NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỌC “ĐOÀN BINH TÂY TIẾN” CỦA QUANG DŨNG

( 28-11-2019 - 04:03 PM ) - Lượt xem: 1939

Hơn 70 năm đã trôi qua từ khi bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng ra đời (1947), khẳng định một vị thế đặc biệt của thi phẩm này trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, và thời gian, như một vị quan tòa công minh, chỉ mài giũa thêm cho viên ngọc quý đó trở nên long lanh vô giá, bất chấp mọi lời dèm pha đàm tiếu xuất phát từ cái nhìn thiển cận và đầu óc hẹp hòi, đố kỵ của một vài người nào đó.

 Nhà phê bình văn học tài hoa Khuất Bình Nguyên trong tập Chân dung văn học và Đàm luận văn chương mang tên “Giọt nước trong lá sen” (NXB Hội Nhà văn, 2016) đã mạnh dạn đưa ra một nhận định rất đáng chú ý về nhà thơ xứ Đoài: “Có lẽ trong thơ kháng chiến thời hiện đại kể từ năm 1945 đến gần hết thế kỷ XX hình tượng người lính cùng với thi ca đã đi hết chiều dài thời gian của thế kỷ như là một nhân vật huyền thoại đầy bi tráng của thời đại. Nhưng chỉ có hai thi sĩ Quang Dũng với ‘Tây Tiến’ và Huỳnh Văn Nghệ với ‘Nhớ Bắc’ đã miêu tả người lính của thời đại mới đầy chất kiêu sa cổ điển giống như những hiệp sỹ cưỡi ngựa đi hết 10 thế kỷ trong cuộc trường chinh giữ gìn nền độc lập” (tr. 72).

 Bởi thế, khi đọc “Tây Tiến”, các thế hệ độc giả của chúng ta, nhất là các bạn trẻ sinh ra sau khi đất nước đã sạch bóng quân thù, rất muốn biết hoàn cảnh ra đời của thi phẩm đặc sắc đó, cũng như những gì đã thôi thúc nhà thơ sáng tạo nên những hình tượng bi hùng lãng mạn hào hoa bất hủ về một đoàn quân đầy khí thế và chính ông cũng là một trong những người tham gia chủ chốt của “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùng / Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

 May mắn thay, mới đây, những người có con mắt xanh của Nhà xuất bản Kim Đồng đã hiểu thấu sự khao khát ấy của bạn đọc, nên đã hợp tác với gia đình của cố nhà thơ Quang Dũng để cho ra mắt những người yêu mến ông tập Hồi ký hết sức có giá trị của ông (viết từ năm 1952) mang tên “Đoàn binh Tây Tiến” với phụ đề “Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào-Việt” (Hà Nội, 2019).

 Điểm nổi bật nhất bao trùm toàn bộ thiên Hồi ký là tác giả đã ghi lại một cách trung thực và tài tình bầu không khí hào hùng phấn chấn của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, khi toàn dân và toàn quân không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, sắc tộc… cùng đồng tâm hợp lực kết thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, nhất tề đứng lên chống bọn xâm lăng để bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ Quốc.

 Sự hăng hái nhiệt tình đó thể hiện trong quá trình xây dựng Đoàn Võ trang Tuyên truyền, tiền thân của Binh đoàn Tây Tiến sau này mà nòng cốt là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đầy cá tính, như nhân vật đại đội trưởng Vệ binh Trần Quang (đó chính là chân dung tác giả Quang Dũng), đoàn trưởng Hoàng Hải, trung đội trưởng Trung đội 2 Hoàng Diệu, tiểu đội trưởng Giang Sơn, chính trị viên Thụy Lan… Tham gia Đoàn Võ trang Tuyên truyền còn có đội Nhạc binh nổi tiếng được hình thành từ thời Pháp thuộc,  dưới sự chỉ huy của vị nhạc trưởng huyền thoại Đinh Ngọc Liên vốn được mọi người biết đến với nghệ danh quen thuộc là Quản Liên, những nhạc công tuy lớn tuổi nhưng vẫn hồ hởi cố gắng đeo trống vác kèn lễ mễ leo lên những ngọn núi cao chót vót “heo hút cồn mây, súng ngửi trời”, để đến với đồng bào dân tộc ở các bản làng heo hút vùng Tây Bắc xa xôi. Đặc biệt hơn nữa, ở đây còn có sự chung lưng đấu cật của cả một trung đội Pa thét Lào chưa nói sõi tiếng Việt nhưng sống rất cởi mở chan hòa với các chiến sĩ Việt Nam và sẵn sàng nằm gai nếm mật, chia ngọt sẻ bùi với đồng đội.

