NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHÁC THẢO MỘT CHÂN DUNG GHÉP MẢNH

( 08-09-2013 - 10:16 AM ) - Lượt xem: 1370

Những thông tin “chính thống” về ông không nhiều. Tác phẩm của ông để lại cũng rất ít. Bởi vậy, lớp hậu sinh như chúng tôi ít biết về ông. Dẫu là người chịu khó đọc, tôi cũng chỉ biết ông là Trưởng ban Tổ chức Lễ Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945. Nhìn ngắm quang cảnh Lễ đài và xem những thước phim hiếm hoi về ngày lễ ấy, bất cứ ai cũng phải xúc động và cảm phục. Thật hoành tráng và hào hùng. Sau đó, được biết tất cả khối công việc đồ sộ ấy chỉ được chuẩn bị gấp rút trong vòng bốn ngày, không có bất cứ thứ gì trong tay. Thế mới biết tài tổ chức, vận động quần chúng của Nguyễn Hữu Đang phi thường như thế nào…

 

 

Nguyễn Hữu Đang, ông là ai?

 

Những thông tin “chính thống” về ông không nhiều. Tác phẩm của ông để lại cũng rất ít. Bởi vậy, lớp hậu sinh như chúng tôi ít biết về ông.

 

Dẫu là người chịu khó đọc, tôi cũng chỉ biết ông là Trưởng ban Tổ chức Lễ Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945. Nhìn ngắm quang cảnh Lễ đài và xem những thước phim hiếm hoi về ngày lễ ấy, bất cứ ai cũng phải xúc động và cảm phục. Thật hoành tráng và hào hùng. Sau đó, được biết tất cả khối công việc đồ sộ ấy chỉ được chuẩn bị gấp rút trong vòng bốn ngày, không có bất cứ thứ gì trong tay. Thế mới biết tài tổ chức, vận động quần chúng của Nguyễn Hữu Đang phi thường như thế nào…

 

Nhưng sau đó, số phận của một “yếu nhân” như thế ra sao? Cuộc đời của ông như bị chìm lấp trong bóng tối.

 

Tôi cũng đã được đọc đó đây những bài viết, những hồi ức về ông, nhưng cũng chỉ là tình cờ và lõm bõm. May mắn thay, là thành viên CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tôi có trong tay cuốn sách Nguyễn Hữu Đang - trang viết, trang đời, do Nguyễn Huy Thắng biên soạn, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng xuất bản.

 

                                                *

Sách chia làm hai phần: “Các tác phẩm, bài viết của Nguyễn Hữu Đang” và “Các bài viết về Nguyễn Hữu Đang”.

Người biên soạn đã dày công sưu tầm, tập hợp được một số văn bản về Nguyễn Hữu Đang như một tác giả. Rất tiếc là không nhiều lắm. Bởi ông ít viết hay các tư liệu đó đã bị thất lạc ? Tuy nhiên, qua những trang sách này cũng toát lên được nhiều quan điểm của ông với cách mạng, với văn hóa, với nhân dân. Đó là những quan điểm tiến bộ, sáng suốt, có nhãn quan đổi mới, luôn đi phía trước.

 

Thật ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ viết về đường lối giáo dục được ông viết ra từ khi cách mạng chưa giành được chính quyền (6-1945): “Phương pháp mới sẽ hoạt động trong lớp học, vai chính nói nhiều, hoạt động nhiều, sẽ không còn là thầy giáo mà phải là học sinh, bài học sẽ không còn là một bài giảng đạo, mà phải là một cuộc tìm tòi, nghiên cứu thú vị có tất cả lớp tham dự, dưới sự chỉ đạo của ông thầy. Phương pháp mới sẽ thiết thực: đầu đề các bài học là những vấn đề thực tế và mục đích những bài học cũng là thực hành. Người học trò nhờ vậy sẽ được dần dần đưa đi khám phá cuộc đời thực ở chung quanh mỗi ngày một sâu hơn, rộng hơn, chứ không còn bị u mê trong những lý thuyết giữa trời lơ lửng”. Những ý tưởng ấy cho đến bây giờ vẫn đúng và càng đúng khi mà nền giáo dục chúng ta ngày nay chưa làm được.

