng quà này đã được Bộ duyệt theo tiêu chuẩn đặc biệt dành cho các cộng tác viên của Trại Sách B, thầy mới miễn cưỡng nhận nó và gửi lời cảm ơn Ban Phụ trách Trại.
Khi đạp xe đến thăm thầy Nguyễn Văn Kiệm tại nhà riêng ở phố Bà Triệu, tôi lại được thầy cô đón tiếp nồng hậu như mọi khi. Nhưng khi thầy trò ngồi chưa ấm chỗ bên bàn trà gia đình, thì lại có khách mới đến thăm thầy: anh Lương Văn Nham - cán bộ giảng dạy trẻ thuộc tổ bộ môn của thầy ở khoa Sử. Anh mang vào một chiếc giát giường gỗ và nói: “Thưa thầy, đây là tiêu chuẩn của công đoàn khoa mà em đã ‘bắt thăm’ mua được giúp thầy!...”. Thầy mừng rỡ tiến đến bắt tay cảm ơn và mời anh Nham vào uống trà cùng tôi. Nhưng anh Nham còn bận nhiều việc khác nên đã tạm biệt thầy cô và tôi để về trường.
Thầy vui vẻ khoe với tôi rằng mình đã gặp may: “Mới bị gãy cái giát giường vì mọt đục và chưa biết sửa bằng cách nào, thì Nham đã bắt thăm trúng để mua được giát mới cho mình!”. Rồi thầy ngắm kỹ chiếc xe đạp “Sputnik” của tôi và hỏi:
- Quốc có dùng hết 3 tầng líp “đềroayơ” không?
- Thưa thầy, em thường dùng 2 líp tầng trên, còn cái tầng dưới rất ít dùng vì đạp nặng.
- Vậy cậu cho mình xin cái tầng líp đó nhé; xe mình mòn hết líp rồi, mà không tìm được cái mới để mua thay thế!
- Vâng ạ; để em mang xe về, thuê thợ tháo líp ra rồi mang đến tặng thầy!...
Nhưng thầy đã xua tay: “Không cần thuê thợ; Quốc cứ ngồi chơi uống nước, để mình tự làm, chỉ một loáng là xong!”. Lập tức, thầy cởi bỏ áo khoác với khăn quàng len, xắn tay áo lên, vào buồng mang ra một thùng đồ nghề sửa xe đạp, giống hệt như thùng đồ của các thợ “bơm vá lộn xích” ở vỉa hè, rồi lật nghiêng chiếc xe của tôi xuống sàn nhà và bắt đầu đục-vặn-xoắn vào chiếc líp của nó. Tiếp theo, thầy lại lật nghiêng chiếc xe “Sport” của thầy để đục-vặn-xoắn vào líp xe đó. Sau một hồi thao tác điệu nghệ, thầy đã tháo xong tầng líp từ xe tôi để gắn vào xe thầy (hai chiếc “Sputnik” và “Sport” cùng do Liên Xô sản xuất với cỡ vành bánh như nhau, nên phụ tùng của chúng có thể hoán đổi cho nhau). Mặc dù đã sẵn sàng biếu thầy cái phụ tùng này, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng khi nhìn cái líp 3 tầng của xe mình nay chỉ còn 2. Như biết được tâm trạng đó của tôi, thầy bảo: “Quốc yên tâm, mình sẽ lắp trả cái tầng mòn của mình vào líp xe của Quốc để trông nó vẫn bình thường!”. Quả nhiên khi thầy lắp xong thì trông cái líp 3 tầng của tôi vẫn giống như cũ, mặc dù cái tầng mòn lắp thêm ấy không thể sử dụng.
Tạm biệt thầy cô để lên xe đạp về nhà, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vốn biết thầy Kiệm có biệt tài trong nghề thợ mộc, nay lại biết thêm tài sửa chữa xe đạp của ông, tôi thật sự bái phục thầy. Nhưng một nhà sử học danh tiếng như Nguyễn Văn Kiệm sao lại phải kiếm sống thêm bằng những việc lao động chân tay thô sơ ấy? Còn việc thầy xin và nhận cái vòng líp xe của tôi (cùng chiếc giát giường do anh Nham mang đến) như những món quà quý trong ngày giáp tết ấy, đã khiến tôi ái ngại cảm thương về cuộc sống của người trí thức trong suốt cả một thời.