 Và quên làm sao được những tối lửa trại bập bùng, những điệu múa Lào duyên dáng, những đêm diễn kịch náo nhiệt trên sân khấu giữa miền sơn cước hoang vu với rất đông khán giả là đồng bào thiểu số thuộc các dân tộc Mường, Mán (Dao), Thái, Mèo, kể cả một số gia đình Hoa kiều sống lâu năm trên đất Việt.

 Làm sao kể hết được những thiếu thốn, những khó khăn gian khổ mà các chiến sĩ Tây Tiến phải nếm trải trên đường công tác và chiến đấu, trong quá trình xây dựng biên khu: “Người chiến sĩ ở miền Tây phải chống với hai kẻ thù một lúc: giặc và muỗi rừng, những trận sốt không đủ ký ninh uống, một viên ký ninh vàng thường đem pha loãng vào một cốc nước… chia nhau uống một hớp để lừa cơn… Trải qua một quá trình chiến đấu vô cùng gian lao, những người khỏe mạnh dai sức nhất cũng đã quỵ. Một đại đội thường đi nằm quân y mất đến tám tiểu đội. Còn độ hơn một tiểu đội thường phải chống với cả một đại đội địch có đủ vũ khí tối tân… Chốc chốc lại thấy một hai võng thương binh ở mặt trận về, máu rỏ dọc đường. Bông băng đã thiếu từ lâu…”(tr. 111).

 Thiên Hồi ký khép lại bằng cuộc chia tay lưu luyến của ba đơn vị trong Đoàn Võ trang Tuyên truyền: ngày mai mỗi bộ phận sẽ lên đường nhận nhiệm vụ mới trong tình hình mới. Song, những hình ảnh về hoạt động của Đoàn trong thời gian qua sẽ còn lưu lại mãi trong tâm trí của các chiến sĩ Tây Tiến và trong ký ức của độc giả.

 

 Riêng đối với cá nhân tôi, tập Hồi ký của Quang Dũng còn có một ý nghĩa đặc biệt: Không ít địa danh được nhắc tới trong tác phẩm này cũng rất gần gũi với tôi, vì chính tôi cũng đã từng sống ở đó hoặc đi ngang qua nơi ấy vào những năm đầu khói lửa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, tôi đã theo cơ quan Nha Giáo dục của cha tôi rời khỏi Thủ đô để tản cư ra Hà Đông rồi từ đó ngược lên Sơn Tây, đóng đô dăm tháng tại làng Hoàng Xá, gần chùa Thầy và núi Sài Sơn thuộc phủ Quốc Oai trước khi lộn về Hà Nam rồi đến Ninh Bình... Rất có thể tôi đã được vinh dự sống trên cùng một địa bàn với các chiến sĩ Tây Tiến trước ngày xuất quân, được các chú bộ đội cụa Hồ ấy dạy những bài hát mới vào quãng thời gian đầy biến động đó mà không hay. Lại nữa, giữa năm 1951, đoàn học sinh kháng chiến chúng tôi đã xuất phát từ Cầu Vàng thuộc huyên Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa, đã quốc bộ một mạch vượt qua quãng đường mấy trăm cây số, cũng trèo đèo lội suối băng rừng để lên tận vùng biên giới Cao Bắc Lạng qua Hòa Bình với những địa danh thân thuộc được miêu tả trong bài thơ “Tây Tiến” và trong tập Hồi ký của Quang Dũng như Sông Mã, Mai Châu, Chợ Bờ, Suối Rút…, và ban đêm cũng nghe tiếng beo gầm trong rừng sâu, cũng đốt đuốc đuổi cọp và chèo thuyền độc mộc vượt qua sông Đà tới Phú Thọ…

 Giờ đây, đã ở quá tuổi “xưa nay hiếm”, tôi xin gửi lời tri ân chân thành tới gia đình nhà thơ Quang Dũng và Nhà xuất bản Kim Đồng qua việc xuất bản tập Hồi ký quý báu Đoàn binh Tây Tiến đã giúp tôi làm sống lại chuỗi kỷ niệm xưa cùng với những năm tháng hào hùng không thể nào quên trong cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập của toàn dân ta cách đây gần một thế kỷ.

LÊ SƠN Sài Gòn 22 tháng Mười 2019

Các Bài viết khác