 

Về văn học, nghệ thuật: “Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời” (cùng viết với Nguyễn Đình Thi).

 

Bàn về việc sửa đổi Hiến pháp 1946, từ năm 1956 ông đã viết; “Ở đây tôi chỉ muốn quả quyết một điều là dù hiến pháp có được ban bố về nội dung như thế nào chăng nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn không thể thay đổi so với Hiến pháp 1946. Vì đó là một điều kiện “không có không được” của một chính thể dân chủ”. Ở chỗ khác ông viết; “Một nền pháp trị đầy đủ sẽ là một bảo đảm vững chắc cho tinh thần dân chủ của chế độ ta. Nó sẽ là đường “rày” cho đoàn xe lửa chở dân tộc ta chạy lên chủ nghĩa xã hội thật nhanh mà không trật bánh”.

 

Nguyễn Hữu Đang không viết văn, cũng không  là  nhà  phê  bình,

nhưng chỉ qua một số bài viết về các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Hiêm, chứng tỏ ông rất am hiểu thấu đáo về hội họa. Đặc biệt, khi giới thiệu tập thơ Xem đêm của Phùng Cung, ta lại thấy sự thẩm thơ của ông thật là sâu sắc. Bài thơ Ê ẩm của Phùng Cung chỉ có bốn câu:

 

                        Chợt nghe động trống

                        Trâu bò nhớn nhác

                        Dùi quật liên hồi

                        Ê ẩm tấm da khô.

 

Nghe Nguyễn Hữu Đang phẩm bình tự dưng thấy sởn cả gai ốc, vì chiều sâu của bài thơ và sự đồng cảm của người bình.

 

Nhưng dẫu sao, bằng ấy tác phẩm của tác giả, trong tôi vẫn chưa định hình được một chân dung của ông. Vẫn lơ lửng một câu hỏi: Nguyễn Hữu Đang, ông là ai?

 

                                                *

Chính phần hai của cuốn sách đã cung cấp thêm “những mảnh ghép” về chân dung của ông.

 

Hẳn nhiên ông là một nhà cách mạng sôi nổi. Con người ông toát ra một sức hút lạ lùng. Trong nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng khi đứng trước Nguyễn Hữu Đang thuở ban đầu đã thú nhận: “Nghe Đang nói chuyện, tự thẹn. Anh đã bộc lộ ngay từ bé một tính cách đặc biệt, hùng hổ và ngang tàng. Không sợ, khinh quyền thế, biến báo giỏi, biết thân phận mình, tin ở tài mình, đó là tính cách của một người giỏi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết cái giỏi ấy của ông nên khi giao cho ông tổ chức buổi lễ Độc lập trọng đại đã tin tưởng mà nói: “Có khó mới giao cho chú chứ”. Và Nguyễn Hữu Đang đã không phụ lòng tin ấy.

 

Phùng Quán (một người từng tuyên ngôn: “Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu”) đã cảm phục coi ông là một “hiệp sĩ”. Quả thật, Nguyễn Hữu Đang có phong cách hiệp sĩ, dám đứng mũi chịu sào.