Mừng xuân Giáp Dần 1974, họ hàng nhà tôi còn đón thêm một tin vui mới: cô em họ Lê Lan Anh thân thiết của tôi đã cưới chồng là Đặng Đình Bân, một chàng Kỹ sư Thủy sản tuấn tú cao gần 1,8m và là con trai trưởng của bác Đặng Đình Hòe, một quan chức thâm niên ở Bộ Tài chính trong chính phủ Việt Nam DCCC. Nhờ chức vụ cao của bác Hòe, đôi vợ chồng trẻ đã có một căn buồng khá rộng trong ngôi biệt thự 2 tầng do nhà nước cấp cho bác tại phố Nguyễn Du bên bờ hồ Thiền Quang, gần Đại Sứ Quán Nhật Bản mới mở ở Hà Nội.
Việc mở rộng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam DCCH với các nước tư bản phương Tây (sau Hiệp định Hòa bình Paris) đã tác động tích cực đến đời sống của anh họ Lục Nhất Tín của tôi. Khi ấy có nhu cầu tuyển dụng nhiều cán bộ phiên dịch tiếng Anh cho Đại Sứ Quán của các nước này. Do vậy, các bạn học cũ của anh Tín đang công tác trong ngành ngoại giao (vốn hiểu rõ trình độ Anh văn của anh), cùng các bạn chiến đấu cũ của anh đang công tác trong ngành công an (đủ thẩm quyền chứng nhận lý lịch cho anh về thành tích hoạt động nội thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp được thưởng huân chương) đã giúp anh từ bỏ nghề dạy học nghèo đói để chuyển công tác về “Cục phục vụ Ngoại giao Đoàn” thuộc Bộ Ngoại giao. Nhờ đó, Lục Nhất Tín đã trở thành nhân viên phiên dịch của Đại Sứ Quán Úc, rồi sang Đại Sứ Quán Bỉ tại Hà Nội. Được nhận lương cao với phương tiện vật chất đầy đủ do nước ngoài cung cấp, rõ ràng ông anh tôi đã đổi đời. Cùng với bộ comlê với giày da sang trọng, chiếc xe máy “Vespa” (made in Italy) mà anh được cấp đã thể hiện tư thế hơn hẳn của anh so với chiếc “Babetta” của ba tôi và chiếc “Balkan” của cậu Bính.
Trước đêm Giao thừa, lần đầu tiên má tôi nấu bánh chưng bằng nồi áp suất Liên Xô rất thuận tiện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cùng chất đốt, mà bánh vẫn rền và ngon chẳng kém gì khi nấu gần chục tiếng đồng hồ trong nồi nước sôi đốt bằng bếp củi.
Trong những ngày Tết yên vui thanh bình ấy, tôi được cậu Bính dẫn đi thăm cặp vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong căn phòng vẻn vẹn 9m2 ở một khu tập thể gần Chợ Hôm (Phố Huế). Tôi không thể tưởng tượng được rằng chính từ căn phòng bé tí này mà hàng chục vở kịch và hàng trăm bài thơ nổi tiếng của hai người đã ra đời để khuấy động đời sống văn hóa tinh thần suốt một thời. Tôi còn được cậu đưa đến thăm nhạc sĩ Tô Hải ở nhà riêng của ông trên một phố nhỏ yên tĩnh tại thủ đô, để ghi nhớ mãi hình ảnh đậm nét của tác giả những nhạc phẩm lừng danh “Nụ cười sơn cước” và “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy”. Cho đến cuối đời, nhạc sĩ Tô Hải đã xuất bản ở nước ngoài tác phẩm cuối cùng của mình là cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” để miêu tả cái thời mà ông cùng chúng tôi đã sống.
Sau tết, chúng tôi bước vào một giai đoạn công tác căng thẳng để hoàn thành các cuốn SGK theo kế hoạch của Trại Sách B. Nhưng Ban Phụ trách Trại còn giao thêm cho chúng tôi một nhiệm vụ quan trọng nữa: học Anh văn để có thể giao tiếp bình đẳng với các đồng nghiệp miền Nam khi được cử đi công tác trong đó.
Lớp học dành cho tất cả các cán bộ nghiên cứu-biên soạn, được đặt ngay tại cơ quan Trại. Giảng viên là một người đàn ông đứng tuổi thấp đậm với cặp mắt thông minh mà chúng tôi gọi là “thầy Tuân”. Không biết thầy mang họ gì; nhưng chúng tôi biết ông vốn là giáo sư Anh văn Trung học Đệ nhị cấp ở Huế, đã theo chính quyền cách mạng (tức “Việt Cộng”) từ hồi Tết Mậu Thân 1968, nay được Đảng đưa ra Hà Nội an dưỡng để chuẩn bị dùng ông cho các giai đoạn cách mạng sắp tới. Sau 5 năm hưởng tiêu chuẩn đặc biệt ngang với cán bộ “bìa C” chỉ để ăn không ngồi rồi, thầy rất vui khi được mời dạy lớp Anh văn của chúng tôi.
Theo thói quen, để chuẩn bị học, tất cả học viên chúng tôi đều mua cuốn “Sách học tiếng Anh” do Vũ Tá Lâm biên soạn (Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp xuất bản, dùng làm giáo trình chính thức cho sinh viên khoa Anh các trường đại học). Nhưng thầy Tuân hầu như không dùng đến sách này, mà chỉ giới thiệu cho chúng tôi cuốn “English for Today” (Tiếng Anh ngày nay) và cuốn “One Hundred English Sentences” (Một trăm câu tiếng Anh) xuất bản ở nước ngoài; rồi giúp chúng tôi tập trung vào từng bài học do chính thầy thiết kế.
Thầy không dành nhiều thời gian để giảng về cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh, mà đặc biệt chú trọng dạy phát âm, rồi bắt chúng tôi thực hành rất nhiều theo các mẫu câu về nghe (qua máy ghi âm), nói (với thầy và các bạn) và viết (từ câu ngắn đến câu dài). Thầy giải thích rất kỹ những khái niệm và thuật ngữ chuyên dụng, để giúp chúng tôi sử dụng cho đúng. Chẳng hạn, với thuật ngữ “Department Store”, thầy nêu thí dụ là “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội”, nhưng cũng giải thích thêm rằng loại cửa hàng ấy ở nước ngoài và ở miền Nam thì hàng hóa phong phú hơn nhiều, mà người mua không phải xếp hàng hay xuất trình “tem, phiếu” gì cả. Nhân đó, thầy cung cấp thêm cho chúng tôi khái niệm “Super Market” là loại doanh nghiệp thương mại hiện đại nhất ở các nước tiên tiến, lớn hơn “Bách hóa Tổng hợp” nhiều, và đã xuất hiện ở Sài Gòn khi ấy. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến “Siêu Thị” như một khái niệm trừu tượng.
Để giảng về “United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland”, thầy đã nhờ tôi vẽ tấm bản đồ chính trị lớn của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, để treo nó lên bảng mà giải thích về các xứ Scotland, Wales, England và Northern Ireland trong đó.
Tôi còn có dịp hỏi thêm thầy về phương pháp “trắc nghiệm” (test) mới lạ bắt đầu được áp dụng trong các trường học của VNCH, và về cuốn tiểu thuyết “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng đang bị các cây bút của Đảng ta xếp vào loại“văn học đồi trụy của chủ nghĩa thực dân mới”.
Phương pháp giảng dạy của thầy thật mới và rất hay, khiến tôi chỉ học trong một năm mà đạt được trình độ Anh văn ngang với trình độ Nga văn mà mình đã học gần mười năm ở trường phổ thông và đại học. Thầy Tuân chính là một trong những người thầy in dấu ấn đậm nét trong cuộc đời học tập của tôi. Tiếc rằng sau ngày rời khỏi Trại Sách B, tôi không còn dịp nào được gặp lại thầy nữa. Chỉ có lần tôi nghe đồn rằng Đảng ta đã phát hiện thầy chính là người được Cục Tình báo Trung ương (CIA) cài cắm vào hàng ngũ cách mạng để tuyên truyền phá hoại (?). Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng tôi vẫn nhớ mãi công ơn của thầy.
Trong năm 1974, tôi gặt hái được nhiều thành công, không chỉ trong việc học Anh văn, mà cả trong việc biên soạn SGK cho Trại Sách B. Tôi đã hoàn thành trọn vẹn bản thảo cuốn “Lịch sử lớp 5 phổ thông”, tham gia biên soạn cuốn “Lịch sử lớp 11” (cùng các tác giả Nguyễn Anh Thái và Nguyễn Xuân Trúc) và cuốn “Lịch sử lớp 12” (cùng các tác giả Hoàng Trọng Hanh và Nguyễn Kiên). Bản thảo các SGK này đã được đưa sang Trung Quốc in để phát hành dưới danh nghĩa “Nhà Xuất bản Giáo dục Giải phóng”.
Tôi còn đánh máy bài “Bài tập làm việc độc lập của bộ môn lịch sử” gửi cho Tạp chí “Nghiên cứu Giáo dục” và được Ban Biên tập Tạp chí hoan nghênh (nhưng chẳng hiểu vì sao họ vẫn không đăng!).