Trong “vụ án” Nhân văn - Giai phẩm, nhiều nhà văn nhà thơ đứng tên trên mặt báo như Phan Khôi, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần… Nhưng chính Nguyễn Hữu Đang mới là người tổ chức, gánh vác đủ mọi điều. Và ông cũng là người chịu hậu họa lâu nhất, nặng nề nhất. Mà thực ra ông chẳng màng chút vụ lợi nào cho cá nhân, không có một chút động cơ “phản động” nào. Trong khi nhiều nhà văn được “giải oan” và còn được giải thưởng Nhà nước, thì xem ra ông vẫn chịu nhiều khuất lấp. Mặc dầu về sau ông có được “phục hồi”, được nhận lương hưu, được phân nhà ở, nhưng dù gì thì cũng đã “trắng tay”: vợ con không có, sự nghiệp nhỡ nhàng…

 

Có thể nói như Nguyễn Du, với Nguyễn Hữu Đang “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

 

Nhưng quay trở lại câu hỏi  “Nguyễn Hữu Đang, ông là ai” thì tôi vẫn chưa có lời giải đáp. Theo Phùng Cung và Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang có mấy “tư cách”: 1- Một nhà cách mạng; 2- Một nhà báo; 3- Một nhà lý luận phê bình văn nghệ; 4- Một nhà hoạt động xã hội; ngoài ra, ông còn là một nhà hoạt động văn hóa kiệt xuất.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc trước hết coi ông là “Vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập” và gọi ông là vị cách mạng lão thành, người hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ nổi tiếng. Nhà thơ Lê Đạt cũng khẳng định: “Khi nói đến tiếng Việt, người ta không thể quên được Nguyễn Hữu Đang”. Rồi nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khi viết vào sổ tang ông, cũng đành liệt kê:

                        Ông Nguyễn Hữu Đang là ai?

                        Ông truyền bá quốc ngữ

                        Ông tổ chức ngày Độc lập 2-9-1945

                        Ông làm Nhân văn - Giai phẩm

                        Ông đã sống và đã chết Một Con Người

                        “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”

Nền tự do dân chủ của nước Việt sẽ có ghi tên Ông. Âu đó cũng là một lời “tổng kết” về một nhân vật của lịch sử.

 

Đấy là về mặt chân dung “tính cách” hay như Phùng Quán gọi là “tư cách”. Vậy còn chân dung hình thức của ông như thế nào?

 

Khi đọc ít nhiều về Nguyễn Hữu Đang, tôi mường tượng ông là một “hiệp sĩ” ngang tàng, cao lớn, oai phong lẫm liệt, tiếng nói sang sảng. Một người hùng có thể dẹp yên, thuyết phục được đám đông đang cuồng nộ trước những tù binh Tây đầm. Nhưng nhìn kỹ những bức di ảnh thì ra ông là một người thanh niên tầm vóc nhỏ, đến khi về già càng nhỏ bé hơn. Gương mặt ông hằn sâu những suy tư, trăn trở, những nỗi niềm. Nhưng từ con người nhỏ bé ấy toát ra một sức mạnh kỳ lạ có thể thuyết phục được mọi người. Sức mạnh ấy xuất phát từ chính con tim suốt đời dâng hiến đến quên chính mình. Đó mới là tầm vóc thực của ông.

 

Bây giờ, ông đã là người trải qua “trăm năm trong cõi người ta”. Giả sử như ông có được truy tặng một danh hiệu cao quý, một huân chương hay giải thưởng gì đó như một số nhân vật Nhân văn - Giai phẩm đi nữa, thì cũng vô nghĩa đối với ông.

 

Nhưng dù sao,  vẫn mong mỏi một ai đó vẽ một bức chân dung, tạc một pho tượng về ông – một Con Người xứng đáng để được tôn vinh.

 

Cuốn sách Nguyễn Hữu Đang - trang viết, trang đời chưa thể đem lại cho ta một bức chân dung trọn vẹn về ông, nhưng dù sao cũng là một phác họa ghép mảnh về ông.

 

Tôi muốn cảm ơn người biên soạn Nguyễn Huy Thắng và CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã kịp thời cho ra cuốn sách này, hoàn toàn chỉ vì lòng kính trọng đối với con người xứng đáng ấy.

 

                                                            NGUYỄN NHƯ MAI

 

VỀ MỘT ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

 

LÊ VINH QUỐC

 

Cách nay hơn một con giáp, có thể là vào năm 1998, một tờ báo lớn xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh (có lẽ là tờ “Lao Động”) đăng nhận xét về người Việt Nam của một chuyên gia nước ngoài, thuộc một tổ chức quốc tế công tác tại nước ta. Tôi không nhớ tên vị chuyên gia đó, cũng không nhớ ông là người nước nào, nhưng lời lẽ của ông thì tôi nhớ mãi, gần như đã thuộc lòng. Tôi xin mạnh dạn dùng dấu ngoặc kép để viết lại lời nhận xét đó:

 

 “Người Việt Nam rất tài giỏi, họ có thể làm gì cũng được. Nhưng họ không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo. Họ thường nói ‘căn bản hoàn thành’, nhưng họ không biết rằng, với một công việc đã hoàn thành 99%, thì tai họa sẽ phát sinh từ 1% còn lại đó.”

 

Sự tài giỏi của người Viêt Nam thì đã rõ, đồng bào ta luôn tự hào về phẩm chất này của mình, và người nước ngoài cũng phải thừa nhận, vì có rất nhiều trường hợp để chứng minh cho tài năng của người Việt. Nhờ đó, chúng ta cũng có những sản phẩm hoàn hảo, chẳng hạn như những gì được tặng danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng như nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng điều cần quan tâm chính là ở nhận xét về một  nhược điểm rất nặng: “Không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo”. Sự thật có đúng như vậy không? Câu trả lời phải được đưa ra từ thực tế. 

 

1. Trong lúc thưởng thức các tác phẩm văn học- nghệ thuật Việt Nam, rất hiếm khi độc giả hay khán thính giả được tận hưởng khoái cảm về cái đẹp hoàn hảo. Rõ nhất là với phim truyện, người ta luôn gặp phải những “hạt sạn” khiến cho đa số khán giả không thể kiên nhẫn ngồi xem đến cùng. Trong một lĩnh vực thâm nghiêm như giáo dục, tưởng chừng  mọi sự đều phải hoàn hảo, nhưng thực tế không phải vậy. Chưa nói đến các vấn đề trừu tượng và cao siêu như chương trình học hay chất lượng dạy học qua các văn bằng, chỉ cần đọc các cuốn sách giáo khoa phổ thông với một trình độ chuyên môn vừa phải là có thể phát hiện hàng loạt sai sót tai hại. Đề thi luôn được soạn thảo kỹ lưỡng và bảo quản nghiêm mật, ấy vậy mà những đề tồn tại ít nhiều sai sót không phải là hiếm, và chuyện lộ đề để phải tổ chức thi lại cũng chẳng phải là những trường hợp cá biệt. Còn gì cần chặt chẽ và chính xác hơn pháp luật? Vậy mà luật pháp nước ta luôn bộc lộ những lỗ hổng để có thể “lách luật”, giúp cho không ít tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt của công lý, nhưng lại khiến một số người lương thiện bị đi tù, có khi còn phải lãnh án tử hình! Thiên chức trị bệnh cứu người của ngành y tế đòi hỏi các bác sĩ phải hướng tới sự hoàn hảo và chính xác tuyệt đối. Nhưng ở nước ta, những trường hợp sai sót và bất cập trong điều trị thường xuyên diễn ra. Vì thế, mặc dù trình độ chuyên môn của các bệnh viện Việt Nam không thua kém bao nhiêu, nhiều bệnh nhân vẫn sẵn sàng chấp nhận tốn kém để ra nước ngoài điều trị.