Đến cuối năm, Đảng ta đẩy mạnh phong trào “Chống Tham ô - Lãng phí - Quan liêu”, trong đó mọi cán bộ - đảng viên từ trên xuống dưới đều phải kiểm điểm nghiêm khắc bản thân mình để cơ quan báo cáo lên trên.
Toàn thể cán bộ nhân viên Trại Sách B được tập trung nghe đọc Bản kiểm điểm của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho (em ruột đại tướng Võ Nguyên Giáp) để làm gương cho mọi người. Thứ trưởng đã nghiêm khắc kiểm điểm trên 2 vấn đề: “Vấn đề mật ong thứ nhất” (khi ông lên thăm một tỉnh miền núi được các cán bộ lãnh đạo tỉnh này kính biếu một lít mật ong rừng quý hiếm); và “Vấn đề mật ong thứ hai” (khi ông đến thăm một tỉnh vùng cao khác lại được kính tặng 1,5 lít mật ong quý hiếm khác). Rõ ràng những món quà quý hiếm này nằm ngoài tiêu chuẩn “Bìa B” của Thứ trưởng, nên khi nhận nó, ông đã phạm khuyết điểm tham ô, khiến cán bộ trong ngành giảm sút niềm tin đối với lãnh đạo. Để sửa chữa khuyết điểm, Thứ trưởng đã trao tặng toàn bộ số mật ong đó cho một bệnh viện nhằm dùng nó bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân.
Noi gương Thứ trưởng Nho, tất cả chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc, với kết quả hầu như không có ai mắc khuyết điểm tham ô nào (bởi vì chẳng có ai tặng chúng tôi những món quà quý hiếm). Nhưng rồi đã có một trường hợp vi phạm rõ ràng; và tiếc thay, đó lại là trường hợp của má tôi!
Số là, từ cơ quan ngoại giao của mình tại Algeria, em Hùng tôi đã gửi về nước biếu ba má một gói “mì chính cánh” nặng tới 0,5kg. Đúng là một món quà quý mà gia đình không thể dùng hết; má liền quyết định mang bán nó cho bọn “con phe” luôn sẵn sàng mua với giá cao. Nhưng đúng lúc hai bên đang trao hàng và nhận tiền, thì công an ập đến bắt quả tang hai kẻ mua bán trái phép. Má tôi ra sức thanh minh rằng số mì chính này do con mình gửi về cho bố mẹ, vì không dùng hết nên đem bán lại, chứ chẳng phải là hàng buôn lậu. Nhưng công an không thèm nghe, cứ lẳng lặng lập biên bản sự việc buộc 2 bên đương sự ký vào, rồi tịch thu tang vật và chứng minh thư của má gửi về Trại Sách B để cơ quan xử lý. Chi bộ Đảng của Trại đã họp kiểm điểm và ra quyết định khiển trách đồng chí Phùng Thị Thảo. Mặc dù gói “tang vật” và chứng minh thư đã được hoàn trả cho người vi phạm, nhưng má tôi rất buồn với án kỷ luật này, khiến cho cả nhà cũng buồn lây.
Nỗi buồn của gia đình chúng tôi chỉ được khỏa lấp khi hai anh em Trần Trọng Triệu và Trần Trọng Phương ở Hải Phòng lên Hà Nội và đến thăm chúng tôi tại nhà C9 khu tập thể Kim Liên. Trong chuyến đi này, Phương mặc quân phục, chứng tỏ rằng đây là kỳ nghỉ phép để đi thăm bà con họ hàng và bè bạn thân thiết của cậu ấy trước khi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Triệu cũng xin nghỉ phép để cùng đi với em trai. Nhận thấy Triệu đã có cặp kính cận mới để sử dụng trong chuyến đi này, tôi cảm thấy an tâm khi nhớ lại vụ mất kính của Triệu trong lúc xếp hàng mua vé xem phim cho tôi ở Hải Phòng mấy năm về trước.
Ba má tôi nồng nhiệt đón tiếp Triệu-Phương bằng mấy bữa ăn ngon; còn tôi đưa hai bạn đi thăm những danh lam thắng cảnh và các bảo tàng ở thủ đô Hà Nội. Nhờ có chiếc máy ảnh “Smena” do em Hùng tặng, tôi đã ghi lại được một số hình ảnh để kỷ niệm chuyến đi “lịch sử” của anh em Triệu-Phương ngày ấy.
LÊ VINH QUỐC