 

2. Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, không kể những hàng giả, hàng dỏm hàng nhái mà bọn bất lương làm ra để kiếm tiền bất chính, số sản phẩm chính hiệu khiến khách hàng yên tâm, hài lòng và thỏa mãn với thị hiếu của mình chỉ có rất ít. Khi chọn mua một thứ thực phẩm đang bày bán trên thị trường, người tiêu dùng luôn phải tự hỏi: “dùng cái này liệu có bổ dưỡng thật không, hay sẽ bị nhiễm độc”. Khi có những loại thực phẩm được đem đi xét nghiệm, thì đa số chúng luôn có kết quả “không đạt yêu cầu”. Mua được một sản phẩm may mặc ưng ý của Việt Nam, người tiêu dùng cần sẵn sàng sửa chữa nó khi khuy nút bị bung ra hoặc dây kéo có vấn đề. Để mua được hàng kim khí điện máy giá rẻ, người tiêu dùng chọn mặt hàng “made in Vietnam” và phải lường trước rằng đến một lúc nào đó nó sẽ hỏng hóc ở một chi tiết bất kỳ. Cùng một nhãn hiệu xe máy của hãng Honda, nhưng khách hàng vẫn chuộng loại được sản xuất tại Nhật Bản, rồi đến loại được xuất xưởng ở Thái Lan hay Indonesia. Còn những xe được lắp ráp tại nước ta thì không được tín nhiệm bằng, vì người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù rất yêu nước, đã có kinh nghiệm về các sản phẩm do đồng bào mình sản xuất. Hệ thống máy rút tiền qua thẻ ngân hàng ATM của Việt Nam hiện nay chẳng khác gì hệ thống đó ở các nước tiên tiến. Nhưng khi đưa thẻ vào máy rút tiền ở nước ta, quý khách hàng luôn phải đề phòng nguy cơ bị điện giật. Các cột đèn trong thành phố Việt Nam cũng giống như ở nước ngoài. Nhưng khi đường phố bị ngập nước trong những cơn mưa lớn, thì sự khác biệt ở nước ta đã xuất hiện: một số khách bộ hành hoặc người đi xe đã mất mạng khi đến gần cột đèn vì có điện rò rỉ. Những chiếc đồng hồ tháp thường nổi bật trong quang cảnh đô thị ở các nước. Nhưng chỉ riêng Việt Nam mới có loại đồng hồ 4 mặt chỉ 4 giờ khác nhau ở một múi giờ trong cùng một thời điểm.

 

 3. Hàng loạt công trình xây dựng ở nước ta có thể xếp vào loại “căn bản hoàn thành”. Nhiều trường học xây xong, nhưng khu vực vệ sinh của chúng không tương xứng với nhu cầu sử dụng hoặc quá tồi tệ, khiến cho học sinh luôn bị căng thẳng khi phải hạn chế tối đa hoạt động bài tiết của cơ thể. Những ai mua được căn hộ cao cấp trong các cao ốc hiện đại đừng vội mừng rằng mình sẽ được hưởng ngay mọi tiện nghi xứng đáng với số tiền đã bỏ ra. Sau khi “chìa khóa trao tay”, rất nhiều chủ các căn hộ hiện đại đó đã phải chi thêm tiền để sửa chữa hệ thống điện nước và những trang thiết bị khác, kể cả việc lát lại sàn nhà . Rất nhiều công trình vừa mới khánh thành đã bị nứt lún hay phát sinh những lỗi kỹ thuật khác, kể cả những hạng mục tầm cỡ như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

 

Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất phải kể đến các công trình thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Các đường cao tốc mới xây dựng của ta không thua kém bao nhiêu so với những đường cùng loại ở nước ngoài. Nhưng mới đưa vào sử dụng chẳng bao lâu thì tốc độ lưu thông xe cộ trên đường không còn cao như dự kiến, vì có sự xuất hiện bất ngờ của hàng loạt ổ gà với cả ổ voi. Cầu mới Thăng Long bắc qua sông Hồng còn hùng vĩ hơn cầu cũ Long Biên danh tiếng. Nhưng nếu như cây cầu cũ do người Pháp làm đứng sừng sững hàng trăm năm không suy suyển (và chỉ bị gãy vì trúng bom Mỹ trong chiến tranh), thì cầu mới do ta xây dựng trong hòa bình luôn xuất hiện những vết nứt khó hiểu, phải dặm vá nhiều lần. Cũng bắc qua sông Hồng, cây cầu Vĩnh Tuy “rộng nhất Việt Nam” mới khánh thành tháng 9- 2009, đến tháng 4-2012 đã xuống cấp với những khe nứt và mặt cầu hư hỏng từng đoạn dài phải sửa chữa gấp; cây cầu mới Thanh Trì cũng trong tình trạng tương tự. Đường phố tại các đô thị lớn nhất nước ta không chỉ có các ổ gà và nhiều sự gồ ghề khác, mà còn có cả những “hố tử thần” sẵn sàng nuốt chửng xe máy và cả xe hơi. Vỉa hè cũng không được bền lâu, với rất nhiều chỗ phải bóc ra để lát lại gạch, làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn chưa ổn. Các sân bay quốc tế của Việt Nam cũng hoành tráng và hiện đại như các phi trường của nước ngoài. Tuy nhiên, một số sân bay của ta lại bị dột, phải lấy thùng ra hứng nước mưa ngay trong những đại sảnh sang trọng; nhiều nơi còn thiếu cả hệ thống đèn chiếu sáng đường băng, một công cụ liên quan đến sinh mạng của biết bao nhiêu người, khiến cho dư luận phải than rằng “đã tậu được trâu nhưng không mua nổi dây thừng (để buộc nó)”(!). Tại cuộc Hội nghị Tổng kết của Bộ Giao thông-Vận tải ngay đầu năm 2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thốt lên rằng: “Tôi đi kiểm tra 5-6 công trình, thì  ở đâu cũng có vấn đề!”.

 

Công trình lớn được dư luận quan tâm nhiều nhất trong năm 2012 thuộc về nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Công trình này mới khánh thành đầu năm 2011 thì đến tháng 3-2012 đập nước chính của nó đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, khiến lượng nước dự trữ khổng lồ chảy mạnh qua các khe nứt, báo hiệu một nguy cơ vỡ đập mặc dù cơ quan hữu trách đang ra sức hàn gắn. 

 

 4. Đêm rạng ngày 24-2-2013, một vụ nổ khủng khiếp đã bùng lên phá tan căn nhà số 384/9 cùng hai nhà liền kề ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc P.8, Q.3 TP. Hồ Chí Minh, làm 10 người chết tại chỗ, trong đó có toàn bộ gia đình một chuyên gia về cháy nổ đang phục vụ ngành Điện Ảnh Việt Nam. Nguyên nhân tai họa thương tâm này đang được điều tra để có kết luận chính xác; nhưng dư luận đã chỉ rõ rằng kỹ thuật cháy nổ của Điện Ảnh Việt Nam tiềm ẩn đầy nguy cơ và không giống với bất cứ nước nào trên thế giới; còn vị chuyên gia tội nghiệp ấy tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng chắc rằng đã có sai sót trong việc tàng trữ chất nổ, để biến mình thành thủ phạm đồng thời là nạn nhân đau đớn của tai họa kinh hoàng này.

 

Danh mục thống kê về những sản phẩm “căn bản hoàn thành mà để dành 1% cho tai họa” của tôi ngày càng dày đặc dữ liệu mà không hề có dấu hiệu giảm bớt. Vì vậy, tôi phải cay đắng mà thừa nhận rằng nhận xét của vị chuyên gia nước ngoài nêu trên là hoàn toàn chính xác về một nhược điểm đã trở thành đặc tính của dân ta. Đặc tính ấy đã góp phần quan trọng trong việc giải thích tại sao dân ta tài trí và thông minh như vậy, mà nước ta phấn đấu mãi mới đạt tới ngưỡng của một quốc gia đang phát triển ở trình độ trung bình.

 

Nhận xét này đặt ra một vấn đề mà dân ta cần xem xét và giải quyết.

 

 

 

Tranh dân gian Việt Nam « Tứ Khoái”

Các Bài viết khác